NGHIỆP BÁO VỚI KẺ TỆ BẠC, VONG ƠN - Tác giả: Vũ Quế Lâm (Hà Nội)

Leave a Comment
NGHIỆP BÁO VỚI KẺ
TỆ BẠC, VONG ƠN
*
Câu chuyện dưới đây sẽ giúp quý bạn đọc hiểu thêm về phạm trù nghiệp báo của luật nhân quả:
Thanh triều thời vua Càn Long có một thanh niên họ Đỗ. Họ Đỗ là con một trong gia đình nông dân, gia sản chẳng có gì và cha mẹ đều đã già yếu khi anh tới tuổi trưởng thành. Từ bé họ Đỗ luôn bị bạn bắt nạt, nhất là hàng xóm đồng niên họ Cổ vốn to con hơn, gia đình lại giàu có hơn. Lớn lên họ Đỗ đi đâu gặp họ Cổ cũng bị trêu chọc, tranh giành, thậm chí còn thượng cẳng chân hạ cẳng tay.
(Tác giả Vũ Quế Lâm)
Trong làng có tiểu thư xinh đẹp nhà Ngô, tính tình lại dịu dàng nết na. Tiểu thư họ Ngô từng học cùng trường với cả họ Đỗ và họ Cổ, thấy họ Đỗ hiền lành, dáng dấp thư sinh nên đem lòng cảm mến. Đôi bên đã qua lại vài lần, tình trong như đã mặt ngoài còn e. Họ Cổ thấy tình ý của tiểu thư họ Ngô với họ Đỗ, lập tức tìm cách chiếm đoạt, nhờ cha mẹ làm mâm cao lễ đầy tới hỏi cưới.
Gia đình tiểu thư họ Ngô thấy nhà Cổ bề thế, nghĩ con gái mình gả vào đây sẽ được sung sướng cả đời nên lập tức chấp thuận. Họ Đỗ nghe tin buồn vô cùng, tiểu thư họ Ngô không muốn lấy họ Cổ nhưng vì phận con cha mẹ đặt đâu ngồi đấy nên đành nuốt nước mắt lên xe hoa.
Họ Đỗ nghĩ mình phận kém, làm gì cũng bị chèn ép nên không dám trách ai, sau đó cũng tìm được một thôn nữ hiền lành cùng làng kết duyên. Họ Đỗ và họ Cổ đều sinh được quý tử để nối dõi tông đường. Cả hai sau khi thành gia lập thất đều mở quán ăn kiếm kế sinh nhai do không thể theo nghiệp đèn sách mà đỗ đạt làm quan. Dù quán họ Đỗ nấu ăn ngon, giá phải chăng, nhưng họ Cổ cậy có tiền và quyền, tìm cách phá họ Đỗ để kéo hết khách về quán mình. Họ Đỗ cũng ngậm bồ hòn làm ngọt, nói với vợ mình phúc đâu hưởng vậy, miễn đủ ăn qua ngày là được rồi.
Hai quý tử tới tuổi đến trường lại học cùng lớp và lịch sử lặp lại. Con trai họ Đỗ bị con trai họ Cổ bắt nạt hàng ngày, lấy đồ có, đánh có, chặn đường không cho về cũng có…, thấy tủi nhục lắm về mách cha nhờ tới trường xin phân xử. Nhưng họ Đỗ lần nào cũng gạt đi và bảo con chịu khó, “cha ngày xưa cũng vậy, bây giờ cũng chẳng sao, con đừng để bụng mấy chuyện đó”, họ Đỗ dặn con.
Mỗi khi gặp mặt hai gia đình, họ Cổ luôn buông lời chế giễu hạ nhục, nhưng họ Đỗ vẫn cam chịu. Nhiều người thấy bất bình cho họ Đỗ, tuy nhiên bản thân anh cũng không hề phàn nàn nửa câu.
Hai quý tử nhà họ Đỗ và họ Cổ đều học hành giỏi giang, hơn phụ thân mình. Cả hai nhà đều cố gắng rèn con học tập. Đến lúc lên kinh dự thi, họ Cổ cử gia nhân chở con bằng kiệu cho đỡ nhọc nhằn đường xa để còn giữ sức giành ngôi đầu bảng làm quan to, còn họ Đỗ không có điều kiện, chỉ cho con tay nải thức ăn uống và dặn dò lên đường bảo trọng. Ngày chia ly vợ chồng họ Đỗ tiễn con trong nước mắt, trong lòng chỉ mong con sớm bình an trở về, đỗ đạt thì tốt không cũng chẳng sao.
Đường lên kinh không hề ngắn, phải mất mấy ngày mới tới. Hôm đó cả đoàn gồm công tử họ Cổ và 4 gia nhân khiêng kiệu, con trai họ Đỗ và một số bạn đồng niên khác. Sắp tới kinh thành có đoạn đi qua dãy núi vừa gặp bão bị sạt lở, người dân địa phương nói không nên qua lúc này mà chờ vài hôm tới hãy đi. Tuy nhiên thời gian ứng thí không cho phép nên cả đoàn vẫn bạo gan đi tiếp, trong lòng cầu xin Thần Phật thương xót phù hộ được bình an.
Chẳng may đến giữa chừng núi thì lại sạt lở, đá đất lăn xuống ầm ầm, kiệu chở con trai họ Cổ khi ấy trúng đá tảng lớn bị văng xuống vực, họ Đỗ đi gần đó cũng bị rơi theo, nhưng may thế nào lại bám được vào chiếc kiệu và khi rớt xuống vực không hề bị thương tích gì, kể cả áo quần cũng chẳng rách lấy một mẩu.
Nhưng họ Cổ lại không may mắn được thế, bị đá đè và lìa đời lập tức. Gia nhân sống sót nhìn thấy cậu chủ mất mạng sợ quá vội chạy về nhà báo tin dữ. Họ Đỗ thoát chết trong gang tấc vội quỳ lạy tạ ơn Thần Phật và tiếp tục lên kinh ứng thí, vừa hay tới đúng giờ và làm bài sau đạt điểm cao, đỗ bảng vàng làm quan to.
Họ Cổ than khóc cho con trai bạc mệnh, tức giận thấy con nhà họ Đỗ không những thoát chết mà còn được vinh danh bảng vàng. Họ Cổ không can tâm cứ ôm mộ con mà khóc tới ngất đi, rồi thấy mình xuống dưới địa phủ. Tại đây gặp con trai đang bị còng rất khổ sở, vội chạy tới hỏi han khóc thương con.
Con trai nói với cha rằng, “con mất mạng để trả thay nợ nghiệp cho nhà họ Đỗ. Nhẽ ra con không tới số nhưng vì bao nghiệp nặng nhà họ Đỗ tích từ tiền kiếp con phải gánh, do cha và con đều xử tệ với họ, vô tình đã gánh hết nghiệp cho họ rồi. Cha hãy về và cố sống khác đi, nếu không sớm muộn sẽ phải chịu tội còn khổ hơn con đó”.
Nghe con trai nói vậy họ Cổ giật mình, cũng tỉnh luôn giấc mộng, lòng hối hận và khiếp sợ. Từ đó trở đi không dám hống hách và xử tệ với bất kỳ ai.
Nhân quả công minh và không bỏ sót bất cứ ai. Nếu bắt nạt người, đối xử tồi tệ, vô hình chung lại đang giúp họ trả nợ mà gánh hết nghiệp lên mình. Làm người cần biết nhìn xa trông rộng, đừng chỉ vì chút lợi ích nhỏ nhoi hay thỏa mãn tạm thời mà gánh quá nhiều nghiệp để khổ sở về sau.



Mời xem clip KHOA HỌC LÝ GIẢI VỀ NHÂN QUẢ:

*
VŨ QUẾ LÂM giới thiệu
Địa chỉ: Thôn Thanh Thủy, xã Đông Xuân,
huyện Sóc Sơn, tỉnh Hà Nội.      




.............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 30.07.2017.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét