DÒNG HỌ LÊ LÃ TỈNH HƯNG YÊN XƯA - Tác giả: Lê Trung Hưng (Bình Dương)

Leave a Comment
(Văn Miếu Xích Đằng tỉnh Hưng Yên)
DÒNG HỌ LÊ LÃ
TỈNH HƯNG YÊN XƯA
*
(Tác giả Lê Trung Hưng)
Tỉnh Hưng Yên được thành lập vào đời vua Minh Mệnh (1820-1840) vương triều họ Nguyễn. Thời bấy giờ ở thôn Phượng Lâu (nay thuộc xã Ngọc Thanh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) có gia đình nghèo họ LÃ làm nông, nhà lại đông con... trong đó có cậu bé LÃ CƠ; bà mẹ cậu CƠ là con gái của ông họ LÊ giàu có, làm nghề thuốc y học cổ truyền, nhưng lại không con trai nối nghiệp tông đuờng!
Cụ thầy thuốc họ Lê xin bên thông gia họ LÃ cho phép cậu trai LÃ CƠ (là cháu ngoại) về làm "con trai" gia đình nhà mình, và chính thức đặt tên:
LÊ LÃ CƠ
rồi nuôi cho ăn học "nho-y-lý-số" thật đầy đủ như con trai các nhà giàu có khác trong tỉnh Hưng Yên (tức Phố Hiến nổi tiếng xứ Bắc, thời vua Lê chúa Trịnh: "Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến").

1/ Ông "BỔN" của dòng họ Lê Lã:
Theo hồi ký của cụ giáo Lê quang Khải (khi tráng niên viết báo ở Sài Gòn, thập kỷ 30 - 40 thế kỷ 20, có bút danh Lê Phượng Kim, có nghĩa: “nhớ quê Phượng Lâu Kim Động”; khi về già thập thập kỷ 60 - 70 thế kỷ 20, cụ thêm bút danh là Thiên Lương) cho biết:
- Sau khi ông ngoại (mà cũng là cha nuôi) qua đời (đời vua Thiệu Trị), thì ông LÊ LÃ CƠ giao nghề làm thuốc chữa bệnh cho bà thứ thất (bà vợ hai) ở Hưng Yên, còn ông chuyển sang kinh doanh tơ lụa cùng bà chánh thất (bà vợ cả), ông bà mở thêm nhiều cửa tiệm mua bán mặt hàng này ở các tỉnh: Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Huế, Đà  Nẵng/Tourane, Hội An/ Faifo, Quảng Trị... Việc kinh doanh của ông CƠ thành công, gia sản cơ nghiệp ngày càng phong lưu, đã mua thêm được nhiều ruộng đất ở Hưng Yên (chủ yếu gần quê Kim Động, là nơi ông sinh ra...).
Hai bà vợ ông LÊ LÃ CƠ, sinh cho chồng 3 trai 1 gái (người viết không rõ là con của bà nào?) Vì hồi ký của cụ Thiên Lương chỉ ghi như sau:
- Con truởng là Lê Lã Triệu (sinh tuổi Quí Mùi 1883).
- Con gái Lê Lã Thị Lan (không rõ năm sinh?) lấy chồng nhà nho ở Giốc Lã ,tên là Trần Gia Mô.
- Con thứ Lê Lã Quýnh (sinh tuổi Đinh Hợi 1887).
- Con út Lê Lã Huởng (sinh tuổi Nhâm Thìn 1892).
Các thế hệ con cháu của 4 vị kể trên, đã tôn kính ông LÊ LÃ CƠ như "cụ tổ của Lê Lã tộc" (dân gian thường gọi bằng danh xưng "ông BỔN"...).

2/ Các chi tộc dòng họ Lê Lã hiện nay:
Sau khi cụ LÊ LÃ CƠ mất (ngày 25 âm lịch tháng giêng năm Giáp Ngọ 1894), rồi ít năm sau cụ bà chánh thất cũng qua đời, mọi việc quản lý các cửa hàng tơ lụa dòng họ Lê Lã (ở các tỉnh) đuợc giao cho con trưởng Lê Lã Triệu trông nom... Cụ Triệu tính khí hào hoa, ăn chơi lãng mạn... (nghe bà nội tôi kể: “Ông nội cháu khi xưa có đến 18 người tình trẻ, tỉnh nào có cửa hàng tơ lụa của Lê Lã tộc, thì y như rằng: tỉnh đó có vài cô vợ bé”...), nên dần dần cơ nghiệp Lê Lã tộc bị phá sản, khánh kiệt..., anh em họ hàng ly tán, tha hương mỗi người mỗi nơi!
LÊ LÃ tộc có 4 chi tộc tính đến thời điểm ngày giỗ lần thứ 123 (1894-2017) cụ tổ LÊ LÃ CƠ:
- Chi 1 là hậu duệ của cụ LÊ LÃ TRIỆU
- Chi 2 là hậu duệ của cụ Lê Lã Thị Lan
- Chi 3 là hậu duệ của cụ LÊ LÃ QUÝNH
- Chi 4 là hậu duệ của cụ LÊ LÃ HUỞNG

3/ Những nơi 4 chi tộc sinh sống lâu dài thành cư dân địa phương:
★ 3.1- chi 1: cụ Lê Lã Triệu có 2 nguời con trai, một người hành nghề đông y (cụ Đẩu Sơn/ Lê Lã Sảng), một người hành nghề giáo (cụ Thiên Lương/ Lê Quang Khải) đã vào đất cao su Chánh Lưu tỉnh Thủ Dầu Một/ thời Pháp thuộc (nay là phường Chánh Phú Hòa, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) lập nghiệp 1929-1932, rồi sau dời về Sài Gòn sinh sống....
Cụ Thiên Luơng có con trai trưởng Lê Hưng về dạy học tại trường An Mỹ (phường Phú Mỹ, thành phố.Thủ Dầu Một tỉnh Bình Dương bây giờ), từ năm 1960, lập gia đình với bà Vương Kim Dung năm 1962, sinh được 3 gái 2 trai (tại Bình Dương); sau 1975, ông Lê Hưng chuyển sang nghiệp đông y - châm cứu của tổ tiên họ Lê Lã (người bác ruột ông Hưng là cụ Lê Lã Sảng, đã chỉ dẫn ông Lê Hưng "nhập môn căn bản" về mạch lý học cổ truyền... là phải học thuộc lòng như học bản cửu chương toán học!).
Cụ giáo Thiên Lương có 2 đời vợ, sinh đuợc 6 người con, mà ông Lê Hưng là con trai trưởng. Năm người em ông Lê Hưng (2 người là con bà Vũ thị Vân quê gốc tỉnh Sơn Tây cũ; 3 người là con bà Trần thị Mão quê gốc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên); con cháu chi 1/ Lê Lã tộc đa số sinh sống ở Nam Bộ...một số ít ở Hoa Kỳ (hậu duệ đời thứ 5 và đời thứ 6...).
★ 3.2- chi 2: cụ bà Lê Lã thị Lan lập gia đình với nho sĩ Trần Gia Mô (dân ấp Giốc Lã/ Kim Động tỉnh Hưng Yên thường gọi là cụ phó Mô) sinh ra ông Trần Gia Tụng, ông Tụng (thân tộc thường gọi là ông TÊ) khi còn thanh niên vào Saigon sống với vợ chồng người anh cô cậu là Lê quang Khải - Vũ thị Vân, sau 1950 thì ông Tụng lấy vợ người Hưng Yên và cùng nhau vào lập nghiệp ở Qui Nhơn (thuộc tỉnh Bình Định),  con cháu cụ Tụng hiện nay kinh doanh buôn bán thành đạt ở tp.Qui Nhơn & tp.HCM (cũng nên biết thêm: sau khi cụ Lê Lã thị Lan qua đời, cụ Phó Mô lấy thêm bà vợ nữa/ không rõ họ tên, sinh thêm 3 con: 2 trai & 1 gái; con cháu các ông bà này hình như sống ở Pháp ? họ tộc Lê Lã cũng ít có cơ hội gặp gỡ...).
★ 3.3-chi 3: cụ Lê Lã Quýnh có 2 đời vợ (bà cả nguời Hưng Yên, bà thứ thất người Quảng Trị), con cháu cụ Quýnh rất đông, đa phần các ông bà đời thứ 3 & đời thứ 4 / của chi 3, đều thành danh phận: cán bộ nhà nuớc, tham gia cách mạng từ sau 1954 đến 1975; hiện nay hậu duệ chi 3/ đời thứ 5 & đời thứ 6 đuợc ăn học ,làm việc ở nước ngoài : Nga, Đức, Hoa Kỳ, Úc, Nhật...Có thể nói rằng: các thế hệ hậu duệ Lê Lã tộc của chi 3 là sống phong lưu và học hành thành đạt hơn hẳn 3 chi khác!
★ 3.4- chi 4: cụ Lê Lã Huởng là con út của cụ tổ LÊ LÃ CƠ (gia tộc thuờng gọi là cụ Phó Hưởng) chỉ có một đời vợ, sinh hạ đuợc 1 trai (là ông Lê Lã Vãn) và 2 gái (trong gia tộc Lê Lã gọi là "cô gái lớn" & "cô gái nhỏ", người viết là lhvkd / trưởng tộc chi 1 đời thứ 4, không được rõ họ tên đầy đủ của 2 vị nữ này); tất cả con cháu của cụ Lê Lã Hưởng hiện nay đều sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh.

TẠM KẾT: Giọt máu đào hơn ao nước lã
Mỗi năm vào tuần lễ cuối tháng giêng âm lịch, con cháu nhiều thế hệ của "ông Bổn dòng họLÊ LÃ" đều tổ chức buổi họp mặt, để kính nhớ cụ tổ LÊ LÃ CƠ, "người đã" khởi nghiệp/ start-up" cho gia tộc LÊ LÃ/ Hưng Yên xưa...theo thể thức luân phiên: mỗi chi tộc tự nguyện đăng cai làm ban tổ chức lễ giỗ (và các chi tộc khác thông báo thân thuộc của chi tộc mình: cố gắng về dự đông vui), mục đích là duy trì bầu khí thân thương hơn và gắn bó hơn tình nghĩa họ hàng nội ngoại dòng tộc LÊ LÃ, vậy thôi!

       
Mời thư giãn với nhạc phẩm HƯNG YÊN QUÊ MẸ
do Đỗ Xuân Sáng soạn lời, qua tiếng hát Quốc Phòng:
            
*
Tiết lập xuân Đinh Dậu 2017
LÊ TRUNG HƯNG (con trai cụ Thiên Lương)
Địa chỉ: Thầy thuốc Lê Hưng VKD, phường Chánh Nghĩa,
thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Điện thoại: 083.804.17.42





…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 10.12.2018.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.

0 comments:

Đăng nhận xét