NIỀM ĐAM MÊ TRONG “THẢ DỌC” TẬP THƠ CỦA LÊ VĂN THẬT - Tác giả: Châu Thạch (Đà Nẵng)

1 comment
(Nguồn ảnh: internet)
NIỀM ĐAM MÊ TRONG THẢ DỌC
TẬP THƠ CỦA LÊ VĂN THẬT
*
(Tác giả Châu Thạch)
Lê Văn Thật, một nhà thơ ở miền đông Nam Bộ, nơi có một di sản văn hóa lâu đời: tháp cổ Bình Thạnh, và là nơi mà trong một bài thơ về Bình Thạnh, Châu Thạch tôi đã viết: “Tôi tưởng nơi đây cây cũng hát/ Nên cụ già em bé cũng làm thơ”.
Đọc cái đầu đề “Thả Dọc” chắc có người sẽ hiểu rằng tác giả mang tâm trạng bi quan  với những vần thơ buông xuôi đời mình.  Thế nhưng khi đọc bài thơ “Thả Dọc” của tác giả đăng trong tập thơ nầy, ta mới hiểu rằng, nhà thơ “Thả Dọc” đời mình như cầm lái con thuyền để trải nghiệm gềnh thác và rong chơi trên dòng đời với biết bao vẽ đẹp:
Thả dọc ta giữa dòng sông hổn tạp
Con sông nào thỏa thích những mùa chơi...
Thỏa thích đời ta mặc sức nồng say
Đùa với gió, giỡn cùng trăng mãi miết
Dẫu méo mó giữa sóng đời cuộn xoáy
Ta vẫn cười ngạo nghễ với nhân gian
Ta thả dọc bóng trăng và mê mải
Ta thả dọc khóc cười mà say sưa.
(Thả Dọc)
Không với một tâm hồn bi thảm, nhà thơ thả dọc con thuyền nhưng cởi lên, hóa giải “những méo mó giữa sóng đời cuộn xoáy” để dầu khóc hay cười vẫn say sưa với  cuộc sống.
Bởi nhân sinh quan nhìn thơ và đời như vậy, ta tìm thấy ở Lê Văn Thật những vần thơ lạc quan, bày tỏ những tư duy  vô cùng tích cực:
Xin đừng làm một loài cây suôn sẻ
Cả một đời chẳng biết thú đam mê
Có va đập, có tả tơi nứt nẻ
Mới tròn ta, cho đủ chất con người
Ta đam mê nghĩa là ta hạnh phúc
Lái con thuyền đi giữa ước mơ xa
(Ta)
Lê Văn Thật cho rằng “Ta đam mê tức là ta hạnh phúc. Vậy nhà thơ đam mê cái gì?. Trước hết nhà thơ đam mê quê hương Bình Thạnh của mình. Nơi mà nhà thơ hảnh diện khi “Mời em về thăm quê anh…”:
Mời em về thăm quê anh
Bình Thạnh chuyển mình đi tới
…Nghe gió hát say hương đồng cỏ nội
…Ngắm cánh đồng bình Phú mênh mang
…Ngắm Tháp Cổ ngàn năm trầm mặc
Ta sẽ về phía hạnh phúc của ta
Nơi chỉ có hai đứa mình tìm được
Khi tình yêu đã hóa hình đất nước
Thì nơi nào cũng đẹp lắm em ơi!
(Mời em về thăm Bình Thạnh)
Bài thơ có 24 câu, người viết xin rút ngắn lại nhưng cũng vẽ lên được một quê hương tươi mới, xen lẫn sự nên thơ, sự cổ kính, cùng với tình yêu đậm đà của tác giả. Nhà thơ nói “Khi tình yêu hóa hình đất nước” không phải là một sáo ngữ như những bài thơ “yêu tổ quốc” giả hình. Đất nước rộng bao la của Lê văn Thật đã được nhà thơ thu gọn lại nơi quê hương Bình Thạnh, nơi mà tác giả mời em về để hưởng hạnh phúc. Nơi ấy có văn hóa dân gian, có phong cảnh tuyệt đẹp và có nhiều kỷ niệm thân thương trong lòng tác giả.
Sau tình yêu quê hương là tình yêu của người thầy, một tình yêu của lão chèo đò tận tụy, nhận hệ lụy một đời để hưởng niềm vui vô giá không bằng vật chất bao giờ:
Có cả một thời dạy học
Thầy không đòi các em trả lại điều gì
…Thầy tự hào một thuở trồng cây
Để bây giờ nhận thơm từng trái ngọt
Ôi!
…Tháng năm có gì mà chẳng phai
Nỗi nhớ của thầy cũng ít dần, ít dần hơn trước
Nhưng có một điều không bao giờ quên được
Cả trong mơ cũng thèm nghe một tiếng kêu
thầy…
(Chút lòng thầy)
Những câu thơ người viết trích trong bài thơ “Chút Lòng Thầy” của Lê Văn Thật cũng nói lên được tấm lòng quảng đại, hy sinh và chơn chất của một nhà mô phạm.
Và lẽ tất nhiên một con người đã đam mê với quê hương, với sự nghiệp cao quý mà không cao giá của mình thì tình yêu thân quyến, gia đình cũng là một nỗi đam mê thánh thiện phải có trong con người ấy. Lê Văn Thật cũng yêu mẹ như bao người con, khác chăng nhà thơ xem mẹ như ngọn đèn chân lý, như Chúa của người theo đạo Chúa và như Phật của người theo đạo Phật:
Chưa bao giờ con xao lãng, mẹ ơi!
Ngày kính me, trái tim người vĩ đại
…Ở trong con mẹ vẫn sáng trên đầu
Vẫn chỉ lối đưa đường con tiến bước
Trong gian khổ biết tìm ra hạnh phúc
Bởi mẹ hiền tỏa mát lối con đi…
(Ngày giỗ Mẹ)
Tình yêu vợ con làm cho cuộc đời tác giả thăng hoa nhất:
Hai mươi sáu năm rồi…em nhỉ!
Vẫn thấy mình chưa nói hết tình yêu
…Anh nợ em chẳng bao giờ trả nổi
Nợ bãi cát vàng còn in dấu chân ta
… Anh nợ em cả đời không trả nổi
Hai công chúa tuyệt vời cứ lớn dần lên
…Anh mãi là “người đàn ông đẹp nhất”
Bên cạnh ba đóa hoa rạng rỡ tuyệt vời
Dẫu mưa nắng nhuộm mái đầu bạc phếch
Giữa vui buồn ta vẫn bước chung đôi
(Ba đóa hoa tuyệt vời)
Tất nhiên người viết xếp thứ tự những niềm đam mê của Lê Văn Thật có trước có sau, nhưng thực tế những niềm đam mê ấy như những cánh hoa trong một bông hoa, nó lung linh khoe màu và nổi bật trong bức tranh đời người của tác giả. Ngoài những màu sắc chính làm cho bức tranh đẹp, thì những màu điểm xuyết cũng cần cho vẽ đẹp của tranh tăng lên. Thơ Lê Văn Thật còn nhiều nỗi đam mê, đa số là thánh thiện, diễn tả những cảm xúc của một tâm hồn nhạy cảm như đường tơ rung lên, cất âm thanh thành nhạc  khi gặp gió. Trong những khúc nhạc ấy, tiếng lòng về tình yêu trai gái có trong đời là tiếng thanh nhạc mượt mà , êm ái, dỗ lòng người ngã vào cơn đam mê thi vị:
Những nỗi đau chưa đến đã nghe đau…
Sao là em cho mùa đông hoảng hốt
Ôi chiều nay cơn bão về thảng thốt
Cho lòng anh cũng đắng những đêm chờ

Em ơi em, chỉ là một giấc mơ
Một giấc buồn sẽ tan nhanh vào quá khứ
Em có thấy từng cánh mai đang nở
Đem xuân về…
…rạng rỡ
…đất trời xa..
(Giấc Mơ cuối năm)
Vừa đau khổ đó, vừa biết chỉ là một giấc mơ phủ phàng, nhưng lại biến niềm đau thành những bông hoa mai đang nở đem xuân về. Một tâm hồn vừa lạc quan nhưng cùng vừa vị tha, một nhân cách làm người hòa nhập vô vi, làm thánh thiện cả những điều đau khổ. Phải nói cái ý thơ nầy làm cho mọi hệ lụy của đời trở nên phẩm giá, bay cao trên nước mắt bi lụy thường tình, ấy là tiếng thơ “trong sáng và vô biên” vậy.
Và xin mời đọc tiếp những câu thơ nầy:
Ta nợ em chỉ một tách cà phê
Sao bối rối nửa lòng xao xuyến lạ
Ta nợ em chút kỷ niệm ngày xuân
Con đường vắng cơn mưa chiều bất chợt
Chiều xuân ơi! chi mà vương vấn thế
Biết bóng em có dài quá bóng anh…
(Nợ)
Bài thơ chính có 12 câu tất cả, diễn tả một mối tình thoáng qua, thế nhưng câu thơ cuối có vị ngọt của tình theo mãi suốt cuộc đời. “Biết bóng em có dài hơn bóng anh…” có nghĩa là trên đường anh đi bóng em luôn đi sát bên anh, có nghĩa là trong đầu anh nghĩ về em mãi mãi. Bài thơ cho ta hương vị của cú sét ái tình. Ái tình đến như một tia chớp nhưng kéo dài dư âm êm ái, hình bóng đi cùng anh mãi mãi. Câu thơ chót không độc đáo sao được  khỉ chỉ một mình nó làm cho một thoáng trở thành mãi mãi, chỉ một mình nó làm con thuyền chở một kỷ niêm dễ quên trôi mãi trên dòng sông ký ức đời người.
Không tìm thấy ẩn dụ trong thơ lê Văn Thật. Thơ Lê văn Thật cho ta chiêm ngưỡng hoàn toàn vẽ đẹp của nó như con bướm đang bay, như đóa hoa đang nở mà không cần điều tiết đôi mắt của mình. Nhà thơ trãi hồn mình trên những câu thơ không bóng bẩy nhưng lại thanh bạch, không khúc chiết nhưng lại trôi êm đềm mang theo vô vàn những đóa hoa của muôn màu trong cuộc sống. Nhà thơ không có những câu thơ mê loạn, da diết, nhưng là những câu thoải mái làm tràn đến tâm hồn người đọc những ân huệ của đời như từng cơn gió sực nức mùi thơm hương đồng cỏ nội. Sự lảng mạn trong thơ không phải là sự buông thả mà là một sự dấn thân chửng chạc, tìm niềm vui giữa những thăng trầm của cuộc sông.
Thả Dọc” là một tập thơ nên đọc, để chiêm nghiệm một tâm hồn lạc quan  đi qua gềnh thác của đời người thì đẹp làm sao!!!



       
Mời thư giãn với nhạc phẩm MƯA BAY THÁP CỔ
của Trần Tiến, qua tiếng hát Tùng Dương:
            
*.
CHÂU THẠCH 
(Tên thật: Trương Văn Trạn)
Địa chỉ: 75 Phan Kế Bính, Đà Nẵng.
ĐT: 0929128967 - 05113894610
Email: truongvantran@hotmail.com
.





…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 06.06.2018.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.    

1 nhận xét:

  1. Cảm ơn đại ca có bài bình như ý
    CLB thơ Bình Thạnh đã post bài này về làm kỷ niện thật đẹp rồi. Chúc đại ca dồi dào sức khỏe và bút lực. Hẹn gặp.

    Trả lờiXóa