GIÁO DỤC CON CÁI TRONG GIA ĐÌNH - Tác giả: Vũ Thị Hương Mai (Hà Nội)

1 comment
(Nguồn ảnh: Internet)
GIÁO DỤC CON CÁI
TRONG GIA ĐÌNH
*
Sách Huấn Ca đã dạy rằng: "Có con cái dù trai hay gái, cha mẹ hãy lo giáo dục chúng" bằng không "chúng trở nên mất dạy và làm nhục cho cả cha lẫn mẹ", "Cả kho tàng của thế giới cũng không quý bằng có một người con được giáo dục tốt". Vả lại "việc giáo dục con cái là lẽ tự nhiên. Tự bản tính tự nhiên, từ cây cỏ, súc vật, sinh vật nào cũng biết chỉ dạy cho con cái nó. Và quan sát chung quanh ta, ta thấy ai ai cũng làm như vậy. Cha mẹ nào cũng lo lắng dạy dỗ con cái mình. Còn ta, lẽ nào ta chẳng làm như vậy? Ta là một ngoại lệ sao?". Một gia đình dù có giàu có và nắm đầy quyền lực thì cũng không thể hạnh phúc và ngẩng cao đầu với thiên hạ. Vì con cái là phúc phận ở đời, là tương lai của cả gia đình và dòng họ, là niềm hy vọng và tự hào của cha mẹ. Sinh con không thể tách rời với việc nuôi và dạy con, đó là trách nhiệm, bổn phận, niềm vui của cha mẹ.
Cũng vì lẽ đó mà Tuyên ngôn giáo dục đã nhận định "vì là nguồn truyền sự sống cho con cái, cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng là giáo dục chúng. Vì thế, họ được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng. Vai trò giáo dục này quan trọng đến nỗi thiếu sót thì khó lòng bổ khuyết được". Việc làm ấy phải được cha mẹ coi trọng và thực hiện kỹ lưỡng, không thể lơ là.
"Dạy con từ thuở còn thơ" là câu ca quen thuộc của mỗi người. Ở thời đại nào, xã hội nào cũng vậy, chúng ta cần đặc biệt chú trọng giải quyết vấn đề gốc rễ ấy như một tất yếu của tạo hoá. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, văn hóa gia đình đang có biểu hiện "xuống cấp: vì những tác động xấu của đời sống xã hội, sự du nhập nhanh chóng của văn hóa ngoại lai.

1. Lý tưởng giáo dục của gia đình:
Có thể nói "lý tưởng giáo dục của gia đình là một "giáo dục toàn diện". Đó là quá trình xã hội hóa con người nhằm hướng tới cái chân, thiện, mỹ. Muốn làm được điều ấy thì đều phải bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, bình thường nhất và cũng đơn giản nhất.
Các bậc cha mẹ cần phải thường xuyên giáo dục con trẻ thái độ, cử chỉ, lời ăn tiếng nói; kính trên nhường dưới; tôn sư trọng đạo; nhớ ơn nuôi dưỡng, sinh thành của ông bà, cha mẹ; lối sống trong sáng, đức độ... Mặt khác, cha mẹ cũng cần uốn nắn và phê phán ngay những biểu hiện tiêu cực; ngăn chặn cử chỉ, thái độ bất hiếu, khiếm nhã của con cái trước khi quá muộn. Điều ấy chẳng khác gì việc uốn nắn một cái cây non, nếu để nó phát triển lệch lạc một cách tự nhiên thì đến khi lớn lên sẽ rất khó thẳng. Đó là sự kết hợp giữa giáo dục truyền thống và giáo dục hiện đại, phát huy mặt tích cực của nho giáo, đạo giáo trong quan hệ lễ nghĩa tương tính và tiếp nhận một cách tích cực những nét văn hóa hiện đại tốt đẹp. Tất cả nó đều nhằm dần dần xây dựng một nếp sống lành mạnh, khoa học trong gia đình.
Rèn cho con nền nếp học tập một cách độc lập tích cực; lối sống giản dị tiết kiệm; trân trọng những giá trị lao động, quý trọng đồng tiền; sống và học tập một cách tự giác, không dựa dẫm, ỉ lại vào người khác, tâm hồn trong sáng, trung thực; không đua đòi, a dua với cái xấu; coi học tập, rèn luyện là mục tiêu chính...
Một thực tế đáng buồn là tại sao một bộ phận các bạn trẻ con nhà giàu có, quyền chức, thậm chí cả những gia đình bình thường lại đi vào con đường hư hỏng, ăn chơi sa đoạ như: đua xe, nghiện ngập, sử dụng thuốc lắc, cờ bạc, rượu chè, trộm cướp...? Phải chăng, các bậc cha mẹ còn lơ là, chưa làm tròn bổn phận của các đấng sinh thành. Trong một gia đình sống có trách nhiệm thì người trên phải làm gương, dạy dỗ người dưới. Con cái có lỗi, có dấu hiệu sống không lành mạnh thì cha mẹ phải trách cứ, uốn nắn; em hư hỏng thì anh chị cũng phải chịu một phần trách nhiệm.
Việc giáo dục con cái được tiến hành bằng tình cảm nhưng cần có sự phân biệt: sự nghiêm khắc của người cha và lòng tự ái của người mẹ. Nghiêm nên con cái sợ không dám làm bậy, không dám hư hỏng, nghiêm và tự bổ sung cho nhau... thường thì cả cha và mẹ đều kết hợp dùng cả nghiêm và từ những nền tảng của sự giáo dục là tình cảm. Tình cảm của cha mẹ sẽ giúp người con hướng đến sự lựa chọn cái thiện, cái chân, cái mỹ và làm cho con thành thực không giấu giếm cha mẹ. Nếu không có nhiều tình cảm thì con cái sẽ sợ cha mẹ mà giấu lỗi, nhờn mẹ mà không biết lỗi, nhận lỗi.
Nếu giáo dục tốt thì trong những gia đình như vậy sẽ có không khí ấm cúng, con cái vững tin, ngoan ngoãn sống tự trọng và có trách nhiệm.
Trong gia đình hiện đại thì cũng nên giữ lại những nét của gia đình truyền thống: Thành viên không phải là cá nhân với quyền tự do mà là một cộng đồng có trật tự trên dưới chặt chẽ. Nguyên tắc quan hệ không phải là bình đẳng, dân chủ mà là uy quyền và tình nghĩa. Bởi với tình nghĩa nó tạo ra được sự êm ấm, và tạo ra được vẻ đẹp trong sáng trong lối sống.

2. Cần giáo dục con cái những gì?
a - Hướng con cái vào đạo đức, lối sống tốt đẹp:
Đây là phạm trù quan trọng quyết định sự trưởng thành của con cái sau này. Việc làm ấy của cha mẹ không chỉ bằng những lời răn suông mà còn phải thể hiện qua hành động. Dạy con phải sống thế này thế khác nhưng bản thân cha mẹ lại có lối sống buông thả, tồi tệ thì không thể chấp nhận được. Lối sống, đạo đức của cha mẹ là tấm gương phản chiếu đến con cái, hay con cái là hệ quả của cha mẹ.
Bản thân cha mẹ cũng phải sống nghiêm khắc, có trách nhiệm để có thể răn dạy được con. Đó là nền tảng gia đình vững chắc sẽ thấm sâu vào nếp nghĩ, nếp sống của con cái. Vì trong một gia đình có bố mẹ cờ bạc, nghiện ngập, chơi bời trác táng... thì đương nhiên là môi trường tốt để con cái học tập. Việc đi theo lối sống sa đoạ ấy của cha mẹ chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi. Chúng ta cũng có thể liên tưởng điều này qua câu ca dao sau:
"Con vua thì lại làm vua
Con sãi ở chùa thì quét lá đa".
Mặt khác, cha mẹ phải phải tạo cho mình cái uy trước mắt con cái. Có như vậy thì chúng mới nghe lời và biết mình cần phải làm thế nào cho đúng.
b - Rèn cho con nền nếp học tập, tự lập trong suy nghĩ:
Đó là thói quen tìm tòi, sinh hoạt đúng giờ, gọn gàng ngăn nắp; đọc sách báo, xem phim ảnh phù hợp với lứa tuổi, có nội dung trong sáng. Từ định hướng của cha mẹ, con cái sẽ biết sách nào cần đọc, phim nào nên xem và xa rời những loại hình giải trí độc hại. Cho dù gia đình có giàu có, thừa điều kiện sắm sửa cho con cái mọi thứ nhưng cũng cần biết chắt lọc cái gì cần và cái gì không cần với chúng.
Cần phải thường xuyên liên hệ với nhà trường để nắm tình hình của con cái, để từ đó có phương pháp nâng cao chất lượng, kết quả học tập. Cha mẹ cần quản lý con về giờ học ở trường và ở nhà, phân bổ thời gian chơi hợp lý. Cần động viên con thái độ học tập đúng đắn, phát hiện sớm năng khiếu để có hướng cho con phát huy khả năng, định hướng vươn tới đạt được mục tiêu, tránh dang dở làm con thất vọng, nản trí việc học đi vào chơi bời. Tạo cho con niềm say mê học tập hơn là những thú tiêu khiển vô bổ.
Cha mẹ cũng cần trang bị cho mình càng nhiều càng tốt kiến thức giáo dục và pháp luật để cùng nhà trường đưa pháp luật vào gia đình một cách tự nhiên, mềm mại, dễ ngấm, không gò ép. Chung sức giáo dục con em, trở thành những công dân có ích cho xã hội, biết sống học tập và làm việc theo hiến pháp và phát luật.
c - Giáo dục con cái nội dung văn hóa như:
 Văn hóa lao động, văn hóa sinh hoạt, văn hóa tiêu dùng, văn hóa giao tiếp ứng xử, văn hóa thưởng thức... Đồng thời cần tập luyện cho con em ý thức, thói quen lao động chân tay để nâng cao sức khỏe và loại trừ các thói xấu như lười nhác, ỉ lại... Qua đó xây dựng được phẩm chất, nhân cách sống có trật tự, mình vì mọi người.
Tùy theo điều kiện, hoàn cảnh mỗi gia đình mà có sự linh động nhưng nhìn chung là phải yêu cầu con cái ngăn nắp, gọn gàng, trật tự, có quy củ, không được dễ dãi. Mọi kế hoạch học tập, giải trí và làm việc phải nhất quán, thống nhất và bắt buộc phải tuân thủ.
Về mức tiêu xài tiền bạc cùng những tiện nghi sinh hoạt khác, cha mẹ cần giáo dục con ý thức tiết kiệm và tấm lòng quý trọng đồng tiền làm từ lao động chân chính. Các thói xấu như ham tiền, ham tiền bằng mọi giá, đua đòi, ăn chơi vô bổ cần được quán triệt và ngăn chặn sớm, vì điều này sẽ nhanh chóng đưa chúng vào con đường hư hỏng, hậu quả khôn lường.
d - Giáo dục con ý thức, nếp nghĩ, cử chỉ, lời nói, đức tính khiêm tốn, tế nhị, lịch lãm:
Trang phục, trang sức, trang điểm, đầu tóc vừa giản dị nhưng đẹp đẽ, thanh lịch. Dạy con không chạy theo mốt, lối sống "sành điệu", sa đoạ của những con người vô văn hóa.
Cần hướng con cái chơi với những người bạn tốt, có lý tưởng sống trong sáng, có hoài bão ước mơ cao đẹp để chúng học tập và phấn đấu. Đồng thời cũng cần nghiêm khắc ngăn chặn những mối quan hệ bè bạn có dấu hiệu lôi kéo, rủ rê đưa con cái đến con đường xấu là các tệ nạn xã hội. Trong thực tế thì việc cấm con chơi, với người này, bắt con chơi với người kia là rất khó mà chỉ có thể phân tích, định hướng, chỉ ra những cái hay, cái dở của nó. Điều quan trọng nhất là làm sao để con cái ngấm cái tư tưởng "chọn mặt gửi vàng", chọn bạn mà chơi. Mặt khác, cha mẹ cũng chỉ ra cho con cái những ví dụ thực tế để chỉ ra những mặt hay, mặt tốt của người này và mặt dở, mặt xấu của người kia để chúng phân biệt, nhận thức được. Để từ đó chúng có thể học  hỏi cái  cần học và né tránh cái cần tránh. Câu nói "Gần mực thì đen, gần đèn thị rạng" luôn luôn có lý trong trường hợp này.
e - Định  hướng cho con cái trong học tập và nghề nghiệp:
Việc định hướng này sẽ giúp con đi đúng đường không hành động theo cảm tính chủ quan. Mặt khác, định hướng tốt, con cái sẽ hành động có ý tưởng, có mục đích rõ ràng, tránh được những "lối rẽ" lầm đường lạc lối. Một khi con cái đã xác định được mục đích sống, lý tưởng phấn đấu và con đường đi đẹp đẽ thì mọi cám dỗ chỉ là những vật cản rất dễ để vượt qua.
Điều quan trọng hơn nữa để con cái hiểu được tương lai của mình là do mình quyết định chứ không phải bất cứ ai khác. Muốn có một tương lai tươi sáng, rạng rỡ như người ta thì chỉ còn cách là nỗ lực học tập, rèn luyện, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu đề ra. Vì tất cả những "nam thanh nữ tú" con nhà giàu có quan chức đi vào con đường ăn chơi sa đoạ, hư hỏng nên không phải là họ quá được chiều chuộng, muốn gì được nấy thì cũng vì họ không xác định được mục đích để phấn đấu, đã quá quen với lối sống dựa dẫm, ỉ lại, được người khác lo cho mọi thứ; bố mẹ chỉ lo đủ đầy về vật chất, sắp đặt hộ mọi thứ cho tương lai, chỉ việc ngồi vào đó.

3. Những điều nên tránh trong giáo dục con cái:
a - Không dạy con cái có tư tưởng mình là "Cậu cấm cô chiêu" con nhà giàu:
Cho dù gia đình có thật sự giàu có thừa điều kiện để cho con cái một cuộc sống "vương giả" thì điều đó cũng rất không nên. Việc khẳng định con cái là một "đại tiểu thư" hay một "đại công tử" thì chỉ hình thành ở chúng thói "coi trời bằng vung", ngạo mạn bất cần đời, coi mình là nhất. Một khi đã luôn ý thức mình là con nhà giàu thì chúng sẽ có cách sống, ăn chơi, tiêu xài của con nhà giàu. Và để thể hiện với chúng bạn, với xã hội điều đó thì chúng sẽ không ngừng "phấn đấu" tạo ra những "cái mới", cái "độc đáo" của mình. Nhưng tất cả những cái mà chúng muốn thể hiện ấy là của cha mẹ, đâu phải chúng tạo ra.
Vẫn biết rằng sự nghiệp của cha mẹ rồi cũng dành cho con cái, nhưng không cần thiết là phải nói, điều ấy trước mặt con, nhất là khi chúng còn nhỏ. Bởi khi đã biết mình đã có tất cả thì cần gì chúng phải phấn đấu trong học tập và cuộc sống nữa, mà chỉ biết đến hưởng thụ mà thôi.
b - Không quá chiều chuộng con cái muốn gì được nấy:
Trong một gia đình nề nếp, con cái ngoan ngoãn thì không thể có chuyện đòi hỏi cha mẹ cái này cái nọ bất cứ lúc nào. Bản thân cha mẹ cũng biết lúc nào thì cần đáp ứng những yêu cầu của con và lúc nào thì không thể. Bởi có những điều chúng mong muốn mà lại được cha mẹ đáp ứng ngay lại dẫn đến những điều không hề tốt đẹp. Chẳng hạn con cái mới bước chân vào lớp 10 đòi mua xe máy là bố mẹ liền mua ngay. Thế là cô, cậu có dịp được khoe mẽ, thể hiện mình với bạn bè. Đi ra trường thì cặp 3 cặp 4, rú ga, đánh võng. Và đã không ít trường hợp gây ra tai nạn tang thương...
Mặt khác khi chúng đã được đáp ứng cái này một cách đơn giản thì cũng sẽ tiếp tục đòi hỏi cái khác. Cứ như vậy, từ cái nhỏ đến cái lớn, từ cái đơn giản đến cái phức tạp đòi hỏi ở chúng là phải có được. Hôm nay là bộ quần áo, giày dép; mai là chiếc điện thoại, máy chơi game; ngày kia là chiếc xe máy xịn hơn cái đang có... và còn vô vàn những đòi hỏi nữa. Có thể với một gia đình khá giả, giàu có sẽ cho rằng không nên tiếc con mà hãy cho chúng những gì chúng muốn, thậm chí còn hơn thế nữa. Có lẽ họ cũng có lý vì có tiền của mà không thể cho con cái được hưởng thụ sung sướng thì để làm gì, nhưng có điều cái "lý" ấy hơi bất ổn. Cái bất ổn được thể hiện ở rất nhiều khía cạnh: Quen đòi hỏi và đòi hỏi cả những điều vô lý; ưa hoang phí; lười nhác, chỉ thích chơi bời hưởng thụ; huênh hoang, đua đòi và sau đấy là sống buông thả ngoài xã hội...
c - Không nâng đỡ, làm hộ con cái mọi thứ:
Bất cứ việc gì cũng làm hộ con; bênh vực, nâng đỡ con thì sẽ rất dễ gây cho chúng tính ỷ lại, trông chờ vào người khác. Những việc gì trong phạm vi trách nhiệm, năng lực của con cái thì phải để cho chúng tự giải quyết bố mẹ chỉ ở bên cạnh chỉ bảo và dõi theo. Cứ làm sai thì lại sửa, lần này chưa làm được thì lần sau, tất cả mọi người cùng phải kiên nhẫn.
Cha mẹ không thể sợ một cô con gái đã học lớp 9 bê chồng bát để vỡ, không thể sợ con đã học cấp 3 mà không nấu nổi bữa cơm.... Nếu lại cứ sợ con không thể qua kỳ thi tốt nghiệp và chuyển cấp mà chạy đôn chạy đáo tìm cách mua điểm cho con thì làm sao chúng thấy được nỗi khó khăn, vất vả của học hành và thi cử. Hơn nữa sau khi đã yên vị, đạt được nguyện vọng thì chúng đâu có biết trân trọng kết quả để mà phấn đấu.
Hơn nữa nếu cha mẹ lo làm cho con cái mọi thứ thì đương nhiên chúng sẽ có thời gian và tâm trí để nghĩ đến những trò tiêu khiển khác. Không phải làm việc nhà, cũng không muốn học hành thì chắc hẳn chúng sẽ phải đi chơi bạn bè, ngồi quan điện tử, thậm chí là ra đường làm bậy.
d - Không thể châm trước cho những thói hư tật xấu của con cái:
Con cái ngoan ngoãn thì khuyến khích, động viên, còn hư đốn thì đương nhiên là phải quán triệt, uốn nắn. Không thể vì quá yêu thương con mà chiều chuộng, bỏ qua tất cả những lỗi lầm của chúng hết lần này đến lần khác. Có thể lần thứ nhất thì nhắc nhở nhẹ nhàng, lần thứ hai thì răn đe, nhưng lần thứ ba thì không thể không dùng hình phạt để xử lý.
Trong một gia đình không thể cha thì nghiêm khắc dạy dỗ, thậm chí dùng cả biện pháp mạnh còn mẹ lại nhu nhược, nấn ná bao che cho lỗi lầm của con. "Mọi sự dung túng, bao che cho cái xấu thì đều sẽ sinh ra những cái xấu khác lớn hơn, còn mọi sự nghiêm khắc sẽ cho một con người" nhà tâm lý học người Mỹ đã nói vậy có lẽ rất hợp lý.
Nếu hôm nay con trốn học đi chơi điện tử, bố mẹ biết mà chỉ nhắc nhở qua loa hay lại lờ đi như không có chuyện gì thì chẳng sợ gì mà lần sau chúng lại không dám đi tiếp. Một khi con cái vướng chân vào nghiện ngập thì lại không dám "xử lý", hơn thế lại còn cho thêm tiền để chúng đáp ứng cơn nghiện nhằm để yên mọi chuyện thì chẳng khác nào là "giết" con. Mỗi lần con cắm xe rồi nướng tiền vào chiếu bạc và những trò chơi trác táng mà bố mẹ lại vội vàng mang tiền đi chuộc về thì có dám chắc lần sau chúng lại không cắm tiếp. Những khoản tiền "ỡm ờ" mà chúng xin hàng ngày bố mẹ không hề tìm hiểu lý do sẽ là điều kiện thuận lợi để chúng "ném" vào những cuộc chơi vô bổ, không chính đáng...
Tất cả những việc đó cha mẹ cần phải nghiêm khắc ngay từ những lần đầu và phải hoàn toàn thống nhất với nhau. Rất nên tránh việc người đấm người xoa, người nghiêm khắc, người lại che dậy dung túng, điều đó khiến chúng không còn biết sợ nữa.
Thậm chí ông bố bà mẹ nào có "cậu ấm cô chiêu" quá bất trị, nay ăn chơi theo kiểu này, mai đua đòi gây ra chuyện khác; rồi nghiện ngập, sa đoạ ở ngoài xã hội thì cũng nên để cho các cơ quan chức năng quản lý xã hội can thiệp xử lý. Cha mẹ đừng vội vàng tìm cách bênh vực, xin cho con, vì nhiều khi gia đình bất lực, phải nhờ đến các cơ quan chức năng. Đừng lo sợ cho danh dự của gia đình, con cái theo kiểu bao che và dễ dàng bỏ qua mọi chuyện, trong khi con cái đang trên con đường đến hư hỏng. Bởi danh dự để mà làm gì, mà làm gì còn danh dự khi những đứa con mình yêu quý đang nghiện ngập, cờ bạc... bỏ bê học hành, công việc.
e - Tránh để con cái tiếp xúc quá sớm với đồng tiền:
Sẽ không hề cực đoan nếu nói rằng đồng tiền là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự hư hỏng của con cái. Từ khi con còn nhỏ mà cha mẹ đã cho con tiếp xúc với tiền bạc như: cho tiền thay vì những món quà, cho tiền để dỗ con, thưởng cho con tiền mỗi khi đạt được điểm tốt... thì sẽ hình thành ở chúng nhu cầu về tiền bạc. Khi đã có nhu cầu ấy thì bất cứ những gì chúng làm cũng đều quy ra tiền và trở thành người đối phó. Những khoản tiền chúng có được nếu không được cha mẹ quản lý hộ thì sẽ có nguy cơ được dùng vào các trò chơi thiếu bổ ích, nếu không muốn nói đến là độc hại. Những trò chơi tiêu phí thời gian và tiền bạc ở hiện tại sẽ có tác động xấu đến lối sống của chúng sau này mà nhiều khi cha mẹ không thể lường hết trước được. Bởi lẽ, ở lứa tuổi mới lớn khả năng học đòi là rất lớn, việc tiêm nhiễm những thói xấu từ người khác là khó tránh khỏi. Dường như bản lĩnh ở cuộc sống của chúng còn quá yếu ớt, chỉ cần một luồng gió "độc" thổi qua là cũng có nguy cơ bị gục ngã.
Ví như nếu trong túi không có tiền thì làm sao chúng có thể sẵn sàng ngồi cả 10 tiếng trên quán Internét để chát, chơi game, làm sao chúng có thể mua heroin để hút hít, làm sao có thể cá độ đua xe, làm sao dắt nhau đi vào nhà nghỉ thuê phòng...
Không chỉ là con nít mà bản thân đã là những học sinh lớp 8, 9 thì cha mẹ cũng không nên để con cái tự do tiêu tiền. Việc ấy cũng nên tạo thành nề nếp trong sinh hoạt và học tập. Thay vì cho con tiền đi ăn sáng thì cha mẹ hãy mua sắm đồ ăn về nhà. Cha mẹ nên tự thân mang đóng tất cả các khoản tiền học của con; mua sắm đầy đủ dụng cụ học tập, tư trang mà chúng cần thiết... Sự cẩn thận ấy là không thừa vì sẽ tránh được tình trạng chúng dùng tiền vào việc khác không chính đáng.
Trong những lúc cần khen thưởng, khuyến khích con cái trong học tập, rèn luyện thì cũng không nên dùng tiền. Vì làm như vậy sẽ gây ra cho chúng tâm lý học vì tiền và làm cũng vì tiền. Vậy thì khi không có tiền thì sao? Chẳng lẽ lúc đó chúng sẽ bỏ bê, không muốn học, muốn làm? Không thể "ra giá" với con cái trong bất cứ trường hợp nào, mà bố mẹ nói, con cái phải nghe lời một cách vui vẻ. Vì bản thân mình đang làm tất cả vì con cái, nên cho chúng theo kiểu "muốn gì được nấy", "được voi đòi tiên".
Đó là những việc rất nhỏ, tưởng chừng như không có gì đáng nói, nhưng lại vô cùng quan trọng. Nó góp phần vào quá trình hình thành nhân cách, ý thức của bản thân trong cuộc sống sau này.
*
VŨ THỊ HƯƠNG MAI
Địa chỉ: Khu tập thể Tổng công ty 319
Long Biên - Hà Nội.      
Email: huongmai8081@yahoo.com.vn






...................................................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 12.08.2015
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

1 nhận xét:

  1. Bây giờ ít trang báo mạng đăng những bài viết như thế này vì họ chạy theo thị hiếu của bạn đọc.
    Cám ơn tác giả Vũ Thị Hương Mai và Trang Đặng Xuân Xuyến về bài viết này!

    Trả lờiXóa