(Chân dung nhà thơ Tố Hữu - Nguồn ảnh: Internet) |
TỐ HỮU TỰ TỬ HỤT
TRÊN ĐƯỜNG VÀO NAM
Năm 1976, tại trại tù Quảng Ninh, sau mấy tuần lễ đặt chân lên đất Bắc,
trên hành trình lưu đày biệt xứ, Ban Giám thị trại đã “thảy ra” một số sách báo
cho tù “giải khuây”. Trong số sách báo ấy có quyển “Truyện Kiều, Nhà xuất
bản Trung Đại Học Chuyên Nghiệp Hà Nội 1976”, nghĩa là quyển sách vừa mới “ra
lò”. Có ít người đọc quyển này, nên tôi “ôm lấy”, đọc và ghi chép cả tháng.
“Bản chép tay “kỉ vật” ấy hiện tôi còn giữ trong tủ sách.
Những trang cuối cuốn Truyện Kiều này có hai trang sách tôi để ý và lấy làm thích thú, vì
là lần đầu tiên được đọc, khác với Kiều thời đi học ở Sài Gòn tôi đã “gặm nhắm”
nhiều rồi.
(Tác giả Song Nhị) |
Một trong hai trang sách ấy đăng bài thơ “Kính Gửi Cụ Nguyễn Du” của Tố Hữu, và trang khác đăng bài “Một Ý Kiến” của Hà Huy Giáp nhận định
về tư tưởng “lạc hậu”, “phản động” của Nguyễn Du.. Cả hai bài đều rất đáng đọc
và rất đáng suy nghĩ. Tôi chép lại, cất giữ, kể cả tập Truyện Kiều.
Bốn mươi năm, thời gian đã khá dài, đủ để tôi cảm thấy tự tin về suy nghĩ
của mình mà đọc lại bài thơ “Kính Gửi Cụ
Nguyễn Du” của Tố Hữu.
Trước khi đọc và nhận định về bài thơ, xin giới thiệu vài nét về con người
nhà thơ này.
1. Chân dung nhà thơ Tố Hữu
Tố Hữu, tên thật là Nguyễn Kim Thành (sinh ngày 4-10-1920 mất ngày 9-12-
2002).
Sinh quán, tỉnh Quảng Nam. Nguyên quán, tỉnh Thừa Thiên, Huế. Năm 1938
ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản. 1948 Phó Tổng thư ký Hội Văn nghệ
Việt Nam; 1976 Ủy viên dự khuyết. Từ 1980 Ủy viên chính thức Bộ Chính trị;
Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Bộ trưởng nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt
Nam.
Tác phẩm: có bảy tập thơ, hai tập tiểu luận. Có 47 bài
thơ được coi là những bài thơ tiêu biểu, trong đó có bài “Kính Gửi cụ Nguyễn Du”.
Là một nhà thơ tiêu biểu của “thơ cách mạng” Việt Nam, một nhà thơ
“hàng đầu” của chế độ miền Bắc, đồng thời là một chính trị gia.
Lúc đương thời có chức tước địa vị, Tố Hữu khét tiếng là “tay trùm” văn
nghệ có quyền sinh sát trong giới văn nghệ sĩ miền Bắc. Nhiều người là trí
thức, văn nghệ sĩ đã là nạn nhân của ông ta. Nhiều nhà văn, nhà thơ bị bẻ ngòi
bút, bị tước đoạt mọi quyền căn bản: quyền ăn nói, quyền suy nghĩ, quyền thể
hiện tư duy, và kể cả quyền sống. Một số bị bỏ tù, một số bị đày đi lao động
cải tạo, hoặc bị cô lập, giam lỏng ở địa phương, thân tàn ma dại...
Dưới tay trùm và cai thầu văn nghệ này, mượn quyền sinh sát của Đảng để
khống chế, đàn áp, không một ai dám hó hé. Cùng lắm là chỉ lên tiếng phê bình
tác phẩm với tư cách là những người làm văn học nghệ thuật. Hoàng Cầm, Tử Phác,
Hoàng Yến, năm 1955 thẳng thắn phê bình tập thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu là “ít vốn sống thực tế”.
Với bài thơ khóc Stalin: “Đời đời
nhớ ơn ông”, Hoàng Cầm, Tử Phác, Hoàng Yến phê phán “Tố Hữu thương vay khóc mướn và bi lụy hóa tình cảm của nhân dân
Việt Nam trước cái chết của Stalin”. Từ đó “Nhân văn-Giai phẩm”
bị đàn áp và những nhà thơ này sống không yên, đã bị Tố Hữu trù dập đến thân
bại danh liệt.
Khi Tố Hữu còn quyền uy thanh thế, không một ai dám đả động đến. Nhưng sau
khi đã nhắm mắt, dư luận bắt đầu có tiếng nói, nêu đích danh Tố Hữu với những
chuyện khó ưa.
Đầu tiên là bài "Gặp Tố Hữu tại
biệt thự 76 Phan Đình Phùng", Tố Hữu trả lời phỏng vấn có ghi âm của
Nhật Hoa Khanh năm 1997, công bố năm 2004, sau khi TH mất. Vợ ông, bà Vũ Thị
Thanh phản đối, cho là những tài liệu giả mạo, trong khi các tờ báo chính thống
tại Việt Nam đã đồng loạt phổ biến.
Sở dĩ bà Vũ Thị Thanh, vợ Tố Hữu phản đối vì nội dung bài phỏng vấn nêu lên
các sự kiện văn học trước kia như Nhân văn-Giai phẩm và các nhà văn, nhà thơ
từng là nạn nhân của ông ta, mà khi trả lời phỏng vấn, Tố Hữu lại hết lời ca
ngợi họ..
Năm 2013 trên tờ báo điện tử “Nhân Văn” thành phố Hồ Chí Minh, tác giả
Nguyên Hạnh nêu trường hợp Trần Đăng Khoa, trong “Chân dung và Đối thoại” viết, “Tố
Hữu thừa nhận chưa bao giờ được Hồ Chí Minh khen thơ của ông”. Và Nguyên
Hạnh đưa ra mấy nhận định:
1- Tố Hữu chỉ là một người hơi ấu trĩ và ngây thơ trong nhận thức về Xã Hội
Chủ Nghĩa và cách mạng. Tệ hơn, Tố Hữu luôn ngợi khen người lãnh đạo cộng sản
nào cũng vĩ đại. Sai lầm lớn nhất của Tố Hữu là lớn tiếng ca ngợi Stalin và Mao
trạch Đông.
2- Tư tưởng Tố Hữu tỏ ra rất non nớt, thơ Tố Hữu đôi khi hay thổi kèn đánh
trống ầm ĩ về chiến thắng, có những câu thơ khá “lộng ngôn”. (*)
(….)
Tố Hữu đi đâu qua huyện Nghi Xuân vào lúc nửa đêm trong thời kỳ cuộc chiến
Bắc Nam? Hay thời gian 15 năm “luân lạc” trên chính trường (1960 -1975) có
gì đó làm nản chí “nam nhi”, khiến tác giả quên rằng: “đã mang lấy nghiệp vào thân/ cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”
(câu 3249), mà nảy ý định nhảy sông... Tiền Đường tự tử. Sao tâm
trạng lại “ngẩn ngơ”, “chua cay” đến thế, như chính tay ông viết xuống. Đó là
lý do người viết “đi vào” tâm trạng Tố Hữu trong bài thơ “Kính gởi cụ Nguyễn Du” sau đây.
2. Bài thơ
Kính gởi
cụ Nguyễn Du
Nửa đêm qua huyện
Nghi Xuân
Bâng khuâng nhớ cụ
thương thân nàng Kiều
Hỡi lòng tê tái
thương yêu
Giữa dòng trong đục
cánh bèo lênh đênh
Ngổn ngang bên
nghĩa bên tình
Trời đêm đâu biết
gởi mình nơi nao
Ngẩn ngơ trông ngọn
cờ đào
Đành như thân gái
bóng xao Tiền Đường
Nỗi niềm nghĩ đến
mà thương
Dẫu lìa ngó ý còn
vương tơ lòng
Nhân tình nhắm mắt
chưa xong
Biết ai hậu thế
khóc cùng Tố Như
“Mai sau dù có bao
giờ”
Cảm thơ thuở trước
đâu ngờ hôm nay
Tiếng đàn xưa đứt
ngang dây
Hai trăm năm lại
càng say lòng người
Trải bao gió dập
sóng dồi
Tấm lòng thơ vẫn
tình đời thiết tha
Đau đớn thay phận
đàn bà
Hỡi ơi thân ấy biết
là mấy thân
Ngẫm xem qua kiếp
phong trần
Đời vui nay đã nửa
phần vui đây
Song còn bao nỗi
chua cay
Gớm quân Ưng Khuyển
ghê bầy Sở Khanh
Cũng loài hổ
báo ruồi xanh
Cũng phường gian ác
hôi tanh hại người
Tiếng thơ lay động
đất trời
Nghe như man mác
vọng lời nghìn thu
Ngàn năm sau nhớ
Nguyễn Du
Tiếng thương như
tiếng mẹ ru những ngày
Hỡi người xưa của
ta nay
Khúc vui xin lại so
dây cùng người./
(Tố Hữu)
**
Tất cả những ai làm thơ, là những nhà thơ “chuyên nghiệp”, những thi sĩ
thành danh, mọi bài thơ đều được viết ra từ cảm nhận, từ rung động, từ mối cảm
xúc; không ai làm thơ với tâm trạng bàng quan với cảnh vật, với sự kiện mà
thành bài thơ được.
Bài thơ “Kính gởi cụ Nguyễn Du”
phải nói là một bài thơ hay, đầy cảm xúc mà những cảm xúc này rất thật, không
vẽ vời, không hư cấu; mượn chuyện người để nói chuyện mình, mượn cảnh ngộ của
người để thổ lộ tâm trạng, cảnh ngộ của mình.
Thời gian và không gian trong bài thơ được tác giả ghi nhận rất cụ thể.
Người đọc không biết ngày tháng, năm nào, nhưng thời điểm rõ ràng là vào lúc
nửa đêm và nơi chốn là huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh - địa danh nói tới ai cũng
biết, quê hương Nguyễn Du.
Là một nhà thơ lớn như Tố Hữu, dù muốn dù không, với Nguyễn Du, Cao Bá
Quát... là những kẻ “đồng hội đồng thuyền”. Khi đi qua huyện Nghi Xuân, một
người như Tố Hữu làm sao không chạnh lòng tưởng nhớ đến Nguyễn Du, đến Truyện Kiều, huống gì tác giả đang mang
một tâm trạng “thương yêu tê tái” giữa dòng đời (trong đục), dẫy đầy những hơn
thua, được mất, công danh, sự nghiệp, hiện tại, tương lai ... mà thân phận bấp
bênh như cánh bèo lênh đênh trôi nổi:
Nửa đêm qua huyện
Nghi Xuân
Bâng khuâng nhớ cụ
thương thân nàng Kiều
Hỡi lòng tê tái
thương yêu
Giữa dòng trong đục
cánh bèo lênh đênh
Nàng Kiều khi quyết định bán mình chuộc cha, đã miễn cưỡng dứt tình với Kim Trọng, tâm trạng nàng dĩ nhiên rã rời tan
tác. Ở đây, tác giả giữa đêm khuya nơi huyện Nghi Xuân, mang nỗi băn khoăn thổn
thức với bên nghĩa, bên tình. Nghĩa với ai? Tình với ai? Một bên là gia đình,
cha mẹ, vợ con, nơi đã cho mình vóc dáng, tình yêu, học thức; và một bên là nơi
đã cho mình vai vế, công danh, từ ngày theo đảng...
Bây giờ giữa đêm khuya vắng, nơi huyện Nghi Xuân, sau lưng và trước mặt, sẽ đi về đâu? Vào Nam hay ra
Bắc? Đi vào sinh lộ hay tử lộ? Quả là một nỗi mênh mang tâm sự:
Ngổn ngang bên
nghĩa bên tình
Trời đêm đâu biết
gởi mình nơi nao
Đến đây không thể kín đáo hơn được nữa. Ngọn cờ, màu đỏ thẩm trong đêm tối
phất phơ, không chỉ hiển lộ bằng thị giác mà màu đỏ lá cờ chập choạng trong
bóng đêm, thẩm nhập vào tận đáy tâm thức, khiến tác giả ngẩn ngơ, như hồn lìa
khỏi xác, tác giả mượn bóng dáng giai nhân của Nguyễn Du “đành như thân gái” mà
chấp nhận những gì đã an bài, ví mình như hình bóng nàng Kiều khi chao mình
dưới sông Tiền Đường.
Ở Nghi Xuân có dòng sông Lam, bao la, trong xanh bát ngát, nhưng tác giả
không gieo mình ở đó. Hình bóng nàng Kiều nơi sông Tiền Đường được nhắc đến
chính là thái độ chấp nhận của tác giả trước hoàn cảnh trái ngang của mình. Hai
câu thơ này không còn là những ẩn dụ, ví von nữa, mà là một khẳng định “đành
như thân gái”, ta cũng như nàng đành chấp nhận liều thân:
Ngẩn ngơ trông ngọn
cờ đào
Đành như thân gái
bóng xao Tiền Đường
Nàng Kiều gặp Từ Hải, sau “nửa năm
hương lửa đương nồng” (câu 2213), Từ Hải lại xông pha trận mạc, Kiều lại
một mình “chiếc bóng song mai”, lại nhớ quê nhà, nhớ mẹ cha, và nhớ quay quắt
về Kim Trọng:
“Tiếc thay chút
nghĩa cũ càng
Dẫu lìa ngỏ ý còn
vương tơ lòng”
(Truyện Kiều, câu 2241, 2242).
Trong bài thơ, tác giả không nhớ về tình cũ như nàng Kiều, mà nghĩ về nỗi
niềm, về cảnh ngộ của mình, “Nỗi niềm nghĩ đến mà thương” -
những gì được, những gì mất, những vương vấn với gia đình, với công danh, sự
nghiệp.. biết mất còn ra sao đây. Nỗi niềm ấy nghĩ đến mà xót thương thân phận.
Nỗi niềm ấy chết cũng chưa xong. Hơn hai trăm năm, hậu thế đã khóc cùng Tố Như,
nhưng hậu thế sẽ có ai khóc cùng tác giả:
Nỗi niềm nghĩ đến
mà thương
Dẫu lìa ngó ý còn
vương tơ lòng
Nhân tình nhắm mắt
chưa xong
Biết ai hậu thế
khóc cùng Tố Như
Hai trăm năm trước Nguyễn Du mô tả thân phận nàng Kiều. Hai trăm năm sau
không ngờ tiếng thơ Truyện Kiều lại
vận vào thân phận tác giả. Tiếng vọng cung đàn xưa, nỗi đau và cuộc tình dang
dở từ hai trăm năm trước giờ đây thẩm nhập sâu xa vào tâm tư người hậu thế đang
đứng giữa đêm khuya, nơi huyện Nghi Xuân.
“Mai sau dù có bao giờ”
Cảm thơ thuở trước
đâu ngờ hôm nay
Tiếng đàn xưa đứt
ngang dây
Hai trăm năm lại
càng say lòng người
Khi ngổn ngang về cảnh ngộ của mình, tác giả quả thật đã chạnh lòng nghĩ
tới nàng Kiều. Là thân phận đàn bà - thân ấy biết là mấy thân, đã từng với Sở
Khanh chốn thanh lâu, với Thúc Sinh khi thì Lâm Truy, Quan Âm các, khi thì lầu
xanh Châu Thai, “thanh lâu hai lượt/ thanh y hai lần”, rồi cùng Từ Hải... trải
qua bao nhiêu sóng gió, “nửa đời nếm trải mọi mùi đắng cay”
(Truyện Kiều, câu 3036) nhưng Kiều vẫn nặng lòng với tình, không phải tình
trăng hoa, nàng đã cự tuyệt đêm giao hoan với Kim Trọng sau khi tái hợp, nhưng
lòng thơ vẫn... tình đời tha thiết:
Trải bao gió dập
sóng dồi
Tấm lòng thơ vẫn
tình đời thiết tha
Đau đớn thay phận
đàn bà
Hỡi ơi thân ấy biết
là mấy thân.
Trong bài thơ “Kính gửi cụ Nguyễn Du”,
có ba chữ “vui” ở hai câu khác nhau. Hai chữ “vui” trong câu thơ trước mô
tả cuộc đời nàng Kiều sau 15 năm luân lạc, đã hết truân chuyên trôi nổi, đã
được gặp lại mẹ cha, gặp lại hai người em Thúy Vân, Vương Quan và người yêu cũ.
Ngẫm xem qua kiếp
phong trần
Đời vui nay đã nửa
phần vui đây
“Phần vui” nửa đời ấy, cũng là “phần
vui” của tác giả bài thơ. Cũng khoảng 15 năm, kể từ ngày gia nhập Đảng Cộng Sản
(năm 1938) đến năm 1955 là Ủy viên chính thức Trung ương; 1960 được bầu vào Ban
Bí thư. Từ thập niên 60s cho tới năm 1975; Mười lăm năm “đứng yên tại chỗ”. Khổ
thơ đang từ “vui” đột ngột chuyển sang buồn, cay cú, gay gắt để thổ lộ một tâm
trạng.
Thúy Kiều bước vào con đường truant chuyên luân lạc từ “quân Ưng Khuyển”,
từ “bầy Sở Khanh”, nhưng khi được sư Giác Duyên giải nạn, vớt lên từ sông Tiền
Đường, đưa về thảo lư, “Nạn xưa” đã “trút sạch làu làu” (Truyện Kiều, câu
2737); “Túc khiên đã rửa lâng lâng sạch
rồi” (câu 2678), với Kiều làm gì có chuyện “song còn bao nỗi chua cay”.
Ưng Khuyển, Sở Khanh với nàng Kiều đã mất hút từ 15 năm trước. Ưng Khuyển,
Sở Khanh, “hổ báo, trời xanh, phường gian
ác”... chính là những tác nạn hiện tại khiến tác giả phải mượn Kiều để giải
bày, phải đem tâm sự... “kính gửi cụ Nguyễn Du”, thốt lên giữa đêm khuya nơi
huyện Nghi Xuân:
Song còn bao nỗi
chua cay/
Gớm quân Ưng Khuyển
ghê bầy Sở Khanh
Cũng loài hổ báo
trời xanh /
Cũng phường gian ác
hôi tanh hại người.
Đoạn thơ tiếp nối là những lời lên án “quân Ưng Khuyển”, “bầy Sở Khanh”, “loài hổ báo”, “phường gian ác”..., những lời
nguyền rủa thấu tận trời đất, vọng đến nghìn thu để hôm nay và ngàn năm sau
tiếng thơ Nguyễn Du vẫn như tiếng mẹ ru hời.
Câu cuối bài thơ là lời kết của tác giả “kính gửi cụ Nguyễn Du”, sau khi đã
bày tỏ với cụ những “ngẩn ngơ trông ngọn cờ đào, cảm thơ thuở trước đâu ngờ hôm
nay, song còn bao nỗi chua cay” v. v.., toàn những tâm sự buồn. Vậy thì làm sao
lại có “khúc vui” chia sẻ với người muôn năm cũ được?
Nếu tác giả dùng hai chữ “khúc nôi” (Khúc nôi xin lại so dây cùng người);
hay hơn thế nữa “Nỗi đau xin lại so dây cùng người” thì bài thơ toàn ý.
Nhưng không được, nó lộ liễu quá, “đụng chạm” quá. Chắc chắn sẽ bị quy kết
là bất mãn, là lệch lạc quan điểm lập trường, nên đành biến khúc nôi, nỗi buồn,
thành “khúc vui” vậy:
Tiếng thơ lay động
đất trời
Nghe như man mác
vọng lời nghìn thu
Ngàn năm sau nhớ
Nguyễn Du
Tiếng thương như
tiếng mẹ ru những ngày
Hỡi người xưa của
ta nay
Khúc vui xin lại so
dây cùng người.
Khúc vui ấy chỉ có thể “thích hợp” với giai đoạn là Ủy viên chính thức Bộ
Chính trị và phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng từ năm 1976 đến những năm giữa của
thập niên 80.
*.
Tháng 04, năm 2016
Nhà văn SONG NHỊ
Địa chỉ: San Jose, California, Hoa Kỳ.
Email: songnhi_2000@yahoo.com
.
.
............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 23.12.2016.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang blog Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
bài thơ trên có một số chỗ không đúng với nguyên bản, có thể tác giả đã dùng thủ pháp "nhại" thơ Tố Hữu?
Trả lờiXóa