LÊ VĂN HƯU - nhà giáo, nhà sử học lỗi lạc - Tác giả: Nguyễn Xuân (Hưng Yên)

Leave a Comment
- LÊ VĂN HƯU - Nhà sử học lỗi lạc -
LÊ VĂN HƯU
- nhà giáo, nhà sử học lỗi lạc
*
Thầy Lê Văn Hưu (1230 - 1322) sinh ra tại hương Phủ Lý (nay là xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá). Ông là cháu 7 đời của Lê Lương - một hào trưởng nổi tiếng dưới thời Đinh Tiên Hoàng. Tổ tiên rất giàu có nhưng đến đời ông nội của Lê Văn Hưu thì dần dần sa sút, tuy vậy gia đình vẫn luôn tạo điều kiện để Lê Văn Hưu được học hành chu đáo. Lúc nhỏ ông nổi tiếng là rất thông minh. Năm 17 tuổi ông tham dự kỳ thi đại khoa và đã đậu đến Bảng nhãn (đứng thứ hai, sau Trạng nguyên Nguyễn Hiển và đứng trên Thám hoa Đặng Ma La). Sau đó ông được giao làm Pháp quan, ít lâu sau lại thăng lên làm Thượng thư bộ Binh. Đến đời vua Trần Thánh Tông, ông được bổ làm Học sỹ Viện Hàn lâm kiêm làm việc ở Viện Quốc sử...
Lê Văn Hưu được coi là nhà sử học đầu tiên của Việt Nam. Năm 1272 ông vâng lệnh vua soạn bộ "Đại Việt sử ký". Bộ sử này gồm 30 cuốn chép lại những sự kiện lịch sử tiêu biểu từ năm 207 trước Công nguyên đến năm 1224. Bộ sử này được đánh giá rất cao nhưng đáng tiếc là đến nay chỉ còn lưu lại được một ít trong bộ "Đại Việt sử ký toàn thư" của Ngô Sỹ Liên. Lê Văn Hưu cũng là người rất quan tâm đến địa lý. Ông thường đi du ngoạn các nơi để quan sát, ghi chép về tình hình đất đai, thổ nhưỡng. Ông cũng tham gia vào việc xem xét phong thuỷ địa lý...
Ngoài tư cách là một nhà sử học xuất sắc, Lê Văn Hưu còn nổi tiếng là một nhà giáo dục đại tài. Ông là thầy dạy Thượng tướng quân Trần Quang Khải và dạy cả Bạch Liêu (người đậu Trạng Nguyên khoa thi năm 1266). Ông được cử làm Thị độc Viện Hàn lâm giúp vua xem xét bài vở. Ngoài những học trò nổi tiếng trên ông còn tham gia bồi dưỡng rất nhiều lớp học trò làm quan trong triều. Trong những sách vở, những tấm bia đời sau khi chép về ông đều coi ông là bậc thầy giáo tài năng và người ta cũng nói rõ rằng điểm đặc sắc nhất trong tư tưởng giáo dục của ông là tinh thần dân tộc.
Lê Văn Hưu sống trên đời gần một thế kỷ, ông đã trải qua rất nhiều biến cố thăng trầm của triều Trần. Ông là người tham gia vào ba cuộc đấu tranh chống giặc Nguyên Mông nổi tiếng của dân tộc ta... vì vậy những kiến thức mà ông dạy cho học trò rất có ý nghĩa. Lấy cuộc đời, lấy lịch sử để dạy người, đó là điều làm nên phong cách giáo dục của ông.
* Bài giảng của Lê Văn Hưu về lịch sử Việt Nam
Thầy Lê Văn Hưu bước vào phòng, tất cả môn sinh đã có mặt đầy đủ, lại còn có thêm những nhân vật quan trọng trong triều đình cũng đến dự. Đây là Trần Quang Khải - vị Thượng tướng quân nổi tiếng của triều đình, người đã giúp đỡ thầy rất nhiều trong việc sưu tầm tư liệu để viết sách. Kia là Trạng nguyên Bạch Liêu - người học trò cũ mà thầy rất mực tin tưởng. Còn kia là cậu bé Trần Quốc Toản, tuy chỉ mới 6 tuổi nhưng đã sớm bộc lộ tinh thần dân tộc rất cao nên vẫn thường thích hỏi chuyện lịch sử nước nhà... Buổi gặp mặt hôm nay là một buổi họp đặc biệt do chính thầy Lê Văn Hưu chủ trì. Số là thầy vừa mới soạn xong bộ sử "Đại Việt sử ký" đang định trình lên vua. Trước khi trình cho vua ngự lãm, thầy muốn xem xét ý kiến của môn sinh, của những người danh tiếng để có thể hoàn thiện bộ sử. Đó là một hành động thực sự đáng khâm phục của thầy giáo, nhà sử học Lê Văn Hưu.
Thầy Lê Văn Hưu đưa tay đặt lên chồng bản thảo ở trên bàn rồi thong thả kể lại quá trình làm việc trong những điều kiện hết sức khó khăn bởi vì từ trước đến lúc bấy giờ chưa có một ai nghiên cứu về sử Việt Nam cả. Trước đó hoạ chăng chỉ có một vài ghi chép nhỏ chưa thể gọi là chính sử, vì vậy vai trò đặt ra cho Lê Văn Hưu rất nặng nề, có thể ông sẽ phải là người mở đầu cho nghiệp sử của nước nhà. Ý thức được điều đó, Lê Văn Hưu đã cố công sưu tập tài liệu của hơn 1500 năm để hoàn thành bộ sử đồ sộ này. Hoàn thành được bộ sách, có thể nói là một kỳ công. Việc làm của thầy Hưu quả thực là vĩ đại bởi nó giúp cho các thế hệ, các tầng lớp nhân dân hiện tại cũng như nghìn sau hiểu được sự nghiệp của tổ tiên để từ đó đưa đất nước phát triển...
Sau khi trình bày xong, Lê Văn Hưu đề nghị mọi người đề ra các câu hỏi tuỳ theo sự hiểu biết của mình để thầy giải đáp. Nếu lời giải thích được chấp nhận thì có nghĩa là vấn đề đó đã được thông qua và nếu còn có điều bất cập thì thầy sẽ sửa lại bản thảo. Lời đề nghị đó của thầy Lê Văn Hưu quả thật là sáng suốt, bởi nó kích thích được lòng ham hiểu biết của mọi người lại vừa thuận lợi cho việc hoàn thành bộ sách. Lời thầy vừa dứt, thì một nho sinh đã xin phép đứng dậy rồi hỏi:
- Thưa ân sư, con nghe nói hồi nước ta bị Đông Hán đô hộ, Hai Bà Trưng đã dựng cờ khởi nghĩa để cứu đất nước, trả thù chồng. thầy đánh giá như thế nào về sự kiện đó?.
Thầy Lê Văn Hưu gật đầu rồi nói:
Trò hỏi một câu rất hay. Quả thực đây là một sự kiện lịch sử vĩ đại. Hai Bà Trưng là phận nữ nhi thế mà chỉ cần hô một tiếng là đã tập hợp được lực lượng ở các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố cùng với 65 thành khác, đó là điều kỳ lạ. Vả lại, việc dựng nước xưng vương có thể làm như trở bàn tay, cho thấy đất Việt ta có thể làm nên nghiệp bá vương. Tiếc rằng, sau đó trong suốt gần 1000 năm Bắc thuộc có bao nhiêu bậc nam nhi đều phải bó tay làm tôi tớ, họ chẳng xấu hổ với Hai Bà Trưng hay sao?
Thầy vừa nói xong thì phía dưới nổi lên nhiều lời bình luận, có người nói: "Đề cao thì cũng đúng nhưng sao lại chê trách nam tử quá nhiều như vậy?", người khác lại nói: "Lịch sử là vậy biết làm sao được?"... Thế rồi có người đứng lên và hỏi:
- Dám thưa thầy! Hai Bà Trưng nổi lên chỉ có ba năm sau đó đất nước ta lại rơi vào cảnh nô lệ, con nghĩ tất cả đều là số trời. Vả lại sau đó có nhiều người nổi lên nhưng đều thất bại, con lại nghĩ rằng đó là do thời đại chưa cho phép nhân dân ta đủ sức chống ngoại xâm chứ không phải là nam nhi nước ta hèn kém?
Lê Văn Hưu bình tĩnh nói:
- Ta có thể đồng ý với con về điều đó. Nhưng chúng ta vẫn phải biết hổ thẹn, biết tự thẹn để làm được những việc trọng đại. Ngay trong cuốn sách này ta cũng đã viết: "Xem sử đến thời nước Việt ta không có vua, bị bọn thứ sử phương Bắc tham lam làm khổ... bất giác cảm thấy hổ thẹn và muốn tỏ lòng thành... nên thường thắp hương khấn trời, xin trời hãy vì nước Việt mà sớm sinh thánh nhân để chống lại bọn ngoại xâm và làm chủ nước nhà...".
Nghe thầy đọc xong, một nho sinh khác lại đứng dậy hỏi:
- Chúng con đã thấy rõ tấm lòng thành của thầy luôn cầu khẩn cho đất nước sớm sinh bậc thánh nhân. Con xin được phép hỏi thầy: Vậy nước ta xưa nay đã có ai xứng là thánh nhân chưa?
Lê Văn Hưu nghe xong, gật gù rồi giảng giải:
- Có chứ sao không? Những anh hùng dân tộc như Ngô Quyền, tuy chưa lên ngôi đế nhưng đã nối lại được dòng  chính thống của nước Việt ta; như vua Lê Đại Hành lập được nhiều chiến công lớn, dẫu là nhà Hán nhà Đường cũng không thể hơn được... Và nhất là vua Đinh Tiên Hoàng. Nhờ có tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời nên đương lúc nước Việt không có chủ, các hào trưởng cát cứ khắp nơi đã cất quân dẹp 12 sứ quân. Vua mở nước dựng đô, đổi xưng hoàng đế, đặt trăm quan, lập sáu quận xây dựng nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên có đầy đủ triều nghi, phẩm phục, có quân đội hùng mạnh... Có lẽ ý trời vì nước Việt mà sinh ra bậc minh chủ thánh nhân để nối tiếp quốc thống của Triệu Vương.
Lê Văn Hưu nói xong, cử toạ ồ lên thán phục, họ gần như đã bị thuyết phục trước những lời giảng giải của ông. Ai cũng thấy rõ tấm lòng thiết tha yêu nước và niềm tự hào dân tộc của ông. Bộ sử mà ông viết ra rõ ràng là một cuốn sách dạy cho toàn dân biết tự hào về quá khứ, biết mến yêu thêm lịch sử ngàn năm dựng nước, giữ nước hôm nay và mãi mãi về sau. Giá trị giáo dục của cuốn sách chắc chắn còn mãi vững bền...
Không khí chùng xuống một lúc, rồi bỗng có một vị quan đứng lên và nói:
- Những điều mà ngài vừa nói đã lý giải cho hạ quan nhiều điều, bộ sử của ngài chắc chắn sẽ có tác dụng lớn cho việc tôn vinh dân tộc, tôn vinh các anh hùng. Nhưng cũng xin phép được hỏi ngài: Đời xưa cũng như đời nay có bao nhiêu chuyện hay dở thị phi nhưng chép sử thì chỉ thấy tôn vinh, liệu như vậy phải chăng là hơi phiến diện?
Lê Văn Hưu lắng nghe rồi nghiêm trang đáp lời:
- Lời bàn của ngài quả là tinh tế, bút pháp của lịch sử phải là bút pháp công bằng, khách quan. Các sử gia phải biết tôn trọng công lý, tôn trọng đạo nghĩa mà không được phép thiên lệch, không bị chi phối bởi một quyền lực nào. Viết sử thì phải phân định đúng sai, khen chê rành mạch. Chuyện bên Trung Quốc, một gia đình sử gia kia chép đúng sự thực phê phán rạch ròi. Họ đã bị chém đầu hết người này đến người khác nhưng vẫn không thay đổi lập trường, không vì cái chết mà uốn cong ngòi bút. Hưu này biết rằng không thể sánh với người xưa nhưng về đạo đức và tư cách sử gia Hưu này không dám xem thường.
Vị quan tiếp lời:
- Ngài có thể nói rõ hơn được không?
Lê Văn Hưu nói:
- Xin sẵn sàng thưa ngài. Tôi chỉ xin nêu ra đây một ví dụ nhỏ. Chẳng hạn, khi chép về việc vua Lý Thần Tông ban thưởng quan chức cho kẻ dâng hươu trắng, tôi đã viết: "Phàm người xưa gọi là điềm lành là nói về việc được người hiền và được mùa ngoài ra chẳng có gì goị là lành cả. Huống chi chim quý, thú lạ không nuôi ở quốc đô, đó cũng là lời răn của tiên vương để lại. Thần Tông nhân việc Nguyễn Lộc và Nguyễn Tử Khắc dâng hươu trắng mà cho là điềm lành, lại còn ban tước cho Lộc, Khắc thì rõ ràng cả người thưởng lẫn người được thưởng đều là sai cả. Tại sao vậy? Thần Tông vì dâng thú mà cho quan tước, thế là lạm thưởng. Lộc và Khắc không có công mà nhận thưởng, như vậy là dối vua".
Lê Văn Hưu đọc xong, cử toạ lại một lần nữa được phen trầm trồ. Viên quan lúc nãy vội đứng dậy vòng tay cung kính:
- Ngài là sử gia mà cũng chính là quan ngự sử. Hai chức "sử" tuy khác nhau nhưng đã nhập làm một trong con người ngài. Hạ quan xin bái phục.
Lúc bấy giờ, mặt trời đã dần dần chếch xuống phía Tây. Thấy buổi giảng sử có vẻ đạt được như ý nguyện của thầy, Thượng tướng quân Trần Quang Khải đứng lên và nói:
- Chúc mừng ân sư đã hoàn thành được một công trình vĩ đại cho đất nước. Chắc chắn đây mới thực là cuốn sách dạy người, dạy đời, dạy những ai đang ngày đêm lo toan việc nước, dạy tất cả những thế hệ trong lịch sử trường kỳ của nước Đại Việt này. Xin ân sư hãy dâng lên cho quan gia để nhanh chóng cho in thành quốc bảo.
*
NGUYỄN XUÂN
Địa chỉ: Thôn Lạc Cầu, xã Giai Phạm
huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Email: phamchienthang1980@yahoo.com.vn
.


.




  ........................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 31.07.2015
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. .  

0 comments:

Đăng nhận xét