NHỮNG ĐIỀU KIÊNG KỴ TRONG NGÀY TẾT - Tác giả: Đặng Xuân Xuyến

Leave a Comment

NHỮNG KIÊNG KỴ TRONG

3 NGÀY TẾT

*

1. Kiêng về nhà sau giao thừa:

Người Việt Nam ta có tục kiêng về nhà sau giao thừa vì theo tín ngưỡng người Việt, nếu không kịp về nhà trước giao thừa thì cả năm mới sẽ phải bôn ba, vất vả. Vì thế, dù bận rộn hay vui vẻ thế nào, hoặc ở xa đến đâu thì người ta cũng thu xếp công việc, cố về nhà trước giờ giao thừa.

 

2. Kiêng quét nhà vào 3 ngày tết:

Cổ nhân cho rằng nếu quét nhà trong 3 ngày đầu năm mới thì thần Tài sẽ bỏ đi, tiền bạc sẽ không đến với gia đình, thậm chí còn mang lại điềm xấu về tài, lộc cho cả gia đình.

Theo một điển tích của người Trung Quốc, kể rằng:

Có một người lái buôn tên là Âu Minh, lần nọ đi qua hồ Thanh Thảo được thủy thần cho một người hầu tên là Như Nguyệt. Sau đó vài năm, Âu Minh làm ăn phát đạt và trở thành người giàu có, tiền bạc đầy nhà.

Vào ngày mùng 1 Tết năm nọ, Như Nguyệt mắc lỗi nhỏ, bị Âu Minh đánh đập. Vì sợ, Như Nguyệt đã bỏ chạy, chui vào đống rác và biến mất. Kể từ đó, gia đình nhà Âu Minh cứ nghèo dần, nghèo dần đến kiệt quệ, túng thiếu.

Từ chuyện trong điển tích, người Trung Quốc đã hình thành tục kiêng không quét nhà, đổ rác trong 3 ngày Tết Nguyên Đán.

Văn hóa Việt Nam ta đã tiếp nhận tục kiêng quét nhà vào 3 ngày tết của người Trung Quốc nhưng đã Việt hóa trở thành một trong những tập tục chính của người Việt Nam bằng chuyện “Sự tích cái chổi” để giải thích về tập tục này:

“Ngày xưa ở trên trời có một người đàn bà nấu ăn rất khéo tay nên Ngọc Hoàng giao cho bà chuyên trông nom công việc nấu ăn ở thiên trù. Nhưng bà lại có tật hay ăn vụng và tham lam. Bà ta yêu một lão chăn ngựa cho thiên đình. Đã nhiều phen bà lấy cắp rượu thịt trong thiên trù giấu đưa ra cho lão và cũng nhiều phen bà dắt lão lẻn vào kho rượu, mặc sức cho lão bí tỉ. Lệ nhà trời những người hầu hạ đều có thức ăn riêng, nhất thiết không được đụng chạm đến ngự thiện, dù là Ngọc Hoàng ăn thừa cũng vậy.

Một hôm, Ngọc Hoàng mở tiệc đãi quần thần. Giữa lúc cỗ đang bày lên mâm thì từ đàng xa, bà đã nghe tiếng lão chăn ngựa hát. Bà biết lão tìm mình. Bà lật đật ra đón và giấu lão vào phía góc chạn. Trong bóng tối, trên giá mâm đặt ở gần đó có biết bao là mỹ vị mùi hương thơm phức. Đang đói sẵn, lão giở lồng bàn sờ soạng bốc lấy bốc để... Khi những người lính hầu vô tình bưng mâm ngự thiện ra thì bát nào bát ấy đều như đã có người nếm trước. Ngọc Hoàng thượng đế vừa trông thấy không ngăn được cơn thịnh nộ.

Tiếng quát tháo của Ngọc Hoàng dữ dội làm cho mọi người sợ hãi. Người đàn bà nấu bếp cúi đầu nhận tội và bị đày xuống trần, bắt phải làm chổi để phải làm việc luôn tay không nghỉ và tìm thức ăn trong những rác rưởi dơ bẩn của trần gian.

Lâu về sau, thấy phạm nhân bày tỏ nông nỗi là phải làm khổ sai ngày này qua tháng khác không lúc nào được nghỉ, Ngọc Hoàng thương tình ra lệnh cho nghỉ ba ngày trong một năm. Ba ngày đó là ba ngày tết Nguyên Đán.

Bởi vậy đời sau trong dịp tết Nguyên Đán, người ta có tục lệ kiêng không quét nhà để cho chổi được nghỉ.”

 

3. Ngày tết kiêng đánh mất chổi quét nhà:

Bên cạnh tục kiêng quét nhà vào 3 ngày Tết Nguyên Đán, người Việt ta (phổ biến là đồng bào Nam Bộ) còn có tục cất chổi đi sau khi đã quét dọn nhà cửa để chuẩn bị đón giao thừa. Tín ngưỡng cho rằng, nếu trong ngày Tết mà để mất chổi thì có nghĩa cả năm mới gia đình đó sẽ luôn bị trộm "viếng thăm" vét sạch của cải.

 

4. Kiêng cho lửa đầu năm:

Lửa trong tâm thức dân gian tượng trưng cho sự may mắn, thuận lợi về tiền bạc, hạnh phúc. Vì thế, người Việt tín ngưỡng rằng nếu cho lửa vào ngày đầu năm thì cả năm mới, gia đình sẽ gặp nhiều điều không may như: làm ăn thua lỗ, trong nhà lủng củng, ra đường hay gặp tai bay vạ gió…

Ngoài việc kiêng cho lửa trong 3 ngày tết, nhiều gia đình còn cẩn thận kiểm tra bếp gas, bếp điện hay than củi dự trữ...  trước ngày 30 sao cho đủ dùng qua mấy ngày tết để cầu mong sự may mắn, no đủ và ấm êm cả năm cho gia đình.

 

5. Kiêng cho nước đầu năm:

Cũng như lửa, nước được ví như nguồn tài lộc, nên mới có câu chúc “tiền vô như nước”, nếu cho người khác nước thì mình sẽ bị mất lộc. Vì thế, trước khi bước sang năm mới, ở nông thôn, nhà nào cũng lo đổ đầy nước vào chum, bể để tránh mấy ngày tết không có nước dùng, tránh vận đen cả năm sẽ khó khăn về mưu kế sinh nhai.

Từ trong tâm thức, người ta tin rằng năm mới đến sẽ đem theo của cải nhiều như nước, nên thời xưa, nhiều gia đình, sáng Mùng Một Tết thường thuê người gánh nước đến. Chủ nhà chỉ mừng tuổi đôi ba hào lấy may, nhưng cả 2 đều vui vẻ vì như thế cả một năm mới chủ nhà và người gánh nước sẽ đều được may mắn.

 

6. Kiêng đòi nợ vào những ngày đầu năm mới:

Thường thì vào những ngày cuối năm, nhà nào nợ nần ai thì cũng cố gắng trả nợ vào trước Tết. Còn các chủ nợ cũng tranh thủ những ngày cuối năm đi thu nợ, rồi khóa sổ, không ai đi đòi nợ vào mấy ngày Tết vì sợ dông cả năm với cả chủ nợ lẫn người nợ.

Hơn nữa, đòi nợ đôi khi dẫn đến đôi co, thậm chí là xô xát. Không ai lại muốn điều không hay như thế xảy ra vào những ngày đầu năm nên những nhà có vay nợ thì trước Tết phải đến khất với chủ nợ, hẹn đến ra giêng sẽ trả. Dù có đủ tiền trả nợ trong mấy ngày Tết thì người ta cũng đợi đến qua rằm tháng Giêng mới đem trả vì e rằng: đầu năm mà trả nợ thì cả năm đó sẽ hao tiền, tốn của. Nói chung, bần cùng lắm thì người ta mới phải để nợ nần vắt qua năm mới, còn không thì thường cố gắng trả hết nợ vào dịp trước Tết. Tục tránh đòi nợ vào những ngày đầu năm là thế.

 

7. Kiêng cho vay mượn tiền bạc, đồ đạc trong 3 ngày Tết:

Người xưa quan niệm: cho người khác vay mượn tiền bạc hoặc vật dụng trong nhà cũng là một hình thức “trao của”, không khác gì việc trả nợ. Vì thế, người ta kiêng không cho vay tiền hoặc mượn đồ đạc vào 3 ngày tết để giữ được hạnh phúc và tài, lộc cho cả gia đình.

 

8. Ngày tết kiêng vay mượn, tiền bạc, đồ đạc:

Người xưa cũng quan niệm không nên vay tiền hoặc mượn đồ đạc vào những ngày đầu năm mới, nhất là trong 3 ngày tết Nguyên Đán, vì dân gian tín rằng: nếu vay mượn tiền bạc, đồ đạc của người khác, sẽ đem lại cảnh túng thiếu cả năm cho gia đình.

 

9. Kiêng cho mượn kim, chỉ đầu năm:

Theo quan niệm dân gian thì kim chỉ biểu tượng cho sự gìn giữ mái ấm gia đình, cũng tượng trưng cho vượng khí của sự hưng thịnh. Ngày đầu năm, người ta tối kỵ cho mượn kim chỉ vì quan niệm nếu cho người khác mượn kim chỉ là đem sự ấm êm và vượng khí tốt đẹp của gia đình cho người khác, khiến cả năm, gia đình sẽ lục đục, hao hụt về hạnh phúc và tiền bạc.

Nếu gặp chuyện này, người ta thường dùng 7 que đóm (nếu là nam mượn kim chỉ) hoặc 9 que đóm (nếu là nữ mượn kim chỉ) đốt theo chân người đến mượn với lời chú: "đốt vía đốt van vía lành thì ở, vía dữ thì đi” rồi vất ra ngõ để tiêu trừ sự không may, đảm bảo hạnh phúc cho gia đình.

 

10. Kiêng may vá trong 3 ngày tết:

Không chỉ kiêng cho người khác mượn kim chỉ trong mấy ngày tết Nguyên Đán, dân gian còn kiêng cầm kim may vá trong ba ngày tết vì sợ sẽ phải vất vả trong cả năm mà tài lộc vẫn phải chịu cảnh giật gấu vá vai, thiếu trước hụt sau.

 

11. Kiêng cãi cọ hay mắng chửi con cái:

Ngày đầu năm, người ta chỉ nói với nhau những điều tốt đẹp. Con cháu chúc ông bà mạnh khỏe, sống lâu. Ông bà cũng chúc lại con cháu ngoan ngoãn, học giỏi, thành đạt. Gặp hàng xóm hoặc bạn bè thân quen, người ta cũng nói với nhau những điều vui vẻ, chúc tụng, hỏi thăm. Nếu lỡ có điều gì không vừa ý thì người ta cũng dễ dàng bỏ qua cho nhau.

Cha mẹ thường ít khi mắng con cái trong ngày Tết vì sợ dông cả năm. Con cái lỡ làm điều gì sai thì cha mẹ chỉ trách nhẹ nhàng theo nghĩa khuyên bảo. Anh chị em trong nhà cũng không bao giờ to tiếng với nhau. Gặp người quen biết sơ sơ thì người ta cũng vồn vã với nhau, nói với nhau những lời thân thiện. Người ta quan niệm rằng: ngày đầu năm mà để xảy ra to tiếng, cãi cọ thì cả năm đấy có nhiều chuyện cãi cọ và làm ăn chẳng ra gì. Vậy nên, chỉ nói những điều nhẹ nhàng, vui vẻ với nhau trong 3 ngày Tết để cả năm được "mưa thuận gió hòa).

 

12. Kiêng người xung khắc với tuổi chủ nhà xông đất:

Người Việt Nam quan niệm: sau giao thừa, người đầu tiên bước chân vào nhà sẽ là người xông đất. Nếu người đó có tuổi xung khắc với chủ nhà thì cả năm mới gia chủ sẽ gặp những điều không tốt. Vì vậy, mỗi gia đình đều rất cẩn thận trong việc chọn người xông đất.

Chọn người xông đất, người ta thực hiện theo nguyên tắc: chọn mệnh sinh, kỵ mệnh khắc. Chẳng hạn: chủ nhà mệnh thuỷ nên chọn người xông nhà là mệnh Kim (bởi vì Kim sinh Thuỷ), chủ nhà mệnh Hoả thì chọn người xông nhà mệnh Mộc (vì Mộc sinh Hoả)... 

Các tuổi sau đây xung với nhau:

Dần - Thân - Tỵ - Hợi

Tý - Ngọ - Mão - Dậu

Thìn - Tuất - Sửu - Mùi.

Căn cứ vào đó để chọn người không xung với mình đến xông đất. Ví dụ: Chủ nhà tuồi Dần thì kỵ người xông nhà có tuổi Thân, Tỵ, Hợi

Người ta còn chọn người xông đất có tuổi mà hàng can hợp với mình. Các hàng can hợp nhau là:

Giáp hợp Kỷ - Ất hợp Canh

Bính hợp Tân - Mậu hợp Quý

Đinh hợp Nhâm

Có người lại chọn người xông nhà đầu năm theo sao hạn theo năm của người xông đất.

Thường thì người ta chọn người có sao Thái Dương để xông nhà vì người ta tin rằng sao Thái Dương sẽ đem lại tài lộc dồi dào cả một năm và hạnh phúc sẽ viên mãn, đủ đầy. Tuy nhiên, ngoài yêu cầu có sao Thái Dương, người được chọn làm vị khách xông nhà phải là người khỏe mạnh, tử tế nhanh nhẹn và “nhẹ vía”, để năm mới gia chủ sẽ được hưng thịnh.

 

13. Kiêng người hay gặp hoạn nạn xông nhà:

Ngoài việc chọn người có tuổi, mệnh không xung với chủ nhà đến xông đất thì người ta còn chọn những người có cuộc sống may mắn đến xông đất đầu năm. 

Người xông đất phải là người có đạo đức tốt, gia đình yên ấm, kinh tế ổn định. Không chọn những người trong năm gặp hoạn nạn (ốm đau, tai nạn, mất của, cháy nhà...), người đang có tang, vợ chồng bất hoà, vía dữ, keo kiệt hoặc sinh con một bề,...

Kiêng kỵ như vậy vì tín ngưỡng dân gian cho rằng: vía của người đầu tiên đến nhà mình vào ngày đầu năm sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống của gia đình trong năm đó.

 

14. Kiêng xông đất nếu không được gia chủ mời:

Tục xông đất/xông nhà đầu năm là một trong những tập tục chính của người Việt. Theo tục này, người đầu tiên bước vào nhà ai trong những ngày đầu năm thì người đó sẽ đem lại may mắn hoặc xui xẻo cho gia đình ấy trong cả năm. Vì thế, sau phút giao thừa, mọi người thường tránh đến nhà người khác chơi vì sợ không may trở thành người xông đất không hợp tuổi, không hợp vía với chủ nhà, sẽ đem lại phiền phức, “xui xẻo” cho chủ nhà.

 

15. Kiêng khóc lóc, nói những lời không vui:

Trong tâm thức người Việt, ngày đầu năm, đầu tháng (thâm chí cả ngày đầu tiên bắt đầu một công việc mới, một chỗ ở mới hay một mối quan hệ mới...) rất quan trọng, vì ngày đó mọi sự được hanh thông, tốt đẹp thì cả năm, cả tháng… sẽ gặp những may mắn, được xuôi chèo mát mái. Vì thế, nếu chẳng may rơi vào cảnh buồn đau, người ta cũng cố gắng kiềm chế, kiêng nói những điều không vui đó ra, phần để giảm thiểu chuyện không vui cho bản thân, phần vì e người thân sẽ lo lắng với mình, buồn theo mình,... sẽ kéo theo nhũng “xúi quẩy” cho họ.

 

16. Ngày tết kiêng làm vỡ đồ vật:

Văn hóa tâm linh quan niệm việc làm đổ vỡ một đồ vật ví như: bát đĩa, ấm chén, lọ hoa... là điềm báo rủi ro có thể xảy đến về hạnh phúc gia đạo, sự nghiệp và tài, lộc cho cả nhà. Vì thế, trước Tết, ông bà thường dặn con cháu trong mấy ngày Tết làm gì cũng phải cẩn thận, tránh đổ vỡ để năm mới được may mắn.

Tục kiêng kỵ làm đổ vỡ đồ vật trong mấy ngày Tết, cũng có ý nhắc nhở mọi người tạo tính cẩn thận, biết gìn giữ, trân trọng những gì đang có, tránh làm rạn nứt, đổ vỡ, tổn thương các mối quan hệ trong gia đình, xã hội.

 

17. Kiêng chúc tết người còn đang nằm ngủ:

Dân gian cho rằng: ngày tết tránh chúc tết người đang ngủ vì lời chúc trong trường hợp đó không khác gì lời trù ếm “đối phương” cả năm luôn gặp xui xẻo, kém may mắn, hay bị hoạn nạn, ốm đau, phải "nằm liệt" trên giường bệnh.

 

18. Kiêng đánh thức người khác ngày mùng 1:

Bên cạnh tục kiêng chúc tết người đang ngủ vì sợ điều “xúi quẩy” về sức khỏe với người đang ngủ, tín ngưỡng dân gian còn có tục kiêng đánh thức người đang ngủ vào ngày mùng 1 tết. Vì cổ nhân cho rằng nếu bị đánh thức vào sáng mùng 1 tết thì cả năm phải chịu sự thúc giục, trách phạt của người khác.

 

19. Kiêng về nhà ngoại vào các ngày 1, 4, 5 tết:

Ngạn ngữ người Việt có câu: “Mùng một lễ Cha, mùng hai tết Mẹ, mùng ba tết Thầy”, để dạy cháu con phải có bổn phận sùng kính, hiếu đễ trước nhất với đấng sinh thành (cha mẹ), sau đến thầy cô (người có công dạy dỗ nên người).

Văn hóa Việt Nam ta đề cao lòng hiếu thảo nên luôn lấy sự hiếu đễ là một trong các chuẩn mực để nhìn nhận, đánh giá về tư cách con người. Vì thế, trong 3 ngày tết Nguyên Đán, việc con gái, chàng rể tỏ lòng hiếu thuận với bên ngoại (bố mẹ vợ của chàng rể) là điều phải làm. Tuy nhiên, chàng rể và con gái chỉ được tỏ lòng hiếu thảo với bên ngoại vào 2 ngày: Mùng 2 hoặc mùng 3, vì ngày mùng 1 là ngày quan trọng bậc nhất, con cháu cần phải tỏ lòng kính trọng hiếu đễ với cha mẹ, tổ tiên (họ nội).

Bên cạnh lý do ngày mùng 1 tết là ngày lễ Cha (tết họ nhà chồng), còn có lý do tín ngưỡng: trong những ngày tết Nguyên Đán con gái và con rể chỉ nên về nhà ngoại vào mùng 2 hoặc mùng 3 tết thì mới mang lại vận may về tài lộc cho gia đình bên nhà ngoại.

 

20. Ngày tết kiêng xuất hành không đúng hướng lành, hướng đẹp:

Thường trước tết Nguyên Đán, người ta đã nhờ thầy xem hộ hoặc tự tính xem năm mới xuất hành vào ngày, giờ và hướng nào là hợp, là tốt cho bản thân và gia đình.

Mỗi năm có một hướng xuất hành tốt, một giờ xuất hành tốt. Tuy nhiên cũng có cách tính hướng xuất hành tuỳ theo tuổi, theo mệnh.

Người ta tín, nếu xuất hành đúng hướng thì (bản thân) cả năm đó sẽ làm ăn thuận lợi, phát tài, phát lộc. Còn nếu xuất hành không đúng hướng thì cả năm đó (bản thân) làm ăn không ra gì, có thể sẽ gặp nhiều điều rủi ro.

 

21. Ngày tết kiêng ra đường vào ngày “xấu”:

Bên cạnh việc kiêng xuất hành vào những ngày xấu (theo lịch Âm Dương), cổ nhân còn kiêng xuất hành vào ngày mồng 5 tháng giêng Âm lịch, vì đây là ngày Nguyệt Kỵ, ngày xấu với việc xuất hành. Nếu xuất hành (hoặc khởi đầu cho công việc nào) tất sẽ gặp rủi ro, bất lợi.

Ca dao người Việt lý giải việc kiêng kỵ xuất hành vào ngày mồng 5 (âm lịch) như sau:

- Mùng năm, mười bốn, hai ba

Là ngày Nguyệt kỵ chớ ra xuất hành

- Mùng năm, mười bốn, hai ba

Làm gì cũng bại chẳng ra việc gì

 - Mùng năm, mười bốn, hai ba

Đi chơi còn thiệt nữa là đi buôn

- Mùng năm, mười bốn, hai ba

Lấy vợ thì tránh làm nhà thì kiêng

 

22. Kiêng cúng quan đương niên ở trong nhà:

Quan niệm dân gian cho rằng: quan quân nhà trời rất bận nên không thể vào trong nhà. Vì thế, bày cỗ ra sân đãi quan quân khi các ngài đi thị sát hạ giới là bày tỏ tấm lòng thành cũng như sự quan tâm của gia đình tới các ngài. Cỗ cúng giao thừa thường làm đơn giản, gọn nhẹ hơn cỗ cúng tất niên, cỗ cúng sáng mùng 1 Tết và cỗ hoá vàng. Thường mâm cúng giao thừa có bánh kẹo, hoa quả, một con gà luộc hoặc một chân giò lợn, hoặc một thủ lợn, một lọ hoa thơm, rượu trắng... Một số nhà có thể chuẩn bị cầu kỳ hơn, nhưng nói chung cỗ cúng giao thừa thường đơn giản, gọn nhẹ. Dù chuẩn bị mâm cúng thế nào thì nhất thiết vẫn phải cúng ở ngoài trời, khi tàn hương mới mang vào nhà.

 

23. Kiêng giặt quần áo ngày mùng 1, mùng 2 tết:

Vì tín ngưỡng dân gian cho rằng, ngày mùng 1 và ngày mùng 2 tết Nguyên Đán là ngày sinh của Thủy thần nên trong 2 ngày này cần kiêng kỵ việc giặt quần áo để chuyện “xui xẻo” không đến với mình.

Sách LĨNH NAM CHÍCH QUÁI của Vũ Quỳnh và Kiều Phú biên soạn sự tích vị thủy thần thờ ở đình Linh Đàm (Hà Nội) như sau:

Vào thời nhà Trần có nhà nho danh tiếng là Chu Văn An thi đỗ thái học sinh nhưng không ra làm quan, khoảng niên hiệu Đại Khánh (1314- 1323), đời Trần Minh Tông, ông trở về quê mở trường dạy học ở xã Cung Hoàng, huyện Thanh Trì (Hà Nội). Học trò trong nước theo học thày rất đông, trong số đó có một thư sinh rất chăm đến nghe thày giảng nhưng không rõ tung tích. Thày cho trò lần tìm mới hay thư sinh đó học xong từ trường học ở Cung Hoàng đi ra đám lau sậy bên bờ đầm Lân Đàm (nay là đền Gàn) thì mất tích. Chu Văn An biết đó là thuỷ thần liền bảo với học trò: “Việc dạy dỗ thánh nhân không phân biệt người đến học thuộc loại nào nên chớ có đối xử khác với bạn”.

Thời ấy, phải năm đại hạn, ruộng đồng khô nẻ, ao hồ cạn nước, cây cối úa vàng, cháy khô, mùa màng thất bát, dân tình đói khổ. Thương cảnh dân tình khốn khổ vì thiếu nước, Chu Văn An liền gọi chàng thư sinh là thuỷ thần đến khuyên bảo có cách gì giúp dân. Chàng thư sinh suy nghĩ trong chốc lát rồi khảng khái thưa với thày: “Luật trời rất nghiêm nhưng lời thày bảo cũng rất trọng. Trái ý trời không thể tránh khỏi tội nhưng huỷ thân mình để hoàn thành điều nhân, lời dạy của thánh nhân từ xưa không thể bỏ, nay sao dám chối từ. Tiếc là còn một chút nước trong cái nghiên mực này không mưa khắp thiên hạ được mà chỉ đủ trận mưa nhỏ cho một tổng thôi. Sau này nếu xảy ra điều gì lạ, xin được thày đoái thương”. Dứt lời, chàng thư sinh ấy đứng ở sân trường Hoàng Cung lấy nghiên bút ra đổ nước mài mực và dùng bút thấm mực vẩy khắp bốn phương. Mực son vung lên trời thành sấm chớp. Mực đen vung lên trời thì mây đen kéo đến và mưa tầm tã, nước đen như mực. Một vùng bản tổng nhờ đó có nước cày cấy, nhân dân rất đỗi phấn khởi. Sau một tuần mưa, chàng thư sinh từ trường vội đi về đầm Linh Đàm, qua sông Tô Lịch bỗng trên trời có tiếng nổ lớn. Thày trò ra đầm được tin có một xác thuồng luồng nổi lên ở đầm và trôi dạt về cửa sông Tô Lịch gặp sông Nhuệ Giang thuộc địa phận khi đất Cầu Bươu, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì. Chu Văn An cùng học trò và dân chúng trong vùng mai táng xác thuồng luồng. Nay mộ đức Bảo Ninh (thủy thần) vẫn còn ở nơi đó.

Truyền rằng, chỗ nghiên mực vị thần ném rơi biến thành đầm nước đen lớn gọi là đầm Mực nay thuộc Quỳnh Đô (Thanh Trì) và quản bút rơi xuống thành hình đất làng Tả Thanh Oai.”

 

24. Kiêng để bàn thờ Tổ tiên lạnh hương khói:

Trong những ngày lễ, tết - dù là tết Nguyên Đán hay các ngày Tết khác - người Việt Nam không để bàn thờ Tổ tiên lạnh hương khói, mà thường đốt hương trầm, hương vòng để trong nhà luôn ấm hương thơm. Làm như vậy để tổ tiên chứng giám tấm lòng thành của con cháu.

Những ngày lễ, tết là dịp để người ta tưởng nhớ tới tổ tiên. Việc thắp một nén hương lên bàn thờ là thể hiện tấm lòng thành kính của con cháu đối với cội nguồn của mình. Vì vậy, vào những ngày lễ, tết mà để bàn thờ tổ tiên không có hương khói là sự bất kính với tổ tiên. Muốn tổ tiên phù hộ cho gia đình yên ấm thì nhất thiết không được để bàn thờ lạnh hương khói trong những ngày lễ, tết.

 

25. Kiêng để cối xay gạo trống trơn ngày mùng 1 tết:

Một số địa phương ở Nam Bộ có tục kiêng không để cối xay gạo trống không vào những ngày đầu năm, vì người ta tin rằng cối xay gạo tượng trưng cho kho tài sản của gia đình, nếu “kho tài sản” ấy trống không sẽ là điềm xui xẻo cho kinh tế gia đình trong năm mới, như: thất bát, mất mùa... Chính vì vậy, trước lúc giao thừa, người ta thường đổ một ít lúa vào cối xay, ngụ ý cầu mong năm mới lúa gạo đầy tràn, cuộc sống được sung túc.

 

26. Kiêng mở tủ vào ngày mùng 1 tết:

Tâm thức dân gian tin rằng nếu ngày tết mà mở tủ, dù là tủ quần áo, thì sẽ làm cho cả năm tiền tài bị thất thoát. Vì vậy, người ta thường chuẩn bị quần áo diện ngày đầu năm treo ra ngoài từ trước giao thừa để tránh việc mở tủ ngày đầu năm.

 

27. Ngày tết kiêng ăn đuôi cá:

Một số vùng quê Bắc Bộ, có tục đầu năm ăn cá chép để cầu may. Người ta tin, nếu trong 3 ngày tết mà ăn cá chép thì cả năm mọi việc sẽ may mắn, nhất là việc học hành, thi cử sẽ hanh thông, đỗ đạt.

Có gia đình cẩn thận hơn, khi thực hành tục ăn cá chép cầu may còn tránh ăn đuôi cá (để thừa lại) vì ngụ ý mong muốn năm mới gia đình không những đủ ăn đủ mặc mà còn có của cải dư thừa, tích trữ.

 

28. Ngày tết kiêng ăn một số món ăn “xúi quẩy”:

Người Việt Nam thường kiêng ăn thịt chó, cá mè, thịt vịt vào ngày đầu năm mới. Sở dĩ có tục này vì người xưa cho rằng ăn những thứ đó vào ngày đầu năm (hoặc ngày đầu tháng, ngày rằm) sẽ gặp điều không hay, hãm tài, dông cả năm hoặc cả tháng.

Một số vùng ở miền Trung có tục không ăn tôm trong 3 ngày Tết vì e ăn tôm thì cả năm công việc sẽ trắc trở, không thể phát triển được vì sẽ “tiến triển” giật lùi theo kiểu đi của con tôm.

 

29. Ngày tết kiêng treo tranh ảnh “xui xẻo”:

Hy vọng năm mới sẽ được tốt lành, trâu bò đầy chồng, thóc lúa đầy bồ nên ngày Tết, người xưa thường mua các loại tranh thể hiện sự sinh sôi nảy nở, vinh hoa phú quý... như: Mục đồng chăn trâu, Mục đồng thổi sáo, đàn gà, đàn lợn, ông Phúc - Lộc - Thọ... để treo trên tường đón Tết.

Ngoài việc treo những bức tranh như thế, dân gian còn dán ở cửa chính câu "Ngũ Phúc Lâm Môn" nghĩa là năm phúc tới cửa, ngụ ý luôn được giàu sang, sống lâu, khỏe mạnh, được hưởng phúc an lành.

Vì thế người ta kiêng treo tranh ảnh thể hiện sự đổ vỡ, chia lìa, đau đớn như đánh ghen, kiện tụng... để tránh chuyện “xui xẻo” đến với gia đình.

 

30. Ngày tết kiêng trượt chân, vấp ngã:

Một số địa phương còn có tục kiêng vấp ngã, trượt chân trong ba ngày Tết, vì người ta sợ nếu bị trượt chân, vấp ngã vào mấy ngày tết thì cả năm sẽ bị dông, mọi việc sẽ không được hạnh thông, dễ đổ bể, thất bại....

 

31. Kiêng mặc quần áo màu trắng, đen:

Theo quan niệm của người xưa, màu trắng và màu đen là 2 màu tượng trưng cho việc tang lễ và sự chết chóc nên không được dùng vào những ngày đầu năm, nhất là mấy ngày tết Nguyên Đán.

Mọi người sẽ mặc các bộ trang phục có màu sắc tươi tắn, tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở như màu xanh, đỏ, tím, vàng, …

 

32. Kiêng đi chúc tết khi nhà có tang:

Dân gian cho rằng: Nhà đang có tang, còn gọi là "vận áo xám", là "mang bụi", nếu đến nhà người khác sẽ mang rủi ro cho nhà người ta. Vì thế, nếu nhà đang có tang thì gần đến ngày Tết, hội hè...  các bậc cao tuổi trong nhà thường dặn con cháu điều này.

Một số gia đình vì thân thiết nên không kiêng người đang có tang đến chơi, đến chúc tết. Nhưng người đang có tang thường tránh đến vì nhỡ đâu trong năm nhà người ta có chuyện gì thì người đang có tang lại ân hận. Vả lại, nhà đang có chuyện buồn mà hớn hở đi chúc Tết thì thật không hay chút nào. Đến nhà người khác ngày đầu năm mà bộ mặt rầu rầu thì cũng khó coi. Hơn nữa, khi nhà có tang, nếu đi chúc tết nhà người khác không những làm giảm đạo hiếu với người đã khuất còn gieo thương đau cho người khác là việc không nên.

 

33. Kiêng mai táng trong tết Nguyên Đán:

Dân gian quan niệm: ngày Mồng Một tết chỉ có niềm vui, tiếng cười để cả năm được may mắn, vui vẻ. Vì thế, nếu nhà nào không may có người qua đời vào ngày Mùng 1 Tết thì gia đình cũng không được khóc lóc, không được phát tang, phải đợi qua ngày Mùng 1 mới làm lễ phát tang.

Trường hợp gia đình có người chết vào ngày 30 tháng chạp mà gia đình có thể định liệu được thì nên chôn cất cho kịp trong ngày đó, kiêng để sang ngày Mùng Một đầu năm sẽ đem lại “xui xẻo” cả năm cho gia đình, làng xóm.

Trường hợp chết đúng ngày Mùng Một Tết thì chưa phát tang vội nhưng phải chuẩn bị mọi thứ để sáng Mùng Hai làm lễ phát tang. Việc chôn cất thường được tiến hành sau ngày làm lễ động thổ của làng xã.

Xưa kia, lễ động thổ được tổ chức từ triều đình tới nhân dân, nhưng về sau lễ này chỉ còn tồn tại trong dân chúng. Ngày làm lễ động thổ không nhất định là phải vào ngày nào, nhưng để giúp dân chúng tiện việc làm ăn, nhiều làng thường cử hành lễ này sau ba ngày tết. Các bậc kỳ lão và quan viên được cử làm chủ tế và bồi tế để cúng thần Đất. Lễ vật cúng gồm hương đăng, trầu rượu, y phục và kim ngân đồ mã.

Trong buổi lễ, ông chủ tế với áo thụng xanh cuốc mấy nhát xuống đất để lấy một cục đất đặt lên bàn thờ, tường trình với Thổ thần xin cho dân làng được động thổ. Sau buổi lễ động thổ, dân làng mới được động tới đất.

Trong ba ngày tết, nếu không may có ai mệnh chung, tang gia phải quàn lại trong nhà, đợi lễ động thổ tiến hành xong mới được đào huyệt an táng.

 

34. Kiêng xõa tóc trong 3 ngày tết:

Một số gia đình gốc Trung Quốc, nhất là các cụ bà lớn tuổi, rất kĩ với việc thiếu nữ xõa tóc trong 3 ngày tết. Họ cho rằng hành động xõa tóc (rũ rượi) gợi liên tưởng đến những hình ảnh về cõi âm, tới nỗi bất hạnh, ốm đau, chết chóc. Vì thế, để năm mới được tốt lành, trong 3 ngày Tết, người phụ nữ (nhất là thiếu nữ) không được xõa tóc.

 

35. Kiêng ngồi ngang hoặc đứng trước cửa:

Phong thủy gọi cửa ra vào (cửa chính) là “miệng khí”, có quan hệ mật thiết và quan trọng với những người cư trú. Để dưỡng khí, ngôi nhà cần hấp thụ nhiều khí (nạp khí): Địa khí và Môn khí. Trong khi lượng Địa khí là khí trong đất tại nơi làm nhà thì lượng Môn khí được ngôi nhà hấp thụ phần lớn phải phải đi qua cửa chính, vì thế, để cả năm Môn khí được thông thương trôi chảy, người ta kiêng ngồi ngang cửa hoặc đứng trước ngạch cửa nhìn ra ngoài. Vì cho rằng làm cản trở sự thông thoáng của dòng khí chảy vào nhà, dẫn đến làm xáo trộn cuộc sống của gia đình, đem lại những phiền phức, thất bại.

 

36. Ngày tết kiêng vỗ vai, quàng vai người khác:

Nhiều người còn cẩn thận kiêng cả hành động vỗ vào vai hay quàng vai người khác trong 3 ngày Tết.

Người ta cho rằng những hành động như vỗ vai, quàng vai người khác là những cử chỉ xuồng xã, khiếm nhã, sẽ đem lại những ưu phiền, xui xẻo về tình duyên, hạnh phúc gia đình.

Vì thế, để tránh mất duyên hoặc tạo ra ưu phiền xui xẻo của mình và gia đình, người ta né tránh những hành động quàng vai, vỗ vai, hoặc bá vai bá cổ người khác.

 

37. Kiêng đi chúc tết khi có thai:

Tín điều của người Việt cho rằng: phụ nữ đang mang thai đi chúc Tết sẽ đem đến những xui xẻo, đen đủi cho gia chủ. 

Hơn nữa, tín ngưỡng dân gian còn cho rằng: khi người mẹ mang bầu đi chúc tết nhà người khác thì đứa trẻ sau này dễ là người ăn nói vô duyên nên người ta kiêng phụ nữ có thai đến nhà khác chúc tết.

 

38. Kiêng để quên khăn tay ở nhà người khác ngày tết:

Ngoài các tục kiêng đi chúc tết khi nhà đang chịu đại tang, khi tuổi xung khắc với tuổi của gia chủ, hay khi mình (nếu là phụ nữ) đang mang thai, hoặc năm cũ vận xấu, gặp nhiều hoạn nạn... thì người Việt ta còn có tục kiêng để quên khăn tay khi đến nhà người khác chúc tết, vì tín ngưỡng cho rằng sẽ để lại những khó khăn cho chủ nhà.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết về khoa Tử Vi0

- Các bài viết về khoa Phong Thủy0

- Các bài viết về khoa Tướng thuật0

- Các bài viết về Tín ngưỡng0

Mời thư giãn với nhạc phẩm NẮNG CÓ CÒN XUÂN

của Đức Trí, qua tiếng hát nhóm V.Music:

(Trích từ: ĐIỀM BÁO VÀ KIÊNG KỴ TRONG DÂN GIAN của Đặng Xuân Xuyến ; Nhà Xuất bản Lao Động Xã Hội 2007)

0 comments:

Đăng nhận xét