ĐỌC “NHƯ HẠT BỤI ĐAM MÊ” TẬP THƠ THỤY SƠN - Tác giả: Châu Thạch (Đà Nẵng)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)
ĐỌCNHƯ HẠT BỤI ĐAM MÊ
TẬP THƠ THỤY SƠN
*
(Tác giả Châu Thạch)
Tôi và nhà thơ nữ Thụy Sơn chắc cũng hữu duyên nhưng không năng tương ngộ vì chỉ gặp nhau một lần trong dịp thầy Kim Tâm Thích Hạnh Niệm mời họp mặt ra mắt tập Đường thi xướng họa “Giao Khúc Mừng Xuân” tại chùa Pháp Bảo Hội An. Tập thơ “Như Hạt Bụi Đam mê” được trao từ tay Thụy Sơn qua Tâm Nhiên rồi từ tay Tâm Nhiên trao lại cho tôi. Tập thơ được trao dưới mái hiên, bên sân chùa, cạnh những luống hoa cao tới ngực có nhiều màu rực rỡ. Nhìn người phụ nữ duyên dáng với chiếc váy dài bên anh chàng thi nhân bụi đời tóc dài, mũ rộng, áo thùng thình tôi thấy lạ thay, trong cái đối nghịch ấy lại thấy một sự hòa hợp diệu kỳ. Về nhà đọc thơ của Thụy Sơn tôi mới phát hiện họ đều là con Phật. Nếu thơ của Tâm Nhiên khẩu khí ngút trời, âm ba đồng vọng như tiếng trống chùa động mạnh, lay động cả không trung thì ngược lại, thơ của Thụy Sơn như tiếng chuông êm đềm len qua ngàn cây cỏ. Nếu có ai đem hòa nhập tiếng thơ họ lại thì sẽ làm tâm hồn ta dồn dập một nguồn vui an tịnh.
Với tôi cụm chữ “hạt bụi đam mê” của Thụy Sơn không phải là thứ hạt bụi “hóa kiếp thân tôi” để rồi một mai than thở “ôi cát bụi phận này /vết mực nào xóa bỏ không hay” của Trịnh Công Sơn. Hạt bụi của Thụy Sơn là hạt “bụi đam mê”, là cái nhân của niềm tin. Từ cái hạt bụi Đam mê của Thụy Sơn cho tôi nhớ đến một câu trong Kinh Thánh: “nếu đức tin bằng hạt cải thì các ngươi có thể dời non lấp biển”. “Hạt cải đức tin” trong Kinh Thánh và “hạt bụi đam mê” trong thơ Thụy Sơn đều có một ý nghĩa giống nhau. Nó là sức mạnh của tinh thần. Sức mạnh ấy có thể diệt khổ trong tâm hồn ta và dời nỗi đau lớn như núi, rộng như biển của ta. Hạt bụi ây cũng có thể giác ngộ được cả cho tha nhân nếu họ nghe ta, kiến tánh được niềm tin ấy. Thế nhưng khi hạt bụi đam mê đó chưa đạt sự tinh tuyền thì cửa thiên đường còn đóng lại, linh hồn sẽ trôi nổi mãi:
Sang sông … lở rớt lời kinh sám
Gợi giấc…mơ qua sỏi đá mềm
Hạt bụi đam mê vàng sợi nắng
Thiên đường cổng khép một lần thêm
(Hạt Bụi Đam Mê)
Sang sông” là xuống bến mê qua bài giác ngộ. “Rớt lời kinh sám” là làm mất niềm tin chân lý, quên đi sám hối tội lỗi mình. “Gợi giấc” là một phút yếu lòng. “Mơ…qua sỏi đá mềm” là ước vọng những điều phù phiếm của trần gian. Tất cả điều ấy sẽ làm cho “hạt bụi đam mê vàng sợi nắng” nghĩa là làm cho yếu đuối đức tin và kết quả là thiên đường khép cổng thêm một lần nữa trong vạn kiếp luân hồi. Chỉ qua bốn câu trong tám câu Đường thi mở đầu tập sách, ta cũng thấy được ở thơ của Thụy Sơn, sâu đậm những suy nghiệm về triết lý Phật giáo và qua những suy nghiệm đó, hình ảnh sống động của đời, lung linh của đạo được chăm chuốt nở ra những đóa hoa đẹp trong vườn thơ tịnh độ.
Thơ của Thụy Sơn diễn đạt định luật vô thường, sắc sắc không không trong Phật giáo một cách thanh thoát, nhẹ nhàng:
Sương trăng về đậu trắng sông
Đò ai không ngủ ngược dòng tịnh bơi
Nước trôi cầu nhẹ nhàng trôi
Bến bờ cố xứ không tôi… không đò…
(Đêm)
Đêm trên sông cũng là đêm của đời người. Hình ảnh đò bơi ngược dòng, hình ảnh nước trôi làm cầu đứng yên mà cũng như trôi, chứng cho ta hiểu được khi tâm hồn động thì ảnh và ảo ảnh lẩn trong nhau, đồng một thể. Con người bị mê hoặc trong cái nhìn vào hiện thực, quên đi tất cả những gì trong quá khứ, không còn tôi mà cũng không còn con đò năm xưa nữa. Bài thơ chất chứa sự hài hòa trong cõi vô vi của lão giáo, gởi vào đó ý nghĩa sâu xa tỉnh và động trong triết lý nhà Phật, cọng thêm hình ảnh đẹp của không gian mà tác giả tả bằng dòng chữ của mình, cho người đọc thưởng thức phong cách thơ lãng mạn pha thêm một chút thiền vị ấy, nó hóa ra thi vị là thế nào!
Nói về nghiệp duyên trong đạo Phật, qua lời thơ của Thụy Sơn, ta không tưởng được nó diễn đạt một điều sâu xa mà ý vị đến thế:
Hồ Trường cạn một chung đầy
Uống xong chén tạc ngây ngây chén thù
Bên trời muộn bóng vân du
Sương khuê vẫn đợi nắng từ uyên nguyên

Hồng hoang lạc xuống trần duyên
Đi tìm một nửa sông thiền lội qua
Đò ai cuối bến giang hà
Trăm năm đứng đợi bóng tà huy trôi
(Nghiệp Duyên)
Bài thơ đề cập đến một vấn đề mà cho chí những vị thiền sư cũng phải dùng Hán tự để giảng luận lâu dài. Ở đây Thụy Sơn chỉ dùng hình ảnh vạn vật hiện lên trong cơn say cho ta ngộ ngay được sợi dây khắn khít của nghiệp duyên như sương đợi nắng, như con đò trăm năm đứng đợi một bóng tà huy ở cuối một bến sông nào đó. Những chung rượu của thụy Sơn thật là tuyệt vời, nó không lôi con người vào cõi đam mê trần tục mà nó thăng hoa con người vào tiền kiếp của mình khi nói “bên trời muộn bóng vân du”, để từ đó thấy cả được trần duyên của mình từ thuở hồng hoang.Ta tưởng tượng bóng vân du là bóng của linh hồn ta lang thang từ muôn kiếp trước. Thơ có thể truyền tâm ấn, thơ có thể trực chỉ nhân tâm là ở chổ nầy đây!
Thụy Sơn cũng rất tài tình khi viết về niềm vui của đạo pháp:
Chút nắng vàng hanh của cuối ngày
Vô tình để lại giọt nồng bay
Ta trong vô thức ngàn xưa dậy
Mở trái tim hoang ngập gió đầy…
(Gió)
Khổ thơ không nói gì về giáo lý, nhưng đọc thơ ta liên tưởng ngay thứ gió mà đạo pháp mang lại cho con người, nó làm thức tỉnh vô thức tự ngàn xưa, nó làm tràn ngập niềm hoan lạc trong trái tim ta.
Trong “hạt bụi đam mê”, ngoài những bài thơ sâu xa về đạo, còn có nhưng bài thơ cho đời, Thụy Sơn thường viết ngắn gọn nhưng chất chứa, tiềm ẩn, gói gọn một thứ tình trong vắt của một tâm hồn đa cảm.
Để nhớ về kỷ niệm một thời, tác giả viết:
Xưa một thời mơ mộng
Đuổi bắt áng mây xa
Nay từng giây tỉnh thức
Nắng ấm trước hiên nhà…
(Nắng Ấm)
Để nói về những điều đọng lại trong ký ức, tác giả viết:
Trời còn nhớ đất lệ tràn mưa
Trăng nhớ hàn giang thức trắng mùa
Cỏ nhuộm tương tư vàng vỏ úa
Lạnh lùng đá cũng nhớ rêu xưa…
(Rêu Xưa)
Để nói về một cuộc tình của tuổi học trò tan vỡ tác giả viết:
Đêm nay mây nước hữu tình
Sao trăng khuya vẫn một mình đi hoang
Hạ vàng sao vội sang ngang
Có con bướm trắng để tang cuộc tình
(Hạ Vàng)
Chỉ đơn cử một vài khổ thơ viết về đời ta cũng thấy được tiếng thơ viết cho đời của Thụy Sơn cũng mẫu mực, điềm đạm, lung linh từ trong những câu ngắn gọn một thứ ánh sáng tỏa ra cho ta liên tưởng và hình dung được ý nghĩa tổng thể mà nhà thơ gởi tâm tình mình vào đó. Hình ảnh khi “Đuổi bắt áng mây xa” thì “nắng ấm trước hiên nhà’’ cho ta trọn vẹn sự ấm áp lúc tâm hồn nhớ nhung về quá khứ. Hình ảnh “lạnh lùng đá cũng nhớ rêu xưa” cho ta trọn vẹn sự thê thiết trong lòng bởi những quá khứ không vui. Và bức tranh “Trăng khuya vẫn một mình đi hoang” cho con “bướm trắng để tang cuộc tình” chiếu trọn vẹn bước chân lang thang và niềm đau lặng lẽ trong lòng kẽ thất tình.
Đọc trọn vẹn tập thơ “như hạt bui đam mê’ của Thụy Sơn thú thật tôi không tìm được một bài để chê. Thơ chị cho tôi có cảm tưởng lúc thì đi vào một vườn hoa thanh tịnh bên một sân chùa, khi thì lại thấy mình như đứng nơi một thạch động nghe tiếng âm vang từ xa xôi dội lại, khi thì lại thấy trăng, thấy nước, thấy con thuyền lửng lờ trôi trên một dòng sông yên tịnh. Thơ Thụy Sơn không có sự cao siêu của thơ thiền, cũng không có sự ôm đồm giáo lý để dạy đời của thơ đạo, mà chính hiệu nó là nguồn trong trẻo của thơ, thoảng hương thơm của đạo và tiềm ấn một chút lạc vị của vô vi, khiến cho càng đọc ta còn bình tịnh tâm hồn, làm cho ta yêu mọi cái quanh ta.
Tôi cũng vài lần viết cảm nhận thơ của các vị sư. Tôi hình dung các vị cười một nụ cười hiền hòa, tha thứ cho sự múa riều trước mắt thợ của mình. Tuy thế tôi cũng có nhận được lời khen khích lệ làm cho tôi vui mừng, an tâm múa tiếp. Hy vọng lần nầy tôi cũng nhận được nụ cười ấy từ tác giả và từ bạn đọc am tường giáo lý và đạo pháp.

               
Mời thư giãn với nhạc phẩm CÁT BỤI
của Trịnh Công Sơn, qua tiếng hát Khánh Ly:
              
*
CHÂU THẠCH 
(Tên thật: Trương Văn Trạn)
Địa chỉ: 75 Phan Kế Bính, Đà Nẵng.
ĐT: 0929128967 - 05113894610
Email: truongvantran@hotmail.com






…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 24.03.2018.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang blog Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

.    

0 comments:

Đăng nhận xét