Thư đi thư lại: TÌNH BẠN THẮM TÌNH QUÊ HƯƠNG - Tác giả: Nguyễn Bàng (Sài Gòn)

Leave a Comment
(Làng hoa làng Hạ Lũng, Hải Phòng ; Nguồn ảnh: internet)
Thư đi thư lại:
TÌNH BẠN THẮM TÌNH QUÊ HƯƠNG
(NGUYỄN BÀNG, NGUYỄN KHÔI, LÊ VY)
*
Được tác gia, nhà giáo Nguyễn Bàng, hiện cư trú tại thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ những trao đổi qua email của Ông với nhà thơ Nguyễn Khôi và người bạn tâm giao Lê Vy, xoay quanh những hồi ức về miền Tây Bắc, về đất Cảng (Hải Phòng)…. Trộm nghĩ, những “hồi ức vụn qua gmail” của 3 Ông sẽ hữu ích với bạn đọc khi muốn tìm hiểu về “diện mạo đời thường”, về Tâm - Cảm của nhà văn, nhà thơ…, vì thế, trang Đặng Xuân Xuyến đã biên tập và trân trọng chia sẻ tới bạn đọc.

*
Nhà thơ NGUYỄN KHÔI

Thân gửi: bác Nguyễn Bàng.
(Nhà thơ nguyễn Khôi)
Bác cho Nguyễn Khôi địa chỉ & điện thoại (nếu được & đồng ý) thì để hôm nào về "quê bà xã" (nhà ở 126 phố chợ Lũng, phường Đằng Hải ...) tôi sẽ đến thăm Bác.
Kính: Nguyễn Khôi (bạn thân của Lê Vy từ thời ở Sơn La 1963).

Nhà giáo NGUYỄN BÀNG

Kính bác Nguyễn Khôi!
Trước hết xin cảm ơn bác đã có thư cho tôi. Qua bác Lê Vy, tôi đã được đọc khá nhiều thơ, bài viết và các bài bác đã đọc, thấy hay chuyển lại cho bè bạn. Cũng qua bác Lê Vy và sự tìm đọc của bản thân, tôi được biết bác là một nhà thơ tài danh, là người đã dịch rất hay truyện thơ “Sống Chụ Son Sao” ra song thất lục bát, và là Nguyễn Khôi Đình Bảng với nhiều công trình biên khảo giá trị.
(Tác gia, nhà giáo Nguyễn Bàng)
Tôi không phải là dân Hải Phòng như bác Lê Vy và bác gái nhà. Tôi dân làng Vòng, Cầu Giấy, ngoại ô Hà Nội cũ. Năm 1958, tôi làm việc ở ngân hàng Thuận Châu, thủ phủ khu tự trị Thái Mèo nhưng vì một số lý do, đã bỏ việc về Hà Nội năm 1959 rồi xuống Hải Phòng đến nay đã trên năm chục năm. Vợ tôi thì đúng dân Hải Phòng, gốc người làng Vẻn xưa.
Khoảng năm rưỡi nay, vợ chồng tôi vào sống trong Sài Gòn trông nom nhà cửa và chút việc làm ăn của gia đình con trai chúng tôi. Các cháu đem nhau sang Canada mong tìm một cuộc sống mới. Chỉ khi các cháu ổn định bên đó, về Sài Gòn lo liệu gọn mọi bề; và trời còn để sống, hai thân già chúng tôi mới ra Hải Phòng được. Vì vậy, rất cám ơn nhã ý của bác “hôm nào về "quê bà xã" (nhà ở 126 phố chợ Lũng, phường Đằng Hải ...) tôi sẽ đến thăm
Hiện, tôi và bác Lê Vy cùng ở Quận 7; hai nhà cách nhau chừng 4km nên cũng nhiều dịp đến nhà nhau trò chuyện và cơm nước chung vui. Rất mong sẽ được đọc những tác phẩm mới của bác, những bài bác đã bỏ công tìm đọc thấy hay chuyển cho bạn bè trong đó có bác Lê Vy và tôi, nếu được bác Nguyễn Khôi coi là bạn mới!
Xin gửi bác lời chào trân trọng

Nhà thơ NGUYỄN KHÔI

Kính bác Nguyễn Bàng  & Lê Vy
Lại nhớ Sơn La 21 năm công tác
"Về Kinh xa bản xa mường
Đêm mơ tiếng suối bên giường chảy quanh"
               *
 Vì ở tầng 13 mặt phố nên ngày đêm trông xuống đường Hoàng Đạo Thúy - ngã tư Lê văn Lương rất khoái cứ như hồi học bên Liên Xô
Ở trên tầng 9 trông xuống mặt đường, phố phường nhộn nhịp, sáng nay sương mù thấp thoáng cứ như ở London (bên nhà con trai)...
Lại nhớ Sơn La âm u núi khuất trong sương mù với mấy câu Sống Chụ :
Có đêm chuyện chừng quên gà gáy
Đeo mộng về trăng rải như mơ
Mù dâng sương tỏa mịt mờ
Tơ duyên se lối hẹn hò bền lâu.
Thôi, chưa gặp nhau ở đất Cảng, thì Nhớ, chép tặng 2 bác vài vần thơ cũ:
ĐI TÂY BẮC
Đường lên Tây Bắc xa xa lắc
Rừng rậm đèo cao vắng tiếng người
Thoáng bóng nhà sàn qua tán lá
Đủ thấy tình quê ấm dạ rồi.
14.04.1963
ĐÈO 46
Đỉnh 46 trời mây chất ngất
Mưa Hòa Bình thèm nắng gió Ai Lao
Đi Pá Lông, Pa Cò tìm đất
Uống chung nguồn suối ngọt tự đèo cao.
1963
ĐÊM CHÂU MỘC
Đêm Châu Mộc lần đầu nghe Nai "tác"
Dân đốt nương núi cháy sém vầng trăng
Mới hay cuộc sống còn đói khát
Đốt cả đất trời kiếm miếng ăn.
15-4-1963
QUA CHÂU YÊN
Trập trùng đồng đất Châu Yên
Muỗm xanh xít miệng lại mềm mùi măng
Liêu xiêu mấy choác rượu Cần
Những say thổ cẩm, vang âm tiếng khèn
QUA ĐÈO CHIỀNG ĐÔNG
Chiềng Đông cao ngất xe ngược dốc
Vút đỉnh mây sang bãi Cò Nòi
Ngút đồng Phiêng Nậm ngô xanh ngát
Bò vàng khắp núi nhẩn nha chơi.
XUÂN SƠN LA
Xuân về mường bản vui tươi
Tiếng chim ríu rít , tiếng cười say say
Xe lên Châu Thuận vút bay
Hai bên Đào nở rắc đầy đường xuân.
SUỐI MUỘI
Em tươi trẻ đang thì con gái
Ơi cô gái Thái đất Thuận Châu
Ngực như đồi đưa bầu trời lại
Suối tóc buông tiếng gió thì thào
Suối cứ tắm trăng sao thơ mộng
Mắt em say tỏa ánh trăng mơ
Tôi như thấy bàn tay ai mỏng
Bịt mắt tôi cả biển sương mờ
Ta lội qua lặng tờ suối Muội
Như trẻ thơ cắp sách tới trường
Trang vở cũ suối nguồn vời vợi
Chảy tan đi bao nỗi ưu phiền
Em tươi trẻ, khi nào trở lại
Dọc hai bờ suối Muội tung tăng ?
Thuận Chấu, hè 1966
Chúc 2 bác & gia đình luôn vui khỏe, bình an, hạnh phúc đón năm mới vui vẻ.

Nhà giáo NGUYỄN BÀNG

Kính hai bác NGUYỄN KHÔI và LÊ VY,
Bác Nguyễn Khôi nhớ nhiều kỷ niệm Tây Bắc quá, toàn kỷ niệm đẹp về cảnh, về người và có lẽ đẹp nhất là cảnh và người Suối Muội?!
 Nay đọc thơ bác, tôi mới nhớ ra mình cũng đã từng qua Mộc Châu, Yên Châu, Sơn La; chủ nhật nào cũng cùng bè bạn cơ quan rủ nhau lên suối ở Thuận Châu gọi là để tắm nhưng kỳ thực là để may ra có cơ hội được nhìn trộm “miếng xà phòng” của các cô gái Thái. (Chả hiểu sao ngày ấy bọn tôi lại gọi cái ấy của các cô là “miếng xà phòng”). Vậy mà tôi không hề có một câu thơ về Khu tự trị Thái Mèo xưa cũ ngoài việc luôn nhớ như in cái bát phở sốt vang trâu 2 hào ở dưới chân núi. Tục tử thật và hổ thẹn quá!
Chúc  bác Nguyễn Khôi và phu nhân an vui với căn nhà mới. Chúc hai bác và gia đình mạnh khỏe, bình an, hạnh phúc đón mùa Giáng Sinh và Năm Mới đang tới!
Thân kính,

Nhà thơ NGUYỄN KHÔI

Kính  hai bác Nguyễn Bàng & Lê Vy,
Hồi Kháng chiến 9 năm Nguyễn Khôi theo gia đình tản cư ở Thái Nguyên (chiến khu Việt Bắc), hồi ấy đi lại khó khăn nghe mấy anh Bộ đội kể đóng quân trên Phú Thọ, thời ấy mọi người còn tắm truồng nên có cái chuyện "cho em xin tí xà phòng"...
 Bài thơ "Suối Muội" là kỷ niệm Tuần trăng mật của Nguyễn Khôi hồi 1965 mới lấy nhau, Nguyễn Khôi là Kỹ sư Nông nghiệp đi chỉ đạo (cắm bản) ở Thôn Mòn, "bà xã" (cô ấy) từ Thị xã lên thăm, 1 chiều mưa lũ đưa em qua Suối Muội về... để về xuôi đi học... nhờ đó có bài :
             BẢN CHIỀNG LY
Bản Chiềng Ly chưa đi đã nhớ
Phố chênh vênh bên núi bên hồ
Gái bản từ lâu quen chợ búa
Trai Thuận Châu bao bạn nằm mơ...
Người Chiềng Ly hay đi đây đó
Mùa hoa Ban về dự hội làng
Quả Còn lửa bay ngang trời phố nhỏ
Trái tim hồng thiếu nữ đón xuân sang.
Tôi say đắm yêu cô Nàng như thế
Cha mẹ thương cho về ở Kinh kỳ
Không ở rể mà vẫn là rể quý 
Để mỗi năm lại lên tết Chiềng Ly.
Thuận Châu , hè 1993
Bài thơ này xuất phát từ cái riêng (Bà xã - cô ấy theo Bố là sỹ quan Bộ đội biên phòng, đang học lớp 6 Cầu Rào - Hải Phòng lên Thuận Châu học cấp 2 ở Bản Chiềng Ly như một cô gái Thái...) Nhà thơ liên tưởng với cái chung: nhiều chàng trai Hà Nội lấy vợ Thái... từ Trữ tình sang Chính trị: đoàn kết xuôi ngược - hòa hợp dân tộc (Trai Kinh lấy vợ Thái không phải ở rể...). Tuy nhiên, bài thơ lại "ám" vào số phận của chính Nguyễn Khôi là phải ở rể suốt đời. Người xưa nói "thơ vô mệnh" nhưng thực tế Thơ có số mệnh ghê gớm như Nguyễn Du viết Đoạn Trường Tân Thanh (Truyện Kiều) nó gắn vào số mệnh của cả dân tộc Việt Nam ta (son phấn có thần, thơ vô mệnh/ lập thân tối hạ Tố Như ơi.)
 Bài thơ có 2 câu đáng chú ý :
 Quả Còn lửa bay ngang trời phố nhỏ
 Trái tim hồng thiếu nữ đón xuân sang
với ý tả vào dịp tết trai gái bản chơi hội "ném Còn", quả Còn màu đỏ tua ngũ sắc như trái tim hồng trai gái ném cho nhau, khởi thảo Nguyễn Khôi viết "quả Còn đỏ"... sau trong 1 chuyến theo đoàn Đại biểu Quốc hội sang Quảng Tây (khu tự trị dân tộc Choang - rất gần với người Thái ta) công tác, được thấy "quả Còn" tròn đẹp như trái tim bốc lửa... về kể với bạn bè, bạn bè khuyên nên sửa chữ "đỏ" = chữ "lửa"... hình tượng thơ sẽ sống động hơn. Như vậy, sửa được 1 chữ quả là công phu và may mắn, xưa nay gọi "thôi xao" (theo Giả Đảo đời Đường là thế?).
 Thơ từ cái Tâm đi đến cái Tài... (luyện chữ, luyện câu, luyện ý, luyện cách) Nó thơ thẩn vớ vẩn thế đấy hai bác ạ!

Nhà giáo NGUYỄN BÀNG

Bản Chiềng Ly đẹp và vui như thế. Con gái Chiềng Ly đẹp nồng nàn hoa xuân như thế, sao mà không yêu không nhớ cho được. Vì thế, hình như  kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Khôi đã can tội yêu một em gái đang còn vị thành niên, nhỉ?!
Người xưa nói "thơ vô mệnh". Ấy là nói về Văn chương của nàng Tiểu Thanh không có mệnh đã được nàng đốt hết, chỉ còn phần dư cũng bị người vợ cả đốt mất chứ đâu nói tất cả văn chương, đúng như Nguyễn Khôi nói: “thực tế Thơ có số mệnh ghê gớm như Nguyễn Du viết Đoạn Trường Tân Thanh”. Vậy thì, sau bài thơ Bản Chiềng Ly,  phải ở rể suốt đời mà có được một gia đình Nguyễn Khôi hạnh phúc, một Nguyễn Khôi tài danh và cả những đứa con Nguyễn Khôi cũng tài giỏi thì hà cớ gì mà phải ca thán “bài thơ lại "ám" vào số phận của chính Nguyễn Khôi”?!
Thôi xao nghiêm cẩn như Giả Đảo ở Tàu, hay “Nếu tôi có thời giờ sửa chữa, tác phẩm tôi sẽ hay hơn gấp đôi” chí lí như Dostoyevsky ở Nga thì đúng là “từ cái Tâm đi đến cái Tài”. Nguyễn Khôi đã công phu sửa chữ “đỏ” thành chữ “lửa” quả thật đã đem đến cho người đọc một miếng ngon hơn rất nhiều.
  
Bác LÊ VY

(Bác Lê Vy, cán bộ hưu trí)
Mến gửi hai NGUYỄN Tiên sinh,
Mấy ngày nay, được đọc các cao kiến của hai Tiên sinh và cao kiến của Phạm Đức Nhì Tiên sinh về bài thơ Bóng trăng lệch khuất bờ vai và nhân hai Tiên sinh nhắc lại những kỷ niệm về Sơn La, Hải Phòng, về chuyện "xà phòng" ở Phú Thọ hồi kháng chiến chống Pháp cũng như ở Thuận Châu năm 1958, tôi rất "khoái". Về bài thơ, tôi xin một lần nữa nhắc lại những tình cảm bái 
Và yêu mến đối với hai Tiên sinh và mong được đọc thêm nhiều những nhận xét, đánh giá, bình phẩm thơ của hai Tiên sinh.
Về chuyện "xà phòng", kết hợp các tình tiết ở Phú Thọ và Thuận Châu, sao hồi ấy, Bàng Tiên sinh và các bạn không bảo với cấc cô gái Thái đang tắm: "Cho các anh mượn bánh xà phòng"?

Nhà giáo NGUYỄN BÀNG

Thưa tiên sinh Lê Vy, mượn cuộn chỉ, mượn bánh xà phòng thì có bao giờ trả lại nguyên vẹn đâu. Thà cứ nói trắng phớ ra rằng: Cho anh xin bánh xà phòng có khi lại được khen là thành thật. Nhưng xin được thì phải đem về  chỗ ở của mình. Ôi to chuyện quá! Vì vậy chỉ tìm cách để người ta vô tình hở ra bánh xà phòng thì mình nhìn trộm tí ti thôi.
Không biết hồi hai bác ở Sơn La ra sao? Bọn tôi ở Thuận Châu chỉ mong đến ngày chủ nhật, không phải để được đi tắm suối, rình nhìn xà phòng mà cái chính là được ăn cơm gạo tẻ. Lệ, 6 ngày làm việc ăn cơm nếp Thái, ngày chủ nhật ăn cơm gạo tẻ. Thức ăn thì gần như ngày nào cũng như ngày nào: thịt lợn rừng nuôi thả rông dai và cứng với bát canh rau. Cơm nếp Thái ăn khô với thịt, nhai mỏi mồm xong rồi húp canh, đứng dậy.
 Giờ người thành thị rất mê món thịt lợn mán thui luộc đặc biệt là đặc sản Mai Châu - Thịt lợn rừng xiên nướng. Ôi, ước gì được trẻ lại để lên miền núi buôn lợn mán, lợn rừng!

Ngày 11/12/2015, nhà thơ Nguyễn Khôi gửi cho bè bạn trong đó có Nguyễn Bàng chùm thơ gồm:  VỀ QUÊ TRÊN ĐƯỜNG CAO TỐ,  QUA NGÕ LÂM TƯỜNG, VƯỜN CŨ, GIỖ CHẠP Ở LÀNG, CHỢ LŨNG.
VỀ QUÊ  TRÊN ĐƯỜNG CAO TỐC
-------
Cậu em đón về quê
Mừng thăm đường mới mở
hân hoan ngồi im nghe
Xe "vút"... sướng, hơi sợ.
"Cao tốc" đẹp hết cỡ
vốn 2 tỷ  dollar
chạy 100 cây số
mất đúng có 1 giờ...
Lại nhớ xưa thời chiến
cứ mỗi lần về quê
đạp xe chừng xái cẳng
Đường đạn bom dầm dề...
Ừ, nay "chạy" vui ghê
Đất nước thời mở cửa
Đường hiện đại "vè vè"...
Giật mình
Ai trả nợ...!?
Hải Phòng , đêm 6-12-2015
Nguyễn Khôi
QUA NGÕ LÂM TƯỜNG
 (Tặng: Lê Vy + Ngọc Dung)
 -------
Về quê qua lễ Chùa Hàng
Lâm Tường phố cũ, bạn vàng ngày xưa
Áo nâu thấm lạnh gió mùa
Thỉnh nghe buốt tiếng Chuông chùa hoàng hôn.
Hải Phòng 7-12-2015
NGUYỄN KHÔI
VƯỜN CŨ
 (Tặng: cậu Bầu)
----
Vườn cũ nơi sinh Nàng thôn nữ
Đợi chờ "dự án" để hồi sinh
Phải "dự án treo" chờ tắc tử
Cậu mợ bơ phờ vái Thần linh.
Nơi xưa vườn rộng trồng cây cảnh
Mái ngói , hàng cau rất thanh bình
Thềm mái sinh Em...trăng lấp lánh
Một Nàng thôn nữ sắc tài xinh.
Thoáng cái mà rồi bảy mươi năm
Vườn xưa đang đợi được "thọ hình"
Mơ chi tiên cảnh trên trần thế 
Dạo ngắm vườn xưa mình với mình.
Hạ Lũng 7-12-2015
Nguyễn Khôi
GIỖ CHẠP Ở LÀNG
 (Tưởng nhớ dì Phương)
--------
Giỗ chạp ở làng đông như Hội
Món ăn đầy cỗ ngút mâm cao
- Cái miếng giữa làng to gấp bội
Mở mày mở mặt chốn lao xao.
Nhân loại sang thời "thế giới phẳng"
Làng quê vẫn Cá đớp ao Bèo
Thành phố "Búp phê" xơi tiệc đứng
Ở làng nào đã mấy ai theo ?
Xưa chú Chí Phèo say bí tỷ
Nay thì Bá Kiến hả hê cười
"Trí phú địa hào " thời mở cửa
Tha hồ khoe của cỗ mâm tươi.
Ngày giỗ dì Phương 30/10 ta
Hạ Lũng 9/12/2015
NGUYỄN KHÔI
CHỢ LŨNG
 (Tặng: mẹ đĩ)
 ------
Sớm mai chợ Lũng trời yên ả
Hải sản, hoa tươi các ngả về
Xóm xưa lên phố đường ồn ã
Gái tỉnh phiêu bồng phớt dáng quê.
Đêm qua mình xuống đường cao tốc
Tháng trước đường xưa mất cả ngày
Nay vút trăm cây tròn một tiếng
Hải Phòng- Hà Nội "tuyệt" đường bay...
Vui lại về đây thăm chợ Lũng
Mẹ già ngồi ngóng gái chồng xa
Nhẩn nha  dưới bóng HOÀNG LAN nhớ (1)
Sương sớm rơi đằm mấy cánh hoa.
----
(1) xem Thạch Lam
Phố chợ Hạ Lũng 8-12-2015

Nhà giáo NGUYỄN BÀNG

Chỉ được cậu em đón về quê vợ bằng đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng mới mở mà bác Nguyễn Khôi có ngay một chùm thơ rất hay và giàu cảm xúc. Nguyễn Bàng tôi thật ngưỡng mộ và cũng có chút nao lòng nhớ Hải Phòng nói riêng và miền Bắc nói chung.
Ba bài thơ của bác Nguyễn Khôi về Hạ Lũng khiến Nguyễn Bàng nhớ ra mình cũng rất thân quen mảnh đất này. Số là cô em gái thứ 5 của vợ tôi về làm dâu Hạ Lũng từ năm 1972, nhờ đó vợ chồng tôi  thường hay xuống chơi với gia đình dì ấy và được mời mỗi khi nhà chồng dì ấy có cỗ bàn. Từ năm 1974, vợ chồng tôi lại dạy nhiều con em làng Lũng theo gia đình lên sống ở nội thành nên hai chúng tôi càng thêm nhiều dịp về Hạ Lũng chơi theo lời mời của một số phụ huynh học sinh. Đặc biệt mỗi khi Tết đến Xuân về, nhà tôi đều được cho hoa tươi từ làng hoa Hạ Lũng.
Không biết bà xã bác Nguyễn Khôi họ gì? Chồng cô em vợ tôi họ Lưu, con trai duy nhất và là út của ông chánh tổng Lưu Văn Hợp. Ngoài ông em rể vợ họ Lưu, nhiều cháu học sinh quê ở Hạ Lũng của chúng tôi cũng họ Lưu. Nghe bảo đây là họ to và đông người nhất ở Hạ Lũng?!
Sau này khi nghỉ hưu, có đường Ngã 5 - sân bay Cát Bi, tôi sáng sớm nào cũng đạp xe xuống cổng sân bay tập thể dục. Nhiều hôm, tôi cùng mấy ông bạn già rủ nhau đi từ lúc đèn đường còn chiếu sáng để rẽ vào chợ hoa đêm Lũng họp từ nửa đêm đến sáng, dạo chơi và ngắm cho thích mắt vẻ đẹp như mơ của chợ rồi chờ đến sáng, khi chợ đêm tan dần nhường chỗ cho chợ ngày, thì khi mua cây hoa giống về trồng chậu, khi mua nải chuối chín cây, nắm chè xanh mới hái vườn, khi mua bao phân vi sinh …
Gần 2 năm xa Hải Phòng, giờ đọc thơ Nguyễn Khôi thấy Hạ Lũng hiện lên vui đẹp và thân thương quá. Xin nhắn trước bác Nguyễn Khôi bằng đôi câu con cóc:
Lần tới có về thăm quê vợ
Khôi Nguyễn cho tôi gửi mấy lời:
Ông già Bàng Nguyễn luôn thương nhớ
Chợ hoa đêm Lũng đẹp, đông vui!

Nhà thơ NGUYỄN KHÔI

Mẹ vợ Nguyễn Khôi họ Lưu, bà xã nhà Nguyễn Khôi là con gái lớn, hỏi có biết ông chánh Hợp, cỡ ngang vai ông ngoại... gốc người Hoa Quảng Đông, nay thì đã Việt hóa hoàn toàn (các bà cô xưa còn tên Lìn, tên xường...), con gái họ Lưu rất đảm, tài Kinh doanh giầu có (cô dì Út đại gia Hoa cảnh giầu nhất chợ Lũng...), Bố họ Đinh - gốc họ Đoàn trên Phả Lại - xưa theo Quận He Nguyễn Hữu Cầu chống nhà Nguyễn, sau khi thua, đổi = họ Đinh... ở vùng Đồ Sơn - Kiến Thụy - Hải An nay tràn ngập họ Đinh, họ Lưu...
Nguyễn Khôi chỉ làm Thơ khi ngẫu hứng (cảm xúc thật), còn hay không là tùy ở chỗ  lấy Tâm đúc Tài có Xuất thần gây được cảm hứng cho bạn đọc hay không là một nhẽ khác. Làm thơ trước tiên là "viết cho mình" là thế.
 Về Hải Phòng, tối các cháu lấy xe đưa 2 bác lượn vòng trên khu phố cũ, nơi xưa Cô bé theo Bà Nội bán laghim trên chợ sắt, theo mẹ bán Hoa trên phố... nay thì tất cả đã đi vào dĩ vãng "bà già 70" chưa chịu già, tha hồ nhớ tha hồ hồi tưởng:
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bay giờ?
Cái bất hủ ở thơ như Đoàn Văn Cừ là thế đó, còn Nguyễn Khôi là:
Thôi, cứ để cho thời gian gió thổi
Gieo vào lòng một chút sóng sông Lô...
Chúc 2 bác & gia đình luôn vui khỏe, bình an, hạnh phúc.

Mời thư giãn với nhạc phẩm CHIỀU TRÊN BẾN CẢNG
của Nguyễn Đức Toàn, qua tiếng hát Ngọc Tân:
*
NGUYỄN BÀNG
Địa chỉ: Thành phố Sài Gòn
Email: bnguyen37@gmail.com
.
.





  ........................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 28.03.2018.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang blog Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét