NGUYỄN THANH BÌNH - BÔNG DÃ QUỲ TRONG NẮNG CHIỀU THU MUỘN - Tác giả: Mạc Phong Tuyền (Thanh Hóa)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)
NGUYỄN THANH BÌNH
- BÔNG DÃ QUỲ TRONG NẮNG CHIỀU THU MUỘN
*
(Tác giả Mạc Phong Tuyền)
Nguyễn Thanh Bình đến với thơ như bông dã quỳ nở trong nắng chiều thu muộn. Ở cái tuổi tóc lấm sương bay, Nguyễn Thanh Bình hiện ra với tâm thế một người đàn ông mang trong mình bề dày trải nghiệm, đang sung sức khơi dậy mạch nguồn cảm xúc bị lãng quên dưới lớp trầm tích thời gian. Gửi Hồn Vào Đá với 50 thi phẩm là chuỗi ngôn ngữ cấu thành nên sợi dây thi ý trữ tình ăm ắp hơi thở yêu thương, là ấn phẩm đầu tay khai lộ con đường của một chân dung văn học.
Người ta bắt gặp một Nguyễn Thanh Bình với điểm nhấn là một gã thi sĩ quê mùa, ngờ nghệch đeo tay nải lục bát với khát khao cháy cạn mình cho ngọn lửa tình yêu. Đó là câu chuyện kể bằng thơ về mối tình dung hàm nhiều trắc ẩn. Bắt nguồn từ những rung động đầu đời của chàng trai ngực trần mười bảy bắt gặp người thiếu nữ e ấp phía đầu làng:
"Duyên em hương cỏ thơm ngần
Lá che thay nón thiên thần trong mơ"
(Thiên Thần)
Nguyễn Thanh Bình uyển chuyển trong thi pháp khi ca dao hóa âm hưởng ngôn từ tạo nên cấu tứ và thi ảnh vừa đậm nét trữ tình vừa quê kiểng tinh khôi. Nhưng vẫn gợi tưởng trong lòng độc giả về "phản ứng hóa học" thầm thương trộm nhớ của một con tim đã biết tương tư trên lộ trình đến với tình yêu:
"Tóc em giờ đã rối bời
Cho anh gỡ bớt sợi rơi vai mềm..
Lạy trời cho tóc rối thêm
Để anh đứng gỡ suốt đêm không về"
(Tóc rối)
Ái tình là sự hiện sáng của hai tâm hồn, có sức mạnh cải biến những điều bình dị trở thành cao cả linh thiêng. Nguyễn Thanh Bình chắt chiu từng mảnh ghép hiện thực ráp nối thành bức tranh tình yêu lung linh sắc màu và sự thủy chung đã được biểu đạt trở thành một ý niệm:
"Xe lam trở một cuộc tình
Của riêng hai đứa chúng mình mà thôi"
(Xe Lam)
Tháng năm đã đủ rộng, tình yêu đã đủ dài, minh chứng cho đắm say là nụ hôn đã đến hồi viên mãn. Là lúc, con người ta ước mơ về chung một mái nhà. Nguyễn Thanh Bình và tình nhân cũng không phải ngoại lệ. Ở bài "Em mơ về chốn địa đàng" một lần nữa nam thi sĩ tinh tế trong cách dẫn dụ, khi hoán đổi vị trí tâm thức cùng hành động biến nhân vật nữ trữ tình ở vị thể bị động, phận gái thủ thường gói ghém những tâm can thầm kín đã nặng lòng thốt ra tiếng nói "muối mặn gừng cay". Đó chẳng phải là tâm nguyện từ hai phía? Qủa là nghệ ý lưỡng toàn:
"Em mơ Ô Thước bắc cầu
Để anh đến đón nàng dâu về nhà"
Với chỉ hai câu thơ hàm súc mang giá trị phổ quát, Nguyễn Thanh Bình một lần nữa thoát ra khỏi sự sa lầy trong lối hành văn rườm rà kể lể, cũng thoát khỏi địa hạt khuôn sáo của ngôn từ, chú trọng đến tinh lõi tư tưởng thơ, làm nức lòng độc giả, bằng phép khai thác điển tích tình yêu chốn tiên cảnh của chàng Ngưu Lang và nàng Chức Nữ. Đó chẳng phải là pháp ẩn dụ ngầm ví tình yêu của mình son sắt như điển tự đã khắc chép ngàn năm?
Rốt cuộc Nguyễn Thanh Bình đã tìm đến thơ hay thơ tìm đến Nguyễn Thanh Bình? Chỉ có thể trả lời: Cả hai đã tìm đến với nhau là định mệnh. Định mệnh đã sắp đặt cho chàng trai làng và cô thôn nữ mối lương duyên nặng nghĩa mùa - chiêm nhưng cũng tước bỏ đi đêm trăng ước thề và định đoạt cho Nguyễn Thanh Bình một số phận: Tiễn tình nhân theo chồng, nếu ai chưa từng thì sao có thêt khẳng định có nỗi đau nào thăm thẳm hơn?
"Ừ thôi ! Em về với chồng
Mình anh - anh lại nhói lòng xót xa"
(Thất tình)
Điểm đáng lưu ý thi tập HỒN ĐÁ MÙA TRĂNG LẠNH được cấu thành bởi 50 thi phẩm, trong số đó thể Lục Bát được sử dụng tới 40 thi phẩm, đủ thấy hình thức thể hiện mang trọng tâm bám trục cổ thể truyền thống Việt. Nhưng có lẽ huyền ảnh quá khứ dội về vết thương chưa khép miệng đã dấy lên trong tâm khảm Nguyễn Thanh Bình lòng hoài niệm và nỗi đau nhói buốt. Đó là chất xúc tác khiến Nguyễn Thanh Bình trở nên khác lạ - trút bỏ xiêm bào cũ kĩ, khoác lên mình chiếc áo mới của thơ bằng trải nghiệm phi lục bát, có từ tố, thi tứ mang văn phong đương đại nhưng vẫn nồng nàn nỗi nhớ người xưa:
"Em có nghe mùa đông về rất muộn
Áo len choàng chợt thấm nỗi cô đơn"
(Bài diễm xưa anh hát)
Nguyễn Thanh Bình biết cách tạo nên ấn tượng trong lòng độc giả bởi vẻ đẹp tâm hồn. Thường, ít người để ý hệ quả liên đới của một cuộc tình đắm say nhưng ngang trái là tạo nên những cuộc hôn nhân tan vỡ. Nguyễn Thanh Bình lãnh hội đủ sự cao cả của tình yêu và lòng bao dung đón nhận người con gái năm xưa dang dở quay trở về:
"Nguyện làm một chiếc đò ngang
Chở người lỡ bước sang ngang quay về"
(Tình anh đâu mãi trăng rằm)
Đó chẳng phải là sự thủy chung, cao cả? Nhưng trên hết điều đáng ghi nhận và cổ súy là Nguyễn Thanh Bình đã dũng cảm bước ra từ bóng tối tuyên chiến với những quan niệm cổ điển còn tồn sót đã và đang tạo nên vạch dừng cản cấm bước chân của những trái tim lầm lạc trong tình yêu hồi hướng về nhau ...
Trong quá trình khảo cứu, người viết đưa ra luận điểm: Nguyễn Thanh Bình lãng đãng nhưng phồn hậu trong phổ thơ thế thái nhân tình. Nói vậy để người đọc không phải băn khoăn tự vấn: Chẳng nhẽ HỒN ĐÁ MÙA TRĂNG LẠNH toàn rặt thơ tình?
Không! có, lãng đãng nhưng mộc và sâu:
"Trăm năm
Cũng một kiếp người
Ngàn năm
Lời nói, khóc cười còn vang"
(Trăm Năm)
Nguyễn Thanh Bình xót xa cho những cảnh đời bất hạnh, qua góc nhìn chân thực nhưng đầy nhạy cảm, điều đó là mặc nhiên không thể phủ định, đặc biệt nó được thể nghiệm qua hai câu thơ đạt giá trị tu từ đặc sắc, là giọt nước mắt tàng hình khóc thương cho thân phận cụ bà còm cõi kiếp mưu sinh:
Trầu têm ba miếng: rách - lành
Mẹ đem bán cả xuân xanh chợ đời!
Cũng là nén nhang tri ân tới những vị anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì tự do dân tộc:
"Tháng bảy ơi cúi đầu cảm tạ
Dâng hiến người vì nước quên thân"
(Tháng bảy cho anh)
Và sự hướng thượng con người đến với niềm tin tôn giáo, ý hướng tính cứu cánh cho phẩm giá đạo đức nhân bản từng bước suy đồi:
"Chông chênh
hư ảo một miền
không không sắc sắc
cửa thiền đợi ai..."
Ở đâu đó, giữa ánh đèn màu đô hội, Nguyễn Thanh Bình chợt rưng lòng hoài niệm nhớ về Tết Xưa:
"Mẹ gói bánh chưng
Cha chia khổ thịt
mừng vui cả nhà
Anh ngồi tỉa cội mai già
Chị còn ngóng đợi
người xa trở về.."
(Tết xưa)
Chỉ bằng bốn câu thơ với lối diễn dịch mộc mạc, nhưng bàn tay tài hoa đã vẩy nét bút thành cảnh trí tạo nên sức nặng cảnh tình. Đủ để người quan chiêm thụ cảm được hơi ấm gia đình. Nhưng cũng là lời phản tỉnh dành cho hiện trạng xã hội Việt Nam đương thời đang trôi dạt những giá trị mỹ tục thuần phong theo dòng chảy thời gian và sự hòa tan vào văn minh nhân loại.
Đặc điểm khu biệt về bút pháp và các biến thể tu từ nghệ thuật trong Hồn Đá Mùa Trăng Lạnh là lối viết diễn dịch xuyên suốt, mạch thơ khỏe khoắn hào sảng. Có trường ngôn từ giản dị trong sáng, hệ thống thi ảnh và cấu tứ tương đối phong phú trải đều trên nhiều bình cạnh. Đó là những điều đáng ghi nhận ở một tác giả bước đầu xác lập giọng điệu thơ. Bên cạnh đó cũng cần bàn tới những khuyết yếm chiếm tỉ trọng nhỏ còn tồn đọng, có thể kể đến sự đơn điệu về thể - tài, độ dày tư tưởng lý tính truyền tải xét trên phương hệ tầng vỉa còn bộc lộ hạn chế. Quan trọng hơn, nhận thức về sức nặng của sáng tạo cũng chưa được đặt đúng vị thế. Chính vì tất cả những yếu tố đó mà ánh sáng chói lòa của nghệ thuật đã chưa thể chiếu rọi tới đỉnh núi chứa đựng hạt nhân cảm xúc để đủ sức kích hoạt ngòi nổ tạo nên xung chấn ám ảnh trong tâm thức người đọc, Nhưng đó là bước đường tất yếu phải đi qua và không thể tránh khỏi của tất cả các thi nhân đang trong quá trình tự hoàn thiện để tác tạo nên những sản phẩm nghệ thuật tâm hồn toàn bích....
Khái luận thì Nguyễn Thanh Bình là một bông hoa dã quỳ ngan ngát hương thơm trong nắng chiều thu muộn, cũng là một phiến đá hoang sơ chứa đựng tâm hồn người thi sĩ trắc ẩn niềm yêu thương dẫu gặp mùa trăng lạnh..


  
Mời thư giãn với nhạc phẩm CA DAO EM VÀ TÔI
của An Thuyên, qua tiếng hát Quang Linh:
           
*
Hà Nội, tháng 02.2017
MẠC PHONG TUYỀN
Địa chỉ: Hà Lâm, Hà Trung, Thanh Hóa
Email: macphongtuyen@gmail.com 
Điện thoại: 096.480.78.95




.............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 20.06.2018.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.

0 comments:

Đăng nhận xét