SỰ MẤT NGỦ CỦA LỬA HAY SỰ THAO THỨC CỦA MỘT HỒN THƠ - Tác giả: Đông La (Hải Dương)

Leave a Comment
(Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều ; Nguồn ảnh: internet)
SỰ MẤT NGỦ CỦA LỬA
HAY SỰ THAO THỨC CỦA MỘT HỒN THƠ
*:
Đây là bài viết tham gia Hội thảo Thơ Nguyễn Quang Thiều do viện Văn học tổ  chức, mà tôi vì tình thân với Nguyễn Quang Thiều đã tích cực tham gia. Có điều là một nhà nghiên cứu, tôi luôn tôn trọng tính khách quan và khoa học, nên bài tôi viết rất tình cảm nhưng luôn dựa trên văn bản thơ Nguyễn Quang Thiều, với lối phê bình phân tích chi li chứ không theo kiểu “tán quá” một cách đầy cảm tính, thích thì khen ghét thì chê thế nào cũng được.
Một cách chung nhất, nếu không có tri thức thơ hiện đại nói riêng và nghệ thuật hiện đại nói chung, người đọc không thể cảm thụ được thơ Nguyễn Quang Thiều, giống như một đứa bé thích ăn kem không thể uống được rượu mạnh vậy.
Đây chính là cuộc Hội thảo mà ông Trần Mạnh Hảo đang chống đối rất mạnh: “Chúng tôi thấy thơ ông Nguyễn Quang Thiều viết rất dễ dãi, tào lao,… thuộc trường phái thơ “Tân…con cóc”…”. Ông Hảo cũng cay, khi ông Thiều kém ông Hảo cả chục tuổi nhưng lại không coi ông Hảo là nhà phê bình, khi tôi hỏi, Thiều bảo: "Thằng điên ấy chấp làm gì", chính vậy Nguyễn Quang Thiều mới ứng xử với ông Hảo như với một kẻ bụi đời: “Ông Thiều không tranh luận lại mà lên mạng Internet chửi chúng tôi như một ả mất gà rằng: “Nhưng với những gì anh viết về tôi (tôi xin nhấn mạnh: không liên quan đến thơ ca của tôi) tôi chỉ còn biết nói với anh một câu duy nhất: anh là một thẳng đê tiện và bỉ ổi.”… Ký tên Nguyễn Quang Thiều
Còn ông Đỗ Hoàng nào đó cũng cho thơ Nguyễn Quang Thiều là loại thơ “Vô lối”, và khoe đã được “thần đồng” Trần Đăng Khoa cổ vũ: “Bác đả Nguyễn Quang Thiều hay đấy!”; rồi: “Bác đả thế là Nguyễn Quang Thiều nốc ao rồi!” Đỗ Hoàng còn cho thơ Nguyễn Quang Thiều là “một loại quái thai của văn chương”; và còn bậy bạ khi viết: “mà lại được đám ba đầu sáu tay tung hô hết cỡ”, rồi: “các học giả, nhà phê bình, giáo sư đại học, cánh hẩu viết bài lăng xê, ca ngợi hết lời”. Tôi đã có ý đề nghị các cơ quan và những nhân vật liên quan nên kiện thằng cha này ra tòa!

(Tác giả Đông La)
Dường như Nguyễn Quang Thiều sinh ra để làm thơ. Ngôi làng Chùa bên bờ sông Đáy thơ mộng, nơi anh sinh ra, đã trở thành cánh đồng phì nhiêu trong tâm hồn để anh gieo hạt và rồi nảy mầm, sinh sôi những vần thơ:
Tôi hát bài hát về cố hương tôi
Khi tất cả đã ngủ say
Dưới những vì sao ướt đẫm
Những ngọn gió hoang mê dại tìm về
Đâu đây những bầu vú con gái tuổi mười lăm như
những mầm cây đang nhoi lên khỏi đất
Và đâu đây tiếng ho người già khúc khắc
Những trái cây chín mê ngủ tuột khỏi cành rơi xuống
                   Góc vườn khuya cỏ thức một mình
Vốn có một tâm hồn rất nhạy cảm, một trí tưởng tượng rất phong phú, như một lần tôi đã viết trong bài Tư duy thơ Nguyễn Quang Thiều (in trong cuốn Biên độ của trí tưởng tượng, Nhà xuất bản Văn học, 2001), đối với Nguyễn Quang Thiều, không có ranh giới của sự sống và cái chết. Tràn ngập trong thơ anh là hình ảnh những linh hồn của những người thân yêu, linh hồn của những con vật, linh hồn của cây cối và của cả đồ vật. Mà thật thú vị ở chỗ, bằng phân tích ADN, các nhà khoa học đã xác định khả năng của các nhà ngoại cảm giao tiếp được với linh hồn là có thực, và như vậy Nguyễn Quang Thiều đã đúng. Với anh, tất cả mọi thứ trong thế giới này đều là sinh thể, đều có tâm hồn. Chính vậy, Nguyễn Quang Thiều mới có thể nghe thấy nơi cánh đồng quê mình: “Bầy lúa nước vừa mang thai vừa than thở”; mới nhìn thấy nơi đầm, hồ, ao, chuôm: “Gió quẫy đuôi vật đẻ làm tan đám bèo ngơ ngác/ Chùm trứng sao lững lờ trong đáy nước trời xa”. Trong ký ức non tơ, khi đau ốm, chú bé nhà thơ tương lai còn thương lo cho cả những con thuyền, sợ chúng bị cảm lạnh khi neo đậu nơi bến sông quê:
Con ốm đau con ho bên cửa
Những con thuyền ốm đau nằm đâu
Mẹ ơi mang áo con thả vào bến nước
Cho những con thuyền bớt rét, bớt ho
Vùng quê ấy cũng đã khắc ghi trong ký ức anh những hình ảnh thật thơ mộng về những rung động thuở đầu đời:
Những tấm võng tơ nhện thuở ta bên nhau
đựng đầy mưa xuân không sao đứt nổi
Giờ em vĩnh viễn ra đi võng đứt hết rồi
Gió vơ những mảnh võng rách và vùi vào đâu đó
Những hạt mưa sơ sinh không biết ngủ nơi nào
Đặc biệt vùng quê ấy cũng là nơi những người ruột thịt thân yêu của Nguyễn Quang Thiều tự bao đời nối tiếp sinh ra. Qua lời tâm sự mở đầu tập Châu thổ (Thơ tuyển, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn 2010), anh đã có một tình cảm thật đặc biệt đối với người bà nội của mình. Anh đã cho biết người thầy vĩ đại của anh, không phải là thầy giáo ở trường lớp, cũng không phải những nhà thơ bất tử trong lịch sử thi ca đất nước, và cũng chẳng phải những nhà thơ lớn, những nhà thơ đoạt giải Nobel trên thế giới; mà chính là bà nội. Trong căn phòng “có mái gác bằng tre. Cạnh giường có cửa sổ thông qua vườn hàng xóm”, cậu bé nhà thơ tương lai Nguyễn Quang Thiều 8 tuổi trở thành học trò, bài giảng là những lời kể của người bà bằng trí nhớ, với một âm vang đặc biệt của một giọng nói của một người khát khao sống, trong trạng thái cơ thể bị bại liệt, cách ly hoàn toàn với những hoạt động ngoài đời. Trong không gian có mùi cao con hổ, mùi trầu, khung cảnh làng quê và những người thân quen đã hiện lên trong lời kể của bà, trong đó có cả những hình ảnh thật kỳ dị: con lợn nái ăn thịt chính những con lợn con nó vừa sinh ra; những con cá trê trắng bệch trong những ngôi mộ ngập nước… Tất cả, tất cả đều không nói về thơ nhưng đã tác động và làm nảy sinh trong trí óc non tơ của Nguyễn Quang Thiều cả một thế giới của trí tưởng tượng, một thế giới mà anh cảm thấy “nếu chém vào không gian một nhát dao thì ở đó một cái cây trong suốt bị đổ gục, một ngón tay trong suốt bị đứt lìa”, và chính cái trí tưởng tượng ấy là công cụ chủ yếu của một nhà thơ.
Trong Hồi tưởng tháng Hai thật lạ và cũng thật xúc động khi ta được chứng kiến một đám ma đặc biệt: đám ma tóc:
Đó là tháng bà tôi đòi cắt tóc
Cha tôi mang tóc bà tôi chôn xuống cánh đồng
Cỏ mộ tóc tốt tươi trong bóng tối
Tôi trốn bà ra khóc tóc bà tôi
Sau bốn năm bị bại liệt, bà nội mất, Nguyễn Quang Thiều cũng đã viết cả một bài thơ dài Nhịp điệu châu thổ mới để tưởng nhớ bà, bài mà tôi cũng đã phân tích đôi nét trong bài viết của tôi đã nói ở trên: “Khi tượng trưng hóa mọi cảnh vật, mọi sự việc, Nguyễn Quang Thiều đã dựng lên một thế giới của trí tưởng tượng mà ở đó không có ranh giới giữa sự sống và cái chết. Qua con mắt của một đứa trẻ, cuộc tiễn đưa cái chết của người bà nội được dựng lên như một hành trình về một xứ sở kỳ lạ; và cái chết cũng không phải chỉ là cái chết mà là sự gieo cấy một sứ  mệnh mới: “Thổ ngữ gieo từ bàn tay Người Nông Dân Già vào tay cậu bé. Cậu bé chầm chậm mở vương quốc của mình”; rồi từ đó “Mở ra một con đường”, rồi “Một cây cầu” được dựng lên mà đứa bé “Như một trụ cầu mọc lên để đỡ lấy một giọng nói”… Đứa bé ấy chính là Nguyễn Quang Thiều và giọng nói ấy chính là THI CA”.
Ngoài bà nội, như một lẽ tất nhiên, Nguyễn Quang Thiều cũng viết về những người thân yêu ruột thịt, những người mà anh luôn phải cần đến, nơi là điểm tựa, là chốn anh luôn phải trở về, khi phải sống trong một thế giới xô bồ, ngột ngạt:
Trước trái đất đang nóng lên từng độ
Và trái tim con người cứ lạnh dần đi
Thì tôi phải cần em cần bạn bè cây lá
Cần có một quê hương để được trở về mình
Trong bài Dâng trà, tình cảm anh dành cho người cha lại là một sự dằn vặt của một đứa con, khi thấy chỉ vì đam mê thơ phú, đã không làm tròn được chữ hiếu với những bậc sinh thành kính yêu:
Phận con nhàu trọn lòng tay
Một câu thơ bạc một ngày vô ơn
Thưa cha con đã dâng trà
Sao cha im lặng như là bóng mây
Để hồn trà khuất đâu đây
Xác trà lạnh ngắt đổ đầy lòng con
Với Nguyễn Quang Thiều, hình bóng mẹ, người dứt ruột sinh ra anh và dòng sông Đáy, con sông quê hương, gần gũi và thân thương đến nỗi như hòa làm một:
Sông Đáy chảy vào đời tôi
Như mẹ tôi gánh nặng rẽ vào ngõ sau mỗi buổi chiều  đi làm về vất vả
Tôi dụi mặt vào lưng áo người đẫm mồ hôi  mát một mảnh sông đêm
Sông Đáy ơi, sông Đáy ơi… chiều nay tôi trở lại
Mẹ tôi đã già như cát trên bờ
Ôi mùi cát khô, mùi tóc của mẹ tôi
Tôi quì xuống vốc cát ấp vào mặt
Tôi khóc
Cát từ mặt tôi chảy xuống ròng ròng
Với một nhà thơ thương đến cả những con thuyền đậu ở bến sông, thấu hiểu tâm sự đến từng gốc cây ngọn cỏ, thì tình thương dành cho những đứa con bé bỏng tất phải vô cùng vô tận. Và trong một thế giới đầy cạm bẫy này, tình thương của người cha thi sĩ ấy cũng chất đầy những âu lo, và anh sẵn sàng hy sinh vì hạnh phúc của những đứa con:
Con mặc chiếc váy mỏng như khâu bằng những cánh hoa tầm xuân
Con đi đôi giày nhỏ như làm bằng hai chiếc kén tằm vàng
Trên con đường trước nhà ta đầy đá
Con chạy ra đón cha
Con gái của cha ơi
Cha nghe thấy có tiếng cười lạ
Cha nghe thấy có tiếng người lạ
Dẫu không gọi tên con cũng không gọi tên cha
Mà sao cha sợ run lên
Cha mở đời cha như mở một tấm lót
Bọc lấy con và bế con lên
Chỉ như thế cha mới có thể nhắm đôi mắt lại
Hôn dịu dàng lên mái tóc con
Chỉ như thế chiều nay cha mới không òa khóc
Trong bài thơ Con bống đen đẻ trứng đề tặng hai đứa con Thuật, Ngân, một chàng hoàng tử và một nàng công chúa của anh, anh bộc bạch lòng mình nhiều hơn, cũng lại là những âu lo cho cuộc sống của hai đứa con. Người cha thi sĩ kinh hãi nhận thấy, khi người đời còn tranh đoạt điên loạn, khi lòng tham không cùng không bao giờ được thỏa mãn thì sự tranh đoạt ấy không bao giờ tìm đến được hạnh phúc mà thực sự là tự tìm đến cái chết:  “Quanh các con tôi thế giới đang tự sát”; “Những trái cây tự rơi vào thuốc độc”; “những đền chùa gục ngã trước những pho kinh phản bội”; “Những ô kính tự tát vỡ mình”; “Những ngôi nhà cao tầng tự chặt xương sống mình”… Lúc ấy, nơi chốn duy nhất người cha muốn đưa hai đứa con mình về ẩn náu chính là cố hương. Nơi có “cánh đồng của bà nội” chờ đợi những đứa con trở về “mai táng những  mùa màng tàn tật”, để rồi chúng sẽ gieo “những hạt giống thần” mà Tổ Tiên đã cất giữ, trao lại, làm siêu thoát những “oan hồn của cái đói”. Nơi ấy cũng chính là dòng sông Đáy, nơi “Những thuyền chết đậu bến mây”; “Những thuyền sống đậu bến nước”, khi những đứa con thấy thiếu chèo thì “Cha sẽ chặt cánh tay cha làm chèo”, khi những đứa con thấy thiếu buồm thì “Cha cắt phổi cha làm buồm” và khi thiếu dây thì “Cha dứt tóc cha bện dây”. Những đứa con sẽ ngủ trong “ngôi nhà hai mái của ông nội”, “ngọn lửa thiêng từ triệu triệu năm sẽ tự thức dậy” “nấu nồi cơm nếp hoa vàng” cho những đứa con “đơm vào mo cau cổ tích” mang ra bến sông nơi “con bống bạc” của tuổi thơ người cha đã nổi lên, “con bống vàng” nửa đời người cha ngóng đợi đã quẫy đuôi, và “con bống đen” sẽ trở về với “hai con mắt sáng hai vầng Nhật, Nguyệt” và sẽ “Đẻ cho ban mai một dải trứng hồng”… Tóm lại, tất cả, tất cả những hình ảnh lấp lánh đó, người cha thi sĩ muốn nói với hai đứa con yêu rằng, dù cái thế giới đầy bất trắc này có thế nào thì quê hương, nguồn cội, chính là nơi duy nhất tiếp cho chúng ta sức mạnh để sống, để mơ ước.
Thấm thoắt đã tròn hai thập kỷ trôi qua, ngày tôi biết đến Nguyễn Quang Thiều qua tập thơ “Sự mất ngủ của lửa”, tập thơ được giải của Hội Nhà Văn Việt Nam. Ngày ấy cũng là những ngày trong tôi tràn đầy nhiệt huyết, đầy ước mơ, sau giai đoạn đầu đầy lưỡng lự và do dự giữa công việc nghiên cứu ở một viện dược và sự sáng tác văn chương. Nhưng rồi Chế Lan Viên, tôi lại buộc phải nhắc đến ông vì nếu không được gặp ông, không được ông quan tâm có lẽ tôi không viết, bởi công việc nghiên cứu thiết thực hơn và nó cũng đòi hỏi tôi phải dốc toàn tâm, toàn sức cho nó. Sau Chế Lan Viên, người lôi kéo tôi dấn sâu vào văn chương hơn nữa lại là chính Nguyễn Quang Thiều. Tôi sáng tác vốn tùy hứng, chính vì Nguyễn Quang Thiều làm biên tập ở Báo Văn Nghệ thỉnh thoảng giục tôi gởi bài nên tôi mới viết.
Ngày ấy tên tuổi Nguyễn Quang Thiều đã vang như sấm rền, thơ anh xuất hiện thực sự làm lung lay khuôn mẫu thẩm mỹ quen thuộc, khiến những tác giả làm theo khuôn mẫu đó, mà phần lớn đã thành danh, dị ứng, cho thơ anh là “lai căng”, “tây giả cầy”, “thơ dịch xổi”. Thêm nữa, anh còn bồi thêm “một đòn thương mến” khi tuyên bố đại ý, thơ ca nước ta cần phải vượt qua “vũng bùn tiểu nông” làm bao “ông giời con” “những cái rốn vũ trụ” điên tiết, lồng lộn. Cái phát ngôn kia quả có hơi cực đoan nhưng tiếc thay nó lại đúng. Mà xã hội Việt Nam, không chỉ thơ ca, mà chúng ta còn phải vượt qua rất nhiều cái “tiểu” khác nữa, như tiểu thương, tiểu thủ công và cả tiểu khoa học công nghệ,… cùng với bao hủ tục manh mún, tủn mủn của cả một nền văn hoá ở một xã hội kém phát triển. Trong những chê bai ồn ào đó, tôi lại chú ý nhiều hơn đến một ông nhà thơ, nhạc sĩ khá nổi tiếng, giờ thì đã chết rồi, chê cái nhan đề tập thơ Sự mất ngủ của lửa là “Tây quá”. Không hiểu do trình độ hay do lòng đố kỵ mà người ta thường sai lầm khi chê bai nhau một cách cảm tính như thế. Bởi Nguyễn Đình Thi cũng có một thao tác ngôn ngữ y hệt Nguyễn Quang Thiều, mà viết trước Nguyễn Quang Thiều cả mấy chục năm, thì chẳng thấy ai cho là lai Tây cả, ngược lại, lại tôn vinh là những câu thơ hay nhất không chỉ của riêng Nguyễn Đình Thi mà của cả nền thơ Việt Nam:
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Nguyễn Đình Thi có quyền viết “cánh đồng chảy máu”, còn Nguyễn Quang Thiều không có quyền viết “sự mất ngủ của lửa” sao? Với thơ, công cụ quan trọng nhất làm cho nó hàm súc chính là trí tưởng tượng, không có trí tưởng tượng các nhà thơ sẽ chỉ mô tả được cái vỏ hình ảnh giống nhau của đời sống. Mà cái thao tác để biểu đạt trí tưởng tượng ấy chính là tri thức ngôn ngữ, như những phép ẩn dụ, phúng dụ, hoán dụ, đề dụ v.v… Những nhà thơ vì có năng khiếu nên có khi chẳng cần học, chẳng cần biết về chúng vẫn sử dụng một cách hoàn toàn tự nhiên. Nếu hiểu “Sự mất ngủ của lửa” theo ngôn ngữ giao tiếp sẽ thấy vô nghĩa, còn hiểu nó là một hình ảnh ẩn dụ thì sẽ thấy phải có một trí tưởng tượng phong phú đến như thế nào, sự lao tâm khổ tứ đến như thế nào mới có thể nghĩ ra được một hình ảnh lung linh và có sức gợi như thế. Như tôi đã viết vài lần ở đâu đó, nếu nói cụ thể về một điều gì đó thì người đọc chỉ hiểu về điều đó, còn nói một cách tượng trưng, tức chỉ gợi mở thôi, sẽ tạo ra sự liên tưởng nhiều chiều. Ngọn lửa đời thường thì không thể mất ngủ được rồi, chỉ nấu cơm được thôi, còn “ngọn lửa” trong thơ Nguyễn Quang Thiều là ngọn lửa của tình yêu, ngọn lửa của lương tri, sự “mất ngủ” chính là sự thao thức, sự trăn trở nghĩ suy về toàn bộ đời sống con người. Và thật thú vị, nếu ta đã đọc và đồng cảm được với thơ anh, ta sẽ nhận ra Sự mất ngủ của lửa chính là tuyên ngôn về thơ của Nguyễn Quang Thiều, và toàn bộ thơ ca của anh, cả hình thức lẫn nội dung, đều viết theo cái tinh thần đó.
Về hình thức, ngôn ngữ của anh là ngôn ngữ ký hiệu, chúng vừa biểu đạt ý nghĩa thông thường vừa gợi mở nhiều liên tưởng tùy theo cấu trúc bài thơ. Khi bàn về ngôn ngữ thơ,Reverdy viết: “Đặc tính của hình ảnh gợi cảm mạnh mẽ là xuất hiện từ chỗ ngẫu nhiên tương cận của hai sự thực rất xa nhau, mà chỉ tinh thần mới thấy mối liên hệ”. Có điều khi nói một cách nửa chừng, không cụ thể như vậy, tất sẽ dẫn đến chuyện khó hiểu. Về cái sự khó hiểu này Bellay nói: “Tôi không lấy làm lạ nếu có nhiều kẻ chẳng thấy thơ nào hay, trừ những bài họ hiểu”. Còn Mallarmé cho: “Câu thơ phải bao hàm dụng ý, tất cả lời lẽ phải khuất sau cảm giác”. Perse thì giải thích : “Sự tối nghĩa của thơ, mà người ta chê trách, không do bản chất thơ vì thơ vốn soi sáng, nhưng do bóng đen mù mịt như đêm mà thơ phải thăm dò”. (dẫn theo cuốn : “Những bậc thầy văn chương thế giới tư tưởng và quan niệm, Lê Huy Hòa, Nguyễn Văn Bình soạn, Nhà xuất bản Văn học, 1995).
Trước một văn bản có tính phúng dụ, người đọc không bao giờ hiểu hết được sự ám chỉ của tác giả, ngược lại người đọc cũng có thể liên tưởng tới những điều mà chính tác giả cũng  không ngờ tới. Nhiều văn bản thơ hiện đại, chính tác giả cũng không thể giải thích được chi tiết mình viết câu này câu kia là có ý nghĩa gì, cũng như trước những bức tranh hiện đại, những bản giao hưởng, các hoạ sĩ và các nhạc sĩ cũng không thể giải thích chi li được. Lúc đó ta chỉ có thể cảm nhận bằng ấn tượng, bằng cảm xúc từ hiệu ứng tổng hợp của tác phẩm. Cũng như ta thấy một một bông hoa đẹp mà không cần phải hiểu nó nở theo một ý nghĩa nào, ta ăn một món thấy ngon mà không cần phải hiểu nó chứa tư tưởng nào. Nếu hiểu được như vậy thì đọc thơ Nguyễn Quang Thiều chẳng có gì là khó hiểu cả.
Chính từ thi pháp đó, Nguyễn Quang Thiều đã làm ra những bài thơ mà gần như toàn bộ, dù viết về điều gì, cũng chất chứa sự trăn trở, sự thao thức, tức “sự mất ngủ” của một hồn thơ trĩu nặng những suy tư.
Chúng ta đã và đang sống trong một thế giới đầy tham lam và bạo tàn. Đất nước bé nhỏ và yếu đuối của chúng ta từng là nạn nhân của cái lòng tham đó, khi những nước lớn từng coi dân ta như một lũ man di và tổ quốc ta như một bãi hoang. Trong quá trình giành lại chủ quyền vô cùng gian khó, chúng ta buộc phải nhờ vả, liên minh liên kết. Mục đích lớn nhất là chủ quyền chúng ta đã đòi lại được nhưng chúng ta buộc phải trả giá, và oái oăm nhất trong đó chính là việc chúng ta lại trở thành nạn nhân của chính chúng ta bởi những cố chấp, những thù hận; bởi sự nô lệ cho những ý thức xơ cứng, mòn cũ. Chúng ta từng phải trải qua những thảm họa, mà sát sườn nhất, cấp thiết nhất chính là cái đói, bởi chúng ta đã tự giam nhau trong ao ngòi tù đọng, quanh quẩn, vô vọng.
Trong bài Những người đàn bà gánh nước sông, Nguyễn Quang Thiều viết:
Những ngón chân xương xẩu, móng dài và đen toẽ ra
như móng chân gà mái
Đã năm năm, mười lăm năm, ba mươi năm và
 nửa đời tôi nhìn thấy
Những người đàn bà xuống gánh nước sông
Những người đàn ông mang cần câu và cơn mơ
biển ra khỏi nhà lặng lẽ
Những con cá thiêng quay mặt khóc…
Trước những lưỡi câu ngơ ngác lộ mồi
Bài Trên đại lộ:
Những người đàn bà vác dậm đi thành một hàng dọc
về phía bên phải sát mép đại lộ
Người họ bọc kín bởi những lớp vải nâu và đen
Họ lặng lẽ đi như một đội quân thất trận
Cán dậm chúi xuống mặt đường – Những
 nòng súng hết đạn
Họ đến từ đâu và sẽ đi đâu
Với mùi tanh cua ốc tỏa quanh người
Bài “Bầy chó của tôi”, bài mà một lần gặp Nhà văn Nguyễn Bản, tác giả của truyện ngắn Ánh trăng nổi tiếng, trong một lúc bàn luận văn chương thế nào đó, tôi đã hứng chí đọc cho ông nghe. Ông bảo, khiếp thật, bài thơ có mấy câu mà nội dung còn lớn hơn nhiều cuốn tiểu thuyết rỗng, không có tư tưởng. Thế giới hiện đại, có người có tài sản bằng cả một quốc gia, nhưng vẫn có nơi người ta phải lấy bùn làm bánh ăn. Việc kiếm sống vẫn mãi còn là công việc nặng nhọc của số đông con người trên trái đất này. Hình ảnh những con chó kiếm ăn chính là sự biểu đạt của Nguyễn Quang Thiều về cái nỗi thống khổ, lam lũ mang tính nhân loại đó:
Bầy chó gầy bẩn thỉu ốm đau
Ngày lùng sục kiếm ăn
Liếm cả vào lưỡi dao sắc ngọt
Lưỡi bị cứa máu trào ra ở  đó
Con đến sau lại liếm máu bầy mình
Để tránh sụp đổ, tan vỡ, cần phải thay đổi, mà ngôn từ chính trị gọi là đổi mới. Và thực tế chúng ta đã đổi mới và đã đạt được những thành quả tuyệt vời, dù rằng, để theo kịp những nước phát triển, chúng ta còn phải thay đổi nhiều nữa. Nhưng như mọi quá trình chuyển động, sự chuyển động vượt qua chính bản thân mình thường rất khó khăn. Bằng thơ, Nguyễn Quang Thiều cũng đã biểu đạt cái quá trình đó. Trong bài Cái đẹp, Nguyễn Quang Thiều đã dựng lên một hành trình nặng nhọc không biết đâu là đích trong rét buốt, trong gió lộng, của một người đàn ông đẩy một chiếc xe bò chở một người đàn bà đẹp trên một thùng xe có đống đá, chiếc xe đi quá chậm, người đàn bà phải che bớt khuôn mặt lại. Trong bài Chuyển động, Nguyễn Quang Thiều mô tả một bầy ốc sên, dưới “Ánh trăng im phắc”, “Những bầy ốc sên bò qua giấc ngủ của cỏ”, “Chúng miết những tấm thân mềm qua những mảnh chai vỡ sắc lạnh”, “Chúng đang rời bỏ quê hương mình hay đi tìm lại quê hương”. Đọc những câu thơ tả những những con ốc sên bé nhỏ bò qua biên giới của khu vườn như vậy, tôi lại thấy hiện ra hành trình hội nhập với thế giới của đất nước ta. Và như sự xếp đặt của số phận, Nguyễn Quang Thiều đã được đào tạo chuyên về tiếng Anh, rồi bằng thơ ca, anh đã đến với thế giới và như là một trong những sứ giả của quá trình hội nhập đó. Cụ thể, anh đã góp công vào quá trình làm cho những người từng là cựu thù hiểu biết, rồi yêu mến con người và đất nước chúng ta. Trong đó có Kenvin Bowen, một nhà thơ Mỹ, từng tham chiến ở Việt Nam, đã trở thành người bạn thân thiết của Nguyễn Quang Thiều. Trong bài Phác thảo Kenvin Bowen, Nguyễn Quang Thiều đã vẽ chân dung ông,  một người “Từng đi qua cái chết, từng nhẫn nại yêu một dân tộc xa lạ”, rồi ông trở thành “cột mốc trên đường biên giới của bóng tối và ánh sáng”, để rồi dẫn mọi người đến “Trước một hừng đông của hiểu biết và thân thiện”.
Trong quá trình hội nhập đó, Nguyễn Quang Thiều cũng đã đến với thơ của Joseph Brodsky, một nhà thơ Mỹ gốc Nga, đoạt giải Nobel 1987, người mà Nguyễn Quang Thiều rất kính phục và ít nhiều có ảnh hưởng bởi thơ ông. Ông có một số phận kỳ lạ, sinh ra ở một đất nước có một nền văn hóa vĩ đại, đất nước của Levitan, của Pushkin, Dostoyevsky,  Lev Tolstoy nhưng dưới thời Khrushchov, ông lại bị kết tội là “ăn bám xã hội” vì làm thơ, buộc phải rời bỏ tổ quốc. Ông cho rằng mình bị như vậy bởi “những kẻ độc tài luôn thù địch với những giá trị cao cả, rắp tâm biến con người thành những số không nhỏ bé”. Trong một bài tưởng nhớ ông, Nguyễn Quang Thiều đã viết:
Người đã an ủi giấc ngủ nặng xiềng xích những tư tưởng
Nhân loại giờ đây còn mang nặng xiềng xích ấy hơn
Nhưng giấc mơ hão huyền còn khủng khiếp hơn tất cả
Nó biến bao đồng loại chúng ta thành xác chết dối lừa
Phải chăng chính từ số phận của Brodsky, mà Nguyễn Quang Thiều thấy rằng sứ mệnh nhà thơ là “cõng trên lưng tảng đá khổng lồ của sự đày đọa để được kêu vang tự do”. Nguyễn Quang Thiều thấy, khi thế giới còn bị ngự trị bởi lòng tham thì cái ác, sự phi lý luôn sinh sôi, những nhà thơ thật bất lực, thật yếu đuối như “những xác chết tươi”, “những thân sống đang tằn tiện thở”. Khi ấy nhà thơ muốn làm Hoa tiêucần phải giả thành người mù vì trong một xã hội những kẻ sống bằng bóng tối luôn rình rập, ngăn cản. Trong diễn từ nhận giải Nobel, Brodsky cho rằng: “Thức ăn không thể thiếu được của văn chương chính là sự phong phú đa dạng và những mặt xấu của cuộc đời”. Trong thơ Nguyễn Quang Thiều quả đúng như vậy. Đây là những hình ảnh của sự cằn cỗi hóa không gian chúng ta đang sống:
Tôi đi qua những kẻ sát nhân đang bắn vào hơi thở
Không nhìn thấy nhà tù nào mà mỗi ngày tôi mất đi một cỏ
Không nghe tiếng súng nào mà ngực cỏ vỡ đêm đêm
Chiều nay trên đại lộ bê tông xuyên vào thế giới cuối cùng của cỏ
Một con ngựa trắng đi cúi mặt, rũ bờm
Cỗ xe tang chở cái chết của màu xanh với hai
cánh mũi lên cơn sốt rát bỏng
Và tất cả những vệt cơ đang rung lên tiếng hí gọi hồn
Đọc Hội giả trang, bất cứ ai có lương tri cũng sẽ rất e ngại khi Nguyễn Quang Thiều chỉ ra một thực trạng mà sự dối trá lại đoàng hoàng ngự trị, không cần phải ẩn nấp trong bóng tối, mà tai quái thay, chính ánh sáng lại là thứ ngụy trang tốt nhất: “tất cả ngọn đèn tỏa sáng” trong “ngày hội của những tay phù thủy cao tay”, nhưng người ta thật khó chỉ ra bản chất của chúng, khi chúng “giả trang bằng chính mặt mình”.
Trong Hồi tưởng, một bài thơ dài, tôi đặc biệt thích khúc Hồi tưởng tháng 9, Nguyễn Quang Thiều vẽ lên khung cảnh một buổi sáng sương mù dày đặc:
Chúng ta không thể tìm được dấu vết quen thuộc
Của thành phố trong buổi sáng mù sương
Trong sương mù cất lên một giọng nói
Một giọng nói khác và một giọng khác nữa
Hoảng hốt hỏi nhau về con đường vẫn thường đi
Nhưng chúng ta là những người mù trong buổi sáng ấy
Trong lúc chúng ta loay hoay và nguyền rủa thời tiết
Người đàn ông mù thong thả bước đi giữa hai hàng cây
Chúng ta cố ngước mắt kiếm tìm dấu vết
Và lạc ngay trước cửa ngõ nhà mình
Nếu đọc lướt ta sẽ chỉ thấy đó chỉ là một cách sắp xếp  nghịch đảo ngồ ngộ, nhưng nếu chịu suy ngẫm, hiểu những ý nghĩa phúng dụ của bài thơ, ta sẽ thấy những hình ảnh trên gợi mở nhiều điều. Trong triết học, khái niệm tha hóa chỉ rằng, con người thường trở thành nô lệ cho những điều chính mình tạo ra. Con người thường suy nghĩ và hành động theo thói quen, mà thói quen ấy lại được hình thành trong chính cuộc sống của chúng ta, với những tập tục, lề thói và cả “ánh sáng” của những tín điều tôn giáo và ý thức hệ chính trị. Nhưng thực tiễn cuộc sống đã chỉ ra, không có gì là hoàn toàn đúng cả, cả những giáo lý, cả những chủ nghĩa, nên khi những “ánh sáng” đó không còn khả năng dẫn đường nữa, thì những người lệ thuộc sẽ bị mất phương hướng. Lúc đó, chỉ có những người có khả năng suy nghĩ độc lập, không bị cuốn theo cái tâm lý bầy đàn sẽ không bị lầm lạc, như những người mù không cần ánh sáng chỉ đường mà đi được bằng khả năng riêng của họ.
Đọc bài này, tôi chợt nhớ đến bài thơ có 4 câu của tôi: 
NHỮNG CÁI XÁC
Những cánh hoa sặc sỡ
Nằm sõng soài trên thảm cỏ biếc
Con ba tuổi ngây thơ
Say sưa cóp nhặt
Đây là những hình ảnh thực mà tôi ghi lại đã hơn 20 năm rồi, khi gia đình tôi đi chơi ở vườn Chùa Vĩnh Nghiêm năm 1988, đứa con trai của tôi mới có 3 tuổi. Khi thấy nó nó cứ lăng xăng nhặt những cánh hoa rơi chất đống lại, tôi thấy hay hay, cái hình ảnh đó có thể chuyển tải được một tứ thơ gợi mở nhiều điều. Thế là trong ý nghĩ của mình, chỉ mấy giây thôi, tôi đã làm xong bài thơ. Trong cuộc sống có rất nhiều cái thực chất chỉ là những xác chết nhưng nó lại lấp lánh, mà loài người phần đông cũng ngây thơ như đứa trẻ lên ba thôi, luôn nâng niu cất giữ những xác chết chỉ vì cái lấp lánh đó. Viết xong, tôi e ngại, cái chính là người đọc phải hiểu những hàm ý, mà thực tế thì có mấy ai chịu hiểu? Rồi thật thú vị ở chỗ, tôi bị bất ngờ là người hiểu và thích cái bài này lại chính là Nguyễn Quang Thiều. Mà làm thơ cho một nhà thơ có công lực cỡ Nguyễn Quang Thiều thích đâu phải dễ. Khi đăng cho tôi trên Báo Văn Nghệ, anh gọi điện báo và còn nói: “Bài này ông hay hơn Chế Lan Viên rồi” rồi còn tán cả hàng chục phút. Với Chế Lan Viên, tôi luôn coi ông là cha tinh thần của mình, nên không thích thú chuyện so sánh trên, mà chỉ kinh ngạc về trí thông minh của Nguyễn Quang Thiều, khi Thiều đã lột truồng mọi ý tứ của tôi trong bài thơ có 4 câu trên. Và có lẽ vì thế tôi luôn coi Thiều là bạn tri kỷ của mình. Rõ ràng bài thơ của tôi và bài của Nguyễn Quang Thiều vừa dẫn ở trên hoàn khác nhau, chỉ giống nhau ở cách viết gợi mở, dành cho người đọc quyền tự do cảm nhận theo cách riêng của mỗi người. Có điều, sự liên tưởng phải căn cứ vào văn bản chứ không thể tùy tiện được, nếu không chẳng còn gì là chuẩn của hay dở nữa. Trong thực tiễn sáng tác có những bài thơ khó hiểu, nếu chịu khó tìm hiểu thì sẽ thấy chúng chất chứa rất nhiều điều để hiểu, đó là thơ của những nhà thơ có tư tưởng; trái lại cũng có những bài khó hiểu chỉ vì không có gì để hiểu cả.
Cũng theo cách của Hồi tưởng tháng 9 trên, bài Bài ca những con chim đêm, Nguyễn Quang Thiều đã vẽ nên một bức tranh, không một cuộn phim thì đúng hơn:
Trong khung cảnh “con tầu nhỏ ngủ im lìm trên bến”, “thiêm thiếp những quả đồi”, “buồn bã lời thở than của cây”; “chợt vọng trong đêm”, “tiếng con chim đêm đập cánh và vọng xuống rền rĩ”, đã thức tỉnh tất cả. Tác giả như lần đầu thấy lại tuổi thơ, ngôi nhà mình, thấy “cơn mơ mình đang đi trên đường”, thấy “quả đồi cựa mình”, “những đám mây tha phương đã trở về”, thấy trở về tất cả những linh hồn những người thân yêu, linh hồn của cả những con vật, cây cối, thấy thức dậy cả lịch sử. Khi mở cửa, tác giả thấy “phía trời xa, một ngôi sao sáng”, rồi chợt nhận ra “cái cây còi cọc trên ban công lần đầu trổ hoa lóng lánh”, thấy “người đàn ông đói nghèo chờ chết và con bò chờ bị chọc tiết” đứng dậy trở lại với cánh đồng, nơi “những lưỡi cày mai táng từ lâu trong đất đai cằn cỗi” cũng đã thức dậy chờ đợi. Lúc đó, tác giả “ngước nhìn lên và thấy con đường”, một “Người đàn bà câm mang thai, bỗng đẹp lên như một thiên thần, lặng lẽ bước đi”, qua “những ngôn từ nguyền rủa”, qua “Những ngôn từ khiếp nhược và lừa dối ngày ngày trên đầu lưỡi chúng ta”; lúc đó, tất cả:
… đều nghe thấy trong ánh sáng ngôi sao rực rỡ
Trong tiếng bầy chim đêm đêm vang vang những tiếng chuông vàng
 Giọng nói của đứa bé  trong bụng người đàn bà câm cất lên rền rĩ
MẸ HÃY MANG CON LÊN ĐỈNH ĐỒI
Chính lúc này, nhanh hơn tiếng sấm, nhanh hơn cả tia chớp,
                                                 chúng ta nhìn thấy
Con đường và số phận dân tộc chúng ta từ một đỉnh đồi
Giống như người mù có thể nhìn rõ, đi đúng được đường trong thứ ánh sáng dối trá của Hồi tưởng tháng 9, thì trong bài Bài ca những con chim đêm này, trong ồn ã những “ngôn từ khiếp nhược và lừa dối” chỉ người đàn bà bị câm mới có thể mang thai và sinh ra được đứa bé cất lên được tiếng nói, chỉ ra con đường đến với hạnh phúc đích thực.
Bài Cây ánh sáng là bài Nguyễn Quang Thiều dùng để kết tuyển tập thơ dầy đến 370 trang, bài thơ là một sự bộc bạch đầy dằn vặt về sự phân thân của một thi sĩ, một bên là bóng tối, gánh nặng của thân xác với những nhu cầu trần tục; một bên là ánh sáng, tâm hồn của một thi sĩ trong không gian của chân, thiện, mỹ. Khi cuộc chiến giữa dục vọng và ước mơ không phân thắng bại, người thi sĩ đã phải tìm đến Chúa, biểu tượng của lòng nhân ái và đức hy sinh:
Hãy để những giọt máu chảy từ hai bàn tay bị   
đóng đinh của Người rửa sạch tâm hồn con
Để ánh sáng của Người xua tan trong lòng con
bóng tối của khiếp sợ, của tội lỗi, của tuyệt vọng
Và người thi sĩ đã vượt qua được cám dỗ:
Nếu con uống ly rượu vang đen kia trái tim con sẽ bị đóng băng
Nhưng con đã không uống dù cơn khát từng làm con mê sảng…
Khi ấy “Trên cánh đồng bất tận của thế gian một lễ hội ánh sáng bắt đầu”, hai nửa phân thân của chàng thi sĩ đã nhập thành một và “chàng chỉ thấy hoa nở trên cánh đồng bất tận”, rồi “dù chàng là côn trùng, là con sói cô đơn, là đại bàng, là lạc đà, là quỉ dữ…”, “Thì tất cả đều đến được miền đất ngập tràn ánh sáng”, “Trong một ánh sáng ấy, một âm nhạc ấy, một ngôn ngữ ấy, một bầu trời ấy”, “Người đã biến chàng trở thành một chiếc lá nhỏ không bao giờ tàn úa trên cành của tán lá ban mai kỳ vĩ trong vũ trụ ngập tràn”.
Tôi cũng là người làm thơ và tôi viết phê bình xuất phát từ cách làm thơ của mình, cộng với sự hiểu biết chung về thơ mà tôi đã dày công tích lũy để đi tranh luận với thiên hạ. Tôi cũng có sở thích riêng, cá tính riêng, nên không phải cái gì Nguyễn Quang Thiều viết ra tôi cũng thích. Cả Chế Lan Viên mà tôi đã coi như cha tinh thần của mình tôi cũng chỉ thích một phần thơ ông mà thôi. Có điều với tư cách cá nhân, người ta hoàn toàn có quyền yêu thích theo cảm tính, nhưng đã viết phê bình trên giấy trắng mực đen, nhà phê bình có lương tri buộc phải khách quan và công tâm. Lập luận của cá nhân dựa trên nền tảng tri thức đúng sẽ đúng, còn sở thích của riêng cá nhân đó thì chưa chắc. Như một người Bắc không thể chê món ăn miền Nam cho đường vào là không ngon, vì nó không ngon chỉ với riêng anh ta mà thôi. Cũng như người thích hoa lan không thể chê hoa hồng là xấu. Thật tiếc trên diễn đàn văn chương nước ta đã có quá nhiều lối phê bình cảm tính. Họ tùy tiện khen chê theo ý mình. Và thật tai hại, còn có sự khen chê theo ý đồ, kể cả ý đồ chính trị, để mưu cầu đủ thứ, họ tán dương thổi phồng để dựng lên những ngọn cờ mà nhiều khi những lời tán dương ấy chẳng ăn nhập gì với tác phẩm. Có người coi mình là trung tâm, chê bai tất cả, có điều họ không hiểu rằng không phải cứ to giọng chê người khác là mình tài hơn họ, mà ngược lại, lại bộc lộ sự dốt nát của chính mình. Tôi cũng đã phê phán nhiều người, cả những học giả, nhà khoa học, nhà sáng tác hàng đầu Việt Nam. Nhưng tôi luôn dựa trên nền tảng tri thức chứ không nói bừa, vì tôi cho sự phê bình người khác là có tính pháp lý, chứ không chỉ đơn thuần là sáng tác.
Đặc biệt, tôi thấy Nguyễn Quang Thiều có một tính cách thật đáng quý. Anh luôn kiên định cách viết, anh dấn thân và đi đến cùng trong việc thể hiện cách biểu đạt để thể hiện phong cách riêng của anh; song song đó, anh cũng có một lương tâm rất kiên định. Nói “lương tâm kiên định” có vẻ ngồ ngộ nhưng với một hiện thực có nhiều biến cố và đổi thay của đất nước ta, giới văn nghệ sĩ vốn nhạy cảm, giữ được lương tâm kiên định, để rồi có lương tri kiên định không phải dễ. Thời kháng chiến, ca ngợi Đảng Bác như là một lẽ tất nhiên; còn hôm nay, người có chút cá tính, muốn độc đáo, đa số thường viết văn chương “cấp tiến”, văn chương “tự vấn” vì họ nghĩ như vậy mới là “đổi mới” cơ, còn Nguyễn Quang Thiều, bằng một cách viết thật mới, anh đã viết một bài thơ thật xúc động về Bác Hồ “Người cầu tự”, khi Người lần đầu cập cảng nước Mỹ, trong cái hành trình vĩ đại đi tìm đường cứu nước của Người. Một sinh linh bé nhỏ xa lạ với tất cả và tất cả cũng xa lạ với mình: “Người đi đôi giầy cô đơn của xứ sở mình”, nhưng Người luôn vững bước bởi: “Người đi cầu tự cho tương lai của xứ sở mình”. 
Về Nguyễn Quang Thiều, tôi cũng đã thấy có người thuộc nhóm này nhóm kia, nhất là những “nhà thơ” đầu đường xó chợ nhưng coi mình như rốn vũ trụ, so sánh thơ Nguyễn Quang Thiều kém người này, người kia. Quả thực, nếu coi sự thô tục, bẩn thỉu, sự tối nghĩa, sự chống đối là tiêu chí thì Nguyễn Quang Thiều kém họ thật. Đã có lúc tôi băn khoăn tự hỏi, tại sao lại có những người có gu thẩm mỹ kỳ quái như vậy, cuộc sống là đáng quý, tại sao người ta lại bỏ thời gian, tâm sức theo đuổi một cái việc thực sự là nhăng nhít. Nhưng tôi không còn ngạc nhiên nữa khi liên tưởng đến thế giới động vật, trong khi có những loài thú dũng mãnh chỉ thích ăn thịt tươi như sư tử, hổ, báo, thì vẫn có những loài như linh cẩu, kền kền, sâu bọ v,v… chỉ thích ăn xác thối. Trong bài bàn về Chủ nghĩa Hậu hiện đại, tôi đã viết:
Có quá nhiều sự thô bỉ, bẩn thỉu, nhầy nhụa và hằn học, thậm chí lưu manh, trong văn chương “hậu hiện đại” này… Đã có những nhà phê bình, những trang web mang danh ở xã hội hậu hiện đại văn minh đề cao loại văn chương đó, cố công độc đáo hóa cái lập dị, nghiêm túc hóa cái bông phèng, sâu sắc hóa cái vô nghĩa, cao siêu hóa cái tầm thường, và cuối cùng là nhân bản hóa cái phi nhân tính, bởi đã kỳ công đi phân tích mùi thơm của thối rữa, tô vẽ màu sắc cho rác rưởi; cả hai, cả sự sáng tạo và thẩm định, hoàn toàn có thể nói thực chất chỉ là sự xả rác trí tuệ mà thôi”.
Để kết bài viết đã khái dài nhưng so với thơ của Nguyễn Quang Thiều thì còn rất ngắn này, tôi xin trích mấy câu mà D’Aurevilly đã viết, tất không phải về Nguyễn Quang Thiều nhưng tôi lại thấy rất đúng về anh và về thơ anh : “Ở thời đại cực văn minh này, thơ nào thật là thơ trước hết phải có tính chất cá nhân và đơn độc. Những đại bàng và những mãnh sư thường đi riêng một mình”. 

Mời thư giãn với nhạc phẩm DUYÊN KIẾP ANH EM
của Khánh Đơn, qua tiếng hát Long Hải:
          
*.
ĐÔNG LA (tên thật: Nguyễn Văn Hùng)
Địa chỉ: quận Bình Thạnh, thành phố Sài Gòn
Email: donglasg@gmail.com
.




…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ email: tranchicuong27@yahoo.com.vn gửi ngày 24.10.2016.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.


0 comments:

Đăng nhận xét