TẢN MẠN QUA LỜI GIỚI THIỆU TẬP THƠ: NGÕ XƯA - Tác giả: Nguyễn Đăng Hành (Hà Nội)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)

TẢN MẠN QUA LỜI GIỚI THIỆU
TẬP THƠ: NGÕ XƯA
*
(Tác giả Nguyễn Đăng Hành)
Tôi tìm gặp nhà thơ Tạ Bá Hận – người tôi chưa từng gặp mà chỉ biết trên thơ. Chúng tôi đang say sưa đàm đạo về thơ bỗng có người đàn ông cỡ ngoài 60 tuổi trắng trẻo gọn gàng, lịch thiệp có gương mặt sáng sủa đôn hậu, đôi mắt lim dim mơ mộng, mái tóc xoắn suýt bồng bềnh,… Tạ Bá Hận giới thiệu: “Đây là nhà thơ Trần Công Sản”. Anh gật gù ngồi nghe chúng tôi khoe thơ, gạ gẫm thơ anh. Anh chỉ cười. Trong tình thế ấy Tạ Bá Hận chạy vội vào buồng lục, lôi tập thơ ra khoe và xin phép nhà thơ Trần Công Sản - cha đẻ tác phẩm “Ngõ xưa” cho phép tặng lại khách lạ.
Ngay thoạt đầu tôi đã linh cảm đây là vầng mây hồng bồng bềnh sứ Kinh Bắc. Về nhà, tôi vội mở tập thơ được tặng ra thưởng thức. Than ôi! Ngay lời đầu bài giới thiệu người giới thiệu đã cảm khái : “Thơ ... chỉ là những dòng ghi chép vội vã trên những chặng đường đời”. Tôi toát lạnh ngỡ ngàng…
Bởi theo tôi đã là thơ thì nó phải là sự cảm nhận, cảm xúc, rung động, xúc động nó dồn nén cô đúc, thai nghén để trở thành thơ. Nó được ghi chép theo ngôn ngữ, kí mã, thuật pháp thi pháp riêng của từng nhà thơ bài thơ. Người giới thiệu viết:
"nếu như Trần Công sản cứ: 
Trong tôi nửa khóc nửa cười 
Lặng nhìn phương ấy trắng trời mây bay
thì thật đáng thương nhưng cũng vô cùng đáng trách".
Ừ thì có thể thương, thương, thương một chút, thương cho hồn thi sĩ nhạy cảm đa cảm cứ hoài cảm... Nhưng sao lại đáng trách? Tôi vội lật ngay bài Tình Quê đọc đi đọc lại. Bài thơ dung dị đượm đà đằm thắm. Khổ đầu hoài niệm, khổ hai khổ ba hiện tại hiện thực, khổ bốn cảm hoài nối tiếp. Khổ 5 nấc lên trùng xuống buông thả chỉ bằng hai câu rất hay. Hay vì những phần thơ trên là hoài niệm, thực tại đan xen nó tả, nó gợi câu thơ tung hứng hô gọi nhịp nhàng, nó bồi hồi xúc động đầy tâm trạng thả hồn gọi hồn. Phần cuối bài giới thiệu viết: "Nếu như Trần Công Sản loại bớt những câu thơ sáo rỗng kiểu: "Ngõ xưa nay vắng bóng hồng".... sẽ bớt đi cái bàng bạc của cách nói văn hoa khách sáo"...
Ô sao không đọc tiếp!
"Đường xưa rộng mở mây bồng bềnh mây
Dừng chân bên khóm tre gầy
Tôi gom hạt gió đong đầy nỗi mong"
Hay! Hay quá đi chứ! Câu thơ nhịp nhàng đối xứng, hình ảnh ảo thực đầy trạng huống, âm hưởng mênh mông nhưng nồng ấm mà vẫn man mác gợi mở. Chỉ cần 4 câu ấy đã có thể cấu thành bài thơ trọn vẹn đầy hình ảnh gợi mở chứ chưa cần huy động trữ lượng toàn bài. 
Tôi xin quay lại ý kiến bài giới thiệu. Vâng! Cũng có trường hợp có bài thơ có tác giả thơ chỉ ghi chép làm thơ mà chỉ ghi chép nó kém vè dưới thơ thua ca dao. Nếu mà có cố chiếu cố gọi là thơ thì cái tạng ấy cũng chỉ là tạng thơ thớ, thơ thợ mà thôi. 
Còn riêng với nhà thơ Trần Công Sản với tập thơ Ngõ Xưa mà bảo là ghi chép thì quả là bất công và tội nghiệp quá! Bảo. "Ngõ xưa nay vắng bóng hồng" là sáo rỗng là văn hoa khách sáo bàng bạc thì...Phải chăng là vội vàng, lầm lệch. "Bóng hồng" ở đây tuy từ hơi cũ nhưng nó lại là ám ngữ, dụ ngữ, là hình ảnh, hình tượng khêu gợi. Nó làm cho câu thơ bài thơ cân đối âm dương khiến người đọc phải cay cay sống mũi giật giật thái dương bồi hồi man mác se se xúc động, mơ màng, ám ảnh. Nó tạo nên đa tầng đa nghĩa...
Vâng xin thưa! Tôi đã đọc, đọc đi đọc lại tập Ngõ Xưa đọc mà chiêm nghiệm thưởng thức ngâm nga, ngẫm nghĩ. Tôi có cảm nhận chủ quan riêng tôi. Thơ Trần Công Sản có cái ngộ năng cùng cái trí năng để tạo nên một giọng thơ mượt mà đầm ấm , nồng đượm. Thơ anh chất phát hiền lành nhưng ý nhị thăng hoa. Nó tuy giản dị nhưng xúc tích dân dã mà cũng rất dân gian. Nó nhẹ nhàng êm ái không sắc sảo. Bạo liệt nhưng xúc động ám ảnh câu chữ của anh cẩn trọng dịu dàng kín đáo e ấp nó âm thầm mà mênh mang, lồ lộ mà sâu thẳm. Thơ thoang thoảng man mác buồn thương ...... mà không hề bi lụy. Nó vẫn lóe lên niềm tin hi vọng. Thơ anh sức cảm sức hút hơi chậm nhưng chắc và bền vững.
Anh có những câu thơ tài hoa đi vào trí nhớ có những bài tình ngoài ý, thuộc loại "hình tại hồn ngoại". Có những cặp thơ tôi rất thích như:
Để ngày ngày anh bước trên ngõ vắng
Nhặt hạt nắng trời tìm lại dáng hình xưa
hay câu:
Hội chen đông lại càng đông
Ra về anh bảo hội không có người.
Hoặc:
Trường Sơn mây trắng vẫn bay
Giật mình tay lại nắm tay của mình
"..." trăm gian lại chất đầy trăm gian......"
Những bài thơ tiêu biểu là "Tình quê", "Ngõ xưa", "Giá như", "Trẩy hội tháng hai", "Cô gái bản", "Nhớ", "Vào hạ", "Vết thương", "Bến xưa", "Thầy giáo thương binh", "Ngày xưa", "Lên chùa",... Phải chăng những câu thơ hay thường khó thẩm định khó thưởng thức nó cứ lững lờ bảng lảng vẩn vơ viễn hành... Gặp kẻ tri âm tri kỷ thì nó lọt vào mắt thấu vào tai, thấm vào máu hòa vào tim nhập vào hồn nó như thang thuốc có đủ quân thần tá sứ, có tác dụng chính, tác dụng phụ..... Người làm thơ đã khó, kẻ đọc thơ lại còn khó hơn... Làm sao phải sờ đúng long mạch, bắt đúng cái hồn, nắm chặt cái khí, chớp gọn cái thần.
Qua nhà giới thiệu "Ngõ xưa" theo thiển ý của tôi đã là người được tín nhiệm "chọn mặt gửi vàng" để giới thiệu, ngoài tư cách vị trí còn đòi hỏi tài năng và sự nỗ lực dày công khám phá, phải kết hợp cả tâm lẫn tài , dứt khoát phải là một con người hiểu biết để truyền dạy cho mọi người hiểu biết mà thưởng thức bởi người giới thiệu là Marketing là tiếp thị...
Vâng! Tôi thành thật xin lỗi nhà giới thiệu "Ngõ xưa", theo phát biểu chủ quan của riêng tôi thì thưa quý vị độc giả, thưa người giới thiệu: cái hay, cái say, cái hồn, cái bóng, tiếng vọng của "Ngõ xưa" rất thuần hậu, nhuần nhuyễn, dịu dàng nó gây cho tôi một sự rung cảm ám ảnh như những con người thanh khiết, bình dị, điềm đạm, nhân hậu, nồng nhiệt thiết tha của xứ Kinh Bắc mến yêu!

           
Mời thư giãn với nhạc phẩm THƯƠNG CA TIẾNG VIỆT
của Đức Trí, Lời Hà Quang Minh, qua tiếng hát Mỹ Tâm:
            
*
Hà Nội ngày 12 tháng 1 năm 2006
NGUYỄN ĐĂNG HÀNH
Địa chỉ: Thôn Khoan Tế, xã Đa Tốn
huyện Gia Lâm, tỉnh Hà Nội.
Email: nguyendanghanh1234@gmail.com
Điện thoại: 036.467.78.26
.
.
.


       ........................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 11.07.2019
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.    

0 comments:

Đăng nhận xét