CHIẾC ĐỒNG HỒ CHO ANNA - Truyện ngắn Lý Thanh (Anh Quốc)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)
CHIẾC ĐỒNG HỒ CHO ANNA
(Giải Nhất - Cuộc thi truyện ngắn Báo Quê Việt - 2019)
*
(Nhà văn Lý Thanh)
Elephant and Castle là khu phố nghèo của London, nằm giữa hai trục lộ từ cầu Westminster Bridge và London Bridge chạy sang bờ Nam sông Thames, gặp nhau ở bùng binh bên cạnh thương xá có tượng con voi cõng trên lưng một lâu đài. Hai cha con hắn mất gần hai giờ mới từ phi trường Heathrow về được bùng binh đó, và còn phải đi thêm 10 phút taxi tới địa chỉ thuê nhà. Nhà trọ Bed & Breakfast kiểu Anh ra nằm trên gác một quán pub luôn ồn ào. Nhận phòng xong, hai người đi ra phố mua đồ ăn. Đầu thu nên gần 9 giờ tối mà trời vẫn sáng. Bên phố chính thấy có quán Ấn Độ, kebab Thổ, tiệm McDonald's đều không hấp dẫn, hai cha con vào quán Tàu 'The Jade Garden' mua mì xào và thịt quay mang về ăn. Đang bước trên vỉa hè, Hương Lan, con gái hắn, kéo tay bố: “Bố xem, có cửa hàng Ba Lan này.”
Tấm bảng ‘Polish Delicatessen' có kèm dòng chữ Ba Lan 'Polski sklep spozywczy – Mała Brzoza (Bạch dương Nhỏ). Thấy đã đóng cửa, hắn bảo con gái để mai quay lại xem có gì hay. Ở Việt Nam, hắn vẫn làm phiên dịch cho các đoàn Ba Lan và còn mời họ về nhà thết đãi. Quà Ba Lan bạn bè đem về như xúc xích, vodka hiệu bò rừng Zubrowka có cọng cỏ xanh trong chai, sách báo cũng luôn có ở nhà. Ba Lan luôn là một phần của câu chuyện gia đình hắn và có lúc hai vợ chồng tính cho con sang Ba Lan học - nhiều trường nay dạy bằng tiếng Anh đạt tiêu chuẩn EU, giá lại rẻ - nhưng ngành thiết kế công nghiệp Hương Lan chọn lại rất tốt ở Anh, dù học phí cao nhất châu Âu.
Mấy ngày sau hắn phải đưa con nhập học ở Bắc London nên không thăm lại khu phố. Phải ba hôm sau, Hương Lan hẹn bạn mới quen lên Regent’s Park chụp ảnh nên hắn rảnh. Buổi chiều đi chơi ở trung tâm xong, hắn bước qua cầu Tower Bridge, và thấy GoogleMap chỉ nơi ở trọ cách không còn xa, nên quyết định đi bộ tiếp.
Con đường dẫn hắn trở lại cửa hàng thực phẩm Ba Lan hôm trước. Vừa đẩy cửa bước vào là một thế giới kỷ niệm ùa đến bằng mùi vị, màu sắc: quầy kính bán xúc xích, thịt nguội, các món bánh như sernik (bánh bột trộn pho-mai), paczki (bánh rán tẩm mật), các món bánh gối pierogi, bánh cuốn nhân thịt krokiety...ngon mắt không thể tả. Trên tủ có nước quả Gấu Puchatek, bia lon, bia chai Zywiec, Tyskie, EB...Cạnh đó là giá hàng đồ khô, dưa chuột muối, nấm ngâm dấm, vô số loại sữa chua, kefir quen thuộc, rồi bánh mì, pho-mai trắng (twaróg), phô-mai vàng, và cả kẹo ‘con bò sữa’ (krówki) hệt như thời hắn còn ở Ba Lan.
Trong tiệm khách hàng nói chuyện râm ran bằng tiếng Ba Lan như thể họ đang ở Warszawa chứ không phải giữa London. Không ai để ý đến hắn, có lẽ vì dân Ba Lan ở đây đã quen rằng London có đủ sắc dân, đủ loại màu da, màu tóc, chứ ở Ba Lan thì người châu Á vào cửa hàng đôi khi vẫn nhận được những cái nhìn tò mò. Vui thích thấy một giá để đầy báo và tạp chí Ba Lan và đang nhấc một cuốn lên xem hắn nghe cô bán hàng gọi bạn lấy thêm ra bánh sernik cho khách. Từ phía sau quầy, một phụ nữ nói to: “Już idę” (Đang đi ra đây) và bước ra, hai tay bê khay bánh. Hắn giật mình nhận ra khuôn mặt và mái tóc vàng dài quá vai. Một luồng điện chạy vụt qua đầu làm hắn buông luôn tờ tạp chí xuống, đi hẳn vào phía trong cửa hàng để không ai thấy. Đứng giữa hai dãy hàng đồ khô, mắt dán vào các gói mì, bột, bánh sấy, tim hắn đập thình thịch, mồ hôi đổ ra.
Anna, đúng là nàng nhưng trời đất đưa đẩy thế nào mà lại có mặt ở đây. Sau vài phút, trấn tĩnh lại, hắn lẳng lặng đi ra cửa để không ai chú ý rồi về quán The King's Head gọi một vại Guinness, tự mang ra bàn ngoài vườn. Khi ngồi xuống, tay hắn vẫn hơi run nhưng vị bia đen Irish vừa đắng vừa béo ngậy lại mát lạnh mau chóng làm đầu hắn dịu đi. Uống hết nửa vại bia, hắn lấy iPhone ra coi và bấm địa chỉ của cửa hàng Bạch dương Nhỏ vào Google.
Trang web có ảnh tiệm thực phẩm với lời chào bằng hai thứ tiếng, ‘Mời bạn đến với cửa hàng nhà Brzozowski'. Thôi thế cũng ổn. Chắc vợ chồng nàng nay chuyển sang Anh làm ăn từ hồi Ba Lan vào EU năm 2004. Hơi nuối tiếc nhưng hắn yên tâm là có thể quay lại hỏi thăm rồi chia tay nhau mà không phải hâm nóng tình xưa. Loay hoay bấm trang web hắn đọc thấy phần 'Liên hệ mua bán’: ‘Hãy gọi điện vào số +44(0207)...và gửi email cho Adam và Renata Brzozowscy'. Vậy không phải là Anna hay sao? Nàng làm gì ở đó? Người hắn nóng lên hệt như lần đầu tiên hôn nàng ở bãi biển Kolobrzeg.
*              *
*
Mùa hè năm thứ ba đại học ở Warszawa hắn được Andrzej, bạn cùng khoa, rủ về nhà chơi ở vùng biển Baltic. Gryfice có cả sông, cả rừng bên bờ biển khiến ba tuần đi chơi làm hắn mê luôn cảnh đẹp vùng này và còn học được bao điều về dải đất Ba Lan từ Gdansk chạy tới Szczecin mà trước 1945 thuộc về Đức. Những ngày cuối Thế Chiến 2, xe tăng Liên Xô đã tràn qua đây trên đường ‘công phá’ Berlin. Khắp vùng duyên hải vẫn còn nhiều di tích như pháo đài Wolin, nhà thờ kiểu Gothic ở Kamien Pomorski và các lô-cốt, nơi những toán SS cuối cùng cố thủ năm 1945 để rồi bị pháo Nga dập chết. Hôm trở về Warszawa, hắn quyết định xuống tàu xem ngọn hải đăng Kolobrzeg nổi tiếng xây từ thế kỷ 17.
Xuống ga hắn tìm đường ra bờ biển nhưng bị lạc. Một cô gái đang đứng bên lối vui vẻ chỉ đường: 'Cứ đi tiếp hai ba phố nữa là đến'. Dứt lời cô cùng bạn đi sang ngả khác.
Ngọn hải đăng cao hơn 30 mét quả là một công trình đáng nể. Ngoài phần tháp và ngọn đèn trên đỉnh từng chỉ đường cho tàu thuyền từ Đan Mạch lên St Petersburg, đây còn là một pháo đài lớn, bảo vệ vùng bờ biển...của Đức ngày xưa. Còn từ khi thuộc về Ba Lan, thành phố cho xây thêm tượng ‘Zaślubin Polski z morzem’ (Ba Lan kết hôn với Biển Baltic), đánh dấu chiến tích Ba Lan phải đổ máu nhiều đời để giành lối ra biển.
Hắn xắn quần lội nước một lúc rồi lên bậc thang dưới chân đèn biển ngồi nghỉ. Đang xem cuốn sách du lịch thì có tiếng người hỏi “Cuối cùng thì bạn cũng ra đến đây?”. Ô kìa, cô gái lúc nãy nay chỉ có một mình, chiếc túi màu đỏ không đeo ở vai mà cầm ở tay, khuôn mặt tròn xinh xắn, mắt mở to dò hỏi như muốn làm quen.
Cô chìa tay: “Tôi là Ania. Còn anh có phải người Trung Quốc?”
“Không, tôi là người Việt Nam. Chắc bạn chưa bao giờ gặp người Việt Nam?”
Cô gái đỏ hồng hai má: “Cho đến sáng nay thì chưa bao giờ.”
À, cô bé này tính hóm hỉnh, biết đùa rất dễ mến. Hắn tự giới thiệu tên rồi rủ cô đi dạo.
Hai đứa đi trên bãi cát rồi vào trong phố, xem Tòa thị chính do Karl Friedrich Schinkel xây giữa thế kỷ 19, ngắm Nhà thờ Nữ thánh Maria bằng gạch đỏ, rồi lại trở ra bãi biển. Năm nay 19 tuổi, sống ở thị trấn Budzistowo, ngoại ô Kolobrzeg, Anna học nghề y tá và có hobby là vẽ bằng phấn và bút chì. Gần hai giờ chiều, hắn chia tay cô gái để lên tàu về Warszawa và hôm sau gửi cho cô một bưu ảnh chụp Công viên Lazienki có tượng Chopin bên đàn piano. Bức thư đáp lời từ Anna có kèm bức tranh bút chì vẽ ngọn đèn biển. Bên cạnh dòng chữ Ba Lan, 'Latarnia Morska Kolobrzeg' cô viết cả tiếng Đức 'Leuchtturm im Hafen von Kolberg' và Anh 'Lighthouse in the Harbour of Kolobrzeg'. Giữa ba dòng chữ cách điệu, cô gái vẽ một trái tim nhỏ nằm nép bên ngọn sóng.
Hình trái tim làm hắn bồi hồi và khó nghĩ. Hắn vẫn đang có bạn gái Kasia, người mới đi thăm thân ở Canada, nơi anh cô bỏ sang tỵ nạn hồi Ba Lan ra Thiết quân luật năm 1981. Từ Toronto, Kasia vẫn viết thư đều nên hắn quyết định chỉ giữ quan hệ với Anna qua cách gửi bưu ảnh mà không thổ lộ gì. Kiếm được tiền là hắn đi chơi nên bưu ảnh từ Berlin, Bratislava, Budapest và có lần là từ Moskva lần lượt bay về vùng biển Ba Lan. Thư và tranh của Anna thì ngày càng lãng mạn hơn, có khi là những nhành hoa bên lối vào một nhà thờ đá, hoa trùm lên nét thánh giá mảnh mai ở phía xa, có khi là hình con chim đứng một chân dưới bóng của con thuyền bên bãi. Có lần cô vẽ đụn cát cận cảnh, ngoài khơi xa chỉ một cánh buồm trắng. Nét chì đen điểm phấn màu luôn tạo ra khung cảnh thật thân ái, mời gọi nhưng thoáng xa vời, tưởng như chỉ là màu hy vọng.
Nằm trong căn phòng nhỏ ở nhà sinh viên, hắn vắt tay lên trán suy nghĩ. Hắn đã có nhiều bạn gái Ba Lan, và thấy họ đều muốn tưởng tượng ra hình ảnh hơi quá lãng mạn về hắn, một anh chàng cao gầy, tóc đen đến từ châu Á 'exotic'. Tuổi trẻ tràn trề nên lao vào các mối quan hệ đó mà không suy nghĩ nhiều. Có lúc làm tình xong, hắn nằm gối đầu lên bộ ngực trắng muốt của Kasia, cô lùa tay vào tóc hắn và bảo: “Tóc đen và nhọn thế.” Hắn khoan khoái tự hào vì chẳng cần tóc nâu, mũi cao và mình đầy lông lá như mấy thằng bạn Ba Lan mà vẫn chiếm được cô gái xinh vào loại nhất lớp.
Nhưng hắn cũng nhận ra khá rõ là trong chuyện tán gái, sức hấp dẫn”của lạ” đến từ hình thể và giọng nói tiếng Ba Lan khá chuẩn của hắn cũng có điểm dừng. Nước Ba Lan thuần chủng bị đóng cửa hàng chục năm nên số phụ nữ dám yêu hay lấy chồng gốc từ các nước Thế giới thứ ba rất hiếm. Và vì con số đó quá nhỏ nên khó biết họ lấy vì tình yêu thật, rất thật và rất mãnh liệt, hay chỉ muốn chạy trốn khỏi hiện thực chỉ một màu trắng buồn tẻ trong những ngày tuyết tan lầy lội.
*              *
*
Phải thêm một mùa hè nữa hắn mới cảm thấy tình yêu với Anna như trái cây đến độ chín. Cũng gần nửa năm hắn chỉ...yêu qua thư vì Kasia đã có visa ở lại Canada và thư từ giãn dần. Nhưng điều gì đến thì cũng phải đến. Hắn viết cho Kasia một lá thư chia tay và mua vé tàu quay lại vùng biển.
Anna thuê nhà trên tầng hai một ‘kamienica’ kiểu Đức cũ dành cho nhiều hộ gia đình. Căn gác nhỏ đấy là thiên đường của tình yêu cho hắn và nàng trong hai mùa hè liền. Nay đã đi làm trong bệnh viện thành phố, có ngày nàng để hắn ở nhà một mình. Những chiều vắng nàng, hắn ra ban-công ngồi ngắm cây dẻ gai thả hoa trắng muốt vào mùa thi mà Ba Lan gọi là ‘mùa hoa kasztany’. Xa hơn là khoảnh rừng với ngọn bạch dương cao vút, gió biển thổi lay động cả ngày lẫn đêm.
Cha Anna là người Ba Lan nhưng mẹ nàng họ Walfdorf là dân Đức mà nửa gia đình bị trục xuất hết khỏi Ba Lan năm 1946. Trước Thế Chiến, họ ở Bydgoszcz (Bumberg) và trong họ mẹ Anna có hai người cầm súng trong Wehrmacht. Với người Ba Lan thì kiều dân Đức, Volksdeutsche, sống ở vùng Tây Ba Lan đã chừng 700 năm, là bọn phản bội đáng giết. Nhưng thực ra không người ít bị cưỡng bức phải vào quân đội Đức, đã gây tội ác và đã bị trừng phạt. Chuyện như thế ở Ba Lan có nhiều mà ít ai muốn nhắc. Một nhà văn Ba Lan từng nói rằng lịch sử quá nhiều sự kiện đau lòng nên biết chọn gì để quên đi là cả một nghệ thuật. Vì không phải là người Ba Lan nên hắn được nghe Anna kể hết về gia đình giữa những giờ đi dạo bờ biển, đi xem phim, ăn kem. Một chiều nàng bắt hắn làm người mẫu ngồi trên nền nhà đọc sách bên cạnh giỏ anh đào để vẽ chân dung. Nhưng Anna không cho hắn xem tranh mà bảo để khi nào vẽ thật đẹp rồi sẽ tặng hắn.
Ngày đó đã không xảy ra. Vào năm cuối đại học, bố mẹ ở nhà nói đã xin việc cho hắn ở một viện nghiên cứu trung ương. Đường công danh rộng mở, hắn lại là con một, không về không được, khiến tấm vé về như chiếc chìa khóa mở ra một tương lai tươi sáng.
Một buổi chiều mùa đông hắn đã lại đi tàu lên Kolobrzeg rồi đến căn gác tình yêu. Nàng không có nhà nhưng như nhiều lần khác, hắn đã có chìa khóa nên cứ mở cửa vào. Lục tủ lạnh thấy không có gì ngoài mấy lọ sữa chua, hắn lộn ra phố, đi trong trời mưa tuyết trắng xóa đường phố mua đủ mấy thứ về nấu món mì thịt và rau trộn. Hắn mở chai bia ngồi ăn cơm một mình rồi đi ngủ. Gần sáng nàng từ ca trực đêm về, bước vào phòng, rũ tuyết khỏi giày rồi vứt áo quần chui vào chăn tìm hắn. Hắn không cần mở mắt ra mà cứ ôm lấy tấm thân còn hơi lạnh của tuyết, hôn nàng thật sâu và hai đứa quấn vào nhau dưới tấm koldra nhanh chóng nóng rực.
Sáng hôm sau, hắn dậy sớm để ra tàu và vô ý vung tay làm chiếc đồng hồ báo thức văng xuống nền nhà vỡ tung ra. Nàng chỉ mở mắt nhìn, nói “Không sao đâu” rồi ngủ tiếp. Hắn thấy lòng nặng trĩu vì hèn nhát, không dám nói lời chia tay mà chỉ lẳng lặng để chiếc chìa khóa nhà lên mặt bàn rồi bước đi. Lúc lên tàu hắn tự nhủ ‘Mình phải gửi về cho nàng một chiếc đồng hồ’.
*               *
*
Hôm đó ở London, hắn trở lại cửa hàng đứng rất lâu, chờ vắng khách mới vào. Anna đứng ở quầy tính tiền chăm chút viết gì đó. Hắn nhặt tờ báo Angora đặt lên mặt quầy. Nàng ngửng lên, giật mình, cặp mắt màu hạt dẻ mở to, má đỏ ửng lên nhìn hắn nửa tin nửa ngờ.
“Chào Anna!”
“Chào anh...”
Thời gian như dừng lại.
“Anh chỉ mua có tờ báo?”
“Anh còn muốn nói chuyện.”
Gặp lại nhau, Anna kể những ngày đầu sang Anh thật gian truân. Mấy năm đầu vì tiếng Anh còn kém nên việc làm chỉ là dọn phòng khách sạn, phụ bếp, phụ bán hàng. Sau hai năm với nhiều giờ học tiếng Anh buổi tối ở một college cộng đồng, Anna mới nhận được việc trong mạng mỹ phẩm và dược phẩm Boots. Kiến thức hồi làm y tá ở Ba Lan giúp nàng lên chức phụ trách sale của quầy dược. Đồng lương không cao nhưng Anna đã học được cách vận hành của một doanh nghiệp và tính chuyện ra làm riêng. Góp vốn cùng cậu em họ và vợ cậu ta, nàng mở tiệm thực phẩm Đông Âu. Sau Ba Lan, Hungary, Czech và Slovakia, đến lượt Romania, Bulgaria, Lithuania, Latvia và Estonia cũng vào EU và hàng trăm nghìn công dân của họ kéo sang Anh, cộng với cả triệu người Ba Lan đã ở Anh, tạo ra một thị trường thực phẩm ra tiền. Anna có cổ phần trên 50% nên trông quầy ba ngày và lo sổ sách, giao tiếp với kế toán, luật sư. Hai bạn trẻ lo cả bốn ngày còn lại.
Sau khi hắn rời Ba Lan nàng có bạn trai và hai người sống với nhau vài năm không làm đám cưới. Nhưng vì mất việc anh chàng xoay ra rượu chè, rồi bỏ sang Thuỵ Điển, khiến Anna cũng bỏ Ba Lan sang Anh tìm vận may mới. Tối hôm trước ngày hắn ra sân bay, nàng mời hắn lại nhà ăn món bánh pierogi tự làm. Dòng cảm xúc thời sinh viên trở lại cùng kỷ niệm yêu dấu làm lòng hắn se lại trước cô gái tóc vàng mà nay đã là người phụ nữ sắp vào tuổi trung niên. Hắn thấy bâng khuâng, hối lỗi. Nàng thổ lộ muốn về Ba Lan mua một khu nhà nghỉ cho thuê lấy chỗ đi về, và không phải cắm mặt vào quầy thực phẩm 365 ngày một năm ở London, hắn bám ngay lấy ý tưởng đó cũng muốn thoát khỏi cuộc sống vô vị ở Việt Nam. Lúc chào ra về, hắn hôn nhẹ vào má, rồi vào mái tóc của nàng, rồi ôm nàng chặt hơn một cái hôn xã giao bình thường.
“Anh không hạnh phúc khi ở Hà Nội và muốn quay lại đây, quay lại Ba Lan, nên cứ đợi rồi chúng ta làm gì đó chung.”
Hắn không thể hứa nhiều hơn nhưng muốn Anna đừng bỏ hắn như hắn từng bỏ nàng hồi sinh viên. Cặp mắt người phụ nữ sáng bừng lên rồi nhắm lại. Nàng gục đầu vào vai hắn khóc không thành tiếng. Dòng nước mắt tủi thân của một tình yêu năm xưa tưởng đã chết đi cùng năm tháng cứ thấm vào áo hắn nóng rực. Hắn nâng đôi má nàng lên, hôn vào cặp môi vẫn run vì khóc, hứa sẽ quay lại.  
*              *
*
Chuyến thăm lại Ba Lan thành công hơn hắn tưởng. Vì sinh hoạt trong Hội cựu sinh viên Ba Lan ở Hà Nội và thường tới Đại Sứ quán Ba Lan dự lễ độc lập, hắn xin được visa khá dễ. Giấy tờ đầu tư cho phép mang vào 30 nghìn euro hợp pháp để hắn góp vốn cùng Anna mua cổ phần tại một nhà nghỉ 15 phòng mới xây ở Pomorze. Thăm lại Warszawa, hắn thấy cộng đồng ngày càng đông người Việt nhưng số người từng học và làm việc trước thay đổi thể chế năm 1989 ngày một ít đi, giới lao động mới sang Ba Lan thì đông hơn hẳn. Nhưng với họ, đi Ba Lan hay đi Nga, Đài Loan, Hàn Quốc, sang Anh làm lậu...cũng vậy thôi, tất cả chỉ là chỗ kiếm tiền, không gắn bó gì về văn hóa. Kinh tế Ba Lan tốt hơn trước rất nhiều, đường xá khang trang, đi lại tiện lợi nên hắn thấy kế hoạch làm ăn ở vùng biển xa, chỉ toàn phục vụ khách Ba Lan lại hợp hơn là bám ở thủ đô. Trong lúc chờ khu nhà hoàn tất trang thiết bị, hắn và Anna thuê khách sạn và đi nghỉ hè, lần thứ ba cùng nhau sau nhiều năm.
Con phố bên Nhà thờ đổ ở Trzęsacz ban ngày luôn tấp nập với hàng quán nhưng trước nửa đêm cả phố chỉ còn quán bia là có người. Một đám khách say sưa hát theo bản nhạc của nhóm Czerwone Gitary, chứng tỏ lứa tuổi của họ cũng phải quá 50. Trên cầu nhô ra bãi cát có mấy cặp trai gái ngắm cảnh biển về đêm khi trăng vừa lên. Anna dựa đầu vào vai hắn, mái tóc vàng trong bóng đêm chỉ là một mầu nâu sẫm thoáng hương mặn của muối. Hắn hôn nàng, trong đầu chạy nhanh một ý nghĩ “Nếu từ ngày đó hắn không về Việt Nam mà ở đây với nàng thì cảm xúc yêu thương có mạnh như bây giờ hay đã cùn mòn?” Tình nồng nàn sau năm tháng nhớ nhung như mật ngọt, khác với sinh hoạt vợ chồng buồn tẻ ngày nào cũng va mặt vào nhau. Nhưng hắn tự ghét mình vì ý nghĩ so sánh kỳ quái đó. Hắn thấy có tội với Hương.
Tiếng hát trong quán đã dứt nhưng vẫn vương vấn trong tâm trí.
Kwiaty we włosach potargał wiatr
Po co więc wracasz do tamtych lat?
Zgubionych dni nie znajdziesz już,
Choć przejdziesz świat i wszerz i wzdłuż.

Gió thổi tung hoa trong mái tóc em
Sao cứ trở lại năm tháng đã quên?
Những ngày đã mất tìm cũng chẳng nên 
Dù chân đã đi dọc ngang bốn bể.

Kwiaty we włosach potargał wiatr,
Dawno zmieniłaś swych marzeń kształt.
I dzisiaj Ty, i dzisiaj ja –
To drogi dwie i szczęścia dwa.

Gió thổi tung hoa trong mái tóc em
Em đã đổi thay hình của mộng mơ
Em của hôm nay, và anh ở đây
Đường đời hai ngả, hạnh phúc hai xa...
Có thật là phải như thế? Hắn tự hỏi.
Buổi sáng ở biển người ta thường được tiếng sóng ì ầm đánh thức. Nhưng hắn bừng dậy bởi mùi cà phê thơm nức và mùi bánh mì nóng. Anna đã kịp chạy xuống phố mua bánh và mở phòng, gọi hắn là ‘leniuch’ (chú lười) và bảo có esspresso đang chờ. Nhưng hắn lại thèm muốn một hương vị khác, hương vị của làn da trong nắng sớm. Bước vào bếp, chưa kịp để nàng ngoái lại, hắn vào luồn tay vào trong chiếu áo cánh mỏng, kéo nàng về phía mình và hôn vào cần cổ trắng nõn. Anna xoay người lại để hắn ghì chặt lấy bằng cả hai tay và đôi môi. Nàng thở hơi gấp: “Thế không muốn ăn sáng ngay?” Hắn cười: “Có món khác ngon hơn”, và bế nàng đem ra phòng khách, đặt nhẹ nhàng xuống chiếc sofa in hình cá biển và san hô, rồi hai người chìm vào nhau mặc cho nắng sáng đã chiếu rõ trên nền nhà, qua khung cửa kính có họa tiết nhấp nhô hình hoa huệ.
*              *
*
Hắn kể với nàng về cuộc hôn nhân của mình. Vợ hắn như bao cô gái Hà Nội khác, không xấu, không xinh, kỹ tính, ít nói, chăm sóc tốt gia đình mình, giữ kẽ với nhà chồng và thủ thế với họ hàng. Giống nhiều phụ nữ cùng thế hệ, việc biểu lộ tình cảm của cô ít khi bột phát, nồng nàn. Sang tuổi ngoài 40, cô hay đi chùa, ham cúng bái hơn yêu đương chăn gối. Xét cho cùng hắn cũng chẳng là ai mà trách cả một xã hội như thế. Người ta sống vì những điều quy ước, những bổn phận siết chặt mềm mại đời này qua đời khác hơn là cho bản thân. Ở xứ sở mà niềm tự hào thường dâng trào khi nhắc lại quá khứ tô đậm màu tưởng tượng, người ta coi tình yêu là tiền đề cho sinh đẻ, cho nhiều năm khó nhọc nuôi dưỡng một hai bộ gene cũng không có gì quá độc đáo, để đời sau lại kéo tiếp như thế. Người ta ăn cắp, ăn cướp cũng là ‘vì gia đình, vợ con’ và sau thời khắc kỷ nay xả hết cỡ trong sự ăn tiêu, làm tình và tàn phá môi trường.
Với riêng hắn, trải nghiệm ở châu Âu đọng lại như một bệnh lý. So sánh thì vô cùng mà cuộc đời sao thật ngắn. Những dằn vặt về một cuộc sống thực và hư, của ngày nay, ngày xưa cần lối thoát. Hắn đã về, làm tròn chữ hiếu với mẹ cha và thấy xã hội ngày càng xa lạ nên chỉ muốn giành lại phần đời còn lại...để làm điều gì đó cho bản thân ích kỷ.
*             *
*
Nằm về phía Bắc Bangkok, Koh Kret là hòn đảo chỗ sông Chao Phraya cuộn thành một vòng tròn từ Thorn Buri ngoặt sang phía Tây. Khách nước ngoài sang Thái Lan thường tới Pattaya, Huahin, Phuket nên Koh Kret chỉ thân thuộc với người Bangkok. Họ đến đây vào cuối tuần để đi xe đạp, để thăm các xóm có lò làm gốm, có chùa và khu chợ bên bến đò.
Hắn và Anna rời hotel, bắt tàu SkyTrain tới bến Tapan Thaksin. Từ đó, hai người mua vé đi thuyền ‘speed boat’ cùng rất nhiều du khách Trung Quốc. Tiếng máy rất ồn không thể nói chuyện được nên hắn chỉ lặng yên ngắm nàng và ngắm sông. Nàng mang một chiếc váy lụa màu tím nhạt kiểu Thái vừa mua ở chợ trời Khao San, đôi vai tròn trong cánh áo màu mỡ gà, hay cánh tay khép lại giữ chiếc túi da. Gương mặt sáng, đeo cặp kính đen nhìn ra xa xa vẻ thích thú với phong cảnh nhiệt đới mà lần đầu nàng biết. Hắn ôm chiếc ba lô nhỏ, nhìn ra ngoài, nhớ lại lần đi thuyền trên sông Đồng Nai lên Biên Hòa, cũng cảnh dòng nước cuồn cuộn chảy, đẩy các đám lục bình trôi ào ạt, kéo theo mọi ưu phiền.
Đến bến cuối hai người bước xuống và thuê xuồng ra đảo. Tiếng máy rú lên sầm sập và tốc độ thật nhanh của xuồng máy làm hai đứa hét lên mà không nghe thấy tiếng của nhau. Nhưng chỉ 20 phút sau thuyền đi chậm lại và đáp vào gần một ngọn tháp vàng rực. Chợ Koh Kret có bán tôm cá sấy khô, hoa thiên lý khô và đủ các món ăn Thái nhưng hai người không mua gì mà hỏi lối đến Wat Phai Lom. Hắn đã nhờ một người bạn Thái là nghệ sỹ ở Bangkok hẹn trước một vị sư để làm lễ. Họ bước vào Pia To, ngôi chùa chính xây theo phong cách cố đô Ayutthaya và cũng là tu viện của các sư người Mon, dân tộc từ Myanmar đến Thái Lan hàng trăm năm trước.
Trong lễ cưới Phật giáo kiểu Mon, Anna khoác thêm một tấm lụa trắng, còn hắn khoác chiếc áo kiểu Thái không có cổ, cũng màu trắng. Khi hắn đề nghị chuyện này, nàng không phản đối mà chỉ tò mò muốn biết lễ Phật giáo đó là như thế nào. Hắn cố gắng tìm những từ tôn giáo trong tiếng Ba Lan để nói là tín đồ đạo Phật tin rằng ở mỗi kiếp, con người có nhân duyên để gặp nhau, và nếu cùng chung ý nguyện, thì họ sẽ giúp nhau lên một tầng khác, trong một kiếp khác, có thể ở thế giới này một lần nữa, hoặc vào một trong muôn vàn thế giới của chúng sinh, hoặc của thiên thần.
Vị sư trẻ nói tiếng Anh khá tốt giới thiệu nghi lễ, rồi bắt đầu đọc kinh bằng tiếng Pali. Hắn và Anna quỳ xuống lắng nghe mà không hiểu gì. Chùa Thái Lan không đốt hương nhiều như chùa Hoa và chùa Việt, trừ những ngày lễ. Thế nhưng mùi hoa bưởi, hoa nhài, hoa sen thoang thoảng từ bàn thờ và từ ngoài vườn theo gió thổi vào làm không gian trong chùa thiêng liêng, trầm lắng lạ thường. Xa xa đâu đó ngoài xóm bên sông còn có tiếng gà gáy cuối chiều vọng lại, đưa hắn về thời bé thơ ở xóm nghèo ngoại thành Hà Nội. Cuộc đời đúng là một dòng sông và bao chuyện xảy ra chỉ như làn nước trôi qua. Nhưng ở một điểm dừng ngắn ngủi này – chỉ vài hôm nữa hai người sẽ bay khỏi Bangkok - hắn sung sướng vì đã trả ơn cho tình yêu của người con gái trời Âu đã giữ trọn mối tình hồi trẻ với hắn. Hắn tự thấy như đang cùng nàng rẽ vào một quãng đời khác, dù chỉ chốc lát thấy mình qua tấm gương thời gian, qua bức tranh chì bên ngọn hải đăng luôn đón gió biển.
Quà hắn tặng nàng cho đám cưới chỉ hai người biết với nhau là một chiếc đồng hồ vàng có khảm đá xanh, đeo bằng sợi chỉ hồng mua ở bến sông.


    
Mời thư giãn với nhạc phẩm YÊU MÃI NGÀN NĂM
của Nguyễn Ngọc Thiện, qua tiếng hát Lâm Nhật Tiến và Minh Tuyết:
          
*.
Pobierowo 08/2018 – London 12/2018
LÝ THANH (tên thật: Nguyễn Giang)
Quê gốc: phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, Bắc ninh.
Cư trú: thị trấn Gravesend, Hạt Kent, Anh Quốc.
Email: giangdart@gmail.com

.
.



............................................................................................................
- Cập nhật từ email khoidinhbang@gmail.com ngày 09.06.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 
.

0 comments:

Đăng nhận xét