CÚN KHÓC - Truyện ngắn Lê Mai (Hà Nội)

Leave a Comment

CÚN KHÓC
*
Bạn tôi kể:
Bỗng… một hôm, nhà anh xuất hiện rất nhiều chuột. Chuột đủ loại: Chuột Cống - Chuột Đồng - Chuột Chù - Chuột Nhắt… Chúng quá thể lắm, chẳng coi ai ra gì. Chúng chạy nhảy tùy tiện, tớn tở nô đùa, rúc rích tán tỉnh… Chúng mở vung nồi cơm, chúng hất nắp thùng gạo, chúng xô đổ chai lọ, chúng gặm nát giấy tờ… Nhiều con còn tò mò, vô giáo dục ngó nghiêng tận giường ngủ vợ chồng anh. Tớn lên, chúng còn cắn cả ngón chân, ngón tay đau buốt.
Không chịu được, vợ anh ra chợ mua ngay những tấm keo dính chuột. Người bán hàng dặn: lối nào chuột hay đi thì đặt tấm keo dính vào đấy. Vợ anh rải khắp nhà: cạnh nồi cơm, thùng gạo; dưới gầm giường, gầm tủ; trên nóc bếp, xà nhà… Nhưng… keo chỉ dính được tay vợ, chân con và áo quần của khách. Keo dính chuột thành keo dính người. Chuột vẫn chạy vẫn phá. Vợ anh hậm hực đi mua bẫy. Bẫy cũng giăng khắp nhà. Vợ chồng anh nằm giường căng tai dõi nghe tiếng bẫy sập. Nhưng… bẫy chỉ sập được ngón tay của con, chuột vẫn chạy vẫn phá. Quá tức, vợ anh dùng biện pháp sinh tử: đánh bả! Những ống thuốc diệt chuột mang nhãn MADE IN CHINA được mua về, trộn đều, dầm thẫm những miếng thịt thơm nức. Nhưng…  chẳng diệt được con nào, vì chuột nhà anh giở ngón ăn chay. Linh hoạt, vợ anh trộn thuốc với những món chay. Nhưng cũng chẳng diệt được con nào vì chúng lại đồng loạt chuyển sang ăn mặn. Vợ anh ngửa mặt than: chịu! Vợ chịu thì anh ra tay. Anh dùng sức mạnh tổng hợp. Anh trộn đều thuốc với cả món mặn lẫn món chay rồi giăng bẫy theo binh pháp Tôn Tử. Anh giăng bẫy khắp nơi theo kế “Hoa nở trên cành”. Cẩn thận hơn, mỗi nơi đặt mồi anh đặt món chay xen món mặn theo kế sách “Bỏ mận lấy đào”. Kế sách của anh thành công đến mức ngoài dự tính. Chuột chết hàng loạt. Con chết trong nồi cơm. Con ngoẻo trong bể nước. Con tử trong túi áo. Con tỏi dưới gầm giường. Vợ chồng con cái anh lổm nhổm bò khắp nhà thu lượm xác chuột. Nhưng chỉ hôm sau hơi thối đã tràn ngập ngôi nhà. Mùi thối ngày càng nặng, khó chịu, khó thở hơn cả tiếng chuột kêu, chuột phá. Anh ngửa mặt than: đúng là vinh quang cay đắng! Thế mà cũng chỉ bình yên được một tuần. Rồi thì lại chuột từ dưới cống đùn lên, lại chuột từ hàng xóm kéo đến. Vợ anh lo lắng, kéo anh ra một chỗ kín đáo quan sát cảnh chuột nhà anh ăn mật. Chai mật ong chỉ còn hơn nửa, miệng chai nhỏ, có tài thánh cũng không rúc đầu vào nổi. Thế mà, chẳng hiểu nó học được kinh nghiệm từ lớp tập huấn nào mà loáng một cái, nó đã thò được đuôi vào chai ngoáy mật, rồi ra một chỗ ngồi, vểnh đuôi lên, ung dung liếm mật. Vợ anh không nói, lo lắng kéo anh ra một chỗ kín đáo quan sát ổ trứng gà. Quả trứng to. Con chuột nhỏ. Anh cười, nói với vợ: lần này thì thách kẹo. Con chuột chẳng nói gì, lặng lẽ giang rộng bốn chân ôm quả trứng, rồi bất ngờ lăn đùng lăn ngửa ra đất. Quả trứng nằm gọn trong lòng. Những con chuột khác xà vào cắn đuôi nó kéo đi. Khoa học - công nghệ hết mức. Anh lác mắt bảo vợ: con này bét cũng tiến sĩ. Vợ anh lo lắng hỏi: Anh thấy không, có tận mắt chứng kiến những cảnh này mới biết mình bất lực. Hết cách. Anh tủng tẳng nói: Hết là thế nào! Dùng công nghệ sinh học. Mày dùng mẹo sâu thì ông có công nghệ cao. Vợ anh hỏi, anh bảo: nuôi chó, nuôi rắn mà diệt chuột chứ còn thế nào. Nghe anh nói, vợ anh thở phào, nhẹ nhõm, buột miệng khen: Giỏi, giỏi lắm! Lần đầu tiên em thấy cái sự học của anh là có ích. Chứ cứ viết vớ viết vẩn lợi đâu chẳng thấy, có ngày mang vạ vào thân. Để em đi chợ xách con mèo về nuôi, anh nhé. Anh nổi cáu vô cớ, gắt: Không nuôi mèo. Năm thì mười họa mới vồ được con chuột nhắt mà cứ ra vẻ ta đây, quăng con mồi chỗ này, quẳng con mồi chỗ kia, dền dền dứ dứ… sốt ruột. Gặp con chuột to, chuốt cống thì lỉnh. Lại còn lươn lẹo, thông đồng cả với lũ chuột mới kinh. Chẳng phải ngẫu nhiên mà đồng dao có câu:
Con mèo mà trèo cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
Chú chuột đi chợ đồng xa
Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo.
Đã thế lại còn lúc nào cũng như đoan trang, dịu dàng, hiền thục. Đến ngày động đực mới lòi mặt thật ra. Đêm đêm anh ả lồng lộn ngao ngao trên mái nhà, chẳng còn kín đáo, tế nhị. Mua con chó mà nuôi. Vợ anh vặc lại: Chó... chó... chó em không nuôi. Anh còn nhớ con Milu, Mila nhà ông Dũng không? Mồm cứ xoen xoét chó nhà anh khôn lắm, chỉ cắn trộm không cắn khách. Mình tưởng thật… nào ngờ… nó tợp cho một nhát. Thế là phấp phỏng lo âu cả tháng trời. Ngày nào cũng phải lọ mọ đạp xe đến nhà ông ấy thăm hỏi sức khỏe con chó. Cứ nghĩ đến là kinh đến già. Anh ôn tồn nói: Cứ như em thì nhà mình chỉ còn nước nuôi rắn. Thôi, nghe anh, cứ mua lấy con chó. Nhớ đừng mua giống Tây Tàu - Âu Á gì cả. Cứ mua con chó ta, anh mang tiêm phòng dại là xong. Chó nó thật thà, được việc.
Quả đúng. Từ ngày nhà nuôi chó, chuột nhà anh biệt tích. Con chó suốt ngày lùng sục, săn bắt chuột. Nó bắt chuột cũng nhiều nhưng cũng có phần là do sợ vía nó mà chuột dạt hết sang nhà hàng xóm. Vợ chồng con cái anh mừng lắm. Vợ anh bảo: nó xứng đáng có một cái tên. Anh gật đầu bảo: Phải! Vợ anh lại nói: là Giôn, là Nic hay Milu, Mila… Anh nhăn mặt bảo: Em chỉ sính ngoại. Vợ anh cãi: Ngoài xã hội cái gì chẳng mang tên ngoại. Các siêu thị, nhà hàng, trung tâm, khách sạn… có cái nào mang tên ta không? Thời buổi kinh tế thị trường, giao lưu toàn cầu cái tên cũng phải tây tây một tý mới sang, mới đảm bảo tính hiện đại. Anh đuối lý, nói yếu ớt: Phải… phải. Để anh tính. Là Giôn, là Nic… không được. Xóa bỏ hận thù, hướng tới tương lai cơ mà. Đặt tên nó là Bíp em ạ. Bíp chứ không phải là Bin. Bíp… Bíp... nghe dân tộc mà hiện đại, lại giữ vững lập trường. Vợ anh cười tít mắt, buột miệng khen: Tên hay, tên hay, kín mọi nhẽ. Đúng là có học có hơn. Anh sướng âm ỉ. Và, con chó có lẽ cũng hài lòng với cái tên chủ đặt. Nhưng rồi… có sự cố. Ra đường, nó cứ cắm đầu mải miết chạy theo ô tô. Hóa ra đường phố loạn xạ tiếng còi xe: bíp bíp… bíp… Anh lo lắng bảo vợ: có lẽ phải đổi tên cho nó ngay. Đà này, không khéo nó bị tai nạn ôtô, xe máy ngay trong tháng an toàn giao thông này chứ chẳng chơi. Vợ anh gật đầu xác nhận: Anh nói phải. Lần này anh đừng Tây Tàu gì nữa, cứ thuần Việt mà đặt. Ông ra ông – thằng ra thằng đừng nửa dơi nửa chuột. Anh bảo: Em nói đúng. Vàng, Mực, Vện, Đốm… thuần Việt cả đấy nhưng nghe quê quá. Lớ xớ còn bị hiểu lầm. Anh đặt cho nó là Cún. Cún có được không em? Cún! Nghe vừa thuần Việt, thuần chủng vừa tình cảm. Vợ anh buột miệng khen: tên hay, được lắm. Không như cái tên Bíp. Chẳng biết có bíp được ai không, hay chỉ bíp chính mình. Cún! Giỏi lắm. Các cụ mình từ ngàn xưa thường vẫn gọi cháu chắt yêu dấu của mình là Cún con anh nhỉ. Cún. Hay, hay tuyệt. Vừa tình cảm vừa truyền thống. Anh vui với niềm vui của vợ. Cún mừng với niềm vui của chủ.
Tháng năm vùn vụt trôi… Đến một ngày như bao ngày khác, anh đang ngồi đọc báo với chú Cún dịu dàng cuộn dưới chân. Bỗng, Cún bật mình nhỏm dậy, mồm gầm gừ tức giận, mắt vằn những tia uất hận mà bất lực. Sao thế nhỉ? Mọi lần nó lao như tên bắn, mềm mại dũng mãnh như cọp beo. Anh ngước mắt nhìn theo ánh nhìn của Cún. Thì ra, trên xà nhà, nóc nhà có tới bốn năm con chuột đang khả ố trêu ngươi nó. Anh chợt hiểu. Xoa đầu Cún sẻ chia mà anh như thầm thĩ cả với lòng mình: chuột nó leo cao đến thế này thì… chẳng phải chỉ mày mà ngay cả tao cũng bất lực. Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời thôi Cún. Không làm gì được chúng nó đâu. Đành làm ngơ mà sống chung với chuột. Chuột dạo này nó leo cao quá, Cún ơi!
Cún lắc đầu, xoay người nằm nghiêng, hết nhìn anh lại nhìn lũ chuột nghênh nghênh diễu hành trên xà nhà, nóc nhà. Có con còn khả ố đái một bãi xuống nền nhà vừa lau sạch bóng. Nếu có cánh, khéo chúng còn bay kín trời giỡn mặt anh và Cún cho mà xem. Những lời động viên chân thành của anh không làm Cún vui lên được. Mắt nó ươn ướt, khẽ rên ư ử. Hình như Cún… khóc!
*.
LÊ MAI
Địa chỉ: Nhà N5A Trung Hòa, Nhân Chính
Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Email: lemai703hn@gmail.com
Điện thoại: 0973418667   .







…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật từ email ngockien62@gmail.com ngày 09.11.2016 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét