VĂN HỌC VIỆT CHỈ CÓ THỂ NHẢY VỌT KHI CÓ BIẾN CỐ LỊCH SỬ? - Tạp bút Mạc Phong Tuyền (Thanh Hóa)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)
VĂN HỌC VIỆT CHỈ CÓ THỂ NHẢY VỌT
KHI CÓ BIẾN CỐ LỊCH SỬ?
*
(Tác giả Mạc Phong Tuyền)
Văn học là nhân học, tức con người là chủ thể sáng tác và cũng là đối tượng hướng tới của sản phẩm nghệ thuật. Văn học phản ánh tự nhiên và xã hội. Vì vậy, con người có lịch sử thì văn học cũng có lịch sử (gọi tắt là văn học sử), cả hai gắn liền và mật thiết. Do vậy, những biến cố lịch sử tạo nên biến động, sức bật và sự dịch chuyển của văn học.
Lịch sử thế giới có hai thời kỳ bậc nhất nhất biến động, đó là khoảng thời gian thế kỷ 13-14 khi đế chế Mông Cổ dưới sự chỉ huy của Thành Cát Tư Hãn cùng di duệ, bấm vó ngựa thôn tính gần trọn vẹn châu Á và phần lớn lãnh thổ châu Âu, tới tận bờ biển Đen. Và thế kỷ 19 - 20, thời kỳ phát triển mạnh mẽ của chủ nghĩa đế quốc thực dân, sự bùng nổ của chủ nghĩa độc tài phát xít và sự hình thành trỗi dậy của chủ nghĩa xã hội. Hệ lụy của mâu thuẫn ý thức hệ sinh ra kỷ nguyên đen tối của loài người (xét trên phương diện chiến tranh) mà bằng chứng là hai cuộc thế chiến, lần 1 (1914-1918) và lần 2 ( 1938-1945), cùng với đó là cuộc chiến tranh Việt Nam. Chiến tranh Việt Nam giai kỳ (1954-1975) không còn mang đặc trưng của cuộc nội chiến người Việt với người Việt, giữa Việt Nam Cộng Hòa và Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam nhằm thống nhất hai đầu nam bắc, mà mang bản chất là cuộc chiến tranh thế giới thu nhỏ. Dải đất chữ S trở thành "trung tâm" của thế giới, là đấu trường, võ đài trực tiếp so găng tranh giành vị thế chính trị và sức mạnh quân sự của hai ý thức hệ tư bản đế quốc và cộng sản chủ nghĩa, giữa Mỹ và Liên Xô. Dưới sự tác động GHÊ GỚM của bối cảnh lịch sử nhân loại, văn học thế giới thế kỷ 19-20 phát triển đột phá, trở thành kỷ nguyên huy hoàng với sự khai phá tuyên ngôn của hàng chục trào lưu, trường phái sáng tác, điển hình có thể kể tới : Siêu Thực, Ấn Tượng ,Tượng Trưng, Vị Lai, Hiện Thực, Lãng Mạn, Hiện thực Huyền Ảo, Hiện Sinh..... Kéo theo hàng loạt sự ra đời của khuynh hướng, chủ nghĩa nghiên cứu phê bình văn học: Phê bình cấu trúc, giải cấu trúc, phê bình phân tâm học, phê bình hiện sinh, phê bình hình thức, phê bình thi pháp học, phong cách học, tu từ pháp, phê bình chủ đề, trình văn bản, phê bình tác giả ... Hàng trăm văn nhân và tác phẩm mang tầm cỡ thế giới có giá trị vượt thời đại: Anna Karenina, Chiến tranh và hòa bình (đại văn hào Leo Tolstoy). Thép đã tôi thế đấy ( Nicolai A.Otrovsky ). Trăm năm cô đơn (Gabriel Garcia Marquez), Anh em nhà Karamazov (Fyodor Dostoevsky), Bắt trẻ đồng xanh (J.D. Salinger ), Sông Đông êm đềm (Mikhail Aleksandrovich Sholokhov), Quý bà Bovary ( Gustave Flaubert), Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn (nhà văn Mỹ Mark Twain).....
Ở Việt Nam:
Các loại hình nghệ thuật nói chung và văn học, văn chương nói riêng chỉ thật sự có sức chuyển mình mạnh mẽ từ đầu thế kỷ 20, trong bối cảnh đấu tranh khởi thoát ách đô hộ của thực dân pháp, phát xít Nhật. Và quá trình tiếp nhận chủ nghĩa Mác Xít, điển hình là sự ra đời của đảng cộng sản Đông Dương làm hạt nhân thúc đẩy nên PHONG TRÀO THƠ MỚI 1930 - 1945 với hàng loạt các tác giả tiêu biểu: Tản Đà, Thế Lữ, Hàn Mạc Tử, Xuân Diệu...
Hàng loạt nhà phê bình chất lượng như Trần Trọng Kim (nhà văn hóa, lịch sử, nguyên thủ tướng Đế quốc Việt Nam - chính quyền do Vương triều Bảo Đại thành lập dưới sự bảo hộ của phát xít Nhật, tồn tại trong 5 tháng từ T4/1945-T8/1945), Thiếu Sơn, Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan, Đặng Thái Mai, Hải Triều, Phan Khôi, Trần Thanh Mại, Đào Duy Anh, Lê Thanh, Kiều Thanh Quế, Trương Tửu...
Tiếp sau đó là GIAI ĐOẠN VĂN HỌC HIỆN ĐẠi THEO ĐịNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA phục vụ kháng chiến ở Miền Bắc, các tác giả được đông đảo độc giả biết tới là Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Huy Cận, Tô Hoài, Nam Cao, Nguyễn Duy, Nguyên Ngọc....
Song song với đó là hoạt động sáng tác phục vụ văn hóa, giảng dạy của văn nghệ sĩ miền nam (dưới thể chế Việt Nam Cộng Hòa) những tác giả tiêu biểu chiếm được nhiều tình cảm của độc giả là Nhã Ca, Túy Hồng, Huy Văn, Bình Nguyên Lộc, Võ Phiến, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu... Rất tiếc đa phần các tác giả kể trên không được, hoặc rất hạn chế lưu danh vào văn học sử dân tộc và hầu hết các tác phẩm in ấn của họ bị thu hồi, tiêu hủy... Do bị quy kết văn hóa đối nghịch chế độ, sau mốc lịch sử 1975 thống nhất đất nước và đảng Cộng Sản thiết lập chính quyền trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Giai kỳ 1975 đến nay, một phần giới mộ điệu gọi văn học Việt Nam bước vào giai đoạn "HẬU HIỆN ĐẠI" còn riêng chủ ý cá nhân người viết - Mạc Phong Tuyền tạm gọi là văn học đương đại. Bởi lẽ gọi là hậu hiện đại thì chẳng nhẽ hậu thế của chúng ta sau này lại phải thêm 2 hay 3 hoặc rất nhiều chữ HẬU sau chữ HIỆN ĐẠI để phân giới các thời kỳ văn học về sau?
Ở giai kỳ đương đại này, văn học Việt Nam phát triển đồng bộ, nhưng "tương đối trầm lắng" vì không xuất hiện nhiều tác giả, tác phẩm xuất chúng. Điều đó mang tới thực trạng khó khăn cho người làm công tác khảo cứu, phân hạng... Tìm ra những gương mặt vượt bậc đại diện cho nền văn học. Đó là hệ quả thiếu sự tác động của biến cố lịch sử đất nước.
Ngày nay, có nhiều văn nhân nghệ sĩ hô hào, cổ súy cho việc tạo nên sự đổi mới, bộ mặt mới, sức bùng nổ đột biến của văn học Việt Nam... Đó là nguyện vọng chính đáng với mong muốn văn học Việt tỏa sáng, xứng tầm châu lục và thế giới. Nhưng phương hướng và quá trình thực hiện là vấn đề nan giải, khi ý thức hệ cổ điển còn bao trùm lên gần như toàn bộ hệ thống, nhân lực và vật lực sáng tác. Và đặc biệt hơn khi không có BIẾN CỐ LỊCH SỬ DÂN TỘC thì khó lòng tạo nên BƯỚC ĐẠI NHẢY VỌT THẦN THÁNH CỦA VĂN HỌC DÂN TỘC?


           
Mời thư giãn với nhạc phẩm VỀ VỚI XỨ THANH
của Nguyễn Tiến, qua tiếng hát Huyền Trang:
           
*
MẠC PHONG TUYỀN
Địa chỉ: Hà Lâm, Hà Trung, Thanh Hóa
Email: macphongtuyen@gmail.com 
Điện thoại: 096.480.78.95






.............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 20.06.2018.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.

0 comments:

Đăng nhận xét