NHỮNG BƯỚC
ĐƯỜNG
ĐƯA TÔI ĐẾN VỚI NGHỀ GODAUTRE
*
1
(Tác giả, nhà giá Nguyễn Bàng) |
GODAUTRE
chính là ba tiếng Gõ Đầu Trẻ được viết liền lại và bỏ dấu đi theo kiểu tiếng Tây
để nhìn cho sướng mắt, đọc nghe cho sướng tai của dân có ít nhiều Tây học.
Trong
ngôn ngữ tiếng việt, "Gõ đầu trẻ" là khai tâm, khai trí cho trẻ, dạy
điều nhân nghĩa, dạy chúng sinh làm người, một nghề mà muôn đời xã hội Á Đông
vẫn tôn trọng. Nhưng trong khẩu ngữ dân gian, ba tiếng Gõ đầu trẻ còn hàm ý đùa
hoặc không coi trọng nghề dạy học. Ấy vậy mà từ khi chưa được đi học tôi vẫn ao
ước lớn lên sẽ làm nghề Gõ đầu trẻ
Là vì, tôi thấy dân làng tôi rất coi trọng chữ nghĩa và
ông thầy. Bà nội tôi khi đi nhặt phân lợn, phân chó hay phân trâu bò ngoài
đường, thấy tờ giấy có chữ cạnh bãi phân vội nhặt lên rồi đem đốt đi để không
bị bệnh tật vì đã coi thường chữ thánh hiền.
Thêm một
lý do nữa là làng tôi có cụ đồ Ban, tuy đã hết thời dạy chữ nho từ lâu nhưng
vẫn được dân làng rất kính trọng. Tôi không biết cụ đồ Ban đã dạy học như thế
nào, môn sinh của cụ có những ai đã đỗ đạt cao nhưng chỉ ngồi chầu xem cụ đánh
cờ tướng thì tôi đã phục cụ lắm. Cụ đồ Ban về già bị loà cả hai mắt, đi đâu
cũng phải có cây gậy dò đường. Ấy vậy mà cụ vẫn đánh cờ được mới tài. Ai muốn
mời cụ hoặc thách đố cụ chơi cờ, cụ vui vẻ nhận lời ngay. Bàn cờ bày ra, người
xem đứng ngồi chầu kín hai bên. Người sáng mắt một mình một bên bàn cơ còn cụ
đồ Ban thì nhờ một người ngồi bên cạnh để nhấc hộ quân cờ lên đặt vào đúng vị
trí mà cụ đã nghĩ kỹ trong đầu giờ mới phát ra miệng như: ghểnh sĩ phải, lên
tượng trái, xuất mã phải lên phía trái…Có vài người thử ăn gian xem cụ có biết
không thì cụ giơ tay ra xua xua nhẹ trước mắt mình, rồi cười nói nhẹ nhàng: “Ấy,
ấy sao lại thế được. Vừa rồi pháo của anh đang ở chỗ này, chỗ kia cơ mà sao giờ
nó lại ở đấy?”. Xem cụ đánh cờ, tôi nghĩ chắc nhờ đọc sách nhiều nên cụ mới có
trí nhớ tuyệt vời như vậy..
Khi được
đi học, tôi cũng nhìn các thầy giáo dạy mình bằng con mắt kính trọng vì hầu hết
thấy các thầy tôi dược học đều giảng bài rất hay. Thầy dạy Văn Sử Địa thì đọc
làu làu các đoạn trích trong các sách. Các thầy dạy Toán Lý Hoá thì nhớ hết các
công thức toán học, vật lý, hoá học… Thế
rồi đọc sách báo tôi thấy nhiều nhà văn nhà thơ có tên tuổi đều đã là nhà giáo,
tiêu biểu như các vị: Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Công Hoan, Đinh Hùng,
Vũ Đình Liên, Nam Cao, Chế Lan Viên… Vì
vậy, mơ ước lớn lên sẽ làm thầy giáo trong tôi mỗi ngày một lớn thêm.
Nhưng
không hiểu sao, sau tiếp quản thủ đô Hà Nội 1954 một số năm tự dưng trong dân
gian lại truyền nhau những câu nói “Nhất y nhì dược tạm được bách khoa , sư
phạm bỏ qua, nông lâm xếp xó”. Cái chuyện “Nhất y nhì dược” khiến chẳng ai xin
vào sư phạm cả, cứ nhăm nhăm chọn các trường Y trường Dược, rồi Bách Khoa mà
điền vào nguyện vọng. Rồi còn ác khẩu hơn khi xuất hiện câu nói: Chuột chạy cùng
sào mới vào sư phạm, chê bai ngành sư phạm quá mức và vô hình trung chê bai
những người vào sư phạm là học kém là không thể học ngành gì khác.
Tuy thế,
tôi vẫn nhất quyết học xong lớp 10 sẽ xin học trường sư phạm.
Nào ngờ
số tôi lại ứng đúng với câu Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm, không phải ứng
đúng vì tôi học kém cũng không phải vì tôi không biết học một ngành nghề gì
khác mà đúng là khi tôi đã cảm thấy mình đang hết đường kiếm sống
thì ngành giáo dục cần tuyến giáo viên.
Sau chín
năm đèn sách, gần đến hè 1958, tôi đã phải tự thôi học để tránh một cuộc bị đấu
tố giữa sân trường dưới lá cờ đỏ sao vàng trong buổi lễ chào cờ vào sáng thứ
Hai - (Xem chín năm đèn sách (9) – Những ngày đầu nghỉ học, tôi trốn tránh xã
hội bằng cách chui vào thư viện thành phố để tìm lãng quên trong những trang
sách. Nhưng sau hè, khi các trường vào năm học mới, tôi bắt đầu lo lắng vì
chuyện tôi thôi học u tôi ở nhà quê không hay biết mà dì tôi ở ngoài phố cũng
vậy. U tôi không biết thì cũng không sao miễn là u thấy tôi vẫn ở với dì và
hàng tháng u gánh ra một nồi gạo gửi dì cộng thêm máy đồng bạc nữa là coi như
không có chuyện gì xẩy ra cả. Nhưng còn dì tôi thì dấu sao mãi được khi bốn đứa
con dì đều đang đi học, sao có thể che mắt che tai họ mãi được. Vì thế ngày nào
đến thư viện tôi cũng chăm chăm đọc trước tiên tờ báo hàng ngày Hà Nội mới xem
có đâu tuyển người làm không. Nhưng một tháng rồi hai tháng, chẳng có đâu tuyển
người làm phù hợp với khả năng và sức lực của tôi.
Thế rồi
một hôm, tôi bỗng dưng nhớ ra những lần đi bơi ở sông Hồng cùng với hai anh
Nguyễn Hưng Nhân và Lê Đình Phúc, tôi thấy rất nhiều người làm nghề bốc tre nứa
từ dưới bè trên mặt nước lên bờ. Có lần tôi đứng xem, một chị đứng tuổi nhìn
tôi rồi trêu ghẹo:
- Nào
kéo hộ chị một lúc xem được bao nhiêu cây nứa tép.
Tôi
nhanh nhảu đáp:
- Chị để
em thử xem.
Và tôi
lội xuống bờ sông đến chỗ bè nứa, kéo một lúc lên 10 cây nứa tép, xếp vào cũi
cho chị và được chị khen:
-Trông
thư sinh trắng trẻo vậy mà làm cũng được nhỉ.
Dạo ấy
tre nứa từ miền ngược liên tiếp xuôi dòng về xuôi vì nhu cầu làm nhà của dân
các vùng ngoại ô rất lớn. Các bè tre nứa đậu nối đuôi nhau ven sông dài cả cây
số, thợ bốc nứa kể tới cả nghìn người. Hay là ra bờ sông xin thử việc? Tôi nghĩ
thế và bỏ thư viện đi bộ ra thẳng bãi sông Hồng, gặp một bác có tuổi đang kéo
nứa hỏi:
- Bác có
biết ai phụ trách ở đây không ạ
- Đi
khoảng 200m về phía cầu Long Biên, có cái lán, hỏi anh Minh- bác thợ trả lời
Tôi đến
cái lán, nhìn vào bên trong thấy một người đàn ông đang ngồi bên cái phản bằng
tre hút điếu cày, lễ phép hỏi:
- Anh là
anh Minh ạ?
- Phải,
có việc gì?
-Tôi
mạnh dạn nói ý định xin việc làm. Anh Minh nhìn tôi từ đầu xuống chân rồi hỏi:
- Cậu
bao nhiêu tuổi?
- Dạ, em
hai mươi.
- Hai
mươi mà nom gầy lỏng khỏng thế, liệu có làm được không?
- Dạ, em
đã làm thử và làm được, em còn biết bơi nữa.
- Biết
bơi thì tốt. Vậy tôi nhận.
Rồi anh
giải thích:
- Ở đây
làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu nghĩa là bốc kéo được nhiều thì ăn nhiều. Giá bốc
tính theo cây và tuỳ thuộc vào loại cây to hay nhỏ. Nứa tép bé nhất thì giá
thấp nhất, nứa lá to giá cao hơn, tre, luồng vầu giá cao nhất và như nhau. Giờ
cậu xuống bến nứa tìm chị Bé và nói tôi bố trí cậu vào tổ chị ấy vì tổ chưa có
nam giới.
Tôi cảm
ơn anh Minh và trở lại ngay bãi tre nứa, tìm chị Bé, được chị vui vẻ tiếp nhận
và phân công ngay:
-Tổ mình
có 4 chị giờ thêm em là 5. Em con trai, xuống bè dỡ tre nứa cùng với chị đưa
vào bờ để 3 chị kia bốc kéo lên bãi.
Tôi vâng
và nhẩy ngay xuống bè nứa.
Vừa đang
chăm chú làm việc, tôi bỗng nghe tiếng chị Bé kêu lên hốt hoảng:
- Giúp
chị kéo lại mảng nứa kia với.
Tôi quay
lại nhìn thì thấy một mảng nứa bên ngoài bè bị nước chảy đẩy ra xa bờ và đang
trôi xuôi theo dòng nước. Tôi hiểu ra là chị Bé đã lấy dao chặt lạt buộc để dỡ
bè không may mảng nứa bên ngoài bè bị tách ra và bị dòng nước cuốn theo.
Tôi vội
bỏ việc, nhảy xuống sông bơi lao ra mảng nứa trôi, kìm nó lại và lôi nó vào gần
bờ rồi lội bộ kéo ngược nó về chỗ cũ. Mọi người làm quanh đấy tấm tắc khen tôi
bơi giỏi. Chị Bé sung sướng cảm ơn tôi mấy lần.
Cuối
buổi làm ngày hôm ấy, người của anh Minh đi đến các tổ đếm nứa để ghi sổ. Anh
ta đem theo một hộp vôi nước, một cái que to và dài như chiếc đũa, đến chỗ cũi
nứa của chúng tôi, nhúng đầu que vào hộp vôi nước rồi chấm vào đuôi từng cây
nứa, chấm đến cây nào thì đếm số cây ấy. Cũi nứa của chúng tôi được hơn năm
nghìn cây. Chị Bé bảo:
- Nhân
nhẩm tiền công bốc một cây lên thì hôm nay chị em tổ ta, mỗi người được khoảng
một đồng ba hào.
Vậy là
ngày công đầu của tôi được 1 đồng 3 hào. Tôi nghĩ thế cũng tốt chán vì nghe nói
những người đi làm việc ở công trường rất vất vả lương công nhật mỗi ngày chỉ
có 1 đồng hai hào rưỡi. Rồi tôi nghĩ, giả sử tôi sống tự lập thì với 1dồng 3
hào này, tôi có thể ăn sáng một bát phở 2 hào rưỡi, nếu ăn 2 bữa cơm cơm vỉa hè
trưa và tối, mỗi bữa 3 hào, cộng tiền ăn cả ngày là là 8 hào rưỡi, vẫn còn để
dành được 4 hào rưỡi. Nếu ăn xôi sáng thì chỉ mất 1 hào, để dành ra được tới 6
hào chứ không ít!
2
Tối hôm
ấy tôi đến nhà anh Nguyễn Hưng Nhân rồi đến nhà anh Nguyễn Văn May kể về việc
tôi đi kéo nứa và rủ các anh cùng đi làm cho vui. Nhưng cả hai anh đều từ chối.
Anh Nhân bảo:
-Tôi ở
nhà đi sửa điện dân dụng cho bà con cũng tạm có công có việc rồi.
Anh May
thì nói:
-Tôi
phải củng cố tiếng Anh và tự học tiếng Nga để năm sau thi vào Trung cấp ngoại
ngữ học cho đỡ vất vả.
Tôi nói
với hai anh:
-Ban
ngày tôi đi kéo nứa, ban tối tôi cũng sẽ lên thư viện đọc sách để có thêm hiểu
biết.
Chuyện
tôi thôi học dấu u tôi và dì tôi như cái kim trong bọc rồi cũng có ngày lộ ra.
Ấy là sau gần hai tháng đi bốc nứa, một buổi chiều tôi bị cảm phải xin nghỉ rồi
cố lê lết về đến nhà. Thấy tôi nằm bệt kêu ốm và bỏ cơm, dì tôi bảo cô Oanh con
gái lớn của dì đi mua cho tôi bát cháo thịt. Tôi cố ngồi dậy húp hết bát cháo
nhưng vừa nằm xuống thì buồn nôn. Cô Oanh tìm cho tôi một cái chậu men cũ và
tôi nôn thốc tháo vào đấy, toàn nước lẫn cháo màu đen tím. Biết mình bị thổ
huyết, tôi bảo cô Oanh sang phố Hòa mã chạy ngang đầu phố Phùng Khắc Khoan gọi
hộ tôi anh Long sang xem bệnh cho tôi. Anh Vũ Đình Long là anh ruột Vũ Đình
Khánh, đang học năm thứ tư trường y. Tôi và Khánh quen biết nhau từ hồi học
Nguyễn Trãi, nhà gần nhau nên hay đến chơi với nhau do đó tôi cũng quen anh
Long. Anh bảo chẳng may bị ốm đau gì sang gọi anh khám cho nhé.
Anh Long
sang ngay nhưng khi nhìn vào cái chậu nôn và khi đã đo tim mạch cho tôi, anh
vội vã nói:
- Phải
gọi xe cấp cứu đưa xuống bệnh viện Bạch Mai ngay
Cô Oanh
vội ra bưu điện chợ Hôm gọi xe cấp cứu. Chừng nửa giờ sau đó tôi được chở xuống
bệnh viện Bạch Mai ngay. Bác sĩ trực cấp cứu lại đo tim mạch của tôi và lấy cây
búa gỗ gõ vào hai đầu gối tôi rồi khẽ lắc đầu “Không có phản xạ gì”. Ông ta ra
hiệu cô y tá tiêm cho tôi một mũi long não rồi bảo cứ để tôi nằm ở phòng cấp
cứu. Tôi thấy mình mệt quá và ngủ thiếp đi.
Khi tỉnh
dậy tôi thấy anh Nguyễn Hưng Nhân ngồi trên một cái ghế đẩu cạnh giường tôi
nằm. Anh ra hiệu cho tôi đừng cử động rồi nói:
- Oanh
nó sang nhà báo cho tôi biết, tôi vội vào ngay bệnh viện với anh. Bây giờ hơn 1
giờ đêm rồi, anh cố ngủ tiếp đi chờ sáng mai bác sĩ giải quyết.
Nói rồi
anh tiếp tục đọc sách, thức để canh tôi.
Sáng hôm
sau bác sĩ trực đêm vào khám lại. Thấy tôi đã tỉnh ông nói:
- May
nhờ sức thanh niên nên cậu đã thoát cơn nguy hiểm chứ như hôm qua thì bi quan
lắm.
Rồi ông
gọi chị hộ lý chuyển tôi sang phòng bệnh. Anh Nhân mua cháo trắng cho tôi ăn
rồi bảo:
- Giờ
anh nằm đây, tôi về quê báo cho gia đình anh biết.
Ngay
trưa hôm đó chị cả tôi theo anh Nhân vào thăm tôi. Chị đem cho tôi một cặp lồng
khoai tây hầm với chim bồ câu nhưng tôi chỉ ăn được lưng bát nhỏ còn nhờ anh
Nhân ăn giúp để khỏi phải ra ăn cơm ngoài căng tin bệnh viện. Trước khi về chị
cả tôi trách:
- Cậu
Nhân nói cho cả nhà biết cậu đã thôi học và đi kéo nứa ngoài bờ sông. Cậu tệ
quá, chuyện như vậy mà dấu cả nhà.
Chắc chị
tôi có ghé qua chỗ dì tôi và nói cho dì biết việc tôi thôi học nên sau hơn hai
tuần, khi tôi xuất viện về nhà, dì tôi nhẹ nhàng bảo:
- Cháu
tự thôi học mà không hỏi dì một tiếng, mai này dì biết ăn nói với u cháu ra
sao? Giờ cháu không đi học nữa rồi thì tùy ý cháu, cứ ở đây với dì và các em cũng
được mà về quê ở với u cháu cũng được.
Tôi xin
lỗi dì và nói:
- Dì cứ
cho cháu ở đây để tạm đi làm cho tiện. Bao giờ có việc làm chính thức và ổn
định cháu sẽ tính sau.
Nhưng
tất cả mọi người trong gia đình tôi trong quê và dì tôi ngoài phố cũng chỉ biết
tôi thôi học vì không thích học nữa chứ không ai hay biết mọi căn nguyên của
nó.
Qua Tết ít lâu, một tối lên thư viện, theo thói quen khi chờ
thủ thư tìm sách cho mượn, tôi đọc tờ Hà Nội mới để nắm được tin tức hàng ngày
thì thấy giữa trang tư có đăng tin tuyển sinh Trường Nghiệp vụ ngân hàng Trung
ương khóa đầu tiên, hồ sơ chỉ cần một đơn xin học, một bản khai lý lịch và văn
bằng tốt nghiệp cấp 2, nộp về ngân hàng Hà Nội ở phố Lê Lai. Hồ sơ chỉ yêu cầu
có thế nên tôi thấy mình có thể nộp đơn xin học được. Không tính cái đơn chỉ
cần viết theo mẫu còn hai loại giấy tờ kia thì cái bằng tốt nghiệp cấp 2 đang
nằm trong tủ sách của tôi. Điều tôi lo ngại là trình độ văn hóa, nếu đòi hỏi
trình độ lớp 8 hay lớp 9 thì mới thật khó, vì tôi thôi học để tránh bị kỷ luật,
nay trở về trường xin chứng nhận chắc là không ổn. Còn tờ khai lý lịch, nếu xin
chứng nhận ở nơi cư trú ngoài phố chắc cũng khó khăn vì thế nào trường cũ cũng
đã đưa giấy về tôi cho khu phố rồi. Nhưng tôi sẽ về quê xin. Mặc dù tôi không ở
làng từ năm 1950 nhưng có thể nhờ chị dâu tôi xin hộ vì chị dâu tôi một thời đã
làm bí thư xã đoàn, nay lấy chồng có con nên xin nghỉ để lo việc nhà và việc
hợp tác xã nhưng vẫn còn quen biết một số người trong ủy ban xã, vì vậy việc
này đối với chị không có khó khăn gì khi chỉ xin người ta mấy chữ xác nhận tờ
khai này là đúng rồi có ký tên đóng dấu.
Tính
thế, tôi vội ra hiệu sách mua 2 tờ khai lý lịch rồi ngồi khai ngay tại bàn đọc
trong thư viện. Sáng hôm sau tôi nghỉ kéo nứa, đáp tàu điện về quê nhờ chị dâu
tôi giúp đỡ. Chị đem 2 tờ giấy sang nhà trưởng thôn rồi ra UBND xã và cả hai
nơi đều ghi: chứng nhận tờ khai trên của đương sự là đúng.
Một
tháng sau, tôi có giấy gọi nhập học.
Năm ấy,
trường Nghiệp vụ ngân hàng Trung ương đóng tại xã Cổ Mễ, một làng cổ nằm bên bờ
sông Cầu, huyện Võ Giàng tỉnh Bắc Ninh. Trường chính là ngôi đình thuộc xóm
Đình của làng Cổ Mễ. Nghe dân làng kể thì:
Đình
làng Cổ Mễ khởi dựng vào năm 1681 và tồn tại đến nay, Đình nằm dưới chân núi
Châu Sơn (sau gọi là núi Đồn) xung quanh là làng xóm trù mật. Các cột trong
đình đều sơn son thếp vàng. Các mảng chạm khắc của đình này rất đẹp, thể hiện
các đề tài long vân đại hội, ngũ hổ tranh châu…với nghệ thuật điêu luyện. Đình
thờ Thánh Tam Giang (Trương Hống, Trương Hát), các vị đã có công giúp Triệu Quang
Phục đánh giặc Lương. Sau này các ngài lại hiển lịnh phù giúp Thái uý Lý Thường
Kiệt làm nên chiến công lừng lẫy. Làng còn thờ một ông quan võ họ Nguyễn tự
Phúc Hải quê ở Thanh Hoá. Ông lấy vợ tên là Đỗ Thị Thích quê ở Cổ Mễ. Hai vợ
chồng sống với nhau hạnh phúc, lúc mất táng tại lăng họ Nguyễn bây
giờ.
Tôi cùng
3 anh nữa người Thanh Hoá, Ninh Bình, Phú Thọ được gửi vào ở nhờ nhà một bác
nông dân chỉ có hai mẹ con, bà mẹ đã đứng tuổi còn cô con gái tên là Thoan mới
chừng 14, mồ côi cha từ năm lên 10. Nhà có sân gạch, có bể nước, trời mưa thì
hứng nước mưa từ một cây cau già chảy xuống, khi nước cạn thì gánh
nước giếng bên hông đình về đổ vào. Tôi để ý thì thấy hai mẹ con em Thoan ăn
uống rất đạm bạc, bữa nào cũng chỉ thấy lưng đĩa tôm tép tự bắt từ ngoài đồng
về với đĩa rau muống luộc chấm nước mắm cua múc từ cái vò quanh năm để giữa
sân, khi đi làm về bắt được con cua nào hai mẹ con lại rửa sạch rồi thả vào
trong cái vò ấy. Chúng tôi, ngày hai buổi lên lớp, đến bữa thì kéo nhau ra ăn
cơm ngoài bếp tập thể của trường dựng dưới chân núi Châu Sơn, tắm rửa đều ra
giếng bên đình nên cũng không gây nhiều phiền hà cho chủ nhà.
Lớp học
hồi ấy có trên một trăm người do anh Lê Viết Huyến cháu gọi ông Lê Viết Lượng,
Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam làm trưởng lớp. Học viên được thông
báo trong quá trình học tập, ai có đủ trình độ sẽ được đưa về ngân hàng các
tỉnh thành, ai xuất sắc sẽ được gửi đi đào tạo dài hạn ở các nước bạn. Vì vậy
không ai bảo ai, không khí thi đua học tập rất sôi nổi.
Các môn
học gồm Kinh tế triết học Mác-Lênin , Đường lối cách mạng của Đảng Lao động
Việt Nam và nghiệp vụ ngân hàng với các từ thu chi, nợ có và các phép tính toán
về các khoản tiền, nội dung cho vay tín dụng. Các giảng viên đều từ Hà Nội sang
dạy.
Tôi cố
gắng học tập với hy vọng chí ít thì sẽ được về ngân hàng Hà Nội làm việc, vì
vậy các đợt kiểm tra, môn nào tôi cũng đạt điểm 5.
Thấm
thoát, khoá học chỉ còn 1 tháng nữa thì thi ra trường. Bấy giờ đang cuối vụ
nghỉ hè của các trường phổ thông. Một trưa chủ nhật, khi bước vào nhà ăn tập
thể, tôi thấy có bốn người đang ngồi ăn ở một góc cái bàn dài. Họ vừa ăn vừa
nói cười rất vui vẻ với nhau. Thấy tôi vào, một trong bốn người ngẩng lên nhìn
tôi chăm chú. Tôi cũng nhìn lại anh ta và giật mình nhớ ra đây là anh Thủ, bí
thư chi đoàn lớp 8G bên cạnh lớp 8H cũ của tôi ở trường cấp 3. Chắc anh ta lên
chơi với bạn và được mời cùng ăn cơm tập thể. Linh tính báo cho tôi biết sẽ có
chuyện không không hay xẩy đến với tôi.
Quả
nhiên ngay hôm sau, vừa hết giờ học, anh Lê Viết Huyến đến chỗ tôi thông báo:
- Ban
giám hiệu muốn gặp anh. Anh đi cùng tôi ngay.
Tôi theo
anh Huyến đến phòng ban giám hiệu trên một quả đồi nhỏ. Ông hiệu trưởng đã chờ
sẵn, hỏi luôn tôi:
- Có
người báo cáo anh bị kỷ luật ở trường phổ thông sao không thấy khai trong lý
lịch?
Tôi nghĩ
chắc anh Thủ kia đã được họp ban chấp hành doàn toàn trường và được bí thư đoàn
trường nói về trường hợp của tôi. Nhưng về lý lẽ, tôi chưa hề được thông báo bị
kỷ luật và cũng chưa nhận án kỷ luật nên tôi mạnh mồm trình bày với ông hiệu trưởng
và cả anh Lê Viết Huyến ngồi bên cạnh ông ta rằng tôi chỉ vì hoàn cảnh nên đã
xin thôi học. Thế thôi. Không có chứng cứ gì làm bằng, ông hiệu trưởng đành
nói:
-Thôi
được, chúng tôi sẽ cho người về trường cũ của anh điều tra. Nếu man trá anh sẽ
bị đuổi học.
Sau đó
không thấy nhà trường đả động gì thêm về chuyện này. Có thể họ có điều tra
nhưng trường cũ nói tôi đã thôi học trước khi kiểm điểm dưới cờ. Trưởng
lớp Lê Viết Huyến chắc cũng không biết gì hơn nên vẫn chuyện trò với
tôi bình thường.
Bấy giờ
đã sang tháng Chín, còn nửa tháng nữa thì khóa học kết thúc.
Tôi viết
thư về hỏi thăm mấy người bạn thân và được biết, anh Nguyễn Hưng
Nhân vẫn ở nhà đọc sách và cò con chữa điện dân dụng, anh Nguyễn Văn May đã đậu
vào trường trung cấp ngoại ngữ khoa tiếng Nga, Anh Lê Đình Phúc chỉ được vào
Đại học Sư phạm Hà nội khoa Hóa học, mấy anh nữa cũng đều được xếp vào các
trường làng nhàng, không có ai được vào Y Dược, Bách khoa. Thậm chí anh Trần
Mai Chí còn không được vào trường đại học nào. Anh Phúc cho tôi biết thêm,
Nguyễn Đắc Sinh tức Bình Vọng, bí thư đoàn trường được chọn du học Liên Xô. Đọc
thư bè bạn, tôi buồn quá vì thấy số phận các bè bạn thân của mình sao mà hẩm
hiu thế.
Nhưng
chỉ hai tuần sau, số phận tôi cũng không hơn gì các bạn. Khi kết
thúc khóa học, lúc tổ chức nhà trường phát giấy phân công công tác, tôi mới tái
mặt lại khi đọc thấy tôi bị điều lên ngân hàng Thuận Châu, thủ phủ Khu tự trị
Thái Mèo ở miền Tây Bắc “núi vút ngàn trùng xa”. Vậy là họ có thể không nắm
trong tay văn bản kỷ luật nào về tôi nhưng đã được báo cáo về chuyện tôi làm
báo Ngôi Sao và dành cho tôi một cuộc lao động cải tạo.
Nhưng
không chỉ riêng tôi đi Tây Bắc mà còn 9 anh nữa là 10 người. Cùng cảnh ngộ,
chúng tôi tự tìm đến với nhau và cùng hiểu ra anh nào cũng có vấn đề
về lý lịch. Cụ thể như hai anh rất thân với tôi ở lớp học là anh Nguyễn Văn
Trịnh, con nhà tư sản phố Bát Đàn đang học dở lớp 10 Chu Văn An, anh
Phạm Xuân Đăng, người Hải Phòng cũng con nhà tiểu chủ cũ có ca nô chạy bến Tam
Bạc - Hồng Gai…
3
Công
lệnh cho chúng tôi được nghỉ về thăm nhà 10 ngày rồi lên đường đi Tây Bắc ngay.
Chúng tôi hẹn gặp nhau ở cửa hàng ăn uống quốc doanh Thủy Tạ bờ Hồ Hoàn Kiếm,
gọi mỗi người một cốc cà phê mà thời bấy giờ gọi là cà phê bít tất, thứ cà phê
pha bằng cách cho vài lạng một lúc vào một cái túi vải rồi buộc chặt lại đặt
vào trong nồi nước đun xôi lên cho nó tự thôi ra thành nước cà phê.
Một anh
trong bọn hỏi:
- Như
vậy là bọn mình coi như nhận án lưu đầy lên miền núi. Các anh nghĩ xem có nên
đi không? Nếu đi thì mai ta cùng ra bến ô tô, không đi thì ta trả lại công
lệnh.
Anh Phạm
Xuân Đăng cười khà khà đáp:
- Đi
chứ, sợ gì mà không đi. Chúng ta còn trẻ, coi như đi cho biết đó biết đây, cứ
lên đó làm việc xem sao rồi tính tiếp.
Mọi
người thấy anh Đăng nói là phải nên sáng hôm sau cùng nhau ra bến xe đi Thuận
Châu.
Đó là
một chuyến xe bão táp vì xe cũ độ xóc rất lớn mà đường bấy giờ cũng lại xấu nên
nhiều hành khách bị quật ngả quật nghiêng rồi nhồi lên nhồi xuống xanh xám mặt
mày rồi nôn thốc nôn tháo vào những tờ giấy báo cũ. Đêm đầu tiên ngủ đỗ tại Hoà
Bình, vào cửa hàng ăn quốc doanh có cơm có thịt vịt bầu bến nhưng ai cũng mệt
không nuốt trôi miệng được. Đêm thứ hai ngủ ở Mộc Châu, mới cuối tháng Chín đã
lạnh phải dở chăn bông ra đắp. Sáng dậy trước khi đi tiếp, món phở vịt có
nước nên bảo nhau cố húp cho có sức. Cuối chiều ngày thứ ba thì đến Thuận Châu,
đỗ bến dưới chân núi để trả khách. Đoàn cán bộ Ngân hàng mới 10 người chúng tôi
phải leo bộ chừng 1 cây số đường dốc nữa mới đến cơ quan trong ATK của thủ phủ,
trình báo giấy tờ rồi nhận chỗ ở là một cái lán rộng thênh thang mái lá vách
tranh, giường là một tấm phản tre nứa dài rộng, tự chia nhau ra từng ô rồi mắc
màn lên mà ngủ. Một thanh niên trẻ người tầm thước bận một bộ đồ màu chàm,
giọng lơ lớ tự giới thiệu:
- Tôi là
On, người dân tộc Thái, đội trưởng đội bảo vệ cơ quan thông báo cho các đồng
chí biết, nội quy cơ quan là 9h tối kẻng đi ngủ đồng thời máy phát điện cũng
ngừng chạy, 5h sáng kẻng báo thức. Các đồng chí có 5 phút gấp chăn màn để gọn
đầu giường rồi ra bãi tập thể dục theo loa công cộng. Tập thể dục xong thì các
đồng chí tự đi làm vệ sinh cá nhân rồi xuống núi ăn sáng xong về làm việc vào
lúc 7 giờ. Bây giờ các đồng chí xuống núi ăn uống vì cơ quan đã hết giờ ăn từ
chiều.
Xuống
núi vào cửa hàng ăn uống mậu dịch quốc doanh thấy có cơm nhưng thức ăn chỉ còn
món thịt trâu xào chúng tôi bảo nhau mỗi người ăn một bát phở trâu rồi về lán
đợi giờ đi ngủ
Chúng
tôi phải ngủ chung trong một cái lán rộng thênh thang mái lá vách tranh, giường
là hai tấm phản tre nứa dài rộng kê song hàng cách nhau một lối đi rộng hơm một
mét chạy dài từ đầu đến cuối lán, tự chia nhau ra từng ô rồi mắc màn lên mà
ngủ. Nửa đêm gió núi lùa vào đắp chăn bông mà vẫn thấy lạnh.
Sáng hôm
sau cả bọn còn đang vùi trong chăn ngủ thì nghe tiếng kẻng khua vang rồi có
tiếng On từ ngoài lán vọng vào “Dậy đi! Đến giờ thể dục sáng rồi”.
Tất cả đều bật dậy, cứ để chăn màn đấy khoác áo ấm bước ra ngoài lán, xếp hàng
theo chỉ dẫn của On và dơ chân dơ tay theo tiếng loa hô động tác 1, động tác
2…trong ánh sáng vàng khè của chiếc bóng đèn điện quả lê bên cạnh cái loa cùng
treo trên một cây nứa dài đang lắc lư trước gió.
Sau ngày
làm việc đầu tiên, chúng tôi mới biết ngân hàng khu tự trị mới thành lập. Giám
đốc là một cán bộ người miền Trung tập kết ra Bắc, kế toán trưởng là một ông
già ngoài 50 nguyên là kế toán của một ngân hàng thời Hà Nội ta chưa tiếp quản.
Dưới quyền hai ông ngân hàng mới có vài nhân viên nay có thêm 10 người chúng
tôi lên tăng cường và ổn định nhân lực. Ở các địa phương dưới thủ phủ có các chi
điếm ngân hàng, mỗi chi điếm chỉ có vài ba người làm việc.
Chúng
tôi được phân công mỗi người một nhiệm vụ nhưng cùng làm việc trong một phòng.
Hết giờ cùng về ăn cơm dưới nhà ăn cạnh bếp. Cơm chia theo suất, mỗi người một
đĩa cơm gạo nếp Thái hạt cơm có hạt màu tím có hạt màu vàng, ăn dẻo và hơi dính
miệng, một đĩa nhỏ chừng hai ba thìa thịt lợn rang kho hoặc xào nấu, loại lợn
nuôi thả rông ngoài bìa rừng nên cứng và dai, một bát canh rau nhỏ. Là cơm nếp
nên phải ăn trước với thịt lợn xong rồi mới ăn rau và húp nước canh cho trôi
miệng. Theo lệ chỉ ngày chủ nhật mới được ăn gạo từ miền xuôi lên vì vậy ai
cũng mong đến chủ nhật vừa được nghỉ vừa được ăn thứ gạo đã ăn quen thuộc từ
ngày còn tấm bé.
Chủ nhật
đầu tháng, theo lệ cơ quan, anh em phải vào rừng chặt củi đem về cho nhà bếp
phơi để có củi đun. Ba chủ nhật kia tự do nên chúng tôi thường rủ nhau vào các
bản xa của người Mèo vừa thăm cánh sống của họ vừa mua ít trứng gà đem vè co
quan bồi dưỡng. Cũng có hôm khong đi xa ở nhà sang bên văn hóa xem các cô văn
công người thái tập múa hát hoặc chờ buổi chiều rủ nhau ra suối tăm, tìm cách
mon men lên phía đầu nguồn nhìn trộm các cô gái thái tăm. Gọi là nhìn trộm vì
nếu để lộ mình ra, họ sẽ bảo nhau ẩn hết thân mình xuống nước chỉ hở
ra cái mặt từ miệng trở lên mà trên đầu họ cũng chùm khăn kín tóc.
Lâu lâu,
vài ba người được cử đi các tỉnh trong khu tự trị, theo xe chở it hòm tiền, mỗi
người được phát một khẩu súng trường đeo ngang vai. Chuyến đi có mệt nhọc nhưng
cũng nhiều thú vị.
Nhìn
chung cuộc sống ở ngân hàng miền núi không có gì vất vả khổ ải cho lắm ngoài
cái nỗi nhớ gia đình và bè bạn ở miền xuôi nếu không có sự đối xử kỳ thị của
ông giám đốc. Chẳng hiểu sao, một lần ông gọi tôi lên phòng làm việc riêng của
ông ta rồi hỏi:
- Nghe
nói hồi học phổ thông, đồng chí hay viết báo tường hả? (Dạo ấy lãnh đạo cơ quan
gọi ai cũng là đồng chí hết còn nhân viên dưới quyền thì gọi người đứng đầu là
thủ trưởng)
- Dạ,
báo cáo thủ trưởng, tôi cũng có viết theo phong trào chung của lớp.
- Đâu
phải thế, đồng chí cầm đầu cả một nhóm ra hẳn một tờ báo lớn chống phá nhà
trường khá dữ đội. Giờ tôi giao cho đồng chí phụ trách bích báo của cơ quan,
đồng chí có nhận không?
Nghe ông
giám đốc nói thế, tôi bỗng thấy nổi nóng trong người, bèn trả lời:
- Nếu
thủ trưởng đã nghĩ về tôi như thế thì tôi đâu dám nhận vì e rằng sẽ
bị cho là lại chống đối cơ quan.
- Như
thế là đồng chí đã chống lệnh thủ trưởng rồi đó. Tôi nói cho đồng chí biết, tôi
đã chiến đấu gian khổ ở khu Năm nhiều năm, giờ ra đây không để cho một người
suốt 9 năm kháng chiến được sống ở Hà Nội chống lệnh đâu nhé.
- Sao
thủ trưởng lại nói tôi chống lệnh? Tôi chỉ nói là tôi không dám nhận nhiệm vụ
vì thủ trưởng đã có thành kiến với tôi trong công việc đó.
-Tôi
không thành kiến với đồng chí mà gán cho đồng chí như thế. Đó là tội lỗi mà
đồng chí đã phạm, nói để cho đồng chí biết mà liệu làm việc cho tử tế dưới
quyền của tôi thôi. Giờ đông chí về làm việc đi.
Mấy chút
cảm tình về cuộc sống ở miền núi trong tôi tự nhiên tan biến hết.
Sau đó
ít ngày tôi có lệnh giám đốc cho thôi làm việc ở văn phòng mà điều sang bộ phận
tín dụng, thêm anh Nguyễn Văn Trịnh cùng điều sang dưới quyền của một anh người
dân tộc. Một công việc gian nan và cực nhọc: Vài anh chị em cùng nhau lội bộ
khiêng, gánh những hòm tiền đến những vùng cao xa xôi nhất, hiểm trở nhất và
cũng là nghèo nhất cho dân bản làng vay để tăng gia sản xuất, đi đâu cũng thấy
núi và sỏi đá cùng gió hoang vu, có khi nửa ngày không nhìn thấy một nếp nhà
nhỏ. Có hôm sương đêm chưa tan đã phải lên đường, có ngày mưa phủ kín núi rừng
qua ngày qua đêm, phải bảo nhau cố tìm được một hang núi để trú ẩn vừa bảo vệ
không cho hòm tiền bị ướt vừa tránh cho không bị sét đánh và vắt cắn. Công tác
tín dụng miền núi thời ấy như thế nhưng có ông nhạc sĩ chỉ ngồi ở Hà Nội, uống
chè móc câu thượng hạng, nghe một nữ nhân viên làm tín dụng, người dân tộc Tày
do một ông lãnh đạo cao cấp của ngân hàng đã chọn làm chim mồi kể về chuyện em
đi làm tín dụng vui sướng như con chim đang hót giữa núi rừng mùa xuân khiến
ông nhạc sĩ đã viết nên một bài hát với những lời thật hay đẹp và lãng mạn. Bài
ca đã được nhiều danh ca hát và được phát véo von trên loa đài công cộng nhiều
năm liên tiếp.
Ơ ớ ơ này chim hãy hót lên đi cho tiếng lòng ta vui hát
với
Bản làng luôn vẫn nói đến công ơn Đảng, ơn Chính phủ
Đã giúp ta xây dựng cuộc đời...
Trải mấy năm qua em đi làm tín dụng, làm tín dụng
Em mang tiền Chính phủ cho bản làng vay đủ
Nuôi thêm đàn lợn béo, trồng thêm lúa thêm nương...
Nỗi chán
nản trong tôi ngày một đầy lên, phần vì gian khổ phần vì cảm thấy mình bị coi
là một thành phần chống đối nên đã bị lưu đầy lên miền núi giờ lại bị đầy đọa
cho thêm khốc hại.
4.
Một
hôm, tôi bàn với anh Nguyễn Văn Trịnh “Hay ta bỏ về Hà Nội?” thì anh Trịnh bảo,
hoàn cảnh nhà tôi ở Hà Nội giờ đang rất khó khăn. Bố mẹ tôi thì đã già, ngoài
việc buôn bán ra không biết làm gì mà việc buôn bán thì nay bị cấm. Anh trai
tôi, anh Nguyễn Văn Nho, vừa đỗ tú tài xong thì tiếp quản Hà Nội, gia đình bị
quy thành phần tư sản, không thể xin việc làm ở các cơ quan nay tạm làm nghề
đạp xích lô để kiếm sống. Chả nhẽ tôi về rồi cũng lại đi đạp xích lô như anh
Nho?
Anh
Trịnh là người bạn thân nhất của tôi khi cùng học trường nghiệp vụ ngân hàng.
Tôi thân với anh vì hoàn cảnh anh cũng nhiều trắc trở trên đường học tập, phần
khác vì anh rất nghệ sĩ đặc biệt là giọng ngâm thơ rất trầm và ấm hết sức quyến
rũ lòng người. Hồi đang học lớp 9 trường Chu Văn An, anh đã được đoàn kịch nói
Trung ương cho diễn một vai phụ trong vở Bão Biển của Vương Lan do Thế Lữ đạo
diễn. Anh cũng nhiều lần được đài phát thanh Hà Nội mời ngâm thơ. Nhưng anh
biết thành phần giá đình nhà anh đã chặn hết lối vào Đại học vì vậy đang học dở
lớp 10, thấy trường nghiệp vụ ngân hàng cần tuyển sinh khoá đầu tiên, anh đã
nộp đơn xin nhập học. Nay anh chân tình nói thế, không nhẽ tôi cứ nài nỉ anh
cùng bỏ việc như mình.
Không có
bạn hưởng ứng, nhưng tôi thấy tôi phải bỏ việc để về Hà Nội cho đỡ
tủi nhục. Tôi viết thư về nhà nói với anh tôi rằng tôi rất nhớ nhà đồng thời
cũng muốn về Hà Nội mua mấy thứ vật dụng vì ở tren này không có và bao anh đánh
lên cho tôi một bức điện nội dung là “Mẹ ốm nặng, về ngay” để tôi xin phép cơ
quan cho về.
Hơn 10
ngày sau bức điện lên tay tôi. Tôi lên gặp giám đốc với tờ đơn xin nghỉ phép về
thăm mẹ ốm. Ông ta nhìn tôi xăm xoi rồi vừa ký giấy phép cho tôi vừa răn đe:
- Tôi
cho anh nghỉ phép năm, vừa đi vừa về là 12 ngày. Đúng hạn anh phải lên nếu
không sẽ bị kỷ luật.
Lại đe
dọa kỷ luât. Ôi kỷ luật kỷ luật là gì mà nó luôn luôn bủa vây tôi đến thế?
Hôm sau
tôi ba lô áo mũ chào một số anh em ra bến ô tô. Anh Trịnh như biết tôi sẽ ở lại
Hà Nội, nắm mãi tay tôi và nói:
- Cố
gắng vượt qua mọi sóng gió nhé.
Về Hà
Nội, tôi dùng 10 ngày phép thăm chơi các bạn bè cũ. Khi hết phép, tôi lại tìm
vào thư viện Quốc gia đọc sách để chờ đợi bão táp từ Ngân hàng khu Tự trị Thái Mèo
thổi về.
Cũng
chẳng phải chờ đợi lâu, khoảng hai tuần sau khi giấy phép hết hạn, một công văn
ký tên giám đốc ngân hàng Thuận Châu chuyển về gia đình tôi ở quê. Tôi phải lấy
địa chỉ ấy vì khi đi Tây Bắc, chúng tôi đều đã bị cắt hộ khẩu vở Hà Nội lại thêm
giấy cho tôi nghỉ phép cũng ghi nơi tôi đến là quê tôi.
Giờ thì
anh tôi và cả nhà biết tôi bỏ việc, ai nấy đều lo lắng nên tôi phải nói lời
chấn an với anh tôi:
- Việc
em làm em đều có tính toán. Anh và gia đình không phải lo cho tổn
hại sức khỏe,
Sau đó
tôi viết một cái đơn xin thôi việc gửi ban giám đốc ngân hàng Thuân Châu nêu
một lý do duy nhất là tôi bị mất ngủ, sức khỏe giảm sút không đảm nhiệm được
công việc, xin ở nhà chữa bệnh.
Ba tuần
sau lại một công văn về quê cho tôi nhưng không phải công văn của ngân hàng
Thuận Châu mà là của ngân hàng Nhà nước Việt Nam 49 Lý Thái Tổ, Hà
Nội. Công văn yêu cầu tôi phải có mặt đúng ngay..., giờ... để giải quyết việc
tôi bỏ việc.
Tôi đến
Ngân hàng Nhà nước, đưa công văn và được đưa vào gặp ông Tạ Hoàng Cơ, phó tổng
giám đốc. Ông Tạ Hoàng Cơ nhìn tôi rồi nghiêm sắc mặt nói việc tôi xin về phép
rồi không lên Thuận châu làm việc nữa là một hành động đào nhiệm, yêu cầu tôi
ký vào biên bản và ngay hôm sau phải trở lại nhiệm sở. Tôi trình bày về Hà Nội
tôi thấy sức khỏe giảm sút nên đã viết đơn xin thôi việc thì ông Cơ giải thích
muốn xin thôi việc thì phải về nhiệm sở chờ cấp trên quyết định bằng không là
vi phạm qui chế tổ chức. Tôi nói tôi không thể lên được vì đang yếu mệt thì ông
Cơ bảo, anh không trở lại nhiệm sở thì chúng tôi sẽ truy tố. Tôi đáp cái đó tùy
các ông. Biết tôi không lay chuyển, ông phó tổng giám đốc bảo vậy anh cứ về đi
rồi đợi tòa án gọi.
Quả
nhiên ba hôm sau có giấy tòa án Nhân dân tối cao gọi. Cũng không hiểu hồi đó
toà án phân caapsra sao mà việc của tôi lại do toà án Nhân dân tối cao gọi.
Người tiếp tôi là luật sư chánh án Phạm Văn Bạch. Tôi đã nghe tên
ông và biết ông là người miền Nam tập kết ra Bắc theo tinh thần hiệp nghị Giơ
ne vơ. Ông Phạm Văn Bạch đúng là một trí thức hiền hậu. Ông nhìn tôi rồi mỉm
cười:
- Còn
trẻ thế mà đã bị đề nghị truy tố về tội đào nhiệm thì tương lai sẽ ra sao hả
cậu?
Rồi ông
bảo tôi bình tĩnh trình bầy hết sự thật về nguồn cơn khiến tôi không trở về
Ngân hàng Thuận Châu làm việc. Tôi thấy ông là người không có ý gì đe dọa tôi
nên gọi ông là bác xưng cháu và nói hết nguồn cơn từ khi theo học lớp Ngân hàng
đến khi lên Thuận Châu công tác và kết luận, cháu cảm thấy cháu bị đày đọa chứ
khong phải là được công tác do đó cháu mất niềm tin và đã tự ý bỏ việc. Ông
Phạm Văn Bạch chăm chú nghe rồi bảo tôi:
- Dù thế
nào thì cậu cũng đã bỏ việc vô tổ chức. Giờ tốt nhất là trở lại Thuận Châu đề
đạt mọi nguyện vọng của mình để lãnh đạo họ xem xét. Tôi nhắc lại với ông Bạch
về thái độ của giám đốc Ngân hàng Thuận Châu đã đối xử với tôi rồi trả lời ông:
- Một
người đã có thành kiến rất xấu về cháu như thế không bao giờ họ giải quyết công
bằng cho cháu được. Vì vậy cháu không lên Thuận Châu nữa.
Nghe
thế, ông Phạm Văn Bạch gọi người giúp việc bảo anh ta đem cuốn sách về luật cán
bộ công chức ra đẻ lên bàn rồi bảo tôi:
- Vậy
giờ cậu ngồi đọc từ điều số...đến điều số...ở trang ...trong cuốn luật này đi
rồi chờ tôi vào giải quyết.
Nói xong
ông ta ra khỏi phòng. Tôi mở cuốn luật đọc như lời ong căn dặn. Chừng 15 phút
sau ông trở lại hỏi;
- Đã đọc
xong chưa?
- Dạ,
xong rồi ạ
-Vậy
nhắc lại nội dung tôi nghe xem sao?
- Dạ,
người đào nhiệm sẽ bị hình phạt từ 3 tháng đến 3 năm tù.
- Đúng
thế! Vậy cậu trả lời dứt khoát cho tôi biết, cậu có trở lại cơ quan hay không?
Không
hiểu sao lúc ấy tôi thấy nghẹn đắng trong cổ nhưng tôi cương quyết trả lời:
- Dạ,
thưa bác cháu không ạ!
Ông Phạm
Văn Bạch nhìn tôi rồi lắc đầu:
- Ta
thấy cậu cũng bằng tuổi con trai ta nên ta khuyên thành thật cậu không nên
chống đối mà nên trở lại công tác. Cuộc đời của cậu còn dài lắm. Thế nào, có
nghe lời khuyên của ta không?
Tôi đáp
lại:
- Cháu cám ơn bác đã khuyên nhủ nhưng cháu không trở lại
công tác đâu ạ!
Ông Phạm
Văn Bạch gấp cuốn luật cán bộ công chức lại rồi buông lời cuối cùng cho tôi:
- Vậy
thì về đi, về mà đợi công an đến bắt giải về cơ quan.
Chả hiểu
sao, tôi rắn đanh đáp lại ông:
- Cháu
sẵn sàng chờ đợi.
Ngày hôm
sau, hôm sau rồi hôm sau nữa, tôi nằm dài trên chiếc giường gỗ xoan trong căn
buồng nhỏ nền đất của gia đình chờ đợi cái gì sẽ đến nhưng chẳng có
gì xảy ra cả. Cho đến ngày thứ bẩy thì có giấy của tòa án gọi tôi ra.
Vẫn ông
Phạm Văn Bạch tiếp tôi. Ông rút trong ngăn kéo bàn làm việc ra một phong thư
to, bốn góc và ở giữa mặt dán phong thư đều có gắn xi đóng dấu chìm. Ông đưa
phong thư cho tôi rồi bảo:
- Đem
cái này đến Ngân hàng Nhà nước đưa cho ông phó tổng giám đốc.
Tôi đón
phong thư, lễ phép đáp Vâng ạ rồi kính cẩn chào ông và đem thư đi ngay đến trụ
sở Ngân hàng Nhà nước.
Ông phó
tổng giám đốc Hoàng Ngọc Cơ mở thư ra xem rồi hất hàm hỏi tôi:
- Tôi
hỏi lần cuối, anh có trở lại cơ quan không?
- Thưa
ông, không!
- Vậy
anh đọc giấy quyết định của tòa án đi
Ông ta
đưa cho tôi tờ giấy của tòa án. Tôi đọc, đại để là có những điểm chính như sau:
Chiểu
theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tòa án tối cao đã gặp đương sự
là...Sau khi nghe đương sự trình bày và xem xét mọi mặt, nay đề nghị ban lãnh
đạo Ngân hàng Nhà nước:
- Cho
... thôi việc
- Buộc y
phải bồi thường toàn bộ số tiền đã đào tạo tại trường trường nghiệp vụ Ngân
hàng Cổ Mễ Bắc Ninh. Thời hạn hoàn trả hết là 6 tháng.
- Thông
báo về quê quán cho chính quyền sở tại biết để quản lý và giáo dục đương sự,
không cho đi khỏi địa phương trong thời hạn là ba năm.
Xem xong
tôi đưa trả lại tờ giấy cho ông Hoàng Ngọc Cơ. Ông Cơ nói:
- Về
phía Ngân hàng chúng tôi sẽ tư giấy về địa phương và yêu cầu địa phương nhắc
nhớ anh hoàn lại số tiền chi phí cho việc đào tạo trong vòng 6 tháng. Nếu anh
không trả chúng tôi sẽ lại đưa sang tòa án.
Nói rồi
ông ta lấy một tờ giấy đánh máy sẵn điền vào các dòng trống đưa cho tôi. Đó là
tờ giấy quyết định cho tôi thôi việc và tôi phải trả số tiền là bao nhiêu về
hai khoản chính là 6 tháng học bổng mỗi tháng 24 đồng và các chi phí về tài
liệu học tập, tất cả khoảng gần 180 đồng. Số tiền này với tôi lúc bấy giờ không
phải là nhỏ vì lương cán bộ ngân hàng của tôi mỗi tháng chỉ có 28 đồng cộng 15%
phụ cấp đắt đỏ ở miền núi là hơn 32 đồng mà hầu hết bọn tôi gần như tháng nào
cũng tiêu gần hết. Giờ đào đâu ra số tiền trên mà trả nợ.
Biết thế
nhưng tôi cứ đáp một tiếng vâng rồi chào ông phó tổng giám đốc ra về.
5
Tôi nói
cho mọi người trong gia đình biết hết chuyện tôi đã gặp Toà án nhân dân tối cao
và Ngân hàng Nhà nước ra sao và bảo tình hình này tôi không thể ở quê được rồi
tôi ra ngay Hà Nội xin dì tôi cho tôi ở nhờ một thời gian, chỉ nói là tôi thôi
làm ở ngân hàng miền núi về để sẽ kiếm việc khác cho được gần nhà. Tôi đưa ít
tiền cho cô em họ con gái cả của dì và bảo em đưa mẹ em hộ anh để phụ giúp việc
ăn uống. Rồi hàng ngày, tôi lại lên thư viện đọc sách, nhịn suông bữa điểm tâm,
khát thì ra uống nước máy ngoài vườn của thư viện. Cũng có lúc tôi nghĩ ra lại
ngoài sông Hồng xin bốc xếp tre nứa như đã làm trước đây nhưng rồi thấy ngần
ngại nên thôi.
Bấy giờ
là đầu tháng Hai năm 1960.
Một hôm
ở thư viện về, trong lúc chờ bữa cơm chiều, tôi nhớ ra cái tủ sách của cậu tôi.
Trước khi vào Nam, cậu tôi bảo với tôi:
- Vì mợ
là con cháu một dòng họ địa chủ lớn lại cũng có cả trăm mẫu ruộng đất ở Hải
Dương, mặc dù từ lâu cậu mợ không trực tiếp trông coi mà đã giao cho ông Hai
Duyên quản lý nhưng sau mấy tháng ở lại, cậu thấy không đi sẽ bị nguy hại
trong CCRĐ sắp tới. Vì thế cậu mợ phải đưa các em vào Nam. Cháu ở lại cố mà học
cho nên người. Cháu học được nên cậu tin rằng cháu sẽ có tương lai. Cậu đi
không có tiền của cho cháu mà chỉ để lại cho cháu cái xe đạp, cái tủ sách và
cái máy ảnh Kodak này. Cậu biết cháu rất ham đọc sách báo, vậy giữ lại mà dùng.
Cái xe đạp cậu cho tôi là xe nữ cậu mới mua đầu năm 1954 còn rất mới.
Nhãn hiệu xe là Aniella với hình một cô đầm mái tóc theo gió hất ngược về phía
sau để lộ khuôn mặt xinh đẹp và vầng trán thông minh đầy gợi cảm. Chắc nhà sản
xuất ngụ ý, khách nữ đi xe Aniella, cô nào cũng sẽ xinh đẹp và thông minh
gợi cảm như thế.
Sau này
cái xe đạp Aniella của cậu tôi cho đã theo tôi suốt hai chục năm trời, phụ tùng
hỏng hết chỉ còn cái khung được lắp ghép đủ các thứ phụ tùng thay thế, được mua
mới theo phân phối cũng có mà mua ở chợ giời vỉa hè sông Lấp cũng có. Cái máy
ảnh Kodak thì thời đó đào đâu ra phim, mua chui của những người đi học nước
ngoài về thì tiền đâu cho sự ăn chơi nên cứ để một chỗ lâu dần cũng đã bị hỏng.
Còn cái tủ sách báo thì tôi vốn là người hay đóng các số tuần báo lại thành tập
theo từng tháng cho cậu, nhìn chung tôi cũng đã được đọc hết rồi nay giữ lại
làm kỷ niệm và khi nào thích thì đọc lại.
Nhưng
khi mở cái tủ sách ấy ra, tôi bỗng giật mình vì sách báo trong tủ đã vơi đi gần
hết. Không biết dì tôi hay các em họ đã cho ai mượn hoặc đã dùng để làm
gì? Tôi nghĩ thế nhưng không dám hỏi mà chỉ cầm lên một cuốn truyện bất kỳ nhìn
xem thì đó là cuốn Gánh hàng hoa của Nhất Linh và Khái Hưng do Nhà xuất bản
Phượng Giang ấn hành. Tự nhiên tôi nghĩ trong túi tôi giờ không còn lấy một xu
mà tóc tôi đã dài cợp gáy cần phải đi căt ngay để vào thư viện mọi người khỏi
nhìn tôi như nhìn một người rừng Tazan trong các phim ảnh đã chiếu rộng rãi
trong các rạp phim thời thuộc Pháp.
Vì thế
ăn cơm xong tôi lẳng lặng đem cuốn sách lên ngã tư Lý Thường Kiệt và Hàng
Bài
vào một hiêu mua bán sách cũ.
- Ông có
mua cuốn này không? Tôi hỏi ông chủ quán
Ông ta
đón cuốn sách tôi đưa rồi giương đôi mắt sau làn kính cận dầy như cái trôn bát
ra nhìn:
- Sách
này giờ đang bị cấm mấy ai còn dám đọc
- Vậy
ông có mua không?
- Tôi là
dân mua bán sách cũ thì sách gì tôi cũng mua nhưng sách của cậu đang bị cấm nên
sẽ rất khó bán lại, vì vậy nếu cậu bán rẻ thì tôi mua để đấy thôi.
- Ông
trả bao nhiêu?
- Tám
hào.
- Rẻ thế
cơ à? Ông nên biết, sách của Tự lực văn đoàn càng cấm người ta càng muốn tìm
đọc. Ở thư viện Quốc gia phải có thẻ nghiên cứu mới được mượn đọc tại chỗ đấy.
- Vậy
cậu bán cho thư viện Quốc gia được đấy.
- Là tôi
nói thế nghĩa là cấm nhưng không bắt tiêu huỷ hay đốt hết đi. Người nghiên cứu
cần đọc và người dân thường cũng muốn đọc.
- Vậy
cậu đòi bao nhiêu?
- Một
đồng hai.
- Cao
quá! Tôi trả cậu lần cuối cùng là một đồng. Nếu bán thì tôi mua bằng không thì
cậu cầm lấy sách dem đi chỗ khác mà bán
Thấy cò
kè thêm chắc cũng thể hơn cái giá ấy, tôi đành bán Gánh hàng hoa cho ông ta lấy
một đồng bạc và nhẩm tính nếu nhịn tiêu pha sẽ cắt tóc được 5 lần.
Nhưng sáng
sớm hôm sau tôi chưa vội đi căt tóc mà ghé qua nhà anh Nguyễn Hưng Nhân ở phố
Mai Hắc Đế, gõ cửa gọi anh ra vỉa hè.
- Đi ăn
phở - Tôi nói.
- Tiền đâu
mà ăn phở? Anh Nhân hỏi lại.
- Tiền
đây. Tôi móc túi giơ lên tờ giấy một đồng
- Hôm
qua anh vừa bảo với tôi tiền cắt tóc cũng không có cơ mà
- Tôi
vừa bán cuốn truyện Gánh hàng hoa được một đồng. Hai bát phở mất 5 hào, đi
thôi.
Chúng
tôi vào hiệu phở Tuân ngay đầu ngã ba phố Trần Nhân Tông và Mai HắcĐế gọi hai
bát phở tái nạm rồi ngồi chờ ở bàn. Anh Nhân vớ tờ báo Thời Mới, đọc lướt qua
các tít ở trang 1, 2, 3 rồi lật sang trang 4 và chợt khẽ kêu lên:
- Anh
xem này, Sở Giáo dục Hải Phòng đang tuyển giáo viên dân lập
Tôi đón
tờ báo và chăm chú đọc những dòng chữ nơi anh Nhân chỉ. Anh hỏi tôi:
- Chúng
mình thử nộp đơn xem sao. Anh thì đủ tiêu chuẩn dạy cấp hai đấy vì anh đã học
gần hết lớp Chín. Còn tôi, học xong lớp 7 thi vào trung cấp kỹ thuật nên chỉ đủ
tiêu chuẩn dạy cấp 1 thôi
- Anh
không ở nhà chữa điện dân dụng cho bà con nữa à? Tôi hỏi
- Mình
không phải là thợ chuyên nghiệp nên công việc cò con lắm lại lúc có lúc không
nên tôi muốn tìm một cái nghề để ổn định cuộc sống.
Vừa hay
người phục vụ đem đến hai bát phở. Tôi bảo:
-Ăn đi
đã rồi tính sau.
Ra khỏi
hàng phở, anh Nhân bảo:
- Giờ về
chuẩn bị hồ sơ rồi viết đơn, xong đem ra bưu điện chính gửi ngay thôi.
Tôi về
nhà dì tôi, lòng nặng trĩu nhưng lo lắng. Hồ sơ xin việc không đòi hỏi gì ngoài
ba thứ: 1 tờ đơn xin việc, 1 bản khai lý lịch và 1 giấy chứng nhận học lực.
Đơn thì
không tính nhưng bản khai lý lịch và chứng chỉ học lực thì lấy đâu ra?
Nghĩ đến
bản khai lý lịch, tôi vội đến nhà máy ô tô 1/5 Hà Nội nơi anh trai tôi làm ở
đấy, nhờ người bảo vệ gọi anh ra rồi nói với anh:
- Em cần
một tờ lý lịch để xin việc làm. Anh về bảo chị dâu xin chứng thực cho em có
được không?
Anh tôi
lắng nghe xong liền lắc đầu ngay:
- Giờ đã
có giấy từ Ngân hàng Nhà nước tư về xã để quản lý và giáo dục chú thì ai người
ta chứng thực cho mà xin?
Cả hai
anh em cùng im lặng. Lát sau anh tôi hỏi:
- Lần
trước nhà tôi xin cho chú 2 tờ khai lý lịch, chú dùng hết rồi à?
- Chưa
–Tôi đáp, còn một bản nhưng em sợ đã cũ rồi
- Cũ gì
mà cũ, mới chưa qua một năm. Bí quá chú cứ thử dùng xem sao? Cũng chỉ còn nước
ấy thôi.
Nghe
anh, tôi về lục tìm bản lý lịch còn lại khi xin học lớp đào tạo cán bộ ngân
hàng, xem ngày đóng dấu thấy còn một tháng nữa mới đầy năm. Tôi mừng quá nhưng
lại lo lắng ngay khi nghĩ tới cái giấy chứng chỉ học lực. Xem ra cái giấy này
không chỉ khó khăn mà còn rắc rối hơn nhiều. Vì khi tôi tự bỏ học mà còn một
tháng nữa mới nghỉ hè như vậy tôi đâu đã học xong lớp Chín! Lại thêm suốt từ
bấy đến nay tôi không đến xin lại học bạ, không biết bây giờ trường cũ ra sao?
6
Nhưng
việc cần thì phải tính. Tôi quyết định đến trường cũ. Người đầu tiên tôi gặp là
bác bảo vệ ở cổng trường. Tôi hỏi bác trường có gì đổi mới không thì bác cười
xuề xoà đáp:
- Cơ
ngơi nhà trường thì vẫn thế nhưng đội ngũ giáo viên thì năm nào mà chẳng có đôi
chút thay đổi. Một số thầy cô giáo mới ra trường được nhận về. Một số thầy cô
giáo cũ bị chuyển sang trường khác hoặc điều lên Bộ nhận nhiệm vụ mới trong đó
có thầy hiệu phó bí thư chi bộ được đề bạt lên làm hiệu trưởng một trường mới
mở ở khu phố Ba Đình.
Nghe bác
bảo vệ nói, tôi thấy có chút yên tâm trong lòng vì sẽ không phải gặp thầy hiệu
phó bí thư chi bộ đã nhẵn mặt tôi và chắc vẫn giữ trong lòng những thành kiến
với tôi.
Vì thế,
tôi chào bác bảo vệ và mạnh dạn vào phòng thầy hiệu trưởng, người chưa trực
kiến mặt tôi một lần. Thấy tôi thưa muốn xin lại học bạ, thầy hiệu trưởng cho
gọi cô văn thư, bảo cô tìm học bạ cho tôi. Nhưng sau một hồi khá lâu, cô văn
thư lên báo cáo hồ sơ học bạ của tôi đã bị thất lạc đâu đó tìm các nơi đều
không thấy. Nghe thế, thầy hiệu trưởng tỏ ra ngần ngại bảo tôi:
- Ngày
mai em đến có được không? Để bên văn thư tìm kỹ lại xem.
Tôi nói
với thầy hiệu trưởng:
- Thưa
thầy, thầy cho em xin một cái chứng chỉ học lực cũng được ạ!
Thầy
hiệu trưởng hỏi:
- Chứng
chỉ à? Cũng được. Năm ấy, em học lớp thầy nào chủ nhiệm?
Tôi thưa:
- Thầy
Hoàng An ạ!
-Thầy
hiệu trưởng nhìn vào tờ thời khóa biểu treo trên tường rồi nói:
- Rất
may, thầy Hoàng An đang trống tiết học này. Vậy em xuống phòng giáo viên mời
thầy lên đây.
Tôi vâng
và đi ngay. Thầy Hoàng An gặp tôi thì mừng rỡ vỗ vai tôi thân mật như một người
anh gặp một đứa em:
- Sao?
Giờ học ở đâu hay đi làm gì rồi?
Tôi
không dám nói hết những đoạn trường của mình từ sau khi bỏ học mà chỉ nói đang
làm hồ sơ xin làm giáo viên dân lập dưới Hải Phòng. Rồi thưa tiếp, hồ sơ học bạ
của tôi đã bị thất lạc, giờ muốn xin cái chứng chỉ học lực, thầy Hoàng An bảo:
- Để
thầy nói với thầy hiệu trưởng cho.
Không
biết thầy Hoàng An trao đổi với thầy hiệu trưởng những gì, chỉ biết sau
đó thầy hiệu trưởng cho gọi cô văn thư lên, bảo ghi tên tuổi tôi rồi về đánh
máy tờ giấy chứng nhận tôi đã học lớp Chín tại trường khóa học 1957 -1958 đem
lên cho thầy Hoàng An xác nhận và thầy hiệu trưởng ký tên đóng dáu.
Khi đã
cầm tờ giấy trên tay, tôi chào thầy hiệu trưởng rồi tìm gặp thầy Hoàng An đang
dạy trên lớp. Hai thầy trò đứng bên nhau ngoài hành lang. Tôi nhìn thầy, lòng rưng
rưng cảm động vì nhờ thầy tôi đã có tò giấy đang cần trong tay rồi nói lời cảm
ơn thầy. Thầy Hoàng An nói:
- Không
có gì. Thầy chỉ tiếc cho em, không vì sơ sểnh thì giờ sắp xong năm thứ nhất Đại
học rồi. Thôi đời còn dài, cố gắng rút kinh nghiệm sống để khỏi vấp ngã thêm
nhé!
Làm hồ
sơ xong, tôi cùng anh Nhân đi bộ lên thẳng bưu điện thành phố ở trên Bờ hồ để
gửi vì nghĩ ở đó sẽ được chuyển phát nhanh nhất. Khoảng gần một tháng sau, tôi
từ thư viện về thì cô em con dì tôi nói:
- Anh có
thư. Em để trên bàn ấy.
Tôi vội
lên ngay nhà và rất mừng khi thấy đó là thư của Phòng tổ chức cán bộ sở Giáo
dục Hải Phòng, vội bóc ra xem thì là giấy mời tôi xuống nhận nhiệm vụ. Thư
ngắn, chữ đánh máy theo mẫu chỉ có tên người viết bằng bút mực, nội dung
đại ý là:
Kính gửi...
Ban giám
đốc sở Giáo dục Hải Phòng đã nhận được hồ sơ xin việc của ông.
Trân
trọng mời ông đến phòng tổ chức cán bộ của sở Giáo dục Hải Phòng
Địa chỉ:
Vào
ngày…tháng…năm 1960 để nhận
phân công công tác…
Tôi qua
nhà anh Nhân ngay. Anh nói anh cũng vừa nhận được thư như của tôi, nhưng nghĩ
tôi vẫn còn ở thư viện nên chưa sang nhà gặp tôi. Chúng tôi bàn nhau sẽ đi ngay
sáng ngày giấy triệu tập. Tôi gật đầu và bảo:
- Tôi
phải về quê chào u tôi và gia đình, anh ạ.
Anh Nhân
hỏi:
- Anh
không sợ địa phương sẽ cản trở vì họ đã có lệnh quản lý giáo dục anh?
Tôi đáp:
- Tôi có
phải là tội phạm đâu mà sợ về đến xã sẽ bị dân quân ập vào bắt luôn.
Vì thế,
tôi sẽ về quê chào u tôi và anh chị tôi một câu mặc nó muốn ra sao thì ra
Ngay
chiều hôm ấy, tôi ra nhà máy ô tô 1/5 đón anh tôi nói cho anh biết tôi sắp đi
Hải Phòng nhận việc và bảo anh đèo tôi về quê ngay lúc tan tầm. Về đến quê tôi
cũng nhanh chóng nói với cả nhà mấy lời chia tay rồi giục anh tôi chở ngay ra
Hà Nội. Chị cả tôi lần túi áo đưa cho tôi hai mươi đồng bạc. Tôi biết giờ chị
đã có 3 con còn nhỏ, anh rể thì ở công trường đường sắt tận Yên Bái Lào Cai mà
chị cũng hay ốm yếu nên tôi chỉ xin chị 10đồng. Chị tôi bảo:
- Cậu
cầm hết đi, xuống đó lạ nước lạ cái lại không người thân thích, chẳng may cơ nhỡ
biết trông vào đâu?
Tôi đáp:
- Em
tính rồi. Nếu họ nhận cho đi dạy học thì thế nào họ cũng tạm ứng tiền sinh hoạt
cho. Nếu họ không nhận thì em sẽ quay về ngay. Hai vé tàu hỏa 2 đồng 5xu một
vé, vị chi là 4 đồng 1 hào, còn gần 6 đồng nữa, mỗi ngày ăn hai bữa hét 6 hào
cũng được non chục ngày, thế thì lo gì hả chị.
Đúng
ngày giấy mời triệu tập, tôi và anh Nhân ra ga Hàng Cỏ đáp chuyến tàu 5 giờ
sáng đi Hải Phòng đến hơn 8 giờ thì đến nơi. Từ ga Hải Phòng về Sở Giáo dục ở
phố Minh Khai đi bộ chỉ mất 10 phút nên chúng tôi nhanh chóng vào phòng tổ chức
cán bộ. Ở đấy đã có chừng ba bốn chục người cả nam và nữ đang ngồi trên mấy dãy
ghế dài chờ đợi.
Đến lượt
tôi, tôi trình tờ giấy mời cho ông trưởng phòng. Ông xem qua rồi xếp vào sấp
giấy của những người ông gặp trước tôi và hỏi:
- Đồng
chí có chứng minh nhân dân không?
Nghe ông
hỏi tôi bỗng giật mình nhưng cố trấn tĩnh và dấu ngay cái vẻ hơi luống cuống
của mình vì chứng minh nhân dân thì tôi có nhưng nó được cấp ở Khu Tự trị Thái
Mèo, giờ trình ra thật không ổn và hệ luỵ không biết sẽ đi đến đâu.
Vì thế
tôi đáp:
- Thưa
đồng chí, tôi chưa lấy chứng minh nhân dân.
Ông
trưởng phòng nheo nheo cặp mắt sau làn kính lão:
- Ồ thế
thì lấy gì để chứng thực giấy mời này và hồ sơ xin việc là của đồng chí?
Thấy tôi
tần ngần không trả lời, ông hỏi tiếp:
- Thế
đồng chí có cái giấy tờ nào có tên và có ảnh không?
- Dạ,
thưa đồng chí có ạ!
Tôi mạnh
dạn trả lời ngay vì tôi nhớ ra cái thẻ thư viện Quốc gia của tôi có đầy đủ tên
ngày tháng năm sinh, địa chỉ chỗ ở. Và tôi móc vội nó từ trong cái ví da rẻ
tiền từ túi quần sau ra đưa trình ông trưởng phòng. Ông ta xem rồi nói:
- Thẻ có
ảnh lại đóng dấu chín thế này cũng coi là được. Thế đồng chí có khả năng dạy
các môn khoa học tự nhiên hay khoa học xã hôi?
- Dạ,
các đồng chí cho dạy môn gì cũng được nhưng tôi thích nhất được dạy môn Văn
- Ồ thế thì tốt, chúng tôi đang thiếu giáo viên khoa học xã
hội
Sau đó
ông ghi tên tôi vào tờ danh sách rồi hỏi tôi:
- Đồng
chí đã có chỗ ở chưa?
- Dạ
thưa chưa ạ - Tôi trả lời.
- Thế
thì cầm tờ giấy này đến nhà bà giáo Thuận ở phố Tô Hiệu. Ở đấy Sở đã nói với bà
giáo cho một số anh em mới xin việc đến ở nhờ. Sáng mai thì đồng chí phải có
mặt ở trường Sư phạm trung cấp để theo học một lớp đào tạo cấp tốc trong 6
tuần.
Tôi đón
nhận tờ giấy và cảm ơn ông trưởng phòng.
Vừa ra
hành lang phòng tổ chức cán bộ, tôi gặp ngay anh Nguyễn Hưng Nhân. Anh cũng vừa
được làm việc xong ở phòng bên do ông phó phòng tổ chức phụ trách vì anh thuộc
diện xin dạy cấp Một. Anh nói anh được giới thiệu xuống phố Nguyễn Công Trứ ở
nhờ nhà một gia đình cạnh trường Sư phạm sơ cấp và ngay ngày mai những người
như anh cũng được theo học một lớp đào tạo cấp tốc ở trường đó.
Vậy là
sau 6 tuần nữa, xong khoá học cấp tốc, tôi và anh Nhân sẽ chính thức thành giáo
viên dân lập.
Như đã
nói, từ nhỏ tôi đã thích làm nghề dạy học mà dân gian gọi là gõ đầu trẻ. Nhưng
cuộc sống không bao giờ có một con đường dài mà hoàn toàn bằng phẳng. Vì vậy,
tôi đã phải đi nhiều bước đường khác nhau cuối cùng mới tới nơi mình định tới.
Chưa
biết sau khóa học cấp tốc, tôi sẽ về dạy ở trường nào. Cuộc đời dạy học của tôi
sẽ ra sao? Nhưng kể từ hôm nay, tôi đã có tên trong dách sách giáo viên cấp 2
dân lập do sở Giáo dục Hải Phòng mới tuyển dụng, lương tháng 37 động cộng thêm
10% phụ cấp đăt đỏ bằng 4o đồng 7 hào. Lương đủ sống là được nhưng cái tôi cần
hơn và thấy mình đã được là tôi đã bắt đầu đến với nghề GODAUTRE, cái nghề mà
tôi thực lòng yêu thích từ tấm bé nhưng số phận đã bắt tôi phải chạy loanh
quanh mãi cho đến khi chuột chạy cùng sào tôi mới được sa chân vào chứ
không phải là bị sa chân vào!
Mời thư giãn với nhạc phẩm NẮNG CÓ CÒN XUÂN
của Đức Trí, qua tiếng hát Lệ Quyên:
*
Sài Gòn, tháng 8/ 2018
NGUYỄN BÀNG
Địa chỉ: Thành phố Sài Gòn
Email: bnguyen37@gmail.com
.
.
.............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác
giả gửi qua email ngày 20.11.2019.
- Bài viết không thể hiện quan
điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét