LÊN ĐỒNG TRONG TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN - Tác giả: Vũ Quế Lâm (Hà Nội)

Leave a Comment

LÊN ĐỒNG
TRONG TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN
*
(Tác giả Vũ Quế Lâm)
Theo tác giả Thiên Việt thì lên đồng hầu bóng tức cho các Thánh mượn xác nhâp hồn, khi Thánh giáng về được gọi về giá, còn người lên đồng được gọi là ghế, một nghi lễ đặc trưng và tiêu biểu trong việc cúng lễ của người theo tín ngưỡng thờ Tam, Tứ phủ thuộc tín ngưỡng dân gian trong đạo thờ Mẫu (Tam Toà Thánh Mẫu).
Lên đồng hầu bóng hiện nay đã được công nhận là loại hình văn hóa tâm linh, phi vật thể, mang tính đặc thù của dân tộc Việt Nam, không phải loại hình mê tín dị đoan như mọi người trước đây thường nói đến.
Trước đây nhiều người không rõ hình thái lên đồng hầu bóng có quá trình lịch sử, mục đích ý nghĩa như thế nào, nên có những cái nhìn lệch lạc và đánh giá chưa đúng, và gọi những “tín đồ” theo tín ngưỡng thờ Mẫu với giọng mỉa mai là những ông đồng, bà bóng; đánh đồng với cái gọi “cầu hồn nhập xác” của giới đồng cốt, cùng với “xác cậu”, “xác cô” của những người được các phần vong về mượn xác.
Có lẽ trước đây mọi người liên tưởng đến những ai cứ trùm khăn đỏ lên đầu (phủ diện), và lắc lư thân thể để “cầu Thần” là những ông bà đông côt, vì những người này cũng trùm khăn đỏ lắc lư đê “câu Hôn”. Còn đồng cô trong đạo thờ Mẫu, nói về một đồng nam được các vị Thần Thánh thuộc giới nữ giáng về mượn xác để ra đồng, như giá các Chúa, các Chầu hay các Cô nên tưởng đấy là “xác cô”; hay như bóng Cậu khi người lên đồng có giá cậu Bé nhập về, tưởng rằng là “xác cậu”.
Nên cần phân biệt những người được gọi là đồng cốt, hay xác cậu, xác cô thường không xuất hiện từ những đền điện thờ chính thống, không thuộc tín ngưỡng thờ Tam, Tứ Phủ.
Còn lên đồng hầu bóng thuộc hình thức xâm nhập tâm linh, từ các vị được phong Thánh phong Thần, mượn xác nhập hồn vào các nam nữ có căn mạng…trong khung cảnh đèn nhang, lễ nhạc, múa hát, nhằm mục đích tẩy trừ rủi ro, bệnh hoạn trước nhất cho người lên đồng, hoặc trò chuyện, chữa bệnh cho người đến dâng lễ cúng.
Các nghi lễ này giống như hình thức của thuật “khiêu Thần” – sẽ trình bày ở phần sau – một tín ngưỡng thuộc Sa-man giáo có khắp nơi trên thế giới, nhưng mỗi nơi lại có những hình thức phổ biến khác nhau. Như người Di Gan đa số sống ở Trung Âu, khi được nhập hồn trở thành những nhà tiên tri, hay chiêm tinh; những vùng còn lạc hậu có đông đảo thổ dân, bộ lạc sinh sống như ở Nam Mỹ, châu Phi, khi vào nghi thức cúng lễ, họ thường dùng đao kiếm đâm mạnh vào người, hay cho các con vật cực độc như nhện đất, rắn, rết, bò cạp đeo cắn khắp thân thể, rồi đi khắp ngã đường nhảy múa kích động theo dòng nhạc tấu lên dẫn lối đưa đường.
Những người muốn “lên đồng hầu bóng” không phải cứ ngồi trùm khăn phủ diện, rồi lắc lư đầu mà thành những ông đồng, bà bóng. Phải là người có căn mạng với tín ngưỡng thờ Tam hay Tứ Phủ mới có thể mời được các vị Thần Thánh về nhâp xác.
Tín ngưỡng Tam hay Tứ Phủ mang tính chất như :
– Tam Phủ gồm :
1/- Thiên Phủ (phủ nhà trời),
2/- Nhạc Phủ (phủ coi rừng núi)
3/- Thoải Phủ (phủ coi về sông, biển, ao hồ, những nơi thuộc về nước).
– Tứ Phủ gồm ba phủ như Tam Phủ cùng với 4/- Địa Phủ (coi về đất đai).
Trong Tam Phủ hay Tứ Phủ, việc thờ tự chính là ba vị Thánh Mẫu gồm Mẫu Thượng Thiên cai quản miền trời, Mẫu Thượng Ngàn trông coi miền rừng núi, Mẫu Thoải cai quản miền sông nước, và Mẫu Địa trông coi đất đai các vùng miền. Tuy nhiên Mẫu Địa được từng vùng, từng địa phương thờ phụng riêng biệt như Bà Chúa Xứ, bà Chúa Ngọc, bà Chúa Kho v.v… còn thờ chính trong các đền điện chỉ có ban thờ Tam Tòa Thánh Mẫu đã nói trên.
Người muốn “lên đồng” phải thật sự có căn mạng. Việc đầu tiên phải làm lễ đội bát nhang, sau đó tùy theo căn mạng lớn nhỏ mà mở Phủ ra đồng; và cũng tùy vào khả năng mà ra mắt đồng theo dạng tiến căn hay đại đàn. Khi ra mắt đồng phải có đồng thầy làm người đỡ đầu, người dẫn dắt tinh thần từ chứng minh đến dạy dỗ những điều cần thiết khi theo tín ngưỡng thờ Mẫu. Sau này mới được người trong đạo chấp nhận có “căn đồng”.
Thông thường một ông bà đồng một năm phải “lên đồng hầu bóng” ít nhất một vấn (một lần), người có căn Tứ Phủ thường vào tháng ba âm lịch, người có căn Tam Phủ vào tháng tám âm lịch hàng năm, tức những ngày “tháng tám giỗ cha tháng ba tiệc mẹ”.
Giỗ cha tức kỷ niệm ngày mất của Đức Thánh Trần, còn tiệc mẹ là ngày vía Thánh mẫu Liễu Hạnh.
Theo quan niệm thần quyền, mỗi người đang sống đều có một chư thần thuộc thị thần của một trong ba vị Thánh Mẫu (Thượng Thiên, Thượng Ngàn, Thủy Cung) cai quản từ thể xác lẫn tinh thần. Người có căn đồng mà không ra mắt Thánh, thường hay bị thị thần của Thánh quở, hành cho đau ốm, bệnh hoạn thường xuyên; nói theo người có đạo thờ Mẫu, là bị vị thần cai quản bắt đồng; có nghĩa đã được chấm đồng, nếu từ chối ra đồng người đó sẽ hay bệnh hoạn hoặc gặp nhiều vận xui rủi đưa đến.
Còn muốn ra mắt Thánh, bước đầu phải đội bát nhang, để bắt đầu được thừa nhận đã theo tín ngưỡng thờ Tam hay Tứ Phủ, như Phật Giáo cho là Quy Y Tam Bảo, bên Thiên Chúa Giáo gọi là lễ rửa tội, nhưng chưa chính thức được xem là ông đồng, bà bóng.
Muốn đội bát nhang, chủ đền hay thầy cúng sẽ mở sách xem căn, tức xem “quan cai đầu đồng, bà thủ bản mệnh” là thị thần của Thánh đang cai quản họ đang thuộc Phủ nào. Nếu gặp căn nặng đôi khi phải đội đến bảy bát nhang. Khi tôn nhang phải có đồng thầy ra mặt chứng minh. Trước lễ đồng thầy sẽ trùm khăn phủ diện và đội lên đầu người này số bát nhang phải tôn thờ, có sớ ghi tên tuổi cùng căn mạng thuộc Phủ nào (một người chỉ ở một trong tứ phủ).
Khi tôn bát nhang xong, mới tiến đến lập đàn tiến căn hay đại đàn ra mắt Thánh.
Chuẩn bị cho buổi ra đàn (đại đàn hay tiên căn), băt đầu cho lễ tục lên đồng hầu bóng, người ra đồng phải chuẩn bị rất nhiều trang phục cho các vị Thánh giáng về mượn xác.Len dong 2
Màu sắc trang phục cũng được quy định bởi một số màu cơ bản như : màu đỏ (thiên phủ), màu vàng (địa phủ), màu xanh (nhạc phủ), màu trắng (thoải phủ).
Ngoài ra còn chuẩn bị đủ lễ vật. Lễ vật dâng lên Thánh trong một buổi ra đàn mang ý nghĩa quan trọng, gồm bánh trái, hoa quả, rượu, thuốc (ngày xưa là thuốc phiện còn ngày nay là thuốc lá, có giấy vấn màu nâu đen càng đúng nghĩa)… Lễ phải phong phú mang tính đặc trưng của từng giá về ngự về, tức lúc các Thánh hay các Thần linh mượn xác nhập hồn, lễ vật được dâng lên cho các ngài hưởng thụ.
Ra đại đàn phải thủ lễ trong ba ngày. Ngày đầu là lễ cáo yết còn gọi lễ mở đàn, mở phủ, do bốn pháp sư (thầy cúng) ngồi tứ trụ, dâng và đọc sớ, báo tên tuổi cùng căn mạng của người ra đàn lên công đồng.
Ngày thứ nhì vào đàn, tức chính lễ còn gọi lễ ra đàn, có đủ các pháp sư và thầy Địa tạng đọc sớ mời các vị Thánh hay Thần giáng về chứng minh. Sau lễ cúng, người có căn mới thực sự là những ông bà đồng khi được đồng thầy đến phủ khăn và mời các Thánh Thần, các giá giáng ngự vào xác.
Ngày thứ ba lễ tiễn đàn hay lễ tạ, nhằm hóa vàng các thứ đồ mã cúng hiến gồm một thuyền phủ màu cánh phượng, hai bên thuyền có 12 hình nhân nữ ăn mặc sơn trang (áo chàm, áo thổ) đứng chèo, một ngựa với đủ yên cương hà̀m thiếc, một voi… cùng các hình nộm nam nữ, vàng nén bạc thỏi v.v…
Còn ra đàn tiến căn, các nghi lễ cũng không thiếu, nhưng tổ chức đơn giản chỉ diễn ra trong ngày, các mân lễ, vàng mã vừa đủ mang tính tượng trưng.
Người có căn mạng nhà Trần, thường phải ra đại đàn Tam Phủ không ra đàn tiến căn vì sợ bị quở phạt, các nghi thức cũng không gì khác biệt so với đàn Tứ Phủ. Nhưng người căn Tam Phủ, khi ra đồng oai dũng như một võ tướng nhà Trần, họ xiên lình, thắt cổ, rạch lưỡi, uống dầu sôi, ngậm nhang cháy v.v… rất ít thanh đồng nào thực hiện được nếu không có căn mạng nhà Trần, tức căn Trần Triều Đại Vương, một vị Thánh cả trong Tam Phủ. Trong tín ngưỡng thờ Tam, Tứ Phủ mọi người rất trọng vọng người có căn mạng nhà Trần.
Bắt đầu một buổi lên đồng, người ra đồng trình lạy đủ ba lễ mới trùm khăn phủ diện, bắt đầu đảo người. Trong lúc đảo, nếu người ra đồng đưa ra một ngón tay, đó là biểu hiện giá Quan đệ nhất giáng về, cung văn theo giá đồng xuất hiện liền hát những bài thơ văn thích hợp với tính cách của vị Thần, Thánh đó.
Sau đó người lên đồng mới bỏ khăn phủ diện ra, các hầu dâng (người phục vụ) bấy giờ thay khăn áo cho đúng tính cách của vị Thần Thánh vừa nhập xác thanh đồng. Sau khi khăn áo chỉnh tề, người lên đồng với một bó nhang to đứng lên tấu lễ trước cung Thánh.
Người ra đồng cầm bó nhang bằng tay trái, còn tay phải rút lấy một cây từ trong bó nhang, hướng về các hướng làm động tác phù phép gọi là khai khuông, nhằm xua đuổi tà ma, các phần vong hiếu kỳ.
Làm phép khai khuông xong Thánh đã nhập hẳn vào xác. Người lên đồng bấy giờ không còn là họ, vì xác đã thuộc về thần linh, còn hồn đang phách tán đâu đó.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, lúc này yếu tố xuất thần, tự thôi miên đã giúp họ nhảy múa một cách uyển chuyển, nhịp nhàng hay kích động mà bình thường họ không thể tự nhảy được. Đó chính là sự hứng khởi mang tính tâm linh, chỉ nhập vào một số người có căn mạng.
Múa đồng là hình thức diễn xướng được cách điệu hóa, khẳng định sự tái sinh của thần linh. Bởi vậy tùy theo từng vị Thánh, Thần mà động tác nhảy múa cũng khác nhau. Nhưng nhìn chung, các điệu nhảy múa đều mang âm hưởng của chèo cổ và múa nhảy dân gian. Mỗi động tác nhảy múa trong các giá khắc họa tính cách, vị trí của mỗi vị thần linh đang được ông đồng, bà bóng thể hiện trên sàn chánh điện.
Tuy nhiên trong trạng thái phấn kích do tự thôi miên, người lên đồng nhiều khi có thể nhảy múa tự do vượt ngoài lề luật, do phấn kích với lời ca, tiếng đàn tiếng trống của cung văn khởi xướng. Khi múa đồng (múa thiêng), các ông bà đồng còn sử dụng một số đạo cụ như mồi đuốc, kiếm, đao, hèo (gậy), mái chèo, quạt, cờ…
Khi nhảy múa xong, các Thánh thường ngồi nghe cung văn hát, thí dụ như giá ông Hoàng Mười nhập về, cung văn ngâm các bài thơ cổ. Thánh biểu hiện sự hài lòng bằng động tác vỗ gối và thưởng tiền.
Lúc này người đến dự lễ mới đến gần Thánh để cầu xin hoặc nghe Thánh phán… đây cũng là lúc Thánh ngồi chữa bệnh, trò chuyện hay phát lộc.
Khi Thánh muốn xuất khỏi xác, ngài ra dấu bằng hai tay bắt chéo trước trán, quạt che đỉnh đầu, rồi khẽ rùng mình… tức Thánh đã thăng.
Buổi ra đồng kết thúc khi ông bà đồng hầu hết giá Cậu Bé. Một buổi lên đồng hầu bóng có thời gian kéo dài ít nhất hai tiếng và dài nhất đến sáu, bảy tiếng, tùy theo các Thánh giáng về nhiều hay ít giá.
Mỗi lần lên đồng “cầu Thần nhập xác” có rất nhiều nghi thức phức tạp, theo nhận xét những người theo tín ngưỡng thờ Tam, Tứ Phủ phải là người có căn mạng, nếu không sẽ trở thành đồng đá, vì không có Thánh Thần nào về mượn xác nhập hồn.
Lên đồng là một nghi lễ thờ cúng trong tín ngưỡng  dân gian, thường tổ chức trong các đền, điện lớn, những nơi được vua chúa xưa sắc phong (sau này là Quyết Định được chánh quyền công nhận), những điện nhỏ tại gia đều mang tính cách gia đình.
Trong các đền điện, người ta thấy có rất nhiều đồ mã được treo trên trần với đủ ngũ sắc như nón quai thao, nón chóp, đèn lồng, thuyền ghe… nhiều kích cỡ, phía dưới có ngựa, có voi. Ngoài ra mỗi cung thờ Thánh đều có lọng vàng, tán quạt đặt hai bên. Nơi cung võ, người ta còn thấy bộ chấp kích to lớn bằng đồng thau sáng bóng.
Sở dĩ có những vật trên vì từ Tam Tòa Thánh Mẫu đến Ngũ vị tôn quan, các Chúa, Chầu, các quan Hoàng, các Cô, Cậu đều là các vị Thánh hay Thần có nhiều nguồn gốc, từ người Kinh đến người dân tộc thiểu số, sống ở đồng bằng hay những vùng núi non, sông biển, cũng như từ mọi miền trên đất nước.
Trên nóc đền luôn có hai con rắn đưa đầu vào chầu cung Thánh Mẫu, là thần Giao Long hay Kỳ Cùng đại Vương, hóa thân của Quan Đệ Ngũ, vì thế mọi người thường cung kính gọi hai ngài bằng Ông Lốt. Rắn trắng có tên Quan lớn Ba, rắn màu sẫm có tên Quan lớn Năm.
Trong chầu văn thường hát trong giá hầu bà Chúa Ba (tức Mẫu đệ tam, Thủy tiên Thánh Mẫu, Mẫu Thoải, bên Phật giáo gọi bà Chúa Ba là Quan Âm Diệu Thiện) rằng, rắn thần có công đưa công chúa Liễu Hạnh đi gặp Thủy Long Vương xin trị thủy. Ông Lốt được đề cập, thường kịp thời cứu khốn phò nguy, được phong Thượng Đẳng thần cứu quốc.
Quan lớn Tuần Tranh rất ít về ngự giá nhập xác người lên đồng, nhưng khi về bao giờ cũng giáng sau các giá cậu Bé, có động tác đặc trưng mô phỏng như hình con rắn lượn, người lên đồng nằm dài được trùm toàn thân bằng khăn nhiễu đỏ, rồi bò đi như hình zích zắc.
Một ban thờ sơn trang như một hòn non bộ cỡ lớn, có núi, có suối, trang trí bà Chúa Sơn Trang (tức Thánh mâu Thượng Ngàn) đứng cùng 12 thị nữ kinh thượng theo hầu rải rác trên trang; ngoài ra trên sơn trang còn thờ bà Chầu Mười Đồng Mõ và Chầu Chín.
– Nằm dưới hạ ban là hình một con hổ to, có nơi tạc thành tượng, có nơi chỉ một bức tranh vẽ. Là Ngũ Dinh hay là Ngũ Hổ tôn quan ngự trị ngũ phương :
* Hoàng hổ tướng quân trấn Trung khu (Địa khu)
* Hắc hổ tướng quân trấn Bắc khu (Thủy khu)
* Bạch hổ tướng quân trấn ở Tây khu (Kim khu)
* Xích hổ tướng quân trấn ở Nam khu (Hỏa khu)
* Thanh hổ tướng quân trấn ở Đông khu (Mộc khu).
Khi giáng đồng, ông Dinh cũng như Quan lớn Tuần Tranh thường giáng vào cuối giá cậu Bé, người lên đồng được ngài nhập phải trùm khăn đỏ và vào tư thế một con hổ ngồi, dâng nhang bằng miệng. Ông Dinh cũng như Ông Lốt rất ít xuất hiện, phải người có căn mạng lớn mới được các ngài về ngự.
Nói về người có căn mạng Trần Triều, khác với người có căn Bà, căn Cô hay căn Ông Hoàng, Bà Chúa. Người mang căn mạng nhà Trần thường là những đồng nam. Trong giới đồng thường ví “một đồng nam hơn ngàn đồng nữ”, thứ nhất đa số nam giới không tin vào việc “cầu Thần nhập xác”, thứ hai họ cảm thấy xấu hổ khi ra đồng phải đứng nhảy múa trước đám đông, thứ ba người đời thường mỉa mai họ là dân đông bóng, như muốn ám chỉ họ thuộc dạng biến thái, pê-đê… nên chuyện bị bắt đồng nếu có, ít người chịu ra đàn để lên đồng hầu bóng theo lệ thường.
Người có căn Trần Triều, ngoài Đức Thánh Hưng Đạo Đại Vương về nhập xác, còn có những vị vua, vị tướng thời nhà Trần được phong Thần, phong Thánh, cũng thường giáng về ngự giá, giới nữ đa số không có căn Trần Triều hoặc có chỉ thuộc căn nhẹ.
Sự linh hiển của Đức Hưng Đạo Đại Vương tại đền thờ Kiếp Bạc, lúc khởi đâu được mọi người sùng bái gọi ngài là Thần (vì ngài là Thành Hoàng của làng Kiếp, làng Bạc), sau được nhiều đời vua Trần, Lê, Nguyễn phong chức Thánh thuộc Thượng Đẳng thần, nên cách xưng tụng được đổi thành Đức Thánh Trần hoặc Trần Triều Đại Vương. Người dân cho rằng Đức Thánh Trần rất linh hiển, ngài luôn giáng về để trừ ma diệt quỷ cứu nhân độ thế; những người bị cho ma ám quỷ hành, đưa đến gặp ngài ắt sẽ khỏi bệnh.
Người có căn nhà Trần khi ra hầu đồng, giá Trần Triều được giáng về đầu tiên. Ngài uy dũng ra oai cầm thương đao kiếm múa võ; có khi dùng một dải lụa thắt chặt bụng và cổ cho thấy khuôn mặt tái xanh không còn máu đỏ luân lưu là thật. Để làm bùa trừ ma diệt quỷ, ngài cắt lưỡi phun máu vào những lá bùa được lập sẵn để khai khuông. Ai có những lá bùa này đều tin sẽ trừ được tà ma quỷ ám, chúng sẽ không dám đến quấy phá nữa; trẻ con mới sinh hay khóc đêm nếu lấy lá bùa gối dưới đầu giường nó sẽ không còn khóc đêm.
Những người bị coi là ma nhập, đem lá bùa đốt và tán với nước cho uống, tức thì con ma phải xuất ra khỏi người ! Còn không trừ được bằng bùa, ngài dùng dầu sôi hay cả bó nhang ngậm trong miệng mà phun vào nạn nhân để đuổi tà ma, yêu quỷ.
Ngài còn nhập đồng khi thể hiện qua hình thức xuyên lình. Tức dùng hai cây dùi (gọi là lình) đâm vào hai bên má, khi rút ra không còn tì vết; ở đền Kiếp Bạc vào dịp giỗ Đức Thánh Trần có lễ rước kiệu Thánh, nhiều đồng nam cao niên đi theo sau kiệu đã xuyên những cái lình dài qua má, vào làn da thái dương hay ngay cổ họng… có người xuyên hông hoặc xuyên thẳng vào bụng, mà chưa từng học qua việc luyện nội công hay thần quyền.
Lình thường làm bằng đồng thau, loại tiểu dài cỡ 4 tấc có đường kính từ 2,5 đến 3 ly, loại trung dài khoảng 7 tấc đường kính 4 đến 5 ly và loại tạ dài cả thước đường kính 5 đến 6 ly, loại dài người xuyên lình khó buộc chặt vào người, nên cần có người đỡ hai bên chuôi

           
Mời thư giãn với nhạc phẩm KHÚC XUÂN của Võ Thiện Thanh
qua tiếng hát Thanh Thảo, Dương Triệu Vũ:
           
*.
VŨ QUẾ LÂM (tên thật: Nguyễn Quế Lâm) giới thiệu
Địa chỉ: Thôn Thanh Thủy, xã Đông Xuân,
huyện Sóc Sơn, tỉnh Hà Nội.      
                                .
.




  ........................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 01.12.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét