(Nguồn ảnh: internet) |
TỘI TÀ DÂM
TRONG TÍN NGƯỠNG DÂN
GIAN
“Háo sắc tham dâm”, có ý niệm hay hành vi quan hệ
bất chính với người không phải vợ chồng, là một việc vi phạm luân thường đạo
lý, trời không dung đất không tha, khiến Thần linh phẫn nộ. Đối với những
người phạm tội tà dâm, người thì bị mất mạng, người thì bị mất chức
vị, người thì hủy hoại gia đình và bị tuyệt tự.
Nhiều người cho rằng chỉ có ý nghĩ dâm dục mà không phạm tội đó thì không
sao; không làm sẽ không có tội, hoặc tội nhẹ. Nhưng 3 câu chuyện dưới đây sẽ
chứng minh rằng điều này là hoàn toàn sai.
Câu chuyện thứ nhất:
Vào những năm cuối thời nhà Thanh, có một thí
sinh tới Bắc Kinh dự kỳ thi hương. Chủ quán trọ nơi anh ở là một người phụ nữ
mới góa chồng. Do trời tuyết chặn hết đường, anh buộc phải trọ lại thêm vài
ngày. Sau khi nhìn thấy nhau vài hôm, họ nảy sinh tình cảm và bắt đầu có những
ý nghĩ dâm dục.
Người thí sinh đi tới phòng của góa phụ và khi
chuẩn bị gõ cửa, anh chợt nghĩ: “Không,
ta không thể làm như thế này được. Ta đang chuẩn bị dự kỳ thi hương. Nếu ta vào
trong và dan díu với cô ấy, ta sẽ không đỗ đầu trong kỳ thi được. Ta phải quay
lại thôi!” .
Trong khi anh quay lại phòng, người góa phụ bắt
đầu nghĩ về anh. Cô bước ra ngoài cửa và nghĩ: “Không được! Ta là một góa khụ và phải giữ gìn trinh tiết cho chồng
mình. Làm sao ta có thể quên điều này sau khi gặp một chàng trai trẻ? Không
được, ta phải quay lại thôi!” .
Theo dân gian truyền lại, nếu một góa phụ giữ
trinh tiết cho chồng mình và giữ mình sạch sẽ thì sẽ được lên thiên đường sau
khi chết; nhưng nếu một góa phụ phạm vào tội thông dâm, hình phạt đủ để cô ta
phải xuống địa ngục. Vì thế, người góa phụ trở lại phòng của mình.
Sau khi chàng trai trở về phòng, anh ta không thể
kiềm chế được khát vọng cháy bỏng đó, vì thế anh trở lại phòng người góa phụ và
gõ cửa. Trước khi cô mở cửa, anh nhanh chóng chạy đi, nhận ra rằng anh không
nên ở đó. Anh sợ bị hủy hoại công danh vì tội thông dâm. Vì thế anh trở về
phòng trước khi người góa phụ mở cửa.
Tuy nhiên, người góa phụ đã biết đó là anh, vì
thế cô đến gõ cửa phòng anh. Cô cũng dằn vặt, tự nhủ rằng mình không nên không
chung thủy. Vì thế cô lại quay lại. Họ cứ đi đi lại lại như vậy hai, ba lần.
Lần cuối cùng, chàng trai mở cửa, nhưng họ đứng đó chần chừ, muốn làm chuyện
đó, nhưng còn cảm thấy e ngại.
Lúc đó, họ nghe thấy tiếng nói từ trên
trời: “Này! Hai ngươi cùng muốn làm
vậy, và sợ làm như thế, cứ đi đi lại lại. Sổ sách của ta loạn hết cả rồi!!”.
Họ nghe tiếng có cái gì đó bị vứt xuống. Chàng
trai và người góa phụ cùng run rẩy. Họ nhanh chóng nhặt quyển sách ở dưới chân
lên. Đó là quyển “Sổ công và tội”. Tên của họ có trong quyển sách: một người đỗ
đầu kỳ thi hương nhưng tên bị gạch đi vì mắc tội thông dâm; một người góa phụ
đáng lẽ được lên thiên đường vì đã chung thủy, tên cũng bị gạch đi sau khi phạm
tội thông dâm. Nhìn kỹ hơn, có một chữ “chưa phạm tội”, và tên được
viết lại. Dưới đó, chữ “phạm tội” lại được viết, và tên lại bị gạch
đi. Sau đó là chữ “phạm tội” và tên bị gạch đi. Quyển sổ nhem nhuốc
toàn vết gạch xóa. Sau đó, hai người trở về phòng và không dám có những ý nghĩ
dâm dục nữa.
Câu chuyện thứ hai:
Vào năm Chính Đức thời nhà Minh (1505-1521), có
một vị thư sinh tên là Triệu Vĩnh Trinh. Khi còn trẻ, anh ta gặp một thầy đoán
tướng số rất giỏi. Ông thầy tướng số nói với anh ta rằng: “Vào năm 23 tuổi, cậu nhất định sẽ đỗ đầu
trong kỳ thi hương và nhận được bổng lộc”.
Đúng vào năm 23 tuổi, Triệu Vĩnh Trinh lên đường
dự kỳ thi Hương. Trong buổi thi hôm ấy, anh ta đã viết một bài văn rất hay. Sau
khi xem xét các bài thi, quan chủ khảo quyết định chọn bài của anh ta. Tuy
nhiên, trái với mong đợi, anh ta đã trượt những bài thi sau và vì thế không đỗ
trong kỳ thi này.
Triệu Vĩnh Trinh trong lòng rất khổ sở và tức
tối. Đêm hôm ấy, Triệu Vĩnh Trinh đã có một giấc mộng, trong giấc mộng ấy, anh
đã gặp Văn Xương Đế quân (một vị thần phụ trách việc học hành thi cử). Trệu
Vĩnh Trinh hỏi nguyên nhân vì sao mình lại bị trượt trong kỳ thi vừa rồi.
Vị Thần trả lời rằng: “Ngươi vốn là đỗ đầu trong kỳ thi hương năm nay, nhưng bởi vì gần đây
ngươi có ý dâm dục bỡn cợt với người hầu gái trong nhà. Hơn nữa còn dẫn dụ tà
dâm với cô gái nhà hàng xóm. Mặc dù những ý định tà dâm của ngươi chưa trở
thành sự thực, nhưng mà tâm ý của ngươi lại tràn đầy dục vọng, dâm ý triền miên
không ngừng, tâm địa ngày càng xấu. Cho nên đường công danh bị tiêu trừ!”
Nghe Thần giải thích xong, Triệu Vĩnh Trinh bật
khóc. Anh ta cũng phát tâm thề nguyện sửa chữa lỗi lầm và làm thật nhiều việc
tốt. Sau đó anh ta còn viết một cuốn sách khuyên răn mọi người phải biết giữ
gìn, tránh các suy nghĩ và thái độ dâm đãng. Kết quả, Triệu Vĩnh Trinh đã đỗ
đầu trong kỳ thi hương tiếp theo. Sau này, Triệu Vĩnh Trinh được phong làm chức
quan lớn, cai quản một vùng rộng lớn.
Câu chuyện thứ ba:
Xưa kia ở Chiết Giang có một vị hòa thượng lập
chí tu hành. Ông phát thệ nguyện không sợ gian khổ, nhất định tu thành. Quả
thực vị hòa thượng này rất chăm chỉ khổ tu, thường xuyên ngồi thiền, không nằm
ngủ một cách thoải mái.
Một đêm nọ, bỗng nhiên có một mỹ nữ xinh đẹp đi
đến bên vị hòa thượng này. Vị hòa thượng trong lòng biết rằng mình đã gặp ma
sắc đến dẫn dụ, ông liền nhắm mắt đả tọa thiền định, không nghe, không nhìn mỹ
nữ này.
Mỹ nữ xinh đẹp kia dùng đủ mọi loại chiêu thuật
để dẫn dụ vị hòa thượng nhưng bởi vì hòa thượng có tâm chính, không động niệm
dâm dục cho nên mỹ nữ một mực không thể đến gần ông.
Từ sau hôm đó, đêm nào mỹ nữ kia cũng xuất hiện
bên cạnh ông và dùng đủ mọi thủ đoạn mê hoặc hòa thượng, nhưng vị hòa thượng
vẫn một mực giữ được tâm của mình, không động niệm trước sắc dục.
Cuối cùng, mỹ nữ kia nói:
“Định lực
của ngài cao như vậy, ta thực sự phải đoạn tuyệt vọng tưởng. Ngài hiện tại đã
đạt đến cảnh giới Thiên nhân của Đao Lợi Thiên, biết được gần ta sẽ bị hủy hoại
con đường tu luyện nên ngài coi ta như hổ lang. Nếu như ngài cố gắng đạt tới
cảnh giới “Phi Phi Tưởng Thiên” thì cho dù ngài có ôm một cơ thể mềm mại, ngài
cũng sẽ có cảm giác như ôm một băng tuyết, nhìn thấy dung mạo xinh đẹp cũng chỉ
như nhìn thấy bùn đất, sẽ không bị sắc dục làm động tâm.
Còn nếu ngài tu
hành đến cảnh giới “Tứ Thiện Thiên” thì ngài đã thực sự thoát khỏi sắc dục. Nếu
như ngài dám cho phép ta tới gần mà thực sự không bị động tâm thì ta từ nay sẽ
không lại tới quấy nhiễu ngài nữa!”.
Vị hòa thượng đoán rằng mình đã đủ năng lực thắng
được ma sắc dục nên thản nhiên đồng ý. Kết quả, mỹ nữ kia đã tới gần tựa sát
vào vị hòa thượng mà vuốt ve ông và làm hủy hoại giới thể của vị hòa thượng.
Vị hòa thượng sau này buồn phiền mãi không thôi,
mất hết hy vọng, uất ức mà lìa đời.
***
Người xưa nói: “Trong vạn cái ác thì dâm
đứng đầu”. Hơn nữa còn có câu: “Nhân tâm sinh nhất niệm, Thiên địa
tận giai tri”, con người hễ động niệm thì trời đất đều đã biết cả rồi. Bởi
vậy, thật sai lầm khi cho rằng chỉ có ý nghĩ dâm dục mà không phạm tội đó thì
không sao, không làm sẽ không có tội, hoặc tội nhẹ.
Một người nếu như có mệnh giàu sang phú quý,
nhưng nếu phạm tội tà dâm, thì người đó có thể trở nên khốn khổ lao đao suốt
cuộc đời. Một người nếu có mệnh được hưởng phúc, thọ nhưng nếu phạm tội tà
dâm, anh ta có thể bị tật nguyền hay chết trẻ. Một người nếu như vợ hiền thục
và tiết hạnh, nhưng nếu phạm tội tà dâm, bạn đời của anh ta có thể trở nên lẳng
lơ và phóng đãng.
Người quân tử biết rõ điều ấy là tai họa to lớn
vô cùng nên nghiêm túc cự tuyệt, vì thế mà họ không bị tổn đức và luôn được
hưởng phúc báo. Kẻ tiểu nhân lại cho đó là hạnh phúc to lớn mà sa vào nên tất
sẽ bị ác báo. Cho nên, người xưa vẫn thường nói, “họa hay phúc không phải tự
nhiên mà đến, mà đều là do con người tự chiêu mời mà đến”.
Văn Xương Đế Quân, là một vị Thần được dân
gian tôn sùng, là Thần chủ quản công danh phúc lộc của sĩ nhân, từng
nói: Thượng Thiên thường giáng họa xuống cho những người tham dâm háo sắc,
hơn nữa, báo ứng loại này đến vô cùng nhanh. Có một số
người lại giống như nằm mơ, vô tri không biết sợ hãi. Nếu một
người có hành vi phóng túng, hơn nữa lại không biết sai mà sửa đổi thì người
này sẽ phải thuận theo an bài mà trả tội nghiệp.
Người xưa có câu: “Vạn ác, dâm đứng
đầu”. Bởi vì ý niệm dâm dục vừa mới động thì các chủng ác niệm
cũng theo đó mà dấy khởi nên, các chủng tội nghiệp cũng từ đây trở đi mà sinh
ra, tất cả các chủng thiện niệm cũng vì thế mà bị tiêu vong, thậm chí đến mức:
“Muốn chiếm đoạt mà sinh tâm sát hại
người khác, liêm sỉ và luân lý đều đã mất hết.”
Sách cổ Trung Hoa có ghi chép lại rất nhiều ví dụ
về phương diện này. Những ví dụ ấy vừa để cảnh tỉnh con người thế nhân kịp thời
nhận ra, kịp thời ước chế dục vọng, khôi phục lương tri đạo đức, tu sửa
bản thân thành người thanh tịnh, đức độ, có tấm lòng cao thượng. Chỉ có quy
chính lại bản thân, thì mới có thể có lại được may mắn, và rời xa tai họa.
Vào triều đại nhà Minh, có một thư sinh tên là
Tôn Hậu, gia đình bần cùng đành phải vượt sông đi dạy học để kiếm sống. Về sau,
Tôn Hậu lại đến gia đình nhà họ Trương ở Đường Tây làm công việc ghi chép để
đổi lấy miếng ăn.
Một hôm, đêm đã khuya, tỳ nữ nhà họ Trương vụng
trộm chạy đến gian phòng mà Tôn Hậu đang ngủ. Tôn Hậu biết rõ ý tứ của tỳ
nữ này nên đã lớn tiếng nói: “Trong Thái Thượng cảm ứng thiên” nói
rằng, Tam Thai, Bắc Đẩu, Tam Thi Thần lúc nào cũng theo sát chờ đợi sẵn, để ghi
chép lại hết sai lầm của từng người. Tưởng rằng, đêm khuya tĩnh lặng không
người mà Thượng Thiên không biết sao?” Tôn Hậu đã nghiêm khắc cự
tuyệt.
Nhưng sự việc này lại bị một vị thầy giáo
dạy học của nhà họ Trương nhìn thấy. Ông ta liền lén lút gọi mời tỳ nữ này đến
gặp gỡ.
Đến tết Đoan Ngọ, ông thầy giáo đó đột nhiên phát
bệnh ung nhọt, toàn thân đau nhức, không có cách nào chữa trị. Lúc này, chủ nhà
đành phải mời Tôn Hậu lên làm thầy giáo đứng lớp chính.
Một hôm, Tôn Hậu gặp người chú của mình tại
Giang Khẩu. Người chú này kinh ngạc nói: “Bởi vì con trai của ta bị bệnh nên
ta đến miếu thờ Thành hoàng cầu nguyện. Đến lúc trời tối, ta ngủ luôn ở đó,
không ngờ mơ thấy Thần thành hoàng ngồi trên điện. Sau đó, vị Thần thành hoàng
kêu thuộc hạ dâng cuốn sổ ghi chép những người có mệnh bị chết đói lên để sửa
đổi. Từng tên từng tên được đọc lên, khoảng chừng mười mấy người thì ta nghe
thấy có tên của cháu. Ta hỏi vị minh quan: “Vì sao mà Tôn Hậu lại được cải
sửa?”
Vị minh quan nói: “Trong bổn mệnh của người này,
vào năm 46 tuổi sẽ bị chết đói nơi đất khách quê người. Nhưng bởi vì vào đêm
ngày 18 tháng Tư năm nay anh ta đã nghiêm khắc cự tuyệt dâm với một tỳ nữ, cho
nên sẽ kéo dài tuổi thọ của anh ta thêm 24 năm. Đồng thời sửa lại số mệnh
phải chịu đói khát thành được hưởng bổng lộc.” Nói đến đây,
người chú này liên tục nói lời chúc mừng Tôn Hậu.
Về sau, học sinh theo học Tôn Hậu càng ngày
càng đông, mỗi năm tiền học phí mà Tôn Hậu thu được lên đến hơn 100 lượng
vàng. Đến năm 36 Vạn Lịch, Tôn Hậu 46 tuổi, quả nhiên năm đó mất mùa, giá
gạo vô cùng đắt đỏ, những người nghèo hầu như không có tiền mua, người chết đói
vô cùng nhiều. Nhưng Tôn Hậu không những tránh được kiếp nạn này mà còn vô
cùng giàu có.
Lúc về già, gia đình Tôn Hậu vẫn thuộc hàng giàu
có. Đến năm Tôn Hậu 70 tuổi thì không bệnh mà chết (ứng nghiệm với viêc
được kéo dài 24 năm).
Người xưa kính Trời kính Thần, người quân tử luôn
thận trọng ngay cả khi chỉ có một mình bởi vì họ biết rõ: Trên đầu ba
thước có Thần linh. Cho dù là ở nơi bóng tối không người đi nữa thì họ cũng
không dám phóng túng dục niệm của bản thân, thường ngày đều nghiêm túc giữ
gìn hành vi của mình.
Cổ nhân nói:“Một người xuất ra một niệm
thuần thiện thì Thượng Thiên sẽ ban phúc cho họ.” Cho nên,
Tôn Hậu thành tâm thành ý xuất ra một niệm cự tuyệt dâm dục mà được phúc
báo, âu cũng là một việc hợp đạo lý!
Vì thế, nếu một người muốn có công danh thì cần
phải vứt bỏ ngay lập tức các ý nghĩ dâm dục gian tà. Bởi khi chỉ một niệm dâm
dục khởi lên, đó đã là một tội lớn và không đem lại điều gì tốt cả. Cuộc đời sẽ
thay đổi mãi mãi và người đó sẽ mất hết công danh, hoặc cuộc đời sẽ bị ngắn
lại.
*
TẠ HỒNG TRƯỜNG
Địa chỉ: Khu đô thị mới, thị xã Phố Nối, Hưng Yên.
Email: tahongtruong@yahoo.com.vn
.
…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 21.06.2017
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
0 comments:
Đăng nhận xét