(Nguồn ảnh: internet) |
TỰ BẠCH
CỦA NGUYỄN THÚY QUỲNH
*
TỰ BẠCH
Có một chút em
mang niềm Mầu Thị
Thả phận - duyên
- tình theo tiếng mõ khua
Lửa tình yêu đốt
nhầm nơi cửa Phật
Để luân hồi lăn
theo trái táo chua
Có một chút em trong xót xa Nam Xương thiếu phụ
Rửa oan khiên,
sông bao nước cho vừa
Đời dẫu thế, vẫn
còn điều đáng sống
Gắng gỏi đâu vì
một kẻ cuồng phu
Có một chút em
không là Tô Thị
Vò võ đợi chờ,
mòn mỏi tình chung
Nơi cuối đất anh
thành người xứ lạ
Người xưa ơi, ai
thương hộ má hồng
Dưới chân núi,
nửa mùa xuân sắp cạn
Em hóa đá đợi
người, xuân có đợi em không?
*
NGUYỄN THÚY
QUỲNH
LỜI BÌNH:
Thơ Nguyễn Thúy Quỳnh thường rất bạo liệt. Thơ chị bao giờ cũng đi đến tận
cùng bản ngã. Khi viết về mặt trái xã hội, thơ chị có tính phê phán nghiêm khắc,
quyết liệt mà không sa đà. Chị viết với trách nhiệm công dân - thi sĩ đối với
xã hội.
Khi tự bạch, Nguyễn Thúy Quỳnh dám phơi trải đam mê, khát vọng của mình và
cũng thẳng thừng chối bỏ những quan điểm xưa cũ không mang tính nhân văn về
tình yêu, hạnh phúc, lòng chung thủy. Tự bạch là bài thơ như thế.
Ta có thể coi Tự bạch là tuyên ngôn về tình yêu, hạnh phúc, lòng chung thủy
của lớp trẻ trong thời hiện đại, về sự hưởng thụ đặc ân mà tạo hóa đã ban tặng
cho con người.
Quan điểm cổ điển về nhân vật Thị Mầu là lẳng lơ là
vô đạo đức nhưng Nguyễn Thúy Quỳnh đã không ngần ngại tự nhận mình:
Có một chút em mang niềm Mầu Thị
Thả phận - duyên - tình theo
tiếng mõ khua
Lửa tình yêu đốt nhầm nơi cửa
Phật
Để luân hồi lăn theo trái táo
chua
Nhân vật Thị Mầu đã có một đời sống vững bền trong cõi người chính vì thế
Nguyễn Thúy Quỳnh đã tự nhận mình có một chút của Thị Mầu và thực chất trong
đời đã, đang và sẽ có bao nhiêu Thị Mầu với khát vọng bi thương như thế - Khát
vọng được yêu, khát vọng được ân ái. Nhưng khát vọng đã không thành hiện thực,
Thị Mầu đã vùng lên trả thù đời, sẵn sàng dâng hiến cho người mà mình không
yêu. Không thể coi Thị Mầu là lẳng lơ, là dục vọng. Vâng đó là dục vọng nhưng
là dục vọng thiêng liêng vì đó là bản năng sinh tồn của nhân loại. Vì quá khát
vọng yêu đương nên đã mù quáng đã đốt lửa tình yêu nơi cửa Phật - nơi diệt dục,
diệt sinh thì làm sao có được tình yêu. Chính vì thế mà kiếp luân hồi của chị
phải đau đớn tủi nhục lăn theo một trái táo chua. Nguyễn Thúy Quỳnh tự nhận
mình chỉ để sẻ chia và cũng như cảnh báo, một chút nhầm lẫn trong tình yêu
không chỉ hủy hoại một kiếp người trên dương thế mà cả kiếp luân hồi.
Nghĩ về Nam Xương thiếu phụ, Nguyễn Thúy Quỳnh đã rất xót xa và cũng tự
nhận mình có một chút gì là của nàng để mà sẻ chia và cũng để làm phát ngôn
viên về lòng chung thủy cho lớp trẻ. Nam Xương thiếu phụ là người phụ nữ tượng
trưng của lòng chung thủy. Nhưng với Nguyễn Thúy Quỳnh thì coi đó là một việc
làm khờ dại. Bởi vì lòng chung thủy của nàng đã bị phản bội - Sự phản bội vì
một kẻ cuồng phu. Nhà thơ như đã trách móc - một sự trách móc chính đáng, vì
cuộc đời này còn bao điều để cho nàng đáng sống. Sao nàng có thể hủy hoại cuộc
đời mình vì một kẻ cuồng phu như thế. Không thể đổi hai chữ thủy chung bằng
cuộc sống của chính mình. Tự bạch mà không phải tự bạch mà là
một sự sẻ chia với những thân phận bi thương trong cõi người. Nguyễn Thúy Quỳnh
còn muốn nhắn gửi đừng bao giờ tự hủy hoại tình yêu hạnh phúc vì những điều vô
nghĩa và cho những kẻ cuồng phu mà trong thời hiện đại còn rất nhiều những kẻ
cuồng phu như thế.
Khổ cuối của bài thơ là tuyên ngôn mạnh mẽ về tình yêu và lòng chung thủy.
Khi bình bài thơ Với Tô Thị của Quang Huynh tôi ủng hộ quan điểm của nhà thơ vì
tôi chỉ dựa vào văn bản, tôi không thể áp đặt quan điểm của mình. Nhưng sự thủy
chung là phải chính đáng. Cũng có thể coi quan điểm của Quang Huynh là quan
điểm cổ điển. Còn quan điểm của Nguyễn Thúy Quỳnh là quan điểm hiện đại về tình
yêu và lòng chung thủy. Quan điểm về lòng
chung thủy của lớp trẻ bây giờ phải có cái giá của nó chứ không thể mù quáng
như Nam Xương thiếu phụ hay Tô Thị.
Có một chút em không là Tô Thị
Nguyễn Thúy Quỳnh chối bỏ thẳng thừng mình không có
chút gì liên quan đến sự thủy chung của nàng Tô Thị vì rất nhiều lẽ.
Nguyễn Thúy Quỳnh không thể: "Vò
võ đợi chờ mòn mỏi tình chung" một cách mù quáng khi ở nơi xa kia "Nơi cuối đất anh thành người xứ
lạ".
Và cả khi người đời không hề quan tâm đến thân phận
nàng và thân phận đứa trẻ: "Người
xưa ơi, ai thương hộ má hồng", khi cuộc đời và mùa xuân đang náo nức
"Dưới chân núi nửa mùa xuân sắp cạn/
Em hóa đá đợi người xuân có đợi em không".
Không; không thể có sự bất công như thế một sự đợi chờ vô vọng đến như thế.
Không thể đánh đổi cả cuộc sống, tình yêu, hạnh phúc vì một sự chính
chuyên, vì một lòng chung thủy với những kẻ cuồng phu, với con người thờ ơ vô
cảm.Đó chính là những gì mà nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh muốn gửi gắm qua bài thơ Tự
bạch của mình./.
Mời thư giãn với nhạc phẩm HAI VÌ SAO LẠC
của Anh Việt Thu, qua tiếng hát Tuấn Vũ:
*
NGUYỄN XUÂN DƯƠNG
Địa chỉ: Nhà số 7 Đường Thành Cổ,
Phường Vệ An - Thành phố Bắc Ninh
Email: nguyenxuanduong1940@gmail.com
Điện thoại: 037.224.23.92
.
.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 25.06.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét