(Nhà thơ Nguyễn Khôi) |
MẤY CẢM NHẬN VỀ THƠ NGUYỄN KHÔI
4 THÁNG ĐẦU NĂM 2016
Kể từ sáng tác đầu tay mà nay tác giả còn nhớ là bài
thơ “Sông Thao” viết hồi học lớp 9 hệ phổ thông 10 năm,
đã đăng báo VĂN của Hội Văn nghệ Việt Nam số 37 năm 1957, đến nay
Nguyễn Khôi đã có 60 năm thơ góp với đời, một lục thập hoa giáp thơ
với hàng trăm bài, thật đáng nể trọng.
Là lớp tuổi con cháu bác Nguyễn Khôi, tôi chưa có đủ thời gian
đọc hết thơ của bác và cũng không có năng lực phẩm bình gì về thơ
văn nên ở đây tôi chỉ nêu vài cảm nhận rất giới hạn khi đọc những
bài thơ gần đây nhất của bác như đã nêu trong nhan đề trên..
1.
Trước hết, đọc thơ Nguyễn Khôi viết trong 4 tháng đầu năm 2016 này,
ta có cảm giác đó là những thiên ký sự bằng thơ. Cảm nhận này càng
rõ nét khi ta nhìn vào tên các bài thơ xếp theo thứ tự thời gian.
Gần 40 bài, nhiều quá nên chỉ xin chỉ bày ra những bài thơ Nguyễn
Khôi viết trong tháng 1/2016:
11/01: Hà Nội Chạp này không có mùa đông
12/01: Viếng nhà văn Thái Doãn Hiểu
14/01: Viếng nhà thơ Văn Sửu
20/01: Viếng cụ rùa hồ Gươm
24/01: Hà Nội – Rét 6 độ C
25/01: Ba vì tuyết trắng
27/01: Sớm mai ngó xuống
28/01: Sài Khao ơi Sài Khao
29/01: Trời ấm lên rồi
9 bài thơ trong vòng 1 tháng mà trong đó lại có những bài liền
kề nhau từng ngày như vậy. Không dễ mấy nhà thơ có được như thế.
Vì vậy có thể gọi đây là những bài thơ được viết theo kiểu ký
sự nhật biên, nghĩa là ghi chép lại những cảnh, những người và
những sự việc cùng những cảm xúc tâm tình cá nhân tác giả về một
ngày hay một thời điểm nào đó trong dòng đời để chuyển tải tới
người đọc, chia sẻ và giúp người đọc được nhìn thấy cùng mình và
đồng cảm với mình.Tất nhiên những bài thơ này không phải là ký sự
văn xuôi, thiên về tự sự, ghi chép đầy đủ một sự việc, một thời
đoạn theo trình tự. Nó cũng không giống như thơ Nguyễn Nhược Pháp,
bài thơ CHÙA HƯƠNG, Thiên ký sự của
một cô bé ngày xưa. Nó là những bài
thơ ngắn nên cảm hứng trữ tình trong đó vẫn là chủ đạo. Thơ tức là tình mà đối cảnh sinh tình. Mỗi ngày bao
cảnh sinh ra bao tình cho mỗi người nhưng không phải ai cũng như Nguyễn
Khôi trút được những cảm xúc tràn dâng ấy trong tâm hồn mình vào bàn
phím bằng những dòng chữ cô đọng để thành những bài thơ đáng đọc.
2.
Thơ Nguyễn Khôi rất dung dị đời thường. Nhìn vào tên những đứa con
tinh thần của tác giả, không hề thấy một cái tên nào uốn éo ra điều
thông tuệ chữ nghĩa như mấy nhà thơ đình đám hiện nay: Bản đồ tình yêu, Giao cảm ea sola, sự nổi loạn của
tranh...hay những cái tên lên đồng
tình cảm như: Hoa hồng không
vỡ, Có một người bị ướt thức trong ta…Mà
chỉ là những cái tên rất giản đơn: Viếng nhà văn Thái Doãn Hiểu, Hà Nội
rét 6 độ C, Trời ấm lên rồi…, giản
đơn đến thô mộc như tên những đứa con của người nhà quê: cái Tý, cu
Tèo,…
Nhưng trong những đứa con tinh thần mộc mạc ấy lại là những trái
tim cao cả chứa đầy những cảm xúc rất đời thường, đôi khi tưởng như
rất nhỏ bé nhưng thật ra lại rất sâu đậm nhân văn của nhà thơ. Đó là
những cái tình gần nhất với con người: một niềm vui trước cảnh Phố phường rộn rịp đón xuân sang, một nỗi buồn khi xuân nay thực trắc
trở, một
tiếng nghẹn lòng khi viếng bạn Chén rượu viếng này xin hắt tới trời cao và cả nỗi lo âu thế cuộc trong mùa xuân u ám vì Tin: Bắc Hàn hiếu
chiến, Tàu đòi chiếm Biển Đông…
Đầu tháng 01, thấy ngoài trời nắng trắng vì khô hạn, chưa đến
Tết mà Đào, Mai đã nở, nhà thơ đã ghi lại những cảnh: HÀ NÔI CHẠP
NÀY KHÔNG CÓ MÙA ĐÔNG với những xúc cảm lo âu cho người và cho cả
mình. Do khô hạn, mất mùa Đào Mai bán Tết, nông dân “bỏ đồng ra bám phố” khiến
cảnh “ùn tắc thêm tăng”. Những
con người cơ cực đó:
Đứa cửu vạn, đứa ca ve - bưng phở
Mong kiếm tí "Đô" (dollar) kinh tế
thị trường
Trái lại, những kẻ lắm tiền nhiều của thì lại cố phô ra thói
hãnh tiến đến kệch cỡm: Tuy không lạnh nhưng phải “Diện len dạ, đầu trần bát phố” tìm đến
các nơi ăn uống ngon và nhìn đời bằng con mắt vô cảm:
Sớm mai dậy lên Nam Ngư ăn phở
Ly cafe' ngồi ngắm Hồ Gươm.
Nếu thiên ký sự CHẠP NÀY KHÔNG CÓ MÙA ĐÔNG chỉ ghi chép những
người, những cảnh ấy cũng đã đem đến cho người đọc nhiều xúc động.
Nhưng không chỉ thế, bài thơ đã kết thúc với 4 câu:
Hà Nội chạp này đón Tết bâng khuâng
Có lẽ về quê là hay hơn cả
Đêm ba mươi khói mờ mái rạ
Củi lửa đỏ bừng má vợ hồi xuân.
Ấy là cái tình riêng của tác giả, cái bâng khuâng của một tâm
hồn trước ngổn ngang xuôi ngược của cảnh vật thiên nhiên, của kẻ giàu
người nghèo trước sự khắc nghiệt của thời tiết. Một sự bâng khuâng
xen lẫn nỗi buồn, đượm mùi vừa thương xót và cả nỗi bực bõ. Bâng
khuâng nhưng bất lực nên sẽ “Có
lẽ về quê” đón Tết để được chút hơi ấm khói rạ đêm ba mươi
của quê hương và chút hạnh phúc cá nhân khi “Củi lửa đỏ bừng má vợ hồi xuân”.
Chưa qua 4 tháng của năm 2016, báo chí và các trang mạng kể cả lề
phải lẫn lề trái đều phản ánh những thói xấu của người Việt đương
thời như ăn nhậu tối ngày, lười đọc sách, phục dựng lễ hội tràn
lan, người Việt đang tự đầu độc lẫn nhau cùng các thói xấu khác như
cờ bạc, ăn cắp, ăn tiền, thói bầy đàn và nguy hiểm nhất là đang rơi
vào khủng hoảng, mất niềm tin, mất an toàn, nhà thơ Nguyễn Khôi đã
khép lại tháng Tư năm 2016 bằng một ký sự thơ dài 12 khổ: XỨ DÂN
NHẬU với khá đầy đủ vẻ xấu xí kể trên của người Viêt đương thời
rồi cô đúc lại hình ảnh Dân Xứ
Này bằng những câu đầy cảm thán ở khổ thơ cuối:
*12 - Dân xứ này: đẳng cấp Người Đặc Biệt
Luôn tự vui, tự sướng, tự khen
- Ngây thơ khoe: mình cái gì cũng
"tuyệt"
Cứ tỉnh bơ, mặc thiên hạ chê MÈNG.
Khen đấy mà chính là chê đấy, khen mà chê để buồn dấu
trong lòng một tiếng thở dài bất lực. Vì vậy, mặc dù nhà thơ
ghi rõ ở đầu bài thơ: Xứ dân
nhậu - Thơ vui
về "Người Việt xấu xí" nhưng không ai có thể vui, dù chỉ là vui một
tý khi CÁI DÂN XỨ NÀY NÓ THẾ!
Cuối bài thơ, tác giả ghi ngày viết :
Hà Nội 22/4/2016
Kỷ niệm ngày sinh Vladimir Ilich Lénine
Lênin, người thầy của cách mạng vô sản, vị anh hùng lớn nhất của
nhân dân Xô Viết mà nay chế độ này đã sụp đổ, người mà trong suốt thời
đại Xô Viết, nhiều bức tượng đã được dựng lên khắp Đông Âu, nay nhiều bức
tượng đã bị hạ xuống ở ngay chính thiên đường ông ta tạo dựng và ở
nhiều nước khác. Ngày sinh Lênin có liên quan gì tới việc viết
bài thơ vui này nhỉ? Nếu tinh ý, ta thấy thực sự nó có liên quan
đấy, vì Hồ Chí Minh là người đã truyền bá chủ
nghĩa Mác Lênin vào Việt Nam sau khi đọc tài liệu Sơ thảo Luận
cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa lần thứ nhất của Lênin và đến nay, chủ
nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh được Đảng Cộng Sản Việt
Nam lấy làm là cơ sở lý luận của mình và được coi là vũ khí lý luận của
giai cấp công nhân.
Và Dân Xứ Này đang
trên con đường lên thiên đường Xã Hội Chủ Nghĩa theo sự dẫn dắt của vũ
khí lý luận ấy!
Phải là một tâm hồn nhậy cảm đặc biệt, có năng khiếu và sự linh
hoạt cao độ khi cầm bút mới có thể có được những cảm xúc sâu sắc
trước những sự việc rất đời thường để viết được những bài thơ ký
sự như thơ Nguyễn Khôi 4 tháng đầu năm 2016 này.
3.
Rất dễ nhận ra, thơ Nguyễn Khôi rất giàu lời đề từ. Lời đề từ
trong thơ của tác giả thường là một câu thơ cổ kim của các nhà thơ nổi
tiếng:
Bài THƠ NGÀY 30 TẾT với lời đề từ:
"Tuế nguyệt bất đãi nhân" ,
thơ Đào Uyên Minh
Bài NẮNG MỚI THANH MINH là 2 câu Truyện Kiều:
Thanh minh, trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh
Bài BA VÌ TUYẾT TRẮNG là câu thơ của Nguyễn Nhược Pháp:
Nhìn quanh khói tỏa buồn man mác
Nàng kêu: "Phụ vương ôi! Phong Châu!
Bài SÀI KHAO ƠI, SÀI KHAO là câu thơ Quang Dũng:
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Trước Nguyễn Khôi, trên văn đàn đã có rất nhiều nhà thơ nhà văn
lớn cũng hay dùng lối đề từ này:
Trong nước, khi viết bài thơ MỴ CHÂU, Nguyễn Nhược Pháp mượn câu
thơ của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu làm đề từ:
Lẫy thần chàng đổi móng,
Lông ngỗng thiếp đưa đường
Ngoài nước, nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng người
Nga Pushkin là cây bút có sở trường về lời đề từ cho các
tác phẩm của mình:
Truyện ngắn CÔ TIỂU THƯ NÔNG DÂN của Pushkin được đề từ bằng
câu thơ của Bơgơđanôvit:
Em xinh em mặc áo nào cũng xinh
Và đặc biệt trong tiểu thuyết NGƯỜI CON GÁI VIÊN ĐẠI ÚY, ngoài
lời đề từ chung cho cả truyện với câu châm ngôn:
Hãy giữ gìn danh dự
từ khi còn trẻ trung.
mỗi chương truyện cũng đều bắt đầu bằng một lời đề từ, như:
Chương I: TRUNG SĨ QUÂN CẬN VỆ
- Vào cận vệ, nay mai thăng đại uý.
- Cần gì, vào quân chiến đấu là hơn.
- Phải đấy! Cho nó nếm đời binh sĩ…
Nhưng mà này, thế cha nó là ai?
Đề từ này trích từ vở hài kịch TAY KHOÁC LÁC của I.B.
Knhiagiơnhin
Chương cuối: RA TÒA
Lời đề từ là một câu ngạn ngữ:
Miệng thế gian
như làn sóng bể.
Xem vậy, nhà thơ Nguyễn Khôi đã kế thừa và phát huy rất hay lối
đề từ cho nhiều bài thơ của mình. Những lời đề từ này như một
món khai vị ngon của mâm tiệc. Người ta thưởng thức xong món khai vị
đó sẽ rất hứng cảm với những bát đĩa đầy thức ăn khác đã bày
hoặc sẽ được mang lên tiếp sau. Với Thơ, nó là lời gián tiếp thu tóm
nội dung của tác phẩm, nhưng nội dung này còn đang ở bề chìm, người đọc đi
theo hướng lời đề từ sẽ dễ khám phá ra ý đồ sáng tác của tác giả
và các giá trị nội dung của tác phẩm.
Những lời đề từ trong thơ Nguyễn Khôi cũng cho ta thấy sự đọc
rộng biết nhiều nhưng lại rất khiêm nhường của tác giả. Ẩn sau những
lời đề từ ấy, nhà thơ như muốn nói: Ấy, trước cảnh vật này, trước
sự việc và con người này, trước tôi đã từng có một danh sĩ viết
mấy câu tuyệt bút như thế này đây! Với những ý đó, người đọc đã
thêm cảm hứng đọc tác phẩm sẽ thêm cả phần mến mộ tác giả.
4.
Rất nhiều bài thơ Nguyễn Khôi có lời đề tặng cho một hai người
bạn nào đó. Thơ với những tên người được đề tặng cho ta thấy
tác giả là một nhà thơ có nhiều bè bạn ở nơi nơi nhưng trên hết là
thơ của tác giả được nhiều bạn đọc yêu thích và cái đáng quý hơn
nữa là, nhà thơ thấy có bổn phận được chia sẻ những tình cảm tốt
đẹp của mình đã chắt lọc thành thơ cho công chúng và cho riêng những
người bạn ấy đồng thời cũng mong sẽ được họ chia sẻ lại tình cảm
với mình.
Xin dẫn đầu tiên là bài thơ CHỢ LŨNG. Bài thơ này tuy viết vào tháng 12/2015 nhưng buộc phải đưa lên đây vì lời đề
rất riêng tư quê mùa nhưng đầy nồng thắm: tặng mẹ đĩ.
Ấy là tác giả tặng thơ cho người bạn đời của mình, người đã
cùng nhà thơ tình chồng nghĩa vợ trong suốt hơn 50 năm qua mà Chợ
Lũng là quê của mẹ đĩ.
Đúng là yêu nhau yêu cả
đường đi. Tác giả yêu vợ nên yêu cả quê của vợ mình. Bởi
thế, chợ Lũng vốn vui và đẹp nổi tiếng trong mắt dân gian lại càng
vui đẹp hơn trong mắt nhà thơ:
Sớm mai chợ Lũng trời yên ả
Hải sản, hoa tươi các ngả về
Chợ Lũng còn mang lại niềm vui cho tác giả mỗi lần về thăm vì
nơi đó còn có bà mẹ vợ kính yêu đã già, còn có bóng Hoàng
Lan thân thương, tĩnh lặng và thơ mộng đã chứng kiến mối tình đôi
lứa từ thuở mẹ đĩ tóc thề mới chấm ngang vai:
Vui lại về đây thăm chợ Lũng
Mẹ già ngồi ngóng gái chồng xa
Nhẩn nha dưới bóng HOÀNG LAN nhớ
Sương sớm rơi đằm mấy cánh hoa.
HÀ NỘI RÉT 6 ĐỘ C với lời đề: Gửi Lê Vy - Sài gòn.
Hiển nhiên ông bạn già Lê Vy này vốn đã từng biết cái rét ngoài
Bắc, cái rét Hà Nội, nay vào sống ở Sài Gòn phương Nam nắng nóng
chắc cũng đang nhớ đang thèm một chút lạnh mùa Đông nơi xưa chốn cũ,
nhớ và thèm cái hơi ấm tình bạn giờ hai phương trời cách trở. Nếu
đúng thế thì ông bạn già Lê Vy - Sài gòn ơi, Nguyễn Khôi tôi đang trong Hà Nôi rét 6
độ C là đây:
Thân già bó gối ngồi chờ NẮNG
Mịt mùng cóng lạnh cả hồn Thơ
Bài thơ XÓM CỎ, với lời: Tặng Đặng Xuân Xuyến.
Bài thơ đầy ắp tâm trạng chán ngán Phố Thị, muốn quên cái thời đang
biến động, lũy tre làng đã bị phá sạch, cánh đồng xanh đã thành Đô Thị
Mới khiến con người “Ở giữa quê
như chẳng có Quê Hương” và mơ được bỏ cao tầng về Xóm
Cỏ để:
Còn chút hẻo lẻ loi chòi Xóm Cỏ
Ta ra đây ngụ với Bác cu Bần
Nuôi vịt, trồng rau...xuống sông kéo vó
No cái mùi Hoa Cỏ nức hương xuân...
Hẳn người được tặng Đặng Xuân Xuyến cũng có chung nỗi niềm
tâm sự ấy? Đúng thế, nhà thơ Đặng Xuân Xuyến là người sau khi tốt
nghiệp Đại học với hai bàn tay trắng, chỉ hơn chục năm viết sách và kinh doanh,
đã xuất bản được mấy chục đầu sách rất ăn khách, có nhà riêng to, đẹp ở Hà Nội
nhưng trong một lần về làng lại có lời nhắn bạn: VỀ QUÊ ĐI
MÀY
Mày về quê chơi đi
Về với tao. Về với thời thơ dại
Bài thơ HÀ NỘI MÙ MỊT SƯƠNG: Tặng
Nguyễn Bàng, một người bạn đọc già quê gốc ngoại ô Hà Nội nhưng
giờ đang sống ở Sài Gòn, để chia sẻ cái nóng đang đến và cái sương
mờ mịt ở Hà Nội nhưng không phải là sương thiên nhiên của đất trời:
May là mới nóng 26 độ
Như ở Sài Gòn (35độ C) chắc phát điên?
Và để cùng nhau nhớ lại một thời ở miền núi vì bác Nguyễn
Bàng cũng có thời đã sống và làm việc ở Tây Bắc như bác Nguyễn
Khôi:
Sớm ra Hà Nội sương mờ mịt
Cứ ngỡ mình đang ở Sơn La
- Nhưng mà không phải là khói bếp
là khói xăng xe độc hại mà…
Và tôi, một bạn đọc tuổi con cháu nhà thơ cũng được bác Nguyễn
Khôi đề: Tặng Dương Ninh Ninh
trong bài thơ VỀ QUÊ VỢ ĐÓN RÉT NÀNG BÂN.
Chỉ bởi tôi có một con bạn rất thân xinh đẹp nết na lại giỏi nữ
công gia chánh. Chồng nó rất yêu nó nhưng anh chàng dân công sở to ấy
chỉ yêu hàng hiệu, áo chưa phai đã đổi mốt liền khiến con bạn tôi, cô
vợ thục nữ còn sót lại ở đầu thế kỷ 21 này của anh ta phải thầm
lau nước mắt mỗi độ tháng Ba rét nàng Bân vì nó chưa một lần được
làm nàng Bân may áo cho chồng nó!
Bác Nguyễn Khôi biết chuyện đã tặng tôi bài thơ trên nhưng tôi
biết bác không chỉ cho riêng tôi mà còn để tôi chia sẻ với bạn của
mình:
Ôi thời buổi sính dùng "hàng hiệu"
Nào Quảng Châu, hàng Pháp, hàng Nga...
- Ừ đẹp đấy, con gái mua, chẳng thiếu
Áo vợ đan, dẫu muộn, vẫn đượm đà
Đồng thời nhắc nhở tôi và cả bạn tôi về một vẻ đẹp xưa mà giờ
bọn trẻ chúng tôi không dễ gì kiếm được nhưng với nhà thơ trưởng lão
thì vẫn còn nguyên:
Về Hạ Lũng ngắm hoa vườn mẹ
"Dưới bóng Hoàng Lan" hóng gió lạnh
mơn man
Cái lành lạnh nghe mát lòng thơm thảo
Áo vợ đan vừa dịp Rét Nàng Bân.
Như thầm bảo chúng tôi nói riêng và bạn đọc thơ Nguyễn Khôi nói
chung, dù thời nào cũng thế, cái đẹp đích thực muôn đời vẫn đẹp,
xin đừng bao giờ quên lãng nó.
Ta còn bắt gặp rất nhiều người được nhà thơ Nguyễn khôi đề tặng
thơ: Nguyễn Đình Lạn, Đặng Phương
Thảo- Paris, L.X.Q - Berlin, ông đồ làng Mọc - Hoàng Văn Chính, Em gái nhà thơ ở
Berlin…, thật khó mà ghi cho đủ được.
Nhưng thật thú vị, trong danh sách những người được Nguyễn Khôi đề
tặng thơ ấy có cái tên Yingluck
ShinWatra, nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan, và là thủ tướng trẻ
tuổi nhất trong hơn 60 năm qua đã bị bọn quân phiệt bãi chức.
Khi biết cựu nữ Thủ tướng Thái Lan hiện nay như một bà nông dân, áo thun
in dòng chữ “cuộc sống đời thường”, quần kaki và đi dép quai làm vườn với
sự chia sẻ trên Faceboook cá nhân của bà:“Sống một cuộc sống của một người bình thường quả là dễ chịu. Hạnh phúc
không phải là những gì xa xôi”, nhà thơ Nguyễn Khôi có
ngay bài thơ THÔI, VỀ VƯỜN TRỒNG RAU đề tặng bà, viết về bà với
những từ ngữ không thể có từ nào cao sang, tốt đẹp hơn: Bà Hoàng, bàn tay ngọc ngà, Người đẹp
dịu hiền chân chất.…trong những công việc không thể đời thường
hơn: trồng rau, cấy nấm tưới nước, bón phân và kết thúc bài
thơ bằng những lời đầy yêu mến và nể trọng:
Thôi, Cô Nàng... yên tâm làm vườn nhé
Vì Nhân Dân, mà cũng vì mình
Cứ cười tươi... nắm rau ngon mát mẻ
Hiến dâng đời cuộc sống tươi xanh.
Rất tiếc là tôi mù chữ Thái, nếu biết đọc biết viết chữ Thái,
tôi sẽ dịch bài thơ này của bác Nguyễn Khôi gửi sang Băng Cốc cho
bà Yingluck, một người phụ nữ xinh đẹp, trẻ trung, đôn
hậu, người mà tôi coi là tử tế nhất khi còn ngồi trên ghế quyền
lực và cả khi đã về với đời thường.
*
Nếu gọi 60 năm thơ của bác nguyễn Khôi là một khu vườn xum xuê hoa
lá thì 4 tháng đầu năm 2016 thơ Nguyễn Khôi là một Mảnh vườn thơ mới
trồng đã nở những đóa hoa đời thường giản dị nhưng rất tươi
đẹp!
Hy vọng sẽ còn được vào thăm những Mảnh vườn thơ như thế của bác
Nguyễn Khôi trong những tháng tiếp sau.
*.
Sài Gòn, ngày 01-02 tháng 05.2016
DƯƠNG NINH NINH
Địa chỉ: Thành phố Sài Gòn
Email: duongninhsg@gmail.com
.
.
........................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật từ email khoidinhbang@gmail.com
ngày 04.05.2016
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại
0 comments:
Đăng nhận xét