MƯA XUÂN TRONG THƠ NGUYỄN BÍNH - Tác giả: Trần Thanh Phương (Bình Định)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)
MƯA XUÂN
TRONG THƠ NGUYỄN BÍNH
*
1.
(Tác giả Trần Thanh Phương)
Cảm hứng xuân của Nguyễn Bính thật hết sức dào dạt qua một loạt bài thơ: Xuân về; Thơ xuân; Nhạc xuân; Xuân tha hương; Mùa xuân xanh…Ông mở đầu sự nghiệp thơ mình bằng bài Mưa xuân viết năm 1936 và sau đó hơn hai mươi năm (1958), ông lại có bài Mưa xuân thứ hai. Mưa xuân với muôn ngàn hạt li ti như lớp bụi phấn trắng mờ phủ khắp bầu trời là một nét đặc trưng cho khí hậu vùng châu thổ Bắc Bộ quê hương nhà thơ. Trải qua suốt mùa đông cây khô lá vàng bỗng như có một phép màu kỳ diệu của tạo hóa làm cho cây cối đua nhau đâm chồi nảy lộc, trăm hoa khoe sắc, chỉ sau có mấy ngày mà cả một màu xanh đã trải ra tít tắp trên khắp cánh đồng, làng xã. Mưa xuân khởi nguồn sự sống, đánh thức những khát vọng còn tiềm ẩn trong mỗi con người. Ở bài thơ đầu hình ảnh mưa xuân được cảm nhận qua tâm trạng của một cô gái quê mới chớm sang tuổi dậy thì đang tràn trề nhựa sống:
“Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Đặng đi qua ngõ
Mẹ bảo: Thôn Đoài hát tối nay”
Nghe mẹ nhắc thôn Đoài tối có hát cô gái bỗng thấy xốn xang và xao nhãng công việc dệt vải, hai má như bén lửa vì chợt nhớ đến cuộc hẹn hò gặp gỡ với chàng trai. Khi bốn bên hàng xóm lên đèn, cô nôn nóng đi ra trước hiên nhà ngửa lòng bàn tay đo tính hạt mưa, thầm đoán chắc rằng thế nào anh ấy chả sang xem/ nghe hát và quyết định “Xăm xăm băng lối đường đê một mình” để đến nơi có tiếng trống chèo giục giã. Cô đã đi vội vàng gần như chạy một mạch: “Thôn Đoài cách có một thôi đê”. Háo hức là thế nhưng mong ước lại không thành - Cái anh chàng “năm tao bảy tuyết” hẹn hò gặp cô đã không chịu đến! Thế là cô ấm ức lủi thủi ra về với một tâm trạng đè nặng khác hẳn lúc ra đi: con đường ngỡ như dài thêm ra và hạt mưa cũng không còn phơi phới bay như trước:
       “Mình em lầm lũi trên đường về
       Có ngắn gì đâu một giải đê
       Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt
       Lạnh lùng thêm tủi với canh khuya”
Mưa xuân rơi suốt bài thơ nhưng không lần nào giống lần nào: Khi thì “phơi phới bay”; khi thì “mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh” nhưng vẫn là “mưa bụi nên em không ướt áo”; rồi mưa trở nên “nặng hạt” và cuối cùng thì “đã ngại bay”- Cô gái đã bắt đầu e ngại tuy vẫn chưa tắt hết hy vọng. Cái hay của bài thơ là hình ảnh mưa xuân được chuyển hóa vào bên trong qua những diễn biến tâm trạng một cách tinh tế của tâm hồn cô gái hồn nhiên, trong trắng đang bừng bừng khát vọng yêu đương.
2.
Sang bài thơ thứ hai mưa xuân lại được cảm nhận qua tâm trạng của muôn vật: sự sống bừng dậy sinh sôi nảy nở lan truyền từ cỏ cây đến tất cả các loài. Đứng trước sự kỳ diệu của Tạo hóa, nhà thơ phải mượn cây bút hội họa để vẽ lại, tạc lại cái khoảnh khắc mà tâm hồn ông đang run lên cùng với niềm vui sinh nở:
 “Chiều ấm mùi hương thoảng gió đưa
Tà tà mưa bụi rắc lưa thưa
Cây cam cây quýt cành giao nối
Lá ngửa lòng tay hoa đón mưa

Nào ai nhìn thấy rõ mưa xuân
Tơ nhện vừa giăng sợi trắng ngần
Bươm bướm cứ bay không ướt cánh
Người đi trẩy hội tóc phơi trần

Đường mát da chân lúa mát mình
Đôi bờ cỏ dại nở hoa xanh
Gò cao đứng sững trâu bềnh bụng
Nghếch mõm nghe vang trống hội đình”
Bài thơ có thể ví như một đóa hoa quỳnh đang nở dần từng cánh run rẩy dưới ánh trăng tinh khiết hoặc cũng có thể ví như một thước phim quay từ gần đến xa, từ cận cảnh đến toàn cảnh: Đầu tiên là từ trong vườn, ống kính lia dần ra đường rồi cứ lia xa mãi. Khổ thơ cuối kết thúc bài thơ cũng là khép lại buổi chiều xuân:
“Bãi lạnh bờ dâu sẫm lá tơ
Làng bên ẩm ướt giọng chuông mờ
Chiều xuân lưu luyến không đành hết
Lơ lửng mù sương phảng phất mưa”
Chuyện xưa kể rằng có nhà họa sĩ vẽ cá lại không vẽ mắt. Đến khi ông vẽ  mắt cho nó thì nó bỗng ngoe nguẩy đuôi và bơi đi. Bài Mưa xuân này của Nguyễn Bính cũng vậy: Khổ thơ cuối cùng giống như cái mắt của con cá, cái hồn của cả bài…
3.
Từ trong thơ Nguyễn Bính mưa xuân bay mãi trong tâm hồn Việt Nam, day dứt trái tim những người xa xứ…
*
Những ngày đầu xuân Qúy Tỵ
TRẦN THANH PHƯƠNG
Giảng viên Khoa Ngữ Văn Trường Đại học Quy Nhơn
Địa chỉ: 170 An Dương Vương, Tp Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Email: rolanphuongnd@gmail.com








  ........................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 03.09.2016
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét