(Nguồn ảnh: internet) |
PHÓNG SINH CHỮ NGHĨA
*
(Nhà văn Phan Trang Hy) |
- Được cái con la
hán này tạp ăn lắm! - Thắng, em vợ tôi, giọng hồ hởi nói tiếp – Anh biết không,
mỗi lần em cho nó ăn, nó lượn lên, lượn xuống ra chiều thích thú lắm. Ăn xong,
nó gật gật cái đầu ra vẻ biết ơn. Lạ thật, cái giống này cũng khôn chi lạ!
Tôi nghe chỉ mà
nghe. Quả thật, tôi chẳng có cái thú nuôi cá cảnh. Vả lại, thời gian đối với
tôi, ngoài chuyện đi dạy ở trường, về nhà, tôi còn phải bươn chải, kiếm tiền lo
cho con, cho vợ. Hết đi kèm ở Liên Chiểu, đến Ngũ Hành Sơn, hết Hải Châu tới
Cẩm Lệ. Tôi tất bật, nên đâu còn thời gian thưởng thức thú vui cá cảnh. Mặt
khác, tôi thú thật là tôi chẳng có tí kinh nghiệm gì về việc nuôi cá cảnh;
không có kinh nghiệm thì dễ gì nuôi! Cá cảnh đắt giá lên tới 5, 7 triệu một
con, chớ đâu có phải củ sắn luộc đâu. Bằng cả tháng lương của tôi, chớ chẳng
chơi đâu. Chưa hết, ngoài chuyện lo cho cá ăn, làm vệ sinh hồ, gắn ống ôxy, lọc
nước, còn biết bao công đoạn phức tạp. Mà những việc ấy đối với tôi như là cực
hình vì thời gian đâu nhàn nhã.
Nhìn con la hán
đang bơi, ra bộ biết ơn khi được ăn những miếng thịt bò, tôi nghĩ lời của cậu
em vợ có cái đúng. Rồi cậu em tôi khoe với tôi là từ khi có con la hán này, gia
đình cậu vui lắm. Trước đây, vợ của cậu không thích hát, dù cô ấy dạy nhạc ở
một trường tiểu học. Phụ huynh than phiền, học sinh thấy chán môn nhạc, hiệu
trưởng phê bình..., nhưng cô ấy chẳng tỏ vẻ đam mê âm nhạc. Thế nhưng, từ ngày
có con la hán, vợ cậu ta bắt đầu hát hò. Lạ lắm, giọng cô ấy càng ngày càng hay
ra. Khi nấu ăn, cô ấy cũng vui vẻ hát, có lúc vừa ăn vừa hát. Đặc biệt, khi làm
vệ sinh, cô ấy cũng cất tiếng hát khe khẽ. Luôn miệng hát. Cô ấy hát vui theo
mùa. Vui ra phết. Mùa nào có bài hát ấy, đúng đề tài. Dần dần, cô đi hát thêm
trong các lễ cưới. Thu nhập cũng tăng dần lên. Đời sống ngày càng khấm khá. Rồi
đùng một cái, cậu em tôi hí hửng khoe với tôi rằng cậu ta được lãnh đạo cất
nhắc lên làm trưởng phòng.
Công việc cậu em
tôi cũng chẳng khó gì. Là trưởng phòng, suốt ngày chỉ đi họp. Mọi việc có cấp
dưới phụ trách từng bộ phận lo. Cậu ta chỉ có việc đọc lướt công văn, tài liệu,
còn thì chỉ có kí các giấy tờ. Hàng tuần công văn cao hàng tấc. Lỡ hôm nào văn
thư ốm, cậu cũng chẳng biết hết nội dung các công văn đi, đến được. Nhưng, cậu
em tôi cho rằng chẳng có gì mệt óc cả. Nếu có mệt là chẳng biết mình phải làm
gì trước, làm gì sau. Công việc lúc thì thấy trọng tâm, lúc thì then chốt, lúc
thì cốt lõi, lúc thì cơ bản... Đủ thứ quan trọng! Lúc thì thi đua phong trào
này, phong trào nọ. Công việc nói thế cũng có lúc làm cho con người mệt mỏi. Có
khi, cậu em tôi than: “ Em cứ tưởng làm trưởng phòng là phải có kế hoạch đột
phá để công việc tiến triển. Ai ngờ công việc cứ phải làm theo sự chỉ đạo của
cấp trên. Nếu vậy, thì ai làm trưởng phòng cũng được. Không biết em có hồ đồ
không?”. Tôi cười trừ. Ngẫm lời nói của cậu ấy cũng có cái đúng. Không mợ chợ cũng
đông kia mà. Kể cả tôi ở cõi đời này.
Hồi còn trẻ, khi
bước vào nghề dạy học, tôi nghĩ mình ghê gớm lắm. Chữ nghĩa như thấm vào da
thịt, toát ra ngoài. Có thời, chữ nghĩa làm xơ xác mướp thân xác tôi. Nhìn là
biết tôi đam mê nghề dạy học đến cỡ nào. Này nhé, chiếc xe đạp cà rịch cà tàng,
lốp phải bó, may lại triên, như thế mới là người chuyên chở chữ nghĩa đầy tính
giai cấp tiên tiến. Chưa hết, là nhà giáo phải thanh bần, nghĩa là sống khổ sở
mà vẫn lạc quan, ra vẻ trí thức của thời đại. Không thanh bần cũng không được.
Nhà giáo chúng tôi, một thời, cùng nhóm với nhà văn, nhà thơ, nhà báo và... nhà
nghèo.
Cuộc đời mãi là
chuỗi thời gian của công việc. Và tôi mãi là thầy giáo dạy Trung học cơ sở. Bạn
tôi, có đứa phấn đấu làm hiệu trưởng, có đứa bỏ nghề, hoặc chuyển ngành nghề,
kiếm việc làm có thu nhập khá hơn nghề dạy học. Mấy đứa rời khỏi nghề dạy khỏi
phải nói. Chúng dóc tướng lắm. Những lần gặp mặt nhau, chúng thường chép miệng
như thể thông cảm cho tôi phải chịu kiếp làm anh giáo “quèn”. Nhiều lúc tôi
thấy rõ chúng thương hại tôi. Thôi, kệ chúng! Còn những thằng bạn làm hiệu
trưởng, mỗi lần gặp nhau cũng có chút thông cảm cho nhau. Bởi cùng ngành nghề
mà. Chúng tôi hiểu rõ nỗi khổ của nhau trong nghề. Trực tiếp giảng dạy có cái
cực của giảng dạy. Làm hiệu trưởng có cái cực của hiệu trưởng. Chúng tôi đều
cảm nhận được cuộc họp nào ở các trường cũng từng ấy thứ việc. Một mớ công văn
phải phổ biến cho giáo viên. Không thể không phổ biến. Còn phải ghi vào biên
bản để làm chứng cứ khi có sự cố, hoặc ở trên về kiểm tra, đánh giá, xếp
loại... Nào là phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, thi học sinh giỏi, hội khỏe
Phù Đổng, phòng chống thuốc lá, phòng chống HIV/AIDS, phòng chống tệ nạn xã
hội, giữ vệ sinh môi trường, thực hiện việc tiết kiệm điện, tiết kiệm nước, thi
vẽ tranh về thành phố thân yêu, thi viết thư UPU, thi giải toán trên mạng, thi
soạn bài giảng E-learning... luôn thúc giục chúng tôi. Rất nhiều thứ. Có những
thứ không đâu vào đâu. Biết không liên quan đến chất lượng dạy và học mà vẫn phải
làm, phải thực hiện. Không làm thì bị cấp trên phê bình dù cấp trên biết việc
đó là không cần thiết.
Tiếng cậu em làm
tôi thức tỉnh:
- Nè! Anh xem chữ
trên mình con la hán đẹp không? - Vừa nói cậu ta vừa chỉ con cá đang lượn nhẹ
trong hồ. Không đợi tôi trả lời, cậu ta hỏi tiếp – Theo anh, đây là những chữ
gì?
Tôi nhìn kĩ con cá.
Đèn điện chiếu sáng, nước đang được lọc. Con cá ung dung đớp những lát thịt bò.
Trên thân nó hiện lên dòng chữ. Mỗi bên có bốn chữ thì phải. Chữ ẩn hiện như
thư pháp. Lúc tôi thấy như chữ Quốc ngữ, lúc như chữ Hán, lúc thì như chữ
Ả-rập. Tôi vẫn không thể hiểu đó là những chữ gì. Gọi là chữ Hán cũng không
phải vì không lẽ mình là người Việt lại sính chữ Hán nên cho nó là chữ Hán.
Không lẽ cái tư tưởng lệ thuộc văn hóa Tàu vẫn còn trong đầu óc của tôi. Nhiều
lần tôi thầm nghĩ cớ sao một số người chẳng biết một tí gì về chữ Hán, lại treo
trong nhà một số chữ Hán như ra vẻ quân tử? Cớ sao một số đền, chùa, đình, miếu
mới xây dựng, hoặc tu sửa lại vẫn để câu đối viết bằng chữ Hán? Sao không là
chữ Quốc ngữ để ai cũng có thể đọc được, ai cũng có thể biết được?
Bỗng có tiếng điện
thoại reo. Cậu em tôi xin lỗi tôi. Cậu nghe máy. Tôi nghe tiếng cậu nó.
“Được!... Nếu được giá thì tôi để cho anh. Hẹn mai gặp lại”. Khi tắt điện xong,
cậu ta khoe với tôi: “Có một đại gia muốn mua con la hán này để lấy hên. Mai họ
đến xem”...
Bẵng đi một thời
gian, một buổi sáng chủ nhật, tôi vừa ngủ dậy, có tin nhắn. Tôi vội mở. Cậu em
nhắn tin mời tôi uống cà phê. Vệ sinh, mặc áo quần xong, tôi đến chỗ hẹn. Đến
nơi, tôi thấy cậu em tôi ngồi cùng bốn người khác. Sau khi bắt tay các vị
khách, tôi được cậu em giới thiệu họ là những người có máu đam mê cá cảnh, đang
săn lùng cá lạ. Cái mốt chơi cá cảnh hiện nay thật là lạ. Cá cảnh cũng có thời.
Mỗi thời, mỗi khác. Lúc thì cá rồng, lúc thì cá dĩa, lúc thì cá mập... Tôi ngồi
nghe họ bàn chuyện cá cảnh. Ngẫm lại mình sao “lạc hậu” thế không biết. Không
có cái thú nuôi cá cảnh thì quả là chẳng sành điệu, chẳng sang trọng trong thời
buổi hiện nay. Nhà cửa cao ráo rồi, đẹp sang rồi thì phải có hồ cá trong nhà
cho hợp phong thủy. Có thế mới đúng điệu của kẻ có của. Mà có của, giàu có, ai
không kính nể. Khối kẻ gặp thời, tiền vào tiền ra, trở nên giàu có, người ngoài
nhìn vào muốn lé cả mắt. Tôi như lạc lỏng giữa những người cùng bàn.
Chuyện qua chuyện
lại cũng là chuyện cá. Rồi chia tay. Cậu em tôi rủ tôi về nhà cậu. Cũng lâu hơn
cả tháng thì phải, tôi chưa ghé nhà cậu, nên nhận lời. Tôi điện về nhà cho vợ
biết là tôi ghé nhà cậu, tiện thể thăm ba mẹ vợ, chẳng là nhà em vợ tôi sát bên
nhà ba mẹ vợ.
Đến nhà cậu em vợ,
tôi vừa dựng xe vừa nói: “Chắc cậu mi khoe cá với anh?”.
Cậu em tôi cười hề
hề: “Anh biết cả rồi mà còn hỏi”. Rồi cậu ta dẫn tôi đến hồ cá. Cậu khoe: “Anh
thấy con la hán đẹp không?”
Tôi hỏi lại: “Mới
mua con khác hả?”.
Cậu em vợ tôi chép
miệng: “Đâu có mua bán gì. Vẫn con cũ. Lần trước, tưởng bán được, ai dè họ trả
bèo quá. Với lại, khi họ đến xem cá, xem đi xem lại, cuối cùng lại nói thích
nuôi cá mập chớ không phải là la hán. Thôi, đành chịu vậy”.
Tôi an ủi: “Cậu mi
chịu thế là được đấy. Nuôi con chi cũng có duyên với mình thì mới nuôi được. Nó
không muốn xa mình thì bán sao cho đành”.
Nghe tôi nói thế,
cậu em tôi tiếp lời: “Mà con này cũng lạ lắm anh à. Nghe nói bán, nó không chịu
ăn. Hai, ba ngày sau nó mới chịu ăn lại. Nghĩ cũng tội”.
Vừa nghe cậu em
phân trần, tôi vừa nhìn con la hán. Nhìn kĩ nó, tôi thấy hiện lên những dòng
chữ thật đẹp. Cả hai bên mình cá đều có chữ. Tôi loáng thoáng thấy những chữ.
Lúc là chữ này, lúc là chữ nọ. Tôi không dám khẳng định đó là những chữ gì. Cậu
em tôi chỉ vào mình cá, nói:
- Anh có thấy chữ
trên mình nó không?
- Ừ, có thấy.
- Hồi mới nhìn
những chữ ấy, em hoa cả mắt. Em thấy như những chữ trong công văn, giấy tờ ở cơ
quan. Nhưng rồi dần dần cũng quen. Và từ đó, đối với em con la hán mang trên
mình nó những chữ thật là ý nghĩa. Anh thấy bên này có bốn chữ “phúc lộc thọ
toàn” không? Tuyệt quá phải không anh?
Tôi nhìn theo tay
cậu em chỉ thấy loáng thoáng. Lúc con cá bơi ngược lại thì cậu em tôi nói đó là
“tấn tài tấn lộc”. Tôi nhìn thấy loáng thoáng, có lẽ là “tấn tài tấn lộc”. Tôi
nói:
- Cá có những chữ
như thế chắc là cá quí, Xin chúc mừng!
Nói xong, tôi loáng
thoáng thấy đâu đó những chữ, những chữ như làm nát đầu tôi. Những chữ la liệt
trong giáo án của tôi. Rồi tôi thấy lúc thì “từ, bi, hỉ, xả”, lúc thì “công
bằng, bác ái”, lúc thì “anh hùng, liệt sĩ”, lúc thì “vì nước, vì dân”...
Tôi chưa kịp định
hình đó là những chữ gì, thì cậu em tôi tiếp lời:
- Từ ngày phát tín
hiệu chữ nghĩa, con la hán chẳng ăn thứ gì cả. Lạ lắm anh à! Một buổi sáng, như
lệ thường, em bỏ thịt bò vào cho nó ăn, nó bơi bơi lên đớp. Nhưng không hiểu
sao, nó lại nhả ra. Em tưởng nó ớn thịt bò, nên vớt ra và kiếm cá con, tôm con
cho nó. Nhưng nó chẳng thèm đụng đến tôm, cá. Em nghĩ nó có bệnh, lo muốn chết.
Nhưng nó vẫn khỏe. Em tìm thức ăn cao cấp dành cho cá cảnh nhập từ Singapore,
Nhật bản, nhưng nó cũng chẳng thèm để ý đến. Kể từ đó, nó không thèm ăn gì cả.
Dù không ăn, nó vẫn cứ lớn. Đặc biệt, trên mình nó càng ngày càng đổi màu sắc.
Mà thật là kì lạ. Mỗi người nhìn cá đều thấy chữ mỗi khác. Không ai giống ai
cả.
Nghe cậu em kể vậy,
tôi chỉ làm im. Biết nói gì cho phải...
Tin con cá la hán
có những chữ đẹp trên thân mình lan truyền. Ai cũng đến xem. Từ ngày con cá trổ
mã, phát tín hiệu chữ nghĩa, cậu em tôi bận thêm. Ngoài công việc ở cơ quan,
khi về nhà, cậu em tôi phải tiếp những vị khách hiếu kì. Cậu ta phấn khởi lắm
vì ai ai cũng trầm trồ khen cậu có con cá có một không hai. Con cá quả là kì
lạ. Ai cũng thấy niềm ao ước của mình hiện trên thân con cá. Nếu bạn là người
buôn bán, dù buôn bán lớn hay nhỏ, nếu nhìn vào thân cá thì sẽ đọc được dòng
chữ “buôn may, bán đắt” ở bên này, còn bên kia chắc là dòng chữ “phi thương bất
phú”. Nếu bạn là cán bộ tốt thì chắc hiện lên những chữ “cần, kiệm, liêm,
chính”, “chí công vô tư” trên thân cá. Nếu bạn là cán bộ xấu, những chữ “cướp
đêm là giặc...”, “miệng quan trôn trẻ” sẽ hiện lên lấp lánh, nhưng người khác
chẳng đọc được những chữ ấy vì bị khúc xạ ánh sáng. Nếu bạn là người có quan
tâm đến thời cuộc, chắc các bạn sẽ đọc được những chữ “độc lập, tự do”, “dân
chủ, cộng hòa”... Rất nhiều chữ để bạn tưởng tượng cho thỏa lòng ao ước của
bạn...
Một hôm, gần sáng,
nằm bên vợ, tôi chợt thức giấc bởi tiếng gọi của vợ: “Ba điện em hồi hôm, nói
hôm nay là giỗ Nội. Trưa đi dạy về qua luôn nghe”. Tôi ôm vợ, nói yêu: “Biết
rồi! Em về trước lo nấu nướng nghe”. Tôi trở mình, hôn trán vợ, rồi dậy.
Hôm ấy, tôi trống
tiết 3. Tôi xuống thư viện đọc báo mạng. Tôi mở máy. Tìm trang tin đọc. Vẫn vụ
Tiên Lãng. Đã có kết luận của Thủ tướng. Ai đúng, ai sai thì đã rõ. Trong tôi
lóe lên dòng chữ trên mình cá la hán: “Hoa cải Tiên Lãng”, “Dân cày có ruộng”.
Tôi chuyển qua tin khác. Lại tin Bộ ngoại giao lên án hành động Trung quốc xâm
phạm chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Tôi như thấy
dòng chữ “Hoàng Sa, Trường Sa”, “Tổ quốc Việt Nam”, rồi đến các chữ “Bản Giốc,
Cà Mau”, “Con Lạc, Cháu Hồng”...
Hết giờ dạy, tôi
bần thần. Về nhà ba mẹ vợ cũng kịp giờ. Ăn giỗ xong, tôi xin phép về sớm để
chiều đi kèm thêm. Tôi chẳng trò chuyện gì được với cậu em.
Tối về, trong bữa
ăn, thằng con tôi nói:
- Ba ơi, cậu phóng
sinh con la hán rồi.
Tôi hỏi:
- Sao lại phóng
sinh?
Thằng con tôi nói
tiếp:
- Dạ, con nghe cậu
nói con cá khôn quá, ai nghĩ gì thì trên mình nó hiện ra chữ ấy. Cậu sợ liên
lụy chữ nghĩa, nên cậu phóng sinh để cầu an.
Nghe con tôi nói
vậy, tôi giật mình. Chữ nghĩa ơi! Có sống được không? Sao khổ thế không biết?
Mời thư giãn với nhạc phẩm MÁI ĐÌNH LÀNG BIỂN
của Nguyễn Cường, qua tiếng hát Tùng Dương:
*
Tháng 3 năm 2012
PHAN TRANG HY
Địa chỉ: 81 Thạch Lam, phường Phước Mỹ,
quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.
Email: phantranghy@gmail.com
Điện thoại: 093.548.44.82
.............................................................................................................
- Cập
nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 16.02.2019.
- Bài
viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui
lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét