PHẠM DUY PHONG - CÂU THƠ SỚM ĐÃ ÚA NHÀU - Tác giả: Phan Nam (Quảng Nam)

Leave a Comment
(Nhà thơ Phạm Duy Phong, thứ 2 từ trái sang phải)
PHẠM DUY PHONG -
CÂU THƠ SỚM ĐÃ ÚA NHÀU
*
(Tác giả Phan Nam)
Trở về cát bụi là đặt dấu chấm hết, tất cả rồi cũng sẽ hóa thành hư vô. Với tôi, một con người trẻ như anh, tại sao lại ra đi sớm như thế, đến bây giờ vẫn là một dấu hỏi lớn. Hôm gặp chị ở Hội An, chị báo tin với tôi, anh Phong đã ra đi, làm tôi hơi giật mình, cảm giác có một khoảng trống mơ hồ dần buông xuống những mái ngói rêu phong ở phố Hội. Tôi chưa bao giờ gặp anh, nhưng nhiều lần ghé thăm trang cá nhân của anh, tôi biết anh là một con người nhiệt thành, phóng túng và có phần chơi ngông. Khoảng hơn năm, anh nhiều lần ghé thăm động viên những bài thơ đầu tay của tôi, thú thực, tôi rất vui, cách đây không lâu anh còn bảo khi nào ghé Hà Nội nhắn anh uống bia hơi cho đã đời ông địa. Tôi chưa có dịp đi xa khỏi Quảng Nam - Đà Nẵng thì bóng anh đã chìm khuất vào cõi mù tăm, để lại những vần thơ úa nhàu theo năm tháng. Không biết rồi đây, có ai còn nhớ?
Phạm Duy Phong (16.06.1973 - 14.06.2017) là một người “chơi thơ” đích thực, bởi tìm hoài mà chẳng thấy anh chia sẻ thơ đăng trên báo giấy, hay website... chỉ cảm tác trên trang cá nhân. Với sự bùng nổ của hàng loạt trang thơ như hiện nay, việc tìm thấy nhau để đọc thơ thật là khó khăn, giữa bao bộn bề và xô bồ. Huống hồ những vần thơm sớm đã nhuốm màu buồn, rồi đây thơ cũng sẽ rơi vào khoảng không vô hình giăng giăng trước mắt. Tìm lại, cũng sẽ không bao giờ có cơ hội gặp được nhau: “Một con tim muốn chia hai nửa/ Nửa gượng cười, nửa méo mó tôi/ Nửa xác pháo đỏ tươi khao khát/ Nửa mộ phần đau rát cho ai/ Mưa thì thầm buông dài bi khúc/ Một tiếng chuông trần tục ngân nga” (Nửa nào cho ta). “Vở kịch đời” vẫn tiếp diễn nhưng con tim đã không quay về, đã không lên tiếng và hoa nhịp với đời sống hiện tại. Câu thơ anh viết chan chứa hơi hướm huyễn hoặc qua viễn mộng tình yêu, và “mộ phần” đã không dành chỗ cho em và cả thơ. Chỉ có u buồn găm vào cỏ dại, tưới lên ánh hoàng hôn của chiều tà. Ai biết chăng khi phố xá lên đèn, bóng người lữ khách sẽ ngã về phương nào, như cuộc đời Duy Phong sớm rơi vào mông mênh đêm tối:
          Điềm nhiên lòng
          những ngày xanh trống vắng
          buông khúc về
          thả khúc lặng vào đông.
          Buồn vương tóc
          mênh mang ta cũng thả
          điềm nhiên hoa
          hé nụ xuân đã già.
          Qua đi lòng
          biết ta vẫn phân vân
          những niềm tin chẳng cần điều hữu ích
          khung trời xưa
          thấy lặng
          chỉ lòng ta chưa tới đích
          hướng tới đâu
          tịch mịch đêm giao mùa.
                           (Đêm về đâu)
Thơ Duy Phong có quá nhiều nốt lặng, sự cô đơn chiếm lĩnh từng con chữ. Làm thơ mang hơi hướm bi lụy và man mác u buồn. Nếu như trong khoảng lặng đó, có một niềm tin chợt le lói thì biết đâu, dấu chân lữ khách sẽ tăng thêm phần thi vị, như cánh hoa lục bình dẫu trôi vô định vẫn nở hoa tím biếc. Anh chấm dứt cuộc đời quá sớm. Và trang thơ đã không còn lành lặn, dẫu vần thơ vẫn nhẹ nhàng, vẫn lẩn khuất đâu đó trong sương khói mịt mờ... Cái màn đêm u tối ấy len lỏi vào từng con chữ, từng câu thơ, làm cõi lòng lắm suy tư, trầm uất đến lạnh lùng. Góc khuất vô cùng của đêm nhuốm vào thơ, nhuốm nỗi buồn dâng đến tột cùng: “Đêm/ cứ nghiêng/ héo mòn say khướt/ trôi/ ưu phiền cùng ta/ phượt cùng trăng”... Dòng tâm trạng sâu sắc trong thơ là một điều rất đáng để trân trọng, chỉ đáng tiếc thi sĩ đã sớm phiêu du đến miền khác tràn vô ưu vô lo, nơi xác thân tan rã cùng cát bụi: “Trước biển/ có một chân trời/ Trước em/ vẫn có một người phương xa/ Trước chiều đông/ gió la đà/ Trước mùi/ hoa sữa/ nhạt nhòa chiều rơi/ Trước câu hát/ tiếng nghẹn lời/ Mùa đông/ đã tới/ buông lơi lá vàng/ Giao mùa/ khúc hát vừa sang/ Đa đoan/ ngã rẽ/ bàng hoàng trước ta”... Lục bát của tác giả Duy Phong mượt mà, êm ái, rót vào cõi lòng như ly rượu say còn đọng lại trên bờ môi. Lục bát nghiêng, lúc bát múa, lục bát hát, lúc bát khóc và cười trước ngã ba đường lắm ưu tư. Không biết linh hồn anh đã siêu thoát, cạn ly cùng Hàn hay chưa, khi một lần đắm chìm cõi mộng, anh viết: “Chiều nay/ trước biển/ vắng em/ Con sóng bạc đầu/ chẳng thèm câu thơ/ Những chiều/ biển lặng/ đợi chờ/ Câu thơ ai viết/ cũng mờ bến xưa/ Nghiêng chiều/ con sóng/ xa đưa/ Thi nhân lặng lẽ/ hồn vừa liêu trai/ Mộng cầm/ một khúc/ bi ai/ Hàn ơi! Ghềnh Ráng/ u hoài biệt ly”. 
Hình như thơ Duy Phong có một người tình, nàng đã rẽ sang ngang để vần thơ u hoài giấc mơ tuổi trẻ. Thơ quá buồn, buồn như con dạo sắc lẹm cứa vào tâm thức người đọc. Hãy để nỗi buồn về với trăng sao, cớ sao thi sĩ trầm mình nỗi tuyệt vọng không lối thoát. Người đã đi rồi, chỉ xin thương nhớ đôi chút “suối mơ” u tịch: “Ta về ghé biển suối mơ/ Tìm người con gái/ suối chờ/ tóc mây/ Nước xoáy xoay/ lá nặng đầy/ Mang theo thơ cũ/ tóc mây rối lòng/ Suối thanh vắng/ bến nước trong/ Tóc ai thả ngược vướng lòng suối mơ/ Trong xanh sóng nước lững lờ/ Bến lòng xuôi mãi/ suối chờ tóc xưa/ Gió lang thang/ sóng đẩy đưa/ Một người ven suối/ tóc vừa buông lơi”...
*
PHAN NAM
Địa chỉ: Tổ 29, thôn Thanh Bôi, xã Tiên Châu,
huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.
Điện thoại: 0168.664.21.09
Email: phanvannamsp@gmail.com
.




…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ email: quanboyman1992@yahoo.com.vn gửi ngày 18.03.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang blog Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

.    

0 comments:

Đăng nhận xét