(Nguồn ảnh: internet) |
TẮC ĐƯỜNG
*
(Nhà văn Phan Trang Hy) |
- A lô! Tôi sẽ đến ngay!... Khoảng 1 giờ nữa,
được không?... Ừ, thế nhé!...
Bỏ điện thoại vào túi quần, hắn nhìn đồng hồ
thầm nghĩ: Đi tới chỗ hẹn, khoảng 15 phút là cùng.
Lại có
tiếng nhạc điện thoại. Nghe điệu nhạc, hắn
biết là vợ đang gọi. Hắn mở máy. “ A lô! ... Ừ! Tối anh sẽ về... Anh
biết hôm nay là sinh nhật của em mà! ... Ừ! Sẽ có quà cho vợ yêu của anh”.
Hắn lại bỏ điện thoại vào túi quần, mỉm cười.
Có vợ thì có đủ thứ quan hệ, nhưng cũng thích. Hắn nhẩm tính, trưa nay về, hắn sẽ hôn vợ
mới được. Hơn cả tháng trời tất bật công việc làm ăn, hắn không còn một
chút thời gian bên vợ, âu yếm vợ, hắn thấy tội vợ chi lạ. Nhưng, biết làm sao
được. Hắn trù tính, nếu sáng nay xong việc, trưa về ăn cơm cùng vợ, sẽ chiều cô
ta hết cỡ mới được. Nghĩ vẩn nghĩ vơ thế
nào, hắn chạy xe vào chỗ đông người lúc nào chẳng hay. Lại tắc đường. Hắn tự
trách mình. Nhưng quay đầu xe lại không được, mà cho xe chạy lên cũng chẳng
được. Lại trễ hẹn với đối tác rồi. Hắn lấy điện thoại gọi: “A lô!... Xin lỗi, tôi
không thể đến được!... Bị kẹt đường!... 6 giờ chiều ư?... Cũng được”. Hắn vẫn
mắc kẹt giữa dòng xe. Nghĩ tức thật. Tự dưng lại vào cái dòng xe mà không có
lối đi. Hắn gọi về vợ: “A lô!... Em thông cảm cho anh... Không về được... Bị
kẹt xe... Tắc đường... Không có lối ra... Thôi! Tối về, anh đền!...”. Hắn chép
miệng, mặt mày bỗng ủ rủ. Vợ hắn đang trách hắn.
Hắn không ngờ lại tiếp tục lọt vào vòng
người. Người trước mặt, người sau lưng. Người bao vây hắn. Hắn cho xe nhích lên
từng cm. Chỉ từng cm một. Dù chiếc xe đời mới nổ dòn, êm ru, nhưng dẫu có lên
ga cũng chẳng nhích thêm cm nào. Từng bánh xe như muốn dính kết vào nhau. Kể cả
người hắn cũng muốn dính vào người trước người sau, kể cả người bên cạnh.
Từ ngày sắm được chiếc xe mới, hắn những
tưởng sẽ đi làm đúng giờ, tưởng sẽ ra người sang trọng. Nhưng, giờ đi làm vẫn
trễ. Và trong cái hỗn độn người và xe, xe và người chen chúc, dính kết, hắn
cũng chẳng là người sang trọng được. Hắn cũng như mọi người. Cũng lầm rầm chửi
đổng. Mà cái miệng muốn chửi thiên hạ thì là người sang được sao? Hắn biết vậy,
nhưng không muốn chửi cũng không được.
Xe vẫn nổ dòn đều, và vận tốc xe vẫn đứng yên
trong cơn tắc nghẽn giao thông. Không phải là sự tất bật của nền công nghiệp,
cũng không phải là sự tất bật của kẻ đói mưu sinh. Chỉ có những tiếng nổ dòn
của những xe, lâu lâu có tiếng còi vu vơ hoà trong tiếng làu bàu bực tức của kẻ
trễ việc.
Có tiếng người. Có tiếng của cô gái nào đó
đang gọi điện thoại. Hắn không muốn nghe cũng không được. “Em đang bị kẹt
đường. Chờ em tí!... Cứ tắm rửa trước đi!”. Nó quay lại nhìn thử ai đang nói.
Chẳng thấy mặt ngắn mặt dài ra sao. Chỉ có chiếc khăn trùm mặt, với đôi kính
đen. Trên đầu một chiếc mũ bảo hiểm đúng kiểu. Chẳng biết ai là ai. Giả dụ,
người đó là người thân, hắn cũng khó nhận ra.
Cái thời buổi cũng là lạ. Ra đường, không ai
dám chường mặt mình ra cả. Không lẽ không khí ô nhiễm? Hay cái gì đó ô nhiễm?
Hay họ sợ nắng, sợ mưa? Sợ cả cái nhìn của người khác? Nhìn ai cũng na ná như
nhau. Đột nhiên, hắn nghe tiếng chuông điện thoại. Hắn lấy điện thoại ra nghe.
Một bài hát gợi tình. Rồi tiếng nhạc tắt. Hắn nghe bao lần bài nhạc đó. Nhưng
chẳng đâu vào đâu. Một thoáng mỉm cười với ý nghĩ thèm tình, thèm đàn bà như
thể hắn đang nhấp rượu có chứa chất kích dục. Nhiều lần dự đám cưới, hắn uống
chút bia. Hắn có cái cảm giác vững tâm và rồi hắn bô bô cái miệng nói với mấy
thằng bạn là hắn rất thích, rất thèm cái khoản ấy. Nói là nói vậy, chứ hắn có
dám léng phéng với ai đâu vì sợ để lại hậu quả. Cũng tội cho hắn. Nghĩ tới cái
tình trong lúc tắc đường, hắn cho là có vậy để đỡ tức giận vu vơ. Đột nhiên,
hắn nghe nhiều tiếng nói ở chung quanh. Nào là giọng lè nhè của một anh chàng
có chút cồn trong lời nói: “Đù mẹ! Tắc đường rồi. Tao chẳng về kịp đâu. Mày ở
nhà lo cơm nước, đón con chưa?”. Nào là giọng chát chua của một ai đó: “ Mày
kẹt đường ở đâu? Bộ mình mày bị tắc đường chắc?”. Và có tiếng phẫn nộ của một
thằng: “Mẹ kiếp! Vợ với con!”. Và có tiếng bóp còi, rú ga. Cả đám đông cũng bóp
còi, rú ga, và giữ thắng. Tiếng còi, tiếng xe nổ to, nhưng chẳng có chiếc xe
nào nhích lên được một tí nào cả. Lần đầu tiên, hắn tức mình và chửi: “Đù mẹ!”.
Và bên cạnh hắn vang lên những tiếng chửi đù mẹ, đù má tiên sư thằng chó chết
nào làm tắc đường. Đủ giọng chửi. Bắc có, Trung có, Nam có. Đàn ông, đàn bà, con trai,
con gái đều chửi cho hả cơn tức tối vì bị tắc đường.
Tiếng còi ti toe, toe toe, toe toé vang lên.
Người càng đông thêm, xe càng đông thêm. Không xe nào chịu nhường cho xe nào.
Chỉ có những chiếc xe lấn nhau. Muốn không chen lấn, muốn nhường nhau, cũng chẳng
có chỗ tránh để nhường. Chỉ khổ cho những chiếc xe đang bị chủ nhân rồ ga, bóp
phanh, đạp thắng, cứ đứng yên một chỗ.
Hắn lại nhìn đồng hồ. Đã trễ 5 phút. Hắn phải
đến nơi hẹn đúng giờ để bàn kế hoạch phát triển, xây dựng công ty. Hắn nghĩ sẽ
làm như thế nào đó để đối tác giúp đỡ hắn, cho hắn vay để cứu vãn công ty của
hắn. Thường ngày, nếu hắn trễ thì đối tác đã điện rồi. Thế nhưng, lần này trễ 5
phút mà đối tác chẳng điện. Hắn lấy điện thoại gọi bên đối tác: “Tôi chưa đến
kịp. Đang bị tắc đường tại ngả tư Lý Thái Tổ - Nguyễn Huệ”. Chỉ cần chạy bộ
khoảng 10 phút là hắn có mặt tại nơi hẹn. Thế nhưng, giờ này chạy bộ cũng không
được. Trước hắn xe là xe, sau hắn xe là xe, bên phải, bên trái cũng xe là xe.
Hắn bị lọt vào cái vòng xe. Hắn gọi tiếp: “ A lô! Tôi đang tìm cách đến đó...
Hoãn lại à!... Được thôi... Thế nhé!...”. May mà đối tác của hắn cũng bị tắc
đường. Ơ hay! Trong chuyện tắc đường lần này lại may cho hắn. Đối tác lại xin
lỗi hắn trước, hẹn gặp hắn ngày kia, và hứa là sẽ giúp hắn đủ tiền nong để
thanh toán cuối năm.
Hắn lại nhìn đồng hồ. Tắc đường hơn cả tiếng
đồng hồ rồi. Lạ thật! Không biết cớ sự làm sao mà tắc đường thế? Hắn nhìn quanh
xem có chỗ nào trống để nhích xe lên. Không còn một chút chỗ trống nào cả. Kể
cả trên vỉa hè cũng đầy xe. Tiếng chửi bới, tiếng còi xe cùng tấu lên khúc nhạc
tắc đường. Xe hắn cũng vẫn không nhích lên tí nào.
Hắn từng dốc tướng với bạn bè là chưa bao giờ
hắn trễ hẹn với bất cứ một ai. Chẳng khi nào hắn bị tắc đường quá 15 phút. Bạn
bè khen hắn chỉ là kẻ gặp may mới không bị tắc đường. Hắn không chịu là hắn có
số may. Hắn chỉ cho hắn là thông minh. Hắn luôn áp dụng cái câu như là phương
châm sống của một số người “Đi tắt đón đầu”. Và hắn áp dụng phương châm ấy
trong những lúc kẹt xe. Thấy phía trước đông người là hắn tìm đường đi tắt, dù
đó là đường kiệt, đường hẽm, dù đó là vỉa hè, hoặc một lối của nhà ai đó.
Nhiều lần đi cái kiểu chụp giựt “đi tắt đón
đầu” như vậy mà lại trót lọt. Thế là hắn thích thú, nghe sướng cả bụng mỗi khi
có ai đó đưa ra cái phương châm “đi tắt đón đầu” trong cuộc sống. Hắn cho những
kẻ ấy là bậc trí giả, là kẻ biết thời biết thế, là kẻ xứng tầm vĩ mô v.v...
Trời lại bắt đầu đổ mưa. Vẫn kẹt xe, vẫn tắc
đường. Xe vẫn nổ máy và hắn vẫn giữ ga. Nhìn quanh, hắn thấy mọi người đang
chịu trận như hắn. Lại có tiếng chửi thề. Lại có tiếng chép miệng. Rồi tiếng
mưa lấn át tất cả. Nước mưa làm cho mọi người bớt bực dọc. Ai cũng lấy tay che
đầu, vuốt mặt. Mưa lại mưa...
Hắn cũng về tới nhà. Trễ hơn ngày thường hơn
tiếng rưỡi. May mà vợ hắn thông cảm. Tối hôm đó, hắn tỉ tê cùng vợ chuyện tắc
đường, rồi chuyển sang chuyện yêu đương. Cả hai cười nắc nẻ, mừng quýnh. Cớ là
vợ hắn tắt kinh hơn 20 ngày. Hắn rờ tay trên bụng vợ. Rồi xoa xoa đầy âu yếm.
Sau một đêm ngủ bìu bên vợ, hắn cảm thấy
thoải mái chi lạ. Sau khi vệ sinh xong, hắn gọi điện bạn hắn. Bạn hắn trả lời
vội như mọi khi. Hắn hẹn bạn uống cà phê buổi sáng. Hắn đến quán đúng hẹn. Bạn
hắn vẫn chưa đến. Hắn ngẫm nghĩ lại mình. Rất ít khi hắn trễ hẹn. Nhưng cũng có
lúc hắn bị trễ vì tắc đường, kẹt xe. Rồi trễ hẹn. Ở cái xứ sở này, việc trễ giờ
trở thành điều không thể tránh. Ban đầu thấy ai đó trễ giờ là hắn thấy bực bội
trong lòng. Nhưng rồi hắn phải chấp nhận, như người bị bệnh không có thuốc
chữa. Và rồi hắn trở thành kẻ lạc lỏng khi là người đi đúng giờ trong các cuộc
họp, cũng như trong những lần hẹn với ai đó. Đôi khi hắn cố tình đến trễ trong
các cuộc họp, nhưng mọi người chẳng nói gì vì họ chẳng hơn gì hắn trong việc
đảm bảo giờ giấc. Hoặc giả, hắn lấy lí do tắc đường ra phân trần thì mọi người cười
ra chiều thông cảm.
Đang thưởng thức li cà phê nóng. Hắn nhìn phố
xá. Qua cơn mưa khi hôm, cảnh hôm nay như được lau sạch những bụi bặm, những ồn
ào. Chỉ có làn gió dịu nhẹ, cây lá như muốn làm duyên trong ngày mới. Hắn thấy
bình yên chi lạ! Ước gì cuộc sống yên bình như sáng nay thì tuyệt biết mấy!
Đang thả hồn theo mơ mộng, hắn nghe tiếng chào của bạn. Hắn cười, đưa mắt nhìn
đồng hồ như ngầm báo cho bạn hắn biết đã trễ hơn 15 phút.
Cô chủ quán mang cà phê đặt lên bàn. Bạn hắn
bưng li cà phê uống nhè nhẹ. Hắn cùng bạn nói đủ chuyện. Rồi đến chuyện tắc
đường hôm qua. Bạn hắn nhếch môi, bực tức: “Dễ gì hết nạn tắc đường”. Nghe bạn
nói thế, hắn không tranh cãi. Bạn hắn nói chuyện thực kia mà. Bỗng bên tai hắn
có tiếng mời mua báo. Sau khi trả tiền mua báo xong, hắn lật lật từng
trang báo. Hắn có cái tật thường coi
những tít. Còn nội dung thì hắn không xem. Trừ những tin đặc biệt nóng sốt. Vì
quanh đi quẩn lại cũng từng ấy thứ, cũng từng ấy tin, từ tin trong nước đến tin
quốc tế. Hắn mua báo để tỏ vẻ ta đây là người biết quan tâm thời cuộc, để trang
sức cho gương mặt có chữ của hắn.
Đang lật lật tờ báo, có một tít báo đập vào
mắt hắn. Bạn hắn cũng đang xem ké. Cả hai không thể không xem. Vì bài báo đưa
tin chuyện tắc đường hôm qua ở thành phố hắn ở. Cả hai cùng thốt lên sau khi
đọc xong: “Trời ơi! Chỉ tại cái đám ma quan lớn!”.
Hắn nhìn ra đường. Hôm nay, đường phố thông
thoáng thật.
Mời thư giãn với nhạc phẩm XIN LÀM NGƯỜI HÁT RONG
của Trần Long Ẩn, qua tiếng hát Phương Thanh:
*
Đà Nẵng, Tháng 2.2012
PHAN TRANG HY
Địa chỉ: 81 Thạch Lam, phường Phước Mỹ,
quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.
Email: phantranghy@gmail.com
Điện thoại: 093.548.44.82
.
.............................................................................................................
- Cập
nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 16.02.2019.
- Bài
viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui
lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét