LỄ HỘI VÀ THÚ CHƠI THANH LỊCH
CỦA NGƯỜI HÀ NỘI XƯA
*
Nói đến ăn thì cũng phải nói đến cả chơi. Chơi ở
Hà Nội vẫn là một dạng chơi thanh lịch. Cũng như ở nhiều địa phương, có những
cuộc chơi giải trí và có cả những cuộc chơi ăn thua... Nhưng cái chơi ở Hà Nội
vẫn rất vừa phải, có mức độ nhất định. Rộn rã nhất là các trò chơi trong ngày
lễ hội. Còn nhìn chunh, cái chơi ở Hà thành không quá ào ạt, không “xả láng”.
Hà Nội vẫn giữ được nét thanh lịch của riêng mình.
Sở dĩ như thế, vì căn bản, Hà Nội vốn là kinh đô
của một nước có lịch sử đấu tranh liên tục và là một nước nông nghiệp lâu đời, đất
nước ta luôn phải cầm vũ khí chiến đấu, những tấm gương anh hùng, nghĩa sĩ có
nhiều. Vì thế lễ hội ở Hà Nội, đa số đều là lễ hội lịch sử. Các đền, chùa Hà
Nội đều thờ những vị anh hùng có võ công. Nét lịch là ở đó. Còn nét thanh thì
đi đôi với nét hùng. Một lễ hội như hội Gióng, có một quy mô hoành tráng đến
mức các nhà nghiên cứu và khách thăm quan nước ngoài phải kính phục.
Lễ hội Hà Nội còn là những hội ở làng ven đô. Về
vẻ bề ngoài, đó vẫn là hội hè lễ tiết mô phỏng theo lễ thức bẳt chước ở triều
đình, nhưng trong các hình thức nghi lễ và diễn xướng có nhiều lớp văn hoá của
nhiều thời đại quy tụ lại. Cái lịch là ở đây. Hội làng Hồ Khẩu có trò chơi bắt
chạch trong chum, hội làng Sóc Sơn có rước giò hoa tre...là dấu vết của tín
ngưỡng phồn thịnh. Hội Láng có đốt pháo thờ là nghi lễ cầu sấm, lễ mộc dục, đua
thuyền là di tích của lễ hội cầu mưa. cả những hình thức, những quy cách đi
lại, động tác biểu diễn khi hành lễ...đều có nguồn gốc thờ thần mặt trời. Một
đặc điểm nữa là do điều kiện được diễn ra ở kinh thành, nên quy mô lớn lao hơn
cả về không gian và thời gian. Hội Gióng diễn ra trên khắp năm làng. Hội Rước
vua sống ở làng Nhội (Cổ Loa) tràn ra khắp núi, khắp đồng. Hội bơi làng Đăm là
suốt chiều dài sông Nhuệ. Tất cả tạo nên nét yên bình, thanh tao cho diện mạo
văn hoá Hà thành.
Cũng qua các lễ hội, nhất là phần hội, cái tao
nhã tài hoa của người Thăng Long - Hà Nội được thể hiện khá rõ. Ta thấy có hát
ca trù, hát trống quân ở các hội như đình Thượng Lão (Xuân Canh, Đông Anh); hội
đền Phủ Đô (Mễ Trì, Từ Liêm); hội Bà Giã (Phú Gia, Tây Hồ); hội Cống Yên (Cống
Vị, Ba đình). Thú chơi cây thế, cây cảnh tạo nên mỹ cảm khác con người gần
thiên nhiên và như muốn làm đẹp cho thiên nhiên quanh mình hơn như hội bên núi
Sưa (Ngọc Hà, Ba Đình). Thú chơi chọi chim hay thả chim câu ở các làng Dục Tú
(Đông Anh), hội chim (Thụy Phương, Từ Liêm).
Các lễ hội cũng là nơi để các nghệ nhân, những
người thợ có điêù kiện phát triển tài năng. Ta tìm thấy các món ăn, các loại cỗ
trong lễ hội như kiểu cỗ bầy tầng của hội đền Kim Liên. Mâm cỗ không chỉ ngon mà
còn là một tác phẩm nghệ thuật để người ta chiêm ngưỡng. Người ta không chỉ ăn
bằng miệng mà cần được thỏa mãn bằng mắt xem, mũi ngửi để thấy hết được giá trị
của một sản phẩm văn hoá.
Đặc biệt, trong những lễ hội ở Kinh thành mà do
triều đình đứng ra tổ chức thì đã có những sáng tạo trong kỹ thuật và nghệ
thuật tạo nên sự hấp dẫn thu hút muôn người. Ví như hội đèn Quảng Chiếu diễn ra
vào ngày 15 thàng giêng ở Thăng Long. Đèn Quảng Chiếu là một loại đèn kéo quân,
trong đêm hội đèn còn kết hợp đốt pháo bông, múa rối. Người ta tả hội đèn Quảng
Chiếu như sau:
“Dựng đài đèn Quảng Chiếu, trước sân rộng của
Đoan Môn. Giữa trồng một cây nêu, ngoài đặt bảy tầng đài, rồng uốn mình đỡ tòa
sen vàng, khâu lồng bằng sa để giữ lửa hoa lan. Giấu máy cơ vi dưới đất quay như
bánh xe. Đốt pháo bông trên trời sáng như vầng nhật. Lại có tượng báu nghiêm
chương, tòa báu kim điện, do ý sáng mà trang sức nên, sắc vàng chọi nhau lóng
lánh, dáng thì tỏ vẻ thiêng, hình thì phô đẹp lạ. Lại có hai tòa lầu hoa, treo
quả chuông vàng, tạc tượng nhà sư khoác áo cà sa, vận máy kín khiến gió về đánh
như thực, nghe rõ gươm kêu thì nghiêm dáng ngoảnh mặt, trông thấy bóng ma liền
quay mình cúi đầu, đều do mẹo mực sáng suốt, động tĩnh mềm mại tự nhiên. Lại có
bức vách cáo long lanh thất bảo, thành một hàng dài. Trong Đoan môn có ngọn núi
vàng, đặt tượng Đa bảo Như Lai, bảy tầng kiệu tháp giá, mái thềm rực ánh nắng
sớm, màu mái ngói phơi bày vẽ mây xanh. Thứ nữa có hai tòa bằng bạc, trên đặt
tượng A di đà. Thế mạnh vươn cao, dánh đẹp tung bay, lung linh ngỡ tuyết chảy,
xán lạn quá trăng thu (Hà Nội nghìn xưa- Trần Quốc Vượng).
Kỹ thật và nghệ thuật hòa quyện với nhau, nâng vẻ
đẹp và sự hấp dẫn tới đỉnh cao. Điều này cho thấy các nghệ nhân của ngày đó đã
đạt được một trình độ kỹ thuật điêu luyện, thể hiện bàn tay khéo léo và đầu óc
thẩm mỹ của những nghệ nhân Hà Nội.
Mọi thú chơi ở Hà Nội đều được nâng lên tầm nghệ
thuật. Có lẽ bao thú chơi ở đất nước này đều có mặt ở Hà Nội, nhưng tất cả đều
được người Hà Nội chuyển hóa từ tạo dáng, tạo hình cho đến nội dung, cách chơi
mang tính chất thanh lịch đô thành. Ví như ở chân quê, cây hoa dù có chăm bón
thì cũng lớn lên tự nhiên, đến đất Hà thành mới được những bàn tay, khối óc
biết chơi gò cây, uốn cành, tỉa lá cho có thế đứng kỳ diệu như thế trực, thế hoành,
bạt phong, phụ tử... mới tạo ra những cây thế trên núi giả hàng trăm năm vẫn
không lớn bao nhiêu, chỉ sần sùi, gân guốc giương mấy cành gầy xòe là lộc hoặc
vài cái tán cao thấp mấy tầng. Cũng là đào, là quất, là thủy tiên... nhưng
không ở đâu có thể sánh với đào Nhật Tân, quất Nghi Tàm và nghề tỉa hoa thủy
tiên của các ông cụ phố hàng Bạc, hàng Đào, hàng Đường... Thú chơi Hà Nội, tao
nhã, thanh cao, chơi cũng thể hiện cái chí của mình: “Một đời chỉ cúi đầu trước
hoa mai” (Cao bá Quát).
Thú chơi hoa, cây cảnh ở Thăng Long- Hà Nội có
truyền thống từ lâu đời. Theo văn bia chùa Đọi (1121) thì ngay từ khi định đô
Thăng Long, nhà Lý đã tạo dựng một vườn hoa lớn ở phía Tây cấm thành, gần chùa
Một cột. Qua thơ văn và sử liệu thì các đời Trần- Lê, kinh đô vẫn tiếp tục tạo
lập nhiều vườn hoa đẹp và những người thi đỗ Tiến sĩ đều được nhà vua cho đi
ngắm hoa ở các vườn trong kinh thành. Thơ nôm Hoàng Sĩ Khải thế kỷ XVI có câu:
Trường An phong cảnh hữu tình
Có đường đua ngựa, có thành xem hoa
Theo tác giả Hoàng Đạo Thúy trong tác phẩm Thăng
Long- Đông Đô- Hà Nội thì ngay từ thời Lý, làng Ngọc Hà đã là một trại hoa nổi
tiếng của kinh thành Thăng Long. Thời Lê ở đây còn có chợ Hoàng Hoa chuyên bán
hoa cúc vàng. Thời Lý- Trần- Lê, các làng trồng hoa tiếp tục phát triển, trong
đó nổi tiếng nhất là phường Yên Hoa (thời Nguyễn đổi thành Yên Phụ) và cánh
đồng hoa ở Dịch Vọng (Từ Liêm), vườn hoa đào ở Nhật Tân. Ca dao cổ còn lưu
truyền:
Nước Hồ Tây biết bao giờ cạn
Nhị vườn đào biết vạn nào hoa
Phiên rằm chợ chính Yên Quang
Yên Hoa anh đợi hoa nàng mới mua
Thời cuối Lê, tục chơi hoa cảnh phát triển sôi
nổi như một thú chơi mà cả đô thành đều ham thích. Sách “Vũ trung tùy bút” của
Phạm Đình Hổ cho biết: ‘Khi ấy, phàm bao nhiêu những loài hoa trân cầm dị thú,
cổ mộc thạch quái và chậu hoa cây cảnh chốn dân gian đều bị chúa Trịnh thu về
phủ không thiếu thứ gì. Chúa còn bắt chuyển cả một cây đa cổ thụ từ bên kinh
Bắc đem về phủ”. Nhiều nhà dân Thăng Long thích chơi tùng và cúc. Ca dao Hà Nội
có câu:
Ai chơi ta cũng chơi cùng
Chơi cúc quân tử, chơi tùng trượng phu.
Do nhà cửa, phố phường, phần lớn chật hẹp, chỉ có
một cái sân vuông con ở giữa nhà, hay một gác sàn con bên trong, nên người
Thăng Long- Hà Nội bắt cây cối uốn mình cho vừa với khuôn khổ hẹp. Cây sanh hay
cây si, trồng trong chậu, tưới nước hạn chế không to lên được, trông có dạng
“cổ thụ”. Lại có kiểu uốn nắn cho giống hình con phượng, con hạc có mỏ, có mã,
hoặc xén cây cho ra hình con voi, con lân, mâm xôi....Người Thăng Long cũng
thích trồng trúc. Những thứ trúc hay trồng là: Trúc “đùi gà”, chỗ gần gốc, đốt
chéo, thân phồng như đùi gà; trúc “gậy ông tiên” đốt nào cũng như đùi gà, mấu
ngang, thường uốn giống hình con rồng; trúc hoa có chấm đen, lấy giống ở Yên
tử. Nhà có vườn thì trồng bụi tre “đằng ngà”, tinh tre vàng, chỉ xanh bảo đó là
tre ông Gióng. Cây tùng, cây bách cũng trồng trong bồn, có khi năm mươi tuổi
chỉ cao độ ba gang. Các loại hoa lan, hoa trà được trồng để thưởng ngoạn và
chăm bón rất công phu. Lan quý nhất là lan “bạch ngọc”, lá thanh hoa trắng
muốt. mọc rất yếu, ở gần thì chẳng thấy gì, nhưng đứng xa thì hương thoảng đến,
thơm một cách rất đặc biệt. Ngoài ra còn có các loại lan khác: loạn điểm, hạc
đính, mặc lan, dễ trồng hơn.
Đối với thược dược và cúc thì người sành chơi ở
kinh thành có tuyệt kỹ là giữ thế nào mà mỗi chậu chỉ có hai hoa thật to, một
cao một thấp nở đúng kỳ.
Giữa sân hay đặt các bể con, trong đó lội tung
tăng vài con cá vàng. Trong bể đặt một hòn non bộ, hoặc bằng san hô hay đá.
chọn làm sao cho được núi có thế cheo leo hay đột ngột mà lại không tục. Trên
núi đặt một chiếc cầu đất nung, một quán lá, một chú tiều, một người đọc sách,
hay một ông cụ đang câu. Lại trồng những cây nhỏ bằng ngón tay mà có hình cằn
cỗi như cây núi. Chơi hoa, cây cảnh đã trở thành một nếp của người đất kinh
thành.
Ngày nay nét hào hoa phong nhã và tinh tế trong
cách chơi hoa vẫn được người Hà Nội lưu giữ. Gần như tất cả mọi người Hà Nội
đều chơi hoa, và lịch lãm, hào hoa hơn nữa người Hà Nội chơi hoa theo mùa. Hoa
tươi được người Hà Nội mua về mỗi ngày ở bất cứ đâu, từ những cửa hàng hoa đến
những hàng hoa bán rong. Hoa tươi đổ bộ vào Hà Nội ngày ngày từ các vùng hoa
quanh Hà Nội: Ngọc Hà, Nghi Tàm, Quảng Bá, kể cả hoa tươi Đà Lạt... đáp ứng nhu
cầu ngày càng phong phú của người Hà Nội.
Bên cạnh các thú vui tao nhã kể trên, người dân ở
kinh thành Thăng Long còn làm phong phú đời sống tinh thần của mình dưới nhiều
hình thức, đặc biệt là ca múa nhạc rất phát triển.
Bắt đầu từ thời Lý tính chuyên nghiệp của hoạt
động ca- múa nhạc trong cung đình đã thể hiện rất rõ. Dưới thời trị vì của
hoàng đế Lý Thái Tổ, hoạt động ca-múa nhạc trong cung đình đã rất náo nhiệt.
Đại Việt sử ký toàn thư cho biết lễ mừng sinh nhật lần thữ hai tám của vua Lý
Thái Tông: “tháng sáu, lấy ngày sinh của Hoàng đế làm tiết Thiên Thánh. Lấy tre
kết làm vạn Tuế Nam Sơn (là kiểu núi có trăm ngọn) tại Long trì, trên đỉnh của
ngọn ở giữa có bức tranh Trường thọ, trên đỉnh có bốn ngọn núi, ở xung quanh
thì có hình Bạch Hạc và trên các núi lại có cảnh các loài chim đang bay, muông
thú đang chạy, lưng chừng núi lại có tượng rồng thần uốn quanh, xen vào đó là
các thứ cờ xí và các thức vàng bạc. Sai con hát vào trong hang núi thổi kèn,
sáo và dâng tặng các bài múa hát làm vui”.
Sang thời Trần, hoạt động ca- múa- nhạc phát
triển mạnh mẽ và phong phú hơn hẳn. Cung đình nhà Trần luôn có nhiều ban nhạc
và những nhóm ca múa khác nhau. họ được tập luyện thường xuyên để có thể sẵn
sàng biểu diễn vào bất cứ lúc nào. Lực lượng nghệ sĩ trong cung đình nhà Trần
không phải chỉ dừng lại ở mức độ tham gia biểu diễn một số bài hát hay dăm ba
điệu múa đơn lẻ nào đó mà còn tiến tới việc tổ chức dàn dựng và biểu diễn các
tuồng tích có nguồn gốc từ sử cũ của Trung Quốc với không ít kịch bản được biên
soạn khá công phu, trong đó có những kịch bản dài, gồm nhiều nhân vật mà nổi
tiếng nhất là vở “Tây Vương Mẫu hiến đào”.
Trước thời Lê Sơ, khoảng cách phân biệt giữa nghệ
thuật ca- múa nhạc cung đình với ca- múa nhạc dân gian không lớn, chỉ có điều
lực lượng biểu diễn trong cung đình là lực lượng chuyên nghiệp do đó trình độ
diễn xuất sẽ cao hơn. Từ đầu thế kỷ X nghệ thuật hát chèo đã hình thành và từ
đó trở đi hát chèo đã ngày càng trở nên phổ biến, để rồi nhanh chóng được coi
là món ăn tinh thần không thể thiếu được của xã hội. Tuy nhiên, từ thời Trần
trở đi, các làn điệu hát chèo chẳng những phong phú hơn mà còn được khéo léo
kết hợp lại thành những kịch bản có lớp lang hẳn hoi. Từ quý tộc đến thường
dân, ai ai cũng say mê thưởng thức. Sang thời Lê Sơ, sự phân hóa trong cảm thụ
nghệ thuật của xã hội đã được phân chia làm hai xu hướng khá rõ rệt. Dấu ấn
ngoại lai trong ca- múa nhạc cung đình ngày một sâu sắc, nhưng lại được giai
cấp thồng trị gọi là Nhã nhạc, ngược lại nghệ thuật hát chèo vốn có từ lâu đời,
rất rộn rã về tiết tấu và rất óng ả tha thiết trong lới ca thì bị coi là Dâm
nhạc, không còn được biểu diễn trong cung đình nữa.
Mặc dù từ thời Lê, hát múa không được xem trọng,
thậm chí sau này còn không cho con nhà hát xướng đi thi, coi “xướng ca vô loài”
nhưng âm nhạc ở Thăng Long vẫn rất khởi sắc. Các nhạc cụ khá phong phú như kèn,
sáo, đàn đáy, cái nhịp, phách, sênh, trống cơm, đàn bầu. ở kinh thành Thăng
Long lúc sáng trăng thanh niên họp hát “trống quân”, nhạc cụ chỉ là một sợi
dây, một cái thùng. Nhà giàu khi ăn mừng, khao vọng, hay thuê phường hát chèo
đến, kê mấy chiếc ghế, giăng một bức màn đơn sơ, người xem túm tụm chật bãi.
Chèo có đến 72 điệu, nhiều bộ rất điêu luyện, có những tích còn lưu truyền đến
ngày nay như: “Lưu Bình, Dương Lễ”, “Phạm Công, Cúc Hoa”, ca ngợi nghĩa bạn bè,
tình thủy chung.
Có nề nếp nhất, hồi trước là “hát ả đào”. Lúc đầu
cô đào chỉ ở hàng Giấy. Hát ả đào hay dùng nhất là điệu “hát nói”. Cô đào ngồi
hát tay đánh phách, người kép đệm bằng đàn đáy. Hay ở chỗ hát tình tứ và giọng
nhè nhẹ có tiếng mũi. Trong khách nghe thì ông nào sành nhất, cầm “trống chầu”,
bằng những tiếng “tùng” hay “cắc” chấm câu, bằng những ngón “lạc nhạn”, “xuyên
tâm” làm nổi bật câu hát.
Từ thời Trần, làng Đào Xá, huyện Ân Thi, Hưng Yên
có cô đào giúp nước, lập công to trong cuộc đánh Nguyên, được triều đình phong
thưởng. Các cô đào Thăng Long thờ cô làm tiên sư, lập đền cô ở hàng Cót, cuối
ngõ hàng Chai. Gần đến ngày tế tiên sư, các cô đào luyện tập ráo riết, rồi chọn
lọc ra mấy cô hát hay nhất để hát thờ. Đến ngày tổ chức tế, các bà, các cô đều
mũ áo chỉnh tề, các tay sành tiếng, các bạn thơ toàn thành hẹn nhau đến dự lễ,
cốt để thưởng thức những tiếng hát hay nhất. Cô đào ra hát, làm lễ rồi đứng
trước hương án, tay đánh phách, cất tiếng hát. Tiếng hát đưa lên, hạ xuống,
ngân nga, thánh thót.
Có thể nói, thú chơi của người Hà Nội thể hiện
thẩm mỹ tinh tế, rất tao nhã, người ở vùng đất kinh kỳ không chỉ chuộng cái đẹp
mà còn biết thưởng thứ cái đẹp.
Nhưng đi tìm cái thanh lịch của người Hà Nội thì
điều quan trọng phải tìm ngay trong con người Hà Nội. Điều này cũng rất khó
khăn. Người Hà Nội là tất cả bà con người Việt khắp cả nước đổ về. Xưa kia ta
gọi là dân tứ chiếng. Những gia đình gốc bản địa là rất hiếm. Tuy vậy, địa bàn,
môi trường, cảnh sắc ở Hà Nội có nhiều đặc điểm mà những người nhập cư đến Hà
Nội, sớm chiều đã có phong cách Hà Nội rất đậm đà. Tất cả tạo nên một thế ứng
sử thanh lịch của người Hà Nội. Những chàng trai Hà Nội đều hào hoa phong nhã,
“đề huề lưng túi gió trăng” và dù họ có ra đi tận chân trời góc bể vẫn cứ “Đêm
mơ Hà Nội dàng kiều thơm”. Cái lịch sự của các chàng trai Hà Nội thể hiện ở
khẩu khí và phong thái hào sang lịch duyệt nhất là khi có liên quan đến niềm tự
tôn dân tộc. Tích xưa kể rằng có lần Mặc Đĩnh Chi sang sứ, người Tàu đóng cửa
không cho vào, lại ra câu đối:
- Vào cửa chậm đóng rồi, ông làm sao qua cửa
Mặc Đĩnh Chi đã đối:
- Thách đối dễ, đối lại khó, mời ông đối trước cho
Thật là tài tình, lịch sự, rất phép tắc mà lại
đàng hoành, lại có cả thách thức nữa. Thanh và lịch quả là cốt cách của tri
thức Hà Nội .
Bên dáng vẻ hào hoa của các chàng trai Hà Nội là
dáng vẻ yêu kiều thiết tha của nhiều cô gái Hà Nội. Các thiếu nữ Hà Nội rất mơ
màng, nhiều ước vọng: “Nàng dậy ép mình sau cửa sổ/Mơ kiều e lệ bởi nhân
duyên”, biết “Yêu trăng lạnh lẽ rơi trên áo/Yêu bóng chim sa, nắng lướt mành”.
Chỉ có các cô gái Hà Nội mới có tâm hồn rất thi sĩ như thế, và cũng khá hiếm ở
Việt Nam. Các cô gái Hà Nội không chỉ đẹp mà còn rất tinh tế, duyên dáng lại
đảm đang. Hãy xem cô gái trốn kinh kỳ thật ý tứ, ân cần, chu đáo khi tiếp khách:
Ba gian nhà khách
Chiếu sạch giường cao
Mời các thầy vào
Muốn sao được thế
Mắm nghệ lòng giòn
Rượi ngon cơm trắng
Các thầy dù chẳng xá vào
Hay dừng chân lại em chào các nao
Đêm qua em mới chiêm bao
Có năm ông cử mới vào nhà em
Cau non bổ trầu cay têm
Đựng trong đĩa sứ em đem ra mời
Nói về phụ nữ Hà thành thì không thể không nhắc
tới những cô hàng: cô hàng nước, cô hàng xén, cô hàng hoa... Giải thích cái nét
Hà Nội ở tất cả các chị thì khó, nhưng về đất Hà thành, gặp các chị thì bóng
dáng Hà Nội đã thấp thoáng trong từng hình dáng. Các chị có vẻ đẹp vừa diễm lệ
mà lại hiền hòa, vừa hấp dẫn, vừa ngây thơ, khiến cho ai đi qua cũng phải “ngẩn
ngơ” như nhà thơ Tố Hữu đã viết:
“Ngẩn ngơ nghe tiếng ai chào
Chị hàng hoa rẽ lối vào Đồng Xuân”.
Phụ nữ Hà Nội là tiêu biểu cho cái thanh, cái
lịch của đất kinh kỳ.
Tiểu biểu cho sự thanh lịch của Hà Nội còn là
phong cách tâm tình, thái độ của những người già ở Hà Nội. Ta hay chú ý đến
những vẻ sang trọng, những gì trang trọng ở bề ngoài để thấy đó là đẹp dẽ, là
lịch sự. Cần phải hiểu sự thanh lịch ở những mặt rộng rãi và sâu sắc hơn. Và
nếu thế thì khi gặp những vị lão thành ở đất nghìn năm văn vật này, ta sẽ thấy
các cụ là hiện thân của tất cả những gì có thể gọi là thanh lịch. Đây là những
người từng trải, đã hiểu Hà Nội cố giữ lấy nét đẹp của Hà Nội mà chỉ có những
ai biết hỏi các cụ mới bày vẽ cho. Về mặt phong thái, cái đẹp của những ông già
Hà Nội là cái đẹp tươi tắn, hào hùng mà phóng khoáng:
“Phơ phơ tóc bạc trên đài nắng lên
Vẫn đôi mắt ấy dịu hiền
Vẫn bàn tay ấy vẫy nghìn cánh tay”.
Có lẽ không có một cảnh tượng, một hình dáng nào
tiêu biểu cho cả không gian và cả tâm hồn người Hà Nội. Người Hà Nội rất cổ
kính, rất trầm tư mà cũng rất thanh cao, đầy riêng tư bí ẩn. Ta gặp rất nhiều
ông già Hà Nội có dáng vẻ này. Cụ đốc học Lê Đình Diên, đầu thế kỷ XIX đã có
những câu thơ tài hoa làm nổi bật lên vẻ đẹp người Hà Nội:
Người đều cày ruộng bằng trâu
Ta lại đem bút thay trâu mà cày
Cây bút vắng tiếng trâu hì hục
Chữ từng hàng gấm vóc nở hoa
Người đều miệng đọc ngâm nga
Ta đây tâm đọc lại là phần hơn
Tâm đọc sách không vang thành tiếng
Mà thiên kinh vạn quyển lầu trơn
Thanh cầm, tâm đắc là hơn.
Dường như không có trường hợp nào có thể thanh
hơn, lịch hơn như vậy nữa.
Như vậy, đất kinh thành nơi “phồn hoa đô hội”
không chỉ để lại “một dáng thu” bên hồ Hoàn Kiếm và những cụm “mây đẹp Dâm Đàm”
lung linh trong gió thu trước rèm hoa đền Quan Thánh như các nhà thơ xưa đã
vịnh. Mà quá khứ Thăng Long - Đông Đô cũng còn phản ảnh lên tinh hóa phong cách
của người Hà Nội hôm nay mà ta có thể gọi là “tài hoa Hà Nội”. Bởi cách danh
nhân tiêu biểu cho Thăng Long - Hà Nội không chỉ tài ba mà còn đa tài, đa nghệ.
Do sống ở nơi hội tụ tinh hoa văn hóa bốn phương, các hình thái văn hóa mà con
người nơi đây được tiếp xúc hàng ngày cũng phong phú và hoàn mĩ và hoàn thiện hơn
các nơi khác. Vì thế nhân tài Thăng Long - Hà Nội bao giờ cũng đượm vẻ tài hoa
tinh tế. Cái tài hoa tinh tế đó lại được nảy sinh bên cạnh hào khí Thăng Long
đã làm tăng vẻ đẹp của từng người Thăng Long - Hà Nội, tạo nên ở họ chất anh
hùng và nghệ sĩ. ở họ dường như cô đúc nhiều phẩm chất cao đẹp vì nhân cách đa
dạng về tài nghệ, hiếm thấy ở các danh nhân địa phương khác.
Suốt trong lịch sử nghìn năm của Thăng Long - Hà
Nội thời kỳ nào cũng có những gương mặt tài hoa lịch lãm tiêu biểu cho kinh kì
và cho cả đất nước.
Thời Lý, Lý Thánh Tông là một ông vua tài đức
cũng mang đậm chất tài hoa, tài tử.
Về tài hoa, Lý Thánh Tông giỏi văn, hay viết văn
bia, khắc tên chuông, trọng người giỏi, mở Quốc Tử Giám, bắt con theo học người
tài... Vua lại thích và giỏi âm nhạc, trong “Đại Việt sử lược - tập II” đã ghi
rõ” “Vua đặc biệt giỏi về âm luật, những bài ca, khúc nhạc mà nhạc công tập
luyện đều do vua thân chế tác”. Ông đã đích thân phiên dịch nhạc khúc và tiết
cổ âm của Chiêm Thành (một đất nước có nền âm nhạc và vũ đạo phát triển lâu
đời, dưới ảnh hưởng của ấn Độ). Dàn nhạc Việt Nam được chạm khắc ở bệ đá chùa
Phật Tích là một phức thể nhạc dân tộc, hòa hợp ảnh hưởng âm nhạc ấn - Hoa.
Ông khuyến khích các thú chơi tao nhã như đá cầu,
hất phết, đấu vật, đua thuyền..., khuyến khích việc học để biết chữ làm văn,
làm toán, làm thơ... bản thân ông là một nhà thơ và xuống chiếu lựa chọn,
khuyến khích những người hay làm thơ... Ông trọng văn nhưng không khinh võ,
khuyến khích phát triển thơ văn nhưng đồng thời khuyến khích khéo tay nghề. Bản
thân nhà vua cũng là một người thợ giỏi, có nhiều sáng chế các kiểu thuyền, xe,
nhà cửa: thuyền lầu hai đáy, xe có bánh đẩy, quy hoạch xây chùa, sửa chữa những
nơi thắng cảnh trong nước. Người đường thời ca ngợi ông “tinh thông sâu rộng ở
tài nghệ, giỏi suy xét trong chế tạo, tài chế tạo khéo léo và tân kì, công lao
khéo xây dựng (văn bia chùa Đọi).
Đến đời vua Lý Nhân Tông, nghệ thuật múa rối nước
và múa rối cạn cổ truyền được nâng lên một bậc. Nhà vua cho làm sân khấu Rùa
Vàng để dân xem múa rối mùa Thu ở dưới bến và trên đê sông Nhị. Ông bày Hội đèn
Quảng chiếu mùa xuân, dựng Đài Chuông Tiên mùa thu, dựng Vũ Đình (sân múa) trên
xe đẩy di động cho cung nữ, nhạc ca công múa hát tấu nhạc ở trên, trong cung
đình, ngoài cửa thành, trên sân chùa để vua quan và dân chúng còn xem.
Riêng về âm nhạc vua Lý Nhân Tông là người rất
tài năng. Nguyễn Công Bật, thượng thư bộ Hình khắc ở bia “Tháp Sùng thiện diên
của vua thứ 4 nhà Lý được làm chủ nước Đại Việt” năm 1121 viết: “Vua ta tứ thơ
thâu tóm thiên biến vạn hóa của trời đất, nhạc phổ hòa hợp âm thanh của Đường
(Trung Hoa), Phạn (Chiêm Thành, ấn Độ)”. ở một đoạn sau, bài văn bia lại viết:
“Vua ta tinh tường âm nhạc nước ngoài”. Điều đó chứng tỏ Lý Nhân Tông hiểu biết
đến nơi đến chốn âm nhạc Trung Quốc, Chăm Pa và nhiều ngành nghệ thuật khác
trong đó có vũ đạo. Ông không thể dựng ở việc phiên dịch nhạc khúc, ca khúc
nước ngoài như vua cha Lý Thánh Tông mà ông sáng tác cả ca, cả múa, cả nhạc để
tỏ niềm vui chung đời thịnh. Lại sáng tác khúc “Giáng vân tiên tử” (Tiên cưới
mây xuống trần) véo von tiếng hát cung đàn ngợi ca công lớn tiên vương. Đời
sống ca múa nhạc, sinh hoạt sân khấu, sinh hoạt tâm linh thời Lý Nhân Tông có
tác dụng “dàn hòa vui của thiên hạ, đêm trở thành ngày, thỏa tấm lòng, con mắt
của thế gian, già nay trẻ lại” (Bia chùa Đọi).
Đến thời Trần, vua Trần Nhân Tông vừa là anh hùng
cứu nước vừa là triết nhân vừa là thi sĩ. Ông đã lãnh đạo dân Đại Việt ba lần
đánh tan quân Nguyên Mông xâm lược. Qua cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông Trần
Nhân Tông đã tỏ rõ ông vừa là nhà chiến lược tài giỏi, vừa là vị tướng cầm quân
dũng cảm ngoài chiến trường.
Trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, Trần Nhân Tông
có một vị trí quan trọng. Ông là một triết gia lớn đứng đầu phái Thiền Trúc Lâm
Yên Tử và thời kỳ này, Phật giáo Việt Nam đã phát triển rực rỡ và thể hiện được
đầy đủ bản lĩnh trí tuệ Việt Nam để lại một dấu ấn đặc sắc trong lịch sử tư
tưởng nước nhà.
Về phương diện thi sĩ, Trần Nhân Tông là người có
tâm hồn trong trẻo, phóng khoáng, một cái nhìn thanh nhã, tinh tế, nhất là đối
với cảnh vật thiên nhiên:
“Thôn hậu, thôn tiến, đạm tự yên
Bán vô, bán hữu, tịch dương biên
Mục đồng địch lý ngưu quy tận
Bạch bộ song song phi hạ điền”
(Trước xóm sau thôn tựa khói lồng
Bóng chiều man mác có dường không
Theo lời kèn mục trâu về hết
Cò trắng, từng đôi liệng xuống đồng).
Thơ Trần Nhân Tông ngoài vẻ đẹp của một âm điệu
hồn hậu còn bao hàm một ý vị Thiền, gợi mở thế giới tinh thần cao khiết thanh
lọc tâm hồn. Ông là một hình ảnh tiêu biểu cho khí phách và tài hoa của Thăng
Long.
Trần Nhật Duật, vừa là vị tướng tài hoa, vừa là
nhà văn học, vừa là nhà ngoại giao, vừa giỏi ca múa nhạc, vừa thông thạo nhiều
ngôn ngữ nước ngoài và ngôn ngữ các dân tộc thiểu số trong nước. Ông thường đến
thôn Đà La vùng kẻ Bưởi để trò chuyện với các tù nhân người Chăm đến chùa Tường
Phũ để đàm đạo với các sư người Tống. Khi tiếp sứ Nguyên Mông, ông trực tiếp
trao đổi không cần người thông dịch.
Trình Trọng Tử cũng là người thời Trần, là nhân
vật nổi tiếng “nhiều tài năng, trí xảo”, giỏi sáng tác nhạc, giỏi huấn luyện
ngựa, hiểu cả nghề bốc thuốc, chữa bệnh, đồng thời còn nổi tiếng là danh thủ
đánh cờ người.
Thời Lê, Vua Lê Thánh Tông là người có tài năng
xuất sắc trên nhiều lĩnh vực. Trước hết, ông là người có tinh thần yêu nước và
tinh thần dân tộc sâu sắc. Với tinh thần và ý thần và ý thức đó, ông đã xây
dựng nên một vương triều quân chủ tập quyền mạnh, quy củ trên nền tảng một đất
nước thịnh vượng, dân được sống trong thanh bình, yên vui. Ước vọng và hoài bão
của ông là: “Thiên nam vạn cổ sơn hà tại” (Muôn thuở trời Nam, núi sông
còn mãi - Thơ ngự chế khắc ở núi Bài Thơ, Quảng Ninh).
Lê Thánh Tông còn là một nhà thơ, một nhà văn hóa
lớn mang tâm hồn nghệ sĩ. Ông để lại một di sản văn thơ phong phú, đồ sộ. Thơ
chữ Hán của ông còn được chép lại trong các tập thơ như Quỳnh uyển hữu ca, Châu
ca thắng thưởng, Chính tây kĩ hành... tất cả khoảng 300 bài. Thơ Nôm được tập
hợp lại trong Hồng Đức quốc âm thi tập,. Trong Lịch triều hiến chương loại chí,
Phan Huy Chú đã viết “tư chất và tính khí của vua cao sáng, ham học không biết
mỏi, tay không rời sách, kinh sử, chư tử, lịch số, toán chương đều tinh thông,
văn thơ cũng giỏi hơn các bề tôi”.
Nguyễn Trãi là con người toàn năng, toàn tài,
lĩnh vực nào cũng giỏi, văn, võ song toàn, giỏi cả văn thơ, giỏi cả lịch sử,
địa lý, am hiểu sâu sắc nguyên lý âm nhạc, vũ đạo và cả nghệ thuật tạo hình.
Ông là người sáng tác khúc Bình Ngô đại cáo nổi tiếng, cho nhân dân múa hát
mừng ngày giải phóng Đông Đô.
Nguyễn Gia Thiều là người hay cả cầm kì thi họa,
nhiều cung điện lộng lẫy và chùa chiền nổi tiếng ở Thăng Long đời Lê - Trịnh
đều do một tay ông thiết kế và chỉ đạo thi công. Nhiều bài ca, điệu nhạc phổ
biến rộng rãi đương thời là do ông sáng tác.
Nguyễn Du là nhà thơ dân tộc thiên tài và âm hiểu
cả cầm, ca. Ông đã sáng tác ra truyện Kiều - một tác phẩm văn học tiêu biểu của
dân tộc.
Về nhân tài y học thì có Phạm Bân, ông ngoại Hồ
Quý Ly gia đình đời đời làm thuốc ở kinh đô Thăng Long. Thầy thuốc họ Phạm
không chỉ nổi tiếng về chữa bệnh mà còn nổi tiếng ở đạo đức nghề nghiệp “lương
y như từ mẫu”. Nơi ở của ông cũng là nơi ông cưu mang những người nghèo đến
chữa bệnh và ăn ở tại chỗ. Tương truyền, một hôm có người đến gõ cửa cầu cứu
ông đi chữa bệnh cho một phụ nữ băng huyết đang nguy kịch, ông vội vã đi ngay.
Ra đến cửa gặp quan hầu của nhà vua triệu vào cung, thăm bệnh cho một quý phi
bị sốt rét, ông đã từ chối để đi cứu người đàn bà bị băng huyết. Nhờ vậy, người
đàn bà được cứu sống. Sau đó ông vào cung chịu tội. Vua Trần Anh Tông giận lắm,
nhưng sau khi nghe lương y Phạm Bân tâu trình tình cảnh nguy kịch của người đàn
bà băng huyết, thì nhà vua lại vui vẻ phán rằng: “Nhà ngươi thật đúng là lương
y, đã giỏi nghề lại có lòng nhân, cứu giúp cho con đỏ của ta, thật xứng với sự
trông cậy của ta”.
Như vậy chúng ta thấy một đặc điểm bao trùm ở các
danh nhân, các nhân tài Thăng Long - đó là mỗi người đều có những phẩm chất,
tính cách ưu tú khác nhau, song đều có một cái chung là mang đậm dấu ấn đô
thành - Kẻ Chợ. Cái dấu ấn Kẻ Chợ ấy chính là tổng hòa những gì tinh tế, nhuần
nhị, thanh lịch, hào hoa, mĩ lệ... mà các nhân vật không sống ở Thăng Long,
không gắn bó máu thịt với Thăng Long, dù tài năng đến mấy cũng vẫn ít nhiều còn
để lộ cái vẻ quê kiễng, mộc mạc. Một thí dụ hết sức thú vị là câu chuyện về
Trương Hán Siêu đời Trần. Chuyện kể rằng Trương Hán Siêu quê ở Yên Khánh (Ninh
Bình) vốn là người nổi tiếng đá cầu giỏi ở địa phương, đồng thời cũng là một
nho sĩ lịch lãm có tiếng, thế mà khi ra Thăng Long làm môn khách của Trần Hưng
Đạo, còn bị người kinh thành chê là “thôn cầu cước” nghĩa là “chân đá cầu
thôn/chân đá cầu nhà quê”. Ngay cả trong giới văn nghệ sĩ kẻ chợ cũng vậy, luôn
có một vẻ đẹp tao nhã riêng. Câu thơ Nguyễn Gia Thiều, câu thơ Bà Huyện Thanh
Quan đài các, quý phái sang trọng đã đành. Nhưng ngay như những câu thơ đậm
chất dân dã của nữ sĩ họ Hồ cũng vẫn cứ toát lên cái vẻ tài tình, xảo diệu, cái
vẻ đẹp sắc sảo, cái phong cách tài tử, tài hoa của người Kẻ chợ, mà không tài
thơ địa phương nào có thể trộn lẫn được. Thật khó mà nói rõ được cái chất đô
thành - kẻ chợ này. Đương Hòe Nhai, Đương Liễu Giai, bến trúc Nghi Tàm, như
“rừng Yên Thái”, như “đào Nhật Tân”, như bóng nước Hồ Gươm, như “mặt gương Tây
Hồ” có cái gì đó rất riêng, khác biệt không giống với bất kỳ nơi nào khác.
Thăng Long - Hà Nội trải hơn 1000 năm lịch sử, kể từ khi còn là Tống Bình - Đại
La, cảnh vật và con người đã có biết bao thay đổi. Nhưng truyền thống Hà Nội
thì vẫn được bồi đắp, tích tụ và đổi mới thêm mãi qua từng thời đại. Bởi mỗi
thời đại hầu như người Hà Nội lại tiếp nhận một lớp cư dân mới, do tình hình
lịch sử như vậy, cho đến nay Hà Nội hầu như không có cái gọi là “cư dân gốc bản
địa”. Có người nói dân Hà Nội là dân “tứ chiếng”, điều đó rất đúng nếu xét trên
bình diện xã hội - lịch sử của đất cố đô. Cư dân Hà Nội là một cộng đồng vừa ổn
định vừa biến động, vừa thống nhất vừa đa dạng vừa mang những tính chất chung
của địa bàn sinh tụ, vừa mang những đặc điểm cố hữu của vùng đất quê. Trong sự
đan xen đó, cái tinh hoa sẽ được kết tụ và trau dồi về các mặt ngôn ngữ, phong
tục, tập quán và các sinh hoạt văn hoá khác, để từ đó nhào nặn và lắng đọng
thành những tính cách Hà Nội, bản sắc Hà Nội. Có thể nói, kết quả của sự giao
hòa dân cư ấy đã tạo nên con người Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội vừa có tính
chất đặc thù, vừa có tính chất phổ quát. Con người ấy luôn luôn là con người
của thời đại, kết hợp hài hòa những phẩmchất mới, cùng với những phẩm
chất cổ truyền nền nã, thuần hậu của truyền thống dân tộc, để trở thành
con người tiêu biểu cho cả nước về nhiều mặt, mà trong đó tính cách hào hoa,
phong nhã, thanh lịch, văn minh nổi bật lên như những phẩm chất riêng tiêu biểu
nhất của người Hà Nội. Tuy nhiên cái thanh lịch của người Hà Nội không phải là
bất biến, mà linh hoạt, chuyển động, chuyển hóa theo thời gian và môi trường
sống. Nó tiếp tục thu nhận, đào thải, hội tụ và tỏa sáng, để tạo nên hình ảnh
tiêu biểu người Hà Nội.
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 2l
Mời
thư giãn với nhạc phẩm HOA SỮA
của Hồng Đăng, qua tiếng hát Thanh Lam:
*.
Hà Nội, ngày 22 tháng 02 năm 2016
VŨ THỊ HƯƠNG MAI
Địa chỉ: Khu tập thể Tổng công ty 319
quận Long Biên,
thành phố Hà Nội.
Email:
huongmai8081@yahoo.com.vn
..............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả
gửi qua email ngày 25.02.2016.
- Bài viết không thể hiện quan
điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Ảnh dùng minh họa cho bài viết
được sưu tầm từ nguồn: internet.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét