TẤT CẢ TÌM
MỘ BẰNG NGOẠI CẢM
ĐỀU LÀ TRÒ
LỪA ĐẢO
*
Liên quan tới việc VTV nêu
những vấn đề về “nhà ngoại cảm” Phan Thị Bích Hằng hoặc báo Thanh
Niên vạch mặt “nhà tâm linh” Nguyễn Thanh Thúy, bạn đọc đã đưa ra nhiều
cách nhìn nhận trái ngược nhau. Điều đáng nói là nhiều bạn đọc đưa ra nhận định
trong lúc chưa biết bản chất của ngoại cảm.
Vậy ngoại cảm và ngoại cảm tìm
mộ là gì? Và khả năng của nó có đáng tin cậy hay không? Tại sao không một nhà
ngoại cảm nào dám thử thách bản thân trong vụ án nhà báo Hoàng Hùng bị đốt,
trong “kỳ án vườn mít” của Lê Bá Mai, hoặc trong vụ thẩm mỹ viện Cát Tường?
Ngoại cảm và tâm linh là gì?(Tác giả: Đỗ Kiên Cường)
Theo quan niệm chính thức trong
lĩnh vực dị thường học, ngoại cảm ESP (Extra-Sensory Perception) là sự cảm nhận
không dùng năm giác quan quen thuộc. Nói cách khác, đó là giác quan thứ sáu.
Ngoại cảm được chia thành bốn phạm trù: Thần giao cách cảm, thấu thị (hoặc thấu
thính), tiên tri và hậu tri.
Thần giao cách cảm (telepathy)
là khả năng đọc ý nghĩ của người khác. Thấu thị hoặc thấu thính (clairvoyance
hoặc clairaudience) là khả năng nhìn xuyên tường hoặc nghe được những âm thanh
mà tai không nghe được. Tiên tri (precognition) là khả năng thấy một sự việc
trước khi nó xẩy ra. Còn hậu tri (retrocognition) là khả năng giải đoán quá
khứ, chẳng hạn biết “kiếp trước” của một người nào đó.
Thuật ngữ tâm linh trong lĩnh
vực dị thường học được chia thành ba nhóm chính: Ngoại cảm (như trên); viễn di
tâm học (psychokinesis), tức sức mạnh tâm trí trên vật chất, như bẻ cong thìa
bằng ý nghĩ; và liên lạc với người chết. Theo tâm linh luận, một quan điểm tôn
giáo - triết học về sự tồn tại sau cái chết, giới đồng cốt là những người có
thể liên lạc với cõi âm.
Chính vì vậy “ngoại cảm tìm mộ”
là cách nói sai. Khi tìm mộ, Phan Thị Bích Hằng và các “nhà ngoại cảm” khác
dùng mọi giác quan để tìm hiểu thông tin, nên đó không phải là ngoại cảm (giác
quan thứ sáu). Chính xác hơn, họ là cô đồng hoặc cậu đồng, tức người có thể
“gọi hồn” hoặc “áp vong”. Có thể làm sang cho họ bằng cách gọi là “nhà tâm
linh”, chứ cách gọi “nhà ngoại cảm” thì hoàn toàn sai lạc so với bản chất của
vấn đề.
Ngoại cảm và tâm linh có thật hay không?
Các hiện tượng tâm linh đã xuất
hiện từ buổi bình minh của loài người, tuy nhiên chỉ đến năm 1882, chúng mới
được nghiên cứu một cách khoa học khi Hội nghiên cứu tâm linh đầu tiên trong
lịch sử ra đời tại Anh. Xuất phát từ những bằng chứng mang tính giai thoại
(trên các phương tiện thông tin đại chúng) rồi đi dần tới các nghiên cứu bài
bản trong phòng thí nghiệm, sau 130 năm nghiên cứu công phu, giới dị thường học
chưa tìm được bất cứ bằng chứng khoa học nào cho thấy các hiện tượng tâm linh
có thật.
Do đó hiện nay giới khoa học
quốc tế hầu như không tiến hành nghiên cứu nữa. Thay vào đó, nhiều cá nhân và
tổ chức treo thưởng lớn cho bất cứ nhà tâm linh nào vượt qua các thử thách quy
chuẩn được cả giới nghiên cứu và giới tâm linh thừa nhận. Chẳng hạn Quỹ Randi
(mang tên nhà ảo thuật James Randi, người chỉ rõ khả năng nhìn cong thìa của
nhà tâm linh lừng danh Geller chỉ là sản phẩm của ảo thuật) treo giải một triệu
đô la Mỹ. Các tổ chức nghi ngờ tại nhiều nước thì treo các giải trị giá 200.000
euro/giải thưởng. Hàng ngàn nhà tâm linh trên khắp thế giới đã thất bại trong
cố gắng trở thành triệu phú nhờ khả năng siêu việt của mình. Nếu có tài năng
thực sự, không những Việt Nam được vinh danh, mà Phan Thị Bích Hằng và giới
“ngoại cảm” nước ta cũng sẽ giầu to!
Linh hồn có thật hay không?
Nói chung Phan Thị Bích Hằng và
các “nhà ngoại cảm” nước ta đều tìm mộ bằng cách “gọi hồn” hoặc “áp vong",
tức nói chuyện với người chết. Vậy người chết có biết nói chuyện hay không? Có
thể đặt ra câu hỏi mang nhiều tính khoa học hơn: Có linh hồn hay không?
Câu trả lời chính thức của khoa
học là không có linh hồn như một tồn tại sau cái chết. Cặp phạm trù cấu trúc -
chức năng trong sinh học khẳng định, một chức năng sống chỉ có thể do một cấu
trúc sinh học đảm nhiệm. Chỉ tim mới bơm được máu đi nuôi cơ thể; chỉ não mới
biết nhận thức, cảm xúc và chỉ đạo hành vi. Mọi đặc trưng tinh thần (cái mà dân
gian gọi là hồn) chỉ có thể được thực thiện trong một bộ não đang sống. Khi
chết, các quá trình sinh học trong não chấm dứt, và các đặc trưng tinh thần
(hồn) cũng chấm dứt theo; giống như máy tính khi mất điện vậy.
Vậy tại sao giới đồng cốt có
thể đưa ra một số thông tin đúng, khiến nhiều người tin “ngoại cảm tìm mộ” có
một phần sự thật? Câu trả lời là họ có thể moi tin từ chính thân chủ nhờ ba kỹ
thuật: Đọc nóng (tìm hiểu thông tin trước khi áp vong); đọc ấm (lấy tin từ thân
chủ qua các ám hiệu thị giác hoặc các quy luật tâm lý - xã hội thông thường;
chẳng hạn thấy vết mờ trên ngón tay đeo nhẫn thì nói thân chủ trục trặc hôn
nhân); và đọc nguội, tức đọc ngôn ngữ cơ thể qua hiệu ứng Hans thông minh (ngựa
Hans tại Berlin đầu thế kỷ 20 biết làm toán, đọc đúng tên tổng thống Mỹ… nhờ
đọc ngôn ngữ cơ thể người đối diện). Tuy nhiên Phan Thị Bích Hằng, Nguyễn Thanh
Thúy và giới “ngoại cảm” nước ta thì không cần làm chủ cả ba kỹ thuật đó mà vẫn
được tin tưởng. Đó là do “chúng ta muốn tin”, một bản năng gốc của con người.
Bản chất sinh học của sự mê tín
Đã từng xuất hồn và sau bốn
mươi năm nghiên cứu các hiện tượng xuất hồn hay thoát xác, nhà tâm lý Susan
Blackmore và giới khoa học hoàn toàn bất lực trong việc thuyết phục mọi người
rằng, các hiện tượng tâm linh không có thật. Và bà đã phải đưa ra định luật
Blackmore thứ nhất vào năm 2004: “Niềm tin của con người vào các hiện tượng dị
thường lớn hơn mọi chứng cớ phản bác”! Nói cách khác, chúng ta có xu hướng tin
tưởng một cách thiếu phê phán đối với các hiện tượng như linh hồn, thần thánh
hoặc ma quỷ.
Và giới khoa học đã đưa ra
nhiều cách giải thích cho sự mê tín của con người. Thật kỳ lạ khi giới
khoa học nhận thấy, mê tín là một hành vi được chọn lọc tư nhiên ưu ái, và
người mê tín có sức khỏe thể chất và tinh thần tốt hơn người không mê tín.
Trước mọi khó khăn trong cuộc sống, người mê tín có thể kêu gọi sự trợ giúp của
thánh thần hoặc ma quỷ; trong khi người không mê tín phải tự mình đối diện (Lời
xưng tội khi đi nhà thờ hoặc lời cầu Phật khi tụng kinh có tác dụng chẳng kém
gì các buổi tham vấn hoặc trị liệu tâm lý hiện đại!). Nói cách khác, chúng
ta tiến hóa để tin các hiện tượng dị thường có thật; và trên quan điểm
sinh học, con người là một loài động vật mê tín!
Thử nghiệm bà Phan Thị Bích Hằng và giới “ngoại cảm” như
thế nào?
Do linh hồn không có thật nên
Phan Thị Bích Hằng và toàn bộ giới tâm linh nước ta đều lừa đảo khi tuyên bố có
thể tìm mộ liệt sỹ bằng cách “nói chuyện với người chết”. Vậy có thể thử nghiệm
khả năng của họ như thế nào?
Cách đơn giản nhất là tạo một
nhân thân giả và đề nghị giới tâm linh đi tìm mộ. Đây là cách đơn giản nhưng
hiệu quả để nhận ra chân tướng kẻ lừa đảo. Cô đồng Phương tại Thanh Hóa từng bị
một phóng viên báo Công an TP Hồ Chí Minh vạch mặt bằng cách này. Năm 2007,
phóng viên chuyên trang Vietimes của Vietnamnet đã “bịa” ra một nhân thân liệt
sỹ. Và sau sáu ngày tìm kiếm vất vả, một ngôi mộ đã được một nhà “ngoại cảm”
tìm ra (!).
Bạn đọc cũng có thể thử thách
bằng cách nhờ “nhà tâm linh” tìm ngôi mộ tại nghĩa trang làng (với điều kiện
các ngôi mộ đề không có tên). Cần lưu ý không nhờ người biết vị trí ngôi mộ dẫn
đường để tránh hiệu ứng Hans thông minh.
Bài bản nhất là đưa một bộ hài
cốt đã xác định danh tính bằng ADN vào một trong mười quan tài giống nhau và
yêu cầu “nhà ngoại cảm” tìm quan tài có cốt. Lưu ý không để người đặt cốt xuất
hiện trong cuộc khảo nghiệm để tránh hiệu ứng Hans thông minh.
Điều gì sẽ xẩy ra nếu Phan Thị
Bích Hằng hoặc Nguyễn Thanh Thúy nhận được một yêu cầu như vậy? Chắc chắn họ sẽ
từ chối với lý do chúng ta không tin. Mà không tin thì vong thăng, làm sao mà
áp vong được! Đó là lối thoát vạn năng của giới tâm linh hoặc bói toán mỗi khi
lâm vào thế bí. Điều đáng nói là một số nhà khoa học cũng quan niệm chúng ta
phải tin thì giới tâm linh mới thành công, không tin thì họ thất bại. Nếu một
sự kiện chỉ xẩy ra khi chúng ta tin, và không xẩy ra khi chúng ta không tin;
thì đó chỉ là hình ảnh chủ quan trong tâm trí của những người đã trót đặt niềm
tin vào sự kiện đó mà thôi.
Với tư cách một nhà khoa học đã
hơn ba mươi năm nghiên cứu các hiện tượng tâm linh, tôi xin khẳng định rằng,
toàn bộ giới “ngoại cảm tìm mộ” đều là những kẻ lừa gạt. Và tôi sẽ xin lỗi và
rút lại kết luận đó khi Phan Thị Bích Hằng, Nguyễn Thanh Thúy hoặc bất cứ nhà
ngoại cảm nào tìm ra sự thật trong vụ án nhà báo Hoàng Hùng của báo Người lao
động bị đốt, trong kỳ án vườn mít của Lê Bá Mai tại Bình Phước, trong vụ thẩm
mỹ viện Cát Tường hoặc trong nhiều trọng án chưa tìm ra thủ phạm khác.
*.
ĐỖ KIÊN
CƯỜNG
Địa chỉ: Viện Vật lý Y Sinh học, 109A Pasteur,
phường Bến
Nghé, quận I, tp Sài Gòn.
.
........................................................................................
- Cập nhật
từ email: phamchienthang@yahoo.com.vn ngày 29.11.2018.
- Bài viết
không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng
ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại..
.
0 comments:
Đăng nhận xét