NỢ TIỀN DUYÊN VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT - Tác giả: Đỗ Việt Phương (Hải Phòng)

Leave a Comment
(Chùa Đá, Làng Đá, Quang Vinh, Ân Thi, Hưng Yên)
NỢ TIỀN DUYÊN
 & NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
*
Giáo sư Đoàn Xuân Mượu cho biết, theo Phật giáo, chúng ta có kiếp luân hồi. Khi được chuyển kiếp người ta vẫn lưu giữ những ký ức về kiếp trước. Và khi mất đi, địa vị xã hội không quan trọng, chỉ có tình cảm với người khác là khó quên nhất.
Thứ khó lý giải nhất trên đời chính là tình cảm
Khi sống, hầu hết con người ai cũng có tình cảm khác giới. Ngoài tình cảm vợ chồng thì còn có những mối tình nam nữ. Nhưng vì một lý do nào đó mà họ không thành vợ chồng hoặc là vợ chồng rồi nhưng không được ở lâu dài với nhau… Vì thế, ai cũng có sự nhớ thương hoặc nếu bị phản bội, đối xử quá tệ bạc thì sẽ trở thành hận tình.
Tình yêu có sức mạnh vô biên, sức mạnh ấy đưa những linh hồn này đi tìm người mà mình yêu hiện đang sống ở trần tục để giúp đỡ hoặc cản trở, phá hoại (ghen) làm cho người trần tục không thể lấy chồng hoặc vợ được. Nếu người trần tục vẫn lấy chồng hoặc lấy vợ được thì “linh hồn” sẽ tìm cách phá hoại.

DUYÊN ÂM LÀ GÌ
Duyên âm là tình duyên hiện tại giữa người trần với người ở thế giới bên kia. Thông thường “duyên âm” chỉ xảy ra với một số trường hợp “chết yểu, chết bất đắc kỳ tử, tự tử, chết oan” mà vong linh không chấp nhận mình đã chết, cố bám lấy những ký ức trên đời.
Hoặc là duyên của tiền kiếp, là mối nhân duyên tình cảm giữa người còn sống và người ở thế giới bên kia từ những kiếp trước vẫn còn ảnh hưởng đến bây giờ. Hoặc ở kiếp trước “họ” và bạn có những mối lương duyên nào đó nhưng không đến được với nhau. Sau khi mất, nếu “họ” chưa thể siêu thoát được vì còn vấn vương sâu đậm tình duyên hoặc vì một lý do nào thì họ sẽ lang thang tìm bạn, gặp được rồi họ sẽ theo bạn đến cùng.
Hoặc những người lúc còn sống có dục tính, ham muốn mạnh mẽ dẫn đến sau khi chết, hình dáng “vong linh” của họ biến đổi theo tư tưởng oán hận, ham muốn, thường hay tìm cách trở về cõi trần theo “người cũ” hoặc bám theo ai đó đã vô tình lọt vào mắt xanh của họ (gọi là “hạp vong”).

HIỂU THÊM VỀ NỢ TIỀN DUYÊN (DUYÊN ÂM)
Tiền Duyên được hiểu như sau:
"Tiền duyên là duyên phận của một người ở kiếp trước, vì mắc Nợ Ân Tình với người khác chưa trả được, chưa giải quyết xong. Nay theo quá trình chuyển nghiệp vào cõi Nhân tái sanh làm người phải nhận quả báo kiếp trước."
Việc nợ tiền duyên có muôn hình vạn trạng. Người còn bị nợ tiền duyên phải biết chính xác việc mình còn nợ nần như thế nào thì trả mới được đúng.
Sau đây là một số ví dụ về nợ tiền duyên:
Ví dụ 1: Một người nữ yêu một người nam đến có thai nhưng hai gia đình không đồng ý cho cưới, bản thân người nam cũng chạy tít đâu mất. Người nữ vì xấu hổ, uất hận, chán chường mà tự tử chết. Như vậy trong trường hợp này, người nam kia đã có nợ ân tình. Kiếp sau phải bị quả báo nhân duyên. Nếu câu chuyện này xảy ra từ tiền kiếp thì kiếp này người nam bị nợ tiền duyên.
Ví dụ 2: Một người nam lấy hai người vợ, chỉ yêu chiều người vợ thứ mà hắt hủi, xa lánh người vợ cả. Người vợ cả vì chưa có con nên cũng không biết làm gì cho đỡ buồn phiền. Càng ngày nỗi buồn phiền tủi hận càng tăng lên. Đến một ngày nào đó vì quẫn trí mà tìm đến cái chết. Trong trường hợp này thì người nam đã có nợ ân tình và cũng phải chịu quả báo nhân duyên. Nếu câu chuyện này xảy ra trong tiền kiếp thì kiếp hiện tại người nam bị nợ tiền duyên.
Ví dụ 3: Một cô gái xinh đẹp vì hám tiền bạc vật chất, yêu một lúc cả 5 người đàn ông giàu có. Với ai cô cũng hứa hẹn tương lai hôn nhân, nhiệt tình hiến dâng thể xác. Trong số 5 người đàn ông đó, có 3 người si tình đắm đuối, còn 2 người thì mục đích chính chỉ là vui chơi. Một ngày kia cô gái cùng đống tài sản của các anh si tình biến mất tăm tích. Ba người này hụt hẫng, chán nản, buồn phiền, đau khổ. Rồi vì những lý do nào đó mà họ lần lượt ra đi "thiên thu vĩnh biệt" khi mái đầu còn xanh, ôm trong lòng mối hận tình khôn nguôi. Trong trường hợp này thì cô gái xinh đẹp kia đã có nợ ân tình với 3 người và phải chịu quả báo nhân duyên. Nếu câu chuyện này xảy ra trong tiền kiếp thì kiếp hiện tại (đã tái sanh làm người) cô gái xinh đẹp đó bị nợ tiền duyên. Nếu trả nợ tiền duyên thì phải dùng tới 3 hình nhân để thế mạng, thế duyên....vv.
Đây mới chỉ nói đến yếu tố con người, yếu tố vật chất trả nợ đi kèm cũng không thiếu phần kỳ lạ. Có những vong yêu cầu phải trả 1 mẫu ruộng, 1 ao bèo, một con lợn nái và mười con lợn con, một con chó. Có vong thì chỉ đòi đủ 3 đĩnh vàng ròng, một mâm cơm có rượu ngon. ...vv. 
Như vậy nợ tiền duyên đã rõ, còn quả báo tiền duyên thì sẽ như thế nào?
Những người bị một trong bốn tình huống sau đây được coi là quả báo tiền duyên:
1. Trục trặc trong tiền hôn nhân: Liên quan đến các vấn đề tìm hiểu, kết bạn để đi đến hôn nhân hay gặp nhiều sự khó khăn trở ngại, không thuận lợi.Vô duyên.
2. Không thành duyên phận: Hôn nhân đã định đến ngày giờ để cưới mà không thành phải hủy bỏ. Hoặc hôn nhân tưởng như đã trong tầm tay, đến lúc quyết định thì lại hỏng, không thể cưới nhau được.
3. Không có con hoặc rất khó có con: Trường hợp hai người lấy nhau đã lâu không có con mà không liên quan đến bệnh tật, sức khỏe của hai người.
4. Không có hôn nhân lâu dài: Sau một thời gian chung sống, lựa chọn cuối cùng là bỏ nhau. 
Như vậy ai bị vào 1 trong 4 trường hợp nêu trên, đầu tiên nên nghĩ đến việc có nợ nần ân tình kiếp trước tức là nợ tiền duyên.
Vậy trả nợ tiền duyên như thế nào và những ai làm được việc này?
Như trên đã nói, phải tùy tình trạng nợ duyên đó như thế nào mà làm hình nhân thế mạng, thế duyên để trả nợ duyên. Có khi chỉ cần 1 hình nhân là đủ, nhưng cũng có thể phải cần đến 3-4 hình nhân thế mạng, thế duyên mới đủ.
Lễ trả nợ tiền duyên được thực hiện tại các đền thờ Thánh Mẫu ở trong các chùa, các đền, điện, phủ khác ngoài chùa. Người có thể làm việc này là các Pháp Sư, Đồng Thầy Tứ Phủ, Thầy cúng Tứ Phủ. 
Không làm lễ trả nợ tiến duyên nơi Tam Bảo vì việc này không thuộc phạm vi giải quyết của Chư vị Phật, Chư vị Bồ Tát. 
Mặc dù trong số các vị Bồ Tát, có Đức Quán Thế Âm Bồ Tát là người duy nhất hóa giải được nợ tiền duyên. Nhưng việc này phải được thực hiện tại tư gia của những người có Căn Quả được hưởng lộc do Đức Quán thế Âm ban cho và có thờ Đức Quán Thế Âm. Thường những người này là những người: Có khả năng gọi Hồn. Có khả năng tìm mộ. Có khả năng thấu thị. Có Khả năng linh cảm biết trước các sự việc và một số khả năng đặc biệt khác.

9 DẤU HIỆU NHẬN BIẾT NGƯỜI CÓ DUYÊN ÂM
1. Tình duyên trắc trở, yêu ai cũng không thành hoặc không ai thèm để ý đến mình. Nếu có tiến đến hôn nhân cũng tan vỡ không hiểu vì sao…
2. Tính tình bỗng dưng nóng nảy, có nhiều sự thay đổi lạ lùng theo chiều hướng xấu không phải do áp lực gia đình, công việc…
3. Lơ ngơ, thơ thẩn, bần thần như một người hoàn toàn khác không làm chủ được suy nghĩ (không mắc bệnh lý hoặc hồ sơ liên quan đến tâm thần).
4. Thường xuyên xuất hiện những giấc mơ gặp gỡ “người nào đó” lặp lại nhiều lần nhưng chưa hề quen biết.
5. Thỉnh thoảng nghe những lời thì thầm, những câu nói mơ hồ bên tai như muốn xúi giục một điều gì đó.
6. Cảm giác sợ hãi, lạnh lẽo khi nghe thấy kinh kệ hoặc đứng trước di ảnh của Phật, Chúa…
7. Ngủ li bì, cảm thấy trong người mệt mỏi không có sức sống nhưng khám bệnh không tìm ra nguyên nhân.
8. Thường xuyên bị đau nhức một vị trí nào đó trên cơ thể vào ban đêm (thông thường từ 6 giờ tối trở đi) nhưng không phải do bệnh lý gây nên.
9. Trong người bỗng dưng cảm thấy buồn chán không rõ nguyên nhân, cảm thấy muốn tự tử kết liễu cuộc đời.

CÁCH HÓA GIẢI KHI CÓ “DUYÊN ÂM, VONG THEO PHÁ”
Nếu bạn thấy mình có 1 trong 9 dấu hiệu như đã nêu ở trên, hãy bình tĩnh, tránh hoảng loạn tìm đến những người tự giới thiệu là có thể cắt duyên âm, trục vong, bởi đa phần họ chỉ là những người lợi dụng lòng tin và tín ngưỡng để lừa đảo, trục lợi.
Trước tiên, bạn hãy tìm đến người mà bạn tin tưởng, có thể là người trong gia đình như cha mẹ, anh chị, hay những người bạn thân thiết để trải lòng tất cả những vướng mắc, tâm sự đang có để giúp giải tỏa tâm lý.
Sau đó, hãy thường xuyên tham gia vào những hoạt động công ích, từ thiện xã hội nhằm giúp tâm hồn bạn thư thái hơn.
Theo quan niệm của Phương Đông để phòng tránh bị vong linh, tà thuật bùa ngải theo phá thì bạn hãy đeo vật trang sức bằng Bạc nguyên chất hoặc bỏ trong người 1 tép tỏi.
Chuyện tâm linh xưa nay vẫn là một hiện tượng bí ẩn làm đau đầu giới khoa học. Những hiện tượng trên đôi khi chỉ do ảo giác hoặc những trùng lặp vô tình.

NHỮNG NGÔI CHÙA MIỀN BẮC LINH THIÊNG VỀ CẦU DUYÊN
Người ta hay nói khi đi cầu duyên thì nên đến đền thờ bà Liễu Hạnh ở phủ Tây Hồ, nhưng theo ông Hải, cầu duyên hay cầu gì khác ở bất cứ đình, chùa nào đều không quan trọng. Cái quan trọng nhất là cái tâm, là tấm lòng thành của mình. Các bạn trẻ một khi đã đi cầu duyên thì nên tin để thành tâm và sớm đạt được điều mình mong muốn. Nhưng chỉ như vậy thôi chưa đủ. “Ngoài chuyện thần linh sắp đặt duyên trời, muốn sớm có duyên đẹp, duyên như đã cầu thì phải do mình”, ông khẳng định.
Từ đó, nhà nghiên cứu khuyên: “Chúng ta phải biết mình biết người. Mỗi người hãy tự tạo cho mình cái duyên về hình thức và phẩm chất mới có thể cải thiện được tình duyên. Với bạn gái, hãy trau dồi đầy đủ công, dung, ngôn, hạnh, đặc biệt trong thời đại này thêm hai thứ rất quan trọng: ngoại ngữ và vi tính. Với bạn nam, hãy rèn luyện để trở thành người đứng đắn, lịch thiệp, có tư cách…”.
Những ngôi chùa nổi tiếng cầu duyên ở Hà Nội:
1: Chùa Hà
Chùa Hà có tên chữ là Thánh Đức tự, cùng với đình Bối Hà, lập thành cụm di tích đình - chùa Hà nằm trên mảnh đất, trước kia thuộc làng Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, nay thuộc phố Chùa Hà, thôn Trung, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Không biết từ bao giờ mà người ta thường rỉ tai nhau về một địa điểm mà ai cũng cho rằng là nơi cầu duyên linh thiêng bậc nhất Hà Nội nói chung và Việt Nam nói riêng. Nên cứ như vậy những người đang “lận đận” chuyện tình duyên thường ghé thăm chùa Hà để sớm tìm thấy một nửa tương lai của mình.
Theo truyền thuyết: Chùa Hà được xây dựng lên để vua Lê Thánh Tông (trị vì 1460-1497) bày tỏ lòng nhớ ơn các đại thần Nguyễn Trãi, Nguyễn Xí, Đinh Liệt đã cưu mang mình và phế bỏ Lê Nghi Dân để đưa mình lên ngôi vua vào năm 1460.
Du khách đến lễ Chùa Hà, ngoài việc tìm tới sự trong lặng nơi cõi Phật, ai cũng cầu nguyện một tình duyên trọn vẹn. Người đang yêu mong tình yêu đẹp mãi, hạnh phúc mãi; kẻ cô đơn mong sớm tìm được một nửa còn lại. Người già thì cầu mong sức khỏe, bình an cho gia đình. Ai cũng tin Đức Phật từ bi cũng như Thánh Mẫu trên cao sẽ thấu hiểu được lòng mỗi người.
Nhiều nhất là thanh niên nam nữ không chỉ ngày rằm, mùng một hay đầu năm mới mới đến chùa thắp hương cầu xin mà dường như quanh năm, chùa lúc nào cũng đông khách. Dọc con phố dẫn vào chùa Hà, ngoài các lễ vật được bày bán, hoa hồng được bán khá nhiều (có thể hoa hồng được xem là loài hoa dành cho tình yêu, thích hợp cho việc “cầu duyên”). Ngoài ra, để phục vụ cho các “tình yêu”, các cặp đôi vòng, nhẫn cũng được các chủ hàng bày bán.
2: Phủ Tây Hồ
Phủ Tây Hồ nằm trên bán đảo lớn giữa Hồ Tây; nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, Việt Nam. Phủ thờ Liễu Hạnh Công chúa, một nhân vật trong truyền thuyết, và là một trong bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng của người Việt. Theo truyền thuyết, phủ được xây dựng vào khoảng thế kỷ 17 nhưng có thể có muộn hơn. Vì trong các sách nói về di tích của Thăng Long - Hà Nội cổ ra đời đầu thế kỷ 20 như Thăng Long cổ tích khảo, Long Biên bách nhị vịnh, Tây Hồ chí, Hà Thành linh tích cổ lục,…đều không ghi chép về di tích này.
Phủ Tây Hồ đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp bằng di tích Lịch sử-Văn hóa ngày 13 tháng 2 năm 1996. Ngoài ra, tại sân phủ có một cây si cổ thụ cũng đã được công nhận là “cây di sản Việt Nam”, và ở kề bên phủ còn có đền Kim Ngưu thờ Trâu Vàng theo truyền thuyết.
Phủ Tây Hồ được coi là một trong những chốn linh thiêng nhất trong hệ thống đình chùa của Hà Nội. Chính vì điều này mà ngày người ta đi Phủ Tây Hồ không chỉ để cầu tài lộc mà còn để cầu duyên. Đến phủ Tây Hồ không thiếu những bạn gái, bạn trai lững thững đi một mình đầy tâm trạng.
3: Am Mị Nương - Đền Cổ Loa
Am Mỵ Nương nằm trong chùa Cổ Loa (Hà Nội). Trong chùa, có am nhỏ thờ một bức tượng không đầu được trang trí rất đẹp và sang trọng. Theo người dân sống tại đây, bức tượng này là thờ công chúa Mỵ Châu bị vua cha chém đầu vì tội phản bội trong truyền thuyết xa xưa.
Câu chuyện tình cảm sắt son, chung thủy của nàng Mỵ Nương cùng Trọng Thủy khi xưa đã khiến bao người cảm động, tin tưởng rằng đến nơi đây cầu duyên sẽ được linh ứng. Cứ thế, một đồn mười, người ta đổ về đây mong kiếm tìm hạnh phúc”. Chính vì vậy am Mỵ Nương được người đời truyền tụng là rất có ứng nghiệm trong cầu duyên và hạnh phúc gia đình.
4: Chùa Phúc Khánh
 Chiều muộn, chùa Phúc Khánh (Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn không thiếu những đôi trẻ hay cô gái đi lễ. Vẻ mặt đầy âu lo, Dung (giáo viên dạy Văn tại Hà Nội) khẽ nhắm mắt và chắp tay vái trước các ban thờ với xấp tiền lẻ trong tay. Lễ xong, cô ngồi trầm ngâm ở bậc thềm chùa, rút thẻ trong túi ra đọc.
Dung lo lắng kể: “Lẽ ra hôm nay mình chỉ định đi rút thẻ đầu năm. Nhưng thầy bảo quẻ thẻ nói rằng tình duyên năm nay có trục trặc. Nếu mình không thành tâm cầu duyên ở nhiều chùa thì khả năng tan vỡ rất cao, không thì người chồng tương lai cũng sinh tính trăng hoa, hư hỏng”. Việc cầu duyên nằm ngoài dự định lần đi chùa này của Dung.
Tâm trạng chung của những cô gái chàng trai khi đi khấn cầu duyên có khi là niềm vui được trong tay nhau đi lễ chùa, có khi là nỗi lo lắng, khổ sở… Nhưng điều mà họ cảm thấy được rõ nhất chính là sự bình yên trong tâm hồn. Từ đó, họ tin vào điều mình nguyện cầu sẽ thành sự thực.
*.
ĐỖ VIỆT PHƯƠNG
Địa chỉ: Khu tập thể đóng tàu Bạch Đằng
Ngã tư An Dương, Lê Chân, Hải Phòng.
Email: dovietphuong118@yahoo.com.vn








.............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 17.04.2016.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang blog Đặng Xuân Xuyến. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét