(Nguồn ảnh: internet) |
TRẢ LỜI BÌNH LUẬN
CỦA ANH NGHIÊM ANH CHU
*
(Tác giả Phạm Đức Nhì) |
Bình
Luận Của Anh Nghiêm Anh Chu
Trong bài viết Bàn
Về Chữ “Buông” Của Trịnh Công Sơn Trong “Để Gió Cuốn Đi” của tôi anh Nghiêm Anh
Chu có bình luận như sau:
Nhạc, nhất là nhạc
Việt Nam, nó cũng như tình yêu. Ta chỉ có thể cảm nhận được mà ko thể lí giải
được.
Trên trời có đám
mây xanh
Có con ngựa bạch chạy
quanh gầm trời
Đôi ta muốn lấy
nhau chơi
Cái duyên không
buộc thì trời chẳng xe
Mà cái duyên đã
buộc thì trời xe ngay vào...
Quan họ Bắc Ninh
hay chèo Bắc Bộ, Lí Nam Trung Bộ là một thứ nước Cam Lồ,một thứ rượu thần tiên
mê hoặc say đắm lòng người biết bao thế hệ.
Nhạc Trịnh Công Sơn
là một cái gì đó thật khó lí giải. Nó mê hoặc lòng người, nhất là giới trẻ đến
kì lạ.
Bài bình của giáo
sư Phạm Anh Nhì rất hay, nhưng sẽ gây tự ái cho cả triệu người ngưỡng mộ Trịnh
Công Sơn. Thôi thì cứ để gió cuốn đi thôi thầy ạ
Cám ơn anh Nghiêm
Anh Chu đã có một bình luận “biết người biết ta” cho bài Bàn Về Chữ “Buông” Của
Trịnh Công Sơn Trong “Để Gió Cuốn Đi” của tôi.
Trước hết, xin được
cải chính. Tôi chẳng phải giáo sư, giáo xiếc gì cả. Chỉ là người có học chút
đỉnh về thơ, về nhạc. Nhưng sau này nghĩ rằng “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”
nên đã bỏ nhạc để chỉ chuyên về thơ. Và tôi là Phạm Đức Nhì – không phải Phạm
Anh Nhì.
Nhạc Và
Sự “Tiêu Hóa” Của Người Thưởng Thức
Đúng như anh Nghiêm
Anh Chu nói, nhạc đi thẳng vào tâm hồn, không qua “gạn đục khơi trong” của lý
trí. Nhưng đó là loại nhạc không lời.
Ca khúc là một cuộc
hôn nhân giữa Nhạc và Lời. Dòng nhạc chảy cuốn lời theo dòng chảy của nó. Người
thưởng thức ca khúc nghe nhạc và lời cùng một lúc, nhưng nhạc thì đi thẳng vào
tâm hồn, còn lời thì vẫn bị lý trí kiểm soát. Có điều nó chạy nhanh chứ không
lững lờ như lời thơ nên lý trí kiểm soát không kịp, đôi khi bị sót. Nếu có
những “bất ổn” nho nhỏ ở phần lời thì thường được cho “qua phà”. Người nghe ca
khúc thường dễ dãi với những “tiểu tiết” trong lời nhạc.
Tuy nhiên nếu là
lỗi nặng, làm cấu trúc của phần lời xộc xệch, cản dòng chảy của cảm xúc thì dễ
bị những người tinh ý phát hiện. Dĩ nhiên, khi nghe ca sĩ hát tôi cũng thả hồn
vào lời ca tiếng nhạc để “sướng” chung cái sướng của mọi người. Nhưng khi về
nhà, ngôi phân tích giá trị nghệ thuật – cái hay cái dở - của bản nhạc tôi bắt
buộc phải giở trò “chẻ sợi tóc làm tư”.
“Ca Khúc
Và Thơ” Của Nguyễn Hưng Quốc
Nhà phê bình văn
học Nguyễn Hưng Quốc trong bài Ca Khúc Và Thơ đã viết:
“Trong bài “Cái chết của một
nghệ sĩ”, tôi có viết là tôi không thích nghe nhạc, nhất là ca khúc.
Tại sao?”
Và sau khi kể lể
một hồi, ông giải thích:
“Lý do chính, tôi nghĩ, nằm ở chỗ này: Nghe
ca khúc, vì dốt về nhạc học, tôi không chú ý nhiều đến khía cạnh âm nhạc, tôi
chỉ tập trung nghe lời. Mà lời trong các ca khúc thì theo tôi, thường… dở.”
Có nhiều điều có
thể bàn luận về nhận xét trên của nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc. Trong
bài viết ngắn này tôi chỉ chú trọng một điểm: Nghe nhạc, không chú ý đến nhạc
mà chỉ tập trung nghe lời.
Khi cao hứng, cả
lời và nhạc tuôn ra cùng một lúc hoặc khi đặt lời cho “dòng nhạc” nghĩ ra từ
trước, nhạc sĩ không cần quan tâm đến tính nhạc vì đã có “dòng nhạc” làm con
kênh để lời theo đó mà trôi. Do đó, nếu không chú ý đến khía cạnh âm nhạc mà
chỉ tập trung nghe lời thì lời của ca khúc tự nó thường thiếu tính nhạc, thiếu
“vị ngọt của thơ”, thiếu thứ “thuốc dẫn” để nối những hình tượng, ý tưởng, tạo
dòng chảy cho tứ thơ.
Cũng may là không
phải ai cũng nghe nhạc (ca khúc) như ông Nguyễn Hưng Quốc chứ nghe nhạc kiểu đó
chẳng sớm thì muộn các nhạc sĩ cũng sẽ đập đàn, bỏ sáng tác để tìm nghề
khác.
Anh
Nghiêm Anh Chu Thì Khác
Trường hợp của anh
Nghiêm Anh Chu thì ngược lại. Có lẽ anh đã thấy được và đem lòng yêu thích cái
cao sang, đài các, sự ảo diệu của ca từ trong Để Gió Cuốn Đi nói riêng và của
nhạc Trịnh Công Sơn nói chung. Theo tôi, anh cũng “bắt” được phần nào cái sâu
sắc, tính nhân bản trong ý tứ của bản nhạc. Có điều anh chưa thấy được cái xộc
xệch của thế trận chữ nghĩa. Anh cũng không để ý đến sự hiện diện khá rõ ràng
của lý trí trong phần lời của bản nhạc. Đối với những người thưởng thức nhạc
bình thường thì như thế cũng là … đủ.
Nhưng khi đã bước
vào cuộc tranh luận về cái hay, cái dở, khi đã bàn đến giá trị nghệ thuật của
tác phẩm (như bài viết Bàn Về Chữ “Buông” …) thì không thể hời hợt, dễ dãi,
“chín bỏ làm mười” như thế được.
Anh Nghiêm Anh Chu
cho rằng viết như tôi (Phạm Đức Nhì) thì “rất hay, nhưng sẽ gây tự ái cho cả
triệu người ngưỡng mộ Trịnh Công Sơn.”
Tôi không nghĩ như
vậy. Khi yêu thì cái gì của người yêu cũng đẹp. Nhưng thưởng thức một tác phẩm
nghệ thuật thì không nên như thế.
Đem Bản
Nhạc “Chờ Đông” Làm Thí Dụ
Chờ Đông của nhạc
sĩ Ngân Giang được sáng tác năm 1969 ở Miền Nam. Đây là bản nhạc được rất nhiều
ca sĩ hát trong các chương trình văn nghệ - đặc biệt là đám cưới. Nó không phải
là Nhạc Sến nhưng cũng chưa tới mức Cao Sang như một số ca khúc của Phạm Duy,
Trịnh Công Sơn, Cung Tiến …
CHỜ ĐÔNG
Em ơi! có phải
ngoài trời đang mưa ??
Em ơi! có phải trời
đã sang đông ??
Mùa đông giá băng
anh đang chờ
Mùa đông ái ân anh
đang tìm
Tìm màu áo cưới cho
em....
Ô hay, mắt ngọc lại
buồn hay sao??
Khi anh đã nguyện
một đời yêu em
Dù cho nét son môi
phai mờ
Dù cho mắt xanh kia
hững hờ
Và dù năm tháng
phôi pha.
ĐK:
Ta quen biết nhau
... Khi tàn xuân
Ta yêu thiết tha
... Khi hè sang
Và khi thu đến anh
gom ánh sao
Cho đêm đêm kết
thành vương miện
Để mùa đông đám cưới
đôi mình
Em ơi! xích lại
thật gần bên anh..
Cho anh xiết chặt
nụ cười xinh xinh
Từ đây những đêm
trăng thanh đầy
Mình không lẻ loi
không u sầu
Nguyện cầu ta mãi
bên nhau
Theo tôi, đây là
một ca khúc trên trung bình. Nhạc hay, lời bình dị, nhiều tình cảm, rất có
duyên, bố cục lạ mà hợp lý. Và đặc biệt, lời và nhạc hòa quyện với nhau như đôi
vợ chồng gắn bó yêu thương.
Hai Lỗi
Nặng
Tôi xin bỏ qua một
vài “tiểu tiết” để chỉ nói đến 2 lỗi nặng, ảnh hưởng đến dòng cảm xúc của lời
ca, tiếng nhạc.
1/ Hai chữ “hững
hờ” trong đoạn
Ô hay, mắt ngọc lại
buồn hay sao??
Khi anh đã nguyện
một đời yêu em
Dù cho nét son môi
phai mờ
Dù cho mắt xanh
kia hững hờ
Và dù năm tháng
phôi pha.
a/
Khi chồng của TTKh.
biết chị vẫn ôm ấp bóng hình của người tình xưa thì với ông, đời sống vợ chồng
của hai người đã đi vào ngõ cụt, chỉ tồn tại để giữ thể diện trên mặt lễ giáo,
xã hội, còn tình cảm thì coi như đã chết. Ông đã lạnh nhạt đến mức bà phải “bóp
tim” trào ra mấy câu thơ:
Từ đó thu rồi
thu lại thu,
Lòng tôi còn giá
đến bao giờ?
Chồng tôi vẫn biết
tôi thương nhớ
Người ấy cho nên
vẫn hững hờ!
“Hững hờ” ở đây có
nghĩa là tình yêu đã hết.
b/
Sau đây là tâm sự
của một người có gia đình, vợ con đàng hoàng nhưng bà vợ, không biết vì lý do
gì, đã không còn tình yêu. Anh ta, giống ông chồng của TTKh. ở chỗ vẫn để cuộc
hôn nhân tồn tại nhưng đã đem hai chữ “hững hờ” vào sinh hoạt vợ chồng.
KHI KHÔNG CÒN TÌNH
YÊU
Vợ con đàng hoàng
chẳng lẽ cặp kè bồ
bịch linh tinh
lỡ đổ bể
người đời chửi “Đồ
ngoại tình!”
mang tai tiếng
Mấy chục năm
Là “công dân tốt”
trên đất Mỹ
chẳng lẽ bây giờ
vác “đồ nghề” đi
kiếm đĩ
vừa sợ cảnh sát vồ
vừa nơm nớp bệnh Si
Đa
Cho nên thỉnh
thoảng cũng đè ra
Máy mó đâm chọc cho
qua
cơn động cỡn.
(Dấu Tên)
Nhạc sĩ Ngân Giang
đã không lường hết được sức mạnh của hai chữ “hững hờ” nên đã làm hỏng đoạn
nhạc.
2/
Hai câu áp chót của
đoạn cuối:
“Từ đây những đêm
trăng thanh đầy
Mình không lẻ loi
không u sầu”
Người ta sẽ hỏi
“Thế còn những đêm trăng không đầy hoặc không có trăng thì sao?” Chẳng lẽ vói
đôi tình nhân sắp đến ngày cưới mà “từ đây” (từ nay về sau) cả tháng chỉ “không
lẻ loi, không u sầu” có hai đêm “trăng thanh đầy”, những đêm còn lại thì mỗi
đứa một nơi? Tác giả viết không kín kẽ, không thấy được lỗ hổng to tướng trong
câu nhạc của mình.
Uy lực của nhạc rất
lớn. Nó có khả năng cuốn lời ca vào thẳng tâm hồn không qua sự kiểm soát (chặt
chẽ) của lý trí. Bởi vậy, nó là con dao 2 lưỡi. Người nghe dễ xúc động, đồng
cảm với ca sĩ, nhạc sĩ nhưng cũng thường để lọt vào đầu mình những cặn bẩn của
văn chương. Ca khúc Chờ Đông được hát ở hải ngoại và trong nước nhiều năm nay
nhưng 2 lỗi nặng như trên vẫn bị lờ đi.
Người thưởng thức
nhạc nếu không cẩn thận lựa lọc, nghe mỗi bản nhạc lại đưa vào chỗ sâu kín nhất
trong tâm hồn mình một vài cộng rác. Lâu ngày sẽ thành một đống rác lớn.
Kết
Luận
Để kết luận tôi xin
mượn một đoạn văn đã viết từ khá lâu trong một bài bình thơ:
“Một lần tôi tình cờ ngồi gần một bà cụ trong
lúc ăn bánh xèo ở chợ An Đông. Bà cụ trải một lá rau xà lách xuống đĩa; trên lá
rau nằm chình ình một con sâu to bằng nửa ngón tay út. Tôi chưa kịp phản ứng
thì bà cụ đã thản nhiên xé một miếng bánh xèo đặt lên lá rau rồi cuộn lại, chấm
nước mắm cắn ăn ngon lành, vừa nhồm nhoàm nhai vừa gật gù ra vẻ khoái trá.
Trên đường về tôi
cứ áy náy mãi vì sự thiếu quyết đoán và tính cả nể của mình. Tôi sợ nếu lên
tiếng đánh động sự có mặt của con sâu sẽ làm hỏng bữa ăn ngon của bà cụ và…mất
lòng chủ quán. Nhưng nếu cứ ngồi yên để mặc bà cụ vừa nhai con sâu vừa khen
ngon thì có vẻ …hiểm ác quá. Hơn nữa, việc chỉ cho bà cụ (và mọi người) thấy
con sâu sẽ khiến chủ quán cẩn thận hơn trong những lần rửa rau sau đó, và khách
ăn hàng, nếu còn quyến luyến, sẽ để ý đến lá rau kỹ hơn trước khi cuốn bánh xèo.”
Mời thư giãn với nhạc phẩm CHẢY ĐI SÔNG ƠI
của Phó Đức Phương, qua tiếng hát Ngọc Tân:
*.
PHẠM ĐỨC NHÌ
Địa chỉ: League
City , Hoa Kỳ.
Email: nhidpham@gmail.com
.
.............................................................................................................
- Cập
nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 26.05.2019.
- Bài
viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui
lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét