BẠO LỰC GIỮA CHỒNG ĐỐI VỚI VỢ - Tác giả: Vũ Thị Hương Mai (Hà Nội)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: Internet)
Bạo lực gia đình - Vấn nạn xã hội:
BẠO LỰC GIỮA CHỒNG ĐỐI VỚI VỢ
*
Nam giới vẫn được coi là phái mạnh, để bảo vệ và che chở cho phái yếu. Thế nhưng, một thực tế thật đáng buồn, bạo lực trong gia đình lại thường do người đàn ông “khởi xướng”. Nhiều phụ nữ, đặc biệt là ở nông thôn, không những bị chồng đánh đập thường xuyên mà cũng bị gia đình chồng “chung sức” hành hạ.
Ông Hoàng Mai, chuyên viên Ủy ban các vấn đề xã hội cho biết, bạo lực gia đình phổ biến ở mọi tầng lớp xã hội. Theo thống kê của Ủy ban, khoảng 15% vợ bị chồng đánh, gần 80% bị chồng chửi, 70% bị chồng bỏ mặc trong cuộc sống gia đình.
Đã không ít người phụ nữ phải cố ruồng rẫy để thoát ra khỏi cuộc hôn nhân - ra khỏi gia đình của mình chỉ mong tìm sự bình yên về thể xác. Đó cũng là lúc bản thân họ không thể chịu đựng nổi để sống chung một mái nhà với người chồng đầy bạo lực của mình nữa. Chúng ta hãy lắng nghe tâm sự của những người trong cuộc.
Với những người từng kết hôn với Mạnh Linh (Bình Định) thì thoát ra khỏi cuộc hôn nhân còn sướng hơn cả trúng số độc đắc. Người vợ đầu tiên được cha mẹ cưới hỏi về, sau ba tháng chung sống đã phải cao chạy xa bay, vì không chịu đựng nổi những trận đòn của chồng trong cơn say.
Nhưng lại chỉ sau một tháng, Mạnh Linh lại đem về một cô “vợ hờ” khác và cô này cũng cùng chung số phận sau vài tuần chung sống. Mặc dù là vợ đang mang thai, nhưng Mạnh Linh không hề nương tay khi đánh vợ. Thậm chí Mạnh Linh còn đốt cả quần áo vợ, bắt vợ uống thuốc phá thai vì nghi ngờ “cái thai không phải của mình” đến mức vợ phải vào nằm viện.
Chưa hết, Mạnh Linh còn vào viện lôi vợ về đánh đập đến mức chị bị xảy thai, rồi dùng dao chém cả cha ruột. Trước những hành động bất nhân ấy, tất nhiên Mạnh Linh đã bị Công an huyện Vân Canh bắt giam và khởi tố.
Trường hợp khác là chị Ngọc Huyền ở phường Trần Phú, thành phố Quy Nhơn đã phải xin ly hôn vì: “Khi hai vợ chồng mâu thuẫn, anh ta không ngần ngại đánh tôi. Đang ăn cơm có điều gì phật ý, anh ta cầm cả chén cơm ném vào đầu tôi, chảy máu đầm đìa. Có lần tôi bị đánh đến gãy cả xương tay, xương sườn phải đi bệnh viện băng bó, nghỉ làm cả mấy tháng trời”.
Chị Ngọc Minh ở phường Nhân Bình, thành phố Quy Nhơn rùng mình nhớ lại: “Ba mươi tuổi lấy chồng, 34 tuổi ly hôn, khi đó thằng nhỏ mới hai tuổi. Biết là con khổ vì không có cha nhưng tôi không thể chịu đựng nổi những trận đòn của anh ta”. Vừa nói, chị vừa cho xem chỗ quai hàm đã thành tật, giờ đây nhai nuốt rất khó khăn, hậu quả của một lần chị bị chồng đá vào mặt đến vỡ cả quai hàm.
Không chịu đựng nổi cuộc sống chung với anh Kim Đàn, chị Quang Tính muốn ly hôn, nhưng rồi bỏ ngay ý định khi anh ta dọa sẽ giết con rồi tự sát. Cứ thế, càng ngày chị càng thấy cuộc sống nặng nề do bị chồng đày đọa. Con trai chị cũng trở nên lầm lì sau những trận đòn của người cha.
Chị Quang Tính và anh Kim Đàn đã có với nhau một đứa con kháu khỉnh. Cuộc sống kinh tế cũng không có gì phải bàn vì cả hai đều có công việc ổn định. Nhưng anh Kim Đàn thích bù khú với bạn bè hơn hết thảy những chuyện gia đình khác. Mỗi lần bạn điện thoại là anh lại đi mất tăm, bỏ mặc con cái ở trường quên đón, quên hết tất cả nhiệm vụ làm chồng, làm cha. Cuộc sống vợ chồng chị Quang Tính ngày càng rạn nứt, chị quyết định “nói chuyện” với chồng và đề bạt nguyện vọng ly hôn, con để chị nuôi. Nhưng chỉ cần nghe hai từ ấy là anh Kim Đàn đã nổi khùng lên. Biết vợ rất thương con, anh xách tay đứa con mới hai tuổi lên, dí dao vào cổ mà hét “mày dám ly hôn thì tao cắt cổ nó rồi tự vẫn luôn cho xong”. Đứa bé hai tuổi chẳng biết mô tê gì khóc thét lên làm người mẹ trẻ yếu lòng xìu xuống.
Kể từ đó, cuộc sống của chị Quang Tính như là địa ngục. Chồng chị để ý đến chị từng ly từng tý vì nghi ngờ vợ có tình nhân. Hơi một tý là anh xách con ra đánh , chửi. Hơi một tý là chị Quang Tính bị chì chiết “đi đâu mà giờ này mới về”, “số điện thoại này là của thằng nào?”, “tại sao lại đổi mật khẩu email?”…
Khổ nhất là đứa trẻ cũng bị lôi vào câu chuyện của người lớn. Con trai họ phải nghỉ học ở trường đem sang nhà ông bà nội gửi. Chỉ khi nào đích thân anh Kim Đàn đến đón, đứa trẻ mới được “trao trả” về nhà, còn nếu không thì tiếp tục “lăn lóc” sang ngày hôm sau. Càng ngày thằng bé càng lầm lì. Chị Quang Tính thương con đến đứt ruột, nhưng chị sợ nếu ly hôn thì không được nhìn thấy mặt con và cuộc sống địa ngục cứ thế tiếp tục.
Cách đây không lâu, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cũng xét xử vụ án một người đàn ông giết con. Anh này từng có một đời vợ nên lúc nào cũng ám ảnh nỗi lo bị vợ bỏ. Người vợ đi làm, đi chơi, hội họp, tiệc tùng với đồng nghiệp đều phải được chồng cho phép, đưa đón hoặc đi cùng. Nếu có người khác giới nào cười với chị là về nhà anh ta đánh đập, đồng thời còn xách con lên mà bóp mũi, véo tai. Khi biết vợ đơn phương nộp đơn ra tòa, người đàn ông này đã đánh cho vợ một trận, lại túm lấy đứa con mới mấy tháng tuổi mà dứ dứ đập đầu vào vách nhà, yêu cầu vợ rút đơn ly hôn. Trong cơn tức giận điên khùng, anh ta đã đập luôn đầu đứa trẻ vào tường, dẫn đến trấn thương sọ não mà tử vong.
Chị Tú Minh tìm đến các nhà tư vấn trong tình trạng thất thần. Xuyên qua cặp kính râm to là những vết bầm tím còn hằn rõ. Chị nói chỉ muốn giãi bày tâm sự chứ không cần lời khuyên bởi đã “hết cách rồi”. Người phụ nữ này làm phiên dịch cho một công ty nước ngoài, mức lương khá. Chồng chị cũng là người đàn ông khá thành đạt, với nhiều người đó là niềm mơ ước. Ngày cưới của vợ chồng chị cũng là ngày chị tiễn cả gia đình sang nước ngoài định cư.
Nhưng cuộc sống vợ chồng chỉ hạnh phúc vỏn vẹn vài tháng rồi bước vào giai đoạn đầy hãi hùng. Cứ mỗi lần chồng say là chị Tú Minh bị cho ăn đòn vì những chuyện không đâu, lần vì dám dùng nước hoa lạ không phải là của chồng mua, lần vì dám mặc áo hai dây đi với mấy “thằng nhãi” trong công ty; lần vì đi hát Karaoke mà không cho chồng biết…
Không còn người thân nào để bấu víu, chị Tú Minh chỉ còn biết nhịn cho qua. Lúc chồng vui, chị khuyên can thì anh ta hét lên “câm mồm, không tao đánh chết”, thế là lại nhịn. Những vết thương trên người không làm chị đau và lo lắng bằng thương xót cho đứa con. Thằng bé đã sáu tuổi đầu mà bị trầm cảm, buồn rầu vì chứng kiến chuyện của cha mẹ. Quá hoảng sợ, chị ra chính quyền địa phương nhờ can thiệp. Lần đó không chỉ có chị mà cả con cũng bị đánh thừa sống thiếu chết vì dám làm mất mặt chồng. Ly hôn không được mà ly thân cũng không xong. Tối tối, chị vẫn phải chung chăn, chung giường với chồng, bởi nếu chống cự là lại có chuyện. Mặc cho những lời khuyên can của bác sĩ, không biết bao nhiêu lần chị một mình âm thầm đi nạo hút vì lo sợ những đứa con bất hạnh ra đời… Chị bảo, tất cả đều bắt đầu từ sự chịu đựng không đúng chỗ ngay từ đầu làm vợ, rồi chị khóc: “Ông nói dám ly hôn thì ông giết chết cả hai mẹ con, biết đi đâu bây giờ”.
Còn chị Phan Linh ở thành phố Hồ Chí Minh thì đã mất mạng vì muốn thoát khỏi cuộc sống địa ngục bằng ly hôn. Sau năm năm chung sống, giữa hai vợ chồng đã phát sinh biết bao là mâu thuẫn. Thấy rằng không thể chung sống hạnh phúc nữa, chị muốn chia tay. Một ngày trước khi ra tòa, chồng chị lấy đoạn dây điện, một đầu cắm vào ổ điện, đầu kia chích vào người chị cho đến khi chị nằm bất động. Lúc tĩnh trí lại, anh ta đem vợ vào nhà tắm tưới nước vào mặt mong chị tỉnh lại, nhưng đã quá muộn. Chồng chị Phan Linh phải nhận bản án tù chung thân, đứa con nhỏ phải vào chùa nương tựa bà ngoại đã ngoài bảy mươi tuổi.
Kiểu bạo lực bênh hoạn, quái chiêu như chồng chị Lệ Dung thì thật hiếm. Sau mỗi lần xung đột với vợ, chồng chị thường tự hành hạ mình để vợ khỏi bỏ đi. Anh ta khi thì dùng dao cứa vào người cho chảy máu, khi thì lấy dao lam tự chẻ đầu ngón tay như lột vỏ trái chuối, lúc lại uống thuốc ngủ để tự vẫn… Cuối cùng không chịu được cuộc sống đầy căng thẳng, chị Lệ Dung quyết định bỏ nhà ra đi, đồng thời nộp đơn xin ly hôn. Vừa dời khỏi tòa án trong tâm trạng nhẹ nhõm, chị đã bị người chồng đâm mấy nhát từ phía sau. Sau khi chị chết, anh ta bỏ trốn mất tăm cho đến nay.
Nằm trên giường bệnh, chị Nguyễn Thị H (huyện Gia Lâm) uất nghẹn nói rằng “bác sĩ đã bảo em bị tổn thương 60% sức khỏe”. Chuyện là, đang trong bữa ăn, tức giận nên chồng chị đã ném chiếc ấm điện vào hông chị. Vết thương ở ngoài không có vẻ quá nặng, nhưng sau vụ xung đột đó, chị cảm thấy đau bụng với cường độ tăng dần. Đi khám bệnh, ban đầu chị được chuẩn đoán là đau ruột thừa nhưng khi phẫu thuật, bác sĩ đã thấy toàn bộ ổ bụng bị chảy đầy máu, lấy ra khoảng hai lít. Lá nách của chị H cũng gần bị đứt. Sau khi đã bình phục, được nhân viên y tế hỏi, chị mới kể rằng cách đó bốn ngày, chị cũng đã bị chồng đá vào ngực trái. Nếu như không được cán bộ ý tế tư vấn và khám bệnh, hẳn chị H sẽ không bao giờ dám tố cáo hành vi bạo lực của chồng mình và chị cũng không thể trở về với cuộc sống bình thường nữa…
Chị Nguyễn thị Thúy H (sinh năm 1970) do mâu thuẫn với chồng là anh Bùi Đức Ph đã bỏ về nhà mẹ đẻ ngày 8/10/2002, thế là bị chồng đến tận nhà mẹ đẻ đánh đập đến tím cả người, mạng sườn bị thương. Chưa dừng ở đó, anh Ph còn tiếp tục dùng sức mạnh của hai tay kéo tóc chị ra cổng khiến cả mảng tóc trên đầu chị bị bung ra phải đi cấp cứu ở bệnh viện. Được biết chi Thúy H đã phải chịu cảnh đánh đập như thế này nhiều lần rồi.
Đôi mắt thâm quầng, khuôn mặt đờ đẫn, chị Nhã Phương ở Phú Thọ nức nở khi tâm sự với nhân viên tư vấn của trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới: “Đi suốt ngày, hễ về đến nhà là anh ta không tiếc lời tục tĩu, thóa mạ em là đồ ngu dốt, cho ăn cho mặc mà có mỗi việc đẻ cũng không biết. Không những thế, anh ta còn ngang nhiên đi lại với người đàn bà khác”.
Chị Nhã Phương là một nhân viên tạp vụ, còn chồng chị là trưởng phòng trong một công ty. Chị nghẹn ngào khi kể về những chuỗi ngày đau khổ của mình. Lấy chồng gần năm năm thì có tới bốn năm chị bị chồng dằn vặt, chửi mắng và “bỏ lửng” sau khi sinh liền hai cô con gái. Anh còn ngang nhiên muốn có con trai với người đàn bà khác.
Theo bà Nguyễn Thi Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng về giới, gần đây các tư vấn viên của trung tâm đã tiếp không ít phụ nữ bị bạo hành về tinh thần như chị Phương.
Chị Hà Phương, một viên chức nhà nước, còn chồng làm bảo vệ cho một công ty. Chung sống với nhau đã có một mặt con. Khi đang mang thai đến tháng thứ bảy thì anh chồng nảy nòi ra chuyện “tình tang” với người phụ nữ khác. Mỗi lần về đến nhà là lại tìm cớ để gây sự, thóa mạ, hành hạ vợ cho bõ ghét. Đôi khi chỉ vì những lý do rất cỏn con mà chị bị chồng đánh cho tới tấp. Nhiều đêm lên giường với nỗi đau thể xác dày vò khiến chị lại càng tủi nhục hơn. Đau đớn vì chẳng biết kêu ai, cũng không thể tâm sự với ai, vì xưa nay vợ chồng chị luôn được hàng xóm coi là hình mẫu lý tưởng của gia đình thương yêu hòa thuận. Những vết bầm dập trên mặt xuất hiện liên tục chưa kịp đợi vết thương cũ lành da.
Thế rồi những căm phẫn và uất hận trong lòng người phụ nữ ấy đã đưa chị đến với ý nghĩ tiêu cực. Vào một ngày bình thường như mọi ngày, chị đón chồng và con trong bộ dạng tiều tụy của mình, nhưng khác với ngày thường, hôm nay bữa cơm có đầy đủ các món ngon mà chồng chị rất thích. Không ai có thể biết rằng ngày hôm đó là ngày cuối cùng người ta nhìn thấy chồng và con chị. Chị đã tẩm xăng khắp nhà rồi châm lửa đốt. Cả gia đình bị thiêu cháy cùng ngôi nhà trong ngọn lửa oan nghiệt.
Chuyện của chị Luyến (Yên Bái) cũng thực sự đau lòng. Chị là giáo viên trường cấp II của xã, chồng chị là anh Tuấn, vốn tính ghen tuông nên luôn luôn nghi ngờ vợ mình. Hễ khi nào thấy vợ về muộn là anh ta tra hỏi cho bằng được. Ban đầu chị trả lời nhưng sau chán chị im lặng khiến anh phát điên rồi đánh đập dã man. Trong một lần quá chén, lại thêm sự ương bướng của chị mà anh ta đã nhẫn tâm lột sạch quần áo của chị và trói hai chân hai tay lại. Sau đó anh ta dùng chiếc khăn quấn quanh vùng kín rồi tẩm xăng đốt. Chị đau giẫy giụa kêu cứu, vết thương thành tật 60 - 70%.
Trường hợp chị Phương Thơm ở Đoan Hùng - Phú Thọ cũng đáng buồn không kém. Chồng chị là một người vũ phu thường xuyên đánh đập, lăng mạ vợ. Không chỉ có vậy, người chồng tệ bạc này còn cặp kè với một phụ nữ khác. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm đến mức hai đứa con của chị lúc nào cũng buồn rầu, tránh né bạn bè.
Không chịu nổi sự hành hạ của chồng và thương những đứa con thơ ngày càng học hành sút kém, chị Phương Thơm đã quyết tâm ly hôn với chồng. Ly dị được vài tháng, anh chồng lại mò về nhà ba mẹ con ở, vẫn chứng nào tật ấy, anh ta vẫn thường xuyên lăng mạ chị và con cái. Cứ dăm bảy ngày là chị Phương Thơm lại phải lĩnh một trận đòn.
Tình trạng ấy đã kéo dài bảy năm, mỗi lần bình bầu thi đua, gia đình chị thường xuyên bị xếp hạng B vì tội “không chịu đi đăng ký” vì có “quan hệ không rõ ràng”. Chị Phương Thơm nói rằng: “Tôi quá mỏi mệt rồi. Tôi chỉ mong các cơ quan chức năng có thể giải quyết dứt điểm giúp tôi để chấm dứt tình trạng này. Có như vậy thì mẹ con tôi mới thanh thản, con cái mới yên tâm học hành được”.
Không học thức, vũ phu đã đành. Đằng này không ít những ông chồng là trí thức hay có học thức hẳn hoi cũng dùng “bạo lực”để hành vợ con.
Hôm nay, lần đầu tiên sau mười chín năm, tôi được ra ngoài xã hội, được tiếp xúc với nhiều người. Tôi mong các cơ quan, tổ chức hãy giúp tôi được ly hôn và cứu giúp những phụ nữ bị ngược đãi như tôi” Chị Hoàng Thị Sen (Thái Bình) đã kêu cứu như vậy tại hội thảo “Bạo lực gia đình, kinh nghiệm và giải pháp” do tổ chức Action Aid và trung tâm nghiên cứu giới và phát triển vừa tổ chức.
Có tới gần một nghìn người trước hội nghị, chị Hoàng Thị Sen không thể kìm nổi cảm xúc, bộc bạch trong nỗi oan ức và đau khổ đến tột cùng. Chồng chị là người có học thức, có địa vị trong xã hội. Sau đám cưới ngọt ngào ngày nào thì chị bắt đầu phải sống trong sự tủi nhục và “tù đày”. Chồng chị bắt chị nghỉ làm để ở nhà lo chuyện gia đình, ngoài ra chị còn không được đi đâu ngoài việc đi chợ mua thức ăn.
Vốn là người phụ nữ cam chịu, chị Sen không hề than vãn một lời, thiết nghĩ rằng mình phải hy sinh cho gia đình. Chị đã phải nín nhịn trước những trận đòn vô cớ của chồng để mong cuộc sống gia đình được bình yên và không muốn chồng bị mang tiếng là bạo ngược để rồi ảnh hưởng đến sự nghiệp. Chị nói “Tôi đã hoàn toàn xa lạ với mọi sự kiện diễn ra ngoài xã hội vì không đọc báo, không tiếp xúc với nhiều người. Suốt 19 năm, tôi cam chịu cuộc sống mất quyền làm người”.
Trong một lần cáu giận ở cơ quan, anh chồng về nhà mắng mỏ chị, chị cãi lại, thế là anh ta nổi khùng đã khóa cổng mà lôi chị vào trong nhà đánh đập. Chị Hoàng Thị Sen ngẹn ngào trong nước mắt “Anh ấy đánh tôi dã man đến mức đầu tôi bị vỡ chảy bê bết máu, đuôi mắt bị rách và gãy xương cột sống. Không chịu nổi, tôi đã cố lê lết chốn về nhà ngoại và sống ly thân với anh ta hai năm nay”. Cùng với sự tự do nửa vời, chị Hoàng Thị Sen còn phải hứng chịu cuộc sống mất khả năng lao động từ những trận đòn vô cớ. Sau hai năm sống ly thân, chị Hoàng Thị Sen quyết định ly hôn. Dù đơn chị đã nộp từ gần một năm nhưng vẫn không được giải quyết không biết lý do tại sao.
Trên thực tế thì không phải chỉ riêng chị Hoàng Thị Sen mà còn rất nhiều phụ nữ hàng ngày vẫn phải chịu những trận đòn vô cớ của chồng.
Theo thống kê của tổ chức Action Aid, ước tính trên thế giới thì cứ ba phụ nữ lại có một người đã từng bị bạo hành, cưỡng ép tình dục và đa số thủ phạm là người trong gia đình.
Có lẽ không còn có sự nhục nhã nào hơn đối với người phụ nữ bị bạo hành tình dục. Điều đó thể hiện một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, đứng trên bờ vực của sự đổ vỡ, hơn thế cuộc sống thể chất và tinh thần bị xâm hại thô bạo. Ngược đãi tình dục (bạo lực tình dục) là một hành vi thô bạo nhưng lại hết sức tế nhị. Nhiều người phụ nữ phải chịu cuộc sống như vậy nhưng lại ái ngại không dám nói ra để người khác biết. Cũng chính vì lý do đó mà chúng ta không thể nhận biết được một cách rõ ràng tình trạng này.
Nhà tâm lý học Ali của Anh cho rằng, cưỡng dâm trong hôn nhân còn nhiều hơn các vụ án cưỡng dâm không hôn nhân. Vì lẽ đó mang nhà văn Lỗ Tấn đã chỉ ra một cách hợp lý rằng: “Những người phụ nữ bị chồng ức hiếp thì địa vị xã hội không còn bằng một cô gái điếm, trước khi lên giường ngay cả tư cách mặc cả cũng không có”.
Theo tư liệu điều tra, trong 449 phụ nữ ở một thành phố được điều tra thì có 113 người thừa nhận đã bị chồng cưỡng ép sinh hoạt tình dục. Trong những người này có những cặp vợ chồng mới lấy nhau và cũng có cặp vợ chồng già.
Chúng ta có một số ví dụ điển hình về kiểu ngược đãi tình dục như vậy:
Lưu An, cô công nhân nhỏ bé, yếu ớt lấy người đàn ông to lớn Trương Hiền và cô đã từ chối nhiều người đàn ông tốt theo đuổi. Trương Hiền cũng chỉ là một bộ đội chuyển ngành đang làm trưởng phòng bảo vệ cho một công ty sản xuất đồ nhựa. Nếu như nói anh Trương Hiền không yêu cô thì thật là oan uổng. Anh là trụ cột kinh tế trong gia đình và cũng là người làm chủ trong cuộc sống của cô. Anh ta chăm chỉ nên gia đình nhỏ bé sống cũng sung túc, chị em trong công ty ai cũng khen cô Lưu An tốt phúc. Mỗi ngày đi làm thật khổ sở và tiếng máy ầm ĩ đã làm cho thân thể yếu ớt của cô vốn yếu sau khi sinh con lại càng yếu thêm. Lâu lắm vợ chồng cô mới có được một lần quan hệ tình dục, nhưng mỗi lần ấy cô lại mệt lả cả người. Điều ấy thì lại đối lập với sức khỏe, cơ thể cường tráng và ham muốn của chồng. Rất nhiều lần anh ta đã ép buộc cô quan hệ tình dục khiến cho tinh thần và sức lực cô bị kiệt quệ. Cuối cùng vào một lần trước khi chồng cô ép quan hệ, cô đã phải quỳ xuống xin buông tha và nói rằng “Anh hãy đi tìm người phụ nữ khác để thảo mãn, đi với bao nhiêu người cũng được, em chấp nhận hết”. Nhưng đường đường là một trưởng phòng bảo vệ thì làm sao anh có thể làm như vậy. Gia đình chắc hẳn cũng đến hồi tan vỡ.
Hai vợ chồng Thu Hương và Lý Kiên vừa trải qua tuần trăng mật, nhưng đã năm ngày ba trận cãi nhau to. Sau cùng là họ phải chọn phương án là “ly hôn trong gia đình” để tạm thời xa nhau. Trong thời gian ấy trên danh nghĩa vợ chồng, anh Lý Kiên đã ép vợ mình quan hệ tình dục, sau đó đã phá vỡ giao ước “ly hôn trong gia đình”. Ngay cả khi hai vợ chồng vừa cãi vã nhau xong hay gặp đúng lúc cô đang có kinh nguyệt thì anh ta cũng không buông tha. Cô cự tuyệt tranh đấu vì không muốn gần gũi với người luôn thích dùng bạo lực, nhưng sức của người phụ nữ có hạn, mỗi lần đều kết thúc bằng sự khuất phục của cô. Trong lúc cưỡng ép cô, anh ta không những có hành vi thô bạo mà còn luôn mồm văng ra những lời thô tục. Chỉ trong vòng mấy tháng cô đã không thể chịu đựng nổi cả về thể xác và tinh thần, cuối cũng cô đành bỏ quyền nuôi con và sở hữu nhà đất để đổi lấy giấy chứng nhận ly hôn, cô đã phải dọn vào khu nhà ở của công ty.
Còn Phương Nhi và Anh Tuấn là bạn học thời trung học. Hai người yêu nhau khổ sở trong năm năm và đã lấy được nhau. Nhưng không ai có thể ngờ được đêm tân hôn chỉ vì không thấy Phương Nhi “ra máu” đỏ nên đã làm cho anh ấy bị mất thăng bằng và thay đổi tâm lý. Cho dù cô có giải thích thế nào thì cũng không thể xóa tan nghi ngờ của anh ta được. Anh hận cô, ghét cô vì cô “không còn trinh trắng” và anh nghĩ mình phải trừng phạt cô. Nhưng đến ngay bản thân cô cũng không hiểu tại sao lại không có “máu đỏ” và như là đã làm chuyện sai trái, cô hy vọng anh sẽ suy nghĩ lại và chấp nhận sự dày vò của anh. Chính sự cam chịu của cô, nên anh càng cảm thấy phát điên lên, đánh cô, thậm chí còn làm tổn thương đến bộ phận dưới của cô. Còn cô thì đau như chết đi và cuối cùng đã phải giải thoát bằng cách uống hơn mười viên thuốc ngủ để tự tử.
Bạo lực tình dục phải chăng là do nhu cầu của người đàn ông quá mạnh?
Không thể đánh đồng bạo lực trong tình dục với nhu cầu sinh lý quá mạnh của người đàn ông được. Nhu cầu tình dục mạnh là cái vốn có của sinh lý, nhưng bạo lực trong tình dục lại thuộc phạm trù đạo đức của một con người. Một người đàn ông vũ phu trong cuộc sống, kém hiểu biết về tâm sinh lý vợ chồng thì sẽ rất khó tránh khỏi hành vi bạo lực tình dục.
Một khi người đàn ông có nhu cầu tình dục mạnh mẽ, thì họ cũng sẽ biết cách điều hòa để cùng người bạn đời thỏa mãn. Có thể họ sẽ có tần suất đòi hỏi tình dục nhiều hơn và mãnh liệt hơn trong cách “hành sự” nhưng không phải là những hành vi thô bạo. Nhưng một khi người đàn ông bạo lực trong tình dục thì họ dường như không cần biết đến nhu cầu, khả năng, mong muốn của người bạn tình mà làm người “chiêu” quái ác thì càn cảm thấy được thỏa mãn. Mặc kệ cho người vợ sợ hãi, thậm chí ghê tởm lúc đó họ được thỏa mãn cái bản năng tình dục đầy thú tính của mình. Ở một người đàn ông có dục tính rất mạnh hay rất yếu thực ra đều có thể có hành vi bạo lực với bạn tình của mình khi mất đi sự tôn trọng, sự yêu thương lẫn nhau. Vì khi không có tình yêu và sự tôn trọng lẫn nhau thì khó có những hành động “hùng hục” để thỏa mãn “cơn khát” mà thôi. Lúc ấy, dục tính quá mạnh ở người đàn ông chỉ mang lại sự đau khổ cho người vợ của mình.
Ngược lại, một người đàn ông quá yếu về sinh lý (bất lực) cũng có thể có hành vị bạo lực tình dục. Vì, thứ nhất họ lấy cái thô bạo để thể hiện cho người bạn đời thấy sức mạnh của mình, để khẳng định mình không yếu. Đó là cách để trấn an tâm lý tự ti của chính mình. Thứ hai, họ luôn có cảm giác ức chế “muốn làm mà không làm được” nên cũng sinh ra thô bạo với bạn tình.

Mời thư giãn với nhạc phẩm ANH SẼ KHÔNG NÍU KÉO
của Lương Duy Thắng, qua tiếng hát Cao Thái Sơn:

 
*

VŨ THỊ HƯƠNG MAI
Địa chỉ: Khu tập thể Tổng công ty 319
quận Long Biên, thành phố Hà Nội.    
Email: huongmai8081@yahoo.com.vn
                     .

.


..............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 21.09.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét