Truyện sử Trung Quốc: VƯƠNG TRIỀU ĐÔNG NGÔ - Tác giả: Nguyễn Xuân (Hưng yên)

Leave a Comment
(Hình ảnh Tôn Quyền trong phim Hổ Tướng Truyền Kỳ)
Truyện sử Trung Quốc: 
VƯƠNG TRIỀU ĐÔNG NGÔ
*
Vương triều Đông Ngô do Tôn Quyền lập nên vào năm 229, truyền ngôi được 3 đời, kéo dài được 51 năm.
1. TÔN QUYỀN (182 - 252)
Tôn Quyền tên chữ là Trọng Mưu, sinh năm Nhâm Tuất (182). Thân sinh là Tôn Kiên, người huyện Phú Xuân, Ngô Quận (nay là Phú Dương tỉnh Chiết Giang), thân mẫu là Ngô Quốc Thái. Trong cuộc trấn áp quân khởi nghĩa khăn vàng năm Giáp Tý, 184 sau công nguyên. Tôn Kiên cũng là một trong những tướng lĩnh có công lớn, sau đó Tôn Kiên đem quân đến Quận Ngô làm Thái Thú. Tôn Kiên mất, con trưởng là Tôn Sách lên nối chức của cha. Tôn Quyền là con trai thứ hai của Tôn Kiên, là em của Tôn Sách. Tôn Quyền dáng người rất cao lớn, nhỏ tuổi đã nổi tiếng, tính tình rộng rãi, khoan dung độ lượng, nhân từ mà quyết đoán, lại hay dung nạp hiệp khách, tri thức nên được nhiều nhân vật nổi tiếng coi trọng. Năm 15 tuổi Tôn Quyền cùng với anh trai là Tôn Sách chinh chiến Giang Đông.
Năm 200, Tôn Sách bị ám sát, bị vết thương trí mạng, vì chưa có con để nối dõi, cho nên trước khi mất. Tôn Sách đã gọi Tôn Quyền vào dặn dò truyền lại cho chức Thái Thú. Tôn Sách từng dặn dò Tôn Quyền mọi việc quan trọng cần phải hỏi ý kiến của Trương Liêu và Lỗ Túc.
Từ đó Tôn Quyền chiếm cứ một vùng Giang Nam rộng lớn. Trong trận Xích Bích nổi tiếng năm Mậu Tí (208 sau công nguyên), Tôn Quyền liên hiệp với Lưu Bị đánh bại 83 vạn quân của Tào Tháo, nhưng sau đó Kinh Châu thì bị Lưu Bị chiếm mất, vì vậy Tôn Quyền vô cùng căm thù Lưu Bị. Tôn Quyền đã cho Lỗ Túc dùng kế "Mỹ nhân" dụ Lưu Bị sang Đông Ngô, nhưng kế mỹ nhân đó đã bị thất bại, em gái Tôn Quyền về làm vợ Lưu Bị, từ đó trên danh nghĩa thông gia, Tôn Quyền và Lưu Bị kết tình hoà hiếu, nhưng kỳ thực thì Tôn Quyền chỉ chờ có cơ hội là sẽ chiếm lại Kinh Châu.
Và khi có cơ hội, Tôn Quyền đã sai Lã Mông đánh úp Kinh Châu. Lưu Bị đem quân đánh Tôn Quyền, Tôn Quyền đã cử Lục Tốn làm đại tướng đánh bại được Lưu Bị, đó là năm Nhâm Dần, 222 sau công nguyên.
Trước đó vào năm Canh Tý, năm 220 sau công nguyên, Tào Phi đã phế bỏ vua cuối cùng của nhà Đông Hán là Hán Hiến Đế, lập nên nhà Nguỵ. Ngô Quyền đã được Tào Phi phong cho làm Ngô Vương.
Tôn Quyền lên làm Ngô Vương, đặt niên hiệu là Hoàng Vũ nước Ngô được thành lập kể từ đó.
Sau khi đánh bại được Lưu Bị đến năm 229 Tôn Quyền xưng đế, đã phong tặng các danh hiệu cao quý cho cha và cho anh mình. Sau khi xưng Đế, Tôn quyền đắc ý kiêu ngạo, thuế khoá nặng nề, hình phạt tàn khốc, những năm cuối đời của Tôn Quyền lại càng mê muội, việc nhà và việc nước đều có những quyết định sai lầm, chính vì vậy mà nhân dân thường xuyên khởi nghĩa.
Trong thời gian xưng đế, Tôn Quyền đã năm lần thay đổi niên hiệu. Niên hiệu đầu tiên là Hoàng Vũ và niên hiệu cuối cùng là Thần Phụng.
Năm Nhâm Thân 252, Tôn Quyền mất hưởng thọ 70 tuổi. Sau khi mất, Tôn Quyền được chôn ở Tưởng Lăng, miếu hiệu thường được gọi là Ngô Đại Đế.
Suốt hơn 50 năm quản lý công việc đứng đầu Đông Ngô, Tôn Quyền là một đại tướng biết cương biết nhu. Đứng trước tình thế nguy hiểm rối ren không yên, Tôn Quyền đã thi hành chính sách bên ngoài mềm dẻo mà bên trong cứng rắn, liên tiếp đi các nước cờ kỳ diệu đã ổn định được thời cuộc. Về mặt này Tôn Quyền là nhà chính trị hàng đầu ít ai có thể so sánh được. Nhưng về cuối đời chính sự mê muội của mình Tôn Quyền đã làm cho nước Ngô không thể phát triển vững mạnh được và cuối cùng nước Ngô chỉ tồn tại được gần 30 năm nữa thì bị nhà Tấn tiêu diệt.
2. NGÔ CỐI KÊ VƯƠNG (243 - 260)
Ngô Cối Kê ương tên là Tôn Lượng, sinh năm Quý Hợi, 243 sau công nguyên. Tôn Lượng là con trai  thứ ba của Ngô Đại Đế (Tôn Quyền). Thân mẫu là Phan Phu Nhân. Tôn Quyền đã lập con trưởng là Tôn Đăng làm thái tử, nhưng Tôn Đăng bị bệnh mất sớm, Tôn Quyền lại lập con thứ là Tôn Hoà làm Thái tử, nhưng sau đó Tôn Quyền đã phế Tôn Hoà và lập Tôn Lượng làm thái tử.
Tháng 4 năm 252  Tôn Quyền bị bệnh nặng, cho gọi thái phó Gia Cát khác và Đại tư mã Lã Đại đến trước giường bệnh dặn dò việc trước sau, rồi mất.
Gia Cát Khác lập Tôn Lượng lên làm vua, đó chính là Ngô Cối Kê Vương. Sau khi lên làm vua Ngô Cối Kê Vương Tôn Lượng lấy niên hiệu là Đại Hưng, đặt tên Thuỵ Tôn Quyền là Đại Hoàng đế táng ở Tưởng Lăng. Ngô Cối Kê Vương Tôn Lượng còn đại xá cho thiên hạ.
Lúc đó Ngô Cối Kê Vương Tôn Lượng đang còn nhỏ, nên quyền triều chính do Gia Cát Khác nắm giữ. Đại tướng nước Nguỵ là Tư Mã Sư lợi dụng việc Tôn Quyền mới mất, đem quân sang đánh Đông Ngô của Ngô Cối Kê Vương Tôn Lượng. Nhưng quân Nguỵ đã bị đánh bại. Gia Cát Khác lại lợi dụng việc đó đem quân đánh Nguỵ, nhưng cuối cùng quân Đông Ngô đã thua to, Gia Cát Khác trở về Đông Ngô, hổ thẹn quá, thác bệnh không vào chầu. Ngô Cối Kê Vương Tôn Lượng thân đến tận nhà hỏi thăm. Các văn võ ai cũng đến bái kiến. Gia Cát Khác sợ có người chê cười mình, mới bới móc tội lỗi các quan, tội nhẹ thì đày ra biên ải, tội nặng thì chém. Bởi vậy các quan đều có bụng sợ hãi. Gia Cát Khác lại sai tướng tâm phúc là Trương Ước, Chu An cai quản quân ngự lâm, để làm nanh vuốt cho mình. Việc làm của Gia Cát Khác chính Ngô Cối Kê Vương Tôn Lượng cũng sợ và có ý trừ bỏ Gia Cát Khác. Vì vậy Ngô Cối Kê Vương Tôn Lượng đã cho mở tiệc rượu mời Gia Cát Khác đến, ám phục võ sĩ ở trong màn vách, khi Gia Cát Khác đến và đang uống rượu, Ngô Tôn Lượng liền quẳng chén làm hiệu, võ sĩ ùa ra giết chết Gia Cát Khác. Người có công giết Gia Cát Khác là Tôn Tuấn. Vì vậy sau đó, Ngô Cối Kê Vương Tôn Lượng đã phong cho Tôn Tuấn thay chức thừa tướng của Gia Cát Khác. Và từ đó quyền hành trong triều lại rơi vào tay Tôn Tuấn. Tôn Tuấn làm thừa tướng được mấy năm thì mất, em Tôn Tuấn là Tôn Lâm phụ chính, Tôn Lâm tự là Tử Thông, tính khí hung bạo, giết bọn đại Tư Mã Đằng Dận và tướng quân là Lã Cứ, Vương Đôn, vì thế bao nhiêu quyền chính về cả trong tay Tôn Lâm. Ngô Tôn Lượng tuy thông minh nhưng cũng không làm sao được. Bấy giờ Ngô Tôn Lượng đã 27 tuổi nhưng Tôn Lâm thì ngày càng giết người thái quá, vì vậy Ngô Cối Kê Vương Tôn Lượng có ý không bằng lòng. Ngô Cối Kê Vương Tôn Lượng tuy thông minh, nhưng bị Tôn Lâm kìm hãm khống chế nên không được tự chủ điều gì. Vì vậy Ngô Cối Kê Vương Tôn Lượng quyết định tìm cách giết Tôn Lâm để đoạt lại quyền binh. Ngô Cối Kê Vương Tôn Lượng liền thảo một mật chiếu sai người giết chết Tôn Lâm, nhưng kế hoạch bị bại lộ. Tôn Lâm giết sạch những nười đứng theo phe cánh của Ngô Cối Kê Vương Tôn Lượng. Tôn Lâm vào cung rút gươm trỏ vào Tôn Lượng mắng rằng: Hôn quân vô lại kia, đáng lẽ nên giết chết đi, để tạ thiên hạ mới phải, nhưng nể mặt tiên đế, nay phế người xuống làm Cối Kê Vương, ta sẽ kén người có đức lên làm vua "nói xong, quát trung thư lang là Lý Sùng cướp lấy ấn thụ, sai Đặng Trình thu lấy. Như vậy Ngô Cối Kê Vương Tôn Lượng làm vua được sáu năm. Đến năm Mậu Dần 258 Ngô Cối Kê Vương Tôn Lượng mất hưởng dương được 17 tuổi. Sau khi mất Ngô Cối Kê Vương được chôn ở Tưởng Lăng, miếu hiệu thường được gọi là: Ngô Cối Kê Vương.
3. NGÔ CẢNH ĐẾ (235 - 264)
Ngô Cảnh Đế sinh năm Ất Mão, 235 sau công nguyên, tên là Tôn Hựu, tự là Tử Liệt, là con thứ sáu của Tôn Quyền. Tôn Hựu được tôn Quyền phong cho làm Trung Thu Long Nha Vương ở Hổ Lâm.
Năm 258 Tôn Lâm phế bỏ vua Ngô Cối Kê Tôn Lượng, Tôn Lâm đã cho em trai mình là Tôn Khải đến Hổ Lâm đón Tôn Hưu về lập lên làm vua, đó chính là Ngô Cảnh Đế.
Sau khi lên làm vua, Ngô Cảnh Đế Tôn Hựu lấy niên hiệu là Vĩnh An, phong cho Tôn Lâm làm thừa tướng, lĩnh chức kinh châu mục, các quan cũng được phong thưởng. Ngô Cảnh Đế Tôn Hựu phong anh là Tôn Hạo làm ô Trình Hầu. Và Ngô Cảnh Đế Tôn Hưu còn đại xá cho thiên hạ.
Tôn Lâm một nhà năm anh em, đều được phong tước hầu, coi giữ quân cấm binh, quyền át cả vua. Vì vậy mà Ngô Cảnh Đế Tôn Hựu sợ sinh biến. Ngoài mặt tuyên huệ, nhưng kỳ thực trong bụng vẫn đề phòng Tôn Lâm.
Tôn Lâm ngày càng sinh kiêu hãnh lắm, tháng chạp năm Qúy Mùi 263, Tôn Lâm đem trâu rượu vào cung lễ thụ, nhưng Ngô Cảnh Đế Tôn Hựu không nhận. Sau đó Tôn Lâm điều binh ra ngoài đóng ở Võ Xương, vận hết đồ khí giới cấp cho quân lính. Và Ngô Cảnh Đế Tôn Hựu giật mình liền mời Trương Bố, Đinh Phụng vào trong nhà kín bàn việc giết Tôn Lâm. Và Ngô Cảnh Đế Tôn Hựu nghe theo lời Đinh Phụng bắt trước việc Tôn Tuấn khi trước giết Gia Cát Khác. Vì vậy Ngô Cảnh Đế Tôn Hựu cho mở tiệc, rượu mời Tôn Lâm vào cung. Tôn Lâm vào cung khi đang uống rượu thì bị hơn 30 võ sĩ vào bắt sống. Ngô Cảnh Đế Tôn Lượng sai đem Tôn Lâm ra mé đông điện chém đầu. Sau đó bọn Đinh Phụng được lệnh đến bắt giết cả nhà Tôn Lâm, mấy người em của Tôn Lâm cũng đều bị giết. Và từ đó quyền hành mới được vào tay vua Ngô Cảnh Đế Tôn Hựu.
Năm Quý Mùi, năm 263 sau công nguyên, nước Thục Hán bị đánh bại thế chân vạc coi như đã bị phá vỡ. Nước Nguỵ lúc đó đang mạnh. Vì vậy Ngô Tôn Hựu nghe lời của Hoa Hạch sai con của Lục Tốn là Lục Kháng làm Trấn đông tướng quân, lĩnh chức Kinh Châu Mục giữ ở cửa sông, sai Tôn Dị giữ các cửa ải xứ Nam từ, lại sai Lão tướng Đinh Phụng lập vài trăm đồn ải dọc bờ sông Trường Giang để đề phòng bị quân Nguỵ tấn công.
Năm Ất Dậu, năm 265 sau công nguyên, Tư Mã Viêm cướp ngôi nhà Nguỵ, lập ra nhà Tấn, Tư Mã Viêm có ý đem quân thôn tính nước Ngô, Và Ngô Cảnh Đế Tôn Hựu nghe tin dữ đó lo lắng mà thành bệnh, nằm liệt một chỗ không dậy được. Ngô Cảnh Đế Tôn Hựu cho mời thừa tướng Bộc Dương Hưng vào cung, sai thái Tử Tôn Quân ra lạy. Ngô Cảnh Đế Tôn Hựu cầm tay Bộc Dương Hưng trỏ vào thái tử rồi mất, hưởng dương 29 tuổi.
Sau khi chết Ngô Cảnh Đế Tôn Hựu được chôn ở Tưởng Lăng, miếu hiệu thường được gọi là Ngô Cảnh Đế.
Ngô Cảnh Đế Tôn Hựu chết, thừa tướng Dương Bộc Hưng bàn với quần thần, muốn lập thái tử Tôn Quân lên nối ngôi, nhưng Tả Điển Quân Vạn ức nói rằng: "Thái tử còn thơ ấu lắm không coi nổi việc nước, không bằng đón Ô Trình Hầu Tôn Hạo, về mà lập lên thì hơn". Tướng quân Trương Bố cũng nói: "Tôn Hạo kiến thức thông minh, có tài làm nổi được đế vương". Vì vậy mà thừa tướng Dương Bộc Hưng mới quyết định lập Tôn Hạo lên làm vua, đó chính là Ngô Mạt Đế.
4. NGÔ MẠT ĐẾ (242 - 280)
Ngô Mạt Đế, tên là Tôn Hạo sinh năm Nhâm Tuất 242, Tôn Hạo là cháu của Tôn Quyền, thân sinh của Tôn Hạo là Tôn Hoà. Tôn Hoà đã từng được lập làm thái tử nhưng sau đó Tôn Hoà bị Tôn Quyền phế bỏ. Sau khi Tôn Quyền chết Tôn Lượng và Tôn Hựu thay nhau nối ngôi nhưng đều chết sớm. Năm Giáp Thân 264 Tôn Hựu mất, vì không có con nối dõi, lúc đó Tôn Hạo đang làm Ô Trình Hầu được triều thần lập lên làm vua tức là Ngô Mạt Đế.
Sau khi lên làm vua, Tôn Hạo lấy niên hiệu là Nguyên Hưng và trong đời làm vua của mình Tôn Hạo còn bảy lần nữa thay đổi niên hiệu. Tôn Hạo mới lên ngôi đế đã cho dời đô thành, xây cung điện mới, thu vét gái đẹp, trong hậu cung của Tôn Hạo có hàng vạn người, tiếng oán than nổi lên khắp mọi nơi, vậy mà Tôn Hạo vẫn coi như thái bình thịnh trị. Tôn Hạo cực kỳ hoang dâm và tàn bạo, mỗi lần quần thần yến hội, Tôn Hạo mệnh lệnh bắt các quan phải uống đến thật say, rồi sai người làm giám thị, nếu như ai không say hoặc say mà "thất nghi: (tức là có lời nói hoặc cử chỉ lỗi lầm nhỏ), Tôn Hạo lập tức gia hình các cung nữ phi tần chỉ cần hơi sai ý liền bị giết chết vất thây xuống khe nước. Tôn Hạo giết người không theo lẽ thường, có người bị y lột da mặt, có người thì bị móc mắt, mổ bụng. Các quan đại thần có ai giữ chính đạo, ai cam giám nghị luận nhất loạt bị Tôn Hạo ghép vào tội "báng bổ" xử hình phạt nặng, một số quan lại. Chỉ vì trong quận mình bị thiên tai dâng biểu lên xin phát chẩn như trường hợp của thái thú quận cối Kê là Xa Tuấn, Tôn Hạo cho rằng Xa Tuấn muốn mua chuộc nhân tài, bèn sai người đến giết Xa Tuấn, bêu đầu thị chúng.
Trương Thượng lúc đó đang làm Trung thư lệnh, có học vấn uyên thâm, nhưng Tôn Hạo hiếu thắng, thường đưa những câu hỏi khó, tuy vậy, lần nào Trương Thượng cũng đối đáp trôi chảy. Tôn Hạo vì vậy đem lòng thù hận Trương Thượng và tìm cách giết chết Trương Thượng.
Một học giả nổi tiếng của nước Ngô thời bấy giờ là Thị Chung Vi Chiếu đã ngoài 70 tuổi là một người chính trực rất ghét cái gọi là: "điềm lành". Tôn Hạo cũng không thích Vi Chiếu nên y cũng tìm cách vu tội cho Vi Chiếu. Tôn Hạo thường sau khi say sai người đùa giỡn các công khanh đại thần, đem những chuyện riêng tư của họ ra đùa chơi. Một lát Tôn Hạo, sai  Vi Chiếu làm việc đó, nhưng Vi Chiếu vốn là một người có học vấn nghiêm túc, không thể nói đùa được, thế là Tôn Hạo có cớ đày Vi Chiếu vào ngục với tội "không tuân chiếu lệnh, không có lòng trung". Sau đó Tôn Hạo xử tử Vi Chiếu còn gia đình Vi Chiếu thì bị đày ra Linh Lăng đó là năm Quý Tỵ 273.
Tôn Hạo còn lao vào ăn chơi sa đoạ, vì vậy triều chính của nước Ngô ngày càng thối nát và suy yếu, trước đó vào năm Ất Dậu, năm 265 sau công nguyên, nước Thục Hán đã bị nước Nguỵ tiêu diệt, và cháu của Tư Mã ý là Tư Mã Viêm đã cướp ngôi nhà Nguỵ, lập nên nhà Tấn, Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm đang ngày đêm tìm cách tiêu diệt nước Ngô, nhưng Ngô Mạt Đế Tôn Hạo thì chỉ lo ăn chơi và chém giết người vô tội vạ cho nên việc Tôn Hạo là người kết thúc số mệnh của nước Ngô chỉ là việc sớm hay muộn mà thôi và cuối cùng thì vào năm Canh Tý, năm 280, Tư Mã Viêm đã cho quân tấn công nước Ngô, quân Ngô đại bại, Tôn Hạo phải tự trói mình đến doanh trại quân Tấn xin đầu hàng. Nước Ngô từ đây bị diệt vong và thời Tam Quốc đến đây cũng chính thức chấm dứt. Tư Mã Viêm đã thống nhất được Trung Quốc.
Sau đó Tôn Hạo bị áp giải về Lạc Dương (Kinh đô của nhà Tấn). Nhưng Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm không giết chết Tôn Hạo mà còn phong cho y làm "Quy Mệnh Hầu" và được ăn bổng lộc của nhà Tấn, ở Lạc Dương Tôn Hạo cũng được vui chơi sung sướng trong những năm cuối đời. Đến năm 283 Tôn Hạo bị bệnh mất, lúc đó y mới 41 tuổi.
Như vậy Tôn Hạo làm vua được 16 năm từ năm Giáp Thìn 264 đến năm Canh Tý 280, trong 16 năm ở ngôi, những việc làm của y đã khiến cho y nổi danh là bạo chúa nhất thời Tam Quốc.
*
NGUYỄN XUÂN
Địa chỉ: Thôn Lạc Cầu, xã Giai Phạm
huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Email: phamchienthang1980@yahoo.com.vn
.





…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 28.12.2015 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét