(Nguồn ảnh: internet) |
THÁI ĐỘ CẦN CÓ
KHI ĐỌC KINH PHẬT
*
Sự phân chia bộ phái Ðại Tiểu thừa nếu có lợi về
mặt phát huy đạo lý đến chỗ có hệ thống tinh vi thì cũng đã gây ra không ít sự
câu nệ sai lầm làm trở ngại, thiệt thòi cho một số người tham học toàn bộ kinh
giáo Phật đà. Thật vậy, có những người chỉ quan tâm đọc kinh này mà lơ là với
kinh kia vì cho là Tiểu thừa, hay có người chỉ quan tâm đọc kinh kia mà hờ hững
với kinh này vì cho là Ðại thừa. Nhưng sự thật nếu đứng ra ngoài thiên kiến đã
gây nên bởi căn tính, địa phương, thời đại, tập truyền đó, thì ai cũng nhận
thái độ trên là thái độ chấp nê không lưu hoạt, tưởng làm như thế là hiểu đúng
Phật pháp, nắm được ý Phật, không ngờ làm như thế sẽ không hiểu trọn Phật pháp,
không nắm được ý Phật, vì như chúng ta đã hiểu Phật pháp là Phật pháp, Phật
pháp không có đại tiểu. Phật pháp nhất vị.
Trong thiên kinh
vạn quyển ở đâu lại thiếu những nguyên lý Vô thường, Vô ngã, Giải thoát,
Niết-bàn, ở đâu lại thiếu Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, Bát chánh đạo...? Nếu gạt
bỏ những nguyên lý ấy để chỉ chấp nhận một điều là kinh này kinh kia có lịch sử
kết tập chứng minh hay không thì tưởng cũng là một việc làm sai lệch và ép
uổng! Nhất là ở những thời đại xưa, người tu hành chú trọng đến giáo lý, đến sự
tu chứng hơn là chú trọng lịch sử. Vì quan niệm lịch sử là lịch sử, lịch sử chỉ
là xác chết mà giáo lý mới là phần linh hoạt, là tinh thần sống động biến hóa
nẩy nở luôn. Giáo lý mới giúp cho con người giác ngộ.
Sau khi nghe tụng
kinh Kim cang, ngài Lục tổ Huệ Năng đã chứng ngộ và nói một câu rất siêu việt:
"con người có nam bắc, chứ Phật tánh không bắc nam", như thế là
giác ngộ, nhờ giáo lý. Với câu nói đó nếu được đem áp dụng vào việc nghiên cứu
kinh điển thì tự nhiên chúng ta biết rõ điều gì đáng thủ, điều gì đáng xả, để
đi sâu vào tinh thần chung của Phật giáo mà cái quan niệm Ðại thừa Tiểu thừa
không làm cách ngại được.
Cái tinh thần chung
của Phật ấy là gì? Là tinh thần dắt dẫn, khuyến hóa chúng sanh biến
đổi điều dữ ra điều lành, mê ra ngộ, khổ ra vui trong cảnh giải thoát Niết-bàn. Vậy bất cứ là
kinh nào trong Tam tạng, dù mỗi kinh với mỗi sự trình bày khác nhau, nhưng nếu
nhận có tinh thần giải thoát, có mục đích Niết-bàn trong đó tức chúng ta phải
đem hết tinh thần khoáng đạt mà cố công tham cứu và học hỏi, không vì cớ kinh
này nói Niết-bàn với các tính đức Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, còn kinh kia nói
Niết-bàn mà không kèm theo các đức tính đó rồi phê phán kinh này là đại, kinh
kia là tiểu. Không, Niết-bàn tự nó đã là cứu đích giải thoát an lạc, vô ngại
tuyệt đối, dù có cắt nghĩa Niết-bàn theo mặt tiêu cực hay tích cực Niết-bàn cũng
không vì đó mà giảm giá trị không còn là mục đích của đạo Phật, của người tu
Phật, và đức Phật đã không khuyên chúng ta phải tinh tiến để đạt Niết-bàn.
Cái tinh thần
khoáng đạt cần thiết trên sẽ giúp cho chúng ta tham học kinh điển được nhiều
lợi ích, chúng ta sẽ đọc từ kinh này đến kinh khác mà không có gì là vướng
ngại, thắc mắc.
Bây giờ đến lượt
chúng ta đọc kinh A Hàm. Ðây là bộ kinh được xem phổ cập sớm nhất trong lịch sử
truyền giáo của Ấn Ðộ và hiện nay vẫn thịnh hành tại các nước Phật giáo
mà Tăng già sống theo thể chế khất thực. Ở các nước Trung Hoa, Nhật Bản, Việt
Nam v.v... thường gọi là các nước theo Phật giáo Ðại thừa, thì kinh này ít được
phổ cập, nhưng những ai muốn hiểu trọn tinh thần Phật giáo đã không quên những
giáo lý thâm trầm được gói ghép trong các lời lẽ giản dị mà A Hàm là kinh trọng
yếu nhất có tính cách đó.
Nếu không chỉ vì
tìm hiểu triết lý siêu huyền, lý luận xa xôi, thì đọc A Hàm ai mà không cảm
kích trước những lời dạy nồng hậu thuần khiết và cách thức giáo hóa của Phật đối
với đương thời. Ðây, chúng ta thử đọc một đoạn Phật thuật lại đại nguyện độ
sanh của Ngài:
"Này các
Tỷ-kheo! Ta nhớ xưa kia đã không biết bao nhiêu lần, Ta thường qua lại, nói
năng với hàng Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, cư sĩ, chư thiên... Nhờ định lực và tiên tiến
mà nơi nào ta hiện đến, họ có sắc đẹp thì sắc Ta đẹp hơn, họ có tiếng hay thì
tiếng Ta hay hơn, họ từ bỏ Ta mà lui, Ta không từ bỏ họ, điều họ nói được Ta
cũng nói được, điều họ không thể nói được, Ta cũng nói được. Sau khi đã thuyết
pháp dạy điều ích lợi, vui mừng cho họ, Ta ẩn đi chỗ khác, mà họ chẳng biết Ta
là trời hay là người".
Xem đó thì Phật đã
hóa độ chúng sanh trong nhiều kiếp trước và kiếp sau, chớ không phải chỉ một
đời của đức Thích Ca tại cõi Ta bà này. Và biết đâu chúng ta đã không một lần
nhờ duyên lành nghe Ngài thuyết pháp mà vì u mê không nhận ra Ngài là ai, để
rồi ngày nay cứ mãi tìm Phật.
Tiếp đến đoạn này
lại thấy phảng phất một đạo lý khác, đạo lý: "Hết thảy chúng sanh đều có
tính Phật" mà chúng ta thường gặp ở các kinh:
"Ta dùng Phật
nhãn xem thấy thế giới chúng sanh, có kẻ nghiệp chướng sâu dầy, có kẻ nghiệp
chướng cạn mỏng, có kẻ căn tánh lanh lợi, có kẻ căn tính chậm lụt, có kẻ dễ
khai hóa, có kẻ khó khai hóa. Kẻ dễ khái hóa vì biết sợ tội lỗi kiếp sau nên
gắng lo bỏ điều ác làm điều lành. Họ như các hoa sen xanh vàng đỏ trắng, có cái
lên khỏi bùn mà chưa đến mặt nước, có cái lên ngang mặt nước mà chưa nở, nhưng
cái nào cũng không bị nước dính bẩn và đều nở ra được cả. Các loại chúng sanh
cũng như thế".
Thật là một lời dạy
đầy khích lệ tinh thần tiến giác, nâng cao giá trị con người biết bao. Nếu càng
đọc nhiều, chúng ta càng nhận thấy qua lời dạy bình dị như thế, cái tinh thần
từ bi, bình đẳng, thực tế, bất mê tín... được bộc lộ đầy đủ, cũng như lối ứng
cơ thuyết pháp rất khéo léo của Phật. đối với căn cơ tu tại gia thì chỉ dạy
pháp tại gia, đối với căn cơ tu xuất gia mới dạy pháp xuất gia. Không mang
thuốc này trị cho bệnh kia để phải gây thiệt thòi cho người bệnh.
Ðể ý thức đầy đủ sự
ích lợi khi đọc kinh A Hàm, ở đây tôi nhắc lại mấy điểm của nhà học giả Lương
Khải Siêu đã ghi:
1. A Hàm là bộ kinh
được thành lập sớm nhất với hình thức kiết tập công cộng (khác với những kinh
kiết tập ở địa phương), do đó, tuy không dám nói nó ghi chưa trọn lời Phật dạy
nhưng chắc chắn nó là bộ phận trọng yếu đã ghi lời Phật dạy.
2. Ðại bộ phận kinh
Phật là tác phẩm văn học. A Hàm tuy không thể sánh kịp các kinh khác về mặt này
song chắc chắn nó gần với lý thuyết chân thật hơn. Do đó, không dám nói mỗi câu
mỗi chữ trong A Hàm toàn đúng hẳn lời Phật dạy lúc tại thế, (bút tích ngôn giáo
nào khỏi nạn tam sao thất bổn) nhưng hẳn nó hàm chứa được đa phần lời Phật dạy
hơn.
3. A Hàm hẳn có cái
thể tài của một tập sách "Ngôn-hạnh-lực", tính chất giống như sách
luận ngữ của Khổng giáo. Nên nếu ai muốn thể nghiệm nhân cách cao thượng của
đức Thích Tôn mà không đọc A Hàm thì không làm sao đạt được.
4. Các giáo lý căn
bản của Phật giáo như Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, Ngũ uẩn giai không, Nghiệp
cảm luân hồi, Tứ niệm xứ, Bát chánh đạo v.v... đều có thuyết minh ở A Hàm. Nếu
đối những giáo lý này không có trước một quan niệm minh xác thì rất dễ lạc lối
trong khi nghiên cứu kinh luận Ðại thừa. Ðọc A Hàm chúng ta càng hiểu thêm
những giáo lý này Phật đã dạy trong các trường hợp nào nữa.
5. A Hàm chẳng
những không xung đột với kinh Ðại thừa, trái lại còn chứa nhiều ý nghĩa căn bản
của Ðại thừa.
6. A Hàm thuật đến
tình hình xã hội Ấn Ðộ thời bấy giờ rất nhiều. Có đọc nó chúng ta mới cảm thông
nỗi khổ tâm ứng cơ khai hóa của Phật trong một hoàn cảnh khó khăn biết chừng nào!
Tuy nhiên, bên bao
nhiêu cái hay, cái quí đó không khỏi kèm theo điều đáng tiếc, đã làm cho kinh A
Hàm không phổ cập sâu rộng ở các nước theo Phật giáo Ðại thừa, không được nhiều
người ham đọc! Và đây lại mấy lý do khác chúng ta phải đồng ý với ông Lương
Khải Siêu:
1. Quyển điệt quá
nhiều. Nói kinh A Hàm tức là nói 4 bộ A Hàm là Tăng Nhất A Hàm, Trung A Hàm,
Trường A Hàm và Tạp A Hàm (Anguttara Agama, Majjhima Agama, Digha Agama,
Samyutta Agama), theo tạng Pali là Tăng chi bộ kinh, Trung bộ kinh, Trường bộ
kinh, Tương ưng bộ kinh và Tiểu bộ kinh. Mỗi bộ A Hàm ấy có tính cách là một
tòng thư góp nhiều kinh (bài thuyết pháp) lại tạo thành, trong đó kinh trước
kinh sau không liên lạc chặt chẽ như ở các bộ khác. Có bộ gồm 30 kinh như
Trường A Hàm, gồm 222 kinh như Trung A Hàm, gồm 72 kinh như Tăng nhất A Hàm,
lại có bộ gồm tới 1.200, 1.300 kinh như Tạp A Hàm.
2. Chương thiên
trùng lặp. Có những kinh ở bộ này có ở 3 bộ kia cũng có. Hoặc một kinh mà có
tới 3, 4 lần trùng trong một bộ, tuy văn cú hơi khác đôi chút.
3. Từ ngữ trùng
lặp. Nhiều khi chỉ một chuyện, một câu nói mà nhắc đi nhắc lại nhiều lần từ khi
mới suy nghĩ, rồi phát ra ở miệng người hỏi, nhắc lại ở miệng người trả lời...
thật là phiền phức! Như tuồng ngữ pháp Ấn Ðộ thời xưa là thế? Nên hễ đọc
sơ ý một chút là khó nhận ra câu nào chính, câu nào phụ.
4. Văn dịch chữ Hán
do các cao tăng Ấn Ðộ, Tây Vức dịch quá xưa, lủng củng, các thuật ngữ dùng
không xác đáng thành rất khó lãnh hội cho những ai không kiên chí.
Tuy nhiên ở một
phương diện khác, chúng ta hiểu rằng Phật khai hóa cho chúng sanh tỉnh thức
giác ngộ chứ không cốt văn chương, nên một câu nói được nói đi lặp lại nhiều
lần, nhắc đi nhắc lại nhiều nơi, để cho chúng sanh nghe, nhớ, thấm vào lòng,
hầu chuyển cái mê thành cái ngộ mới thôi.
Bấy nhiêu ý kiến
thô sơ, tôi xin nêu ra để hiến quí vị sẵn có lòng hoan hỷ muốn học hỏi,
nghiên cứu toàn diện giáo lý Phật đà mà không bỏ qua các kinh sách chính yếu và
tiên khởi.
TIỂU
SỬ HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN SIÊU
“Sư
tên thật là Võ Trọng Tường, sinh ngày 15 tháng 7 năm Tân Dậu 1921 âm lịch trong
một gia đình mộ đạo Phật ở làng Thần Phù, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Năm 14 tuổi (1935), sư xuất
gia học học Phật pháp tại chùa Trúc Lâm, Huế -
trường Phật học đầu tiên của Hội An Nam Phật Học - trải qua các chương trình
Phật học sơ cấp, trung cấp rồi đến cao cấp.
Năm
23 tuổi (1944), sư trở thành giảng viên của trường Phật học nói trên - lúc này
đã chuyển địa điểm sang Đại Tòng Lâm Kim Sơn, Huế.
Từ
năm 1950 đến năm 1955, sư được cử làm Chánh Hội trưởng Tỉnh hội Phật giáo Thừa
Thiên.
Từ
năm 1957 đến năm 1962, sư được cử làm Đốc giáo Phật học đường Trung Việt
tại chùa Hải Đức, Nha Trang.
Năm
1962, sư trở lại Huế và làm giảng viên Phật học và tham gia công tác của Tổng
trị sự Phật giáo Trung phần và Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên - Huế.
Ngày
20 tháng 8 năm 1963, sư bị Chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam vì phản đối chính quyền này đàn áp
Phật giáo. Đến khi Diệm bị lật đổ, sư mới được thả.
Từ
năm 1964 đến năm 1974, sư được của làm Phó đại diện Phật giáo miền Vạn Hạnh;
điều hành và giảng dạy lớp Cao đẳng Phật học chuyên khoa Liễu Quán tại chùa Linh Quang, Huế. Sư cũng tham gia giảng
dạy các lớp Phật học ở nhiều tỉnh miền Trung khác.
Từ
năm 1973 đến năm 1974, sư được cử giữ chức vụ Viện trưởng Viện Cao đẳng Phật
học Hải Đức, Nha Trang.
Năm
1981, sư được cử làm Trưởng phái đoàn, đại diện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống
nhất dự đại hội thống nhất Phật giáo cả nước tại chùa Quán Sứ, Hà Nội.
Tại đại hội này, sư được suy cử chức vu Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương
Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Từ
năm 1981 đến năm 1984, sư được mời giảng dạy tại Trường Cao cấp Phật học ở chùa
Quán Sứ.
Từ
năm 1982 đến năm 1988, sư làm Trưởng ban Trị sự tỉnh Phú Khánh liên
tiếp hai nhiệm kì.
Từ
năm 1984 đến năm 1988, sư được cử làm Phó hiệu trưởng Trường Cao cấp Phật học
tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm
1984, sư được cử làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật
giáo Việt Nam.
Năm
1988, khi Viện Nghiên cứu
Phật Học Việt Nam được thành lập, sư được cử làm Phó Viện
trưởng.
Từ
tháng 4-1987 đến khi qua đời, sư được bầu vào Đại biểu Quốc hội liên tiếp ba
khóa VIII, IX và X.
Năm
1991, Giáo hội cử sư làm Phó chủ tịch Hội đồng Phiên dịch Đại tạng kinh Việt Nam,
đặc trách Hán tạng.
Từ
năm 1994 đến năm 2001, Giáo hội cử sư làm Hiệu trưởng Trường Cơ Bản Phật học
(nay là Trường Trung cấp Phật Học), Thừa Thiên – Huế.
Năm
1997, sư được Giáo hội cử làm Viện trưởng Học viện Phật giáo
Việt Nam tại Huế và đảm nhiệm vị trí này cho đến ngày qua đời.”
(Theo:
vi.wikipedia.org)
0 comments:
Đăng nhận xét