(Nguồn ảnh: Internet) |
NẾU CÓ THỂ
QUAY NGƯỢC THỜI GIAN
Đã lâu chúng tôi không gặp
nhau. Anh điện thoại chúc tết và mời tôi vô Cần Thơ. Tôi đã nhận lời, dù việc
riêng bề bộn, phải tính toán kỹ về thời gian. Song, anh vẫn là “tình chí cốt” …
Ngày 15.02.2014 tôi bay vô Sài Gòn rồi đi ngay Cần Thơ. Địa linh làng cổ Long
Tuyền (suối rồng) ngày xưa bây giờ là phường Long Tuyền…Bài viết này là hồi ức
kỷ niệm một thời và mãi mãi của tôi và anh .
1
Chuyện xảy ra từ năm 1976. Đến
nay ông Hà vẫn không thể quên
người học viên “xấc xược” đầy cá tính ấy. Năm đó,
ông làm giáo viên môn văn ở một trường bổ túc văn hóa sĩ quan quân đội tại phía Nam. Học viên, những sĩ quan cấp uý, cấp tá,
những người đã xếp bút nghiên để cầm súng qua bao năm chinh chiến. Học xong ở
đây họ sẽ vào các trường Đại học, cũng có thể sang các học viện quân sự ở Liên
Xô. Cũng có thể là lãnh đạo cấp huyện hoặc tỉnh. Còn ông Hà, một sĩ quan bị kỷ
luật hạ cấp quân hàm. Vì lấy vợ con gái nhà giàu ở đô thị Miền Nam mới
giải phóng. “Tổ chức” quy là Tư sản.
(Tác giả Lưu Xuân Thanh) |
2
Một lần Hà giảng bài Thăm Lúa,
thơ của Trần Hữu Thung, theo giáo án của Tổng cục chính trị. Song Hà có thêm
kiến giải của người kinh qua lửa đạn ở Miền Nam cho phong phú bài giảng.
Học viên chăm chú nghe. Theo thói quen, Hà nhanh mắt quan sát toàn lớp học.
Thấy một học viên, chân mang giày co lên ghế ngồi, tay cầm nhíp nhổ râu vẻ lơ
đãng chẳng quan tâm đến ai. Cứ như việc nhổ râu là cái thú tiêu khiển. niềm vui
không dại gì bỏ phí …Hà tức sôi máu. Cố nén, coi như không thấy. Hà thề với
mình phải cho hắn ta một “bài học nhớ đời”. Tiết học trôi qua, học viên ùa
ra khỏi lớp. Hà cũng ra ngoài, không vào phòng giáo viên mà lang thang dọc theo hàng phi lao, chăm chú lập phương
án tấn công tối ưu…
Tiết văn sau, thông lệ trước
khi giảng bài mới, kiểm tra bài cũ. Hà mở sổ ghi điểm của lớp, chăm chú nhìn
sổ. Trong lớp im phăng phắc, Hà dõng dạc kêu tên: “Đồng chí thiếu tá Thái Bình
Khoa lên bảng”. Khoa giật mình, bật đứng lên đi về phía trước, mươi giây sau
nói: “Tôi, Khoa có mặt”. Đây
là cách xưng hô không đúng quân lệnh, thiếu cụm từ báo cáo đồng chí giáo viên,
với thái độ xem thường. Hà nghiêm nghị nói:
-
Đồng chí cần chú ý
lễ tiết quân nhân trong học tập .
Khoa đáo để, ánh mắt nhìn
Hà vẻ cười cợt:
-
Rõ, báo cáo đồng
chí giảng viên .
Hà đưa sách giáo khoa,
nói anh đọc bài thơ Thăm Lúa:
…Xòe bàn tay bấm
đốt
Tính
đã bốn năm ròng
Người
ta bảo không trông
Ai
cũng nhủ đừng mong
….
- Đồng chí cho biết khái quát
chủ đề tư tưởng của bài thơ? Bản thân đồng chí nghĩ gì về người phụ nữ
Việt Nam trong
hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ vừa qua?
Như máy, Khoa nói
ngay:
-
Xin lỗi đồng chí
giáo viên. Hôm trước khi học bài thơ này, tôi định bỏ ra ngoài. Tôi uất lắm! Ở
đâu xa thì tôi không biết, chứ ở nhà tôi, không ít người phụ nữ trong ấp
tôi làm gì có chuyện “đợi, chờ, trông”. Họ đâu có ngu! Có lẽ “lòng thủy chung”
đã là quá khứ xa xưa!... Ngay má tôi khi ba tập kết ra Bắc chưa được hai năm bà
đã có con với người khác. Oái oăm thay kẻ gởi bà sinh con cho hắn là gã xã trưởng
từ thời Pháp cho đến khi bệnh chết. Nghe nói trước kia ba người họ là bạn học.
Mỗi lần đến nhà, ông ta xoa đầu tôi nói: Ngoan, ba thương …
Tôi đã mười sáu, trốn má ra
Bưng theo cách mạng, hy vọng gặp ba. Tôi được bổ xung vô Đoàn 307. Sau tết Mậu
Thân, tôi được cho ra Bắc đi học. Đến Quảng Tín tôi bị thương. Chẳng rõ nguyên
cớ sao, tôi lại được điều trị tại bệnh xá của trung đoàn X. Sau đó tôi không ra
Bắc, chính thức là cán bộ Đại đội của trung đoàn…
Sau 1975, tôi về nghỉ phép và
gặp ba, vui buồn lẫn lộn. Ba uống rượu cùng tôi, sau vài chén, ông thủ thỉ tâm
tình:
- Đất nước đã về một mối. Mọi
người hãy rộng lòng hòa hợp, con cũng nên chấp nhận sự thật. Vả lại ông ta đã
chết rồi, ba đã làm lại giấy khai sanh cho Hương lấy họ Thái …
Tôi không thể chấp nhận việc ba
coi Hương, con riêng của má như tôi. Rồi đây ông sẽ lo cho nó học hành tử tế.
Biết đâu với cái mác “con cán bộ to”, nó sẽ là cán bộ, có cơ hội hành hạ người
khác. Tới giờ này cứ mỗi lần soi gương nhìn vết thẹo hằn sâu trên gò má, dấu
vết chiến tranh chưa phai mờ, đừng nói chuyện chấp nhận…
Nghe Khoa trả lời, Hà kinh ngạc
và rất phân vân, song nghĩ lại chuyện của Khoa chỉ là cá biệt. (Trong chiến tranh mọi thời người phụ nữ
Việt Nam .
Trong đó có mẫu thân tôi là người chịu đựng, hy sinh, đau khổ nhất, mất mát
nhất!...) Không thể làm mờ đi tám chữ vàng “anh hùng, bất khuất, trung
hậu, đảm đang”. Hà nhìn thẳng vào mắt Khoa, nhẹ nhàng nói:
-
Đồng chí trả lời
sai và lạc đề, tôi cho Một diểm, đồng chí về chỗ .
Cả buổi chiều Hà suy tư, có lẽ
Khoa nói có phần nào đúng. Hà tự dằn vặt mình tại sao không cho điểm hai, để
Khoa khỏi bị tổ Đảng đem ra kiểm điểm cuối tuần.
3
Tối hôm đó, Hà và Hải đang soạn
giáo án, có tiếng gõ cửa. Mở của, thấy Khoa cười hiền hòa, một tay cầm chai
rượu, tay kia cầm một gói to. Khoa để hai thứ lên bàn, kéo ghế ngồi, bảo
Hà và Hải cùng ngồi. Khoa nói:
- Trước khi đến đây tôi đã tới
phòng Giáo vụ, nên cũng biết phần nào về thày Hà. Thôi bỏ hết, giờ chỉ còn
nhậu. Rượu làm ta gần nhau hơn…
Nghe chừng một chai chẳng thấm
gì, Khoa chạy ra căng tin mua thêm hai chai nữa. Khoa uống khá hơn Hà và Hải.
Khi cảm thấy hưng phấn, Hà định tâm sự cho vơi nỗi sầu thì Khoa cười to vỗ vai
Hà nói trong hơi men:
-
Hà ơi!Sau này nếu
xảy ra trường hợp khốn cùng, không chốn dung thân thì hãy đến với tao. Thằng
Khoa ở Long Tuyền, Cần Thơ sẽ cho mày vài vườn cây ăn trái… Có lẽ rượu
nói. Khi say người ta thường nói thật. Hà trằn trọc, thao thức trong
đêm. Từ đó Hà và Khoa trở thành bạn thân …
4
Vâng, đúng là “bài học nhớ đời!”
không chỉ cho Khoa mà cả Hà. Rồi mỗi người một phương. Số phận người lính sau
chiến tranh người lên voi, kẻ xuống chó, Hà nằm trong loại thứ hai! Vất vả mưu
sinh, có lúc “khốn cùng” đúng như Khoa ‘‘ trù ẻo”!…
Nhiều năm sau, khi đưa con vô
học Đại học tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà mới có dịp về
Cần Thơ tìm anh. Khoa không còn ở làng địa linh “suối rồng”. Anh là một trong
những lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, nhà tại nội ô Thành phố. Rất may người cháu
họ của Khoa đã chở Hà đến nhà anh…
Mùa hạ năm nay Hà lại vô Cần
Thơ. Khoa đã “điền viên” tại nơi anh cất
tiếng khóc chào đời. Đến với Khoa chẳng phải để xin vườn cây ăn trái. Đến để
nói với anh một câu, Hà canh cánh trong lòng mấy chục năm qua:
“Nếu có thể ngược thời gian.
Cho dù gia cảnh của anh chỉ nằm trong nhóm cá biệt. Song với cách trả lời khác
lạ. Tôi cho anh điểm cao nhất: Điểm mười”.
*
(p/s: Họ tên nhân vật đã thay đổi .)
*
LƯU XUÂN THANH (cẩn bút giới thiệu)
(Tên thật: Lưu Quang Thái)
Địa chỉ: Phường Nhơn
Phú, tp Quy Nhơn, Bình Định.
Email: luuquangthaibd@gmail.com
.
.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 05.07.2016.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang blog Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét