ANH TRẦN MẠNH HẢO HIỂU SAI NAM CAO - Tạp văn Chu Mộng Long (Bình Định)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)
ANH TRẦN MẠNH HẢO
HIỂU SAI NAM CAO
* 
(Tác giả Chu Mộng Long)
Nam Cao có tham gia kháng chiến, nhưng tôi dám chắc khi viết truyện ngắn Giăng sáng, ông không có chút quan hệ gì với cộng sản. Giăng sáng được công bố chính thức trên Tiểu thuyết thứ bảy, số 439, ngày 14.11.1942. Tác phẩm mang hình thức tự truyện bởi nhân vật Điền như một hóa thân của Nam Cao. Tác phẩm có ngữ cảnh rõ ràng. Điền, nhà giáo, nhà văn từng viết văn lãng mạn, từng "mơ theo trăng", "trăng vú mộng của muôn đời thi sĩ" mà quên cái nghèo, cái đói và nỗi đau của đồng loại. Mãi đến khi bị thất nghiệp về quê sống nhờ vợ con, Điền vẫn chưa thoát khỏi giấc mộng văn chương lãng mạn một thời mình đeo đuổi. Đến lúc trải nghiệm đầy đủ sự cơ cực, cay đắng trong chuyện miếng ăn và cái đói hàng ngày của vợ con, của chính mình và hàng xóm, Điền mới thức tỉnh và tuyên bố rời chủ nghĩa lãng mạn để đi theo chủ nghĩa hiện thực, một trào lưu lớn thời điểm bấy giờ: “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than.”
Có thể tuyên ngôn này gây oan sai cho văn chương Tự lực văn đoàn. Oan sai không phải ở thời điểm lịch sử ấy, vì chuyện các trào lưu tuyên bố đối lập hay cãi nhau là chuyện thường tình, chẳng chết ai. Chỉ vì sau này do các nhà phê bình và làm sách giáo khoa cộng sản gán "ánh trăng lừa dối" ấy cho Tự Lực văn đoàn mới dẫn đến đày đọa Tự Lực văn đoàn vào chung hố sâu vụ án chính trị gọi là "phản động".
"Ánh trăng lừa dối" là một cụm từ Nam Cao viết rất ý nhị trong ngữ cảnh của truyện ngắn. Đó là thứ ánh trăng có tính ẩn dụ, nôm na là sự mộng mơ thái quá làm cho nhà văn quên đi tiếng kêu lầm than và đau khổ của đồng loại. Hoàn toàn không mang nghĩa là ánh trăng tự nhiên xưa nay vẫn mang lại nguồn sáng tạo vô tận của văn chương. Sự thực, vẫn là đối tượng trăng của tự nhiên, nhưng đâu phải trăng bao giờ cũng mang tính chất lừa dối. Quan trọng là cách nhìn trăng của nghệ sĩ chứ không phải bản thân trăng của tự nhiên. Trăng mang nỗi nhớ nhung của Lý Bạch, nỗi cô sầu của Đỗ Phủ, của Thôi Hiệu, của Vương Duy, nỗi đau đớn của Nguyễn Du, của Nguyễn Gia Thiều, chiến tranh và chết chóc của Đặng Trần Côn,... kể cả mang máu đau thương của Hàn Mặc Tử.
Cả cụm từ "Ánh trăng lừa dối" và mệnh đề "Ánh trăng mang lại sự lừa dối" là hai vấn đề khác biệt. Một bên là loại trăng của cái nhìn hoang tưởng (đã phân loại) và một bên là trăng như một đối tượng của tự nhiên hay mọi ánh trăng trong mọi cái nhìn (quy chụp). Nam Cao không ngớ ngẩn đến mức quy chụp mọi ánh trăng đều lừa dối, khác nào chup mũ cái mảnh trăng vô tội trên trời hay quy chụp cả tổ tiên nhà văn của mình.
Ánh trăng vẫn chỉ là ánh trăng, chẳng buồn vui và cũng chẳng lừa dối ai. Chỉ có nhà văn dùng nó để lừa dối mình và đồng loại.
Nếu nói chủ nghĩa hiện thực phê phán là sản phẩm của cộng sản thì trên thế giới trước Marx đã có chủ nghĩa cộng sản vì lối viết hiện thực đã từng ra đời từ rất sớm.
Còn chống "ánh trăng lừa dối" thì theo tôi, chẳng nhẽ các nhà phê bình, nhà văn cộng sản tự chống mình? Nên nhớ chủ nghĩa hiện thực phê phán luôn là kẻ thù của quyền lực, trừ phi giới quyền lực thỏa hiệp nhất thời hoặc lợi dụng thành vũ khí tấn công đối thủ.
Riêng bài phê bình này anh Trần Mạnh Hảo nên xem lại.
Nếu muốn phê phán Nam Cao, theo tôi, hãy phê phán truyện ngắn Đôi mắt, ra đời sau 1945. Đây là truyện ngắn dở nhất của Nam Cao. Nhưng thú thật, nhiều lần tôi muốn phê mà thấy khó. Nam Cao viết khôn đến mức, ông chửi nhà văn Hoàng mà như khen cái đôi mắt tinh đời của anh ta, trong khi khen Độ mà như chế giễu cái thứ chủ nghĩa nhân đạo bình dân học vụ mù lòa vậy.
Viết khôn vậy mà Nam Cao vẫn chết, nếu không chết trong chiến tranh cũng chết sớm trong thời bình.

      
Mời thư giãn với nhạc phẩm TÔI LÀ TÔI 
của Vũ Quốc Bình, qua tiếng hát Quasch Thành Danh:
             
*
CHU MỘNG LONG (tên thật: Châu Minh Hùng)
Địa chỉ: Khoa GD Tiểu học Mầm non, Đại học Quy Nhơn
170 An Dương Vương, phường Nguyễn Văn Cừ,
thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định
Điện thoại: 0982.03.61.75





  ........................................................................................
- Cập nhật từ email: ngocthai1948@gmail.com gửi ngày 21.07.2018
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 
.  

0 comments:

Đăng nhận xét