TRẢ LỜI BÁC CHU VƯƠNG MIỆN VỀ BỆNH VĨ CUỒNG - Tác giả: Nguyễn Bàng (Sài Gòn)

1 comment

(Nguồn ảnh: internet)
TRẢ LỜI BÁC CHU VƯƠNG MIỆN VỀ
BỆNH VĨ CUỒNG
*

Kính bác Chu,
1.
(Tác giả Nguyễn Bàng)
Bác thừa biết, bệnh vĩ cuồng là căn bệnh thích thổi phồng khả năng bản thân, nóng vội, phớt lờ coi khinh những người khác…còn gọi là bệnh ái kỷ - chỉ yêu bản thân). Những người vĩ cuồng thường là những kẻ háo danh và hoang tưởng.
Theo y học, bệnh vĩ cuồng thường có các dấu hiệu nhận biết sau:
 - Luôn muốn là trung tâm của sự chú ý, thích chiến thắng, thích thổi phồng khả năng của mình. Hay ảo tưởng về thành công của bản thân.
- Không bao giờ nhận lỗi, thậm chí phản ứng gây gắt khi nhận được những lời nhận xét không hay hoặc cảm thấy tức giận, xấu hổ khi bị chỉ trích;
- Có thói quen đưa ra lời khuyên để chia sẻ sự không ngoan thông qua những lời nói mang đầy tính triết lý
- Nóng vội, ghét chờ đợi
- Phớt lờ và không đồng cảm với người khá
Và đặc biệt là, mắc “bệnh” nhưng không hề biết
Không ai tự nhận mình vĩ cuồng khi đang vĩ cuồng cả, chỉ có người ngoài nhìn vào thấy được qua các triệu chứng thôi. Và y học cũng bó tay với bệnh này
2. 
Ba anh nói phét thì khác vì nói phét chỉ là nói quá xa sự thật những điều cho như là mình đã thấy, những điều mình có thể làm được như mấy anh nói phét trong Tiếu lâm dân gian. Nói phét nhiều khi cho vui, không làm hại đến ai và khi bị dồn vào chỗ bí không còn nói phét được nữa thì cũng biết im mồm và có phần xấu hổ.
3.
Thành Cát Tư Hãn không phải là kẻ vĩ cuồng. Ông ta chỉ là một nhà quân sự lỗi lạc nhưng rất tàn bạo mà thôi.
Còn Mao Trạch Đông, Napoleon, Hitler, hay Stalin đều vĩ cuồng cả. Họ cũng là những người tài giỏi nhưng sự vĩ cuồng của họ đã gây nên chiến tranh chết chóc ở nhiều nơi, và tiêu hủy phần lớn lớp người ưu tú của xã hội thời họ sống.
4.
Cao Bá Quát, Tản Đà, Nguyễn Vỹ không vĩ cuồng. 
Cao Bá Quát có thực tài, hăm hở trên con đường công danh, qua con đường cử nghiệp, nhưng đều lận đận.  Cao giành được Cử nhân năm 1831, ở tuổi 23, suýt được Á nguyên, nhưng bị soi mói nên phải rơi xuống áp chót. Ba lần trẩy kinh thi Hội đều hỏng; nhưng văn tài thì lẫy lừng sớm, giới trí thức và quan trường không ai không biết. Vì thế cao ngông nghênh ngạo nghễ với đời là điều dễ hiểu. Cao 12 năm quan lộ, tủi cực đủ điều; ở nha môn thì ít, bị đầy đọa thì nhiều, vì nạn nọ đến nạn kia, đó cũng là sự trả giá cho cái ngạo ngược.
Tản Đà cũng thiên tài, ngông và rất ngông nghênh. Cái ngông đó thể hiện  cái tôi phóng túng, và khát khao khẳng định chính mình giữa cuộc đời đen bạc:
Thối om sọt phẩn! nhiều cô gánh
Tanh ngắt hơi đồng! lắm cậu yêu
Trong một xã hội và thời cuộc:
Dân hai nhăm triệu ai người lớn 
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con
Còn Nguyễn Vỹ thì có phần lập dị đúng như Hoài Thanh Hoài Chân nhận định:
Nguyễn Vỹ đã đến giữa làng thơ với chiêng trống, xập xoèng inh cả tai. Chúng ta đổ nhau xem. Nhưng chúng ta lại tưng hửng trở vào vì ngoài cái lối ăn mặc và những điệu bộ lố lăng, lúc đầu ta thấy con người ấy không có gì…
Chê bai, nhưng ngay sau đó hai ông cũng phải nhìn nhận:
Một bài như bài “sương rơi” được rất nhiều người thích. Người ta thấy Nguyễn Vỹ đã sáng tạo ra một nhạc điệu riêng để diễn tả một cái gì đương rơi. Cái gì đó có thể là những giọt lệ…Nhưng “sương rơi” còn có vẻ một bài văn. “Gửi Trương Tửu” mới thực là kiệt tác của Nguyễn Vỹ. Lời thơ thống thiết, uất ức, đủ dãi nỗi bi phẫn cho cả một hạng người
5.
Trong làng văn thơ Việt Nam đương đại đang nổi lên hai ông thi sĩ vĩ cuồng:
1. Phạm Ngọc Thái. Ông này có một mớ thơ tình được mấy cô giáo nứng thơ thích thú bốc thơm lên tận trời xanh cộng thêm một số nhà phê bình phố huyện ngợi ca nên lộng giả thành chân, thách 50 nhà thơ đương đại của Hội Nhà Văn Việt Nam đấu thơ và thách phản biện tập sách “Phạm Ngọc Thái chân dung nhà thơ lớn thời đại
2. Paul Nguyễn Hoàng Đức. Ông này dõng dạc tuyên bố nếu được đề cử giải Nobel anh ta sẽ thẳng thừng gạt bỏ vì giải ấy không xứng với ông ta! Thiên hạ chưa hết bàng hoàng thì gần đây ông ta  lại tung ra bài “Tuyên bố của nhà triết học số 1 châu Á Paul Nguyễn Hoàng Đức
Thế nhưng đọc vào bài thấy cách viết miên man rời rạc, không rõ chủ đề tư tưởng, chỉ nặng ca tụng bản thân, phê phán phỉ báng người khác kể cả Khổng Tử, Lão Tử; thẳng tay tung hê mọi tinh hoa văn hóa cổ đại Trung Quốc - một trong bốn nền văn hóa lớn nhất của nhân loại.
Ngạc nhiên nhất là mới đây ông ta lại thách đấu cả với Nguyễn Du trong bài “Thơ và Truyện Kiều phát sinh trong giới mù chữ và ít học” (!) Có lẽ là từ khi Truyện Kiều ra đời đến nay, tính chẵn hai trăm năm, đây là lần đầu tiên bị một người Việt Nam tự xưng triết gia xúc phạm thô bạo như vậy
Phạm Ngọc Thái và Nguyễn Hoàng Đức là hai kẻ thích làm chuyện khác thường để trở thành phi thường y như “Con nhái muốn to bằng con bò” của La Fontaine…“Lại phình bụng quá vỡ ra chết liền / Ở đời lắm kẻ thật điên / Sức hèn lại muốn tranh tiên với người…” Nguyễn Văn Vĩnh dịch. Hay như chuyện Ésope kể con lừa thấy dây dưa mảnh yếu mà quả lại to, ngược lại cây táo to cao quả lại nhỏ liền chê Thượng Đế ngu. Ngay lúc ấy một quả táo rơi trúng đầu lừa mới nhận mình là ngu vì nếu quả táo to bằng quả dưa thì nó đã mất mạng.
Như đã nói, những kẻ mắc bệnh vĩ cuồng thường không hề biết bệnh của mình lại là bệnh vĩ cuồng về thơ văn thì càng trầm trọng hơn nên tốt nhất kệ thây họ, để cho họ tự sướng! 

      

Mời thư giãn với nhạc phẩm SẮC MÀU
của Trần Tiến, qua tiếng hát Trần Thu Hà:
           
*
NGUYỄN BÀNG                                                
Địa chỉ: Thành phố Sài Gòn
Email: bnguyen37@gmail.com
.


.

.............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 15.01.2020.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 
.

1 nhận xét:

  1. Bác Nguyễn Bàng không điểm danh "nhà thó thơ" Nguyên Lạc thì cảm giác như thiêu thiếu chút mắm tôm cho món bún đậu phụ đấy ạ.
    Hay tại bác Nguyễn Bàng chưa biết tài thó thơ và bệnh vỹ cuồng xảo ngôn của nhà trộm cắp thơ Nguyễn Lạc?

    Trả lờiXóa