LỄ BẮC CẦU GIẢI OAN CHO NGƯỜI CHẾT ĐUỐI NHƯ THẾ NÀO - Tác giả: Đặng Xuân Xuyến

1 comment
(Nguồn ảnh: Internet)
LỄ BẮC CẦU GIẢI OAN
CHO NGƯỜI CHẾT ĐUỐI THẾ NÀO
*
(trích từ TÌM HIỂU VĂN HÓA TÍN NGƯỠNG
TRONG DÂN GIAN ; Đặng Xuân Xuyến ; Thanh Hóa ; 2007)

Đây là nghi lễ thờ cúng những vong hồn vất vưởng, không nơi nương tựa hoặc những người chết do tai nạn bất ngờ như đuối nước, tai nạn.... Lễ này nhằm dẫn độ linh hồn từ nơi lâm nạn về nương nhờ cửa Phật. Đối với người đuối nước, lễ bắc cầu giải oan rất được chú trọng.
Nghi lễ trọng thể này được cử hành với 11 hạng mục bắt buộc như sau:
1. Hai bàn thờ: 2 bàn thờ Hà Bá và Âm Phủ để dẫn hồn sứ giả và chủ hầu đặt trong một long đình với 2 chiếc mũ: Mũ trắng là mũ Hà Bá, mũ vàng là mũ Âm phủ. Thông điệp là dành cho sứ giả ngũ đạo tướng quân và đương cảnh thổ địa, yêu cầu các vị dẫn vong hồn vào thần phan. Bàn thờ đặt trên một bàn gỗ có ảnh hay bài vị của nạn nhân đuối nước.
2. Một chiếc gương chiếu: Gương dùng để khai quang, được đặt trên một tấm ván nhỏ, để trên đòn tay long đình.
3. Một cây kim tích tượng: Đây là cây gậy làm bằng gỗ, tín ngưỡng cho rằng cây gậy này làm rung chuyển cõi âm, tượng trưng cho dấu hiệu của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát.
4. Cây phan thần: Được làm bằng giấy hình chữ nhật, trên đầu có dấu ấn nhà Phật, tức là chữ "nén", chia làm 3 phần theo chiều dài. Phần giữa ghi tên họ, nghề nghiệp nạn nhân. Phần bên phải ghi ngày tháng năm sinh. Phần còn lại ghi ngày mất. Phía dưới thần phù chừa các chỗ trống ghi tên 3 vị thần trông coi theo thứ tự từ trái sang phải: Bành Cứ, Bành Kiên, Bành Chất. Dưới thần Bành Cứ có câu thần chú: Tam hồn câu chí (ba hồn đều tới). Dưới thần Bành Chất có câu thần chú: Thất phách cầu lai (bảy vía cùng lại), nếu người chết là đàn ông; còn nếu người chết là đàn bà thì "Cửu phách câu lai" (chín vía cùng đến).
Thần phan được buộc vào cây tre. Khi hồn nạn nhân được giải oan bắc cầu sẽ nhập vào cành phan dưới sự che chở của Bồ Tát - tượng trưng bởi cây kim tích tượng.
5. Hình nhân: Được làm bằng đồ mã dùng để thế mạng cho nạn nhân đã đuối nước một cách oan uổng. Ở trên ngực của hình nhân có dòng chữ: Hình nhân nhất tương thế mệnh X quý công húy Y (hình nhân dùng để thế mạng cho ông X, huý là Y). Khi buổi lễ kết thúc, hình nhân sẽ được ném xuống sông.
6. Một cầu vải: Còn được gọi là cầu hồn bắc từ sông lên nhưng không chạm mặt nước, đến tấm ván đặt gương khai quang. Cầu vải có 6 xà ngang bằng que tre.
7. Một chiếc thang bằng dọc lá chuối: Bắc vào cầu hồn, nơi xà ngang cuối cùng của cầu vải, chân thang ngâm xuống nước, vong hồn nạn nhân đuối nước sẽ theo thang này đi lên cầu vải.
8. Bảy lá cờ: Được làm bằng giấy, cắm dọc theo cầu vải ngay chỗ có các cọc để xà ngang bằng tre. Ở trên mỗi lá cờ đều ghi một lời chú hay lệnh của Địa Tạng Vương Bồ Tát cho Hà Bá và các sứ giả để đi tìm hồn vía nạn nhân đuối nước.
9. Một con thần kê: Còn được gọi là con gà trống, bị nhốt trong lồng đặt bên thần tượng, dưới cầu vải. Pháp sư cho gà nuốt 1 lá bùa để gà có phép linh tìm được vong hồn của nạn nhân đuối nước. Gà trống có đủ 5 đức tính tốt: vân - vũ - dung - nhân - tín nên khi gà trống đã nuốt bùa thì sẽ thành gà thần (thần kê).
10. Một nồi bùa: Là nồi đất có đậy vung ở trong đựng bùa. Trên vung chèn 1 hòn gạch nặng phòng mãnh lực trong nồi phát ra dễ gây tai nạn cho thân nhân người bị hại.
11. Một chiếc thuyền: Được neo ở bờ sông dùng khi làm lễ. Chiếc thuyền sẽ trở nồi bùa, hình nhân và thần kê ra giữa sông rồi ném xuống sông.
Người làm chủ lễ là pháp sư. Pháp sư và phụ tá ngồi trên 1 chiếc chiếu đặt bên phải bàn thờ, giữa bàn thờ với sông, hồ, nơi nạn nhân bị đuối nước. Còn gia chủ và thân nhân của người đuối nước ngồi trên chiếc chiếu khác cùng quay mặt về phía chủ lễ.
Khi vào lễ, pháp sư đọc sớ xin cho Hà Bá chiêu linh hồn nạn nhân đuối nước, sau đó một phụ tá đọc sớ chiêu hồn nạn nhân đuối nước và cuối cùng là sớ khấn vong hồn nạn nhân đuối nước.
Trong khi đọc sớ, pháp chú và phụ tá làm phép rồi hoá ngay sớ. Sau đó pháp sư dẫn vong hồn nạn nhân đuối nước vào cành phan. Tiếp đó là lễ khai quang sẽ làm hồn phách nạn nhân đuối nước trở lại sáng suốt.
Khi lễ khai quang kết thúc thì pháp sư và những người hành lễ xuống thuyền với hình nhân, nồi bùa và thần kê. Họ cho thuyền bơi quanh chỗ nạn nhân đuối nước lâm nạn, lúc này pháp sư cầm thần kê niệm chú còn phụ tá đánh trống rồi ném hình nhân và cả thần kê xuống sông.
Cuối cùng, pháp sư khấn cầu rồi ném nồi bùa xuống sông..

Mời thư giãn với nhạc phẩm CÁT BỤI
của Trịnh Công Sơn qua tiếng hát Khánh Ly:

. .....................................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.

1 nhận xét: