ĐÔNG LA ĐÔNG HÉT - Tác giả: Chu Mộng Long (Bình Định)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)
ĐÔNG LA ĐÔNG HÉT
* 
Đông La ngày đêm trằn trọc viết bảo vệ chế độ thế mà một khúc xương cũng không được gặm.
(Lời tự thán của Đông La)

(Tác giả Chu Mộng Long)
Ông bạn vong niên ở hàng xóm sáng nay sang nhà uống trà. Trà ngon, nhưng ông không nhấp môi và khen như mọi lần. Ông súc miệng ùng ục và vào ngay cái chuyện đồng chí Đông La Đông Hét thiên tài nào đó đang tự do chửi bới ầm ĩ trên mạng.
Hàng xóm: – Đông La Đông Hét là đồng chí nào mà chửi văng mạng từ Phạm Xuân Nguyên đến những bậc cha chú như Nguyên Ngọc, Nguyễn Huệ Chi, Trần Đình Sử… Kể cả Chu Mộng Long, đồng chí ấy gọi là thằng vô danh tiểu tốtmà cũng chẳng tha. Đọc chưa?
Chu Mộng Long: – Tôi chẳng cao đạo để nói theo cách cao đạo của nhiều trí giả, rằng đọc làm gì thứ ấy, hay bắt chước Phật tổ cho rằng, cứ để đồng chí ấy chửi, chửi người ta không nghe nghĩa là tự nghe, tự chửi. Tôi là người Việt da vàng mũi tẹt, chẳng phải thiên tài, nghe người ta chửi nhau là có thói quen chạy đến xem như xem kịch, huống hồ là người ta đang chửi mình, sao có thể bịt mắt bưng tai?
Có người bảo đồng chí ấy là đại diện tiếng nói của thời đại. Tôi có ý định làm Tuyển tập Đông La giúp cho đồng chí ấy được bất tử. Nhã Thuyên làm luận văn về nhóm Mở Miệng, còn tôi sẽ hướng dẫn cho học viên cao học của tôi làm luận văn về ngôn ngữ phê bình Đông La. Không “bên lề” mà rất “chính thống” đấy chứ?
Hàng xóm: – Sao không thấy ông viết gì để đối thoại với đồng chí ấy? Ông thua hay sợ?
Chu Mộng Long: – Cả hai theo một nghĩa nào đó. Giả dụ ông đi chợ thay vợ, lỡ trả giá thấp bị con mụ hàng thịt nó giương cả dao lẫn thớt lên mắng, ông làm gì nó? Làm gì có đối thoại trong tình huống này, đúng không? Tẩu vi thượng sách!
Vả lại bài của đồng chí Đông La Đông Hét chửi tôi chỉ là chửi đổng, tuyệt nhiên không có chỗ nào liên quan đến học thuật thì làm sao đối thoại?
Người Việt có tính xấu là thù vặt, thù dai, dù chỉ là xích mích nhỏ. Khi nào chữa được căn bệnh này mới có đối thoại đúng nghĩa.
Hàng xóm: – Đồng chí ấy cũng được xem là có tài đấy chứ. Nhiều đấng bậc khen. Kiến thức của đồng chí ấy khá giàu, từ đông chí tây, từ cổ chí kim, từ tự nhiên chí xã hội… Cho nên đồng chí ấy cứ tự tin mà chửi, hết người này đến người khác mà không ai dám lên tiếng cả!
Chu Mộng Long: – Là đồng chí ấy mượn lời người này người kia để tự khen, tự đánh bóng mình thôi, kể cả tận dụng những comment rác mà đồng chí ấy ngộ nhận là đã hết lời khen mình. Xưa nay, thiên tài trong thiên hạ đầy nhưng chưa có ai tự khen mình tài nhất nước, hay gặp ai cũng chửi mạt sát một cách tự do, trừ phi gặp vài hiện tượng có vấn đề về bệnh lí. Ít nhất, đồng chí ấy bị bệnh tự kỉ nặng nên cố tự thổi phồng lên một cách lố bịch. Có thể những lời khen mà đồng chí ấy dẫn ra là có thật, nhưng người ta ác ở chỗ khen cho nó chết. Và sự thực là nó đang nổ như bom. Những người này đã tước đoạt đức tính khiêm tốn cần có của một người có học. Càng đọc tôi càng thấy thương hơn là ghét đồng chí ấy.
Hàng xóm: – Đồng chí Đông La Đông Hét phê bình nhóm Mở Miệng và Nhã Thuyên thô tục, vô văn hóa, nhưng miệng của đồng chí ấy lại phun ra toàn thứ rất bẩn thỉu, đến mức đòi phun cứt vào mồm những bậc đáng hàng cha chú….
(Nhà văn Đông La)
Chu Mộng Long: – Chửi bới bằng những lời lẽ thô tục chưa hẳn đã là vô văn hóa. Tôi đang viết về cái Tục và cái Thiêng trong mỹ học, có bàn đến cái văn hóa chửi và giải thích vì sao khi chửi người ta thường văng tục. Văng tục là một cách giải Thiêng vì bản chất nguyên thủy của cái Tục là Thiêng nhưng bị cấm kị bởi sự đố kị trong quá trình mâu thuẫn, tranh chấp quyền lực giữa Tôn giáo thần quyền và Totem. Còn ranh giới giữa văn hóa và vô văn hóa chỉ có thể xác định ở việc dùng cái Tục như một phương tiện hay mục đích. Khi nó là phương tiện thì nó là văn hóa, còn biến nó thành mục đích thì vô văn hóa. Có thể nôm na thế này: cái đống cứt anh ỉa bậy ra đấy một bãi để thỏa mãn cho cái bụng ức chế của anh là mục đích, còn cái của nợ ấy của anh người ta hốt đi bón cho cây là phương tiện, dù cả hai đều là cứt, nhưng bên này thấp hèn, còn bên kia cao cả. Tương tự, con cu hay cái bướm của loài người từng làm phương tiện biểu trưng cho sự phồn thực thì cái của đó là quý, là văn hóa; còn vác cái của đó đi xỏ bậy, văng bậy với mục đích thỏa mãn dục vọng cá nhân là thành của nợ, là vô văn hóa.
Hàng xóm: - Nhưng trừ những chỗ bị cho là chửi bới thô tục vô văn hóa ra, đồng chí Đông La Đông Hét cũng có tri thức đấy chứ?
Chu Mộng Long: – Người ta khen, đúng hơn là đồng chí ấy tự khen, tự cho là có thừa tri thức để đối thoại với bất cứ ai. Đúng là thừa thật. Hình như nhiều bài viết trên blog của đồng chí ấy có thừa mứa nhiều loại tri thức để khoe mẽ. Tôi chỉ đặt câu hỏi, nếu đồng chí ấy giỏi về tự nhiên sao không theo con đường của khoa học tự nhiên? Đồng chí ấy đưa ra các học thuyết về vật lí cứ như một nhà bác học lỗi lạc, nhưng sao đồng chí ấy không thành một nhà vật lí có danh mà lại chạy sang văn chương? Hay đồng chí ấy thấy văn chương là con đường tắt dễ nổi danh nên đã bỏ chạy sang con đường này ? Sao không dùng tri thức vật lý để lòe những nhà vật lí mà đi lòe nhà văn lâu nay mang tiếng là “mù tịt” tự nhiên?
Học thuyết nào cũng có hệ thống nhất quán của nó. Anh có thể vin/mượn lời của nhiều nhà tư tưởng khác nhau, nhưng trên nền tảng một hệ thống nhất định cho lập luận. Chẳng hạn, tôi vẫn dùng lời của Khổng Tử, Lão Tử, Giê su, Thích Ca, Kant, Hegel… nhưng chỉ lấy cái chung của những tư tưởng lớn, còn nền tảng vẫn là triết học Marx để tạo ra sự nhất quán của tư duy. Còn khi luận chiến mà sẵn sàng chôm chỉa mọi thứ tư tưởng khác nhau, đối lập nhau để tấn công đối phương, chẳng hạn, cần đánh duy vật thì dùng duy tâm, cần đánh duy tâm thì dùng duy vật một cách tráo trở như thế thì là thứ tà môn tả đạo, trước sau gì cũng tẩu hỏa nhập ma, tự quay mũi giáo vào ngực mình!
Hàng xóm: – Có thể gọi đó là lý luận đa chiều, đa nguyên chăng? Đồng chí ấy có thách thức là sẵn sàng đối thoại kia mà?
Chu Mộng Long: – Đa ngôn hay loạn ngôn thì có chứ không phải đa chiều hay đa nguyên nào ở đây. Đa chiều hay đa nguyên nằm ở ý thức tôn trọng những khác biệt. Bản chất của đối thoại là đa chủ thể để đi đến một thế giới đa thanh, các tiếng nói tồn tại bình đẳng khác với độc thoại tráo trở đủ các thứ nhân danh và mượn quyền lực để trấn áp. Trên kia tôi bảo không đối thoại được vì không có sự tôn trọng. Anh muốn người ta đối thoại thì trước hết anh phải biết tôn trọng người khác để anh được tôn trọng. Nếu đồng chí ấy không la hét chửi bới, đe dọa mà nói có lí thì người ta sẵn sàng tiếp thu, bất hợp lí thì người ta tranh luận. Xỉ vả theo kiểu mày tao mi tớ, thằng này con kia, văng đủ loại cứt đái man rợ để phỉ báng, lăng mạ chỉ có thể đi đến ẩu đả, bạo lực. Tóm lại, nếu có thứ lí luận nào ở Đông La Đông Hét thì đó là thứ lí sự chôm chỉa, bạ đâu vơ đó…
Hàng xóm: – Riêng vấn đề văn chương, đồng chí Đông La Đông Hét cũng tự tỏ ra biết tuốt, từ cổ điển đến hiện đại, từ hiện đại đến hậu hiện đại…
Chu Mộng Long: – Người ta không đối thoại, không có nghĩa là người ta dốt hơn đồng chí ấy để đồng chí ấy tự do mang mớ tri thức hổ lốn râu ông nọ cắm cằm bà kia ra lòe. Chỉ nói chủ nghĩa hậu hiện đại thôi, đồng chí ấy đã chôm phần đầu thừa đuôi thẹo của nó rồi chỉa vào đó cho là cái hố rác. Chẳng hạn, đồng chí ấy mượn Lyotard, triết gia hậu hiện đại, để đánh hậu hiện đại mà hí hửng quên rằng đó là phần Lyotard phê phán hiện trạng của hoàn cảnh hậu hiện đại chứ không phải là chủ nghĩa hậu hiện đại với tư cách là một học thuyết. Đã giải trung tâm là để đi đến một thế giới phi tâm, tất cả đều bình đẳng trong mối quan hệ tương tác đa chiều thì cái lí nào, chứng cớ nào bảo Lyotard hay chủ nghĩa hậu hiện đại đã sai khi muốn biến mình thành dòng chính, và nội dung của học thuyết không phải bổ sung, đóng góp, mà là chống phá, lật đổ!” ?  Tôi là người của chủ nghĩa Marx, nhưng không ngu đến mức không nhận ra rằng, cội nguồn sâu xa của chủ nghĩa hậu hiện đại là chống chủ nghĩa thực dân với tư tưởng lấy châu Âu làm trung tâm cùng với sự phân biệt chủng tộc, tất kéo theo chống mọi thứ chuyên chế cường quyền lẫn thần quyền để đi đến Tự do – Dân chủ – Bình đẳng thật sự. Rõ ràng ý niệm chống phá, lật đổ chỉ là một sự ám thị, sợ hãi của những kẻ luôn luôn cho mình là trung tâm với tham vọng khôi phục đế chế – quân chủ phản động. Đồng chí ấy còn chộp lấy cái ý kiến ngớ ngẩn của Vũ Hạnh về cuốn Văn chương lâm nguycủaTzvetan Todorov để minh chứng một cách ngớ ngẩn rằng, chủ nghĩa hậu hiện đại đã bị chính chủ nhân của nó vứt vào hố rác! Nguyên văn lời dẫn lại của Đông La khi lôi kéo đồng minh Vũ Hạnh: Cuốn sách như  một tuyên bố sửa sai, kết thúc một thế kỷ tìm tòi lệch hẳn về hình thức mà phế bỏ nội dung của một phần văn học phương Tây. Thế thì có lý do gì để các nhà giảng dạy đi say sưa truyền bá cái lý thuyết đã bị chính chủ nhân sáng chế ra nó từ bỏ. Tình hình như thế đòi hỏi chúng ta phải có một thái độ khoa học và thái độ chính trị rõ ràng khi tiếp nhận lý thuyết và văn hóa phương Tây. Thật bi hài cho đồng chí Đông La lẫn Vũ Hạnh. Cái cuốn sách của Todorov chưa đầy 90 trang, tác giả viết không phải bằng văn phong học thuật cao siêu gì mà chỉ là văn phong báo chí, tự thuật, kẻ ít học đọc cũng hiểu, thế mà cả Vũ Hạnh lẫn Đông La đều không hiểu. Rõ ràng cuốn sách ra đời như một sự phản tư thuyết cấu trúc mà một thời Todorov đã theo (chứ Todorov chưa bao giờ là chủ nhân sáng chế ra thuyết cấu trúc nhé) để chuyển hướng sang giải cấu trúc, như nhiều nhà cấu trúc luận đương thời đã làm chứ không phủ nhận hậu hiện đại như Đông La hay Vũ Hạnh hiểu. Chủ nghĩa hậu hiện đại dựa trên nền tảng của giải cấu trúc, phá bỏ hệ thống tự trị khép kín để tạo ra một hệ thống mở đa chiều. Dẫn Todorov theo cách chôm chỉa vơ quàng vơ xiên như thế thành gậy ông đập lưng ông, vì chính Todorov đang phủ nhận cái hệ thống toàn trị với hình thức giả tạo độc đoán kia để mở ra, vươn đến “cuộc đối thoại lớn lao giữa con người với nhau” mà Bakhtin đã khái quát thành nguyên lí đối thoại hiện đại [tr.85, Todorov, sđd]. Đúng là bi kịch của phê bình đọc không vỡ chữ hay cố tình xuyên tạc bởi một động cơ đen tối? Bênh vực hay phê phán một học thuyết nào đó là quyền cá nhân nhưng trước hết cần phải nghiên cứu một cách khách quan, trung thực đã. Marx, Engels hô hào cách mạng vô sản, Lenin chủ trương chống thực dân giải phóng thuộc địa đã hàm ý giải trung tâm rồi chứ không đợi đến chủ nghĩa hậu hiện đại. Khác nhau là ở nghĩa giải trung tâm bằng bạo lực hay phi bao lực, thô bạo hay ôn hòa, thay trung tâm này bằng trung tâm khác hay phi tâm hóa để có một thế giới đa dạng tôn trọng mọi sự khác biệt. Tôi nói, các đồng chí bảo vệ chủ nghĩa Marx như thế khác nào tự phá hủy là theo nghĩa này!
Hàng xóm: – Đồng chí Đông La Đông Hét coi nhiều giáo sư, tiến sĩ không ra gì vì đồng chí ấy uyên bác, nhiều công trình có giá trị được các giáo sư tiến sĩ khâm phục?
Chu Mộng Long: – Vừa rồi có một người nộp hồ sơ xin về tổ bộ môn của tôi. Tôi hỏi về chuyên môn của anh ta, tức môn học anh ta sẽ đảm nhiệm ở đại học. Anh nói môn gì anh cũng dạy được. Tôi bảo thế thì anh đến nhầm chỗ rồi. Môn gì cũng dạy được là giáo viên tiểu học, anh ạ! Mà tiểu học hiện nay cũng đang có xu hướng chuyên môn hóa rồi! Phàm cái gì tràn lan đều không còn giá trị, cái gì cũng tỏ ra biết tuốt nghĩa là không biết gì hay biết ở trình độ sơ cấp. Marx nói, hàng hóa với bao bì lòe loẹt thường để che đậy một chất lượng kém cỏi. Cứ xem cái cách đồng chí ấy vừa la hét chửi bới người này người kia “ngu” vừa quảng cáo rùm beng cho tên tuổi và sản phẩm của mình “thiên tài” đủ thấy thực hư cái gọi là “giá trị” của đồng chí ấy.
Hàng xóm: – Có vẻ như Đông La Đông Hét đang được các nhóm quyền lực – quyền lợi tin dùng, nên tự do đến ngông cuồng chửi bới, lăng mạ người khác bất chấp luật pháp!
Chu Mộng Long: – Người ta có thể khởi kiện hình sự về tội làm nhục, tội vu khống theo điều 121, 122 Luật Hình sự, nhưng họ ngại vì biết đâu khi đó tòa lại phán rằng, đồng chí Đông La Đông Hét, hoặc vì quá nhiệt tình, hoặc vì không có năng lực tâm lí để chịu trách nhiệm hình sự thì công toi! Lối viết của Đông La Đông Hét càng ngày càng bộc lộ dục vọng đang muốn được trọng dụng, nếu không phải là túng làm liều, nhưng sự thực là người ta đủ khôn để không tin dùng vì phải cảnh giác về sự tráo trở của một kẻ mang miệng lưỡi tráo trở. Để rồi xem, với lối viết ấy, trước sau gì đồng chí ấy cũng viết bài chửi lại đồng đảng của mình hay kẻ đã lợi dụng mình. Gần như quan hệ Chí Phèo – Bá Kiến vậy!
Hàng xóm: – Ông có dám đăng lại nội dung cuộc trò chuyện này không?
Chu Mộng Long: – Có thể. Nhưng chắc chắn là mang vào người sự rắc rối đấy, ít nhất là chịu khó nghe/xem đồng chí ấy sẽ tốc váy nhảy dựng lên La Hét kiểu gì. Có thể đồng chí ấy sẽ lại dùng ngôn ngữ của loài chó gửi thư cho mọi người rằng Chó điên thân mến hay bảo tôi là Chuột Chù đã cắn nhà phê bình… như đã từng làm. Cứ thử một lần xem sao?
Hàng xóm: – Này, không nói chuyện Đông La Đông Hét nữa. Con Cún nhà tôi mới mua có tính lạ. Ai khen nó, cho nó cục xương là nó vẫy đuôi và nhảy cẫng lên lè lưỡi liếm đủ chỗ, còn chê mắng nó, nó hung hăng sủa và nhe nanh cắn quyết liệt làm cho lũ chó hàng xóm cũng hùa theo. Giới nào cũng có đồng loại, có thể rất đông và nguy hiểm. Mấy đứa con nhà ông có sang chơi thì nên cẩn thận đấy!
Chu Mộng Long: – Cám ơn ông đã nhắc khéo!


       
Mời thư giãn với nhạc phẩm TIỀN LÀ CÁT BỤI
của Trương Phi Hùng, qua tiếng hát Trường Sơn:
             
*
Quy Nhơn 31 tháng 8 năm 2013
CHU MỘNG LONG (tên thật: Châu Minh Hùng)
Địa chỉ: Khoa GD Tiểu học Mầm non, Đại học Quy Nhơn
170 An Dương Vương, phường Nguyễn Văn Cừ,
thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định
Điện thoại: 0982.03.61.75
.




  ........................................................................................
- Cập nhật từ email: ngocthai1948@gmail.com gửi ngày 17.05.2017
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 
.  

0 comments:

Đăng nhận xét