HÒ HẸN THÁNG BA CỦA ÁNH TUYẾT - Tác giả: Nguyễn Xuân Dương (Bắc Ninh)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh" internet)

HÒ HẸN THÁNG BA
CỦA ÁNH TUYẾT
*

Anh một lần hò hẹn với tháng ba
Cành gạo treo đèn lồng nhắc nhớ
Cải đơm ngồng vàng sắc hoa hớn hở
Lúa đương thì mâng mâng đợi mưa

Xoan rắc tương tư tím sân chùa
Ni cô bồn chồn lần tràng hạt
Ai buộc lòng nhau bằng câu hát
Men nếp nồng chạm môi đã say

Đêm dạt dào hương đêm ngất ngây
Đêm con gái yêu chồng hơn hớn
Nôn nao tháng ba mùa nhót chín
Lẽ nào anh lỡ hẹn tháng ba.
*.
ÁNH TUYẾT
LỜI BÌNH:
Tôi đã có một bài viết về thơ Ánh Tuyết in trong tác phẩm Văn chương và phái đẹp của Hội nhà văn với tựa đề Thơ tình của thi sỹ vùng quê lúa Thái Bình. Điều đó để khẳng định thơ của Ánh Tuyết đã và chỉ gắn bó với đồng quê, làng quê. Khi viết về Hà Nội chị cũng chỉ viết về Làng. Đó là bài thơ văn xuôi Làng trong lòng Hà Nội in trong tập Bão tạt ngang mà tôi nghĩ ai được đọc bài thơ này cũng phải ngất ngây và sẽ yêu thêm những làng quê trong lòng Hà Nội.
Đầu tập thơ Còn đang đàn bàTháng ba thương mến và bây giờ lại là Hò hẹn tháng ba. Một cuộc hẹn hò không thành khi tất cả có một tháng ba ở vùng quê đang bừng bừng sức sống thì sự lỡ hẹn ở đây sẽ đẩy nỗi tiếc nuối, nỗi đau lên đến tận cùng. Câu thơ nào ở đây cũng đẹp, cũng gợi lên trong lòng ta một cảm xúc và nỗi khát thèm mạnh mẽ. Tất cả chỉ có thể có ở một vùng quê châu thổ
Anh một lần hò hẹn với tháng ba
Cành gạo treo đèn lồng nhắc nhớ
Cải đơm ngồng vàng sắc hoa hớn hở
Lúa đương thì mâng mâng đợi mưa
Đã có một lời hò hẹn “Tháng ba anh sẽ về”, nhưng bây giờ dù hoa gạo đang thắp đỏ trời những chiếc đèn lông như nhắc em một nỗi nhớ, cho dù cải đã đơm ngồng và những cánh đồng lúa đang mâng mâng đợi mưa. Ta nghĩ gì với hai từ “Mâng mâng” tài hoa và gọi cảm của sự đón đợi - đón đợi đến khát thèm mạnh liệt. Mà sao anh vẫn chưa về. Không hiểu vì vô thức hay vì muốn gửi gắm vào đây một thông điệp mà nhà thơ đưa vào đây hình tượng “Cải đơm ngồng vàng sắc hoa hớn hở”. Đã có câu ca dao:
Trăm hoa đua nở tháng giêng.
Mình em hoa cải nở riêng tháng mười
Có phải là một nghịch lý hay tác giả có dụng ý. Em đang đợi chờ cô đơn hoang hoải như kiếp rau răm cay đắng một đời. Còn anh thì hoa cải cứ vàng lên hớn hở cứ một mình về trời với bao điều tốt đẹp đang đợi chờ anh trên cao xanh vời vợi đó. Tôi cứ võ đoán vì câu thơ đã gợi cho tôi một sự liên tưởng. Khổ thơ đầu chưa nhắc gì về người đang chờ đợi ngoài một từ “Nhớ” có nghĩa em đã ẩn náu trong đó bằng nỗi nhớ. Nhưng đến bây giờ yếu tố con người lại xuất hiện có phần bất ngờ và vẫn mang trong đó một chủ định của nhà thơ khi:
Xoan rắc tương tư tím sân chùa
Ni cô bồn chồn lần tràng hạt
Ai buộc lòng nhau bằng câu hát
Men nếp nồng chạm môi đã say
Nỗi tương tư của hoa xoan không rắc ở đâu mà lại rắc tím sân chùa nơi tôn nghiêm diệt dục. Câu thơ gửi vào đây sự vô vọng như Thị Mầu mà nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh đã viết:
Lửa tình yêu đốt nhầm nơi cửa phật
Để luân hôi lăn theo trái táo chua
Và sao Ni cô lại bồn chồn lần tràng hạt? Có phải trước cái rạo rực, cái mâng mâng của tháng ba dù đã lần tràng hạt quy y vẫn không kìm giữ được nỗi khát khao huống là em khi sức sống hồi xuân đang phập phồng căng ngực áo - hình như nhà thơ đã viết về mình như thế trong bài “Đánh thức than hồng” -thì em không khát khao cho được khi “Men nếp nồng chạm môi đã say”. Tất cả cứ gọi mời, tất cả cứ cám dỗ. Khổ thơ kết lại được đẩy lên cao trào ở đây yếu tố con người hay nói khác đi là nhân chứng của khát vọng đã bộc lộ đến tận cùng. Tôi nghĩ khi viết những câu thơ này lòng nhà thơ đang rạo rực và những hòn than hồng đang ấp ủ qua bao tháng năm khát khao chờ đợi giờ đang bừng bừng bốc lửa
Đêm dạt dào hương đêm ngất ngây
Đêm con gái yêu chồng hơn hớn
Nôn nao tháng ba mùa nhót chín
Lẽ nào anh lỡ hẹn tháng ba
Chờ đợi cả một ngày và bây giờ là đêm những tưởng đêm tối đã khỏa lấp tất cả. Nhưng không đêm về lại càng làm cho em khắc khoải nỗi khát khao, bởi vì đây không phải là đêm của sự lặng câm mà là “Đêm dạt dào hương đêm ngất ngây” và đêm mà nhà thơ đã cảm nhận ở mọi nơi chốn của làng quê trong những căn phòng ấm áp men say đang tồn tại những người con gái hơn hớn yêu chồng. Ôi hai từ hơn hớn thật dân dã nhưng gợi đến cho tất cả sự khát thèm. Thơ Ánh Tuyết thường có những câu vừa tài hoa vừa bạo liệt như thế. Nhưng tại sao bất ngờ nhà thơ lại buông vào đây một câu tưởng như lạc lõng “Nôn nao tháng ba mùa nhót chín”. Phải chăng em muốn được như ai đó,được làm vợ được có con với anh muốn được cảm giác “Em như gái dở đi rình của chua” Những trái nhót chín mọng gọi mời nhưng không hề để lại trong em một cảm giác nào vì thêm một tháng ba nữa và rồi sẽ còn bao nhiêu tháng ba nữa anh lại lỗi hẹn cho đến tận bây giờ. Không “còn lẽ nào” mà đó là sự thật dù tháng ba đang nhắc nhớ đang gọi mời. Tôi như đang nhìn thấy một thiếu phụ với sức sống hồi xuân phập phồng ngực áo đang đứng giữa tháng ba của vùng châu thổ mắt cứ ngước lên những chiếc đèn lồng hoa gạo để nhớ mong chờ đợi một ai đó không về.

       
Mời thư giãn với nhạc phẩm CHẢY ĐI SÔNG ƠI
của Phó Đức Phương, qua tiếng hát Ngọc Tân:
              
*
NGUYỄN XUÂN DƯƠNG
Địa chỉ: Nhà số 7 Đường Thành Cổ,
Phường Vệ An - Thành phố Bắc Ninh
Email: nguyenxuanduong1940@gmail.com
Điện thoại: 037.224.23.92
.                                         


.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 22.10.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 
.

0 comments:

Đăng nhận xét