XUÂN DIỆU NGOÀI NÉT VẼ CỦA TRẦN ĐĂNG KHOA - Tản văn Chử Văn Long (Hà Nội)

Leave a Comment
(Nhà thơ Huy Cận (trái) và nhà thơ Xuân Diệu)
XUÂN DIỆU NGOÀI NÉT VẼ
CỦA TRẦN ĐĂNG KHOA
*
(Tác giả Chử Văn Long)
Được nhà thơ Trần Đăng Khoa tặng sách “Chân dung và đối thoại” tôi về đọc, thấy anh vẽ rất giỏi những nét vẽ Xuân Diệu nhưng là ở những năm cuối đời, gương mặt ông mệt mỏi, cau có, thô tháp và tội tội… Là một người có quãng đời gặp gỡ Xuân Diệu dài hơn, anh em thường đi lại thăm nom giúp đỡ lẫn nhau nhiều, bởi vậy tôi thấy mình không thể nào không ghi thêm những nét tươi tắn, cao sang và cả giản dị mà mình đã lưu giữ trong lòng, để người đời hình dung thêm vẻ đẹp vốn có ở Xuân Diệu, từng đã được mệnh danh là “Thi sĩ của tình yêu”, “ông hoàng của thi ca” một thuở. Người đã có những câu thơ khẳng định triết lý sống hết mình.
Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm
Huy hoàng đồng nghĩa với chiến thắng với thành công cao vời... không ai nghĩ được làm vua một đêm là huy hoàng, giàu nứt đố đổ vách là huy hoàng, ăn sung mặc sướng là huy hoàng. Mà huy hoàng ở đây là đốt sáng hết tài năng của mình lên để tạo dựng một vẻ đẹp cho cuộc đời chiêm ngưỡng… nó mới hợp với mệnh đề “… buồn le lói suốt trăm năm”.
Ai thành công hơn Xuân Diệu ở chỗ tan mình ra để nghe được nỗi đau nhỏ bé nhất, vĩ đại nhất, với hai phạm trù - yêu là êm dịu, là hạnh phúc tột cùng, và chết là nỗi đau tan vỡ lớn lao nhất, nhập được vào trong một câu thơ giản dị so sánh “Yêu là chết ở trong lòng một ít”.
Phải tinh tế đến đâu mới lọc được trong tiếng ngân hạnh phúc kia nỗi mất mát đi kèm như sự tất yếu đã muôn đời, còn muôn đời, còn con người, còn sống, còn yêu, còn thấy Xuân Diệu là sự tiên tri.
Có những khi không biết tâm sự cùng ai tôi lại giở đọc Truyện Kiều, và một lần nào đấy, với một tâm trạng nào đấy, tôi bỗng nhận ra. Nếu không có cặp câu thơ: “Chọc trời khuấy nước mặc dầu/ Dọc ngang nào biết trên đầu có ai” ta có cảm giác chiều cao của tác phẩm bỗng thiếu đi vài phân. Từ đấy nghĩ về Xuân Diệu, tôi thấy, dù đã được ví là ông hoàng thi ca tình yêu, nếu không có những câu thơ:
“Mặc kệ thiên đường và địa ngục
Không hề mặc cả họ yêu nhau
Hay là trong bài “Biển”:
“Đến tan cả đất trời
Anh mới thôi dào dạt”
Thơ tình yêu của Xuân Diệu cũng thấp đi, nhạt đi một ít. Người ta tưởng nói đại ngôn là dễ, thật ra, chỉ phong cách ngang tàng những bậc thầy mới thành công. Còn thì ta cứ đọc mà xem, nhiều người làm thơ muốn tỏ mình ngông nghênh, mượn trời đất ra để mà nói… trời đất có vào thơ đâu!
Gần ba chục năm được đi về 24 Cột Cờ (nhà ở của Xuân Diệu), tôi cũng đã chứng kiến bao buồn vui trong cuộc sống, trong mỗi trang văn của Xuân Diệu. Rồi tính tình cởi mở, những lúc mệt mỏi cau có, nhiều khi vì sự thương mến mà anh em từng đã gắt gay. Nhưng lạ lắm, trong cả những phút giây ấy bao giờ tôi cũng thấy ở Xuân Diệu luôn thường trực một con người thơ sẵn sàng vỗ cánh.
Tôi cũng đã chứng kiến chi tiết Trần Đăng Khoa vẽ về Xuân Diệu bóp cơm nguội cho vào chảo rang, nhưng là để đơn giản thời gian nấu cơm khi vắng u già giúp việc. Lần ấy, rang cơm xong anh vét thành hai bát và giục: “Cơm rang phải ăn nóng, ăn nhanh kẻo nguội!”. Nhưng rồi vừa xúc được một thìa, anh dừng bát kể lại chuyện buổi trưa ở cuộc họp người ta trình bày thứ thơ ấn tượng, thơ trừu tượng phương Tây mà họ chẳng hiểu gì. Xanh Giôn-péc-xơ viết được:
“Những đám mây như những mảng thế kỷ trôi qua…”
Anh cũng viết được:
“Trái đất ba phần tư nước mắt
Đi như giọt lệ giữa không trung”
Dứt câu chuyện, cơm nguội hết.
Có lẽ chân dung mỗi con người bao gồm từ lúc lọt lòng mẹ, lúc đi học, lúc vào đời rồi thành đạt, trẻ trung, khi thất bại, già nua… Vậy chân dung anh là lúc nào đây? Cộng cả lại hay tách biệt từng chặng? Và chân dung nhà văn phải chăng là ngọn lửa trái tim luôn đốt sáng lên thành câu chữ, gợi lại những cảm hoài ấm nóng trong lòng người đọc khôn nguôi… Làm sao chụp được sự tinh tế khuôn mặt Xuân Diệu giây phút:
“Đã nghe rét mướt luồn trong gió
Đã vắng người sang những chuyến đò”
Đọc những câu thơ tự sự vào tập “Gửi hương cho gió”
“Tôi là con chim đến từ núi lạ, ngứa cổ hót chơi…”
Chân dung Xuân Diệu lúc ấy ra sao? Vào năm chiến tranh phá hoại của Mỹ leo thang ra miền Bắc, tôi đang làm việc ở một đội thanh niên xung phong trạm cơ giới Dốc Đỏ - Uông Bí - Quảng Ninh, Xuân Diệu đạp xe từ Hà Nội xuống thăm và chơi với tôi cùng Phạm Gia Bình và Nguyễn Mạnh Tuấn (Sau này là tác giả của “Đứng trước biển” và “Cù lao Chàm”). Chiều trên đồi bạch đàn vắng lặng anh em đi dạo, bỗng Xuân Diệu nắm chặt tay tôi đứng lại… “Lặng im, lặng im nghe sơn ca hót!...”. Lúc này tôi mới nghe được dòng âm thanh trong trẻo rót xuống tự trời cao. Chú chim đang chao lượn trên vòm trời xanh thẳm. Chắc là chú ta say mê lắm nên cứ rót tràn cái giọng vàng của mình, chẳng cần hay biết đến người nghe. Vụt trong tôi lại nhớ đến câu thơ tựa đề:
“Tôi là con chim đến từ núi lạ, ngứa cổ hót chơi…”
Hót chơi mà làm say hồn người nghe đến chết mê chết mệt, và chú ta cứ thế lao lên lao xuống giữa khoảng tít mù không cần biết vì say mê đến thế, có thể kiệt sức, có thể bất ngờ lao vào núi đá dưới kia.
Từ khi tôi được anh Xuân Diệu xin cho chuyển về Hà Nội, vào dịp tết anh thường về thăm mẹ tôi và ăn tết tất niên với gia đình. Lần ấy vào ngày 30 tết, có thêm bạn tôi là Phạm Gia Bình cùng về. Tôi đang vắng nhà, chạy quanh hàng xóm mua thêm vài món thực phẩm. Mấy dân quân xã thấy người lạ vào nhà tôi nên đến yêu cầu cho xem giấy tờ tuỳ thân. Tôi về đến ngõ nghe anh to tiếng vội chạy vào nhà, thì ra việc đang mắc mớ ở chỗ, mấy anh dân quân đòi xem chứng minh thư, còn anh xoè cả nắm thẻ vào văn phòng Quốc hội, vào Câu lạc bộ Ba Đình, Câu lạc bộ Quốc tế, thẻ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam… mà họ không chấp nhận. Tôi vội vàng xin lỗi anh Xuân Diệu và quay sang mấy anh dân quân xã giới thiệu: “Đây là nhà thơ Xuân Diệu nổi tiếng vẫn bình thơ trên đài Tiếng nói Việt Nam, về ăn tết với gia đình tôi”. Cảm thấy như mình có lỗi, mấy anh dân quân xã phân bua rằng - “Giấy tờ anh khi viết tên Xuân Diệu, giấy khác lại viết họ Ngô Xuân Diệu, nên không nhận ra nhà thơ…”. Lúc tôi tiễn mấy anh dân quân ra ngõ, một anh nói thêm: “Trông giống ông Tây quá nên chúng em nghi!”.
Bên mâm cơm khi ngồi ăn, anh Xuân Diệu có nói với cả gia đình: “Làng em cách Hà Nội có chừng hai chục cây số mà người ta không biết đến nhà thơ Xuân Diệu, văn hoá như vậy em thấy có buồn không?”. Tôi nghĩ anh sẽ giận lâu. Không ngờ, lúc anh và bạn tôi dắt xe ra về nội thành, mẹ và vợ tôi tiễn đưa mỗi người năm củ xu hào nhà trồng, vừa cắt ở ruộng, củ rau to như bát úp còn tươi mởn. Phạm Gia Bình ý ngại ngần vì đường xa, ngày xuân lại đèo sau xe đạp những củ rau to… Xuân Diệu ôn tồn vui vẻ: “Cứ xin mẹ, em Bình ạ, chịu khó mang đi, quà quê mà…”.
Cả hình ảnh Xuân Diệu trước khi vào cõi vĩnh hằng, ông chỉ định đến viện Việt Xô khám sức khoẻ thường kỳ, không ngờ bác sĩ nói là có triệu chứng cao huyết áp nên giữ lại điều trị. Trước đêm ông ra đi, buổi chiều tôi còn nghe Xuân Diệu chuyện trò: “Ra viện anh sẽ bay sang báo cáo đề tài Văn học phương Đông ở Viện Hàn lâm Cộng hoà dân chủ Đức, nơi đã bầu anh làm viện sĩ, rồi còn dự định thơ anh dịch ở Hung, ở Pháp… còn ối công việc đang chờ, anh chưa chịu gãy cánh đâu”.
Xuân Diệu trong mắt tôi là vậy, tươi tắn, nồng ấm, cả đến những giây phút cuối cùng vẫn mơ giấc mơ vỗ cánh trẻ trung.

   
Mời thư giãn với nhạc phẩm THƯƠNG CA TIẾNG VIỆT
của Đức Trí - Hà Quang Minh, qua giọng hát Mỹ Tâm:
               
*.
CHỬ VĂN LONG
Địa chỉ: Thôn 2, Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội.       
Điện thoại: 035.881.82.63
Email: haicv08@gmail.com       





   ...................................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 12.01.2016.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét