(Nhà thơ Nguyễn Thị Thúy Ngoan) |
ĐẾN VỚI BÀI
THƠ HAY:
VIẾT Ở ĐỀN THỜ TRẠNG TRÌNH
VIẾT Ở ĐÊN THỜ TRẠNG TRÌNH
Người ơi! Con cúi lạy
Người
Khói hương lãng đãng
trắng trời Trung Am
Cho con ý ngọc lời vàng
Câu thơ san sẻ ngổn
ngang khóc cười...
Phận con hóa đá lâu rồi
Mây trôi bèo dạt bên trời
dở dang
Trên đầu đội mấy vòng
tang
Sợi dọc thương mẹ, sợi
ngang nhớ chồng
Cò gầy còn có bến sông
Con đi mót tép phố đông
không bờ
Đàn con ngơ ngác bơ vơ
Nuôi con héo xác, ẵm thơ
rạc hồn
Cò gầy biết tránh bão
giông
Con như cỏ dại giữa đồng
tả tơi
Xin người chữ vãi chữ
rơi
Nỗi đau dìm xuống, nụ
cười vớt lên
Cho con chân cứng đá mềm
Để con chèo lái vén đêm
sang ngày
Phận con sung chát gừng
cay
Câu thơ lam lũ heo may
thổi tràn
Sân đền rụng kín lá vàng
Cây hương lặng lẽ thở
than nỗi gi?
*
Tháng 10 năm 2005
NGUYỄN THỊ THÚY NGOAN
LỜI BÌNH:
(Tác giả Vũ Bình Lục) |
Trạng Trình là ai vậy? Đó chính là Nguyễn Bỉnh
Khiêm, người làng Trung Am, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng (xưa là huyện
Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương). Nguyễn Bỉnh Khiêm đỗ Trạng nguyên ở đời Mạc Đăng
Doanh, làm quan cho nhà Mạc 8 năm, đến chức Thượng thư bộ Lại, rồi cáo quan về
nhà dạy học. Trước đó, Nguyễn Bỉnh Khiêm được nhà Mạc ban tước Trình Tuyền Hầu,
đến khi về hưu lại ban thêm tước Trình Quốc Công, nên dân gian quen gọi là
Trạng Trình. Ngài dựng TRUNG TÂN QUÁN để giao du với các văn nhân tài tử và
chính khách trong thiên hạ, trở thành một nhân vật lịch sử và văn hóa lỗi lạc.
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm chính là danh nhân văn hóa lớn nhất thế kỷ 16 ở
nước ta.
Nhà thơ Nguyễn Thị Thúy Ngoan cùng quê Vĩnh Bảo với
cụ Trạng Trình. Chị thường về thăm nhà, rồi sang thắp nhang bên đền thờ Trạng
Trình, trước là để tưởng nhớ một nhà văn hóa lớn của quê mình, sau nữa là để
cầu xin cụ Trạng che chở cho mình trong cuộc đời chìm nổi lênh đênh bé mọn của
kẻ hậu sinh. Bài thơ VIẾT Ở ĐỀN THỜ TRẠNG TRÌNH, có lý do riêng như vậy đấy!...
Người ơi con cúi lạy
Người
Khói hương lãng đãng
trắng trời Trung Am
Cho con ý ngọc lời vàng
Câu thơ san sẻ ngổn
ngang khóc cười...
Đấy là những câu thơ mở đầu, khái quát cái tâm
thành của kẻ đến sau, với anh linh của Tuyết Giang Phu Tử. Cụ Trạng là bậc thầy
của rất nhiều danh sĩ trong khắp thiên hạ, cũng là bậc “sư biểu” của muôn đời.
Ngài đã bay lên mây trắng, hóa thành mây trắng, nhưng anh linh Ngài dường như
vẫn đang quanh quẩn đâu đây trong “khói
hương trắng trời Trung Am”, để cháu con từ khắp nơi về thành kính dâng
hương trước anh linh Ngài, để tưởng nhớ, để suy tư về cõi người dâu bể, để cầu
xin Ngài cảm thấu và chia sớt nỗi niềm... Thi nhân Thúy Ngoan thầm
thì thổn thức kể lể với tiền nhân những điều gì vậy?
Phận con hóa đá lâu rồi
Mây trôi bèo dạt bên
trời dở dang
Trên đầu đội mấy vòng
tang
Sợi dọc thương mẹ, sợi
ngang nhớ chồng
Đấy! Mới chỉ nghe qua vài tiếng, cũng đã thấy rõ
hình tượng nhân vật trữ tình chủ thể. Một người đàn bà đa đoan phận bạc, chìm
nổi, “mây trôi bèo dạt”, suốt đời xót
thương người mẹ tảo tần của mình đã về với đất. Thêm nữa, cũng đã từ lâu lắm
rồi, người chồng yêu quý của chị đã bỏ mẹ con chị mà ra đi mãi mãi. Cho nên,
đau thương này lại còn chồng chất lên nỗi đau khác. Mái tóc trên đầu đã ngổn
ngang sợi nhớ sợi thương, tưởng như tấm thân mỏng manh của người đàn bà góa
bụa, bộn bề trong nỗi cô đơn sâu thẳm không thể nào chịu nổi. Tác giả phải tự
dằn lòng mà tự thú với tiền nhân, rằng “Phận
con hóa đá lâu rồi”, chỉ còn lại một kiếp sống thừa, vương vãi ở cái thế
gian nổi chìm dâu bể này thôi. Như thế, dường như cảm thấy vẫn chưa là đủ, tác
giả còn kể lể thêm với tiền nhân về nỗi đọa đày, khó nhọc trong cái lưới đời
giăng mắc như một định mệnh nghiệt ngã không sao gỡ ra được, rằng:
Cò gầy còn có bến sông
Con đi mót tép phố đông
không bờ
Đàn con ngơ ngác bơ vơ
Nuôi con héo xác, ẵm thơ
rạc hồn
Ví thân phận lẻ loi cô độc của mình như thân phận
con cò mót tép bên bờ sông vắng, cũng không phải là mới là lạ, nhưng “con đi mót tép phố đông không bờ” thì
lại là một so sánh hợp lý và sáng tạo, nó có thể tạo ra vô số những liên tưởng
mới, mở thêm nghĩa mới cho hình ảnh thơ. Người mẹ trẻ góa chồng, phải bươn bả
vật lộn với cuộc đời, để nuôi cái xác thân vốn đã gày rạc của mình, lại còn
phải chăm lo bú mớm cho đàn con đang còn trứng nước, đã là một sự khốn khổ lắm
rồi. Điều này, tuy vậy, vẫn chưa phải là thật hiếm ở đời. Nhưng mà “nuôi con héo xác, ẵm thơ rạc hồn” thì
lại là một nỗi riêng tư chồng chất. Một duyên mà ba bốn cái nợ đời đè lên như
thế, vừa “nuôi” vừa bế “ẵm” vất vả như thế, chả trách sao mà
thân xác và hồn vía người đàn bà “Mười ba
bến nước” cũng phải “héo” đi,
cũng phải “rạc” đi, chứ còn sao
nữa!
Kể lể như thế, giãi bày như thế, tưởng đã là đầy đủ
lắm rồi, nhưng người đàn bà góa bụa đeo đẳng bế ẵm cả nghiệp thơ, vẫn chưa thôi
nức nở. Nàng còn tiếp tục giãi bày thêm nữa về cái thân phận “con cò lặn lội bờ sông” của mình. Rằng
con cò gầy kia, dẫu cho có bão có giông chăng nữa, thì nó vẫn còn “biết tránh bão giông”, còn có khả năng
tự vệ, chứ còn như phận con thì chả khác gì “cỏ dại giữa đồng tả tơi”, sức nào mà chịu cho thấu hở trời! Thế
nên, con phải cầu xin Ngài, cho con một chút chữ nghĩa, hay là ít ra cũng nhặt
nhạnh được dăm ba “chữ vãi chữ rơi”
của Ngài. Để làm gì vậy? Thì đây:
Xin Người chữ vãi chữ
rơi
Nỗi đau dìm xuống, nụ
cười vớt lên!
Hóa ra, chữ nghĩa đôi khi cũng có thể giúp con
người, cứu rỗi con người những khi hoạn nạn, những khi bế tắc cùng đường. Hơn
thế, nó còn có thể giúp con người biết tự dìm đi nỗi đau riêng, để hồ hởi, tin
tưởng mà đứng lên tự cứu lấy mình, để được tiếp tục sống và hy vọng. Quả là hai
câu thơ vào loại đặc sắc, thi sĩ phải có tài mới viết được. Câu “Nỗi đau dìm xuống, nụ cười vớt lên” đối
ý, đối lời, tạo ra vẻ đẹp riêng cân đối, toát lên ý chí và nghị lực thật đáng
quý! Thúy Ngoan đã sáng tạo được hai câu thơ rất có thần thái, giàu nội hàm mĩ
cảm. Nếu không phải là người trong cuộc, nếu không từng trải qua thân phận “sung chát gừng cay” dầu dãi với đời, sao
có thể viết được những câu thơ gan ruột cháy lòng như thế?
Hai câu thơ cuối bài, nữ sĩ lại trở về vi cõi thực,
sau những miên man giãi bày dường như bất tận về thân phận:
Sân đền rụng kín lá vàng
Cây hương lặng lẽ thở than
nỗi gì?
Thực và ảo, cõi lòng và cõi tâm linh huyền bí như
hòa lẫn vào nhau, tình thơ, ý thơ như không thể nào đứt đoạn. Cái hay của VIẾT
Ở ĐỀN THỜ TRẠNG TRÌNH của Nguyễn Thị Thúy Ngoan, trước hết là ở chỗ tình điệu
chân thành, tha thiết và nồng ấm hơi người, nồng ấm tình đời trong cảm thức sâu
thẳm. Thơ vắt ra từ nỗi đau đời, từ hồn vía thi nhân, tự thân nó đã tạo ra sức
truyền cảm lớn với đồng loại. Và nếu như có thêm sự sáng tạo của tài hoa, tất
sẽ có một tuyệt phẩm để lại cho đời, chẳng phải vậy hay sao?...
Mời thư giãn với nhạc phẩm TRÊN ĐỈNH PHÙ VÂN
của Phó Đức Phương, qua tiếng hát Mỹ Linh:
*
Hà Nội, tháng 11 năm 2015
VŨ BÌNH LỤC
Địa chỉ: thôn Ngọc Chi, xã Vĩnh Ngọc
huyện Đông Anh, tỉnh Hà Nội.
Email: vubinhluc184@gmail.com
Điện thoại: 097.366.05.79
.
.
.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ email: ngocthai1948@gmail.com gửi ngày 13.01.2016.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
0 comments:
Đăng nhận xét