SỰ GÁN GHÉP ẢNH TƯ LIỆU TÙY TIỆN HAY DỐT NÁT CỦA VTC - Tác giả: Nhụy GiaLai (Gia Lai)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)

SỰ GÁN GHÉP ẢNH TƯ LIỆU TÙY TIỆN
HAY DỐT NÁT CỦA VTC
(qua phóng sự: "Gặp lại 'em bé' trong bức ảnh
mẹ cho bú trước khi bị tên lính Mỹ hành quyết"?)
*
(Tác giả Nhụy GiaLai)
Lời dẫn: Ngày 30.04.2018 vừa qua, Báo điện tử VTC New thuộc Đài Truyền hình KTS VTC có một phóng sự nhan đề "Gặp lại 'em bé' trong bức ảnh mẹ cho bú trước khi bị tên lính Mỹ hành quyết". (https://vtc.vn/gap-lai-em-be-trong-buc-anh-me-cho-bu-truoc-khi-bi-ten-linh-my-hanh-quyet-d385810.html). Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như trong bài viết này, VTC New không sử dụng một ảnh tư liệu nổi tiếng để gán ghép cho tiêu đề và nội dung bài viết- trong khi nội dung bức ảnh hoàn toàn trái ngược và không liên quan gì đến các nhân vật của mình cả.
Sự gán ghép này thực ra đã có trên mạng xã hội từ tháng 10.2017, đã bị nhiều người vạch trần nhưng không hiểu sao một cơ quan truyền thông nhà nước chính thống như VTC lại dẫm theo vết xe đổ như vậy. Mời Quý bạn đọc đọc lại một bài viết cũ trên facebook để có thêm góc nhìn toàn diện hơn về vấn đề này...

(Ảnh chụp màn hình bài phóng sự của VTC New)
Ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10.2017 vừa qua, trên mạng Việt Nam lan truyền tấm hình một lính Mỹ đứng nhìn người mẹ đang cho con bú (hình 1), kèm câu chuyện kể về người nữ anh hùng: Rằng chị là du kích Nguyễn Thị Tư, quê ở Vĩnh Hưng, Bạc Liêu, vợ 1 xã đội trưởng vừa hy sinh trong đợt chiến đấu chống càn trước đó. Lính Mỹ ngụy bắt được chị, tra tấn dã man mà không moi được gì, bèn lôi chị đi bắn.Trước cái chết cận kề, chị bình tĩnh nói: "Đợi tao cho con tao bú rồi chúng mày muốn bắn muốn giết thì tùy". Sau đó chị bị hành quyết ở ngay sau vườn nhà.
Ngay lập tức câu chuyện lan tràn và lấy đi nước mắt của không ít người nhẹ dạ cả tin. Gọi là nhẹ dạ vì ảnh rất sắc nét; chỉ cần nhìn vào tư thế người phụ nữ tóc búi gọn gàng, quần áo sạch sẽ, tư thế khoan thai cho con bú - chẳng ai thấy dấu vết của sự tra tấn dã man đâu cả. Một lủ cuồng khác thì được dịp kích động hận thù Mỹ ngụy trên mọi diễn đàn với đủ lời lẽ quá khích tục tĩu. Một vài “nhà thơ” còn tranh thủ mần thơ ca ngợi chẳng tiếc lời như Nguyễn Đình Hùng - dù tôi đã có comments nói rõ nhưng vẫn giữ lấy sự ngu muội bằng cách xóa đi comments chứ nhất định không xóa hoặc chú thích lại tấm hình.

(Ảnh chụp màn hình facebook Nguyễn Đình Hùng)
Câu chuyện về nhân vật Nguyễn Thị Tư ở đây tôi không bàn đến, nhưng việc gán ghép nhân vật nữ anh hùng với một tấm ảnh nổi tiếng mà nội dung chẳng liên quan gì quả là một việc làm ngu xuẩn đáng ngạc nhiên. Thực ra nguyên thủy đây là tấm hình của phóng viên chiến trường người Anh Larry Burrows, chụp một anh lính trẻ Mỹ tò mò nhìn một người đàn bà nhà quê đang cho con bú ở Đăk Tô- Tân cảnh đầu năm 1970, được đăng lên trang bìa của tạp chí Telegraph Magazine Anh quốc số ra ngày 1/5/1970 (hình 3).
Bức ảnh mô tả khoảnh khắc bình yên của chiến tranh, người mẹ chỉ chăm chắm vào đứa con, đứa nhỏ bình thản bú mẹ và lơ mơ trong giấc ngủ; còn người lính Mỹ còn quá trẻ với gương mặt vừa có vẻ lạ lẫm vừa trông thật buồn. Dưới ảnh còn ghi lời bình của Vive la Liberté: “Và trong cái hoang vu lặng lẽ của buổi chiều tàn, giữa ngôi làng đổ nát kia, tôi tưởng tượng rằng vẫn còn một người đàn bà không rõ mặt mũi vẫn ẩn nhẫn ngồi ôm đứa con ru cho bú. Phải chăng vẫn còn hình ảnh an ủi tuyệt đẹp và ngàn năm của ý nghĩa tồn sinh nhân loại. Đó là sự sống thách thức và cũng là tha thứ bao dung đối với cả cuộc chiến tranh dài đằng đẵng và vô ích này, với những tàn phá vô tri của con người và khí giới bom đạn”. Ảnh gốc còn được đăng trên trang ảnh Larry Burows với lời chú thích đùa bằng tiếng anh:"Hình như tay súng này cũng đang muốn ăn trưa 🤣"- Một câu đùa giỡn mang tính cách hài hước Ăng-lê của tác giả mà thôi.

(Ảnh trên bìa tạp chí Telegraph Magazine- Anh quốc số ra ngày 1/5/1970)
Người lính Mỹ được cố tác giả Larry Burrows chụp hình nhìn người mẹ Việt Nam cho con bú chính là Binh Nhì James Farley, năm đó ông 21 tuổi. Hai năm sau, ngày 10.02.1972 James Farley đã chết vì chiếc trực thăng chở ông bị bắn rơi gần Lào. James Farley là một người lính hiền từ, thích giúp đỡ người cô thế như đàn bà trẻ em tại Việt Nam, những vùng ông đi qua. Cuộc đời của Binh Nhì James Farley cũng được tác giả Larry Burrows viết thành sách mà các bạn có thể mua tại Amazon: "Larry Burrows: Vietnam: Larry Burrows, David Halberstam: 9780375411021: Amazon.com: Books"
Larry Burows sau này cũng tử nạn ở chiến trường Hạ Lào 1971. Ông được vinh danh bởi nhiều giải thưởng ảnh và báo chí quốc tế, đã để lại cả một tư liệu ảnh đồ sộ, quý giá về chiến tranh Việt nam giai đoạn 1964-1971.

Mời thư giãn với nhạc phẩm MỘT MAI GIÃ TỪ VŨ KHÍ
của Ngân Khánh, qua tiếng hát Quốc Khanh và Đan Nguyên:
            
*
NHỤY GIALAI
(tên thật: Phạm Văn Nhụy)
Địa chỉ: Số 177, đường Phạm Văn Đồng,
thành phố Pleiku, tỉnh Gialai
Emailnhuygialai@gmail.com

.

.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 15.07.2019
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.

0 comments:

Đăng nhận xét