BÀI THƠ KHÔNG CHỈ ĐỌC MỘT LẦN - Tác giả: Trần Thanh Phương (Bình Định)

Leave a Comment
(Nữ sĩ Trần Thị Huyền Trang, thứ 3 từ bìa phải vào)
BÀI THƠ KHÔNG CHỈ
ĐỌC MỘT LẦN
*
Bên hoa phù dung
Hầu chuyện một nhà giáo
                                   Kính tặng Nhà giáo ưu tú Trương Tham
                                                
                  Ông đã đi qua nhiều năm tháng
                  Hay nhiều năm tháng đã đi qua ông

                 Ký ức
                 Tươi ròng những chú dế mỡ ven sông
                 Đu cành xanh soi mình xuống nước
                 Tươi ròng  mái tóc một nữ du kích cùng làng
                 Xe thù kéo sàn sạt trên đường sỏi

                 Chú dế mỡ và mái tóc dài của người chị cùng làng
                                                               thành bài học quê hương

                Học trò ông xếp nghiên bút lên đường
               “Thưa thầy con đi,
                 Bài bình văn Nguyễn Du con sẽ trở về
                                                      nghe thầy giảng lại…”

                Từ đó trái tim người thầy trong ông luôn chờ đợi
                Dù hòa bình đã ba mươi năm

                Ba mươi năm
                Năm nào ông cũng về bên bờ tháng Chạp
                Nghe mùi hương thiên lý dậy bên đường
                Nghe bật tóc từng bụi cây từng đàn dế mỡ
                Lại tươi ròng khuôn mặt quê hương

                Tinh tế nỗi người như sành vị cà phê
                Đôi khi bị người ta bẹo vai
                                        vẫn đàng hoàng đi tới
                Sách và hoa từ nhiều phương trời đến nhà ông ở lại
                Hoa phù dung nghiêng bóng xuống trang thơ

                Sau lưng ông rất nhiều năm tháng
                Mọi hư vinh vô nghĩa trước mặt trời
                Chỉ còn lại đóa phù dung thảng thốt
                Biến ảo và trung thực tận cùng thôi.
*
TRẦN THỊ HUYỀN TRANG
LỜI BÌNH:
Có người gặp lần đầu ít nhiều thú vị nhưng nếu gặp lần nữa có khi lại chán. Thơ cũng thế. Có bài thơ đọc một lần còn muốn đọc đi đọc lại để cùng suy ngẫm, chiêm nghiệm, rút ra ý nghĩa nào đó cho cuộc sống cũng như cho nghệ thuật. Bên hoa phù dung hầu chuyện một nhà giáo của nữ thi sĩ Trần Thị Huyền Trang với lời đề từ “Kinh tặng Nhà giáo ưu tú Trương Tham” là một bài thơ như thế.
(Tác giả Trần Thanh Phương)
1. Bài thơ mở đầu (theo kiểu Đặt vấn đề) bằng hai câu. Câu vào đề: “Ông đã đi qua nhiều năm tháng” chưa thấy có gì mới, vẫn là một cách nói xuôi bình thường thế thôi. Nhưng câu tiếp theo láy ngược lại: “Hay nhiều năm tháng đã đi qua ông” thì không bình thường nữa rồi. Nó bắt người đọc phải chú ý chứ không được lười, phải động tâm động trí tìm cho ra cái “ý tại ngôn ngoại” mà người làm thơ muốn gửi gắm vào trong câu, chữ - Thì tôi đang viết về một ông nhà giáo đã lớn tuổi (về hưu lâu rồi), đã được Nhà nước tôn vinh là Nhà giáo ưu tú vì nổi tiếng với thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi và viết những bài bình thơ tinh tế, sắc sảo, được đăng tải suốt mấy chục năm trên các phương tiện thông tin đại chúng mà ai cũng biết, chứ có phải viết về một anh thầy giáo đương chức nào đó đâu? Tôi gọi bằng “ông” chứ không gọi “thầy” là để tránh những tình cảm réo rắt ký sinh, “những luồng run rẩy” của một thời thơ Mới ngự trị nhằm đưa ra những đánh giá khách quan, trung thực nhất về ông  - Việc xác định cách xưng hô đã giúp Huyền Trang tạo lập được tâm thế đối thoại bình đẳng, một trong những biểu hiện kiểu tư duy con người hiện đại.
2. Quy luật người lớn tuổi thường hay nhìn ngắm quá khứ, thích sống với quá khứ: Có người nuối tiếc; Có người giật mình phản tỉnh; Có người hãnh diện tự hào…Riêng với Nhà giáo Trương Tham thì:
                           Ký ức
                           Tươi ròng những chú dế mỡ ven sông
                           Đu cành xanh soi mình xuống nước
                           Tươi ròng mái tóc một nữ du kích cùng làng
                           Xe thù kéo sàn sạt trên đường sói

                           Chú dế mỡ và mái tóc dài của người chị cùng làng
                                                              thành bài học quê hương
“Bài học quê hương” của Nhà giáo Trương Tham là bài học nhận từ cuộc sống gắn với tình yêu động vật (những chú dế mỡ) và tình yêu con người (một nữ du kích cùng làng). Tấm lòng thật quý hóa biết bao nhưng để trở thành một thầy giáo dạy văn tương lai chỉ có tấm lòng thôi chưa đủ, còn cần một tố chất nữa. Đó là một tâm hồn nhạy cảm thiết tha yêu cái Đẹp. Chú bé Tham say mê ngắm nhìn không biết chán vẻ đẹp của “những chú dế mỡ ven sông” đang “đu cành xanh soi mình xuống nước” kia. Và nỗi ám ảnh nhức buốt đối với ông là “mái tóc dài” của người “nữ du kích cùng làng” đang bị kẻ thù hành hạ chà đạp - Mà mái tóc dài hay suối tóc là biểu tượng cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam truyền thống - Cái Đẹp bị hành quyết gây chấn thương tâm hồn ghê gớm lắm, người bình thường khó mà hiểu hết được!
Nói ký ức một đời dạy học kéo dài suốt từ chiến tranh sang hòa bình, từ thời hậu chiến đến thời đổi mới của một nhà giáo nổi tiếng thì nhiều lắm. Trong rất nhiều câu chuyện được nghe kể lại, Huyền Trang lảy ra được một chi tiết thật đắt, thật đắc địa:
                        Học trò ông xếp nghiên bút lên đường
                        “Thưa thầy con đi,
                         Bài bình văn Nguyễn Du con sẽ trở về
                                                         nghe thầy giảng lại…”

                        Từ đó trái tim người thầy
                                                         trong ông luôn chờ đợi
                        Dù hòa bình đã ba mươi năm
Dấu ba chấm (…) xác nhận rằng không chỉ có một câu chuyện này. Nhưng chỉ cần một câu chuyện này thôi đã đủ nói lên Trái - Tim - Người - Thầy của ông vẫn đau đáu một nỗi niềm chờ mong đứa học trò trở về suốt ba mươi năm qua chưa lúc nào nguôi ngoai, dù biết chắc nỗi đợi chờ chỉ là vô vọng! Chiến tranh quả là khắc nghiệt đã để lại vết xước trong trái tim người thầy không thể nào thành sẹo được! Nỗi niềm ấy chỉ có thể ví với tấm lòng người mẹ dành cho con - Có lẽ Nhà giáo ưu tú Trương Tham không vợ không con nên ông lấy đám học trò làm con ruột của mình? (Thì học trò vẫn xưng “con” với ông đấy thôi).
Những câu thơ tiếp theo vẫn đi theo lối thuật kể, không bình phẩm hoặc nêu ra bài học giáo huấn lộ liễu mà cứ để cho sự việc tự nói lên ý nghĩa của nó:
                          Ba mươi năm
                          Năm nào ông cũng về bên bờ tháng Chạp
                          Nghe mùi hương thiên lý dậy bên đường
                          Nghe bật tóc từng bụi cây từng đàn dế mỡ
                          Lại tươi ròng khuôn mặt quê hương
Nhà giáo Trương Tham vừa lớn lên đã xa lìa quê hương tập kết ra miền Bắc. Sau khi đất nước thống nhất ông trở về dạy học ở Trường THPT Trưng Vương cho tới ngày nghỉ hưu, vẫn cách nơi ông sinh ra cả trăm cây số. Ba mẹ và các chị em ông đều đã hy sinh hoặc đã mất. Nhà cửa ruộng vườn cũng không còn. Nhưng suốt ba mươi năm qua năm nào đến tháng Chạp ông cũng hành hương về làng để sống lại với những ký ức thời trẻ đã lặn vào tim óc ông. Viết đến đây tôi lại nhớ đến hai câu thơ của Đỗ Trung Quân: “Quê  hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người” (Bài học đầu cho con).
Từ bút pháp thuật kể Huyền Trang lại chuyển sang bút pháp chấm phá, khắc họa chân dung. Này là tính cách: “Tinh tế nỗi người như sành vị cà phê”.  Nhà giáo Trương Tham không chỉ tinh tế trong bình thơ mà còn tinh tế trong đối nhân xử thế. (Ông xuất thân trong một gia đình trí thức và lớn lên được hấp thu nhiều vùng văn hóa của đất nước). Ông không biết nhậu nhẹt và không hề đụng đến một giọt bia rượu nhưng rất khoái thú uống cà phê và hút thuốc lá thơm. Ông sành sỏi hương vị cà phê như từng trải vị đời. Còn đây là bản lĩnh: “Đôi khi bị người ta bẹo vai vẫn đàng hoàng đi tới”. Niềm đam mê lớn nhất của đời ông là sách và hoa: “Sách và hoa từ nhiều phương trời đến nhà ông ở lại/ Hoa phù dung nghiêng bóng xuống trang thơ”. Ngày còn dạy học ở ngoài Bắc chiều chiều ông hay tha thẩn lên chùa để được ngắm hoa chùa. Trở về Quy Nhơn gia tài của ông chỉ có độc một chiếc xe đạp Phượng Hoàng được Nhà nước phân phối, còn toàn những sách cóp nhặt trong suốt quãng đời dạy học (ông từng phải nhịn ăn mặc để có tiền mua sách). Trước cửa phòng ông có khoảng mươi mét vuông đất chật hẹp mà đủ các loại hoa quý hiếm từ Bắc - Trung - Nam hội tụ, chen chúc, đua nhau nở. Ông xin giống phù dung mãi tận thành phố Đà Lạt mang về trồng rồi chăm sóc như báu vật. Những loài hoa trong tác phẩm văn chương luôn hiện hữu quanh ông, trở thành giáo cụ trực quan khi ông giảng văn cho các học trò. - Có lẽ chưa có người nào yêu hoa nồng nàn mãnh liệt và tinh tế sâu sắc như ông?
3. Bốn câu thơ kết bài đúc lại như một bài thơ tứ tuyệt:
                          Sau lưng ông rất nhiều năm tháng
                          Mọi hư vinh vô nghĩa trước mặt trời
                          Chỉ còn lại đóa phù dung thảng thốt
                          Biến ảo và trung thực tận cùng thôi.
Đến đây thì ngòi bút văn xuôi tỉnh táo đã phải nhường chỗ cho cảm xúc thơ dâng trào với bút pháp trữ tình sâu lắng. Tôi đã đọc nhiều bài thơ viết về nhà giáo, về nghề giáo, nhưng chưa bao giờ có một tâm trạng khó tả như khi đọc bài thơ này, nhất là ở đoạn kết. Đây không chỉ là sự tôn vinh một nhà giáo cụ thể, mà là sự tôn vinh Con Người đích thực đã mang ánh sáng trí tuệ, tâm hồn soi sáng cho bao thế hệ học trò: “Mọi hư vinh vô nghĩa trước mặt trời”. (Xin nói thêm là hồ sơ đề nghị phong Nhà giáo nhân dân cho nhà giáo Trương Tham đã bị “dìm hàng” nhiều lần nên rút cuộc vẫn không bao giờ được nữa). Các thế hệ học trò của Nhà giáo ưu tú Trương Tham có rất nhiều người thành đạt: Nhiều vị đã trở thành cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, là Giáo sư Tiến sĩ, Nhà văn, Nhà báo, Nhà khoa học…, đọc bài thơ này có lẽ các vị cũng sẵn lòng đồng cảm với tôi.
4. Tuy nhiên sẽ rất là thiếu sót nếu không nói thêm về nhan đề bài thơ. Từ những chất liệu thực tế (Hoa phù dung và cuộc chuyện trò văn chương với thầy giáo cũ) Huyền Trang đã phát hiện ra một tứ thơ hay. Hoa phù dung có vẻ đẹp rực rỡ, biến ảo từng được lấy làm chuẩn cho gương mặt đẹp của người thiếu nữ: “Phù dung như diện liễu như mi”. Nhưng loài hoa ấy còn có đặc tính là rất khó trồng và sớm nở tối tàn, thường được đem ra ví với cái Đẹp mong manh ngắn ngủi như ý của hai câu thơ cổ: “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng/ Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”. Cuộc đời dài ngắn đâu có quan trọng mà cái quan trọng là đã để lại cho đời được cái gì. Với một số người nào đó, cuộc sống ngắn ngủi của họ đã làm cho cuộc đời này đẹp lên, có ý nghĩa lên rất nhiều cũng như dóa hoa phù dung kia - Hoa và người chiếu ứng lẫn nhau. Nhấn mạnh các chữ Bên hoa phù dung bằng cách đặt lên trước, đưa Hầu chuyện một nhà giáo xuống vế sau, bài thơ đã thoát khỏi lối thơ tụng ca sáo mòn để tăng thêm tính triết lý, chiêm nghiệm, tạo ra sự đa nghĩa, hư ảo cho thơ. Đó cũng là sự cao tay của nữ sĩ Trần Thị Huyền Trang vậy!
*
TRẦN THANH PHƯƠNG
Giảng viên Khoa Ngữ Văn Trường Đại học Quy Nhơn
Địa chỉ: 170 An Dương Vương, Tp Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Email: rolanphuongnd@gmail.com






…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 05.12.2016 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét