(Nguồn ảnh: Internet) |
ĐỌC BÀI THƠ “HƯƠNG THU”
CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN
Hương thu
.
Ô kìa chiều
Ai thả nắng vương cây
Tóc rối ai bay
Mòn ai đuôi mắt
Điệu lý buông lơi tính tang khoan nhặt
Da diết bổng trầm xao xác sông xưa
.
Ta hỏi chiều
Thu đã về chưa
Mà lá vàng rơi khẽ nghiêng thật nhẹ
Mà gió mơn man vuốt ve thật khẽ
Biêng biếc trời chiều
Man mát hương sen.
.
Ta hỏi chiều
Sao rất đỗi thân quen
Tí tách bếp ai dẻo thơm cốm mới
Câu lý giao duyên ngập ngừng bối rối
Bồng bềnh người ơi
Mây tím lưng trời.
*.
Hà Nội, chiều 07 tháng 08 năm 2014
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
LỜI BÌNH:
(Nhà thơ Chử Văn Long) |
Giữa một đô thị như Hà Nội gần như đã chật cứng xe cộ, nhà cửa, âm thanh…
Trừ những người giàu có, quyền tước chiếm giữ được những khoảng không gian
riêng có cây che bóng mát cho những ô cửa sổ mở ra để nhìn ngắm ánh trời… Còn
cuộc sống của hầu hết mọi sinh linh chọn thành phố làm nơi cư ngụ. Âm thanh
chát chúa, khói bụi cay mù, xe cộ với tốc độ luồn lách… Nhìn những dòng người,
dòng xe với những chiếc mũ bảo hiểm dọc theo những con đường nắng bốc hơi ngùn
ngụt người đã thấy nôn nao như mình đã lạc sang một “tiểu hành tinh” nào đấy mù
xa… Không biết làm thế nào đấy mà người thơ vẫn có một buổi chiều Hà Nội, vẫn
dành riêng cho mình một cõi đắm say thanh thản. Ta như nghe được tiếng reo của
người đang chìa bàn tay chờ đón mùa thu bằng cảm giác mùi hương.
Tạo hóa ban phát riêng cho những người làm thơ thứ hạnh phúc không ai có
thể tranh giành, không luật pháp khắc nghiệt nào có thể ngăn trở tâm hồn người
ta đến với cái đẹp; người thơ như được đứng riêng một cõi:
Ô kìa chiều
Ai thả nắng vương cây
Tóc rối ai bay
Mòn ai đuôi mắt
Điệu lý buông lơi tính tang khoan nhặt
Da diết bổng trầm xao xác sông xưa
“Tóc
rối” của ai bay? Ai nhìn ai “mòn đuôi
mắt”? Cái gì “bổng trầm”? Cái gì
“xao xác” và “sông xưa” là con sông nào mà thả được dòng trôi vào cái mảnh đất
nhà cửa chen chúc những khối bê tông thô ráp mệt mỏi dâng đầy!
Đọc đoạn hai bài thơ “Hương thu”
Ta hỏi chiều
Thu đã về chưa
Mà lá vàng rơi khẽ nghiêng thật nhẹ
Mà gió mơn man vuốt ve thật khẽ
Biêng biếc trời chiều
Man mát hương sen.
Đọc đến đây ta có thể khẳng định sự mơ hồ của “lá rơi” của ngọn “gió mơn man
ve vuốt” của sắc trời chiều “biêng
biếc”, thêm vào chút “hương sen man
mát” làm cho ngây ngất, mở lòng, chứ anh cũng chưa gặp mùa thu - vì còn phải hỏi chiều “thu đã về chưa”? Nhưng nào say đắm có mất gì, khi lòng ta bỗng dưng
bổi hổi, xao xuyến nhớ về một mùa thu đẹp đã đi qua để lại cho hồn ta những vẻ
đẹp, những màu sắc âm thanh sáng trong, ngập ngừng, bối rối:
Ta hỏi chiều
Sao rất đỗi thân quen
Tí tách bếp ai dẻo thơm cốm mới
Câu lý giao duyên ngập ngừng bối rối
Bồng bềnh người ơi
Mây tím lưng trời.
Thơ hay thường là những kỷ niệm đẹp nhưng phải được cháy lên hoặc thắt quặn
lòng mình. Thêm vào một tay nghề … “Hương thu” có nhiều nét đẹp nhưng mới chỉ
dừng lại ở những “xốn xang”, còn “thiếu vị buồn”. Bởi cái gì đẹp thăm thẳm
thường pha thêm chút ánh buồn (Đẹp và buồn đi với nhau), bài thơ mới chiếm được
hết lòng độc giả, mới làm mê mẩn người xem./.
*
Mời nghe nhạc phẩm ĐÂU BỞI PHẢI MÙA THU nhạc của:
Phú Quang - Thơ: Giáng Vân qua tiếng hát Ngọc Tân:
Hà Nội, ngày 26 tháng 10 năm 2016
Nhà thơ CHỬ VĂN LONG
Địa chỉ: Thôn 2, Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội.
Điện thoại: 01658818263
Email: haicv08@gmail.com
........................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của
tác giả gửi qua email ngày 26.10.2016
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
Bài thơ Hương Thu là một trong những bài thơ hay của Xuyến. Âm thanh, màu sắc và hương thu cứ quyện lấy nhau tạo nên một không gian thẩm mỹ mùa thu tuyệt đẹp! Tiếc là anh Long bình chưa tới, có thể do tâm trạng sức khỏe của người bình không được tốt.
Trả lờiXóa