TỪ KẺ ÁM
SÁT CÁNH ĐỒNG
ĐẾN CHUYỆN
LÀNG NHÔ,
MỘT SỰ LƯU
MANH TỘT CÙNG CỦA NHỮNG KẺ BỒI BÚT VĂN NÔ
*
(Tác giả Đỗ Trường) |
Hôm lễ Phục Sinh vừa rồi, tôi may mắn được ngồi cùng mâm với một
gã đến từ Balan. Rượu vào lời ra, đang bá vai bá cổ, thân mật, đến
lúc hỏi thăm quê quán, đột nhiên hắn ôm mặt khóc hu hu, làm mọi người
phải dừng đũa. Lúc sau, có lẽ hết cơn xúc động, hắn hỏi lại tôi:
Ông đã xem phim Chuyện Làng Nhô chưa? Tôi lắc đầu: Nhưng phim đó thì liên
quan gì đến quê hương, bản quán của ông. Hắn nhếch mép, với tiếng
cười méo mó: Có đấy, cái làng Lạc Nhuế, xã Đồng Hóa, huyện Kim Bảng
tỉnh Hà Nam quê tôi chính là Làng Nhô. Nhưng bản chất sự việc, con
người hoàn toàn khác trong phim. Cái khốn nạn là ở chỗ đó. Làng ông
được lên phim là tốt chứ sao lại khốn nạn, tôi ngoặc lại hắn như
vậy. Hắn cao giọng: Tốt, tốt cái con khỉ ấy. Ông chuồn ra khỏi nước đã
từ lâu, không xem, không chứng kiến, làm sao biết được, bao nhiêu người
dân lương thiện phải chết, và ngồi tù oan, còn đám cường hào ác bá
vẫn sống phè phỡn ở đó. Tôi ngớ cả người, và tính tò mò trỗi
dậy, nên xuống giọng ngay: Nghĩa là như thế nào, ông có thể nói rõ
hơn được không? Hắn thủ thỉ: Tuy đỉnh điểm sự việc xảy ra năm 1992,
nhưng nguyên nhân từ nhiều năm trước đó…
Ông Trịnh Văn Khải xuất thân từ gia đình được đảng, chế độ tin yêu, và
là người thông minh, học giỏi, nên được du học ở Nga Xô. Về nước, ông
làm giảng viên chính của trường Đại học Hàng hải Hải Phòng. Khi hưu
trí, ông trở về quê và tham gia làm công việc địa chính của xã Đồng
Hóa. Từ đó, ông phát hiện ra chính quyền xã, huyện giấu dân, giấu
cấp trên đấu thầu, chiếm đoạt đất đai chia nhau đã nhiều năm. Ông cùng
người dân đấu tranh, yêu cầu chính quyền là rõ sự trộm cắp, tham
nhũng đó. Vì vậy, ông cũng như dân làng bị trả thù một cách dã man,
đê tiện của đám quan tham. Để có kinh phí lên trung ương kiện cáo, ông
cùng dân làng lập ra đội tự quản 447, bán vé, thu tiền chợ. Tuy
nhiên, những lời kêu cứu, sự chờ đợi ấy của dân làng vẫn không có
lời hồi đáp. Trước sự trả thù ngày càng điên cuồng không chỉ bằng
lực lượng công an, mà còn cả bọn côn đồ của chính quyền, buộc ông
Khải và người dân làng Lạc Nhuế lập lũy chống trả, một cách sinh
tử. Sự trả thù một cách đê hèn lên đến đỉnh điểm, khi bọn quan tham
thuê hai tên côn đồ lẻn vào làng định giết ông Trịnh Văn Khải bằng
thuốc độc. Nhưng chưa kịp hành động cả hai đã bị bắt. Dân làng căm
phẫn và hành quyết hai tên côn đồ tại chỗ, trước sự can ngăn của ông
Khải. Và đó cũng chính là cái cớ để chính quyền quan tham huy động
hàng trăm cảnh sát cơ động tinh nhuệ nhất tấn công vào làng. Ông
Trịnh Văn Khải và hàng chục người dân bị bắt đi. Sau đó, ông Khải bị
tử hình, và hai người dân bị đánh chết trong tù. Rồi đến con trai ông
Khải cũng bị bọn quan tham thuê côn đồ giết, bằng cách gây tai nạn
giao thông.
Nhưng sự việc không dừng lại ở đó. Để che lấp tội lỗi, bọn quan
tham đã thuê những tên đồ tể truyền thông truyền hình và cả nhưng tên
bồi bút như Nguyễn Quang Thiều, Phạm Ngọc Tiến…bóp méo sự thật,
đánh lừa dư luận dân chúng…
Ực liền tù tì mấy ly, rồi dừng lại giây lát, hắn quay sang tôi
bảo, nếu không tin, ông có thể tìm cuốn Kẻ Ám Sát Cánh Đồng của tên
an ninh Nguyễn Quang Thiều, và kịch bản phim Chuyện Làng Nhô do văn nô
Phạm Ngọc Tiến chuyển thể, đọc sẽ rõ.
Chờ cho sự xúc động của hắn dịu xuống, tôi hỏi: Ông chứng kiến
những việc đó? Hắn bảo, không chỉ chứng kiến, mà còn là một trong
những thanh niên cùng dân làng lập lũy chiến đấu chống lại bọn quan
tham từ đầu đến cuối. Không hiểu sao lúc đó tôi thoát được, trốn vào
Nam, vay mượn tiền bạc, đổi tên thay họ tìm đường sang Nga, rồi Balan,
để lúc này cùng uống rượu với ông đây.
Có lẽ, chưa tin hẳn lời cái gã Balan này, nên hôm rồi, tôi gọi
điện hỏi người bạn thời trung học, ở Sở công an Hà Nam. Dù làm bộ
phận hành chính và đã về hưu, nhưng hắn vẫn nhớ khá rành rọt về
vụ việc ở Lạc Nhuế (Làng Nhô). Tuy một vài chi tiết nhỏ hơi khác
với lời kể của gã Balan, nhưng nhìn chung diễn biến và bản chất sự
việc, con người hoàn toàn trùng khớp nhau.
Và lời kể thêm của ông bạn cựu cảnh sát này, đã cho tôi động
lực đi tìm cuốn Kẻ Ám Sát Cánh Đồng, cũng như kịch bản Chuyện
Làng Nhô để đọc. Tuy nhiên, tôi chỉ tìm thấy kịch bản Chuyện Làng Nhô của Phạm Ngọc
Tiến. Và bìa cuốn kịch bản này in chung tên tác giả Nguyễn Quang
Thiều và Phạm Ngọc Tiến.
Có thể nói, Chuyện Làng Nhô
là kịch bản mang nặng tính chính trị tuyên truyền. Vụ việc và con
người hoàn toàn trái ngược với sự thật những gì đã diễn ra ở làng
Lạc Nhuế. Nếu người thủ lĩnh nông dân Trịnh Văn Khải ngoài đời trí
thức, hiền lành hết lòng vì vợ con gia đình, làng xóm bao nhiêu, thì
Trịnh Khả của Nguyễn Quang Thiều, Phạm Ngọc Tiến hiện lên như một
lục lâm thảo khấu, ranh ma lừa lọc, đầm đĩ, đểu cáng bấy nhiêu. Và
sự lưu manh, bỉ ổi đê hèn của của những quan tham, với đám tay sai,
côn đồ trong Chuyện Làng Nhô đã
được hai ông văn nô, bồi bút này miêu tả hiền lương, xả thân cứu
người, giúp dân một cách vô cùng dũng cảm.
Đã hơn một lần, nhà văn Võ Thị Hảo nói với tôi: Phim, truyện của
những kẻ văn nô thiếu nhân cách này, không đáng để bình luận, phân
tích. Tuy không cực đoan như chị, nhưng tôi cũng không đi vào cái hay dở
nghệ thuật viết truyện, hay kịch bản phim của Nguyễn Quang Thiều, và
Phạm Ngọc Tiến. Mà tôi chỉ đi sâu tìm hiểu mục đích, nguyên nhân nào
họ phải úp mặt, xoay bút đứng về phía cường hào thống trị, đẩy
những người nông dân cùng khổ đến đường cùng như vậy.
Theo nhà sách Phương Nam, nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã về tận nơi, (tức
làng Nhô- Lạc Nhuế) tìm hiểu sự việc, lấy tài liệu, gặp gỡ trò chuyện với
những người thực trong biến cố đó, và anh soi chiếu nó bằng cái nhìn văn học.
Như vậy, có nghĩa Nguyễn Quang Thiều đã biết được sự thật những gì
đã xảy ra ở Làng Nhô. Nhưng cái kính chiếu yêu của văn học này, làm
ngòi bút Nguyễn Quang Thiều đảo ngược lại chăng?
Vâng! Dù có che đậy bằng những tiểu thuyết, sáng tạo văn học hay
gì gì đi chăng nữa, trước sau nó cũng lộ nguyên hình sự dối trá, lưu
manh trắng trợn nhất của kẻ cầm bút, dưới lăng kính méo mó dẫn dắt
chỉ đường của Ban tuyên giáo, an ninh mật vụ và cả tiền bạc của
những đám quan tham. Là một nhà văn còn một chút tự trọng có lẽ,
không ai bán nhân phẩm, lương tâm của mình như vậy. Nhưng Nguyễn Quang
Thiều xuất thân từ gia đình cảnh sát, và bản thân cũng là một an
ninh được đào tạo cơ bản ở trong cũng như ngoài nước. Do vậy, Nguyễn
Quang Thiều phải bảo vệ chế độ, bảo vệ con đường công danh cũng như
miếng cơm manh áo của mình là lẽ đương nhiên thôi.
Phải nói thẳng, Chuyện Làng Nhô (Lạc Nhuế) xảy
ra đã trên hai chục năm, khi chưa có Facebook, dân trí và internet chưa
phát triển, sự lưu manh dối trá này ít nhiều mang lại hiệu quả. Còn
vụ Đồng Tâm, Mỹ Đức Hà Nội hiện nay có cho ăn mật gấu, các thêm cái
ghế Chủ tịch hội nhà văn, Nguyễn Quang Thiều và Phạm Ngọc Tiến cũng không dám viết Chuyện Làng
Nhô thứ hai.
Trước đây, đôi khi tôi có đọc thơ của Nguyễn Quang Thiều, nhưng
dường như ít có bài đọc trọn vẹn. Thơ Thiều thường rối rắm, tối
thui về ngữ nghĩa. Một thứ thơ méo mó, đọc không để hiểu. Hôm rồi
được mời đến dự buổi âm nhạc và thi ca ở gần thành phố tôi cư ngụ,
thấy có bác nhà thơ cộng đồng khá quen, lên đọc bài thơ “Lịch
sử tấm thảm Thổ Nhĩ Kỳ” của Nguyễn Quang Thiều rất hùng hồn. Chẳng
biết, có ai hiểu gì hay không, nhưng khán phòng cứ vỗ tay ầm ầm, khi
bài thơ kết thúc. Lát sau, nhìn thấy tôi, bác đến chào. Tôi hỏi, sao
bác không đọc thơ của mình, mà đọc thơ của Nguyễn Quang Thiều vậy.
Bác cười bảo, đọc thơ của mình nhiều rồi, hôm nay thay đổi không khí
chút. Tôi rút tờ giấy in bài thơ còn găm trên túi áo của bác ấy,
hỏi, thế bác có hiểu bài thơ này không. Bác nhà thơ này lắc đầu:
Thấy mọi người khen hay thì đọc vậy thôi.
Thành thật mà nói, Nguyễn Quang Thiều có tài năng viết báo, viết
văn thông tấn như đàn anh Trung tướng an ninh Nguyễn Hữu Ước, hoặc
những tản văn trải thật lòng mình về đất và con người. Còn những
cuốn sách tuyên truyền dạng Kẻ Ám Sát Cánh đồng dù có
được công kênh, nhưng nó chỉ là những trang viết chết.
Và cũng như Phạm Ngọc Tiến đã bán linh hồn bằng thứ danh hão,
Nguyễn Quang Thiều dù có ngoi lên giám đốc nhà xuất bản, hay Chủ
tịch hội nhà văn đi chăng nữa, thì vết ô nhục Chuyện Làng Nhô không
bao giờ rửa sạch.
Mời thư giãn với nhạc phẩm MỘT MAI GIÃ TỪ VŨ KHÍ
của Ngân Khánh, qua tiếng hát Đan Nguyên và Quốc Khanh:
*.
Leipzig ngày 24-4-2017
ĐỖ TRƯỜNG
Địa chỉ: Thành phố Leipzig,
tỉnh Leipzig,
Bang Sachsen, Cộng hòa Liên Bang Đức.
Email:
chinhnhan60@gmail.com
.
........................................................................................
- Cập nhật từ email: Phamchienthang1980@yahoo.com.vn
gửi ngày 23.02.2020
- Bài viết không thể hiện quan
điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét