TÌM HIỂU VỀ NGŨ HÀNH TƯƠNG KHẮC - Tác giả: Đặng Xuân Xuyến

Leave a Comment


TÌM HIỂU VỀ

NGŨ HÀNH TƯƠNG KHẮC

*

Nói đến Ngũ hành tương khắc là nói đến sự xung khắc giữa các hành với nhau, hay gọi đúng tên bản chất của sự tương khắc là hành này khống chế và làm cho hành kia bị suy yếu, hủy diệt.

Nếu Ngũ hành tương sinh được hiểu là sự nuôi dưỡng, bồi đắp của hành này cho hành kia phát triển và lớn mạnh, được coi như là tốt giữa 2 hành đó, thì Ngũ hành tương khắc lại được coi là xấu giữa 2 hành. Ví dụ: Kim khắc Mộc, có nghĩa Kim khống chế, làm cho Mộc bị suy yếu, hủy diệt; Thủy khắc Hỏa, Thổ khắc Thủy ... cũng tương tự như vậy.

Vậy Ngũ hành tương khắc có nghĩa như thế nào? Hiểu đơn giản, có quy luật tương khắc vì:

1. Mộc khắc Thổ: Cây cối cắm rễ vào đất, hút chất màu mỡ của đất, làm khô nẻ đất đá nên mới nói Mộc khắc Thổ.

2. Thổ khắc Thủy: Đất hút cạn nước, hoặc ngăn chặn dòng chảy của nước nên nói Thổ khắc Thủy.

3. Thủy khắc Hỏa: Nước dập tắt lửa hoặc làm suy yếu cường độ của lửa nên mới nói Thủy khắc Hỏa.

4. Hỏa khắc Kim: Lửa nóng làm cho kim loại biến dạng, suy yếu, hoặc tan chảy nên mới nói Hỏa khắc Kim.

5. Kim khắc Mộc: Kim loại làm đổ cây cối, chế tác cây cối thành vật dụng nên mới nói Kim khắc Mộc.

Quan hệ tương khắc của Ngũ hành được mô tả theo sơ đồ sau:

Không giống như Ngũ hành tương sinh, cơ bản như là tốt cho cả 2 hành vì không có sự khắc, đặc biệt tốt cho hành được sinh (tình trạng sinh nhập) và tốt ít, hoặc không xấu cho hành bị sinh (tình trạng sinh xuất). Trong mối quan hệ tương khắc của Ngũ hành thì dù khắc xuất hay khắc nhập đều xấu, sự xấu ít hay xấu nhiều, phụ thuộc vào hành đó ở trong tình trạng khắc xuất hay bị khắc nhập.

Khắc xuất hiểu nôm na là mình khống chế được người khác, làm cho người đó bị suy yếu, hủy diệt. Còn khắc nhập là mình là người yếu thế, bị người khác khống chế, làm cho mình bị suy sụp, hủy diệt. Dù ở tình trạng khắc xuất thì sự hao tổn, suy kiệt vẫn sảy ra. Ví dụ, muốn dập tắt được lửa buộc phải tiêu hao lượng nước nhất định, muốn ngăn được nước buộc phải có lượng đất đủ để đắp đập, ngăn bờ, thấm hút... Như vậy, dù ở tình trạng khắc xuất hay khắc nhập thì sự suy yếu cho bản thân vẫn sảy ra, đặc biệt là xấu nhất khi ở tình trạng khắc nhập, vì đó là tình trạng bị đối phương làm cho suy yếu, rất dễ dẫn đến bị huỷ diệt.

Vì Ngũ hành được biến sinh từ 2 khí Âm - Dương nên khi tìm hiểu về Ngũ hành tương khắc, nguyên tắc chú ý đến tính Âm (-), Dương (+) của Ngũ hành không thể bỏ qua.

Chúng ta đều biết, hai hành có cùng Âm (-) hoặc cùng Dương (+) thì sẽ không sinh cũng như không khắc vì hai hành này có tính đối kháng, sẽ đẩy nhau ra xa, mỗi hành lại ở một vị trí nên không thể có chuyện sinh, khắc.

Ví vụ: Dương Thổ không sinh Dương Mộc

Âm Kim không khắc Âm Mộc

Mối tương quan sinh - khắc của Ngũ hành được hiểu như vậy nên trong khoa Tử vi mới có sự lưu ý đặc biệt:

4 cung Thìn - Tuất - Sửu - Mùi đều thuộc Thổ và chia ra 2 cặp cùng khí Dương (+) là Thìn - Tuất và cùng khí Âm (-) là Sửu - Mùi. Nên sẽ không có sự đối kháng giữa Thìn và Tuất, Sửu và Mùi như các cặp còn lại như: Tý - Ngọ, Mão - Dậu, Tỵ - Hợi, Dần - Thân. 

Tại sao vậy? Vì Thìn - Tuất đều là Dương Thổ, Sửu - Mùi đều là Âm Thổ nên không có sự đối kháng. Nhưng các cặp còn lại Tý (Dương Thủy) - Ngọ (Dương Hỏa), Mão (Âm Mộc) - Dậu (Âm Kim), Tỵ (Âm Hỏa) - Hợi (Âm Thủy) và Dần (Dương Mộc) - Thân (Dương Kim). Tuy các cặp này đều cùng thể chất khí (cùng Âm hoặc cùng Dương) nhưng đặc tính của hành lại khắc nhau nên mới có sự đối kháng (Thủy >< Hỏa, Kim >< Mộc) như vậy.

Trong mối quan hệ vợ chồng, nếu tuổi vợ và chồng ở thế tương khắc thì trường hợp tuổi chồng khắc tuổi vợ còn khả dĩ chấp nhận phần nào, nhưng nếu tuổi vợ lại khắc tuổi chồng (ví dụ tuổi vợ là Bính Thìn khắc tuổi chồng là Bính Ngọ) thì quả thật trường hợp này đúng là “nghi bại nghi vong” - Người vợ sẽ đem lại những bất hạnh, đắng cay cho người chồng. Đây là điều tối kỵ trong việc kết duyên đôi lứa theo thuyết Âm Dương Ngũ hành.

Nghiên cứu về sự tương khắc của Ngũ hành, thì nguyên tắc căn cứ vào Ngũ hành của nạp âm thủ tựơng nhất quyết phải được chú trọng. Đây là yếu tố quan trọng để lý giải tại sao tương sinh mà lại không tương sinh, tương khắc mà thực chất lại không tương khắc.

Chẳng hạn, tuổi Bính Ngọ và Bính Thìn

Xét về đặc tính của Ngũ hành thì tuổi Bính Ngọ có bản mệnh là Thủy, còn tuổi Bính Thìn có bản mệnh là Thổ, sẽ xung khắc vì: Thổ làm cho Thủy (Thổ khắc Thủy) bị hao kiệt, suy yếu, thậm chí bị hủy diệt. Xét đến âm dương của nạp âm ngũ hành thì Bính Thìn là dương Thổ, Bính Ngọ là dương Thủy, thì hai tuổi này cũng sẽ không có sự tương khắc mà chỉ đối kháng nhau, đẩy nhau ra xa và không thể có sự hủy diệt nhau vì đều là Dương (+), nhưng nếu xét về bản chất lý tính (nạp âm Ngũ hành) thì Sa Trung Thổ (đất bồi bờ biển, còn gọi đất trong cát) không thể làm hại được Thiên Hà Thủy (nước sông trên trời, còn gọi nước trời mưa) vì các loại Thổ (đất) không thể hút được nước trên trời, ngược lại còn bị nước sông trời (nếu nhiều) sẽ làm cho tan rã, hư hại.

Như vậy, tuổi Bính Thìn và Bính Ngọ về cơ bản không có sự xung khắc gay gắt, không dẫn đến cảnh “hủy diệt” lẫn nhau, nhưng vì đều là khí dương (+) nên sẽ không hợp nhau, không làm tốt cho nhau mà luôn đẩy nhau ra xa, cản trở nhau trong mọi công việc. 

Lưu ý: Đây là xét về Âm Dương Ngũ hành thì là vậy nhưng không thể cứ là nữ Mệnh Bính Thìn (Thổ) và nam Mệnh Bính Ngọ (Thủy) sẽ đều như vậy. Sự gia giảm về hệ quả của sự kết hợp vợ chồng phần lớn phụ thuộc vào lá số của mỗi người trong mỗi cặp vợ chồng, vì thế mới có sự khác biệt khi so sánh hạnh phúc giữa các cặp vợ chồng có bản Mệnh giống nhau. Tuy nhiên, tất cả các cặp vợ chồng trong trường hợp này đều gặp trục trặc, không ít thì nhiều trong cuộc sống lứa đôi, chứ không thể thuận hòa như những cặp vợ chồng các tuổi khác được.

Hay như tuổi Nhâm Tuất, Quý Hợi có bản mệnh là Đại Hải Thủy (nước biển rộng mênh mông), đặt cạnh Thiên Thượng Hỏa (nạp âm thủ tượng của tuổi Mậu Ngọ, Kỷ Mùi) thì lại tốt bởi Đại Hải Thủy dung nạp tất cả nước sông ngòi đổ xuống nên rất cần có Thiên Thượng Hỏa chiếu xuống làm thành cách thủy bổ dương quang. Như vậy, trong trường hợp này tưởng như khắc mà lại không xung khắc.

Luận bàn về Ngũ hành tương khắc, cổ nhân có 3 cách như sau:

Cách 1: Lấy đặc tính Ngũ hành và Âm Dương Ngũ hành làm căn bản.

Cách 2: Lấy lý tính của Ngũ hành làm căn bản (nạp âm Ngũ hành).

Cách 3: Kết hợp cả 2 cách trên.

Theo kinh nghiệm, chúng tôi chọn cách 3 làm cơ sở cho việc luận giải. Thực tế, sự tương sinh - tương khắc - tương hòa của Ngũ hành không đơn giản. Để lý giải được mối quan hệ tương sinh - tương khắc - tương hòa nào đó, nếu chỉ lấy đặc tính của Ngũ hành và Âm - Dương Ngũ hành làm căn bản sẽ dễ dẫn đến kết luận phiếm diện. Nếu chỉ lấy lý tính của Ngũ hành làm căn bản sẽ có nhiều trường hợp người đoán giải đành chịu bó tay. Vì vậy, khi xét về Âm Dương Ngũ hành bạn đọc nên lưu ý nguyên tắc:

- Lấy đặc tính của Ngũ hành làm căn bản.

- Lấy Âm Dương Ngũ hành làm căn bản.

- Lấy lý tính của nạp âm Ngũ hành làm căn bản.

Cần lưu ý, khi luận giải về tương sinh - tương khắc - tương hòa hoặc quy luật chế hóa của Ngũ hành, người đoán giải phải phải linh hoạt, không được tuân thủ một cách máy móc, tùy theo từng trường hợp, mà có sự linh hoạt, không vì quá coi trọng một yếu tố nào mà đưa ra lời kết luận phiến diện, dẫn đến lời luận giải thiếu chính xác, thậm chí còn bế tắc.

 (Xem trọn bài luận về Ngũ Hành:
.

(Trích từ: TỬ VI KIẾN GIẢI của Đặng Xuân Xuyến

Nhà Xuất bản Thanh Hóa, xuất bản năm 2009)



0 comments:

Đăng nhận xét