Truyện sử Trung Quốc: HÀN PHI TỬ - Tác giả: Nguyễn Xuân (Hưng Yên)

Leave a Comment
(Chân dung Hàn Phi Tử)
Truyện sử Trung Quốc: 
HÀN PHI TỬ
*
Hàn Phi Tử sinh năm 280 Tr.cn, người nước Hàn, ở miền Tây tỉnh Hà Nam bây giờ.
Hàn Phi Tử học rất giỏi về môn học hình danh (pháp luật) lúc bấy giờ nước Hàn bắt đầu suy thoái, Hàn Phi Tử mấy lần dâng thư lên vua Hàn là Hàn Vương An, bày tỏ cách trị nước cho vua Hàn nhưng vua Hàn không nghe.
Hàn Phi Tử là đại biểu xuất sắc nhất của phái pháp gia, nhưng Hàn Phi Tử lại có tật nói lắp không biện luận được, nên ông đã tập trung sức lực để viết các tác phẩm trình bày, các luận thuyết của mình như Thuyết nan, Cô phẫn, Ngũ đô, Thuyết lâm, tất cả hơn năm mươi vạn chữ.
Khi quân Tần đánh Hàn, vua Hàn Vương An sợ quân Tần, mới sai Hàn Phi Tử đi sứ nước Tần để cầu hoà.
Hàn Phi Tử muốn nhân cơ hội đi sứ đó sang nước Tần với hy vọng sẽ được vua Tần là Doanh Chính (tức Tần Thuỷ Hoàng sau này) trọng dụng mình. Cho nên khi đến Yết kiến vua Tần ở Hàm Dương, Hàn Phi Tử đã dâng kế sách cho vua Tần: "Tôi có kế phá được tung ước các nước hoàn thành được mưu kế của Tần. Đại Vương dùng kế của tôi nếu không thu phục được các nước thì xin chém tôi đem rao khắp nước làm gương cho những kẻ bề tôi bất trung". Vua Tần khi đọc sách của Hàn Phi Tử đã tỏ ý rất ngưỡng mộ và đã trọng dụng ông. Nhưng lúc đó Lý Tư vốn là bạn học với Hàn Phi Tử, Lý Tư đang làm tể tướng nước Tần, biết Hàn Phi Tử giỏi hơn mình nên Lý Tư đã gièm pha và nói với vua Tần bắt Hàn Phi Tử bỏ ngục. Khi sắp bị đem đi giết Hàn Phi Tử hỏi: "Ta có tội gì?" tên coi ngục nói: "Một chỗ không thể dung được hai con chim. Đời bây giờ người có tài nếu không dùng thì tất đem giết cứ gì phải tội". Hàn Phi Tử bèn khảng khái ngâm thơ. Đêm ấy lấy giải mũ tự thắt cổ. Hàn Phi Tử mất vào năm 233 Tr.cn, hưởng dương được 47 tuổi.
Hàn Phi Tử du thuyết thất bại chủ yếu do ba nguyên nhân cơ bản sau đây:
Thứ nhất, Hàn Phi Tử là người nước Hàn, nước đang thù địch với Tần.
Thứ hai: Mặc dù Hàn Phi Tử rất giỏi, nhưng ông đưa ra một mớ sách vở trên dưới 50 vạn chữ phải đọc nghiền ngẫm mới thấy cái hay cái dở như vậy sẽ mất rất nhiều thời gian, trong khi đó vua Tần chỉ cần có kế sách được trình bày ngắn gọn có thể thực hiện được ngay để phục vụ cho mục đích thôn tính các nước khác.
Thứ ba: Nếu Hàn Phi Tử nói ngay sách lược thì chưa chắc Lý Tư đã có đủ thời gian dèm pha và hãm hại được. Bệnh giấy tờ, sách vở cũng đã tham gia vào việc sát thân của Hàn Phi Tử.
Tuy nhiên Hàn Phi Tử lại chính là đại biểu xuất sắc nhất của phái pháp gia. Ông thích học cái "hình danh" "pháp thuật". Gốc của học thuyết này là ở Hoàng đế, Lão Tử.
Hàn Phi Tử ghét những người trị nước không trau dồi làm cho pháp chế sáng rõ mà muốn dùng cái thế của mình để chế ngự bề tôi, không lo việc làm cho nước giàu binh mạnh bằng cách tìm người xứng đáng dùng người hiền, trái lại dùng những bọn tham nhũng, dâm loạn, sâu mọt, đặt chúng ở những địa vị cao hơn những người có công lao và có thực tài. Hàn Phi Tử cho rằng "Bọn nhà nho dùng lời văn làm rối loạn luật pháp bọn du hiệp dùng võ lực phạm đến điều ngăn cấm, gặp lúc yên ổn thì nhà vua dùng bọn hám danh, gặp lúc nguy hiểm thì lại dùng kẻ sĩ mang giáp trụ".
Hàn Phi Tử kế thừa và phát triển tư tưởng của các nhà pháp gia thời trước, Hàn Phi cho rằng: "Muốn trị nước tốt thì cần phải có ba yếu tố đó là: Pháp - Thế - và Thuật” còn về đường lối xây dựng đất nước. Hàn Phi Tử chủ trương chỉ chú ý vào hai việc là sản xuất nông nghiệp và chiến đấu.
Còn về văn hoá giáo dục thì không những không cần thiết không đem lại lợi ích thiết thực mà còn làm xâm hại cho xã hội, đây chính là một điểm hạn chế của Hàn Phi Tử.
Về lịch sử Hàn Phi Tử cho rằng: Lịch sử xã hội loài người luôn luôn biến đổi. Từ trước đến nay không có xã hội nào vĩnh viễn tồn tại.
Tư tưởng đã phân chia dẫn đến phân chia quá trình lịch sử ra làm ba thời kỳ; mỗi thời kỳ lịch sử đó xã hội có những đặc điểm và tập quán riêng, ứng với trình độ phát triển nhất định của sức sản xuất và văn minh xã hội. Thời thượng cổ con người biết lấy cây làm nhà và phát minh ra lửa để nấu thức ăn. Thời trung cổ con người đã biết trị thuỷ, khắc phục thiên tai. Thời cận cổ bắt đầu xuất hiện giai cấp xẩy ra các cuộc chinh phạt lẫn nhau.
Nhưng đâu là tiêu chuẩn phải trái? kế thừa Tuân Tử, Hàn Phi Tử chủ trương dùng các biện pháp chặt chẽ thống nhất tư tưởng ngôn luận xác định tiêu chuẩn phải trái tuyệt đối. Hàn Phi Tử chủ trương một chế độ tập quyền độc tài không cho phép chư hầu được lớn mạnh, quần thần được giàu hơn vua.
Về tư tưởng kinh tế. Hàn Phi Tử đưa ra thuyết kinh tế lợi chủ nghĩa theo Hàn Phi Tử: do thiên tính loài người là tự tư, tự lợi nên một mặt phải dùng pháp để hạn chế sự vi phạm lợi ích của người khác. Mặt khác phải thuận theo thiên tính của loài người trong giới hạn của pháp luật để cho chủ nghĩa lợi kỷ phát triển. Hàn Phi còn cho rằng: đời thượng cổ người ta ganh đua nhau về đạo đức, đồi truỵ thế kỷ thì đuổi theo mưu trí, đời này thì đua nhau về sức mạnh.
Hàn Phi Tử còn cho rằng: nghèo nàn là do sự lười biếng, xa xỉ của bản thân, giàu có là do kết quả của sự ra sức kinh doanh, do đó cần khen thưởng kẻ giàu và áp chế kẻ nghèo thậm chí miễn thuế cho người giàu và tăng thuế dân nghèo. Nếu lấy thuế của người giàu mà bố thí cho nhà nghèo, thế tức là cướp của người chăm làm và tiết kiệm để cho kẻ xa xỉ lười biếng. Đây là quan điểm sai lầm không thể chấp nhận của Hàn Phi Tử.
Nhà nước theo Hàn Phi Tử cũng phải theo chủ nghĩa thực lợi. Bậc minh chúa nghe một lời nói là phải trách cứ vào tính thực dụng của nó, xem xét một việc làm phải tìm đến tác dụng của nó. Nếu các hoạt động lợi kỷ của mỗi người trái ngược với nguyên tắc chủ nghĩa thực lợi của nhà nước thì Hàn Phi Tử cũng cho rằng cần phải bài trừ chủ nghĩa lợi kỷ của cá nhân. Chủ nghĩa lợi kỷ cá nhân phải nằm trong khuôn khổ chủ nghĩa thực lợi nhà nước.
Hàn Phi Tử chủ trương cho dân chúng tự do cạnh tranh trong phạm vi kinh tế để nước được mau giàu và Hàn Phi Tử còn tin rằng: theo chính sách độc tài về chính trị, tự do kinh tế, thì nhà vua chẳng cần làm gì, cứ ngồi ở trên kiểm soát kẻ dưới, là nước sẽ trị "chủ trương "vô vi nhi trị" đó thực trái hẳn với chủ trương của Lão Tử, Trang Tử, chính ra nó là một thứ cực hữu vi.
Nhưng Hàn Phi Tử cũng chỉ giúp (Tần Thuỷ Hoàng) Tần Vương Chính được ít lâu thôi. Hàn Phi đã bị một người bạn học là Lý Tư (Lý Tư lúc đó đã thay Lã Bất Vi và làm Tướng quốc nước Tần) hãm hại vì ghen tài và Hàn Phi Tử đã phải tự tử ở trong ngục. Tuy nhiên cái học của Hàn Phi Tử cũng được thi hành ở Tần và đã giúp Tần Vương Chính hoàn thành được việc thống nhất Trung Quốc năm 221 Tr.cn lập chế độ phong kiến kéo dài hơn 2000 năm ở Trung Quốc.
Như vậy các học thuyết của Khổng Tử và Mặc Tử đã thành bại trong việc cứu vãn thời thế; Nhưng Hàn Phi Tử đã thành công nhờ dùng trọn các thuyết của pháp gia. Phái nhân trị, quá ít lí tưởng trong thời loạn, phải hạ lầm lẫn lí tưởng của mình xuống. Mới đầu Khổng Tử đề cao đức nhân, sau Mạnh Tử hạ xuống và trọng nghĩa, Tuân Tử hạ xuống nữa trọng lễ, mà chính môn sinh của ông cũng không theo, họ trọng pháp thống nhất và dẹp được loạn. Nhưng chính những người Từ Thương Ưởng đến Hàn Phi Tử, Lý Tư, Triệu Cao, đều chết bất đắc kỳ tử và nhà Tần bị diệt năm 206 Tr.cn. Sẽ tới một thời bình, phe nhân trị sẽ được trọng dụng. Lịch sử loài người như vậy: trị là thời của đạo đức; tự do, loạn là thời của sức mạnh, hình pháp, độc tài trong phái Pháp gia, (Pháp gia là chính trị gia, không phải là triết gia). Người có tài nhất chính là Hàn Phi Tử. Nhờ có tài học rộng tập đại thành tư tưởng của các Pháp gia trước mình mà viết thành bộ sách bộ Hàn Phi Tử có 55 chương còn giữ cho đến ngày nay. Và Hàn Phi Tử đã đặt tên cho triết học của mình là: Chủ nghĩa tham nghiệm, tức là tham khảo so sánh các sự việc để rút kinh nghiệm. Học thuyết Hàn Phi vừa là sự hỗn hợp các học thuyết trước đó và cũng phủ định chúng. Có lẽ Hàn Phi Tử đã thấy cái thế của Trung Quốc thời đó sắp thống nhất được bằng võ lực, cho nên Hàn Phi Tử sau khi được vua Hàn cử đi sứ nước Tần đã ở lại Tần để giúp Tần Vương Chính thực hiện việc đó, nhưng rất tiếc là Hàn Phi Tử đã bị Lý Tư hãm hại và phải đợi 12 năm sau khi ông mất Tần Vương Chính (Tần Thủy Hoàng) mới thống nhất được Trung Quốc.
*
NGUYỄN XUÂN
Địa chỉ: Thôn Lạc Cầu, xã Giai Phạm
huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Email: phamchienthang1980@yahoo.com.vn
.





…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 20.12.2015 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét