(Nguồn ảnh: internet) |
LÊ LẠC GIAO - kẻ đồng hành
VỚI ‘NHÂN
CHỨNG’ THỜI GIAN
*
(Nhà thơ Du Tử Lê) |
Từ ngày chính phủ Mỹ có chương trình HO, dành riêng
cho người tù cải tạo, những nạn nhân của chế độ Cộng Sản Việt Nam thì, số lượng
hồi ký, bút ký hay chuyện về những đời tù được xuất bản cũng gia tăng theo thời
gian.
Tuy nhiên, với tôi, đa số những truyện ký loại này,
thường có tính chủ quan, với ngọn lửa hận thù nóng hực. Rất chính đáng. Nhưng
chính sự “chính đáng” kia, đã là vạch phấn giới hạn tính khách quan, cần thiết,
làm nên gíá trị tác phẩm. Thản hoặc, chúng ta cũng có vài truyện ký ra khỏi
“khuôn mẫu” vừa kể. Nhưng đó lại là những mảnh rời, những góc khuất đặc thù của
một số nhân vật nào đấy. Chúng không đại diện số đông, cũng không mang tính
xuyên suốt một giai đoạn lịch sử của nhân chứng khách quan. Những nhân chứng
với kiến thức thực tế sâu rộng ở nhiều lãnh vực, bên cạnh vốn liếng đời sống
trại tù…
Gần đây, khi tác phẩm “Có một thời nhân chứng”
của Lê Lạc Giao, xuất bản, truyện dài này đã dấy lên trong tôi tin tưởng: Tác
phẩm như một bản đồ khởi đầu (tuy chưa chi tiết lắm), những chỉ dấu quan trọng,
cho một nhìn lại khả tín ở nhiều lãnh vực - - Dù chỉ giới hạn trong 7 năm sau
cùng (1968-1975) của cuộc chiến cận đại, 20 năm Quốc / Cộng ở miền nam Việt
Nam.
Với tôi, truyện dài “Có một thời nhân chứng”
giải mã được phần nào, về một giai đoạn lịch sử phức tạp, rối nùi, không chỉ
liên quan tới hai ý thức hệ đối nghịch: Tự do và độc tài - - Mà còn là một vùng
đất, một dân tộc bị nhìn như một cơ hội để chia chác, trao đổi quyền lực bởi
nhiều cường quốc!
Cuốn truyện dài dầy gần 650 trang, khổ 5.5 x 8.5
khiến tôi biết chắc mình sẽ không có thì giờ để đọc ngay, từ trang đầu, đến
cuối; nhưng vì háo hức, tôi đã chọn cho mình hình thức nhắm mắt mở một trang
sách nào đó (như bói Kiều) để được đọc sớm…
Trang sách tôi mở ra mang số 548, là chương thứ 13
với tiểu tựa “Ở đây cũng có con người”.
Chỉ với tiểu tựa này không thôi, nó cũng đã mang
lại cho tôi, những cảm xúc mâu thuẫn, chập chờn giữa hai cực bi thảm và lạc
quan.
Vào sâu hơn chương truyện, dài mấy chục trang chữ
in này, tôi nghĩ, dường như tác giả đã sớm hiển lộ cho người đọc thấy một cái
nhìn khác về trại tù. Về cải tạo. Đó là cái nhìn của một nhà văn ở vị trí nhân
chứng, dù họ Lê có hơn 7 năm tù từ Nam ra Bắc.
Tôi muốn nói tới những trang văn xuôi, không chỉ
ghi nhận tiêu cực mà, còn lấp lánh tích cực.
Tôi muốn nói tới những trang văn xuôi xao xuyến thơ
mộng, nồng nàn tình yêu. Một hòa nhập ý nghĩa, giữa một tù nhân và thiên nhiên
(nguồn sữa sự sống).
Tôi nghĩ, có dễ nhờ đứng ở vị trí “nhân chứng”, nên
Lê Lạc Giao đã có được cái bình thản (hiếm hoi), khi viết về thời gian bị “tẩy
não”:
“Nhiều đêm,
Hiếu suy nghĩ, anh giống như một khối vật chất dơ bẩn từ trong ra ngoài, và
chính cán bộ Cộng Sản đang tìm cách làm sạch bằng nhiều cách. Anh nhớ đến ‘tẩy
não’ và thầm so sánh, có lẽ họ không nói sai, ‘mình cần phải tẩy não!’ Nhưng
không biết có được như ý họ hay không và phải mất thời gian bao lâu mới sạch sẽ
được cái đầu vốn dơ bẩn của mình?” (Có một thời nhân chứng, tr. 551)
Và, cũng rất bình thản khi họ Lê nhận ra:
“…Triết học
duy vật do cán bộ ở trại cải tạo giảng dễ hiểu hơn nhiều. Hiếu cảm giác mọi thứ
hiểu biết từ kinh nghiệm cô đọng giản dị dần dần theo thời gian cải tạo. Tâm
hồn anh cũng dường như co lại như chiếc bao tử mỗi ngày thường không chứa quá
sáu củ khoai lang; và buổi tối nằm trong mùng, Hiếu hay nghe bụng mình réo gọi.”
(Có một thời nhân chứng, tr. 553)
Nhưng không vì thế mà nhà-văn-nhân-chứng Lê Lạc
Giao không có những giây phút thả hồn, nhập lại vào nguồn sữa thiên nhiên của
nhân loại:
“…Tiếng cuốc
đất đều đặn xen tiếng gió luồn trong từng vạt lá buông gợi lòng người tù nhớ
một thứ gì đó thật xa vời! Hiếu dừng cuốc lắng nghe âm thanh xào xạc của rừng
lá, ngước mắt thẫn thờ nhìn các phiến mây trắng đục lững lờ trên nền trời u ám.
Rồi rền vang âm ỉ tiếng mưa xa vọng về một mùa ký ức. Nơi đó cô đọng một nụ hôn
hoàn toàn tan rã, nhưng chút dư vị mỏng manh tươm thấm vào trí não lại kéo dài
bất tận. Nụ hôn ấy vượt qua bao rào cản chính trị, len lỏi vào sâu tận mọi ngóc
ngách của tâm hồn Hiếu. Anh chợt ngây ngô đờ dẫn, liếm môi và trên làn da của
mười đầu ngón tay, gợn cảm giác đôi mông rắn chắc của Cầm đêm say rượu tám năm
trước.” (Có một thời nhân chứng, tr. 564, 565).
Những ghi nhận về tương quan hữu cơ giữa thiên
nhiên và bẩm sinh vượt cao khỏi vật chất của con người, như trích đoạn trên,
rải rác khá nhiều trong Có một thời nhân chứng. Những mô tả
mang nhiều thi tính ấy của Lê Lạc Giao, một cách chủ quan, khiến tôi liên tưởng
tới những trang văn xuôi thơm thảo thi ca trong trường thiên “Bác sĩ Zhivago”
của Boris Pasternak. (*) Và, tôi tự hỏi với thời gian, rồi đây, ai sẽ “tẩy não”
ai?
Nhắc tới thời gian tôi cũng tìm thấy trong “Có một
thời nhân chứng” của họ Lê, một nhân chứng bất ngờ, đặc biệt:
Nhân-chứng-thời-gian.
Với tôi, “Có một thời nhân chứng” không chỉ
mang tới người đọc nhiều chỉ dấu dự báo khả năng trả lời được câu hỏi lớn, về
toàn cảnh chiến tranh Việt Nam, trong một giai đoạn - - Mà, tác phẩm này còn hé
lộ cho ta thấy, nhân-chứng-thời-gian đã đồng hành với họ Lê, từ con chữ đầu
tiên, tới con chữ cuối cùng - - Như thể thời gian cũng đã nghiêng vai gánh vác
một phần thảm nạn và, chữ, nghĩa chất đầy đôi quang gánh lầm than tổ quốc, trên
vai định mệnh oan, nghiệt:
“Ngày hôm nay
hơn tám năm trôi qua, từ một nụ hôn tình ái đầu tiên cho đến bảy năm tù tội,
Hiếu lúc nào cũng thấy mình ngây thơ và vô tội. Với tình yêu anh ngây thơ và
trong ván bài chính trị anh vô tội. Anh bảo ‘tôi không có tội gì ngoài tội sinh
ở miền Nam! Việc này hoàn toàn ngoài ý muốn bản thân, thế nên tôi vô tội!’ Hiếu
viết rõ như thế trong nhiều bản tự khai của mình và chỉ một lập luận suốt bảy
năm cải tạo.Tuy nhiên, không cán bộ Cộng Sản nào phê phán anh đúng hay sai, và
chỉ chiếc bóng thời gian là nhân chứng duy nhất cuộc đời tù tội mà anh cho là
vô lý đó. Hiếu kể mỗi đêm trước khi chìm vào giấc ngủ, anh luôn thấy bóng đen
thời gian mỉm cười với anh. Trong giấc ngủ nhiều lần, anh bắt tay với gã đàn
ông đen đúa khốn kiếp ấy! Khi thức giấc nhớ lại Hiếu cho là anh thỏa hiệp với
nó, nhưng anh cũng tự bào chữa, ‘không thỏa hiệp với thời gian chỉ có một con
đường tự sát!’.” (Có một thời nhân chứng, tr. 563)
Cũng rất nhân bản, khi tác giả viết lúc nhân vật
Hiếu nhận được giấy tạm tha:
“Hôm sau,
trước khi đi lao động, cán bộ giáo dục trại đọc lệnh tha. Hiếu được lệnh cùng
hai mươi lăm người còn lại trở về buồng thu dọn tư trang chuẩn bị ra về vào
buổi trưa. Ông già Sửu đến gần ôm Hiếu bịn rịn nói, ‘mày nói đúng bởi mày vô
tội nên không thể ở chung với kẻ nặng tội như tao, thôi về vui vẻ nhé!’ Nói
xong quay đi thì Hiếu chộp chặt tay ông run run bảo, ‘tháng sau sẽ lên thăm
ông, mua cho ông bánh thuốc lào hạng nhất!’.” (Có một thời nhân chứng, tr.
574)
Và, sâu sắc:
“Đêm đọc thơ
Đường với Phác và Cung ở Quang Trung, cùng những lần uống bia với Phan tại Thủ
Đức. Đấy là chiến tranh hệ luỵ một thời, và kéo dài một đời trên thân thể dân
tộc. Hiếu và đám bạn Phác là những người muôn năm cũ thì làm sao quên được lịch
sử, dù một thời tưởng như đã lãng quên! Số phận mỗi người vun đắp nên số phận
lịch sử, vì chính họ cũng là lịch sử...” (Có một thời nhân chứng, tr. 576)
Nhân quan niệm: “Số phận mỗi người vun đắp nên số
phận lịch sử…” của Lê Lạc Giao, tôi muốn nói, số phận những tác phẩm có được sự
đồng hành với nhân-chứng-thời-gian thì, cũng sẽ đồng hành được với lịch sử. Như
truyện dài “Có một thời nhân chứng” của họ Lê, vậy.
Mời thư giãn với nhạc phẩm ĐẤT NƯỚC
của Phạm Minh Tuấn, qua tiếng hát Tùng Dương:
*
DU TỬ LÊ
Địa chỉ: Miền nam
California, Hoa Kỳ.
Email: dutule@dutule.com
.
.
.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ email: huongmai8081@yahoo.com.vn gửi ngày 23.02.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét