(Nguồn ảnh: internet) |
ĐỌC ‘NGƯỜI Ở LẠI BÊN SÔNG’,
THƠ PHAN THẠCH GIANG
Đọc cái tựa đề “Người
Ở Lại Bên Sông” ta cứ nghĩ đến ông lái đò của một bến sông nào đó như “Bến
My Lăng” của Yến Lan chăng, hay là một cô lái đò chờ đợi đến già người qua
sông một dạo khi cô còn ở tuổi thành xuân. Không! Bài thơ không có dòng sông và
không có người lái đò nào cả. Bởi vì dòng sông đó không phải là một dòng sông
xanh nên dòng trôi không là nước. Dòng trôi chỉ là bụi phấn:
“Sao em không về cùng ta để xây
một tượng đài?
Vâng! Một tượng đài bên dòng
sông bụi phấn. Phải không em?
Bao nhiêu năm qua rồi - bụi
phấn trường xưa vẫn rơi mẵi trong lòng
Tượng đài người đưa đò.”
Đọc đến đây ta biết
ngay dòng sông bụi phấn là gì và tượng đài người
đưa đò là ai. Chắc chắn dòng
sông là năm tháng và người đưa đò là thầy giáo của ta. Khổ thơ ngắn với dòng
văn xuôi đã dựng ngay trong tâm hồn ta hình ảnh sống động. Ta thấy ngay thời
gian là một dòng sông, một dòng sông toàn bụi phấn trắng. Ta thấy ngay hiển
hiện bên dòng sông bụi phấn ấy một tượng đài cũng trắng, trắng vì bụi phấn chắc
chắn phủ lên cả tượng đài. Tượng đài chưa có, chỉ còn trong tâm tưởng của anh,
nhưng sự cao trọng của nó đã lập tức dựng ngay trong chính lòng ta bây giờ,
ngay khi ta vừa đọc mấy dòng thơ. Rồi công người được dựng tượng đài sẽ theo
lời thơ thấm vào lòng ta, làm con tim ta thổn thức, làm linh hồn ta sâu nhiệm
những ơn cao trong của Người:
(Tác giả Châu Thạch) |
“NGƯỜI ĐƯA ĐÒ suốt một đời lặng
lẽ chống chèo - đưa bao lượt khảch qua sông
Người qua sông rồi - cứ đi và
đi mãi
Chỉ còn người đưa đò ở lại - ở
lại với dòng sông vương vương bụi phấn.”
Rồi thì ta thấy tác
giả kêu lên: ”Thầy ơi!”. Tiếng kêu ấy bỗng nhiên đồng vọng trong lòng ta, nhân
lên, nhân lên thành hàng vạn tiếng học trò, yêu thương, thắm thiết đến với thầy
của chúng ta, cô của chúng ta:
“Sao em không về cùng ta
- gom nhặt lại bụi phấn ngày xưa để xây một tượng đài?
Tượng đài người đưa đò
Thầy ơi.”
Bây giờ tác giả kể
lể ơn thầy, kể lể như một người bi lụy ngồi khóc bên nấm mộ cha. Tiếng than thở
làm lòng ta nức nở, kéo ta về với biết bao nhiêu kỷ niệm của mái trường, của
quê hương, với cả con đường thăng trầm ta đi giữa cuộc đời nầy:
"Nhân bất học bất tri
lý" chắng phải đâu là câu nói chót lưỡi đầu môi - xa vời
Nếu không có Thầy làm sao viết
được hai chữ Quê hương
Làm sao phai nhòa được trong ký
ức cậu bé ngày xưa - bên ông giáo già dưới mái đình làng - gò lưng tập viết nét
chữ đầu đời - và ê a tụng bài " công cha áo mẹ chữ thầy
Nếu không Thầy làm sao thấu
hiểu "da ngựa bọc thây " làm sao biết được khí phách những người anh
hùng dân tộc như Quang Trung Nguyễn Huệ. Làm sao hiểu thấu tâm hồn của danh
nhân thi sĩ "đã mang tiếng sống trong trời đất / phẳi có danh gì với núi
sông"
Không Thầy làm sao hiểu được
thế nào là trời cao đất rộng trong cuộc sống làm người.
Còn bao điều nữa làm sao nói
hết - cho tôi xin viết tiếp hai chữ vân vân”
Rồi thì tác giả hỏi
“Phải không em?” Tác giả hỏi em nhưng
thật tình để nhắc cho em, nhắc cho ta, nhắc cho chúng ta nhớ đã từng đi trên
một dòng sông của thầy: “Dòng sông kiến
thức”. Thầy đã sống trên dòng sông thời gian bụi phấn để chống chèo đưa ta
qua “dòng sông kiến thức”:
“Phải không em? Ta và em ngày xưa đi học. Đã hơn một lần được đưa qua
sông. Dòng sông mà người đời đã gọi " dòng sông kiến thức " để ta
khôn lớn thành người.”
Tác giả hỏi em một
lần để em nhớ lại dòng sông quan trọng của đời mình để rồi liên tiếp gọi em về.
“Về đây đi em” như một tiếng kêu đồng vọng trong hồn linh ký ức của những ai
từng cắp sách đến trường:
Về đây đi em - về phía một chân
trời - chân trời tưởng niệm người đưa đò
Về đây đi em - có thể là một
nén tâm hương tưởng nhớ Người đã đi qúa xa
Có thể hạnh ngộ diện kiến những
người Thầy đang mái tóc bạc phơ - gối mõi lưng còng.
Dù biết rằng trò nhớ thầy nhưng
làm sao thầy nhớ hết những kẻ đã qua sông.
Về đây em - ta cùng em ngắt đóa
hoa đồng nội vửa nỡ trong sáng sương trong. Ghim lên áo tuợng đài - tượng đài
người đưa đò bên dòng sông bụi phấn.
Về đây em - ta nói hai tiếng
Tri Ân và lặng lẻ cúi đầu hoài niệm những mái chèo đã dừng lại ở một phía chân
trời.
Phan Thạch Giang,
Mùa Đông - 2016
Thạch Giang là tên
một con sông trôi qua chân cổ thành Quảng Trị, một con sông có nhiều dấu ấn của
niềm đau. Phan Thạch Giang là bút hiệt của tác giả bài thơ nầy, cái bút hiệu
gợi cho ai từng sống ở đây nhớ thêm một ngôi trường tan tác, mất cả tên trường,
thầy và trò lưu lạc bốn phương trời. Bài thơ chỉ bằng văn xuôi nhưng nó là thơ.
Thơ từ ý thơ đầu tiên xây “một tượng đài bên dòng sông bụi phấn”. Thơ vì dòng
văn trôi như con suối lấp lánh, lung linh, quyến luyến những ngôn từ chất chứa
vạn yêu thương. Thơ vì tiếng gọi tha thiết, ấm áp tình đồng môn, nghĩa thầy trò
và tâm hồn cao thượng của con người nhân hậu.
Có ai đó nghĩ rằng
dùng hình ảnh người thầy qua ông lái đò là sai trái thì bài thơ nầy chứng minh
rằng không có gì đẹp hơn hình ảnh đó, hình ảnh NGƯỜI ĐƯA ĐÒ ở lại bên dòng sông
bụi phấn ./.
*
CHÂU THẠCH
(Tên thật: Trương Văn Trạn)
Địa chỉ: 75 Phan Kế Bính, Đà Nẵng.
ĐT: 0929128967 - 05113894610
Email: truongvantran@hotmail.com
.
…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 04.03.2017
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
0 comments:
Đăng nhận xét