(Nguồn ảnh: Internet) |
50 NĂM OAN TRÁI CỦA
MỘT
LÍNH MỸ DA ĐEN
Eddie Carter là một trong số bảy người lính từng bị kết tội làm gián điệp
phản bội tổ quốc một cách đầy oan trái trong suốt 17.000 ngày (gần 50 năm). Năm
1997, Tổng thống Clinton
đã trao tặng huy chương Danh dự và tuyên dương Anh hùng cho bảy người lính da
đen này. Vụ án của Carter là đề tài hấp dẫn để các nhà báo, nhà văn Mỹ đấu
tranh vì nhân quyền và chống lại sự phân biệt chủng tộc.
Carter sinh năm 1916 tại Los Angeles (Mỹ),
nhưng lại lớn lên ở Calcutta
(Ấn Độ). Khi Carter gần đến tuổi trưởng thành, gia đình anh chuyển tới sống ở
thành phố Thượng Hải (Trung Quốc). Cha mẹ Carter ly dị, ông lấy vợ kế, Carter
rời khỏi nhà, gia nhập quân đội Trung Quốc chiến đấu chống Nhật. Người cha đã
đón anh trở về nhà nhưng Carter không ở được lâu. Anh trốn lên một chiếc tàu
buôn tới Mỹ, anh ghi tên vào quân đội Mỹ nhưng không được. Tiếp đó, Carter sang
Tây Ban Nha, gia nhập hàng ngũ những người chống lại bọn phát xít Franco. Cái
tên Carter đã xuất hiện trong danh sách của đơn vị người Mỹ tình nguyện chiến
đấu ở Tây Ban Nha, lữ đoàn Abraham Lincoln. Carter từng tham gia nhiều trận
chiến ác liệt, vượt cả biên giới sang Pháp, từng bị lực lượng Franco cầm tù
nhưng trốn thoát được. Năm 1940, Carter về Mỹ và năm 1941, anh được nhận vào quân
đội. Mặc dù có kinh nghiệm chiến đấu nhưng vì là người da đen nên Carter chỉ
được vào đơn vị hậu cần (không được tham gia chiến đấu). Năm 1942, anh cưới một
người vợ da đen và sinh được hai con trai. Đơn vị xe tải của anh chuyển tới
Châu Âu năm 1944 để phục vụ cho các lực lượng chiến đấu. Tại đây, anh đã tình
nguyện chấp nhận nguy hiểm tham gia vào các trận chiến đấu. Do đó, anh đã được
gia nhập Tiểu đội bộ binh 56 thuộc Sư đoàn 12. Chỉ huy tiểu đội này là Russell
Blair cho biết: "Carter là người luôn nổi bật trong số binh lính của
tôi".
Trong những trận chiến sống còn với phát xít Đức, Carter đã chiến đấu rất
dũng cảm. Bản thân chỉ huy Blair và một số đồng đội khác đã từng chứng kiến và
rất khâm phục hành động quả cảm của Carter. Vào tháng 3-1945, Sư đoàn 12 nhận
nhiệm vụ vượt qua sông Rhine tiến vào thành phố Speyer với mục đích chọc một lỗ hổng vào
"trái tim" của Đức quốc xã. Lúc đến chiếc cầu bắc qua sông Rhine , đơn vị của Carter đột ngột bị chặn lại bởi những
khẩu súng máy bắn ra từ một kho hàng. Carter đã tình nguyện dẫn theo ba người
lính khác "bịt miệng" những khẩu súng này. Khi bò đến được kho hàng,
cả ba người kia đều phải nằm lại dưới làn đạn, còn Carter thì mình đầy thương
tích. Nằm sát kho hàng, Carter cắn răng chờ đợi suốt hai tiếng đồng hồ liền cho
đến khi tám tên lính Đức tưởng anh đã chết nên ra ngoài để xem xét. Rất nhanh
chóng, Carter nổ súng hạ gục sáu tên và bắt sống hai tên còn lại. Chính nhờ
hành động quả cảm của Carter, đơn vị của họ dọn đường tiến thẳng về Speyer và giành lấy thành
phố chỉ sau đó hai ngày. Khi được đưa vào bệnh viện, Carter đã bỏ trốn về với
đơn vị. Tháng 7-1945, Carter được tặng huy chương DSC (chỉ đứng sau huy chương
Danh dự), và Carter trở thành một trong số chín lính da đen được tuyên dương
Anh hùng trong Chiến tranh thế giới thứ II.
Chiến tranh kết thúc, năm 1946, Carter trở về Los Angeles cùng với vợ và con sống hoà nhập
trong cộng đồng của người da đen và người da trắng. Anh tham gia kinh doanh
trên nhiều lĩnh vực để kiếm sống. Tuy nhiên, Carter bị vỡ nợ trong kinh doanh
và hình ảnh về người anh hùng cũng dần phai nhạt nên Carter quyết định trở lại
quân đội. Carter được nhận vào phục vụ tại một đơn vị hậu cần đóng tại bắc California với thời hạn
ba năm. Khi Carter trở lại quân đội chính là lúc mà người Mỹ bắt đầu có thời
gian để lật lại những chồng hồ sơ và những vấn đề trong quá khứ mà họ đã phải
gác lại vì sự khốc liệt của chiến tranh.
Ngay từ năm 1943, cái tên Carter đã nằm trong hồ sơ của các nhà tình báo
quân đội Mỹ bởi hành tung bí mật của anh trong thời kỳ ở Trung Quốc, Tây Ban
Nha và đặc biệt anh còn là một người da đen. Người ta đã buộc tội Carter là
điệp viên cho nước ngoài và hiện đang tham gia một tổ chức chống chính phủ
Dường như không quan tâm tới lời buộc tội đó, Carter vẫn miệt mài cống hiến cho
quân đội. Năm 1949, khi đơn vị anh chuyển tới Washington , thời gian phục vụ của Carter
cũng sắp hết, anh muốn được tiếp tục ở lại quân đội. Nhưng, thật là tàn nhẫn
khi một người đã từng được phong anh hùng vì đã đóng góp xương máu cho nước Mỹ,
cho thế giới yêu chuộng hoà bình lại không được phép phục vụ quân đội chỉ vì
những lời kết tội chưa có bằng chứng rõ ràng. Carter hết sức giận dữ khi biết
rằng, quân đội đã cự tuyệt và không tin vào lòng trung thành chỉ vì anh là một
người Mỹ da đen. Anh bắt đầu một cuộc chiến không cân sức để tìm công lý với sự
giúp đỡ nhiệt tình của luật sư trẻ Levy thuộc Liên đoàn giải phóng công dân Mỹ.
Suốt một năm đấu tranh không mang lại kết quả và năm 1950, khi biết luật sư
Levy tới Nhà Trắng, Carter đã nhờ anh mang huy chương Anh hùng trả lại cho Tổng
thống Truman. Levy đã cố gắng hết sức để đòi lại danh dự xương máu cho Carter
bằng cách viết thư cho Bộ trưởng Quốc phòng Lewis Johnson, tìm tới cả các tài
liệu của CIA. Vẫn không có bằng chứng nào rõ ràng về sự phản bội của Carter,
nhưng dường như mọi ngả đường đều đã khép lại với một người lính da đen như
Carter. Khi ấy, Levy mới 26 tuổi và vị luật sư trẻ này cũng cảm thấy nản chí.
Tại Washington ,
Carter làm công nhân trong một nhà máy săm lốp để kiếm sống và tiếp tục đấu
tranh. Nhưng, vì quá uất hận, anh ngày càng nghiện rượu nặng hơn và tinh thần
trở nên suy sụp. Ngày 30-1-1963, anh mất vì bệnh ung thư phổi khi danh dự vẫn
chưa được gột rửa. Nhưng, mọi chuyện chưa kết thúc.
Những người con của Carter (hai con trai và hai con dâu đều là người Mỹ da
đen) muốn biết rõ sự thật. Cô con dâu Allene đã tiếp tục cuộc tranh đấu của
Carter với nỗ lực phi thường. Bước đầu cô tìm lại những người bạn chiến đấu của
Carter từ các lá thư, ảnh gia đình và các giấy tờ cá nhân khác. Dựa vào Tự do
thông tin, Allene còn "gõ cửa" quân đội Mỹ, FBI để tìm câu trả lời.
Tuy nhiên, con đường đi tìm công lý của cô gái can đảm này đầy những chông gai
vì cuộc đời của bố chồng cô - Carter đã bị "bóp méo" bởi những bí ẩn
và sự lừa dối. Mặc dầu vậy, Allene vẫn không nản chí. Cô tìm tới cả kho lưu trữ
quốc gia ở Los Angeles
để thu thập từng mẩu thông tin. Cô viết thư gửi tới Bộ Quốc phòng, Nhà Trắng,
kêu gọi sự giúp đỡ của các tổ chức và tiếng nói của công luận. Sau cùng thì
Allene cũng có được 57 trang tài liệu mật của Cơ quan phản gián quân đội Mỹ cho
biết, ngay từ năm 1942, Carter đã bị nghi ngờ là một điệp viên của nước ngoài.
Năm 1943, Cơ quan tình báo chính thức khẳng định mối nghi ngờ không có cơ sở
đó.
Vụ án 17.000 ngày oan trái của Carter đã khiến cho cả nước Mỹ sửng sốt và
bất kỳ ai cũng phải đặt câu hỏi rằng, tại sao trong chiến tranh thế giới thứ I,
không có một lính Mỹ da đen nào được nhận huy chương Danh dự?
Vào năm 1996, quân đội đã phải tiến hành một chiến dịch thanh tra quy mô
tập trung vào chín người lính da đen trong đó có cả Carter, những người đã từng
được tặng huy chương DSC. Kết quả là bảy người từng bị kết tội phản bội tổ quốc
(trong đó có Carter) đã được tặng huy chương cao quý nhất - huy chương Danh dự.
Sau khi được minh oan, thi hài của Carter cũng lập tức được đưa về Nghĩa trang
quốc gia Arlington .
Mời thư giãn với nhạc phẩm KIẾP NGỤC TÙ
nhạc chế của Lê Bảo Bình, qua tiếng hát Gia Huy:
*.
PHƯƠNG VIỆT KHÁNG
Địa chỉ: Lô nhà số 5, phường Trần Hưng Đạo,
thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh
Email: datinh_1974@yahoo.com
..............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 11.08.2018.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
0 comments:
Đăng nhận xét