NHÀ THƠ QUANG HUY - TỪ “HƯ VÔ” ĐẾN “NỖI NIỀM THỊ NỞ” - Tác giả: Phạm Khải (Hà Tây)

Leave a Comment
(Nhà thơ Quang Huy ; Nguồn ảnh: internet)
NHÀ THƠ QUANG HUY - TỪ
HƯ VÔ ĐẾN NỖI NIỀM THỊ NỞ
*
(Tác giả Phạm Khải)
Nhiều nhà thơ nổi tiếng đã nói tới cái khó của thể thơ lục bát. Xuân Diệu thậm chí còn tiết lộ ông rất "sợ" thơ lục bát, rất ít viết lục bát, vì sợ thất bại. Trong quan niệm của ông, đây là loại thơ dễ làm nhưng khó hay, phải làm sao để nó "giản dị, thanh thoát và không tầm thường dung tục".
Quang Huy cũng có chung nhận định như vậy, mặc dù điều ấy không ngăn trở việc anh năng dùng thể thơ này. Trong thi đàn, anh được xem là người viết lục bát vững tay nghề. Bình thường anh viết ậm ạch nhưng riêng với thể thơ lục bát, anh như được thoát xác, thăng hoa. Đa phần các bài của anh đều có hình ảnh "bắt mắt", âm điệu xuôi tai. Nó có thể chinh phục người đọc ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên. Tuy nhiên, về lâu về dài, mỗi bài thơ cần như một con sông, nước vẫn êm đềm chảy trôi song phải có phù sa lắng lại. Như với trường hợp các bài "Hư vô", "Nỗi niềm Thị Nở", theo tôi, đây là hai bài vào loại đặc sắc của Quang Huy, cũng là đặc sắc của thi ca đương đại Việt Nam. Nó hoàn toàn đủ để chứng minh sức lay cảm ở thể loại thơ lục bát của anh.
"Hư vô" là bài thơ đẹp một cách trang nhã, ý tứ thâm trầm sâu sắc, thể hiện ở tác giả sự kinh lịch việc đời và cả kinh nghiệm việc… thơ: "Cái gì cũng có một thời/ Bao nhiêu máu chảy trong lời vua ban/ Cái gì rồi cũng tiêu tan/ Bao nhiêu xương trắng nằm oan dưới mồ/ Cái gì rồi cũng hư vô/ Bao nhiêu tượng gỗ lên chùa ngồi chơi/ Cái gì rồi cũng rụng rơi/ Quả trên vườn Cấm, hoa nơi Địa - đàng/ Chỉ còn mãi với thời gian/ Tình yêu tự thuở hồng hoang dại khờ…". Thông điệp của bài thơ khá rõ ràng: Mọi cái thảy rồi cũng qua, chẳng có gì là vĩnh cửu, từ quyền lực tới đức tin của con người. Chỉ tình yêu là đáng tôn thờ, là còn mãi. Vậy mà con người vẫn luôn làm khổ nhau. Máu vẫn không ngừng đổ và nỗi oan khuất thì muôn đời vẫn chất chồng xương trắng… Không chỉ sâu sắc trong ngẫm ngợi sự thế, Quang Huy còn chặt chẽ trong chọn lựa chi tiết, hình ảnh. Chỉ tiếc là hai câu kết chưa thực tương xứng với vấn đề mà tác giả đặt ra. Gì chứ "Gắng ngồi viết cạn bài thơ/ Bài thơ liệu có hư vô như mình?", kết thế là hơi gượng. Một khi nội dung chính của bài thơ nói tới những cái lớn lao như thời thế, kiếp người, việc đem chuyện… làm thơ vào đây đã ít nhiều làm giảm cấp độ cảm xúc của bài thơ.
Nếu như trong "Tuyển tập thơ lục bát Việt Nam" in ra năm 1994 ở Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, Quang Huy đã chọn bài thơ đại diện cho mình là bài "Hư vô" thì ở các tuyển thơ khác sau này, như "Tuyển tập thơ tình Việt Nam thế kỷ XX" (Nhà xuất bản Thanh niên, 2001), anh lại thay bằng bài "Nỗi niềm Thị Nở". Giống như "Hư vô", bài này cũng được anh sáng tác trong năm 1993. Theo tôi, đây mới thực là bài thơ đạt đến độ hoàn mỹ của Quang Huy.
Nhiều bạn đọc đã biết, Chí Phèo và Thị Nở là hai nhân vật chính trong truyện "Chí Phèo" của Nam Cao. Đây là hai nhân vật nổi đình nổi đám và có sức điển hình hóa thuộc loại bậc nhất trong văn chương Việt Nam. Sau Nam Cao, đã có một số tác giả tiếp tục cho hai nhân vật này dung dăng dung dẻ trên trang sách của mình. Về văn xuôi, tôi nhớ có tiểu thuyết "Chí Phèo mất tích" của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu và tiểu thuyết "Hậu Chí Phèo" của nhà văn Phạm Thành. Ở mảng thơ, trước Quang Huy, Vương Trọng và một số nhà thơ khác cũng chọn đưa Chí Phèo, Thị Nở vào tác phẩm của mình. Song đa phần các tác giả này dùng thể thơ ngũ ngôn, là thể thơ gần với lời nói thường ngày để dựng chân dung nhân vật sao cho gần với những gì mà bạn đọc cảm nhận được từ trang sách của Nam Cao. Ở đây, Quang Huy đã liều sử dụng tới thể thơ… lục bát, một việc mà nếu không khéo sẽ gây… phản cảm với bạn đọc, tương tự trường hợp ta cho Thị Nở, Chí Phèo hát… quan họ vậy.
Trước đây, hễ nói tới Thị Nở là người ta gần như chỉ tập trung nhấn mạnh tới nét xấu ngoại hình, tới bộ mặt ma chê quỷ hờn của thị. Quang Huy không đề cập tới khía cạnh này, nói đúng hơn là anh… lờ đi. Thay vào đó, anh khai thác cái tâm tính "dở hơi" - mà thật ra chưa hẳn đã dở hơi - của thị. Và chính cái "dở hơi" mà đáng thương, đáng quý ấy của Thị Nở sẽ chi phối toàn bộ cái tứ của bài thơ.
Để tiện cho bạn đọc theo dõi, xin dẫn ra đây nguyên văn bài thơ nói trên của Quang Huy:
Người ta cứ bảo dở hơi
Chấp chi miệng thế lắm lời thị phi
Dở hơi, nào dở hơi gì
Váy em xắn lệch nhiều khi cũng tình 

Làng này khối kẻ sợ anh
Rượu be với chiếc mảnh sành cầm tay
Sợ anh chửi đổng suốt ngày
Chỉ mình em biết anh say rất hiền 

Anh không nhà cửa, bạc tiền
Không ưa luồn cúi, không yên phận nghèo
Cái tên thơ mộng Chí Phèo
Làm em đứt ruột mấy chiều bờ ao 

Quần anh ống thấp ống cao
Làm em hồn vía nao nao đêm ngày
Khen cho con Tạo khéo tay
Nồi này thì úp vung này chứ sao! 

Đêm nay trời ở rất cao
Sương thì đẫm quá, trăng sao lại nhòa
Người ta… mặc kệ người ta
Chỉ em rất thật đàn bà với anh 

Thôi rồi, đắt lắm tiết trinh
Hồn em nhập bát cháo hành nghìn năm.
Bài thơ mở đầu bằng hai câu có phần bông đùa. Nó có thể là lời Thị Nở mà cũng có thể là lời tác giả "bênh vực" cho thị. Song đến câu thơ tiếp theo thì đích thị là câu của Thị Nở. Có cảm tưởng như thị đang xốc váy xáp vô những người có cách nhìn nhận khinh thường thị: "Dở hơi, nào dở hơi gì". Kể ra, nếu cứ để thị tiếp tục cái mạch đành hanh, "áp đảo dư luận" kiểu này thì rồi bài thơ cũng không biết sẽ rẽ sang ngả nào. May mà tác giả đã kịp chen vào can thiệp bằng một câu thơ gắn nụ cười hóm hỉnh: "Váy em xắn lệch nhiều khi cũng tình". Chữ "cũng tình" mang hơi hướng ngôn ngữ… vỉa hè đưa vào đây rất đắc địa. Nó thể hiện một cái nhìn "âu yếm", hơi chút… lẳng lơ với Thị Nở. Âu cũng là một cách xoa dịu thị.
Khổ thơ tiếp theo, tác giả làm lời Thị Nở nói về Chí Phèo. Thật ra, trong truyện của Nam Cao, Chí Phèo chưa bao giờ một tay cầm be (rượu), một tay cầm mảnh sành cả. Hắn chỉ ngất ngưởng với chai rượu và khi cần thì đập chai, lấy mảnh vỡ rạch mặt. Nhưng thôi, đấy là lời Thị Nở, hẳn "anh Chí" cũng chẳng chấp. Một người có cái nhìn về hắn tốt đến thế cơ mà: "Chỉ mình em biết anh say rất hiền" (xin mở ngoặc: Đây không phải Quang Huy "bịa" thêm đâu. Nam Cao chẳng có lúc đã để cho Thị Nở nghĩ về Chí Phèo: "Sao có lúc nó hiền như đất?").
Đến khổ thơ thứ ba, vẫn là lời Thị Nở (về Chí Phèo), song cách nói hốt nhiên trở nên nghiêm trang lạ: "Anh không nhà cửa, bạc tiền/ Không ưa luồn cúi, không yên phận nghèo". Thú thật, đọc đến đây tôi hơi… lo. Làm sao lại để Thị Nở phát ngôn như thể các nhà làm sách giáo khoa thế? Không chừng sự thuyết giáo này lại phá hỏng bài thơ vốn dĩ có giọng điệu hài hước của Quang Huy. Vả chăng, có một thời, các nhà phê bình quá nặng về vấn đề "tính giai cấp" nên đã có những nhận định đi hơi xa so với những gì Nam Cao thể hiện. Kiểu như: "Xưa kia, Chí Phèo đã từng ước mơ một cuộc sống hạnh phúc, giản dị trong lao động. Tuy còn trẻ trung, anh cũng phân biệt được tình yêu chân chính và thú dâm dục xấu xa… Bản chất trong trắng, lương thiện của người dân trong Chí Phèo đã bị bọn cường hào và nhà tù thực dân ra sức bóp chết" (như nhận xét của một vị giáo sư khả kính). Tôi lo Quang Huy cũng đi theo hướng ấy, nhất là khi anh lại gá những lời nghiêm túc ấy vào miệng một người như… Thị Nở. Rất may, câu thơ tiếp theo đã hóa giải tất cả, bởi nó lại trở lại giọng bông đùa ban đầu: "Cái tên thơ mộng Chí Phèo/ Làm em đứt ruột mấy chiều bờ ao".
Nhưng đùa là đùa vậy thôi, hình ảnh Chí Phèo, dẫu có xốc xếch, xộc xệch cũng vẫn đáng yêu, nhất là trong con mắt Thị Nở: "Quần anh ống thấp ống cao/ Làm em hồn vía nao nao đêm ngày". Đến đây, tác giả buông một câu thật đắc địa (nó gợi lại cái tên truyện "Đôi lứa xứng đôi" mà nhà văn Lê Văn Trương từng đặt cho tác phẩm của Nam Cao khi truyện "Chí Phèo" lần đầu được in): "Khen cho con Tạo khéo tay/ Nồi này thì úp vung này chứ sao".
Từ đoạn tả cảnh vườn chuối đêm trăng trong truyện ngắn của Nam Cao, Quang Huy đã tạo nên một không gian rất thần diệu, vừa gợi không khí lãng mạn vừa nói lên cái ngất ngây của cặp "tình nhân" lần đầu đến với nhau: "Đêm nay trời ở rất cao/ Sương thì đẫm quá, trăng sao lại nhòa", để rồi qua đó, anh buông hai câu  tưởng không thể đáng yêu và hợp ngữ cảnh hơn: "Người ta… mặc kệ người ta/ Chỉ em rất thật đàn bà với anh".
Nhà nghiên cứu, phê bình văn học Đặng Anh Đào - trong bài viết "Khả năng tái sinh của Chí Phèo" đã cho rằng, truyện "Chí Phèo" của Nam Cao là một tác phẩm "tắm trong chất thơ". Và vì những tác phẩm viết lại Chí Phèo ngày nay đã đánh mất cái "chất thơ" ấy, nên "những Chí Phèo ngày nay sẽ tuyệt tự" (nghĩa là nó xuất hiện đấy mà không phải… Chí Phèo nữa). Tôi cho rằng nhận định này tuy có lý, song chí ít nó cũng không đúng với một trường hợp. Bởi trong bài thơ của mình, Quang Huy đã không hề xem nhẹ cái "chất thơ" ấy.

          
Mời thư giãn với nhạc phẩm SON
của Đức Nghĩa, qua tiếng hát Quốc Thiên:
            
*
Hà Nội, 28.02.2011
PHẠM KHẢI
Địa chỉ: xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây. 
Hiện thường trú tại Hoàn Kiếm, Hà Nội. 





…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ email: huongmai8081@yahoo.com,vn gửi ngày 13.06.2018.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
         .

0 comments:

Đăng nhận xét