(Nguồn ảnh: internet) |
GÓP THÊM MỘT CÁI NHÌN
VỀ
TRUYỆN NGẮN DỊ HƯƠNG
*
Truyện ngắn Dị
hương của Sương Nguyệt Minh được viết dựa trên cảm hứng về hai nhân vật
có thật trong lịch sử đó là vua Gia long (vị vua khai sáng vương triều Nguyễn
và có công rất lớn trong việc mở mang bờ cõi nước Việt - điều này là hiển nhiên
không ai có thể phủ nhận được) và hoàng hậu Lê Ngọc Bình. Tuy nhiên, vấn đề là
qua việc xây dựng hai nhân vật trong truyện ngắn này Sương Nguyệt Minh muốn nói
lên vấn đề gì? Thời gian qua có khá nhiều ý kiến khen chê về truyện ngắn này.
Chúng tôi muốn góp thêm một cái nhìn về vấn đề trên.
1. Dị hương - cái nhìn
cảnh tỉnh xã hội thông qua bi kịch
của những “con người
trần tục” bị “thần thánh hóa”
Theo thiển ý của chúng
tôi, đọc và ngẫm kỹ lại Dị hương, có thể nói Sương Nguyệt
Minh đặt ra một vấn đề (tuy không mới) đó là về bi kịch của những “con
người trần tục” nhưng bị “thần thánh hóa”, “thần tượng hóa”. Vấn đề này nhìn
rộng ra và soi chiếu vào xã hội ta hiện nay cũng là chuyện rất đáng được quan
tâm.
Trong Dị
hương, Sương Nguyệt Minh lấy bối cảnh và thời điểm sau khi vua Quang
Trung - Nguyễn Huệ mất, vua Gia Long gần như đã chắc lấy được Phú Xuân thống
nhất bờ cõi. Nói chung vào thời điểm này, vua Gia Long gần như đã “có tất cả
thiên hạ”, đã “nắm thiên hạ” trong tay ấy vậy mà khi vua muốn được hưởng thụ
một “thú vui trần tục” và rất chính đáng với công chúa Lê Ngọc Bình (vốn là
hoàng hậu của vua Nguyễn Quang Toản) lại không được thoải mái và tự do chút
nào! Đây là những lời tâm sự rất thật của vua Gia Long qua cái nhìn của Sương
Nguyệt Minh trong Dị hương:
“Đang khi tranh tối tranh sáng, Ánh kêu quân
hầu mang võng tía lên sườn núi tìm cây giăng mắc. Ánh bế Ngọc Bình đi lên theo.
Sương đêm lành lạnh bay mỏng nhẹ như màn buông. Gió sông vẫn thổi không dứt
quằn quặn. Gai người.
Đại giám quân Lê Văn
Duyệt thức khuya, mệt phờ phạc ra sức can ngăn:
“Chúa công hãy giữ mình
rồng. Trước đây bôn tẩu gặp đâu ngủ đấy, cùng đường chạy giặc cỏ thì không nói
làm gì. Nay đã có kinh kỳ Phú Xuân vàng son lộng lẫy, chúa vương nên về long
sàn mà ngủ. Sao người cứ phải vui thú dập dạ trên cỏ cây như lối bọn thợ sơn tràng
hạ dân”.
Ánh đang ẵm mỹ nhân, tức
giận quá một tay quắp nàng một tay chỉ vào mặt Duyệt: “Sao đế vương khổ
thế!? Ta muốn sống như một người dân bình thường không được ư? Chả lẽ cái việc
ngủ với đàn bà con gái mà còn phải hoãn cơn động cỡn lại chờ về nơi lầu son gác
tía? Ta là chúa vương tối cao, ta thích sang trọng sẽ được sang trọng, ta muốn
dân dã, lấm láp là được lấm láp. Ta không bằng một thợ cày sao? Đêm nay ta muốn
ngủ với nàng trên cỏ cây như một thảo dân vô học”.
Mắng xong, Ánh bế phắt
mỹ nhân đi như chạy.”
Người đọc cũng sẽ hiểu
và thông cảm hơn với nỗi lòng này của vua Gia Long ở một đoạn khác trong Dị
hương:
“Về Phú Xuân, Ánh ốm liệt giường. Lúc nào cũng chìm trong mộng mị ân ái
với nàng Ngọc Bình ở Ngọc Trản Sơn. Ánh ân hận, cứ nghĩ mình bỏ rơi nàng lại
Ngọc Trản Sơn. Ngày phát lệnh tiến quân ra Bắc đến gần mà bệnh tình của Ánh
không nguôi. Việc đại sự quốc gia có nguy cơ hỏng. Bọn Lê Văn Duyệt và Nguyễn
Văn Thành biết minh chủ ốm tương tư liền kêu nhau phủ phục tận long sàng thưa:
“Ngụy Toản vẫn còn.
Giang sơn chưa về một mối. Chúa vương suốt ngày thương nhớ một con đàn bà đến
ốm o, mòn mỏi thì thần dân biết trông cậy vào ai?”.
Ánh bảo:
“Người xưa nói: Anh hùng
khó qua ải mỹ nhân”.
Lê Văn Duyệt lại phủ
phục:
“Thưa chúa vương! Công
chúa Ngọc Bình xinh đẹp sắc nước hương trời thật, nhưng lại là hoàng hậu nhà
Tây Sơn, vợ kẻ thù hận”.
Ánh cả giận, mắng:
“Ta đoạt lại thiên hạ từ
giặc cỏ Tây Sơn, thì cành cây ngọn cỏ cũng thuộc về ta, huống chi là vợ Quang
Toản. Vả lại, các ngươi là anh hùng thời loạn chỉ biết hùng hục đánh nhau chém
giết, có biết yêu thương bao giờ mà hiểu được lòng ta. Các ngươi là hạng đàn
ông võ biền chỉ nghĩ đến chuyện đực cái trần tục, đâu có biết cái thứ mùi hương
kỳ lạ thanh tao tỏa ra từ ngọc thể của nàng”.
Nguyễn Văn Thành
thì đỏ mặt. Đại giám quân Lê Văn Duyệt vốn là kẻ ái nam ái nữ ngượng ngùng, bẽ
bàng quá. Hai đại thần không thể ngấm ngầm giấu mỹ nhân Ngọc Bình mãi, đành
phải đưa nàng lại bên Ánh. Ánh cả mừng. Bao nhiêu bệnh tật trong mình bay biến
hết. Ánh bảo:
“Mỹ nhân tự cổ như danh
tướng. Tội các ngươi đáng chém. Ta được nàng là được thêm một “danh tướng”. Ta
không muốn được danh tướng mới thì mất danh tướng cũ. Thôi, ta tha”.
Lưỡng lự một lát rồi Ánh
túm ngực áo gầm lên:
“Sao các ngươi không
hiểu lòng ta nhỉ?”
Bọn Thành, Duyệt ngơ
ngác và bất lực, lui ra.”
Rõ là, mang tiếng là
“thiên tử” là “con trời”, tưởng đâu muốn gì được nấy, thế nhưng thực tế thì
không hoàn toàn như vậy. Tuy nhiên, đây cũng chưa phải là nổi khổ nhất hay nói
đúng hơn chưa phải là bi kịch chính của vua Gia Long trong cái nhìn của Sương
Nguyệt Minh. Cái bi kịch của vua Gia Long trong Dị hương là phải chấp
nhận cái nhìn “thần thánh hóa” của người đời nên dù muốn dù không cũng đành
phải thay đổi mình đến nỗi không còn là mình nữa, không thể trở lại làm chính
mình nữa! Ở góc nhìn triết học đây là một biểu hiện của một bi kịch về sự “tha
hóa” của con người. Xin bạn đọc đừng hiểu lầm chúng tôi nói vua Gia Long “tha
hóa” với một dụng ý xấu. Mà ở đây, trước hết, ở góc độ từ nguyên (theo Từ điển
Hán Việt của Giáo sư Nguyễn Lân) “tha hóa” có nghĩa là: “trở thành khác với bản chất của mình”.
Và trong trường hợp này sự “tha hóa” của vua Gia Long là ông buộc phải sống và
ứng xử theo những “chuẩn mực” đã được người đời “thần thánh hóa”. Cho nên nói
bi kịch là vì thế. Làm vua mà không được tự do sống theo ý mình, không có ai
hiểu mình để có thể bầu bạn thì đâu có gì là sung sướng, là hạnh phúc. Phải
chăng khi anh đã bước lên ngôi cao của danh vọng và quyền lực thì có nguy cơ
anh sẽ trở thành kẻ cô đơn vì chẳng còn ai để bầu bạn và đau xót hơn nữa là có
khi anh không còn được sống với những suy nghĩ của chính mình mà tất cả phải
chịu sự “giám sát” của người đời vì họ đã tôn vinh, đã “thần tượng” anh như
những vị thánh sống? Nói khác đi, trong trường hợp này có thể nói chính người
đời đã xây cho “vua”, cho “vĩ nhân” những người mà họ kính trọng, nể sợ hay yêu
quý một lâu đài có tên là “thần thánh” (mà thần thánh thì dứt khoát không thể
sống như người thường) và “nhốt” vua, “nhốt” vĩ nhân vĩnh viễn vào trong cái
lâu đài ấy. Xuyên suốt truyện ngắn Dị hương, người đọc không khó để
nhận ra nỗi niềm và sự cô đơn này của vua Gia Long nhất là khi hoàng hậu Lê
Ngọc Bình mất ông gần như cũng chẳng còn thiết tha gì nữa:
“Lúc bọn
thái giám vào, thấy Ánh đã khoác hờ tấm hoàng bào, ngồi bệt xuống sàn, thả một
tay vào bồn tắm. Mặt ngơ ngác như người mất hồn vía. Hai mắt Đức phi tam cung
nhắm hờ như ngủ. Tóc mây xõa lập lờ trong nước. Hai đùi dài khép sát. Thân thể
đã mềm mại và trắng hồng trở lại. Thần sắc đã hồi. Văng vẳng đâu đó như có câu
ca vọng vào tam cung:
“Gái đâu có gái lạ đời
Con vua lại lấy hai vua
làm chồng”.
Cái yếm đỏ vụt bay khỏi
tay Ánh lượn những đường ngoằn nghèo như hương khói.”
Có thể nói với Dị
hương, Sương Nguyệt Minh đã “mượn” một “dữ kiện” có trong lịch sử về mối
quan hệ của vua Gia Long và hoàng hậu Lê Ngọc Bình để nói lên một cái nhìn nhân
bản, nhân văn về cái khát vọng tự do rất chính đáng của con người. Rằng kính
trọng “vĩ nhân” là một việc làm rất chính đáng nhưng xin hãy thể hiện sự tôn
kính ấy trước hết là cần xem họ như một người bình thường như bao nhiêu người
khác, xin đừng “thần thánh hóa” họ. Vấn đề này rộng ra trong xã hội thời hiện
đại mới thấy cái nhìn khá độc đáo của Sương Nguyệt Minh.
Từ bi kịch của vua Gia
Long trong Dị hương, phải chăng Sương Nguyệt Minh muốn đề cập đến một vấn
đề khá nhức nhối trong xã hội hiện nay về một xu hướng, một cái nhìn lệch lạc
của nhiều người khi “thần tượng hóa” một cá nhân nào đó. Một diễn viên điện
ảnh, một người mẫu, một ca sĩ, một giáo sư, một vị lãnh đạo… nào đó suy cho
cùng cũng chỉ là những người bình thường thế nhưng đùng một cái được công chúng
gắn cho nhãn mác “ngôi sao” hay một “tượng đài của công chúng” vô tình đã làm
cho họ không còn là chính họ nữa; họ phải sống, phải ứng xử với mọi người bằng
một hình ảnh khác (đi đứng, nói năng, sinh hoạt….) đôi khi là rất giả tạo. Cái
nhìn kiểu “tôn thờ” “thần tượng” này nhìn ở góc độ văn hóa là rất nguy hiểm cho
xã hội bởi vì:
Thứ nhất, nó vô tình cổ
vũ cho những cá nhân thật ra chẳng có cống hiến gì ghê gớm nhưng lại ảo tưởng
mình là “vĩ nhân” là người quan trọng của công chúng nên vô tình trở nên “tha
hóa” lúc nào không hay.
Thứ hai, những công
chúng vì mù quáng nên không nhận ra bản chất thật của những “thần tượng” dỏm để
rồi học đòi theo những “thần tượng” dỏm ấy cho nên cũng sẽ bị “tha hóa”. Một xã
hội mà con người không nhận ra những chân giá trị của bản thân mình; không ý
thức và không tỉnh táo để nhận ra mình đang “tôn vinh”, “đang tôn” thờ những
thằng “Xuân Tóc đỏ” (vốn là một đứa lưu manh nhưng cứ tung hô nó như “vĩ nhân
cứu quốc”) thì thật là vô cùng nguy hiểm.
Ở trên là chúng tôi nói
về bi kịch của vua Gia Long trong Dị hương, còn với nhân vật hoàng hậu
Lê Ngọc Bình bi kịch còn đáng thương hơn nữa. Có thể nói, trong Dị
hương, ngoài cái bi kịch bị “thần thánh hóa” giống như vua Gia Long,
hoàng hậu Lê Ngọc Bình còn phải gánh thêm một nỗi khổ nữa đó là sự hẩm hiu và
bèo bọt của thân phận “mỹ nhân” trong thời loạn lạc. Trong cái nhìn của người
đời xưa thì “mỹ nhân” vốn thường được xem là một trở ngại cho anh hùng (anh
hùng không qua ải mỹ nhân) tuy nhiên mấy ai hiểu được nỗi lòng của những “mỹ
nhân” như trường hợp của hoàng hậu Lê Ngọc Bình khi rơi vào tình cảnh “Gái đâu có gái lạ đời/ Con vua lại lấy hai
chồng làm vua”.
Có thể nói, đây cái nhìn
nhân văn Sương Nguyệt Minh khi đã cất lên tiếng nói đầy cảm thông và chia sẻ
với hoàng hậu Lê Ngọc Bình – một nhân vật có thật trong lịch sử. Là “mỹ nhân”,
là “cành vàng lá ngọc”, là hoàng hậu như Lê Ngọc Bình kể ra thì có sung sướng
gì đâu! Ta thấy, trong Dị hương hoàng hậu Lê Ngọc Bình ngay
từ nhỏ đã rất ý thức được phẩm chất cao quý của mình cũng như đã tự dự báo về
thân phận bọt bèo của mình trong hoàn cảnh binh đao loạn lạc. Năm 13 tuổi, khi
ấy Lê Ngọc Bình còn là công chúa của vua Lê đã có lần nói lên tâm sự và nỗi niềm
này của mình với Trần Huy Sán:
“Tiếc rằng ngươi không dũng mãnh anh hùng như Nguyễn Huệ; kỳ tài, nhẫn
nhịn nuôi chí đoạt lại thiên hạ như Nguyễn Ánh để ta chọn làm chồng. Ánh còn
bôn tẩu nơi chân trời góc bể. Huệ đã lấy Ngọc Hân chị ta, lại cũng đã chết sớm
rồi. Thật hoài phí lắm thay”. Công chúa than thở rồi vẫy đám tì nữ bước đi.”
Và đúng như những dự cảm
ấy, công chúa Lê Ngọc Bình sau này phải rơi vào những tình cảnh vô cùng trớ
trêu “Con vua lại lấy hai chồng làm
vua”. Trong Dị hương, để chia sẻ và giúp bạn đọc nhìn rõ hơn nữa bi kịch
này nhà văn Sương Nguyệt Minh đã “hư cấu” nên hình ảnh hoàng hậu Lê Ngọc Bình
vốn trong mình thường phát một mùi hương dị thường (dị hương) – như một nét đẹp
tuyệt vời của một “mỹ nhân” sống trong thời binh đao, loạn lạc đầy những sự
chém giết và chết chóc. Cái chết của hoàng hậu Lê Ngọc Bình trong Dị
hương không phải để bôi xấu lịch sử mà là để tỏ một nỗi tiếc thương cho
một phận người “liễu yếu đào tơ”, “cành vàng lá ngọc” vô phúc sinh ra trong
thời loạn. Chúng ta thấy rõ dụng ý này của Sương Nguyệt Minh qua chi tiết nhà
văn tả tâm trạng và nỗi niềm thầm kín của Trần Huy Sán – một người đàn ông có
hình dạng xấu xí nhưng là người đầu tiên cảm nhận mùi “dị hương” phát ra từ
người công chúa Lê Ngọc Bình và cuồng si nàng từ nhỏ:
“Sau này, Trần Huy Sán bất đắc chí với đời. Y
có viết một chương trong Phú xuân thực lục có đoạn rằng:
Thật là trớ trêu ở đời!
Nguyễn Huệ Quang Trung chồng Ngọc Hân công chúa; Nguyễn Phúc Ánh Gia Long lại
là chồng công chúa Ngọc Bình; hai kẻ cừu địch không đội trời chung bỗng dưng
lại trở thành anh em “cột chèo”.”
Hay:
“Những năm cuối đời, Ngọc Bình sống trong cô đơn và thất vọng. Mỗi lần ở
bên Ánh, nàng không chịu đựng được mùi binh khí lạnh lẽo va chạm vào nhau. Ta
đồ rằng: 25 năm bôn tẩu, ý chí phục tộc ngút trời cao, Ánh đã bước qua bao
nhiêu xác người, xác ngựa; đi qua bao nhiêu mộc, khiên, câu liêm, giáo, mác,
gươm, kiếm… nhuốm máu. Mùi tanh của máu người, mùi khét lẹt của binh khí va
chạm tụ lại thành mùi chết chóc ngấm vào da thịt Ánh. Vì vậy cứ mỗi lần ân ái
xong là dị hương bị hút kiệt. Không! Mùi máu tanh tưởi và mùi khét binh khí đã
lấn át trùm lấp, không cho dị hương của nàng tỏa ra.
Người xưa nói: “Nhất
tướng công thành vạn cốt khô”. Ta đồ rằng: Nguyễn Huệ Quang Trung có sống lại
cưới Ngọc Bình công chúa thì khát vọng của nàng cũng chìm trong bi kịch
tuyệt vọng y như đoạn đời nàng sống với Nguyễn Ánh Gia Long.”
Có thể nói, lịch sử
không bàn nhiều về chuyện hoàng hậu Lê Ngọc Bình nhưng Sương Nguyệt Minh đã cất
lên tiếng nói cảm thông và chia sẻ với bà âu cũng là một đóng góp và tấm lòng
của nhà văn vậy. Trong biết bao nhiêu cuộc binh đao “tranh quyền đoạt lợi”, hay
“xưng hùng xưng bá” từng diễn ra trong lịch sử các triều đại phong kiến ta, Tàu
phải chăng người đời chỉ nhắc đến những bậc anh hùng, những nam tử hán chứ nào
mấy ai chú ý đến những thân phận của “mỹ nhân” vốn rất đỗi truân chuyên thậm
chí rất bi kịch như hoàng hậu Lê Ngọc Bình? Đến đây có thể nói, việc xây dựng
hình tượng nhân vật hoàng hậu Lê Ngọc Bình, một lần nữa Sương Nguyệt Minh đã kế
thừa và tiếp nối truyền thống lịch sử văn học nước nhà đó là góp phần nói lên
tiếng nói cảm thông, chia sẻ đối với người phụ nữ trong xã hội cũ, kiểu như đại
thi hào Nguyễn Du từng lên tiếng: “đau
đớn thay phận đàn bà/ lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”.
*
Tóm lại, có thể thấy,
trong Dị hương, hình ảnh vua Gia Long và hoàng hậu Lê Ngọc Bình hiện
lên với những khát khao cháy bỏng về một cuộc sống “bình thường” “trần tục” như
bao con người khác đó là: được tự do sống, tự do yêu, tự do nếm trải những điều
ngọt ngào và hạnh phúc nhất của con người trong tình yêu… như bao nhiêu con
người bình thường và trần tục khác. Có thể nói bi kịch của vua Gia Long và
hoàng hậu Lê Ngọc Bình trong cái nhìn của Sương Nguyệt Minh hiện lên cũng là
lời nhắc nhở của nhà văn với mọi người rằng có khi chính chúng ta – những con
người bình thường chứ không ai khác là nguyên nhân chính trong việc tạo ra bi
kịch cho những người ta yêu, ta quý, ta kính trọng, ta “thần tượng” (trong
trường hợp này thì đúng là “yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau”). Hơn thế nữa,
khi chúng ta rơi vào xu hướng “thần thánh hóa”, “thần tượng hóa” những con
người vốn cũng có cảm xúc và đời sống tình cảm như ta là khi đó ta không đủ
tỉnh táo để hiểu và nhận ra cái chân giá trị của bản thân ta và của người khác.
Đây cũng là bi kịch của con người, bị kịch của sự “cuồng tín” và “mù quáng” đã
vô tình tạo ra cái thói quen giả tạo và lừa dối của con người trong cuộc sống.
2. Dị hương - bút pháp
“huyền ảo”
nhưng không thật “chắc
tay” của Sương Nguyệt Minh
Mượn bút pháp huyền ảo
để xây dựng nên những hình tượng văn học đặc biệt là những hình tượng vốn từng
tồn tại trong lịch sử nhằm nói lên cái nhìn về hiện thực đời sống hiện tại,
theo tôi ít nhiều nhà văn Sương Nguyệt Minh cũng đã thành công. Có thể nói,
Sương Nguyệt Minh đã cố gắng nhìn và lý giải những tâm sự “rất đời”, “rất
người” của hai nhân vật có thật trong lịch sử là vua Gia Long và hoàng hậu Lê
Ngọc Bình bằng cái nhìn của người hiện đại thông qua bút pháp huyền ảo và cách
dẫn chuyện khá hấp dẫn. Tuy nhiên, có thể thấy ở Dị hương “bút pháp huyền ảo”
được Sương Nguyệt Minh sử dụng đôi chỗ chưa thật “chắc tay” và chưa thật khéo
léo. Chính điều này ít nhiều đã vô tình đưa đến đôi chỗ gây nên những sự hiểu
nhầm ở một số bạn đọc và làm cho cái giá trị thẩm mỹ, giá trị nghệ thuật nói
chung của tác phẩm ít nhiều bị giảm sút.
Dễ thấy nhất là cái
giọng điệu của người kể chuyện trong suốt tác phẩm Dị hương nhiều chỗ không
được nhất quán. Ví như Sương Nguyệt Minh để cho nhân vật Trần Huy Sán suy nghĩ
về vua Gia Long khi hắn vì ghen tỵ với vua ông khi không có được tình yêu của
hoàng hậu Lê Ngọc Bình (người mà hắn vốn si mê và mơ ước từ rất lâu rồi):
“Ta đồ
rằng: Gia Long lấy Ngọc Bình chẳng phải là yêu chiều cành vàng lá ngọc mà là
núp dưới chiêu bài tâm lý chiến bẩn thỉu để đoạt lại đến tận cùng nhà Tây Sơn,
kể cả cái dị thường hư ảo. Ánh làm chính trị thâm độc, nghiệt ngã và khôn ngoan
hơn Nguyễn Huệ…”
Hay
“Ánh là Tà hương, là âm u, lạnh lẽo, thiên về sức mạnh độc đoán. Ngọc
Bình là Dị hương, là mùi thơm vừa trần tục vừa thanh tao, dịu dàng mà quý phái,
cuồng dại mà thanh bình…chỉ hợp với Sán này”.
Đây tuy là những lời lẽ
và giọng điệu của Trần Huy Sán - một kẻ đang ở trong nỗi khốn cùng vì tuyệt
vọng, đang mang trong mình một sự đau đớn, nỗi ghen tỵ vì không có được người
hắn yêu nên đã lén “nói xấu” vua Gia Long (vì vậy mà khi có người báo lại và
vua Gia Long biết được nên đã giết chết Sán) nhưng đó đồng thời đó cũng là lời
lẽ và giọng điệu của Sương Nguyệt Minh. Và như thế cái giọng điệu này là không
nhất quán với cái giọng điệu và cảm hứng chung trong tác phẩm vốn để bày tỏ sự
thông cảm của nhà văn dành cho hai nhân vật vốn là những “người trần mắt thịt”
nhưng đã bị người đời “thần thánh hóa”. Nhìn góc độ này mới biết nhà văn Nam
Cao của chúng ta là một “tay” viết truyện ngắn “cự phách” khi tạo ra một giọng
điệu rất nhất quán mặc dù ngôn ngữ của ông dùng để tả những nhân vật như Chí
Phèo, Thị Nở, Lão Hạc, Hộ… toàn là những từ không “thiện cảm” lắm (đó là cách
ông gọi những “hắn”, những “thị”, những “y”, những “lão”…) thế nhưng người đọc
vẫn cảm nhận được tình cảm ông yêu mến và thông cảm của Nam Cao với những nhân
vật trên.
Chưa hết, trong Dị
hương việc xây dựng và tạo ra một không gian nghệ thuật của
tác phẩm – bối cảnh nhằm khắc họa hình ảnh các nhân vật vốn là người của lịch
sử thời phong kiến cũng chưa thật sự… “huyền ảo” lắm. Có vẻ như Sương Nguyệt
Minh chỉ chú tâm và dành nhiều công sức cho việc hư cấu nhân vật Trần Huy Sán
và “mùi dị hương” phát ra tư người hoàng hậu Lê Ngọc Bình mà không chú ý nhiều
đến cái không gian huyền ảo – một yếu tố cũng rất quan trọng của “bút pháp
huyền ảo”?
Bên cạnh đó, trong
quá trình kể chuyện, Sương Nguyệt Minh có vẻ như lạm dụng ngôn từ và hình ảnh
mang tính biểu tượng nên nhiều chi tiết trong tác phẩm có gì đó rất “trần
trụi”. Ví như những chi tiết về sự chết chóc, về không khí “binh đao”, về cảnh
“ái ân” của nhân vật vua Gia Long lẽ ra nên chỉ thoáng qua (và chỉ “gợi” chứ
không nên “tả”) chứ không nên lặp lại quá nhiều lần trong khuôn khổ và tính
chất của một truyện ngắn. Nếu như Sương Nguyệt Minh biết tiết chế ngòi bút của
mình ở những chỗ này có lẽ hình tượng nhân vật vua Gia Long sẽ hiện lên lung
linh và đẹp hơn; bi kịch bị người đời “thần thánh hóa” của vua Gia Long và
hoàng hậu Lê Ngọc Bình sẽ rõ ràng hơn; đáng thương hơn. Như thế, sẽ tránh được
những hiểu lầm không đáng có cho người đọc khi nghĩ về những nhân vật vốn có
thật trong lịch sử.
Tóm lại, những hạn chế
trên ở mức độ nào đó cho thấy Sương Nguyệt Minh đã tự hại mình. Nói cách khác,
trong khi đặt ra và yêu cầu không nên “thần thánh hóa” con người thì nhà văn đã
vô tình rơi vào “tầm thường hóa”, thậm chí đôi chỗ “dung tục hóa” con người một
cách rất đáng tiếc. Điều này rõ ràng là không nên chút nào. Phải chăng vì thế
mà Dị
hương tuy có sáng tạo, có đầu tư về bút pháp nhưng thật sự chưa tạo ra
một sự bứt phá cho thể loại truyện ngắn nói riêng và văn học nước nhà nói chung
trong thời điểm hiện tại./.
Mời thư giãn với nhạc phẩm MÁI ĐÌNH LÀNG BIỂN
của Nguyễn Cường, qua tiếng hát Tùng Dương:
*.
Cần Thơ,
ngày 06/03/2011
NGUYỄN
TRỌNG BÌNH
(Giảng
viên khoa Ngữ văn)
Địa chỉ: Trường Đại học Cửu Long, Quốc lộ 1A,
xã Phú
Quới, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.
.
.
.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ email: datinh_1974@yahoo.com ngày 17.08.2016
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
Lại thêm một gã mặc đầm
Trả lờiXóaXem "heo" nhiều quá ngứa mầm chơi ngông